Bài nổi bật

Văng vẳng nơi xa thẳm

 
Cuối năm 1972 tôi rời mặt trận Quảng Trị ra Bắc. Vừa ra đến Hà Nội, chưa kịp nghỉ một ngày, tôi được bổ sung ngay về bộ phận trực chiến của phòng Thông tấn quân sự. Thế là mong muốn ra đến miền Bắc là tranh thủ về Thái Nguyên thăm nhà và ghé Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, thăm lại những người làm công nhân một thời ở đó bị gác lại. Mỹ lại muốn đánh phá Miền Bắc khi những cuộc gặp gỡ ở Pari không có kết quả gì. Những người lính chúng tôi dù làm bất cứ việc gì lại vào cuộc. Lính thời chiến mà, chuyện nhà khoan đã.
 
Ngày 18 tháng 12. Mỹ ném bom vào kho Đ.G. Nghe tiếng bom rền tôi đoán chắc chúng ném bom B52. Ở chiến trường quá quen với những trận bom này rồi. Hôm sau, nghe thông báo thì đúng thật, chúng đã dùng đến B52. Hôm ấy tôi ở nhà bác tôi ngay đầu phố Phó Đức Chính. Đêm, thấy tôi cứ nằm ngủ trên cái phản giữa nhà, bác tôi thét lên: “Xuống hầm ngay, muốn chết hả?”. Tôi làu bàu: “Cháu không chết đâu. Quảng Trị còn chẳng chết. Bom ở đây xa tít, lo gì”. Nhưng đến khi kho Đ.G. cháy, lửa sáng ngút trời, tôi không nhịn được lao ngay lên đê Yên Phụ, ngóng cổ nhìn sang.
Không thể rời Hà Nội vào lúc này được.
Hà Nội căng như dây đàn. Đúng là tụi Mỹ muốn biến Hà Nội trở lại thời đồ đá thật. Những trang ghi chép của tôi trong những ngày chiến đấu chống cuộc tấn công bằng pháo đài bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng mỗi lúc một dài thêm.
Chiến tranh khiến Hà Nội vắng hẳn đi. Những chiếc tàu điện vốn thường xuyên chật ních người thế mà nay vắng teo, mỗi toa chỉ có dăm ba người. Đường phố cũng ít người qua lại. Chỉ còn những người có trách nhiệm ở lại. Dân đi sơ tán, bộ đội lên trận địa, dân quân tự vệ cũng có những trận địa của họ…
 

 
 
Gần mười ngày sau đồng chí trưởng phòng Thông tấn quân sự kêu tôi lên và bảo:
– Cậu người Thái Nguyên hả. Thông cảm nhé. Chiến tranh mà. Hôm nay cậu về Thái Nguyên đi. Tranh thủ thăm nhà và viết một bài về Thái Nguyên trong những ngày này nhé.
Nhất rồi còn gì.
Liệu Thái Nguyên có thoát khỏi những trận bom rải thảm của B52 không đây?
Và ở Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ kia với tôi còn có một người. Sẽ có người hỏi: “Ai vậy? Đàn bà hả? Người yêu sao?…”. Dạ thưa đúng là đàn bà, nhưng tình yêu thì không. Chỉ biết là tôi rất muốn gặp lại chị mỗi khi về Thái Nguyên. Giống như một ám ảnh vậy…
2.
Hồi chiến tranh phá hoại lần trước, nhà bác Lư kế bên nhà tôi sơ tán sang Đồng Xe, để lại một khoảng đất trống gồm một nền đất phẳng phiu và một khoảng sân có thể tập trung được một vài trăm người. Vì thế nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ thường tổ chức văn nghệ ở đây. Chỉ cần lấy phông màn dăng lên trên nền đất cao đóng mấy cây cọc, căng thêm tấm vải cách mặt đất chừng gần một mét, thế là có sân khấu để biểu diễn rồi.
Vì có một sân khấu ngay cạnh nhà nên tôi biết chị Tuyến. Tuổi chị chắc hơn tôi không bao nhiêu nhưng vì chị đi làm sớm hơn, nên tôi gọi chị cũng là phải. Nghe mọi người bảo chị làm phụ nề. Nhưng chị nổi tiếng vì cái khác. Chị là người hát hay. Chỉ nhìn lũ trẻ chơi trò chơi sân khấu thì đủ biết chị “nổi tiếng” như thế nào. Cũng có một đứa bước ra, hai tay chắp trước ngực, nghiêng đầu:
– Tiếp theo chương trình, mời các đồng chí và các đại biểu nghe chị Hồng Tuyến trình bày bài…
Thế rồi những “Hồng Tuyến” bước ra. Đứa béo, đứa gầy, đứa cao, đứa thấp, đứa nào cũng gân cổ lên mà hát. Xa khơi, Bình – Trị – Thiên khói lửa, Nổi lửa lên em… Đứa nào cũng tưởng mình là Hồng Tuyến chính hiệu.
Như vậy đấy, chị Tuyến nổi tiếng ít nhất cũng là ở cái nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ này. Trong những ngày chiến tranh phá hoại, chị vào đội văn nghệ xung kích và thường xuyên đến với các trận địa pháo cao xạ. Chị hát ở đấy. Những trận địa lâu lâu không thấy chị lên là nhắn về chỗ chị làm: “Hồng Tuyến lên với chúng tôi đi. Muốn nghe chị hát quá rồi”. Ngày ấy, sau những cuộc đối đầu với máy bay Mỹ, tiếng hát có khi còn cần hơn cả cơm ăn, nước uống nữa.
Nhưng buồn cho chị. Không ai khen chị đẹp. Ở đây những kẻ ác miệng gọi chị là “Tuyến mất tai”. Có người còn nói như biết rõ lắm về cái tai của chị. Họ tả: Tai của chị nó không giống như cái tai của người ta, nó dính liền vào da đầu, và, chỉ để chừa ra một chỗ đủ để nhận âm thanh. Mọi cái với chị giống như một nghịch lý: gương mặt xương xẩu, hai mắt xếch, cái miệng hô, cặp môi dầy hơn bình thường…

 
Nhưng chị lại hát hay. Phải đến hôm được xem văn nghệ ở cái sân khấu đơn sơ cạnh nhà, tôi mới được biết điều đó. Không có lấy một chiếc micro, giọng chị cứ thế vút lên giữa không trung. Bữa đó là một đêm đầy sao. Những người trên sân khấu và những người ngồi xem chẳng lạ gì nhau. Giọng chị khỏe thật, vói cao, bay lơ lửng đâu đó, khiến người nghe cứ chơi vơi, im lặng tìm, im lặng nghe. Tôi cũng vậy, im lặng nghe, chỉ sợ bài hát sớm hết. Nhưng rồi bài hát cũng phải hết. Chị Tuyến đứng lặng trên sân khấu hồi lâu, cho đến lúc tiếng vỗ tay ào lên. Tiếng vỗ tay hôm đó đến tận hôm nay tôi còn nhớ. Nó cũng rất thật thà, ào ạt, giống như người thợ, ăn to nói lớn cho át tiếng máy ầm ào. Chị Tuyến bước xuống, cười, đón nhận bát nước chè xanh của ai đó đưa cho, uống ngon lành. Rồi người ta la hét, đòi chị hát nữa, thêm bài nữa, bài nữa… Ban tổ chức phải thay chị cám ơn, sau đó phải thay vào một mục tấu hài. Tiếng cười sảng khoái rộ lên người ta mới tạm quên chị Tuyến.
Người ta bảo ghét của nào, trời trao của nấy, đúng không sai. Tôi phải về làm công nhân nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Học xong cấp ba, tôi muốn vào đại học hơn nhưng bố tôi muốn tôi đi làm để có lương, phụ giúp thêm gia đình nuôi các em.
Vậy là tôi trở thành anh công nhân trẻ măng ở tổ nghiền Hai. Thật bất ngờ, chị Tuyến cũng làm việc ở đó. Không thể để ca sĩ đi phụ nề mãi được. Ít nhất cũng phải lo cho cô một chỗ làm ổn định để cô còn yên tâm phục vụ. Vậy là chị Tuyến thành công nhân nghiền. Dãy phân xưởng nghiền nằm giữa, phía trên là những chiếc máy rửa, lúc nào cũng nồng nặc mùi sút bị hầm qua hơi nước nóng và sũng nước, phía dưới là những cỗ máy xeo giấy. Mỗi cỗ máy nghiền giấy là một cặp mô-tơ ngàn ki-lô-oát, chạy điên đầu suốt ngày này sang tháng khác. Hôm nào chạy giấy viết thì còn khá, những ngày cuối năm, để hoàn thành kế hoạch, người ta chạy giấy các-tông, hoặc giấy gói thì coi như đám công nhân chúng tôi mắc nạn. Bột giấy chứa trong két. Chúng tôi đứng thành dây, khoẻ nhất đứng đầu, dùng xẻng đào từng cục, hất chuyền cho người sau, cứ thế mà chuyền cho ra tới bể nghiền. Phía trên bột khô, phía dưới bột còn nguyên nước, vào xong một bể, người nào người ấy ướt như chuột lột. Ra ngồi chỉ chừng mươi phút lại chui vào két nữa. Tôi đến làm việc vào cuối năm, đúng lúc người ta giăng khẩu hiệu phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Và cũng ngày đầu tiên ấy tôi đã gặp chị Tuyến. Ở đây người ta gọi nhau bằng những cái tên kép mà hình như không sợ bị tự ái. Anh Minh “mặt đỏ”, anh Giao “điếc”, anh Nhu “sẹo”, cậu Sử “gà tồ”… và người ta cũng không ngần ngại gọi Tuyến “mất tai”, tôi mới đến làm việc, anh em đã kịp đặt thêm chữ “còi” sau tên tôi.
Ca đêm hôm đó, trời rét căm căm. Máy chạy giấy viết loại mỏng. Suốt ca chỉ cần ba, bốn bể bột là đủ. Những hôm như thế, đã nhàn càng nhàn hơn. Không phải chui vào két bột. Bột có thể lấy thẳng từ trên máy rửa xuống. Chỉ cần kê máng, móc lỗ đáy máy rửa là bột trút xuống máy nghiền rồi. Anh em trong tổ chất một đống củi ở giữa sàn máy, ngồi quay lại sưởi ấm và tán dóc. Vào những lúc như thế, anh Minh mặt đỏ là người nhiều chuyện nhất. Mà chuyện gì anh cũng vận vào mình được. Mới chỉ làm việc  được vài ba tháng, tôi đã nhiễm nhiều chất thợ từ anh. Làm cật lực, chơi hết mình, nói dóc một cây, và nhất là những chuyện tục tĩu thì cứ xả láng. Sau này, tôi tự lý giải: công việc càng nặng nhọc bao nhiêu thì người ta càng thích cười bấy nhiêu. Muốn cười nhiều thì gì bằng những câu chuyện tiếu lâm tục tĩu của dân gian. Hôm đó cũng thế, bên đống lửa âm ỉ cháy, những chuyện tiếu lâm lại râm ran và những tiếng cười lại vang lên giữa những tiếng máy chạy ầm ào. Anh em xoay anh Minh “mặt đỏ”:
– Này Minh “mặt đỏ”, nghe nói ông không thuộc hết tên con, phải không?
– Bậy nào, tên con không thuộc thì thuộc cái gì…
– Thì ông kể xem…
– Này nhé – Anh Minh kể – Thằng Mạnh, thằng Mộc, cái Mận, cái Mơ, thằng Mứt, cái Mạc…
– Thôi ông ơi, bọn tôi không hỏi những đứa đã đẻ, những đứa chưa đẻ  kia…
– Chưa đẻ làm sao có tên được… À, tao hiểu rồi… chúng mày bảo vợ tao đẻ như gà chứ gì… Nhưng biết làm sao được. Cái thằng thứ bảy, à quên cái thằng thứ tám kia. Bữa đó tao thèm thuốc lào quá. Thuốc đã nạp vào nõ rồi. Nhưng mà tao tìm mãi, không thấy cái hộp diêm đâu. Khỉ thế. Tao mới gọi vợ tao cho tao mượn cái diêm. Con vợ tao nó đoảng, tao gọi mãi mà nó tìm không thấy. Mà tao thì thèm thuốc quá rồi, tao mới vào chỗ nó. Thì bao diêm nó nằm ngay đầu giường nó chứ ở đâu. Vài hôm sau nó bảo tao nó có chửa. Chết cha tao không, tao chỉ vào mượn cái bao diêm…
– Mượn bao diêm là còn lâu đấy, chúng tao nghe nói, mày chỉ đi qua đầu giường thôi là vợ mày có chửa rồi, có phải thế không?
Minh “mặt đỏ” không hề tự ái mà cười ngất chọc sang anh Thái:
– Ê, Thái. Tao thấy mày dở quá, lấy vợ mấy năm rồi mà không con, mày cần tao giúp không? Tao chỉ có một chòm râu, mày muốn tao cho mày ba bốn chòm gì cũng được…
Thái “lỳ” là một anh chàng hiền lành, thường đứng ngoài những cuộc tán dóc của anh em, mỗi khi bị chọc tức thường nổi cáu và văng tục om sòm. Nhưng không hiểu sao lần này anh ta chỉ cười trừ. Bỗng nhiên anh Nhu “sẹo” hỏi:
– Cái Tuyến đi đâu rồi, tụi bây?
Anh vốn dân Nam Bộ tập kết, vẫn giữ cách nói của xứ quê.
– Con bé này hay thật – Có ai đó lên tiếng – Suốt ngày cứ lanh chanh, lách chách. Đứng chỗ nào cũng hát được…
Ông Lầm “râu” lên tiếng:
– Tại nó hát hay, được nhiều người thích.
Minh “mặt đỏ” bỗng bật cười:
– Có nghe thấy con khỉ gì đâu. Máy chạy ầm ầm thế này… Mà sao có đứa con gái xấu thế không biết. Các ông đọc Chung Vô Diệm chưa?  Chưa hả? Tiếc quá, không đọc thì sao biết Chung Vô Diệm xấu cỡ nào. Đầu có sừng, miệng có răng nanh…
– Thôi, thôi, thôi các ông. Người ta cũng đàn bà con gái. Có thiếu chỗ nào đâu nào?
Tôi nghe không biết bao nhiêu lần những chuyện như thế về chị Tuyến. Tuy không gần gũi chị, không mấy khi cùng ngồi chuyện trò với chị, song tôi cảm thấy có cái gì không phải khi ngồi nghe người ta nói những điều như thế về chị. Tôi bỏ đống lửa kiếm chỗ khác.
Giữa hai máy nghiền số ba và số bốn là đường có thể đi dọc từ cửa phân xưởng xeo giấy lên phân xưởng nấu trên đỉnh của một quả đồi. Chỗ ấy thường chất những đống giấy loại để đưa vào nghiền lại. Thường là giấy lề. Những đêm lạnh giá như hôm đó thì đống giấy thành một cái tổ ấm áp cho những ai thích trốn việc đi ngủ. Tôi cũng thích trốn việc và tìm cách rúc sâu vào đống giấy, cố kiếm cho mình một cái ổ thực ấm, vì ít nhất cũng phải gần sáng mới tháo bột xuống xeo.
Khi luồn vào được giữa đống giấy tôi kinh hoàng khi nghe thấy tiếng la hốt hoảng của… tiếng la chìm lẫn vào tiếng máy. Tôi đứng vụt dậy. Đống giấy bung lên, để lộ ra hai người, một đàn ông, một đàn bà. Cả hai cuống cuồng tìm lại quần áo đã lộn nhào trong đống giấy vụn. Một thoáng giật mình, tôi nhận ra chị Tuyến, còn người đàn ông cũng chẳng xa lạ gì, anh ở phân xưởng trên. Anh ta chụp được quần áo của mình, xốc vội vào người rồi bỏ chạy lên chỗ làm việc của mình. Chị Tuyến không chạy kịp, đành gục mặt xuống. Tôi ôm một đống giấy phủ lên mình chị, và tôi không biết đã chất lên mình chị bao nhiêu giấy. Cũng chẳng biết để làm gì. Che giấu cho chị? Không muốn nhìn thấy chị lõa thể trước mặt? Hay ghê tởm? Không biết, tôi phủ giấy loại lên chị như một kẻ vô thức.
Tôi lại bên đống lửa với anh em trong tổ. Họ hoàn toàn không biết những gì đã xảy ra, và những lời bàn tán về chị vẫn còn đang được tiếp tục.
Tôi bỗng thấy tức thay cho chị. Các ông, các bà, ai cũng vợ chồng con cái đề huề, sao chẳng thương cho người ra, sao cứ gãi vào nỗi buồn người ra, sao cứ phải lấy cái khổ của người ta ra mà làm trò cười. Bực mình, tôi lại bỏ đống lửa ra đầu gian máy, nơi có một ô cửa trống. Tôi ngồi bên bậu cửa, và vươn mặt ra đón nhận từng cơn gió lạnh đang thúc về. Hình như có ai đi về phía tôi. Bữa đó không hiểu sao, trong cả mớ tiếng động ồn ào là thế mà tôi vẫn nhận ra tiếng bước chân của chị. Chị đến bên tôi, lặng im. Hương bồ kết từ tóc chị tỏa ra, thơm nhẹ:
– Chú Quảng… Cảm ơn chú…
– Chị cảm ơn tôi cái gì? Tôi thèm vào cái cảm ơn của chị.
Chị khóc. Tiếng khóc tức tưởi. Tôi hoảng:
– Thôi đi chị, chị khóc cái gì chứ?
Một lúc thật lâu sau, chị mới nức nở:
– Chú Quảng, chú làm ơn… chú đừng nói với ai… Anh ấy đã có vợ, có con… Tôi không muốn vì tôi…
Tôi gạt đi:
– Chị đừng cả nghĩ, cứ coi như tôi không thấy gì hết. Nhưng chị phải hứa…
Tôi chợt ngừng. Tôi có cái quyền gì mà bắt chị phải hứa. Nhưng tôi buồn, nếu chị đã nghĩ đến vợ con người ta sao còn chui vào đống giấy?  Ngay cả suy nghĩ này về sau tôi cũng cho là vớ vẩn. Đã cuộc mây mưa mà còn nghĩ được đến ai. Tôi bỏ mặc chị đứng lại đó một mình và bỏ đi giống như người đang bị làm phiền.
Đúng là tôi đã không thể kể lại với bất cứ ai về những gì mà đêm hôm đó tôi đã chứng kiến. Nhưng không phải vì thế mà giữa tôi và chị trở nên thân mật hơn. Chị hùng hục làm việc giống như những người đàn ông sung sức. Những giờ nghỉ, chị lại ngồi ở cái bàn dính đầy phẩm mầu, nơi để ghi sổ sách giao ca. Có ai lại gần châm chọc, chị tránh đi, ra ngồi ở cái cửa có khoảng trống bữa trước tôi đã ngồi vương mặt đón gió lạnh. Chị tránh tất cả những nơi mà tôi có mặt. Và… ít hát hơn.
Cũng từ đó tôi không bao giờ đi xem những chương trình biểu diễn văn nghệ do nhà máy tổ chức. Tôi rất sợ ở đó tôi lại thấy chị hát, tôi sợ phải hình dung ra chị với một nửa thân mình không mảnh vải che và lùng bùng giữa đống giấy loại.
3.
Vậy mà đã mấy năm tôi xa Thái Nguyên, xa nhà máy giấy có tới ba đời nhà tôi làm thợ. Từ một anh công nhân, tôi đi học rồi tình nguyện đi bộ đội. Nay trở về, tôi nhất định phải ghé thăm nơi tôi từng làm việc.
Thú thực, ra đi rồi, không mấy khi tôi nhớ lại mình đã sống và làm việc ở đấy ra sao. Riêng chị Tuyến lâu lâu cũng chợt nhớ. Có một cái gì giống như sự ám ảnh. Nếu như đêm đó, tôi không muốn trốn việc, thì đâu có gặp chị Tuyến trong một hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Lại còn thấy chị khóc nữa, rồi còn đòi chị hứa, hứa cái gì, đến tận bây giờ tôi cũng chẳng nghĩ ra. Bao nhiêu năm rồi, có bao nhiêu điều sâu sắc trong đời, phải nhớ, chuyện chị có đáng gì đâu mà lâu lâu cựa quậy trong trí nhớ của tôi. Vì thế lần này nhất định tôi phải lên nhà máy. Ít nhất là gặp lại anh em tổ nghiền Hai tiếu lâm nhất hạng và tục tĩu nhất hạng kia.
4.
Không khí chiến tranh căng thẳng ngay trên sàn phân xưởng nghiền bột giấy. Tổ nghiền hai của tôi đang làm ca chiều. Cả nhà máy, chỗ nào cũng thấy những hầm cá nhân. Đường hào chằng chịt chạy từ nhà máy ra ngoài con suối và những quả đồi xung quanh.
Ngay trên sàn khu phân xưởng nghiền người ta cũng dọn gọn đống giấy lề vào một góc cho tiện đường rút chạy khi báo động. Cái bàn để sổ sách và hộp màu xếp gọn vào một góc. Trên bàn là những chiếc mũ rơm. Ngoài sàn có mấy khẩu súng. Báo động là anh em chạy ngay lên khu nhà tời phía trên. Ở đấy có một trận địa nhỏ có thể vừa gác máy vừa bắn lũ máy bay nếu chúng sà xuống thấp. Tuy thế giờ giải lao anh em trong tổ vẫn tập trung lại tán dóc.
Tôi lên với anh em lúc xế chiều.
Mới có mấy năm mà ai cũng phong sương hết cả rồi. Tóc anh Giao “điếc” bạc trắng. Anh Thái “lỳ” trúng gió, có thêm tật méo miệng. Anh Minh “mặt đỏ”, mặt không còn đỏ nữa mà đã đen sạm lại. Sử “tồ” đã lấy chồng, có con. Anh Nhu “sẹo” bé quắt lại. Nghe nói anh bỏ bà vợ đanh đá trước, lấy bà vợ sau có thêm mấy đứa con nữa, có lúc vừa đi làm, vừa phải đi buôn chè. Không thấy chị Tuyến. Tôi đưa mắt dò hỏi, anh Minh “mặt” đỏ lên tiếng trước:
– Mày tìm cái Tuyến hả? Nó bây giờ lên đồi trực chiến rồi. Từ hôm người ta bảo bọn Mỹ dở chứng ở “Ba-di”(1), chúng nó sẽ đánh lại miền Bắc, nhà máy thành lập đại đội pháo phiếc gì đó, cái Tuyến nó xung phong liền. Mày thấy, tổ mình toàn những thằng như tao. Trẻ nhất là thằng Thái kia cũng đã ngoài ba mươi rồi. Cái Tuyến nó xung phong ai cản được. Mày thấy không. Mọi thứ đảo lộn hết thảy. Nhưng đ.mẹ thằng Mỹ, sợ đéo gì chúng nó…
Những ngày cuối năm thế này, kế hoạch đã hoàn thành, chỉ phải chạy giấy pơ-luya, nhàn thối thây. Trút vào bể bột xong là ngồi chơi. Lâu lâu có người vác mái chèo đi đảo bột là xong. Có thể ngủ được. Thế mà lúc này, tất cả anh em trong tổ đều thức.
– Mày đi chừng hơn một năm thì cái Tuyến nó cũng đi. Thật khổ cho nó.
– Khổ cái gì mà khổ – Anh Giao “điếc” cướp lời – Tự nó, nó làm khổ nó, ai làm… Quảng này, hồi đó mày tưởng chúng tao không biết chuyện của chúng nó phải không. Chúng tao biết hết, nhưng chúng tao nhắm mắt làm ngơ. Của nó, nó làm gì thì làm. Ai hơi đâu mà giữ. Tức cái ăn vụng không biết chùi mép. Chuyện lộ ra, con vợ thằng kia nó vác dao lên tận tổ, đòi chém, đòi giết. Tao phải tổ chức một cuộc họp xét kỷ luật nó…
Anh Nhu “sẹo” cười ha hả:
– Tới giờ mà tụi bay vẫn đóng kịch sao? Hả? Thằng Giao thì kêu họp tổ xét kỷ luật. Rồi cũng thằng Giao kêu tao với thằng Minh “mặt đỏ” gặp nó xúi đánh chết cũng không nhận. Mà con nhỏ nó khùng, nó cứ nói đi, nói lại với tụi tao “nhưng em không biết nói dối”. Tao tức, tao chửi: Đ. má, mày làm ơn mày nói dối giúp tao một lần coi, để tụi tao còn tính cho mày chớ. Thôi vầy đi. Bữa họp, mày chỉ nói một câu thôi: Em không có. Rồi câm miệng mày đi. Nó làm đúng như thế.
– Xong rồi sao? – Tôi sốt ruột hỏi.
– Mày đi được một thời gian thì nó xin đi văn công – Anh Minh “mặt đỏ” lại tiếp – Người ta đi văn công có hai cái. Thanh và sắc. Giọng hát nó mày còn lạ gì nữa. Nhất. Nhưng cái mặt người ta chê. Đã mất tai, lại có hai cái môi như hai miếng thịt thừa, nhìn thấy ghê chết đi được. Khổ thế. Nó mới xin đi học. Thì cũng học ngành hát xướng gì đó. Vừa mới đưa đơn thì vướng cái chuyện trai gái bất chính. Hồi đó mày còn lạ gì. Ăn cắp, ăn trộm của công còn có thể tha thứ, còn cái chuyện trai trên gái dưới, động tới, mệt chết được. Nên tụi tao mới bàn cách bao che cho nó.
– Mà có che được không?
– Sao không? Trí tuệ tập thể mà. Tụi tao diễn một vở kịch tuyệt vời. Cái Tuyến trắng án.
Anh Giao “điếc” thở dài:
– Thực tình tao không muốn thấy nó cứ thui thủi sống mãi với mấy cái cỗ máy nghiền đó. Như tụi tao thì đã đành một chuyện. Chữ nghĩa trong đầu không có bao nhiêu, thì cứ đầu vào đít ra với cái két bột. Còn chúng mày, có khả năng bay nhảy thì bay nhảy đi. Cái Tuyến chữ nghĩa nó ít thật, nhưng nó lại có tài. Sau cái đận ấy, chúng tao kéo cả tổ lên gặp giám đốc nhà máy. Vậy mà ông giám đốc nghe tụi tao mới chết chứ. Ông ấy ký quyết định cho cái Tuyến đi học ngay ngày hôm sau. Hôm chia tay, cái Tuyến nó khóc như mưa, như gió. Tội nghiệp. Nó đi học thanh nhạc, thanh nhiếc gì đó. Học xong lại về nhà máy. Tức cái người ta không xếp nó vào đâu được. Làm cán bộ văn hoá quần chúng thì cái mặt cũng phải tử tế một chút. Đằng này… Này, cậu Quảng, cậu mắc nợ cái Tuyến nặng lắm đó, biết không?
Tôi cười:
– Có chị ấy mắc nợ em thì có, em nợ gì chị ấy…?
Anh Giao nghiêm mặt:
– Chuyện hôm đó mà cậu cho là nợ hả? Sao bọn tao lại không biết. Cậu xử sự như thế là tốt. Nhưng cậu còn nhớ cái hồi mẹ cậu ốm nặng không? Hồi đó, loa phóng thanh của nhà máy ra rả suốt ngày, kêu gọi công nhân đi tiếp máu cho mẹ cậu. Lên bệnh viện cả xe, chỉ có máu của cái Tuyến là có máu O hợp với máu của mẹ cậu. Chỉ mỗi một mình nó…
Tôi lặng người. Ngày ấy loay hoay bên mẹ, nào tôi có biết ất giáp gì đâu. Rồi mẹ cũng không được cứu thoát, những gì trước đó coi như bỏ. Hôm nay tôi mới biết được chuyện này…
Trước mặt tôi là những gương mặt quen thân, giống như tất cả những gì của nhà máy, mùi sút nấu hôi khét, nứa ngâm thối hoắc, tiếng máy miết vào cơ thể… tất cả với tôi đang lùi vào dĩ vãng. Bỗng hôm nay cái dĩ vãng ấy bị thức dậy. Lại nhớ đến đám tang của mẹ. Hôm đó trời mưa tầm tã. Tôi đưa mẹ từ viện về đến nhà đã gần nửa đêm. Mà hình như cả nhà máy vẫn chờ, chờ để đưa mẹ tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Rồi đến cái  hôm bố tôi mất, cũng lại cả nhà máy đi đưa. Cả nhà máy mỗi người một nắm đất thả xuống huyệt sâu.
Và chị Tuyến. Nếu lúc này mẹ có thể dỗi hờn, thế nào mẹ cũng sẽ dỗi hờn tôi vì sự lãng quên vô tình đến thế.
Bây giờ chị Tuyến với tôi không chỉ còn là sự ám ảnh nữa, mà còn thêm sự mang ơn. Tôi định trong những ngày nghỉ này sẽ gặp chị.
– Nó ở trận địa mười hai ly bảy trên quả đồi sau lưng nhà mày đó. Lúc nào tiện lên ghé thăm nó. Nó lỳ lắm. Ăn nghỉ trên đó luôn. Giữa một bọn đàn ông, thế mà nó ở đó không về khu tập thể nữa. Để hát cho anh em người ta nghe. Nó bảo thế  – Tiếng anh Minh “mặt đỏ” như găm vào lòng tôi…
5.
Đêm cuối năm.
Gió mùa đông bắc lại kéo về và thổi hu hù trong mọi ngõ ngách.
Chiếc loa phóng thanh ngay đầu nhà tôi đang rang rảng nói tự nhiên ngưng bặt. Rồi giọng chị phát thanh viên đanh đá vang lên:
– Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Máy bay địch cách thành phố một trăm cây số. Đồng bào bình tĩnh. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu…
Một trăm cây số. Không xa, với tốc lực của bọn phản lực thì chỉ ào một cái là nó đến nơi rồi. Cứ phải chuẩn bị…
Chiếc loa phóng thanh lại hát. Một chương trình ca nhạc.
Cả một buổi tối cứ như thế. Cách một trăm cây số. Nhạc. Máy bay địch đã bay xa. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Lại cách một trăm cây số. Cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Đêm. Trời tối đen. Những ngọn đèn đã bị cắt bớt, ánh sáng yếu đuối không đủ sức chiếu sáng con đường.
Gió vẫn ù ù thổi về. Nhà nào đã ở nguyên nhà nấy. Chắc chỉ còn những cỗ máy chạy xình xịch ngoài nhà máy.
Bỗng tiếng chị phát thanh viên đanh đá lại sang sảng vang lên: “Đồng bào chú ý! Máy bay địch còn cách thành phố năm mươi cây số. Thành phố ra lệnh báo động. Đồng bào bình tĩnh xuống hầm trú ẩn. Lực lượng vũ trang…”.
Tiếng còi báo động từ bên nhà máy điện Cao Ngạn rú lên. Ngân dài, thúc giục.
Những bước chân chạy thình thịch.
Những tiếng gọi nhau gằn trong họng nhưng rất rõ ràng.
Súng nổ.
Pháo cao xạ nổ dứt khoát từng nhịp.
Như ngô rang.
Những đường đạn đỏ lừ bay vọt lên từ dưới mặt đất. Hình như chỗ nào cũng có lửa đạn vụt lên đan dọc ngang trên bầu trời.
Những tiếng nổ liên tiếp, kéo dài của 12,7 ly. Có cả tiếng liên thanh của súng trường. Tôi nghe được cả tiếng 12,7 ly từ trận địa sau lưng nhà tôi. Trận địa của chị Tuyến.
Tiếng máy bay bổ nhào, rát rạt. Đất rung chuyển. Bom. Bom. Bom… Chúng đánh rất gần rồi.
Tôi nằm gọn dưới căn hầm cá nhân ngay trước cửa nhà mình.
Đột nhiên, tất cả im bặt. Chỉ còn gió lạnh thổi ù ù. Một sự im lặng đến lạnh người.
Rồi đất dưới chân tôi nhồi lắc thật mạnh. Loạt thứ nhất. Loạt thứ hai. Loạt thứ ba. Chúng đang ở đâu vậy? Hình như bên xóm Đồng Xe. Hình như bên nhà máy điện Cao Ngạn. Hình như bên xóm Đồi Chè… Bỗng nhiên, lại nghe một tiếng nổ. Bom đĩ(2) Chỉ thấy đất chao đảo, đất đá văng lên rơi lịch bịch quanh chỗ tôi đang trú ẩn. Tôi bỗng thấy như bị hụt hơi. Trận địa 12,7 ly, nơi có chị Tuyến đang trên đó có làm sao không. Tôi nhảy lên khỏi căn hầm cá nhân, lách theo con đường mòn chạy về phía đỉnh đồi sau nhà. Sao lúc chiều không lên trận địa? Biết chị Tuyến trên đó sao không lên? Trái bom! Liệu trận địa có làm sao không? Liệu chị Tuyến có làm sao không?
Trong bóng đêm, trận địa chỉ còn thấy những bước chân rậm rịch.
– Nhanh lên, kéo khẩu súng lên…
– Còn đứa nào trong hầm không, ra hết ngoài này xem…
– Máy bay đi hết còn lo gì nữa. Đứa nào coi xem chỗ gạo có bị làm sao không. Coi chừng chết bom không chết, chết đói đó, nghe chưa.
– Mấy cái thùng gánh nước đâu rồi? Sao. Thủng hết rồi hả…
– Mà cái Tuyến đâu? Có đứa nào thấy cái Tuyến không?
– Lúc nãy còn thấy bên kia mà. Thì bên khẩu số ba đó. Chỗ nó vẫn thích đứng hát đó…
– Đi tìm nó, nhanh lên. Cái con bé này, chết cũng không chừa. Bom đạn còn cời cời ra đó mà chạy văng mạng. Lo người ta chết sao không lo cho mình chứ…
– Tuyến ơi! Tuyến ơi! Tuyến ơi…
Mỗi lúc tiếng người gọi thêm nhiều hơn. Tiếng gọi mỗi lúc một gấp  hơn. Không biết tôi hoà nhập vào cuộc gọi từ lúc nào:
– Chị Tuyến ơi.
Tiếng gọi của chúng tôi làm náo động cả một quả đồi.
Còi báo yên. Những ngọn đèn bão được thắp lên. Những chiếc đèn pin loang loáng. Một tiếng la của ai đó vang lên phía xa xa, lạc giọng:
– Cái Tuyến đây này… Tuyến ơi. Tuyến!
Mọi người ùa đến nơi có tiếng gọi. Trái bom nổ cách trận địa không xa. Nó hất nhào mọi thứ. Căn nhà trực chiến. Những khẩu 12,7 ly, những ụ cây ngụytrang, đến cả những cây phơi quần áo cũng bị chúng giật đổ. Còn chị Tuyến, hơi ép của trái bom đã quăng chị xuống tận bờ con suối không tên.
Chúng tôi đưa chị lên trận địa. Tôi không biết làm gì mà chỉ chạy lăng xăng xung quanh. Bản thân không biết nói gì với chị, làm cái gì cho chị. Giá mà lúc chiều, sau cuộc gặp anh em ở tổ nghiền Hai, tôi lên đây, có khi chị em còn có thể nói với nhau đôi ba câu chuyện. Ít nhất là tôi cũng nói được lời cám ơn về những giọt máu mà chị đã chia sẻ cho mẹ tôi ngày xưa. Nhưng mà… muộn mất rồi.
Đó là lúc nửa đêm về sáng ngày 26 tháng 12 năm 1972.
Chiếc loa phát thanh công cộng ngay đầu nhà tôi lúc sáu giờ sáng hôm sau đã vang lên tiếng phát thanh viên Trần Phương của Đài tiếng nói Việt Nam. Giọng anh đanh thép:
“Mời các bạn nghe tin chúng tôi mới nhận được. Trận chiến đấu đêm qua, 26 tháng 12 năm 1972 đã diễn ra hơn một giờ. Lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi tám máy bay B52. Riêng Hà Nội Bắn rơi năm chiếc. Có bốn chiếc rơi tại chỗ và mười máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt, quyết định, bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B52 nhất trong chín ngày qua. Hoan hô chiến thắng tuyệt vời của quân và dân miền Bắc chúng ta”.
Lát nữa mọi người sẽ đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhất định tôi sẽ có mặt trong dòng người đưa tiễn chị và đưa tiễn luôn giọng hát ngọt ngào sâu lắng của chị đến cõi vĩnh hằng. Trong tôi cứ cộm lên nỗi day dứt: Sao không nói được một lời trước lúc chị đi xa…?
Và cũng trong tôi đâu đó vẫn vang lên tiếng hát của chị trên cái sân khấu tạm ngay cạnh nhà tôi hôm nào. “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến, gió mùa…”.
Ở cõi thẳm xa kia chị vẫn hát, có phải thế không Hồng Tuyến ơi! Nó văng vẳng, văng vẳng, gần gũi đâu đây. Và tôi cũng muốn gửi theo chị một lời…/.
(1) Pa-ri
(2) B52 thường đi ba chiếc và thả ba loạt bom. Sau ba loạt bom, chúng thả quả bom cuối cùng, rơi trúng bất cứ chỗ nào nhưng không trúng với đường bom chúng thả trước. Bộ đội ở chiến trường gọi quả bom này là bom đĩ.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *