Bài nổi bật

Thấp thoáng thành phố – Nguyễn Quang Quân

RadioVn.Com – Ông Hoàng đang nằm đung đưa trên võng đọc báo thì tiếng nhạc chuông quen thuộc vang lên. Giật mình, ông với tay lấy chiếc điện thoại di động để trên chồng sách cũ. Trên màn hình hiện rõ: Quang đang gọi. Ông bấm nút nhận cuộc gọi.
– Ba nghe đây!
– Ba à! Con đang trên đường đi thành phố Hồ Chí Minh. Con vào đấy chơi mấy ngày, ba có cần thăm hỏi người nào không?
– Không có ai mà thăm hỏi! Con cứ lo chuyện của con đi! Mà chừng nào về vậy?
– Khoảng cuối tuần, con về!
Ông Hoàng tắt máy. Mới sáng nay, nó nhờ đánh thức dậy sớm để đi Tuy Hoà liên hệ công tác bằng xe máy. Thế mà bây giờ, năm giờ chiều, nó đã bỏ xe máy lên xe khách và phóng vào Sài Gòn rồi. Thằng này lung tung thật, chẳng biết thế nào cả!
Thấy Quang nằm dài ở nhà nửa tháng nay, ông nghi nó bỏ việc rồi. Cách đây vài ngày, nó bảo đi làm lại. Cứ sáng đi, tối mịt mới về; cơm nước thì bữa ăn, bữa bỏ. Vợ chồng ông thật mệt với cậu con trai này. Tốt nghiệp đại học, đi làm đã mấy năm rồi, nhưng cứ nhởn nhơ như chơi! Đã tám năm nay, Quang đã làm hai vòng tua các công ty ở Qui Nhơn và Sài Gòn, không nơi nào trụ quá một năm. Được cái nó là dân Kinh tế, chuyên ngành Tài chính, nên công ty nào cũng cần Kế toán, nên nó tìm việc cũng khá dễ dàng. Nhưng nơi nào rồi cũng chê, cũng kình! Không như ý thì bỏ ngay! Ai bảo tuổi trẻ ngày nay linh hoạt, luôn trăn trở kiếm tìm chỗ làm và vị trí thích hợp với năng lực của mình, nhưng với trường hợp cậu con mình, ông thấy cái hay thì ít, cái dở thì nhiều. Trong thời gian đầu, thương con bước đầu vào đời bỡ ngỡ, ông đã vài lần đi cạy cục xin việc cho nó. Chỉ được năm ba tháng, nó bỏ. Từ lần thứ ba, tự nó kiếm việc – chuyển cũng nhanh nhưng không bền. Chỗ nào lương cũng khá, ba bốn triệu một tháng với chức kế toán trưởng là tốt rồi. Nhưng không bền. Cứ đà này thì không biết thế nào! Tuổi tam thập mà chưa trụ vững, thì thế nào đây? Đã thế, còn chuyện lập gia đình, vợ con nữa chứ! Bảo cưới vợ đi thì không chịu! Chưa bao giờ nghe nó nói về một cô gái nào, tuy thỉnh thoảng cũng có một vài cô gọi điện đến nhà xin gặp anh Quang! Cha mẹ giục thì nó nhăn mặt, nhíu mày!
Đúng như ông dự đoán, Quang đi Tuy Hoà là để thử việc. Thực tế không như ý, nó bỏ đi Sài Gòn luôn. Thực ra, trước đó nó đã gửi hồ sơ xin việc đi nhiều nơi. Vào thành phố cũng có công ty đồng ý nhận. Thế là cuối tuần, Quang điện về, nói rõ chuyện đi Sài Gòn để làm việc và xin cha mẹ thông cảm. Khi đi, Quang đã mang theo gần hết quần áo, đồ dùng cần thiết. Quang sợ bị ba má la rầy, cản ngăn nên âm thầm chuẩn bị hành trang từ nhiều hôm trước. Trước sự việc này, bà thì có buồn nhưng ông thì không lạ, và ngán ngẩm chẳng muốn nói gì. Thôi cuộc đời của nó, cứ để nó tự lo. Hơn ba mươi tuổi rồi chứ có ít đâu! Tuổi này, nếu lập gia đình sớm thì cũng có vài đứa con với một gia đình bề bộn bao nhiêu chuyện phải lo rồi. Cứ suy nghĩ , quyết định, chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Nói nhiều rồi, vả lại nói nó không nghe, thì nói chi cho mệt. Cũng được cái là nó chưa thất nghiệp, về nằm báo cô ở nhà!
2.
Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, cái quầng sáng ấy quyến rủ thật! Mới đó mà đã gần nửa thế kỉ, ông Hoàng rời xa Sài Gòn. Trước đây, ông từ Qui Nhơn vào Sài Gòn học. Anh sinh viên quê mùa bị choáng ngợp trước ánh hào nhoáng của một Sài thành hoa lệ. Gắn bó với nó bốn năm đại học, ngày ra trường anh cố gắng lắm mới rời được nó, trở về quê dạy học theo ý nguyện của mẹ. Sau này, dù khó khăn thế nào, vài năm một lần ông đều tìm cách vào thăm Sài Gòn, thăm những ngả đường và nơi chốn ngày xưa chất đầy kỉ niệm. Thậm chí, mười lăm năm trước đây, ông đã định xin rời biên chế nhà nước để vào Sài Gòn sống, dù với một công việc tạm bợ, vất vưởng qua ngày. May mà ngày ấy, với sự can ngăn vừa dịu dàng, vừa quyết liệt của vợ, ông đã buồn rầu từ bỏ ý định ấy. Lúc ấy, chính Quang , dù mới mười lăm tuổi, lại ủng hộ mạnh mẽ việc ba nó vào thành phố làm việc, tạo cơ sở cho những bước đi của nó sau này. Và cũng như ba, Quang đã tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn, đã tìm cách làm việc ở đó, mặc dù đã vài lần buộc lòng phải rời nó, về quê xin việc. Thật ra, trong thâm tâm, ông Hoàng muốn con trai mình làm được cái điều ngày xưa ông không làm được, để ông có chỗ thường xuyên đi về Sài Gòn. Tâm trạng ấy không lạ, hình như Giả Đảo đã nói trong bài thơ Độ Tang Càn mà ông rất thích. Ở Tinh Châu – đất khách đã mười năm., Ngày đêm nhớ quê Hàm Dương muốn trở về. Không dưng lại vượt qua sông Tang Càn, Ngoảnh lại Tinh Châu thấy đó là như quê của mình. “Khước vọng Tinh Châu thị cố hương”. Phải! Nhiều lúc, ông Hoàng đã nhìn về Sài Gòn như hướng về quê hương mình! Điều ấy có gì lạ đâu? Nhưng Quang đã không trụ vững. Thích ở và làm việc ở thành phố, nhưng đã mấy lần phải rời nó mà đi, vì không chịu nổi những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống nơi thành phố. Trụ được ở đó, phải là có người có tài, có chí, và thêm một chút may mắn nữa thì tốt! Bao nhiêu người tỉnh lẻ đã thành đạt và sống tốt ở Sài Gòn? Nhiều lắm! Và không ít kẻ ngã ngựa, mình đầy thương tích, tay trắng về lại quê hương! Sài Gòn có trường đua, nơi đó là trường đua, chuyện thắng bại là thường tình, nhưng làm sao vẫn giữ được mình trên lưng ngựa và về đích mới hay! Trở lại thành phố lần này, tức là Quang tiếp tục chấp nhận cuộc đua và có vững vàng vượt qua thử thách được chăng? Ông Hoàng lo lắm và mong lắm. Mong Quang trụ được lần này, nếu không, đá mà lăn hoài thì rêu làm sao mà bám được! Nếu cuộc đời là một cái trắng tay thì buồn lắm! Tuy đã tự nhủ với lòng là sẽ không can thiệp vào chuyện việc làm của Quang nữa, nhưng ông vẫn lo cho con. Hai tuần sau, nó báo về đang làm việc ở một công ty tư nhân ở quận 3, nhưng phải thuê nhà ở mãi tận quận 7. Xa thế thì tiền xăng ngốn hết còn gì! Ông đã điện thoại nhờ mấy người thân quen tìm cho Quang một chỗ trọ tương đối ở gần, nhưng nói chung là không có, với nhiều lí do. Có đôi học trò cũ của ông đang sống được ở thành phố cũng bỏ công tìm và giới thiệu, nhưng giá thì cao quá, nhất là ở vùng trung tâm thành phố như quận 3 và ven đó. Bạn bè ông thì nhiều người nhà cửa rộng thênh thang, nhưng ông không muốn nhờ, vả lại chẳng ai muốn rước người lạ vào nhà. Quang thì một mực bảo để nó tự lo. Việc làm còn tự lo được, huống hồ một chỗ trọ cỏn con. Ở thành phố này, có tiền là có tất. Vấn đề là anh có tiền không, và có bao nhiêu vậy thôi! Ông Hoàng quá hiểu điều đó. Trong ông, thành phố thấp thoáng nơi xa nhưng cũng thật gần. Cảnh vật thì có thể đổi thay nhưng cái chất của con người thì khó đổi. Trong cái nhìn của ông, tất cả không có gì khác lạ, vì đó thế giới quen thuộc của ông, nó hằn sâu trong tâm tưởng đã gần nửa thế kỷ nay!
Một tháng sau, Quang gọi điện về báo, với vẻ vui mừng rằng đã qua phóng vấn trúng tuyển vào một công ty lớn tư vấn về đầu tư và phát triển ở quận 3 và cũng đã có một phòng trọ khá tốt ở gần cơ quan, thậm chí nếu đi bộ chỉ mười phút là tới!
3.
Thật không ngờ, Quang đã có được một chỗ trọ rất tốt. Trong chuyến đi phép vào thành phố thăm con, không báo trước, ông Hoàng đi thẳng đến địa chỉ nhà trọ của Quang ở đường Võ thị Sáu. Căn nhà lầu ba tầng trong một hẻm lớn chỉ cách đường phố vài trăm mét là chỗ trọ của hắn ư? Ông Hoàng vào một quán nước ngay trước nhà , gọi một tách cà phê nhâm nhi suy nghĩ và sau đó gọi điện báo cho Quang biết mình đã vào Sài Gòn và đang ngồi ở tiệm nước này. Quang có vẻ ngạc nhiên và bảo sẽ thu xếp công việc về ngay đón bố. Nửa giờ sau, ông Hoàng thấy con mình chạy xe về, đàng hoàng mở cửa dắt xe vào căn nhà lớn đó, lát sau bước sang quán cà phê tìm bố. Quang vui vẻ chào bố, ngồi xuống ghế bên cạnh với ly nước vừa kêu thêm. Ông Hoàng hỏi ngay:
– Con thuê phòng trong toà nhà kia sao? Chắc đắt lắm nhỉ?
– Con có một căn phòng riêng trong đó, nhưng phạm vi sử dụng gần như cả nhà. Chỉ mình con ở đây thôi. Ba vào chơi, ở đây với con thì tiện lắm.
– Thế thì hay quá! Nhưng sao con tìm được một chỗ tốt như thế này?
– Thôi cha con mình về nhà đi, có gì con sẽ nóichuyện cụ thể với cha sau!
Đi qua đường ngách rộng khoảng một mét, Quang đưa cha đến phòng mình. Căn phòng Quang ở tiếp sau phòng khách, ngay tầng trệt, rộng khoảng hai mươi mét vuông, bài trí gọn gàng nhưng khá đẹp mắt. Nhưng ông Hoàng ngồi chưa ấm chỗ thì Quang đã đưa ông sang phòng bên cạnh với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ như ở phòng Quang và bảo:
– Ba sẽ ở đây!
Ông Hoàng nhìn quanh căn phòng ngại ngần hỏi:
– Thế có phiền người ta không, con?
– Không sao đâu! Thực ra anh chủ cứ bảo con mời ba vào chơi đó! Và khi ba vào, cả tầng trệt này thuộc quyền sử dụng của cha con mình. Anh ấy đã dặn trước con như thế mà!
– Ông ấy quen ba à? Mà sao con cứ gọi người ta là anh thế? Còn trẻ à!
– Cũng chỉ gần năm mươi thôi. Không biết có quen với ba không, anh ấy không nói, nhưng đối xử với con thì rất chân tình!
Quang kể: Hai tháng ttrước đây, con đang làm việc ở cơ quan thì nhận được điện qua máy di động – một số máy lạ, đại ý nói: Quang phải không? Qua một người quen, tôi được biết em đang tìm một chỗ trọ gần chỗ làm việc ở quận 3. Tôi muốn giúp em.. Nếu đồng ý, chín giờ sáng chủ nhật, em đến gặp tôi tại nhà số…Đúng vào ngày giờ ấy, con đến nhà này, gặp anh ấy. Anh tiếp con thân mật, hỏi qua quê quán, gia cảnh và công việc rồi bảo: Căn nhà này là của anh, trước đây gia đình ở đây, sau làm ăn khấm khá , anh mua đất xây dựng cơ ngơi bên Tân Bình. Nhà trước đây cho thuê nguyên căn – mười triệu đồng/ tháng. Nhưng giờ thì anh có ý định khác. Tạm thời giao em ở một phòng và nhờ em coi sóc luôn nhà cho anh. Anh nháy mắt, bảo con: Tạm thời hay lâu dài là tuỳ thuộc vào em ! Về tiền thuê, anh ấy chỉ lấy tượng trưng năm trăm ngàn/ tháng để chi phí điện nước và vài khoản khác nhì nhằng vậy thôi! (Ba biết đấy, giá thuê một phòng như thế này ở đây không dưới một triệu đâu!). Con một mình ở đây rất thoải mái. Hằng tuần anh gọi điện hỏi thăm, dặn dò chu đáo. Nghe đâu anh ấy là giám đốc một công ty xây dựng, kiêm đầu tư về địa ốc, giàu lắm! Chốc nữa, con sẽ gọi điện báo cho anh ấy biết là có ba vào chơi, ở ít ngày với con – cho phải phép!

4.
Đã mấy ngày qua, ông Hoàng ở chơi đất Sài Gòn thật thoải mái. Chỗ trọ thì đầy đủ tiện nghi. Cơm nước thì có ngay quán ăn trước nhà, cơm phở đủ cả. Thường buổi sáng, hơn bảy giờ, Quang đưa ông đi ăn sáng ở các quán hàng trước cổng công ty anh, rồi vào làm việc luôn. Anh làm việc thông tầm, chiều năm giờ mới về. Ông Hoàng lấy xe honda của Quang đi chơi cả ngày, dong ruổi trên những đường phố quen thuộc, hoặc đến thăm những gia đình thân quen. Khoảng năm giờ chiều, ông lại đến cổng công ty đón Quang về nhà, hoặc có khi hai cha con đến luôn quán nhậu. Ong Hoàng thấy vui lắm. Chỗ làm của Quang thì ông đã biết – rất bề thế! Chỗ ở thì quá tốt! Thế là yên tâm rồi, ông chỉ việc đi chơi và thăm thú bạn bè thôi! Và Quang báo trước, ngày thứ tư (ông có mặt ở thành phố) cũng là ngày chúa nhật, anh chủ nhà sẽ đến thăm ông. Thực ra ông muốn đến nhà thăm và cảm ơn họ đã có lòng tốt giúp đỡ con mình , nhưng Quang bảo anh ấy đã hẹn trước như thế rồi!
Sáng chúa nhật, khoảng chín giờ, cha con ông Hoàng ngồi nói chuyện chơi ở phòng khách, thì có người gõ nhẹ cửa trước và Quang vội đứng dậy, đón vào. Đó là một người trung niên cao to, trắng trẻo, ăn mặc giản dị, nhưng phong thái rất ung dung, đĩnh đạc. Quang vừa kịp giới thiệu: Thưa ba, đây là anh chủ nhà! Thì anh đã đon đả chào :
– Chào thầy a! Thầy có nhớ em không?
Ong Hoàng cất vội tiếng chào đáp lễ “Không dám! Chào anh!” nhưng cái nhìn vẫn còn ngờ ngợ. Một khuôn mặt rất quen, nhưng là ai kía? Trí nhớ hoạt động mạnh và trong phút chốc ông nhận ra ngay:
– A, Thành! Thành phải không?
Người chủ nhà bước vội đến, nắm lấy tay ông, mừng rỡ:
– Vâng, em đây! Lâu quá rồi mới đươc gặp thầy! Mời thầy ngồi đi ạ!
Quang rót nước mời hai người. Giữa những câu hỏi thăm nhau, hình ảnh cậu học trò cũ ngày xưa hiện ra rõ mồn một trong kí ức. Hồi ấy, đâu khoảng năm 1978 thì phải…..
Hôm ấy đột nhiên ông Hoàng được hiệu trưởng mời lên văn phòng gặp gấp.Chuyện đơn giản thôi: Một học sinh trong trường làm đơn báo cáo mất xe đạp, trong đó tố cáo đích danh người bạn cùng xóm là Lê văn Thành, học sinh lớp 12A – do thầy chủ nhiệm – đã lấy cắp. Nhà trường yêu cầu thầy tìm hiểu kĩ vụ việc, đề xuất ý kiến về cách xử lí vụ này. Ông Hoàng rất ngạc nhiên, vì Thành là một học sinh tiên tiến, một tấm gương vượt khó học giỏi của lớp ông. Nhưng đọc tờ đơn, thì có vẻ chứng cứ rất rõ ràng. Chiều hôm ấy, ông Hoàng thu xếp công việc, đến ngay nhà Thành, gặp hắn để tìm hiểu.
Nhà Thành ở cuối xóm nhỏ của một xã vùng sâu, cách huyện lỵ – nơi trường đóng, gần mười cây số. Thế mà hàng ngày, hoặc đi bộ, hoặc đi nhờ xe đạp với bạn, Thành vẫn chuyên cần đi học. Ong Hoàng đã phải đạp xe hơn một tiếng đồng hồ, mới tới được vùng này. Sau đó vừa đi qua những đường ruộng lầy lội,vừa hỏi thăm, phải cả giờ nữa ông mới tới nơi. Nhà Thành là một mái tranh nhỏ, xiêu vẹo. Nhà chỉ có hai mẹ con, bà mẹ đang đau và chính Thành đang ngồi bón từng thìa thuốc cho mẹ.Từ hơn tháng nay, Thành vừa đi học, vừa cáng đáng mọi việc nhà, lo giặt giũ, thuốc thang cho mẹ.Hoàn cảnh của Thành, ông Hoàng có nghe qua nhưng không ngờ thực tế bi đát quá thế này.
Sau vài lời thăm hỏi, ông Hoàng đi thẳng vào vấn đề cần tìm hiểu. Thành nước mắt lưng tròng, gật đầu thừa nhận sự việc đã làm., đúng như trong đơn tố cáo. Cụ thể thế này: Hôm ấy, mẹ Thành trở bệnh nặng, y tá đến khám và bảo phải mua gấp mấy thứ thuốc cần thiết, toàn những thứ đắt tiền. Trong nhà không còn một đồng, đã vay mượn nhiều, bây giờ không biết mượn tiếp ở đâu. Bí quá, Thành đến nhà Lộc, bạn học cùng trường ở gần đó, định mượn chiếc xe đạp, đi lên phố huyện tìm cách vay mượn nơi vài bạn bè khá giả và mua thuốc luôn cho mẹ. Đến nhà, thấy chiếc xe đạp của Lộc dựng hớ hênh ngoài cổng, nhìn kĩ không có ai, Thành lấy xe đi luôn lên huyện. Thành tìm đến một tiệm sửa xe đạp, ngỏ ý vì thiếu tiền đóng tiền học nên bán xe cho họ. Họ đồng ý mua nhưng với giá khá rẻ, nhưng cũng đủ để mua thuốc cho mẹ.Tin Lộc mất xe đồn rân trong xóm, có người trong làng thấy Lộc chiều hôm ấy di lên phố huyện bằng xe đạp và khi trở về lại đi bộ . Kết hợp nhiều nguồn tin, cha mẹ của Lộc có thể xác định ai là người lấy xe con mình. Họ định báo công an, nhưng suy đi nghĩ lại, họ bảo con làm đơn khiếu tố gửi nhà trường, để nhà trường có biện pháp xử lý. Thành khóc rất nhiều và mếu máo nói với thầy Hoàng : ” Hôm đó, không hiểu sao em lại làm một việc xấu hổ như thế! Em thấy ân hận lắm., nhưng làm sao bây giờ đây thầy?”. Trước tình trạng ấy, ông Hoàng cũng chỉ nhẹ nhàng trách mắng Thành dại dột, khuyên Thành cố gắng chăm sóc mẹ và thu xếp đi học bình thường.
Hôm sau, ông Hoàng trình bày cụ thể sự việc với hiệu trưởng. Với tư cách giáo viên chủ nhiệm, ông khẳng định bản chất Thành là tốt, một học sinh chịu khó, hiếu học nhưng trong tình cảnh cùng quẫn, vì quá lo lắng cho bệnh tình của mẹ đã dại dột làm một việc xấu, vi phạm pháp luật và có thể bị tù, bị đuổi học. Thầy Hoàng tha thiết đề nghị nhà trường cho phép xử lí nội bộ ở lớp. Thành sẽ bị kiểm điểm nghiêm khắc và chiếc xe đạp sẽ được chuộc lại trả cho Lộc.Ông hiệu trưởng cũng đã tìm hiểu qua hoàn cảnh và thành tích học tập của Thành, nên đồng ý với đề nghị của thầy Hoàng.
Thầy Hoàng khẩn trương giải quyết sự việc. Trước hết, ông cùng Thành đi chuộc chiếc xe.Tiền chuộc xe, thầy trả – đâu khoảng ba mươi đồng – mất nửa tháng lương của thầy! Sau đó hai thầy trò đến nhà Lộc trình bày sự việc, tha thiết xin họ thông cảm, nhận lại xe và tha thứ hành động dại dột của Thành. Biết rõ gia cảnh và tính tình của Thành, gia đình Lộc sẵn sàng bỏ qua, và Lộc đã đến trường xin rút lại đơn khiếu tố. Thầy Hoàng tổ chức viêc kiểm điểm mghiêm túc Thành trước lớp theo chiều hướng thấu hiểu, thông cảm và tha thứ. Ông gợi ý trưởng lớp vận động học sinh trong lớp bằng hình thức tự nguyện đóng góp ít nhiều giúp bạn vượt qua cơn bĩ cực. Tất cả rồi cũng qua đi. Mặc dù mặc cảm xấu hổ giày vò, Thành cắn răng vượt khó, tiếp tục học tập và đã vượt qua kì thi tốt nghiệp một cách dễ dàng. Sau đó, khi mẹ đã khỏi bệnh, Thành không thi đại học, quyết tâm rời quê nhà, vào Sài Gòn tìm việc…
Cuốn phim hồi ức quay nhanh trong đầu óc ông Hoàng. Bây giờ trước mặt ông là một anh Thành – doanh nhân thành đạt, phương phi béo tốt, và tất nhiên khá giàu sang. Ông hỏi thăm con đường đi qua của anh, Thành chỉ cúi đầu cười nhẹ:
– Ôi, gian khổ lắm thầy ạ! Vào thành phố với hai bàn tay trắng,em khởi nghiệp từ nghề đạp xích lô, thợ hồ….nói chung, những nghề vất vả nhất. Rồi từng chút một, em dành dụm, phát triển. Em tự học, học hàm thụ và đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Hiện nay em điều hành một công ty xây dựng lớn, vợ em đứng tên giám đốc một công ty địa ốc….nói chung là làm ăn được. Nhưng dù thế nào, em cũng nghĩ nhớ về quê hương và rất biết ơn thầy đã dạy dỗ, giúp đỡ em những ngày cơ hàn ở quê nhà. À, cậu Lộc ngày trước tố cáo em lấy cắp xe đạp, hiện nay là lái xe của công ty em đấy! Qua cậu ấy mà em biết tin thầy muốn tìm chỗ trọ cho Quang. Sẵn đây, em xin thưa với thầy một ý định của em. Em muốn sửa sang lại căn nhà này biến nó thành nhà trọ, một ký túc xá cho sinh viên nghèo người Bình Định ở đây. Giá cả sẽ rẻ thôi, cố gắng ngang bằng với Kí túc xá của các trường Đại học. Em dành riêng cho Quang một phòng tốt nhất. Quang có thể ở đây lâu dài và nếu có thể, giúp em trông coi nhà trọ này, xem đó là việc làm phụ của Quang. Sẽ có chế độ phụ cấp xứng đáng. Còn chừng nào Quang có nhà riêng, cứ đi, em sẽ nhờ người khác. Thầy thấy sao? Quang nghĩ thế nào? Riêng em, em nghĩ đây là một cách hướng về quê hương thiết thực nhất!
– Còn nghĩ thế nào nữa, như thế là tốt quá rồi! Thầy cảm ơn em đã nghĩ đến thầy mà giúp đỡ, tạo điều kiện cho em Quang làm việc và trụ được ở đây!
Hôm ấy, Thành lái xe đưa hai cha con ông Hoàng về nhà mình chơi. Cơ ngơi Thành lớn thật! Vợ chồng Thành chuẩn bị một bữa cơm thân mật – thật ra là một tiệc lớn, mời thầy Hoàng. Họ đón tiếp ông như một khách quý, một người thân bề trên, và hơn nữa, như một ân nhân của mình. Ông Hoàng không biết nói sao, chỉ rưng rưng đón nhận nghĩa tình của họ…..
Tối hôm đó, về nhà trọ, hai cha con ông Hoàng ôn lại câu chuyện về cuộc đời Thành. Cuối cùng, ông Hoàng nói với con: Con nên xem đó là một tấm gương, một bài học thiết thực cho đời mình. Muốn đi lên, muốn thành công ở đất này, không dễ đâu! Phải chịu khó, chịu khổ, phải chắt chiu từng chút một….Tóm lại là phải biết chịu đựng gian khổ khó khăn và phấn đấu đi lên bằng tất cả sức lực của mình! Quang lặng im suy nghĩ và tự nhủ: Mình đã có những bước khởi đầu thuận lợi hơn , sao mình lại không với tới tầm cao như anh Thành nhỉ? Quang mải mê với ý nghĩ đó và mỉm cười như thấy được tương lai của mình!
Tháng 8. 2007

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *