RadioVn.Com – “Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, song những cựu binh của cả hai phía Mỹ – Việt vẫn khôn nguôi day dứt và không thôi những cuộc kiếm tìm, dẫu biết rằng phần nhiều trong vô vọng. Đó là lý do khiến tôi cầm bút chép lại thiên truyện này” – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc tâm sự.
Vừa ra tới con đường trải thảm nhựa phẳng lì, gã tài xế taxi phởn chí nhấn ga tăng tốc, bụng bảo dạ nhanh nhanh lên để còn kịp quay vòng kiếm thêm cuốc xe nữa. Sáng nay ra ngõ gặp giai, son thế! Gã đang vắt óc nhẩm mấy câu tiếng Anh tính bắt chuyện thì vị khách đã mở lời bằng một thứ tiếng Việt khá sõi, ông ta đưa tay ra hiệu cho xe chạy chậm lại. “Chỉ có mươi cây số thôi, vội gì?”. Đang sướng rêm cả người, gã tài xế mắt tròn mắt dẹt hơi chưng hửng nhưng hiểu ngay ra vấn đề, gã vội chiều theo ý khách. Ngồi sau tay lái, gã trai trẻ kín đáo liếc nhìn mái tóc đỏ quạch như râu bắp lòa xòa trên vầng trán chằng chịt những rãnh hằn trông như vạt ruộng gặp hạn lâu ngày của ông khách. Nom cha này có vẻ ngoài không mấy giống với đám Tây ba lô vẫn đi du lịch bụi mà gã vẫn thường gặp. Bọn họ cò kè mặc cả từng đồng, nếu ngả giá không xong thì họ sẵn sàng cuốc bộ chớ không thèm bước lên xe. Đừng tưởng bở, còn khuya mới bịp được cái bọn người keo cú này nhé. Quên đi.
Suốt quãng đường xe chạy, vị khách cứ nhấp nhổm trên nệm, ông ta hết ngó nghiêng lại lẩm bẩm điều gì không rõ. Chốc chốc, khách lại đưa mu bàn tay dày cộp lên dụi mắt để nhìn cho tường cảnh vật hai bên. Con đường quốc lộ chạy giữa rập rờn cánh đồng lúa đương thì con gái xanh nuột nà. Làng mạc miền Trung hiện ra với những bờ tre rậm rạp, những vạt dừa cao vợi. Khi dải gò đồi lượn lờ vừa nhô ra bên trái tầm mắt, ông khách bỗng chồm lên đưa tay lên phác một cử chỉ như người làm dấu. Gã tài xế chợt nhìn thấy nơi khóe mắt người đàn ông đứng tuổi có một vệt ươn ướt, lóng lánh. “Thôi rồi, đích thị là một cha Uét (US)
[1] tìm về chốn xưa rồi”.
– Này anh, sắp tới ngã ba Gò Quánh chưa vậy? Vị khách sốt ruột.
– Đến rồi đây, thưa ông.
– Stop! Cho tôi xuống đây!
– Sao hồi nãy ông bảo đến cổng phi trường?
– Ồ không, tôi rất xin lỗi. Tôi muốn được đi bộ một quãng.
Lập tức chiếc taxi tấp sát vào lề đường và khựng lại trước một dãy hàng quán thưa thớt người. Vị khách nhìn lom lom và khom người chui ra khỏi xe. Sau khi rút ví trả tiền, ông ta móc cây viết ra ghi lại số phôn bên hông xe để khi cần sẽ gọi. Điều ấy khiến cho gã tài xế lấy làm hãnh diện. Ngó quanh một lúc như để định thần và xác định phương hướng, người đàn ông xốc ba lô rảo bước. Con đường đất đỏ quạch lầm bụi dẫn vào sân bay ngày nào giờ đã được trải đá cấp phối. Đám lều lợp tôn rách nát lụp xụp biến đâu mất nhường chỗ cho những ngôi nhà gạch, mái ngói sẫm màu san sát bên nhau. Các cửa hiệu bày bán khá nhiều hàng hóa, không còn cái vẻ đìu hiu xơ xác của vài mươi năm về trước.
– Ngàn ơi! Ra coi kìa, khéo ba mày dìa (về) đó. Mau rước ổng vào, lẹ lên.
Giọng đàn bà lanh lảnh níu người khách dừng chân và ngoái cổ lại. Tiếng cười rộ lên cùng với những ánh mắt tò mò, lạ lẫm. Từ trong vuông cửa sổ của ngôi nhà có cây vú sữa bên đường vẳng ra âm thanh lạch xạch của chiếc máy khâu già nua, cũ kỹ. Người phụ nữ đang gò lưng đạp máy bỗng ngưng một nhịp và hững hờ ngước lên. Gương mặt trái xoan và cái nhìn vụt như một tia chớp khiến vị khách đờ ra trong giây lát như bị thôi miên. Đôi chân người đàn ông trở nên ngập ngừng, nửa muốn đi nửa muốn không. “Trời ơi, lẽ nào đó lại là hình bóng của Hương? Cái làng hẻo lánh của nàng ở tận đầu tây sân bay kia mà.”
Mãi nghĩ ngợi, đôi chân đưa vị khách vượt qua đường rày xe lửa và đến trước cổng sân bay lúc nào không hay. Tới khi nghe tiếng quát: “Đứng lại!” rất đanh của người lính trong bốt gác, ông ta giật nẩy mình và luống cuống lùi lại. Miệng rối rít xin lỗi, ông khách thò tay vào túi ngực lôi giấy tờ ra trình. Sĩ quan trực ban xuất hiện. “Chỉ huy của chúng tôi biết hôm nay ông sẽ đến. Mời ông vào phòng nghỉ tạm uống nước và vui lòng chờ một lát”.
Đặt ba lô xuống sàn nhà, vị khách rút khăn lau mặt và mỉm cười. “Xin đa tạ các ngài!”
***
Ba tháng trước, cấp trên chuyển đến cho thượng tá Đinh Thản – đoàn trưởng đoàn không quân Tây Sơn một bức thư. Nội dung như sau:
Kính gởi Ngài chỉ huy căn cứ sân bay Gò Quánh-Việt Nam!
Kính thưa Ngài chỉ huy!
Tôi là một người lính từng phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ. Những năm 1967, 1968, 1969, tôi đã đóng quân ở căn cứ sân bay Gò Quánh. Khi tôi đến Việt Nam, căn cứ sân bay này chỉ có một đường băng đầy rác rưởi. Chúng tôi ngủ trong những túp lều và hiếm khi có được một bữa ăn nóng. Năm 1969, khi tôi rời căn cứ thì sân bay đã đi vào hoạt động, thậm chí nơi đây còn có cả một hồ nước rộng để bơi nữa.
Lý do tôi viết cho Ngài là tôi muốn được trở lại Việt Nam để mong tìm lại một phần tuổi trẻ của mình, giải tỏa nỗi bức xúc dồn nén hơn 30 năm trời đằng đẵng. Tôi muốn đi thăm và chiêm ngưỡng toàn bộ đất nước Việt Nam trong thời gian một tháng, nếu được phép. Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi. Tôi đã trở thành một người đàn ông thực thụ ở đất nước của Ngài. Và căn cứ sân bay Gò Quánh là một phần chủ yếu của điều đó. Sau khi rời khỏi Không lực Hoa Kỳ, tôi vào học ở trường Đại học Seton Hal và đi sâu nghiên cứu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhờ đó, tôi đã hiểu thêm được nhiều điều. Nhưng tôi sống một cuộc sống không chút yên ổn. Đó là lý do tôi muốn thưa với các Ngài để xin được trở lại thăm Việt Nam.
Nếu được chấp thuận về lại Gò Quánh, liệu tôi có được phép đi dạo quanh căn cứ sân bay không? Tôi hiểu quy định như thế nào và xin cam kết thực hiện đúng. Xin cảm ơn Ngài!
Kính thư!
Tiến sĩ Bob Mullơ
Chưa đầy 15 phút sau, chiếc U-oát lượn một vòng nhỏ rồi dừng trước cửa phòng khách. Sĩ quan trực ban và người khách cùng bật dậy. Một người đàn ông trạc tuổi 45, cao lớn rắn rỏi bước ra khỏi xe trong bộ quân phục hè. Đó là một phi công MiG-21 dạn dày kinh nghiệm, người đã có trên ba ngàn giờ bay. Từ con người ấy toát ra vẻ quắc thước và sự linh lợi, đặc biệt nụ cười rất cởi mở, dễ gần. Vị khách thầm đánh giá chủ nhà, giây lát như bị thôi miên, ông ta lóng ngóng đưa tay lên phía trước.
– Xin chào Ngài chỉ huy!
– Chào mừng ông trở lại thăm đất nước chúng tôi. Cứ gọi tôi là Thản. Được phép của cấp trên, tôi sẽ dành trọn ngày chủ nhật này cho ông.
– Cảm ơn! Xin đa tạ – vị khách cảm kích nắm chặt hai tay.
– Mời ông ra xe, ta đi cho sớm, kẻo nắng.
Dọc đường vành đai sân bay, chiếc xe chạy rù rì như dẫn rượu. Nắng sớm trải một thứ ánh vàng lóa chóa giăng mắc khắp vùng đồi. Từng vạt bạch đàn bá vai nhau hong cái màu lá xanh ve xấp xõa trước ngọn gió vi vút. Chốc chốc theo yêu cầu của Mullơ, Thản lại ra hiệu cho dừng xe để vị khách được ngắm nhìn thỏa thích. Thường sau khi đứng như chôn chân tại chỗ, ông khách lại cúi xuống lượm viên sỏi nằm dưới gốc cây keo lá tràm mọc lúp xúp bên vệ đường cho vào túi. “Đây là nơi mà ngày mới đến đồn trú, mỗi buổi chiều tà chúng tôi thường kéo nhau ra ngồi ngắm mặt trời lặn xuống núi, nói chuyện tầm phào cho đỡ nhớ nhà rồi thi nhau ném những hòn sỏi xem ai xa hơn”. Dường như sợ Thản hiểu lầm, Mullơ phân trần. Thản cười nhẹ, không sao, ông cứ việc tìm lại những gì liên quan đến kỷ niệm của mình. Vị khách chỉ trỏ và hỏi luôn miệng, đôi khi bí từ ông ta đưa tay làm hiệu. “Cái hồ nước vẫn còn chứ, thưa ông?”. Thản gật. “Chúng ta sắp qua chỗ đó bây giờ.” Khi vừa nhìn thấy mặt hồ, Mullơ bỗng ồ lên như một đứa trẻ. Ông ta sải bước đến cạnh bờ đập tràn và cúi xuống đưa cả hai tay vục nước vả lên mặt. “Chúa ơi!”. Chính cái hồ này đã giúp Bob Mullơ cùng đám bạn đồng ngũ quên đi cái nắng nóng của xứ nhiệt đới cùng với nỗi lo sợ nơm nớp thường trực. Họ đã vẫy vùng tắm táp thỏa thích, nhưng ngày ấy hồ đâu có rộng thế này? Chúng tôi đã cải tạo lại vừa để thả cá vừa trữ nước giúp người dân quanh vùng khi gặp hạn hán. Thản giải thích.
Nhìn đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, khách chỉ tay về phía cái gò đất có hình mai rùa nằm cạnh đường. “Chỗ chúng tôi cắm lều ngày trước”. Bên kia đường, vườn xoài cằn cỗi thân đầy u bướu, cành lá lốm đốm từng đám rệp trắng. Mullơ xuống xe đi tới đi lui hồi lâu như để định vị cho chính xác cái vuông đất có khoảng không mà ông ta từng hít thở, từng nhận khẩu phần ăn và lăn ra ngủ như chết sau mỗi ngày phục vụ bay. Vẹt đám cỏ gianh vàng úa cao ngang ngực, người đàn ông phăm phăm bước tới. Thản và người lái xe tên Nghiệp cũng lặng lẽ vào theo. “Em nghi cái đầu lão này chập hết mấy con i xê (IC) rồi cũng nên”. Nghiệp đi sau khẽ cười và khều Thản, người đoàn trưởng giơ ngón tay trỏ ra hiệu im lặng. Đang đi, mũi giày của Nghiệp vấp đánh kịch một cái, anh nhặt lên một vật nhỏ nằng nặng lẫn với màu đất. Đem cọ sạch thì hóa ra một chiếc hộp quẹt Zippo hãy còn sáng loáng. Vị khách vừa bốc một nắm đất cho vào bịch nilon đã vội nhảy bổ đến bên Thản. Người chỉ huy đoàn bay đưa cho vị khách chiếc hộp quẹt, ông ta vồ lấy và ngắm nghía. Nhìn bên nắp chiếc Zippo có hai chữ cái: B.M, ông khách rú lên. “Đúng nó rồi, của tôi! Lần ấy, chúng tôi bị pháo kích vào lúc nửa đêm. Tất cả đều hoảng loạn, mạnh ai nấy chạy, cái hộp quẹt trong túi tôi văng đâu mất. Lúc quay về tìm mãi mà chẳng thấy. Nó là vật kỷ niệm của cha tôi tặng tôi ngày lên đường sang Việt Nam”. Bây giờ thì “châu về Hợp Phố” rồi nhé. Thản nói vui. Mullơ đưa chiếc Zippo lên hôn. Cảm ơn các Ngài!
Chiếc xe tiếp tục lăn bánh về phía tây sân bay, từng mảng đồi trọc hiện ra nham nhở giống như những vết thương lở loét lâu ngày chưa liền da non. Đây là chỗ đặt kho bom ngày trước, các hóa chất ngấm ra đất khiến cho không một thứ cây cỏ gì sống nổi. Vượt qua khỏi vùng đất chết ấy, đã nhìn thấy một ngôi làng bé tẹo giống như miếng keo salonpas dán nghiêng vào chân núi. Vị khách ra hiệu xin dừng xe và bước xuống, vỗ trán. “Chỗ này, nếu tôi không nhầm thì ngày trước có một cây me, rất lắm quả”. Thản ngỡ ngàng lắc đầu. Nghiệp nhíu mày. “Đúng đấy, anh Thản ạ. Em nhớ rồi, đúng là có cây me cổ thụ ở giáp hàng rào kia kìa. Cách đây ba năm, cái hồi anh đương học ở ngoài Hà Nội, trong một lần giông bão cây me bị sét đánh cháy trụi và chết đứng. Bên hậu cần cho lính đốn về làm củi, tụi em mỗi đứa kiếm được cái thớt hết ý”. Cả ba người cùng bước theo hướng tay chỉ của Nghiệp. Trước gốc me bị mối đùn lên lù lù như một nấm mồ chưa kịp mọc cỏ, Mullơ đứng sững hai vai rung rung. Nhìn những giọt nước mắt trên gương mặt người đàn ông đứng tuổi, Thản và Nghiệp vội lùi lại để vị khách được yên tĩnh một mình.
***
… Một lần, lính Mỹ bắt được một cô gái chừng 17 tuổi khá xinh xắn với một chiếc bị cói rách khoác trên vai. Người ta nghi cô gái là du kích tìm cách lọt vào sân bay để phá hoại. Nhưng khi khám xét thì cô ấy lại chẳng có một thứ vũ khí hay chất nổ gì cả, trong bị cói chỉ có những chùm quả me như ngón tay nần nẫn. Qua viên thông dịch, cô gái tên Hương cho biết mẹ cô đang bịnh ở nhà, bà thèm một tô canh cá biển nấu chua. Ngặt nỗi, cả vùng không bói đâu ra lấy một quả me. Có cá, có thơm, cà chua rồi hành ngò nhưng nếu thiếu me thì vẫn không ra nồi canh chua, cô ấy bảo vậy. Cây me chỗ giáp ranh vốn nằm trong đất vườn nhà cô gái, khi người ta xây dựng sân bay thì hàng trăm hộ dân trong đó có nhà cô ấy bị xúc dồn vào chân núi. Vì quá thương mẹ nên cô gái đành liều trở về vườn cũ nằm trong hàng rào sân bay, lúc hái đầy giỏ me trở ra thì cô bị lính tuần tra bắt gặp. Cô gái vừa phân trần vừa khóc. Sau này khi đã quen nhau, tôi hỏi Hương tại sao lúc ấy em lại khóc, Hương bảo vì lo cho mẹ với đàn em dại ở nhà chớ không phải cô sợ. Người ta cho gọi tay xã trưởng vào sân bay để hỏi về trường hợp của cô gái. Vừa nom thấy Hương, vị chức sắc ốm nhách này liền đảo mắt láo liên như quạ vào chuồng heo. Gã cười hềnh hệch mà rằng dân vùng này thì ai mà chẳng là Vixi, dầu gì thì con nhỏ cũng có lỗi cho nên gã xin được bảo lãnh. Nghe vậy, Hương một mực không chịu. Quan sát thái độ của tay xã trưởng, thấy có điều gì đó khuất tất nên sau khi xem xét kỹ lưỡng viên trung úy bèn cử tôi và một người nữa đánh xe Jeep đưa cô ấy về tận nhà.
Mẹ Hương ốm thật, bà nằm khặc khừ trên chiếc chõng tre đặt giữa nhà. Chồng bà bị chết do đạn lạc, để lại bốn đứa con, Hương là chị cả. Chúng tôi quen nhau từ đó. Hàng tuần vào ngày chủ nhật rảnh rỗi tôi thường lén vượt rào tới thăm gia đình Hương. Thoạt đầu, mẹ nàng cùng mấy đứa em trai luôn nhìn tôi với ánh mắt dò xét, lạnh lùng. Tôi dạy Hương học tiếng Anh và đổi lại, cô ấy cũng dạy tôi bập bẹ nói tiếng Việt. Tôi nhận thấy dù quá nghèo túng nhưng Hương cũng như mẹ và các em nàng đều không ham hố vật chất, tiền bạc. Nhiều lần tôi mang theo ít đồ hộp với đường, sữa biếu gia đình nhưng năn nỉ thiếu điều muốn rớt lưỡi mà không ai chịu nhận. Tôi biết tay xã trưởng vẫn thường qua lại buông lời ve vãn Hương, hắn bị mẹ nàng chửi té tát. Thú thật, ban đầu làm quen với Hương không phải tôi không có chút toan tính. Cảnh lính tráng xa nhà kiếm được một cô gái người bản địa để giải sầu cũng hay, chiến tranh biết sống chết thế nào. Nhưng khi mối quan hệ đã trở nên thân tình, tôi thấy Hương là một cô gái rất đỗi dịu dàng nhưng cũng rất cứng cỏi, chưa khi nào cô ấy thở than hay có ý lợi dụng tôi một điều gì. Vì vậy, từ chỗ quý mến tôi đâm ra nể trọng cô ấy. Tục ngữ Việt Nam có câu gì người ta hay nói đến mưa và giếng ấy nhỉ, ngài chỉ huy còn nhớ không?
– À, đó là câu: “Năng mưa thì giếng năng đầy. Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương”.
Thản tiếp lời.
– Phải, đúng rồi, thưa ông. Xin cảm ơn!
Chừng như thấy tôi không có tà ý nên dần dà mỗi lần tôi đến chơi mẹ Hương cũng bớt lạnh nhạt, mấy đứa em trai bắt đầu đùa giỡn với tôi. Điều ấy khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Vào các dịp lễ Tết hay nhà có giỗ chạp, tôi còn được mẹ nàng đãi món bánh cuốn, bánh hỏi ăn với thịt heo quay, rồi bánh xèo… Tôi khoái nhất món chả ram cuốn tôm nóng giòn do Hương làm, khi ăn kèm với rau sống, dưa leo, thịt heo và trứng tráng mỏng. Tất cả được cho vào trong bánh đa nem quấn lại và chấm với thứ nước lèo pha trộn rất vừa khẩu vị. Tôi đã bỏ ra hàng giờ để quan sát Hương làm, từ công đoạn gói chả ram rồi bỏ chảo chiên cho tới lúc giã mắm, cô ấy hỏi tôi liệu sau này về Mỹ tính mở tiệm ăn Việt Nam hay sao mà chú mục dữ vậy? Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nói được một câu hay đến vậy. Tôi nói tôi chỉ mở quán ăn một khi Hương là bà chủ, cô ấy cười nguýt tôi một cái thật dài. “Đừng có mơ!”. Sau này tôi đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, tôi được nếm nhiều thứ cao lương mĩ vị nhưng thú thật chẳng có món gì có thể sánh được với món chả ram của cô ấy nhắm với rượu Bầu Đá. Về phương diện ẩm thực, có lẽ người Việt các ông là số một. Ai đó từng nói nước Mỹ là một quốc gia, chứ không phải là một dân tộc. Ngược lại Việt Nam không chỉ là một quốc gia thống nhất, Việt Nam còn là một dân tộc. Người Mỹ đã bại trận vì không nhận thức được điều này.
Từ sau dịp Tết Mậu Thân, chúng tôi bị các cấp chỉ huy hạn chế không cho tiếp xúc với dân chúng địa phương. Có khi hàng tháng trời tôi mới được gặp Hương một lần, chúng tôi thường lấy cây me làm điểm hẹn. Tôi bày cách cho nàng phát hiện những chỗ có gài mìn để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Dưới gốc me này, một buổi tối mùa xuân rời rợi, tôi đã hôn nàng. Thoạt đầu thì Hương cưỡng lại, cô ấy nhất quyết không cho tôi chạm vào người. Gã con trai 20 tuổi của thành phố Edge Water thuộc bang New Jersey là tôi đã lập tức quỳ xuống cầu xin tình yêu của người con gái Việt Nam. Lúc bấy giờ trông nàng kiêu hãnh và nhân từ như Đức Mẹ đồng trinh. Nàng khẽ nâng đầu tôi áp vào bộ ngực thanh tân của mình. Và tôi đã trao cho nàng nụ hôn say đắm của tình yêu.
Sau đó ít lâu, Hương lên thị trấn học nghề thợ may, chúng tôi có điều kiện gặp nhau nhiều hơn. Vài lần tôi bị phạt giam vì tội sao nhãng công việc và có dấu hiệu vi phạm những điều cấm. Khi Hương ra nghề, tôi đã góp nhóp được ít tiền mua tặng cô ấy một chiếc máy khâu hiệu Sinco mới cáu cạnh của Nhật. Món quà nhỏ ấy không chỉ bất ngờ với nàng mà còn khiến mẹ và các em nàng vui sướng. Hương cảm ơn tôi và bảo coi như nàng vay vốn làm ăn, chừng nào kiếm được tiền nàng sẽ xin hoàn trả lại đầy đủ. Tôi gật và cảm thấy hãnh diện vì đã làm được một việc có ý nghĩa đối với gia đình cô ấy. Nhưng tôi không biết rằng cũng từ dạo ấy, nàng và mẹ nàng đã phải hứng chịu nhiều điều ong tiếng ve của bà con lối xóm. Có kẻ ác khẩu còn chửi nàng là đồ “me Mỹ”, rằng nàng đã “chài” được cả một thằng Mẽo trong phi trường để kiếm ăn. Những lời thị phi ấy giống như mũi dao nhọn thọc vào trái tim Hương khiến cô ấy rất đau khổ và tìm cách xa lánh tôi. Nhiều khi vừa thoáng bóng tôi là nàng trốn biệt hoặc cho mấy đứa em ra bảo chị hai không có nhà. Thái độ ấy khiến tôi khó hiểu. Tôi đem chuyện này ra kể với đám bạn đồng ngũ thì bị chúng cười vào mũi là “đồ dại gái”, thế mới hận chứ. Tôi bực lắm, thậm chí có lúc tôi đã căm ghét cô ấy vì tội “qua cầu rút ván”.
Mãi sau này khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, tôi mới hiểu dư luận xã hội ở đất nước các ngài có một sức mạnh khủng khiếp như thế nào, nhất là ở các vùng thôn quê. Mỗi lần giận Hương, tôi lại nhớ đến đôi mắt đen lay láy với cái nhìn thăm thẳm và trong veo như hồ nước của nàng. Không, ngàn lần không, nàng không thể là con người bội bạc, chắc hẳn phải có nguyên do gì đây. Nghĩ vậy, tôi quyết tìm gặp Hương để có câu trả lời, nàng là người thế nào? Và rốt cuộc thì chúng tôi cũng gặp lại nhau, đúng hơn là nàng đã chủ động hẹn tôi. Một chiều thứ bảy, Hương xin phép mẹ lên thị trấn mua vải về cắt đồ như mọi bận và ở lại nhà người bạn hôm sau mới về. Lý do xác đáng ấy đã được mẹ nàng chấp thuận.
Đêm ấy, một đêm hè đầy sao, trời trong ngần. Khi mảnh trăng liềm đầu tháng chênh chếch gác ngang đọt cây me thì chúng tôi đã tay trong tay. Hương kể lại nguồn cơn trong tiếng nấc nghẹn ngào. Nàng bảo nếu không có người mẹ và mấy đứa em thì nàng đã bỏ làng đi xứ khác kiếm ăn từ lâu rồi. Giờ đây, nàng là chỗ dựa của cả nhà nên càng phải nhẫn nhịn, nàng không được phép làm điều gì khiến người mẹ vốn đã ốm yếu phải đau khổ thêm. Tôi ngước lên bầu trời, nhìn những vì sao chi chít đang nhấp nháy trong đêm và tự hỏi ngôi sao chiếu mệnh của tôi và Hương ở đâu? Gió mát rượi mà lòng tôi bức bối không sao chịu nổi. Tôi mở cái hộp nữ trang nhỏ lấy ra một chiếc dây chuyền bằng vàng y, chiếc mặt nạ hình trái tim có khắc nổi hai chữ M.H lồng vào nhau đặt vào lòng bàn tay cô ấy. Hương xuýt xoa khen đẹp và để yên cho tôi khoác nó lên ngực. Ngắm nghía một hồi lâu, không kìm nổi xúc động, tôi đã hôn lên chiếc mặt nạ và ôm choàng lấy cô ấy. Chúng tôi hôn nhau và không còn biết gì trời đất xung quanh nữa. Dường như cả thế gian lúc ấy chỉ có hai người yêu nhau đang tồn tại. Dưới gốc me này, trong bản nhạc ran ran của giun dế tấu khắp sườn đồi, nàng đã bật khóc và tôi đã trở thành một người đàn ông như thế.
Hai tháng sau, đơn vị tôi được lệnh chuyển ra Đà Nẵng. Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn nửa ngày để chuẩn bị. Tin báo đột ngột khiến tôi như người phát cuồng. Tôi quơ mấy thứ đồ tư trang nhét vội vào cái túi mìn clâymo chạy ào đến nhà Hương ngay trong buổi sáng. Căn nhà vắng hoe, mỗi mình nàng đang cặm cụi ngồi đạp máy khâu. Tôi thắt lòng khi nhìn thấy Hương gầy, dáng điệu mỏi mệt và gương mặt tái xanh. Vừa thoáng bộ dạng hớt hải của tôi, nàng thất thần gục ngay xuống bàn máy. Tôi đỡ Hương xuống chiếc chõng tre, lát sau nàng hồi tỉnh lại. Phải khó khăn lắm tôi mới dám thông báo cho nàng cái tin động trời kia. Hương thảng thốt. Nàng cầm tay tôi đưa áp lên bụng và cho biết tôi sắp được làm cha. Tôi rú lên như một con sói, còn nàng thì lặng lẽ khóc mùi. Hương bảo nếu mẹ nàng biết chuyện này thì chắc bà không chịu nổi, nhưng thôi số trời đã định vậy, chúng mình hẹn kiếp sau. Tôi ghì chặt nàng vào lòng và hôn nàng trong nước mắt. Lúc bấy giờ tôi chẳng nhớ mình đã nói những gì nữa, à tôi hứa với Hương là nếu còn sống thì thế nào tôi cũng sẽ trở lại đây tìm mẹ con nàng. Cô ấy bịt miệng không cho tôi nói. Nhìn đồng hồ đã chỉ sang 10 giờ, tôi vội vàng lục bóp lấy ra một tấm ảnh chụp thẻ quân dịch với tất cả số tiền còn lại đặt vào tay Hương. Cô ấy cầm lên như một cái máy rồi bỏ ngay xuống bàn. Chúng tôi ôm lấy nhau lần cuối, nụ hôn mặn chát vì nước mắt. Khi tôi chạy ra đến ngõ thì nàng bỗng khụy xuống trước sân. Hình ảnh ấy luôn ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi đã gửi cho Hương không biết bao nhiêu lá thư nhưng không có hồi âm, vì thế tôi cũng chẳng biết là mình đã có một đứa con trai hay con gái? Nó còn sống hay đã chết? Về Mỹ, hết chiến tranh tôi cũng đã lấy vợ nhưng không có hạnh phúc, chúng tôi đã chia tay. Tôi là kẻ có tội với mẹ con cô ấy…
– Bằng ấy thời gian ông ở đâu, làm gì mà tới giờ mới quay lại tìm người ta, vậy chẳng hóa ra ông là kẻ vô tình vô nghĩa hay sao?
Suốt buổi im lặng nghe vị khách tâm sự, Thản chợt lên tiếng.
– Vâng, nói theo ngôn ngữ của người Việt các ngài thì tôi là kẻ bạc tình. Vì vậy, tôi muốn tìm về để mong được chuộc lại lỗi lầm.
– Thôi, chuyện cũ khép lại đây. Bây giờ cũng đã trưa, xin mời ông về dùng cơm với chúng tôi.
– Xin đa tạ ngài chỉ huy. Thú thật, lần đầu tiên trở lại Việt Nam tôi không dám mong gì nhiều. Các ngài đã cho kẻ thù cũ là tôi được hưởng quá nhiều ân huệ. Người Mỹ đã sai lầm khi gây ra cuộc chiến tranh nhằm hủy diệt đất nước này.
***
Sáng sớm hôm sau, Bob Mullơ xuất hiện trước cửa phòng trọ ở thị trấn với cặp mắt đỏ ngầu vì suốt đêm thức trắng. Vị khách gọi xe ôm chạy về cái làng nhỏ dưới chân núi nằm ở phía tây sân bay. Vật đổi sao dời. Người đàn ông cố sức lục lọi trong trí nhớ mong manh ngõ hầu tìm lại những dấu tích quen thuộc của ba chục năm về trước, song dường như mọi thứ càng lúc càng trở nên mờ mịt, xa vời.
Trở về cái xóm cũ, gặp những nếp nhà chen xít bên nhau, cây cối trong vườn xanh um, vị khách thấy nao cả người. Thật khó lòng nhận biết đích xác ngôi nhà cũ của cô ấy nằm ở vị trí nào trong số đó bởi ngày ấy vùng này cư dân còn thưa thớt lắm. Mullơ thấy đôi chân mình nặng như có đá đeo, tưởng chừng không còn lê nổi tấm thân. Đưa hai tay ôm lấy ngực, ông khách ngỡ còn nghe văng vẳng đâu đây giọng nói nấc nghẹn của người con gái tên Hương và hình bóng nàng đổ khụy xuống trước hiên nhà lúc chia xa. Tiếng chó sủa nhặng xị đã khiến cho rất đông con nít và cả những người lớn tuổi túa ra đường bu lấy ông Tây ba lô lạ hoắc vừa xuất hiện. Mới đầu ai cũng nghĩ chắc ông khách này lạc lối chứ Tây thì đến chốn khỉ ho cò gáy này làm gì. Nghe khách hỏi thăm một người đàn bà tên Hương từng sống ở đây, ai nấy đều tỏ ra sốt sắng. Có điều chẳng ai đưa ra được một thông tin gì mới. Người thì quả quyết bảo mẹ con cô ấy bồng bế nhau ra Đà Nẵng đi tìm cái ông lính Mỹ ngay từ hồi mới sinh đứa nhỏ, không thấy quay về. Có người lại nói chắc như đinh đóng cột rằng sau khi “lỡ làng”, Hương đã lấy một viên sĩ quan người Việt đóng trong phi trường, sau giải phóng cả nhà đã xuất cảnh sang Mỹ theo diện H.O. Người khác lại cãi rằng không phải vậy. Cái nhà cô Hương ấy đúng là “hồng nhan bạc mệnh”, mẹ chết còn đứa con gái về sau bị mấy ông cậu bán cho một người giàu có ở Sài Gòn để làm hồ sơ xuất cảnh diện con lai…
Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho vị khách ù đặc cả hai tai. “Chúa ơi! Chẳng lẽ Người trừng phạt con như vậy chưa đủ hay sao?”. Trở về nhà trọ, Mullơ nằm bẹp suốt một ngày chẳng thèm ăn uống, lòng hoang mang cực độ. Nếu không tìm thấy tung tích mẹ con Hương thì kể như chuyến đi này hoàn toàn vô nghĩa. Người đàn ông cay đắng tính rút ngắn chuyến đi để sớm trở về Mỹ, không còn chút hứng thú nào để đi thăm thú như đã dự định nữa. Trong cơn tuyệt vọng, Mullơ chợt nghĩ đến Thản, người chỉ huy căn cứ sân bay Gò Quánh. Vị khách bèn viết một bức thư khẩn khoản cầu xin sự giúp đỡ của những người lính không quân Việt Nam với lời tái bút “xin hậu tạ xứng đáng”.
Dù đang giữa mùa bay bận rộn nhưng thượng tá Đinh Thản vẫn hội ý Ban chỉ huy trung đoàn chấp thuận lời đề nghị của Bob Mullơ và phúc đáp ngay cho ông ta. “Trong phạm vi cho phép, chúng tôi sẽ ráng hết sức giúp ông tìm lại người thân. Có điều, xin đừng nói chuyện tiền bạc ở đây, bởi trên đời này có những thứ vô giá, ấy là tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người”. Thiếu tá Đặng, trợ lý bảo vệ an ninh được giao nhiệm vụ dò tìm manh mối người đàn bà mà vị khách yêu cầu. Thật chẳng khác nào mò kim đáy bể nhưng kinh nghiệm cộng với mối quan hệ công tác trên địa bàn khiến Đặng vững dạ vào cuộc.
Mỗi ngày chờ đợi với Mullơ có lẽ còn dài và nặng nề hơn cả một thế kỷ dồn lại. Mồm miệng nhạt thếch, tay chân bải hoải, khách đứng ngồi không yên. Đúng năm ngày sau, vào giữa trưa, Mullơ vừa ngả lưng thì có tiếng gõ cửa gấp gáp. Bà chủ nhà trọ ló đầu vào: “Ông có khách!”. Tưởng ai, hóa ra đó chính là người trợ lý mà Thản đã phái đi từ hôm đầu tuần. Anh ta còn trẻ nhưng nước da ngăm ngăm nên thoạt trông có vẻ hơi nghiêm nghị, kiệm lời nhưng đôi mắt lại ánh lên những tia vui. “Có tin cho ông rồi. Mời ông đi theo tôi”.
Họ dừng lại trước ngã ba Gò Quánh. Mullơ chợt rùng mình. Quả là trực giác không mấy khi đánh lừa con người. Đúng là “gần nhà xa ngõ”. Đi loanh quanh một hồi rồi lại trở về vạch xuất phát. Ngôi nhà nhỏ có cây vú sữa trái căng mọng đung đưa trước mảnh sân, vuông cửa sổ vẫn để ngỏ nhưng chiếc bàn máy khâu phủ một tấm vải điều. Người đàn ông chủ nhà trạc tuổi bốn mươi bước ra mời khách vào nhà. Mullơ quan sát khắp căn nhà, mắt nhìn xoáy vào bức hình bán thân của một người đàn bà trẻ nằm ở góc trái ban thờ. Một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến vị khách ớn lạnh. “Hương! Đúng là cô ấy rồi!”. Mullơ kêu lên tắc nghẹn rồi đứng nhìn trân trối. “Thắp ba cây nhang để bà ấy biết là ông đã về”. Đặng khẽ nhắc. Vị khách lập cập làm theo như một cái máy. Khói nhang lòa nhòa khiến cho gương mặt của người trong khung hình lúc mờ lúc tỏ.
“Bà xã tôi không có nhà. Bả dặn mấy ông có tới thì đưa cái này”. Chủ nhà vừa rót nước vừa đưa ra một chiếc hộp nữ trang đã bợt bạt, kèm theo một tờ giấy gấp tư. Mullơ đưa hai tay đỡ lấy chiếc hộp nhỏ và run run bật nắp. Từ bên trong rơi ra một chiếc dây chuyền vàng còn sáng nước, điều đó chứng tỏ nó được chủ nhân gìn giữ rất cẩn thận. Vị khách mân mê hồi lâu chiếc mặt nạ hình quả tim nhỏ xíu có hai chữ cái lồng vào nhau. Gương mặt người đàn ông đang đỏ bừng đột nhiên chuyển sang tái xám. Những nếp nhăn dồn lại chằng chịt như rãnh cày vừa đổ ải, khiến cho nước mắt cứ ứa ra thành dòng ngân ngấn, loang lổ. Đôi vai to bè rung lên bần bật, khách nức nở thành tiếng như trẻ bị đòn oan khi đọc mẩu giấy.
“Thưa ông!
Thiệt tình tôi không biết phải xưng hô với ông cách sao cho phải phép bây giờ. Tôi biết sớm muộn gì rồi cũng sẽ có cái ngày hôm nay, chỉ thương má tôi bạc phước không đợi được ngày trùng phùng. Linh cảm đàn bà đã giúp tôi nhận ra ông ngay từ bữa ông mới đặt chân đến Gò Quánh. Kỷ vật má tôi để lại bao năm nay vẫn được bọc kỹ để dưới đáy rương, thú thật tôi cũng chưa hề xem có những gì trong ấy, đơn giản vì tôi muốn quên đi quá khứ đau buồn. Nay xin gởi lại ông tất cả. Má tôi đã chết thảm vì một căn bệnh quái ác, nhưng cho đến tận lúc trút hơi thở cuối cùng bà vẫn không hề oán hận ông. Tôi đã có một gia đình nhỏ, xin ông đừng tìm gặp tôi làm gì. Chúng tôi chỉ muốn được sống yên ổn trên chính quê hương mình.
Chào ông!
Ngàn – con gái má Hương”.
Vị khách buông rơi tờ giấy và gục xuống bàn nước. Trong trí não của người đàn ông như vừa có một luồng điện xẹt qua, dường như tất cả đất trời đang quay cuồng và sụt lở dưới chân…
_________
1 US: Tiếng lóng chỉ lính Mỹ
Tác giả: Nguyễn Minh Ngọc – giọng đọc: Vân Anh – Thực hiện: BTV. Thu Viễn
Từ khóaNghe đọc truyện Nguyễn Minh Ngọc truyện đêm khuya Vân Anh
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …