Bài nổi bật

Rừng Thao Thức Gió – Phương Trà

RadioVn.Com – Trời nôn nao chuyển mùa bằng mấy trận mưa. Mưa đổ rào rào trên mái tranh làm bóng tối sầm sập đến. Mận trút chỗ cơm trộn nước canh vô cái tô mẻ, để phía trong cửa bếp. Con mực vẫy đuôi, tính chạy vô nhà. Nhưng tự nhiên nó quay trở ra, sủa inh ỏi.
Tiếng sủa của con mực lúc trời chạng vạng làm Mận thấy lo. Ông Bảy đi câu cá về trễ, hay là… Mận chạy tới, tính chụp cổ con mực kéo vô nhà, nhưng nó vùng ra và tiếp tục sủa.Liền sau đó có tiếng chân.
Một người đàn ông trùm áo tơi, y như từ trên trời rơi xuống, lạ huơ lạ hoắc. Anh ta vuốt nước mưa trên mặt:
-Tôi bị lỡ đường. Làm ơn cho tôi ở nhờ, được hôn cô?
Trời đất, hồi nảo hồi nào tới giờ, làm gì có người khách lạ nào ghé vô cái nhà heo hút cuối xóm này? Lại còn đòi ở lại! Nghe giọng nói, rõ ràng hổng phải dân xứ này. Ai biết là người ngay hay kẻ gian? Mận lắc đầu lia lịa:
-Hổng được đâu. Nhà tui chật chội. Với lại tui chỉ có, chỉ có…
– Cô ở có một mình?
Câu hỏi này càng làm Mận lo thêm:
– Đâu có. Nhà này còn có… có hai người đàn ông, chồng tui với anh tui, đi họp đội sản xuất sắp dzìa.
Người lạ nài nỉ:
– Cô cho tôi ở nhờ một đêm. Sáng ra tôi đi liền.
– Nhưng mà… nhà tui chật chội lắm.
– Không sao, tôi trải tấm bạt ngủ dưới đất cũng được.
Rồi chừng như biết chủ nhà đưa ra nhiều lý do chỉ để từ chối, người khách thở dài:
– Thiệt tình tôi cũng không muốn làm phiền. Đợi cô vô nhà, tôi nằm ngoài thềm cũng được. Nhưng nghe nói vùng này có thú dữ …
Mận nhớ tới nỗi sợ lúc nãy khi nghe con mực sủa. Cũng phải, ổng nằm ngoài hè, lỡ có bề gì… Mà, nhìn mặt mũi cũng hiền lành, chắc không phải phường trộm cướp. Sau một hồi bậm môi suy nghĩ, Mận không nỡ lắc đầu.
–  Nhưng tui nói trước, anh  mà tầm bậy tầm bạ là tui la lên, làng xóm kéo tới rầm rầm đó. Với lại, anh hai và chồng tui cũng sắp dzìa.
Người đàn ông mừng rỡ:
-Thiệt cảm ơn cô!
Mận quay qua tìm con chó mực. Sau một hồi sủa inh ỏi, ý chừng mỏi miệng, nó đi vô bếp ung dung ăn cơm. Chỉ chờ có vậy, sau khi người khách vô nhà, Mận dập cánh cửa phên tre, gài chốt trên chốt dưới. Cô vặn to ngọn đèn để trên cái bàn ở gian giữa, thắp thêm cây đèn để trên nhà trên, nơi có kê bộ ván bằng gỗ sung. Người đàn ông để cái túi xách ướt đẫm lên cái ghế nhỏ rồi rút ra một cái khăn cũ, lau mặt.
Mận chỉ tấm phản:
– Anh ngả lưng ở đó. Để tui đi lấy cái mùng. Mà, đã ăn gì chưa?
Người đàn ông lắc đầu:
-Chưa, nhưng tôi còn thứ này.
Anh ta lôi từ trong xách ra một ổ bánh mì  quắt queo. Nhìn ổ bánh mì, Mận thấy tội tội:
– Để tôi bới chén cơm. Nhà còn chút cá kho. Ở đây năm ngày mới họp chợ một lần.
Nhìn người khách cắm cúi ăn cơm, Mận mới để lộ ra thắc mắc từ nãy giờ:
– Anh ở đâu tới?
– Nhà tôi ở Cần Thơ.
– Chu cha, tuốt ở trỏng! Anh tới đây làm chi?
– Tôi  đi… tìm trầm.
– Vùng này cũng có người đi tìm trầm. Trời ơi, “chằn ăn trăn quấn” lắm!
Người đàn ông ăn xong, định mở cửa ra ngoài. Nhưng Mận cản lại.
– Có thau nước gần bếp kia kìa. Còn cái chén, cứ để trên bàn, mai tui dẹp.
Ăn uống xong xuôi, người đàn ông ngả lưng xuống phản, coi bộ khoan khoái. Mận đi thắp nhang. Rồi, chừng như vẫn không đuổi được nỗi sợ, Mận xuống bếp, lấy con dao giấu duới gối, đem cái gậy dựng vô góc buồng.
Nhà có người lạ, lại là đàn ông. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm Mận lo lắng. Cô rủa mình tự nhiên rước anh ta vô nhà để bây giờ hai mắt cứ mở thao láo, không dám ngủ. Nhưng, người ta lỡ đường, lại không có ai quen biết ở đây… Nhà cũng đâu có gì đáng giá ngoài con bò nhốt trong chuồng. Anh ta muốn dắt bò, chuyện gì phải xin ở nhờ cho mệt. Còn nếu anh ta làm bừa thì có con dao đây. Mận gác tay lên trán, ngẫm nghĩ miết rồi mệt quá, thiếp đi lúc nào không hay.
 
Rừng Thao Thức Gió – Phương Trà
Khi tiếng súng tắt đi, bóng chiều đã đổ xuống. Bốn bề lặng ngắt. Nỗi sợ hãi từ trên cao đè xuống, nhiều tới mức lấn át những cơn đau thắt ruột dội lên từ cái chân đẫm máu. Bằng bất cứ giá nào cũng phải ngoi lên khỏi cái hố này. Bằng bất cứ giá nào cũng phải ra khỏi rừng trước khi trời tối. Thạch nghiến răng, dồn sức vào đôi tay bám miệng hố trườn lên. Từng chút, từng chút, rồi cũng ngoi được lên trên. Máu từ vết thương xối ra. Kiệt sức. Thạch ngã vật ra. Sao mình không chết luôn cho xong? Đơn vị chắc rút đi rồi. Họ không tìm thấy mình, họ tưởng mình đã chết? Hay là họ bị trúng đạn của phía bên kia? Những câu hỏi lẩn quẩn rối bời trong đầu kể từ khi Thạch tỉnh lại.
Cắn răng, dốc hết sức tàn, Thạch lết được một đoạn. Bốn bề vẫn là rừng. Biết đường nào mà ra? Biết bao giờ mới ra?
Ngay lúc đó, ngay lúc cảm giác tuyệt vọng bắt đầu len lỏi đến, đột nhiên Thạch nghe tiếng chân người. Mừng khôn xiết, anh thu hết hơi, ráng sức kêu: Cứu! Cứu!
 
*
 
Mùa mưa tràn đến, tô lại màu xanh cho cả một vùng rộng lớn với những ruông đồng, vườn tược sắp lả đi sau đợt nắng hạn kéo dài. Cây cối vươn những cái rễ mỏng mảnh trắng muốt cắm vào đất da tây – đã trở nên mềm mại sau những trận mưa. Và cỏ. Trên những ngọn đồi tiếp giáp với núi cao, cỏ rướn mình vươn lên xanh óng. Chúng bày ra những bàn tiệc rộng dài bất tận cho lũ bò cỏ lông vàng.
Sau mấy trận mưa, bữa nay bầu trời nhẹ hẫng. Cả khu rừng ướt đẫm. Nhưng từ tinh mơ, chim chóc đã thức dậy hót vang trời. Bọn gà rừng hăm hở đi kiếm ăn. Nhác thấy bóng người, chúng vỗ cánh bay vụt.
Đang cắm cúi cắt cỏ mật trên gò, đột nhiên Mận thấy một cái đầu ngóc lên trong đám cỏ trước mặt. Con rắn hổ phùng mang tức giận vì có người làm ồn ào buổi sáng của nó. Mận bủn rủn taychân, tính chạy nhưng không tài nào nhấc nổi hai cái chân, trong khi con rắn đắc thắng phóng cái đầu tới.
Bụp! Nó khựng lại. Thân hình dài thượt quằn quại trên đám cỏ, trong khi cái đầu bị phạt gần đứt lìa. Mận ngồi phịch xuống đất thở hổn hển, dáo dác nhìn quanh. Thì ra là anh ta.
Người đàn ông lượm con dao, lau lau vô bụi cỏ rồi ngồi xuống bên cạnh:
– Cô không sao chớ?
Mận trấn tĩnh một hồi rồi hỏi:
– Anh tìm trầm ở đây sao? Rừng này làm gì còn mà tìm.
Người khách mỉm cười bối rối:
– Hồi hôm tôi nói xạo với cô. Thiệt ra tôi không đi tìm trầm mà đi… tìm mộ.
– Ở đâu?
– Trên một cái gò, gần suối.
– Có bia hông?
– Không. Thời chiến mà cô.
– Anh là người phía mình hay phía bên kia?
Một lần nữa, người đàn ông lại bối rối:
– Tôi… tôi ở phía bên kia.
Mận nhìn anh ta. Khuôn mặt khắc khổ nhưng không có vẻ gì là dữ dằn hết. Cô chép miệng:
– Hỏi vậy thôi, chớ chuyện đó giờ đâu còn quan trọng. Đất nước thống nhứt lâu rồi mà.
Sau khi nói những câu này, Mận chợt thấy hiện lên thân thể bê bết máu của con Út. Bao năm qua, thi thoảng hình ảnh đó lại chập chờn trong tâm trí. Vậy mà giờ đây, mình nói được một câu gọn trơn với người ta!
Người đàn ông không hiểu những gì đang diễn ra trong đầu Mận. Anh ta thở phào:
– Cô nói vậy thì tôi mừng quá!
Mận không trả lời, quày quả đi.
Chiều, trong lúc Mận đang quét lá rụng trước sân thì con mực sủa. Anh ta lại xuất hiện, ấp úng xin ở nhờ.
Tự nhiên Mận thấy tức:
– Anh này lạ thiệt. Hôm qua nói chỉ ở một đêm thì đi, sao bữa nay lại tới?
Người đàn ông đỏ mặt:
– Tại tui thấy cô cũng hiền lành tử tế. Mà, ở đây tôi không quen ai hết, nên…
Mận liệng cái chổi xuống đất một cái bịch:
– Đừng tưởng anh giết được con rắn là giỏi. Thiệt phiền quá…
Gương mặt người đàn ông từ đỏ chuyển sang tái:
– Tôi… tôi không dám làm phiền, tôi đi.
Tuôn xong một tràng, Mận hả giận. Rồi, nhìn anh ta lầm lũi đi ra cổng, chợt thấy mình thật bất nhẫn. Mới sáng nay, người ta đã cứu mình. Chôn chân một hồi, Mận chạy theo:
– Anh gì ơi, anh gì ơi!
Người đàn ông dừng lại, nhìn cô bằng ánh mắt dò hỏi.
– Dù sao thì anh cũng không có chỗ nào ghé lại. Nhưng mà tui nói trước…
Dù không lo lắng nhiều như đêm trước, nhưng vẫn cứ phải đề phòng. Mận lấy con dao để dưới gối, lấy cây gậy dựng vô góc buồng. Người khách hỏi chồng và anh trai cô đâu sao không thấy.Mận nói họ đi làm mướn ở vùng trên, chắc về khuya.
Đêm nay cũng như đêm trước, không cách gì ngủ được. Chừng gà gáy canh hai, Mận mới thiếp đi. Cô thấy mình và ông nội cày dỡ đất trồng mía trên gò. Con bò cộ đi trước, ông nội cầm cái roi đi sau. Lưỡi cày lật lên từng tảng đất. Rồi, hai ông cháu bủn rủn khi nhìn thấy một cái sọ người. Sau một hồi chôn chân, hai người run run tìm kiếm. Từng phần, từng phần của bộ hài cốt lần lượt hiện ra…
Tiếng con mực làm Mận thức giấc. Cô bật dậy, quơ lấy cây gậy, rón rén bước ra. Con mực – đuôi dán sát vô đít, chạy quắn quýt trong nhà, rên ư ử. Và, gió từ bên ngoài đưa vô nhà mùi hôi chập chờn rất khó chịu.
Người khách hình như cũng tỉnh giấc. Anh ta nhìn chủ nhà đầy thắc mắc:
– Chuyện gì vậy cô?
Mận ngồi xuống ghế, chống cằm lên đầu cây gậy:
– “Ổng” xuống.
– Ổng?
– Ông ba mươi.
– Sao cô biết?
– Tôi ở đây từ ngày giải phóng, gần chục năm rồi, mất bốn năm con chó. Nhà ở xóm trên còn mất bò nghé.
Người đàn ông tặc lưỡi:
– Hèn gì người ta dặn trời tắt nắng là phải ra khỏi rừng. Mà, có chắc là “ổng” không?
– Mai ra vườn thấy dấu chân thì biết.
Mận tỉnh ngủ hẳn. Không việc gì phải sợ. Cửa chuồng bò đã đóng chặt. Chó cũng ở trong nhà. Nhưng mà mỗi lần con mực kêu quắn quýt và gió đưa đến cái mùi hôi ấy, Mận thấy vô cùng bất an. Cô lại đi thắp nhang. Người đàn ông nhìn mấy tấm ảnh trên bàn thờ:
– Đó là…
– Ba má tui. Bệnh mất từ hồi tui còn nhỏ xíu. Em tui thì bị bom…
Người đàn ông nói nhỏ:
– Nhà tôi cũng đâu còn ai…
– Sao anh lại đi lính?
– Quân dịch mà cô. Đáng lẽ chết rồi…
 
*
Rừng Thao Thức Gió – Phương Trà
Đôi dép cao su đập vào mắt Thạch. Cú đập đó còn mạnh hơn một viên gạch đập vô đầu. Trong khi người thanh niên mặc đồ bà ba chĩa họng súng AK về phía Thạch, rắn giọng “Giơ tay lên!”, mắt mũi anh tự nhiên tối sầm. Và anh bồng bềnh trôi trên một dòng sông lặng ngắt.
Tỉnh lại, Thạch thấy cái chân gãy đã được cố định bằng hai đoạn cây và cột lại bằng vải xé từ hai ống tay áo. Người-phía-bên-kia đang ngồi trầm ngâm. Anh ta bị thương ở bả vai. Tay trái vẫn cầm khẩu súng. Bàn tay chỉ có bốn ngón.
– Sao… sao… anh cứu tôi?
Anh ta im lặng một hồi, coi bộ không nghe câu hỏi của Thạch. Một lát rồi mới hỏi lại:
– Chẳng lẽ để cho chết?
Đơn giản quá. Đơn giản như vậy sao?  Ờ, nếu mình ở vào chỗ của anh ta, liệu mình cho kẻ thù một con đường sống? Liệu mình có chĩa súng và xả đạn, như khi hai bên chạm mặt nhau, trong những ngày, những đêm súng nổ mịt mù? Người ta nói nhân đạo với kẻ thù là tàn nhẫn với chính mình. Nhưng, cũng tóc đen, da vàng, cùng cội nguồn và cùng chung tiếng nói, sao lại trở thành kẻ thù, sao lại chĩa súng vào nhau?
Lúc này, Thạch thấy như có một ngọn lửa đang len lỏi trong cổ họng.
Người-phía-bên-kia đứng dậy, khoác súng lên bên vai còn lành lặn:
– Đi! Ráng chừng hai cây số là tới làng.
Anh ta cúi xuống xốc tù binh của mình lên. Thạch chúi tới trước, rồi trật ra sau.
Rất nhanh, ngọn lửa cháy bùng bùng.
– Nước… Cho xin chút nước!
Người-phía-bên-kia lấy bi đông ra, lắc lắc. Im re, không một tiếng ọc ạch. Hết trơn rồi.
–  Khát quá… Làm ơn…!
Người-phía-bên-kia nhìn quanh quất, có vẻ bồn chồn. Rõ ràng là anh ta muốn ra khỏi rừng trước khi trời tối. Nhưng rồi ánh mắt anh ta chạm vào ánh mắt Thạch. Ngần ngừ một lát, anh ta đỡ Thạch ngồi xuống.
– Suối ở phía trên kia. Chờ một chút.
– Sao anh biết?
Hỏi rồi mới thấy mình chậm hiểu. Giọng nói đó, rõ ràng là người vùng này.
Anh ta quay lưng. Thạch hỏi với theo:
– Anh… tên gì?
Người-phía-bên-kia đi chừng như lâu lắm. Cơn khát làm Thạch có cảm giác thời gian đang giãn ra, chảy ra. Ngọn lửa cháy càng lúc càng to.
Bỗng nhiên Thạch lạnh người.
Chắc gì anh ta trở lại? Phải, mắc mớ gì anh ta quay trở lại với thằng tù binh què quặt này? Cứ để gã tự xoay xở với cái chân gãy mà ra khỏi rừng, mà ra khỏi vùng “da beo”. Không giết chết đã là may. Tội gì…
Vậy là chỉ còn một mình mình trong khu rừng đáng nguyền rủa này. Biết đâu mình sẽ chết ở đây, không phải vì cái chân gãy mà vì lạc đường, vì đói khát. Càng nghĩ, càng toát mồ hôi.
 
*
 
Tính ra, người đàn ông tới cái xóm heo hút nằm bên bìa rừng này đã được nửa tháng. Ông Bảy hàng xóm cho anh ta ở tạm. Đứa con trai độc nhứt của ổng làm giao liên rồi biền biệt không về. Vậy mà giờ đây, ổng cho một người ở cái phía đã từng “không đội trời chung” ăn nhờ ở đậu. Nghĩ có lạ không? Mận mon men hỏi, ông Bảy trả lời mà mắt hun hút khói: “Biết vậy, nhưng mà hoà bình thống nhứt lâu rồi. Chẳng lẽ cứ oán thù miết?”
Nghe ông Bảy nói ngày nào anh ta cũng thức dậy từ mờ đất, nhóm lửa nấu cơm, lấy khăn vắt thành cục, cắt từng miếng bỏ vô lon gi-gô cùng với ít muối mè, đổ đầy bi đông nước. Chiều về, anh ta tạt vô nhà Mận. Hỏi có tìm được manh mối nào không thì lắc đầu, ngồi rít thuốc trầm ngâm. Anh ta nói, chỉ cần gặp được cây sim đó, hòn đá đó là ra. Trời đất! Rừng này có hàng trăm cây sim, biết đâu mà lần. Hơn nữa hồi đó chắc chôn cất sơ sài. Trải qua bao mùa mưa, nước từ trên nguồn đổ xuống cào mòn bao lớp đất, có khi bốc luôn mồ mả đi rồi cũng nên.
Nhìn anh ta, Mận thấy tội tội :
– Dù sao anh cũng ráng sức rồi. Bạn anh hiểu được lòng anh. Hay là… quay dzìa đi.
Người đàn ông lặng lẽ lắc đầu. Làm sao mà về được.
Rồi anh ta nhìn Mận, tủm tỉm:
– Chồng cô đâu sao không thấy?
Hỏi gì mà cắc cớ.
Anh ta bật cười:
– Tôi biết rồi. Cô coi vậy mà xạo ghê.
Mận cười. Anh ta cũng dễ mến chớ bộ.
– Mốt là ngày giỗ ông nội tui. Có dzìa sớm thì ghé lại chơi.
– Để  tôi phụ với cô một tay, nghen!
– Cứ lo chuyện của anh đi.
Đã nói vậy mà sáng đó, anh ta lẽo đẽo theo ông Bảy tới. Mận bắc xoong nước lên bếp rồi giao cho anh ta làm thịt con gà cồ. Ông Bảy đem tới cả buồng chuối, dưng lên mấy trang thờ. Chừng như sực nhớ ra, ông hỏi vọng xuống:
– Có tin tức gì dzìa chú bộ đội đó không, mạy?
Mận nói với lên:
– Hổng có. Chắc ảnh ở lại với đất này luôn quá.
Anh ta nghe mà thấy tò mò:
– Anh bộ đội nào dzậy, cô?
– Đợt đó ông cháu tui cày dỡ đất trên gò thì thấy hài cốt. Nội nói ảnh là người phía mình, vì chỉ có người phía mình mới mang dép cao su.
Anh ta nôn nóng:
– Có giấy tờ gì hôn?
– Hổng có. Chỉ có sợi dây chuyền. Nội tui nói giữ sợi dây chuyền lại, biết đâu…
Tim đập thình thình trong lồng ngực, anh ta chồm tới sát bên Mận, lạc giọng:
– Sợi dây chuyền… Cô cho tôi coi qua một chút, được hôn?
Lạ chưa, thằng cha “quốc gia” này sao lại quan tâm tới anh bộ đội?  Coi thì coi, có hư hao mất mát gì đâu.
Mận lên nhà trên, trèo lên ghế, với tay lên cái trang thờ nhỏ đặt ở góc nhà, cầm xuống sợi dây chuyền bạc đã sạm màu. Mặt dây chuyền hình đức Phật cũng xám lại, đung đưa đung đưa.
Mấy ngón tay run rẩy của anh ta chạm vô sợi dây chuyền. Rõ mồn một bên tai là tiếng súng. Tiếng súng của hơn mười năm trước.
 
*
 
Sau một loạt súng, khu rừng lặng đi.
Thạch căng tai để nghe thời gian đông cứng lại, tưởng có thể bẻ ra thành từng miếng, từng miếng. Rồi có tiếng chân, nhiều bước chân đạp trên tấm thảm mục của rừng. Tiếng chân càng lúc càng gần. Rồi, Thạch nghe thấy những âm thanh và mùi thuốc lá quen thuộc.
Đơn vị của anh ta! Bạn bè của anh ta!
Trời đất ơi, tụi tao tưởng mày đã bị V.C “thịt” rồi. Mày đúng là cao số! Họ kể chừng mươi phút trước đây, trên đường rút lui sau khi kết thúc trận càn, họ phát hiện một tay V.C  đang lấy nước dưới suối, vậy là đẩy luôn cả băng đạn. Thạch lặng đi. Trong tích tắc, anh ta thấy tim mình không còn đập nữa. “Đứa nào bắn? Đứa nào, hả?” “Tao chớ ai.” Thằng bạn thân cười hềnh hệch: “Nó rõ ràng là V.C mà…”
Lần đầu tiên kể từ khi bị cuốn vào cuộc chiến tranh phi nghĩa này, Thạch khóc. Cha mẹ người thanh niên tên Lành đó sẽ hoài công chờ đợi đứa con rứt ruột đẻ ra. Còn anh, suốt đời sẽ mang món nợ mạng sống mà anh đã vay của người phía bên kia chiến tuyến.
Lần đầu tiên, đơn vị của Thạch hì hục đào hố chôn một V.C. Mộ anh ta nằm trên gò gần suối, dưới gốc cây sim, có tảng đá ong to làm dấu. Thạch đã cởi sợi dây chuyền mặt hình đức Phật mà má anh gởi theo lời cầu mong con trai mình thoát khỏi tầm tên mũi đạn để đeo vào cổ người thanh niên đã vì mình mà lìa cuộc sống…
Để rồi nhờ đó mà sau hơn mười năm, sau một quãng đường thăm thẳm, Thạch tìm được nắm xương tàn của người đã cứu mình.
-Ủa, ông Bảy, sao mắt ông lại đỏ rựng vậy?
-Cậu nói đi, có phải người tên Lành đó mặt tròn tròn như con gái, bàn tay trái chỉ có bốn ngón, phải hông?
Thạch kinh ngạc nhìn ông già:
– Đúng  rồi. Nhưng sao… sao… ông biết?
Gương mặt ông Bảy An ràn rụa nước mắt. Tiếng nói khó nhọc thoát ra từ lồng ngực, nghẹn ngào:
– Tui biết…. đương nhiên là tui biết… Nó là thằng con trai độc nhứt của tui mà…
 
*
 
Mùa mưa lại về trên khắp một vùng rộng lớn với những ruộng đồng, vườn tược, những đồi mía, chuối, bạch đàn… ngát xanh. Trang trại hơn 10 ha của vợ chồng Thạch càng xanh mướt. Mưa đã dứt khi Thạch và người khách từ trang trại trở về.
Vợ Thạch vừa gọi điện cho đứa con gái út đang học đại học năm thứ hai trong thành phố, nghe tiếng chồng nói chuyện với người lạ liền đon đả chạy ra.
– Anh nhà báo của tỉnh, tính viết bài về nhà mình – Thạch giới thiệu.
Mận rót nước mời khách:
– Vợ chồng tui cũng như người ta, có gì đâu mà viết.
Anh nhà báo cười:
– Chị khiêm tốn quá. Tôi đã lên trang trại của anh chị, “hoành tráng” quá trời. Nông dân sản xuất giỏi, lại còn tham gia phụng dưỡng người có công. Mà lạ thiệt, anh là dân xứ  “gạo trắng nước trong”, lại ra tuốt ngoài này sinh cơ lập nghiệp. “Đất lành chim đậu” chăng?
Thạch đưa mắt nhìn về phía những cánh rừng xao xác gió:
– Hơn hai chục năm trước, khi tôi trở lại đây, làng trên xóm dưới chỉ có nhà tranh, ban đêm ai nấy đóng cửa sợ cọp beo, chớ không phải toàn nhà ngói, đường điện sáng trưng như bây giờ.Nhưng đây đúng là đất lành. Yên lành, và giàu nhân nghĩa. Tôi mắc nợ với người ở đây, với đất ở đây…
Ai nói đất chỉ là đất, rừng chỉ là rừng. Mấy chục năm nay, mảnh đất nơi bao người ngã xuống, nơi bao người trở về tìm lại cuộc sống vẫn thao thức dõi theo cuộc hồi sinh từ trong máu và nước mắt. Cuộc hồi sinh bởi tình yêu và mạch nguồn nhân nghĩa đã chảy suốt mấy trăm năm…
Tháng 11 năm 2006
Tác giả: Phương Trà – Diễn đọc: Việt Hùng – Thực hiện: BTV.Nguyễn Hà

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *