Bài nổi bật

Thu của ngàn năm trước – Nguyễn Thu Trân

Có những điều khi đã thành dĩ vãng, thật xa xôi, không thể trở lại, ta mới thấy nhớ tiếc. Ai bảo người giàu, người thành đạt không có nỗi lo, không có nỗi buồn, không khi nào có thời giờ để trống vắng, lạc lõng. Nhìn bề ngoài, cuộc sống của nhân vật Long quá đủ đầy, gia đình, danh vọng, tưởng chẳng có gì đáng để phiền muộn. Thế nhưng, đi vào thẳm sâu, ngóc ngách tâm hồn mới thấy những khoảng trống khó lấp đầy. Những dòng tin nhắn của một người phụ nữ bí ẩn gửi đến mỗi ngày trong suốt nửa năm trời đã giúp Long trấn tĩnh, dịu lại những cảm xúc đời thường khô khan, đổi trao, sòng phẳng. Một hành động giản dị nhưng mấy ai đủ tấm lòng, đủ kiên nhẫn. Thì ra giữa cuộc đời quay cuồng xuôi ngược vẫn hiếm hoi còn những người như vậy. Long đã đón nhận niềm vui, động lực ấy như lẽ thường cho đến lúc nhận ra người phụ nữ nhắn tin cho mình mỗi ngày chính là người nữ tạp vụ tận tụy như một hắt bóng khiêm nhường, nhỏ bé. Chị đã soạn thảo những tin nhắn để nhờ con gái đều đặn gửi đi hàng ngày dù không còn trên cõi đời. Một phụ nữ đơn thân, bất hạnh, nhỏ nhoi mang trái tim vị tha đã an ủi, vỗ về người đàn ông cô độc dẫu giàu sang, danh vọng. Hẳn khi nghĩ về chị, về những điều chị đã làm, dù chị không còn nữa, với niềm trân quý, nhân vật Long sẽ có động lực sống tiếp, sống ý nghĩa hơn những ngày mới. Câu chuyện như cổ tích ấy dưới ngòi bút vừa đời thường vừa sâu lắng của nhà văn Thu Trân đã tìm được lối đi vào tâm hồn người đọc, người nghe – Trong cảm giác bồi hồi, xao động đọng lại sau những dòng kết của thiên truyện…(Lời bình của BTV Võ Hà)

Sau giờ làm việc buổi chiều, Long hứng khởi chưa từng thấy. Anh huýt sáo thật to bài hát mình thích khi đứng rước gương chải lại tóc. Chiều nay anh có cái hẹn với người bạn học cũ. Sẽ có bao nhiêu điều để nói với nhau sau hơn hai mươi năm xa cách. Điều khiến anh ngạc nhiên nhất là Toàn, người bạn hẹn gặp anh chiều nay, vẫn là một nông dân như thuở nào. Trong khi đó, nhiều người bạn học cùng khóa với Long ngày xưa đều có chút ít vị trí trong xã hội, mà theo như lời bạn bè nói, Long là người có vị trí “chạm nóc”. Anh chỉ cười cười: “Chán các ông các bà quá!”. Có khi nói ra cũng chẳng ai tin, Long thèm cái thảnh thơi dân dã như Toàn. Chút vốn kiến thức thuở làm sinh viên nông – lâm đã giúp Toàn nghĩ ra nhiều sáng kiến trong việc chăn nuôi, trồng trọt. Đôi ba lần, ông chủ trang trại này cũng được báo chí giới thiệu với những thành công nhất định. Anh nể phục Toàn làm ăn có chí. Đúng là ruộng bề bề không bằng nghề trong tay. Biết khá rõ cuộc sống của Toàn qua thông tin từ bè bạn, đôi khi Long cũng phát ghen với hạnh phúc mà Toàn đang có. Bích, vợ Toàn bây giờ, là người yêu của Long ngày xưa. Bích không đẹp nhưng đảm đang và đức hạnh, đây là mẫu người phụ nữ toàn tâm toàn ý với chồng, với con. Chẳng bù cho Loan, vợ Long bây giờ, một con thiên nga được anh rước từ trời Tây về, lúc nào cũng kiêu sa và đỏng đảnh. Bây giờ, một bước lên phu nhân, lại càng đỏng đảnh hơn. Bạn bè nghe Long hỏi thăm Bích nhiều thì cười cười gạn đục khơi trong: “Tiếc vậy, sao ngày xưa không làm tới mà để thằng Toàn nó vớt vé chót?”. Long cười, đưa tay xoa xoa râu ở cằm. Thuở ấy, anh không yêu Bích nồng nàn như yêu Loan. Bích chỉ là một bông hoa đồng nội mà anh thích đứng ngắm từ xa… Nhưng điều quan trọng hơn cả là trong buổi gặp gỡ chiều nay, Long được trở về với con người thật của mình trước khi làm quan chức. Anh có thể uống và cười vui thoải mái, thậm chí còn có thể chửi thề như một thói quen giữa những người đàn ông với nhau…
– Ôi anh… anh làm vỡ ly nước sâm rồi…
Chị Nhàn tạp vụ lúng túng kêu lên như thế, trên mặt chiếc kính bàn loang loáng nước. Nếu tình huống đổ vỡ trên không phải là buổi chiều nay thì anh đã nhăn mặt khó chịu: “Mang nước cho tôi thì phải báo, chứ chị làm cái gì cũng rón ra rón rén như mèo ăn vụng… làm sao tôi biết đường mà tránh?”. Nhưng chiều nay thì khác, anh mỉm cười, nụ cười dễ chịu:
– Không sao, chị không phải lo lắng gì cả, tôi đi ngay bây giờ.
Nhàn thở phào nhẹ nhõm, chị đẩy cửa, bước ra ngoài tìm giẻ lau. Long gọi giật lại:
– Này, tôi nhờ chị một chút. Chị điện về, báo cho vợ tôi biết, hôm nay tôi không ăn tối ở nhà.
Nhàn buột miệng định nói: “Sao anh không gọi?”. Nhưng chị lại im thinh. Đã có không dưới chục lần trong tình huống tương tự “sếp” cự chị: “Đừng vặn vẹo gì hết, tôi bảo thì chị cứ chấp hành, hiểu chưa?”. Long bước ra cửa phòng nhanh như gió. Nhớ lại bộ mặt tồi tội của Nhàn, anh cười mỉm. Trong cơ quan này, anh chỉ giỏi bắt nạt Nhàn thôi. Còn ba mụ chuyên viên lõi đời dưới trướng anh, mụ nào mụ nấy mặt xanh nanh vàng thấy phát khiếp.
*
*     *
Uống đến chai thứ hai thì Toàn bắt đầu ngà ngà say. Anh nói năng phóng khoáng hơn, bớt giữ gìn ý tứ trước Long hơn. Chẳng thà như thế mà Long thấy dễ chịu. Chuyện bạn bè ngày xưa ào ạt tràn về. Toàn nốc ly rượu cái ót rồi cười khà khà:
– Mẹ, con người có số ông ơi. Ông nhớ thằng Tân cao lồng nhồng không, nhiều khi đứng trước lớp nói năng chẳng ra làm sao, vậy mà bây giờ làm sếp một cơ quan văn hóa cấp bộ. Như tui đây nè, đâu đến nỗi xấu trai, cũng đào hoa lả lướt như ai, mà số làm nông dân cũng hoàn nông dân ông à!
Long chạm nhẹ ly rượu của Toàn:
– Được là nông dân như ông thì tôi cũng lạy, nông dân này là nông dân cao cấp, nông dân được cả nước trông vào!
Toàn nheo nheo mắt nhìn bạn gật gù:
– Cán bộ cao cấp có khác, mẹ, nội cái chuyện chạm ly mà cũng sang ông ơi. Nè, tui hỏi thiệt nha ông Long, làm quan chức như ông có phải học qua khóa giao tiếp nào không vậy?
Long cười, “đẩy” tiếp cho Toàn một ly:
– Thôi, đừng nói chuyện quan chức gì ở đây, nhức óc lắm, mình thư giãn cho đúng nghĩa đi. Ông nói ông Thành, bạn nhậu của ông có hãng chế biến cà-phê ngon lắm hả. Bây giờ tui đố ông, đố ông Thành luôn, cà-phê cứt chồn là cà-phê gì?
Thành uống rượu ít nhất trong ba người nên tỉnh táo nhất. Anh ta rít một hơi thuốc rồi cười cười:
– Chuyện này, “sếp” phải để cho ông Toàn trả lời, nguồn cung cấp cà-phê thô lớn nhất của tôi đó! Sao, nói đi chứ, ông Toàn!
Toàn cười sảng khoái:
– Có gì khó, con chồn ăn hạt cà-phê vô bụng, không tiêu hóa được thì phải thả ra thôi. À, nhân cái chuyện tiêu hóa hay không tiêu hóa, tui nhờ ông Long giúp ông Thành một chút vầy được không. Số là…
Toàn say nhưng biết trình bày tỉ mỉ vấn đề, thỉnh thoảng, Thành lại “đế” vô vài câu cho rõ ràng. Long nghe lơ đễnh. Anh chú ý nghe con sáo sậu bị nhốt trong lồng treo ngoài hàng hiên của quán hót nhiều hơn. Nó hót như một tài tử chuyên nghiệp. Chẳng bù cho con sáo nhà anh, đẹp thì có đẹp nhưng suốt ngày cứ khẹt khẹt đến là vô duyên. Thằng Nguyên, con trai lớn của anh, suốt ngày cứ cố cho nó ăn ớt để lột lưỡi. Nhưng lột lưỡi đâu không thấy, chỉ thấy thằng nhỏ bị bỏng rát hai tay vì ớt. Anh gật gù châm thêm điếu thuốc, những vòng khói điệu nghệ bay tròn trên không trung. Toàn làm như hiểu bạn:
– Vấn đề là như vậy đó ông à, tui nhắm chuyện này chỉ có thuộc thẩm quyền của ông nên mới mạo muội đôi lời mong ông giúp đỡ bạn tui…
Toàn còn nói gì nữa nhưng Long chẳng nghe. Anh xách cặp đứng lên:
– Thôi được rồi, có gì thứ hai tuần sau, ông đưa ông Thành đến văn phòng gặp tôi với những giấy tờ cần thiết, bây giờ tôi hơi đau đầu, xin phép về trước.
Quyết định ra về đột ngột của Long khiến Toàn cụt hứng, anh kêu nhà hàng tính tiền, lời lẽ tỉnh hơn con sáo đang hót. Long chán ngán, anh biết rằng Thành là người phải thanh toán tiền chiều nay… Xe ngoặt đến một ngã tư, Long bảo tài xế về nhà trước, anh muốn cầm lái, rảo một vòng lang thang ra ngoại vi thành phố… Anh bắt gặp những đứa bé thả diều trên đồng, những người phụ nữ tát gầu sòng dẻo dai, những cụ già đủng đỉnh dắt trâu về… bỗng thấy lòng nhẹ tênh và cho xe dừng lại… Thằng bé khoảng tám tuổi đứng trên bờ lộ khóc thút thít một mình. Anh hỏi làm sao khóc. Thằng bé đen nhẻm đứng bên cạnh bảo: “Tại diều của nó bị băng”. Bị băng là làm sao, nếu có thằng Kha, thằng con trai nhỏ của anh cùng đi, nó sẽ hỏi như thế. À, diều bị băng có nghĩa là diều đang bay cao bỗng bị đứt dây rồi mất tích. Ngày còn bé, anh đã có được cảm giác cực kỳ sung sướng khi nhặt được những con diều của ai đó bị băng trong vườn nhà. Cảm giác mộc mạc nhà quê đôi khi trở nên vô giá giữa cuộc sống xô bồ xô bộn ở thị thành. Long hân hoan móc túi lấy ít tiền cho thằng bé có diều bị băng: “Cho con mua giấy về dán lại con diều đẹp hơn”. Thằng bé tròn xoe mắt ngạc nhiên. Nhanh như cắt, thằng cu đen nhẻm vừa chạy hăng hái vừa kêu lên khoái trá: “Việt kiều, Việt kiều ở Mỹ mới về tụi bây ơi!”. Long cười, khoát tay: “Lộn tiệm rồi con ơi!”. Thật lòng, anh thấy sướng với câu nói đùa “xả cảng” đó…
*
*     *
Long đẩy cửa bước vô phòng. Ba cô chuyên viên đang túm tụm ăn uống một cái gì đó. Cô có lúm đồng tiền bên má ngại ngùng bảo:
– Ủa, sao hôm nay sếp về sớm vậy, tụi em tưởng phải đến chiều…
– Cho nên vắng chủ nhà, gà mới vọc niêu tôm đó phải không?
Cô có bím tóc rụt đầu le lưỡi:
– Xin lỗi sếp, chỉ tình cờ thôi, vâng, chỉ tình cờ… bọn em mới gặp nhau ở đây. Với lại, tại hôm nay, Thiên Thanh mua được mấy hoa cúc vàng đẹp quá nó nhờ chị Nhàn mở cửa phòng sếp giùm, định dành cho sếp một sự ngạc nhiên…
Long mệt mỏi ngả người trên ghế đệm:
– Thôi, cảm ơn, các cô không phải thanh minh thanh nga nhiều đến thế. Thiên Thanh, cô viết xong bài phát biểu chiều nay cho tôi chưa?
Cô có tên Thiên Thanh nhanh nhảu:
– Em viết rồi đây ạ, anh xem lại bây giờ nhé?
– Được rồi, cô cứ để đó. Nào, các cô cần gì nữa không?
Thiên Thanh mân mê một hoa cúc trong tay:
– Anh có thích hoa này không?
– Cảm ơn, xưa nay tôi vẫn thích màu vàng mà. Khoảng một giờ đồng hồ nữa, Thiên Thanh sang phòng họp gặp tôi để trao đổi về bài phát biểu này nhé!
Cuối cùng rồi Long cũng được ngồi một mình. Áp lực công việc khiến lúc nào anh cũng thấy nặng nề. Như trong cuộc họp sáng nay, mọi người dồn hết trách nhiệm cho anh trong các bước đột phá mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia những công trình xây dựng lớn của thành phố. Anh không ngại gì chuyện phải nhận lãnh trách nhiệm với bản tính dám làm dám chịu xưa nay của mình. Nhưng anh cảm thấy chán. Sao ai cũng thích chui vào cái kén an toàn đến thế. Lúc bắt đầu công việc thì ai cũng hăm hở như mình là người đầu tiên khám phá ra mặt trăng. Lúc có sự cố rồi thì… Long cảm thấy mình cô đơn. Anh cần phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Lấy khăn tay chấm mồ hôi rịn ra hai bên thái dương, Long chậm rãi bước ra khỏi phòng họp. Anh đứng bên ban công nhìn hàng cây muồng phía bên dưới đường lúc lỉu những bông hoa vàng, vàng rực cả phố, vàng rực cả góc trời. Anh đã thấy lòng nhẹ đi đôi chút và dường như cũng dễ thở hơn. Cho tay vào túi quần lấy điện thoại di động, Long nghĩ, anh cần nói một chút gì đó bâng quơ, nhẹ nhàng với vợ. Alô, em đấy hả, em đang làm gì ở cơ quan đấy. Vợ anh ngạc nhiên ở đầu máy bên kia. Anh làm sao vậy, có cần phải nói rằng em đang họp không. Không, nếu vậy thì anh xin lỗi, anh chỉ muốn nói với em một điều là, hoa muồng vàng mùa này đẹp kinh khủng em ạ. Này, ông có tâm thần không đấy, đã ở tuổi bốn mươi rồi nhé. Nhưng mà khoan đã, đừng cúp máy, cho em nói một chút điều này, nhớ cái vụ lô đất nhà chị Hoa nhé, phải có anh can thiệp mới được. Nói xong, vợ tắt máy, anh thở dài, nhìn chiếc điện thoại di động bé xíu trong lòng bàn tay mình như nhìn một vật thể lạ vừa rơi từ trên trời xuống…
Long bảo đau đầu, xin về phòng uống thuốc một chút rồi sang họp tiếp. Ngồi một mình với bài phát biểu do Thiên Thanh viết sẵn trong tay, anh bỗng thấy dường như sáng nay thiếu thiếu một cái gì đó. Nụ cười dễ thương của Thiên Thanh ư? Không phải, lúc nãy cô ta đã chẳng muốn nán lại một chút là gì. Cô chuyên viên giúp việc thông minh nhất, xinh đẹp nhất của anh cũng chưa đủ để làm anh bâng khuâng như thế. Căn phòng quá tĩnh lặng ư? Anh cần nghe một chút nhạc. Nhưng vẫn cứ thấy bồn chồn, dù Thiên Thanh đã ý tứ cài sẵn trong máy những bài hát anh thích. Một chút gì đó, vừa cụ thể vừa mơ hồ… Nhất là trong buổi sáng nặng nề như hôm nay. Tiếng máy bíp bíp vang lên. Anh mở phần tin mới nhận: “Hàng ngày, hàng giờ chúng ta sống trong thấp thỏm hồi hộp, nói khác đi, chúng ta là vai chính của câu chuyện đời ta”. Địa chỉ nguồn tin: “Người phụ nữ bình thường” thông qua tổng đài 141. Anh bỗng thấy lòng mình nhẹ nhõm. Ra điều mà anh cảm thấy thiếu là đây. Một “Người phụ nữ bình thường” nào đấy đã chịu khó nhắn cho anh mỗi ngày một câu từ hơn sáu tháng qua. Những câu nhắn, nói chung là có câu hay câu dở nhưng anh có cảm giác như người nhắn hiểu mình. Từ ngày có sự xuất hiện của “Người phụ nữ bình thường” trong máy, dường như, anh thấy mình cũng có một thế giới riêng ngoài những nghị sự lớn lao trong công việc, ngoài cuộc sống vợ chồng với Loan cùng những nhu cầu ngày càng cao của một quý phu nhân. Ban đầu, anh nghĩ là vợ hoặc ba cô chuyên viên bày ra trò này. Nhưng không phải. Những người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và có vai trò quan trọng trong xã hội như họ sẽ không có thời gian và đủ kiên nhẫn để làm “những điều cóc cắn” này. Câu báng bổ này là của vợ. Trong một tối tình cờ, Loan đã mở điện thoại di động của anh ra xem và bảo: “Ai bày đặt nhắn cho anh những điều cóc cắn này, dường như họ không còn biết làm gì khác ngoài những điều này hay sao ấy!”. Cô thả trôi máy xuống nệm giường, nằm lăn ra uể oải, nhắc anh đừng đọc sách nữa, tắt đèn đi ngủ. Nằm cạnh vợ, vợ vẫn thơm tho nồng nàn nhưng lẩm nhẩm trách móc: “Có thằng cháu, nhờ anh xin cho nó vô học trường điểm… mà nói hoài, quên hoài”. Anh bực bội gác tay lên trán: “Đã nói rồi, ba cái chuyện lặt vặt đó đừng lôi anh vô nữa, thằng nhỏ học tệ quá mà xin vô trường điểm làm gì”. Loan giận dỗi quay lưng. Những điều anh định kể với vợ về những phần việc mình làm không vừa ý trong ngày bay đi đâu mất biệt. Không giải tỏa được, anh lại quay ra với những điều cóc cắn. Cầm máy ra ban công, dưới ánh trăng suông, anh lần giở… Một trái tim biết yêu thương là sự khôn ngoan chân thật nhất. Khi phải lựa chọn giữa hai điều tệ hại, tôi luôn thích chọn cái mà tôi chưa từng thử qua. Trí tưởng tượng là cánh diều bay cao nhất. Chúng ta không thể làm được những chuyện lớn lao mà chỉ làm được những chuyện nhỏ với tình yêu lớn lao… . Người phụ nữ bình thường gửi cho anh nhiều tin quá nên phải xóa bới. Mỗi lần muốn xóa một tin nào, anh cứ nhẩm đi nhẩm lại đến thuộc làu… Chuông điện thoại reo. Mọi người mời anh sang họp tiếp. Nán lại thêm một phút, anh mở thêm một tin để “củng cố” mình: “Hãy giữ tình yêu trong trái tim em. Đời không có tình yêu khác nào một khu vườn không nắng với cỏ hoa tàn tạ…”. Dường như chẳng còn gì nặng nề nữa, bước ra khỏi phòng, khóa trái cửa, anh vừa đi vừa huýt sáo…
*
*     *
Long đi công tác xa ba tuần trở về, Thiên Thanh báo chị Nhàn tạp vụ bệnh nặng. Anh móc túi lấy tiền bảo Thanh mua giùm ít sữa, ít cam, Thanh nhìn anh ái ngại:
– Chắc là anh phải đi thăm chị ấy thôi, bác sĩ nói sợ khó qua…
Long chau mày:
– Ủa, trước lúc đi công tác, chị ấy vẫn còn dọn dẹp phòng cho tôi kia mà?
Thanh xuống giọng:
– Ung thư vòm hầu thời kỳ cuối rồi anh ạ, chị ấy phát bệnh cả năm nay rồi nhưng cứ giấu mọi người thế thôi, nhất là sợ con bé Nhi không học hành được.
Vậy là Long đi thăm Nhàn. Phòng bệnh dành cho người ung thư thời kỳ cuối mới thật là dễ sợ. Ai cũng bước vào phòng bằng bộ mặt thương cảm tội nghiệp. Mọi người đều tưởng tượng được ngày chị Nhàn ra đi. Ai vào thăm cũng cho chị nhiều tiền và nhắn nhủ, động viên. Riêng Long thì chỉ có ký cam và hai hộp sữa. Anh không tiếc gì với người phục vụ tận tụy mình bao nhiêu năm. Anh vừa ý từ cách rửa những chiếc ly thủy tinh sạch bóng đến nghệ thuật chọn hoa và cắm hoa của chị. Cả cách dạy con cũng thế. Trong cơ quan, nhiều quý bà khinh miệt Nhàn về chuyện “không chồng mà chửa” nhưng Long dám chắc, chưa có quý bà nào dạy con tốt như Nhàn. Con bé Nhi học lớp năm, ngoan ngoãn và tuyệt vời chưa từng thấy. Nó lại học giỏi và biết đỡ đần mẹ nhiều thứ. Những lúc cùng mẹ vào cơ quan, nó biết pha nước cam cho anh uống và vắt lên móc áo cho anh chiếc cà vạt đi cùng “tông” màu với những bộ vest. Cuộc sống của mẹ con Nhàn êm đềm và cam chịu. Nhàn ít khi dám nói chuyện với anh đã đành, đến con bé cũng chỉ cười và rụt đầu, le lưỡi… Cũng có lúc, anh muốn nói chuyện nhiều với Nhi, nhưng không có thời gian. Tìm đến thăm Nhàn ở hoàn cảnh đặc biệt này, Long muốn nhóm lửa lên trong lòng chị. Không cần thiết phải tỏ sự lưu luyến, bịn rịn, anh kể cho những người trong phòng nghe nhiều mẩu chuyện vui. Như thể Nhàn đang cùng mọi người tham gia một chuyến đi dã ngoại vậy. Anh bảo có mua cho Nhàn một món quà rất đặc biệt nhưng chị chỉ được nhận khi nào vào cơ quan làm việc. Anh nói với Nhàn rằng, anh cần thay những tấm màn màu da cam bằng màu xanh, màu xanh mát và dễ chịu hơn nhiều. À, quên nữa, phải thay cả cái gạt tàn thuốc. Gạt tàn thuốc cũng bị mẻ một góc rồi. Đáp lại lời anh, Nhàn tươi tỉnh cười cười, gật gật. Gương mặt xanh xao, hốc hác của chị ánh lên một niềm vui thơ trẻ. Con bé Nhi hào hứng ngây thơ:
– Cậu Long đừng lo, chừng hết bệnh, mẹ dắt con vô cơ quan, con phụ mẹ sửa sang phòng cậu đẹp gấp năm, gấp mười.
Ngược lại lúc vào phòng thăm Nhàn, khi lên xe ra về, Long ngồi im như bụt. Thiên Thanh ngồi phía trước nói gì anh cũng không nghe. Cô bực mình la lên:
– Sao hồi nãy nói chuyện với chị Nhàn, anh vui lắm cơ mà?
– Cô cứ sụt sà sụt sịt lau mắt lau mũi làm hỏng kịch bản phim quá tồi của tôi!
Lại im lặng. Được một lúc, không chịu nổi, Thiên Thanh lại quay xuống:
– Anh đang nghĩ gì vậy?
– Tôi đang nghĩ hộ cho Nhàn một cánh đồng bao la, ngút ngàn nắng gió và có một chân trời có thật, có thật một nơi đất và trời gặp nhau để giao hòa, kể lể…
Thiên Thanh cười phá lên:
– Trời, hôm nay sếp ướt át ngoài sức tưởng tượng. Chắc thời sinh viên, anh “tán” chị nào là chết chị đó phải không?
Long không cười mà bảo không biết nữa, chỉ biết rằng, khi rời chữ ký và con dấu thì thấy dường như mình sắp làm được thơ, thậm chí còn nhớ về cái thời học trung học xa lơ xa lắc với ngày hai bận lủi thủi đi sau cô bạn cùng lớp nhổng tóc đuôi gà… Máy của Long lại bíp bíp. Anh cười. Xin lỗi Thiên Thanh nhé. Chào người phụ nữ bình thường. Đây là lần đầu tiên tôi làm sếp của chị đấy, phải không. Các cô chuyên viên của tôi bảo, suốt ngày phải canh máy sếp đừng bận để xin ý kiến sếp này nọ. Còn tôi, tôi lại phải suốt ngày canh cái tổng đài 141 của chị để tin rằng mình cũng có một thế giới riêng, thế giới không phải là thiên đàng nhưng cho phép tôi được giữ lại một chút gì của chính mình trước kia. Đôi lần, tôi cũng nghĩ đến chuyện phải hồi âm cho chị. Nhưng thôi, có khi một chiều như vậy lại hay hơn. Tính tôi như vậy đấy, từ bé đến lớn vẫn thích sự sở hữu bất ngờ. Như một món quà, một con người trung thành nào đó, suốt đời phải thuộc về mình một cách tự nguyện, hoàn toàn tự nguyện. Vâng, như hôm nay đấy trước nỗi đau về một con người, tôi lại quên mất chị rồi, xin lỗi nhé. Nào, để xem, chị nói với tôi điều gì đây. Em biết rằng mình đang được yêu và tình yêu làm cho cuộc đời ấm áp, phong phú. Không điều gì có thể làm hơn thế. Vâng, chị nói đúng đấy, tôi sẽ sung sướng biết bao nếu được yêu một người có tâm hồn như thế…
*
*      *
Long bồn chồn đưa tay xem đồng hồ. Gần năm giờ chiều. Vị đại diện cơ sở cuối cùng phát biểu dài lê thê, kính thưa kính gửi hơi nhiều, do thiếu thực tế nên cứ loanh quanh những vấn đề về phương pháp luận. Nhiều đại biểu đưa tay che miệng ngáp. Long lấy bút gạch đầu dòng những ý tưởng cần kết luận, mỗi ý tưởng đều có những diễn giải thực tế đi kèm. Có như vậy, công việc thực hiện mới trôi chảy và hiệu quả. Điều quan trọng là không bị cán bộ cơ sở “tung hỏa mù” bằng những báo cáo khô khan, thiếu thuyết phục. Long được cán bộ cấp dưới nể nang và kính trọng cũng vì những điều này. Chuông điện thoại reo. Long nhấn máy. A lô, Loan đấy hả. Chiều nay kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới ông bà Lai hả. Ừ, hay là em đi một mình vậy. Anh còn chờ kết luận một hội nghị đây. Sao, không thể vắng mặt anh à? Ơi trời ba cái hợp đồng làm ăn của em với bà Lai để lúc khác nói được không. Ông Lai cũng đang có vấn đề cần tường trình với cấp trên đấy, em cẩn thận… Long bỏ máy xuống và ngạc nhiên với chính mình. Anh nhớ rõ lý do bồn chồn khi họp muộn là, chiều nay anh phải đi đâu với Loan, chị đã dặn dò rất kỹ lúc sáng khi sửa lại cổ áo cho anh. Hóa ra là đi dự kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới của vợ chồng một người bạn làm ăn với vợ anh. Nhưng mà anh cứ lan man nôn nóng về một điều gì đó, để đến lúc Loan bảo đi thì làm như vô can. Đúng là có lúc Long cũng không hiểu được mình. Chẳng bù dạo này, Loan bảo anh là người cõi trên. Nhưng không, anh phải phát biểu kết luận hội nghị đã, mọi người đang chờ anh và cũng đã có không ít những người sốt ruột xem đồng hồ như anh…
Long trở về phòng làm việc, chẳng buồn rửa mặt cho tỉnh táo hay nới nút cà vạt cho dễ thở một chút mà cứ thế, ngồi thừ người ra. Anh cảm thấy trống trải vì đã có đến hàng tuần không nhận được tin nhắn của Người phụ nữ bình thường. Long cảm thấy không thể thiếu nguồn tin nhắn ấy từ bao giờ vậy? Thêm một lần nữa, chính anh cũng không hiểu được mình. Quyết định xua đi bầu không khí ngột ngạt trong phòng, Long đứng lên tắt máy lạnh, mở toang hai cánh cửa sổ để nhìn tháp nhà thờ cổ kính rêu phong phía bên kia đường. Dòng người đến lễ nhà thờ buổi chiều cứ thong thả, rời rạc như thế nào. Như thể họ không còn cần gì thêm nữa khi đang tiến về nước Chúa. Mà lòng Long thì như lửa đốt. Anh đang rất muốn biết vì sao Người phụ nữ bình thường biến mất. Anh nhìn quanh quất như một người định làm điều vụng trộm rồi bấm máy. Tiếng ngọt ngào của cô gái ở tổng đài 141 nói với anh rằng, nếu anh muốn truy tìm lại số máy điện thoại bàn của người đã nhắn tin cho anh thì anh phải có thuê bao trước.
Dường như anh ấp úng đến tội nghiệp hay sao mà cô ấy nói thêm: “Trường hợp của anh, nếu anh muốn truy tìm ngay sau khi nhận tin thì em cũng cố gắng giúp anh, còn đàng này, tin nhắn cuối cùng cách đây hàng tuần rồi… Giữa hàng ngàn số máy, em biết tìm đâu ra, mong anh thông cảm”. Long lắc đầu, mênh mông mộng tưởng. Tình thế đã như trò ú tim, mà anh là nhân vật bị mê hoặc đến mù mờ, tội nghiệp. Bỏ máy, Long quay vào tìm chai rượu, định uống một chút để tự vỗ về… Thôi, đành cố mà quên vậy, chuyện của Người phụ nữ bình thường cũng như chuyện thằng cu Kha nuôi những con vật ảo qua máy ở nhà. Hôm nào nó siêng cho vật ảo ăn uống, tắm táp thì con vật mau lớn, lên cân vùn vụt. Và biết đủ trò. Khi nào cu cậu quên đến mấy hôm vì mê một trò chơi mới nào đó thì món đồ chơi vật ảo bị phủ đầy bụi. Thế thôi. Cuộc sống khó mà bị xáo trộn vì những điều không có thật… Trên kệ không có loại rượu anh thích. Mở tủ lạnh lấy nước uống, anh nghe ra mùi hương là lạ, không phải mùi hoa lài thoang thoảng mà Nhàn thường dùng để khử. Hàng ly sắp lên đầu tủ cũng nhờn nhợt như thế nào, người tạp vụ mới làm việc không vừa ý anh lắm. Hoa cắm trên bàn cũng xộc xà xộc xệch. Hoa hồng, hoa cúc, hoa cẩm chướng chen nhau bằng đủ thứ màu như những đóa hoa người ta cắm vội trên mồ. Đến lúc này, Long mới chợt nhớ, Nhàn mất đã được hai tuần. Tuần trước, Thiên Thanh nhắc anh ghé chùa thắp nhang cho Nhàn nhân dịp cúng thất chị, nhưng anh quên mất vì công việc nhiều quá… Bần thần thả mình xuống ghế nhìn quanh quất, Long chợt phát hiện ra sự trống trải của mình còn do trật tự sắp xếp trong phòng bị đảo lộn bởi người tạp vụ mới. Bức tranh “Thiếu nữ và hoa huệ” treo trên khoảng tường đối diện bàn viết của anh đã biến mất. Thay vào đó là một chùm hoa vải Thái-lan rực rỡ. Cây đàn guitare để hờ hững ở góc phòng cũng được treo lên móc cẩn thận. Một lần anh bảo Nhàn: “Sao chị không treo cây đàn của tôi lên cho gọn ghẽ?”. Nhàn cười bảo: “Anh thích thế thì tôi cũng thích thế, mọi thứ mà nhồi vào khuôn như bột thì chán lắm”. Long gật gù, anh thích thú với ý tưởng của Nhàn. Và càng nhìn Nhàn khác đi khi chị tỏ ra trân trọng những ý thích của riêng anh. Kệ sách riêng của anh ở trong phòng luôn luôn được bổ sung sách mới, những quyển sách được giới thiệu nhiều trên các báo và tạp chí. Lâu lâu xem lại, anh tính toán và xin gửi lại chị khoản tiền sách mà chị đã mua giúp. Nhàn cười thật nhẹ: “Một chút gì đó cho anh nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống này thôi, có chi mà anh phải lo làm vậy!”. Đáp lại tấm lòng chân tình của Nhàn, thỉnh thoảng, Long nhờ người mua ít quà cho bé Nhi, khi con búp bê, lúc đôi giầy xinh xắn. Chị cũng chỉ cười và nhẹ nhàng cảm ơn… Sao bỗng dưng chiều nay anh nhớ Nhàn nhiều vậy. Hay là con người có giác quan thứ sáu thật. Bởi anh không đi thắp nhang cho Nhàn hôm cúng thất cho nên chị nhắc nhở anh chăng. A, điều đó cũng không có gì khó hiểu, với một tâm trạng chênh vênh, không biết mình được gì mất gì trong buổi chiều hôm nay thì Long nhớ Nhàn là phải. Nhàn không hay trò chuyện với anh, không dám nói với anh điều gì gần gũi hay cụ thể, mà vào những buổi chiều như thế này, biết anh nặng nề buồn chán, chị cứ loanh quanh trong phòng chờ anh… sai vặt. Đại khái, chị Nhàn pha giúp tôi ly cà-phê, chị Nhàn chọn dùm tôi đĩa nhạc, chị có vui lòng đánh bóng đôi giày giùm tôi không… Đến khi không còn gì để làm, Nhàn ra ngoài ban công đứng, khoanh tay và nhìn qua phía nhà thờ kia. Có lúc Long ngạc nhiên vặn vẹo: “Sao chị không về nhà với bé Nhi?”. Lại cười hiền khô: “Chiều nay nó đi học Anh văn, tôi ở nhà hay ở cơ quan cũng vậy mà?”. Long nhìn chị hài lòng: “Vậy thì vào đây ngồi nghe nhạc với tôi”. Nhàn lắc đầu bảo không dám. Anh gật gù, nghĩ Nhàn hay hay. Cũng có lúc anh thắc mắc với Thiên Thanh, muốn biết trước khi vào cơ quan làm tạp vụ, Nhàn đã làm việc ở đâu và học hành thế nào. Thiên Thanh hạ giọng: “Cũng dân đàng hoàng đó anh ơi, chẳng qua không gặp thời vận mà thôi. Nghe nói hồi đó chị đang học lớp mười hai, gia đình túng quẫn, đành phải nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ cha, đâu được chục năm thì gặp thằng cha sở khanh là cha bé Nhi bây giờ đó. Nhưng mà thôi, anh đừng hỏi han gì hết, chị Nhàn nhạy cảm, dễ chạnh lòng, tội nghiệp!”. Sau khi Nhàn mất, quây quần với bao nhiêu là công việc, anh tưởng mình sẽ không có thời gian để nhớ về những điều vặt vãnh quanh chị. Điều đương nhiên thôi, những việc vặt trong phòng anh, đã có người tạp vụ mới. Chị này làm việc cẩn trọng, chu đáo và đúng giờ. Nhưng không có những khoảng lặng như Nhàn đã từng dành cho anh. Cứ hết giờ, hết việc, người tạp vụ mới khóa cửa ra về. Anh có đi đông đi tây, về sớm muộn gì thì cũng tự pha cà-phê mà uống. Quan trọng là không có người đứng bên ngoài hành lang nghe… tiếng chuông nhà thờ, để chỉ cần anh khẽ hắng giọng là có người hỏi ngay anh cần gì… Anh không hay hạch sách và “lên giọng lãnh đạo” với Nhàn. Nhưng thực kỳ lạ, anh thích sự củ mỉ cù mì của Nhàn khi chị phải “chấp hành” anh một điều gì đó. Điều này vừa lạ vừa quen, vừa cho anh cảm giác kẻ thống trị, vừa cho anh cảm giác kẻ tôi đòi. Nhàn lúc nào cũng cam chịu và chấp nhận, nhưng anh không áy náy lắm, vì dường như những điều đó đã trở thành thuộc tính của chị rồi… Có chuông điện thoại reo. Long nhấc máy. Loan gọi. Anh đến nhà bà Lai đón em về. Trời sắp mưa rồi, anh nhớ mang áo mưa nhé. Long bảo, ừ, chờ anh thu xếp một chút, rồi thở dài, đứng lên đến trước gương chải lại tóc. Có tiếng gõ cửa rụt rè. Anh thoáng rùng mình. Giống tiếng gõ cửa của Nhàn. Hay là… chị cũng đang đứng ngoài ban công chờ anh sai vặt? Long cười xòa, thấy mình nhảm. Anh hắng giọng:
– Mời vào!
Con bé Nhi đẩy cửa, chạy ào vào như gió. Nó đến ôm chặt anh, khóc thút thít. Anh đẩy nó ra, rút khăn tay lau nước mắt cho nó:
– Có chuyện gì vậy, con nói cậu nghe đi, không được khóc, con phải bình tĩnh và kiên cường như mẹ vậy!
Như có người hiểu được lòng mình, Nhi càng khóc to hơn:
– Cậu Long ơi, chắc mẹ con không được lên thiên đàng…
Long ngớ ra một giây, anh khẽ cười và vuốt tóc con bé:
– Này nhé, bây giờ, hai cậu cháu mình ngồi xuống ghế, ta nói chuyện với nhau đàng hoàng như hai người lớn được chưa? Nào, con nói đi!
Con bé thôi khóc nhưng giọng vẫn còn tấm tức:
– Con nói con lo chuyện mẹ không được lên thiên đàng, bà ngoại bảo con đừng nói chuyện tầm phào, dì út bảo con giàu trí tưởng… Con chỉ còn hy vọng cậu Long…
Long nhướng mắt:
– Nhưng nhỡ cậu cũng nói như bà ngoại với dì út con thì sao?
– Không, con biết là cậu tin con. Hồi lúc còn sống, mẹ Nhàn nói cậu thông minh nhất, cậu biết hết những điều trên thế gian này, con có thắc mắc điều gì cứ đến hỏi cậu thì ra…
Long lặng đi một phút:
– Ừ, thì con nói đi, vì sao con sợ mẹ Nhàn không được lên thiên đàng?
– Con không tìm được người nào viết chữ để nhắn tin giúp mẹ…
Long bật cười:
– Nhắn cái gì? Nhắn cho ai?
Mắt con bé ướt át nhìn quanh nhưng đã xuống giọng thám tử:
– Chuyện này mẹ Nhàn bảo không cho ai biết, kể cả bà ngoại, dì út… Nhưng bây giờ con chỉ nói cho mình cậu biết thôi nghen… Nè, theo yêu cầu của mẹ, con phải nhắn tin qua số máy này nè…
Mắt Long như hoa lên trước số máy di động của mình. Những mẩu tin nhắn quen thuộc hiện lên trên trang giấy học trò bé Nhi đưa ra. Anh nhìn sâu vào mắt con bé ngây thơ, đến lúc này, anh mới thấy con gái Nhàn giống Nhàn như đúc… Mặc tình, con bé cứ huyên thuyên. Cậu biết không, dường như lúc biết mình bệnh ung thư thì mẹ bắt đầu chơi nhắn tin. Có gì khó đâu, trường học con sát bên bưu điện ấy mà. Chiều nào đón con đi học về, mẹ cũng ghé vô. Nhắn tin nhanh lắm, một phút thôi. Nhưng mẹ chỉ tự nhắn tin khi chưa phát bệnh nặng. Lúc mẹ bệnh nặng rồi, con phải về học một mình. Mẹ hỏi về một mình có sợ không. Con bảo không, con lớn rồi, một nữ sinh lớp năm không được sợ những điều vặt vãnh. Mẹ khen con giỏi, vậy có dám ghé bưu điện nhắn tin dùm mẹ không. Con bảo có gì đâu mà không dám. Thiệt đó cậu, nhắn tin không khó đâu. Con đi với mẹ hoài, thấy mẹ làm thì biết. Trước khi mất hai ngày, mẹ viết đầy vào tờ giấy này. Mẹ bảo mỗi ngày nhắn giúp mẹ một câu, cho đến khi nào hết thì thôi. Mẹ bảo, con làm được như thế thì sẽ giúp mẹ nhanh chóng lên thiên đàng. Con hỏi thiên đàng là gì. Mẹ bảo thiên đàng là nơi giúp người chết nhẹ nhõm tâm hồn. Con hỏi tâm hồn là gì. Mẹ nói tâm hồn là những suy nghĩ của con dành cho mẹ, những suy nghĩ của mẹ dành cho con và những điều đó sẽ không bao giờ mất đi. Nhưng cậu ơi, cả tuần nay, con không còn gì để nhắn nữa, những câu chữ mẹ viết, con đã nhắn hết rồi, con sợ nhắn ít quá, mẹ không lên được thiên đàng… Cậu có cách nào giúp con không. Con bé dụi đầu vào ngực Long khóc thút thít… Tình yêu xóa nhòa mọi khái niệm thời gian, khiến ta không còn nhớ về thuở ban đầu cũng như không sợ đến hồi kết thúc. Đó là tin nhắn cuối cùng của Nhàn dành cho Long. Nước mắt của bé Nhi thấm ướt ngực áo anh. Anh nhắm mắt lại, cúi xuống thơm lên tóc con bé, một mùi hương ngập tràn như khi Nhàn vừa gội tóc xong…

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *