RadioVn.Com – Như thường lệ, buổi sáng tôi đọc lướt qua mấy tờ báo ngày và nhâm nhi tách nước trà nóng hổi. Hôm nay chẳng có gì mới, ngoài những tin không phải vấn đề thuộc đại sự quốc gia nhưng khá nóng bỏng. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hai tuần qua mở chiến dịch truy quét tệ nạn “làm sạch môi trường”, bắt tùm lum hàng chục vụ dùng thuốc lắc tại một số quán ba, vũ trường, nhà hàng karaokê. Đau lòng quá, toàn con nhà giàu các vị có chức sắc đương quyền, tuổi non choẹt, ham chơi lười học, mới đáng giật mình. Ở Tây Nguyên, lâm tặc tấn công trạm kiểm lâm giữa ban ngày một người chết, ba người trọng thương, rừng vẫn bị tàn phá vô phương cứu chữa. Quốc hội hôm qua thảo luận luật chống tham nhũng, nhưng xem ra bệnh không giảm mà ngày càng trầm kha?! Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi vội nhấc máy, đầu dây bên kia, giọng một người phụ nữ (đúng hơn là một cô gái). Tôi đoán thế vì tiếng còn rất trẻ, nói nhanh và nhiều vấp váp: “Bác là Ngạn phả …i khô …ng ạ? Ba cháu bị thươ …ng đang nằm bệnh viện 175 Quân đội”. Nói được có vậy, rồi người gọi khóc tức tửi. Tôi thảng thốt: “Alô, alô…” nhưng cô đã cúp máy.
2.
Anh chợt nhận ra có bàn tay ai đặt lên trán mình. Bàn tay mềm như chiếc lá ấm, và có phép mầu dẫn anh về một thế giới tuổi thơ xưa. “Bàn tay mẹ”, mỗi khi anh bị cảm gió nhức đầu vì ham chơi ngoài đồng làng, nơi có nhiều cây trúc trồng dọc theo triền đê đuổi bắt chuồn chuồn bươm bướm. Bàn tay thần diệu qúa, anh cảm giác đó không còn là bàn tay bình thường. Đó là bầu trời riêng xanh biếc với bao ước mơ đẹp, chở che cho anh trước mọi bất trắc của cuộc đời. Ôi mẹ, mặt trời rọi sáng tận tâm can bé bỏng của con, và nhận biết hết thảy những gì lòng khát khao trong con mong muốn. Mẹ thấu hiểu ngay cả những điều mà con chưa từng nghĩ. Mẹ như đỉnh núi, mẹ như dòng sông chảy mãi không bao giờ cạn đổ về biển cả mênh mông. Nỗi đau như dịu đi. Anh đưa tay lên nắm lấy bàn tay ấy. Bàn tay có những ngón thon dài, hơi run run, cựa quậy trong bàn tay anh yếu ớt rồi ngoan ngoãn nằm yên cho anh nắm chặt. “Mẹ”. Tiếng anh gọi tha thiết và mắt anh từ từ mở. Ánh sáng ùa vào làm đôi mắt anh loá sáng nheo nheo. Một thoáng ngạc nhiên, bối rối, anh hỏi:
– Tôi đang ở đâu? – Rồi định nhổm người ngồi dậy. “Ái”, anh khẽ kêu lên đau buốt. Bàn tay rút nhanh khỏi lòng tay anh và ấn nhẹ anh nằm xuống, tiếng người con gái nói:
– Bộ đội bị thương bộ đội à, bảy ngày mới mở được cái mắt. Mình mừng lắm, bộ đội sống rồi. – Cô gái người Stiêng nói và không dấu nổi niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt tròn căng mịn màng như quả hồng chín. Đôi mắt nàng sáng lúng liếng và đôi môi nàng cười đỏ tươi như màu hoa Bông Trang trên dãy núi Đăk Krum hùng vĩ. Ta bị thương ư? Trong cơn mê sảng, anh chỉ còn nhớ chập chờn tổ ba người của anh hơn mười ngày trước được lệnh xuống vùng ven nhận công văn mật từ một cơ sở chuyển lên Miền. Trên đường trở về tới bờ sông Đăk Lấp, chuẩn bị vượt sang bên kia thì bị địch phục kích. Trời đất, địch bắn xối sả, AR15 rồi M79 chúng nhả liên tục tới vài chục trái, đất đá, cây rừng đổ rào rào như sạt núi. Quá bất ngờ, mọi người chỉ kịp nằm xuống. Trong tình thế không cân sức, anh quyết định một mình đánh trả địch, rồi khoát tay ra hiệu để đồng đội băng đường tắt mang tài liệu thoát hiểm an toàn. Cuộc đọ súng chừng một tiếng đồng hồ, anh đoán đồng đội đã đi xa, anh dướn người tung quả lựu đạn cuối cùng về phía địch rồi lao vào rừng xanh. Anh chạy, đạn địch bắn đuổi theo xé gió sau lưng, trên đầu mùi thuốc súng khét lẹt. Mặc, anh cứ chạy về phía tây, nơi có đỉnh núi Đăk Huýt quanh năm mây mù bao phủ, bên kia là trung đoàn anh đang đóng quân ở đấy. Rồi mắt anh tối sầm, ngã dụi, bất tỉnh. Khoảnh khắc ấy diễn ra quá nhanh. Còn bây giờ, anh đang nằm trong một hang núi đá? Bên anh có người con gái Stiêng xinh đẹp? Chuyện như trong cổ tích. Anh đưa mắt nhìn quanh và nhận ra đây là dãy núi Đăk Dua? Nếu phải thế, từ đây ra đường 14 cũng không mấy xa là thị trấn Minh Hoà. Thời Pháp, chúng lập đồn quan Ký, một viên quan người Việt có đầu óc dân tộc tiến bộ, sau làm phản theo cách mạng. Thời Mỹ, được chúng tái lập, lực lượng bố trí một đại đội có trang bị mạnh nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến đường đi các tỉnh Nam Tây Nguyên. Từ Minh Hoà đi Lộc Ninh khoảng bảy mươi hai cây số về hướng Tây bắc, xuôi hướng Nam độ ba mươi cây là tới Đồng Xoài, thủ phủ đồn điền cao su của Trần Lệ Xuân vợ của Ngô Đình Nhu, khi chế độ độc tài còn đang tại vị. Không thể tin được, trông nàng mảnh mai dịu dàng như vậy, làm sao nàng có thể đưa anh về đây? Dù giữa rừng mênh mông chập trùng như biển, nhưng cứu anh là chính nàng đang đối mặt với sự nguy hiểm! Anh nghĩ và tự dày vò mình rồi khẽ xoay người ngồi dậy, nhưng cánh tay anh bị thương như kéo anh nằm xuống. Đành vậy, nhìn nàng anh hỏi: “Tại sao cô cứu tôi?”. Nàng đưa bàn tay lên che miệng mỉm cười, rồi nàng nói: “Mình không biết, mình thương bộ đội thôi”. Đơn giản vậy sao? Câu trả lời làm anh ứa trào nước mắt. Anh hỏi tiếp: “Tên cô là gì?”. Nàng lại cười, nhưng mặt nàng đỏ bừng quay đi chỗ khác. Một lát nàng nói: “Mình không nói đâu, tên mình xấu lắm”. “Không, nhất định tên cô phải đẹp”. Anh quả quyết và nhìn thẳng vào đôi mắt nàng. “Nào nói đi”. Anh khẩn thiết và cầm bàn tay nàng lắc nhẹ. Rồi nàng nói: “Tên mình là Điểu Svân”. Nàng vừa dứt lời, anh đã reo lên: “Điểu Svân, đẹp lắm”. Nàng mở to đôi mắt sáng đến kỳ lạ, hỏi anh: “Đúng không bộ đội tên mình đẹp à?”. Anh gật đầu: “Đẹp lắm, người kinh gọi Vân là mây. Mây bay trên đỉnh núi, mây có ở khắp mọi nơi trên bầu trời Điểu Svân ạ”. Thời gian trôi đi thật nhanh, thoắt cái đã tám hôm anh nằm ở đây kể từ ngày anh tỉnh lại. Ngày nào Điểu Svân cũng đi rẫy, nàng đi lúc mặt trời chưa lên để che mắt người xấu đem cơm, đem thuốc, cho anh. Rồi thêm một tuần nữa, sức khoẻ anh bình phục. Anh nói với nàng, anh phải trở về đơn vị. Nhưng nàng không chịu, nàng muốn nhìn thấy anh thật khoẻ mới để anh đi. Nhưng mong ước của nàng là vậy, làm sao nàng giữ được anh. Chiến tranh chưa kết thúc, đơn vị chắc đang rất nóng lòng biết tin anh còn hay mất. Ngày chia tay, hai người đi bên nhau một đoạn đường dài tới bờ suối Đăk Lêng thì dừng lại. Buổi sáng rừng yên tĩnh quá, mặt trời chiếu xiên qua kẻ lá rừng, những tia nắng vàng bừng lên như hàng trăm bóng đèn típ nối dài vô tận. Anh nắm chặt tay nàng cảm giác bồi hồi xao xuyến. Anh muốn ôm chặt lấy nàng. Một khoảng cách thật mơ hồ nhắc anh không thể. Sự liều lĩnh có thể là sự xúc phạm nàng? Ý nghĩ đó và chỉ mới thế thôi, anh đã thấy như mình có lỗi. Ngoài kia, tiếng suối chảy rì rào và tiếng chim Gõ kiến đột ngột mổ vào thân cây Bằng Lăng cao vút, “cọc cọc cọc” như nhịp đập thời gian thoảng buồn man mác. Anh buông tay nàng. Anh nhảy qua từng phiến đá nhô lên trên mặt nước sang bên kia suối, bên này nàng vẫn đứng nhìn theo. Thương nàng quá, anh đưa lên cao và vẫy nói vọng sang: “Điểu Svân ơi! rồi anh sẽ về tìm em”. Tiếng anh vang trong gió đại ngàn rừng già Đăk Lấp.
3.
Tiếng chuông điện thoại rung lên vào lúc nửa đêm, làm chủ tịch xã Bình giật mình tung chăn ngồi dậy đưa tay cầm ống nghe:
– Alô, ai gọi tôi đấy ạ?
Bên kia đầu dây, tiếng một người đàn ông cười xè xè như tiếng nước đái trẻ con tè vào đám lá khô, rồi nói:
– Bố mày đây.
Chủ tịch Bình nén giận, nói với hắn:
– Này, tôi không biết anh là ai nhưng nếu…
Hắn nói tiếp, cắt ngang lời anh:
– Được rồi, thế thì nghe đây. Bố mày là người tụi bay đang truy tìm rõ chưa?!
Giọng hắn trịch thượng đến sôi máu, nhưng những năm dài làm Chủ tịch xã ở nơi thâm u cùng cốc này dạy anh cần phải biết kiên nhẫn. Anh hỏi:
– Anh nói gì, tôi không hiểu?
Bây giờ thì tiếng hắn cười bật lên hô hố, hắn nói:
– Mày không hiểu thật ư? Cứ từ từ mày sẽ hiểu con ạ. – Thật đáng ngạc nhiên, hắn kể vanh vách những điều hắn biết về anh, như một chuyên viên nhà nước quản lý hồ sơ cán bộ. Sau giải phóng, anh được cấp trên đưa đi đào tạo tại Học viện sĩ quan lục quân Đà Lạt. Ra trường, tổ chức bố trí anh về công tác ở Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hồ Chí Minh. Với người khác là niềm vui lớn, nhưng với anh lại là nỗi buồn. Thế thì có nghịch lý không chứ? Lý do anh đưa ra thật đơn giản: Anh quen sống ở rừng, còn nơi phố phường anh không phù hợp và tha thiết xin được lên công tác tại đơn vị Bộ đội biên phòng Lộc Ninh. Rồi cấp trên chấp nhận. Ở đấy anh làm việc được mười lăm năm, sau đó đến tuổi anh về nghỉ hưu hưởng chế độ cấp quân hàm Trung tá. Nhưng tưởng vậy là khoẻ, anh mừng từ nay có thời gian chăm lo gia đình. Ai dè năm trước năm sau, nhân dân tín nhiệm bầu anh vào chức vụ Chủ tịch xã và liên tục cho tới hôm nay vẫn còn tại vị.
– Thật tình, bố mày cảm phục mày đấy. Giữa lúc thời buổi “tiền trao cháo múc” mà mày trụ được cái ghế Chủ tịch lâu như thế là hiếm lắm con ạ – Hắn nói tiếp giọng hàm hồ khiêu khích.
“Đồ khỉ đột”, hắn nói chính hắn là kẻ ông đang truy tìm ư? Chủ tịch Bình cố nhớ, thời gian qua trên địa bàn xã do ông quản lý đã xảy ra những vụ việc gì, và tên những thằng cộm cán đến mức phải xử lý bằng pháp luật là bao nhiêu? Thôi rồi, lũ lâm tặc! Ông đoán không sai. Nếu đúng thế thì tụi hắn liều, ngạo mạn và trắng trợn ngông cuồng quá. Chúng là những tên có liên quan trong vụ án nghiêm trọng nhất gần đây, ngang nhiên giữa ban ngày bắt hai nhân viên an ninh xã, đang đi tuần tra bảo vệ rừng đánh đập tàn nhẫn, rồi sau đó dùng cưa cắt gỗ cưa đứt lìa hai chân. Hắn là tên tòng phạm hay tên chủ mưu? Lẽ nào hai tên bị bắt chỉ là bọn tế thần số rách? Chủ tịch Bình suy nghĩ, có nên tiếp tục nói chuyện với hắn hay cúp máy chấm dứt tại đây? Hắn không đủ tư cách trao đổi với ông như một người bạn, huống chi hắn đã xúc phạm ông, một tên tội phạm vô liêm sĩ. Loại người như hắn phải được xử lý bằng pháp luật. Phải ba mặt một lời. Phải đấu tranh, làm cho chúng tâm phục khẩu phục. Nhưng hắn thật cáo già, khi ông định ngắt máy thì tiếng hắn đã vang lên và giọng hắn cũng đã dịu xuống:
– Ông chủ tịch. Tôi biết ông không thích thú gì cuộc nói chuyện này, nhưng tôi khuyên ông, những điều tôi sắp nói với ông là có lợi cho ông.
Hắn định giở trò gì vậy. Ông cố kiên nhẫn, nếu như hắn biết tỏ ra tử tế. Ông nói:
– Nhưng đầu tiên, tôi phải biết người đang nói chuyện với tôi là ai?
– Được, chẳng giấu gì ông. Tôi là một tên “lâm tặc”?!
Dù Chủ tịch Bình đã phỏng đoán đúng, hắn là một tên đồ tể rừng nhưng cảm giác sốc dội tràn. Ông nói:
– Được rồi, anh nói đi, cần gì?
– Có thế chứ. Tôi biết vợ ông đang bệnh phải không?
– Việc ấy không có liên quan gì đến anh!
– Không, người ta cần nhau lúc này mới quí, ông không muốn vậy sao?
– Các anh là những người đang bị pháp luật truy tìm!
– Tôi biết, nhưng chẳng lẽ ông nhẫn tâm để vợ ông vì thiếu tiền mà chết?
– Nhưng tôi không thể nhận tiền của người khác, khi chưa biết rõ về họ. Nhất là người như anh. – Chủ tịch Bình gầm lên từ chối, vì ông biết đó là những đồng tiền dơ bẩn. Những đồng tiền được rửa sạch qua các phi vụ làm ăn mờ ám.
Bên kia, tiếng hắn cười nghe nhàn nhạt, rồi hắn nói tiếp:
– Ồ, ông lú lẫn như một thằng điên, thưa ông Chủ tịch. Tôi đã từng gặp bao nhiêu thằng cứng đầu hơn ông, thậm chí còn rắn như thép, cuối cùng cũng phải nhủn ra. Xin nói ông biết, chẳng có đồng tiền nào là dơ bẩn cả, chỉ có con người là dơ bẩn mà thôi. Tiền của ông và những người như tôi đều như nhau tất. Tôi vẫn vào ra nhà hàng Karaokê bằng đồng tiền đó. Tiền làm tôi trẻ ra, tiền cho tôi sinh lực, để ôm những con điếm xinh đẹp như mộng. Không có tiền thưa ông, đừng đụng đến sợi lông chân của ả. Chỉ có ông là một thằng ngu, không biết xài tiền và chê tiền. Tôi khuyên ông, đừng chỉ nhìn cuộc đời qua lăng kính quá trong trẻo được người phương Tây tạo ra từ đầu thế kỷ hai mươi. Trời vẫn đầy sao, nhưng thưa ông bụi bặm quá nhiều do thời đại văn minh chúng ta đang tự huỷ diệt mình. Hãy thực tế hơn trong thường ngày, và nhìn quay xuống dưới chân mình đang đi về đâu. Thôi, nói vòng vo quá, tôi xin nói thẳng vấn đề. Tôi muốn ông huỷ ngay kế hoạch truy lùng các chiến hữu của tôi và hãy quên đi như một vụ tai nạn đáng tiếc. Tôi sẽ trả ông năm trăm triệu đồng? đủ để cứu sống vợ ông.
– Mày là tên khốn nạn! Tao khuyên mày nên ra đầu thú, tội sẽ giảm nhẹ hơn.
– Ông Chủ tịch, đừng đùa dai với tôi như vậy, không tốt đâu. – Hắn cười. Cười rất dài, có thể toàn thân hắn rung lên, nước miếng, nước mũi bắn tung toé xung quanh trắng như bọt xà phòng.
– Mày im đi – ông Chủ tịch gào lên.
– Được thôi, chê tiền hả. Nhưng tôi nghĩ tin này chắc làm ông khó từ chối được?- Rồi hắn nói với ông về cây Bằng Lăng bên bờ suối Đăk Lêng. Hắn thực sự ngưỡng mộ mối tình thuỷ chung của vợ chồng ông, sánh ngang với chuyện tình Rômêô và Juliet. Trời đất, không hiểu tại sao hắn lại biết được cả bí mật đời tư của ông? Đúng là ngày ấy cách đây ba mươi tám năm, ông bị thương và được Điểu Svân cứu sống. Đó là những ngày ký ức ông không bao giờ quên. Dưới gốc cây Bằng Lăng ngày chia tay, Điểu Svân tiễn ông ra đến bờ suối trở về đơn vị, tình cảm thôi thúc ông đã rút dao găm đeo ở bên mình, khắc vào thân cây dòng chữ: “Kỷ niệm ngày 8 tháng 3 năm 1967 – BV”. Lời ghi như là lời ước hẹn, thống nhất đất nước, nếu ông còn sống sẽ trở về cưới Điểu Svân làm vợ. Rồi ông đã trở về thật. Cây Bằng Lăng ngày ấy chỉ to bằng một vòng tay ôm, bây giờ đến ba người đưa tay giang rộng vẫn không sao ôm xuể. Chiến tranh, thời bình, trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng nó vẫn tồn tại, nhờ vào lòng người dân Stiêng tin rằng, đó là dấu tích của một đoàn quân giải phóng đã qua đây và chiến đấu ở đây. Mới hôm qua thôi, ông vẫn thấy cây Bằng Lăng đứng đó bên một con đường mới mở, cây cao vút, cành lá vươn rộng phủ ngợp một khoảng trời râm mát. Vậy mà hôm nay, chúng đã chặt hạ rồi ư? Tại sao chúng làm như vậy? Vì trả thù ông, hay vì một món lợi kinh tế chúng thu được từ mấy chục mét khối gỗ Bằng Lăng qua vụ việc này? Cả hai. Với ông, sự thật có thể làm ông đau lòng nhưng thời gian sẽ nguôi ngoai dần đi. Nhưng còn bao nhiêu con người khác? Cả thôn, cả bản làng này, cây Bằng Lăng không chỉ là một thực thể sinh vật sống mà còn là một cái gì đó như là sức mạnh tinh thần của đất rừng phương Nam hùng vĩ? Bên kia đầu dây, cái ống nghe vẫn áp sát vào tai hắn. Hắn tỏ vẻ đắc ý, khi nhận ra những tín hiệu dù không được diễn tả bằng lời. Hắn thâm hiểm đến táo bạo, khi không đánh ngã ông bằng tiền và vật chất, nhưng hắn tin có thể hạ gục ông bằng ký ức thiêng liêng. Hắn nhếch mép cười chờ đợi, một sự trả lời có lợi cho hắn, nhưng cuối cùng sự thể bị đảo ngược không như hắn mong muốn:
– Tao cấm mày đụng tới cái cây đó, nghe không thằng lâm tặc!- Tiếng ông Bình vọng sang, rắn đanh nghe như từng nhát búa bổ xuống. Hắn cũng không vừa, lặng đi một lát, rồi tiếng hắn sẹt qua như tia chớp:
– Mày là đồ ngu. Ngu nhất nước. Bố mày hẹn, trong ba ngày phải thả hết người của tao. Nếu không thực hiện, tao sẽ cho mày ăn cứt, vợ con mày sẽ đau khổ suốt đời – Nói xong hắn cúp máy “cốp”.
4.
Chủ tịch xã Đăk Nhum nhấp một ngụm trà đậm sệt, mà người bạn chiến đấu từ Bắc mới vào thăm lại chiến trường xưa tặng. Ông đốt một điếu thuốc, riết một hơi thật dài rồi chậm rải nhả từng chùm khói trắng tinh bay vật vờ trước mặt. Trà, thuốc, quái dị như thứ ma tuý lay động trí não ông, kéo độ lùi thời gian trở về quá khứ cách đây đúng ba mươi năm, bằng một câu hỏi ngô nghê đến buồn cười: “Ta về đây với rừng có sai lầm không?”. Rồi ngay lập tức, ông phủ định câu hỏi đó cũng nghiệt ngã bằng lưỡi dao vô hình bật ra từ trái tim ông: “Không, đường ta đi là đúng!”. Ông nhớ lại và không hề ân hận! Năm 1975, giải phóng Sài Gòn xong, đơn vị ông chỉ để lại một bộ phận làm nhiệm vụ quân quản, còn toàn Sư đoàn rút ra vùng ngoại vi thành phố dừng quân. Mấy hôm sau một đợt “Khải hoàn” lớn, cấp trên cho bộ đội về phép thăm quê. Còn gì hơn thế, ước mơ có lúc mong manh nay đã trở thành hiện thực. Quê ông ở Quảng Ngãi bên dòng sông Trà, Núi Ấn. Một tỉnh nhỏ nghèo miền trung. Nhưng ngày ra đi gia đình ông còn đủ cả, nay ngày trở về bom đạn mỹ đã sát hại ba má và các em ông trong vụ Mỹ Lai tháng 3 năm 1968, cùng năm trăm người dân thường vô tội. Thực ra tin dữ đó ngày ở rừng miền đông, ông đã biết qua Đài Tiếng nói Việt Nam và đài Quân giải phóng. Nỗi đau, đủ để lòng căm thù bùng lên thành lời nguyền, “nợ máu phải trả bằng máu!” Rồi những lần ra trận sau đó, ông chiến đấu xả thân mà không làm hổ danh một người con đất mẹ. Năm 1972, ta giải phóng Lộc Ninh, ông được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” khi đó ông mới tròn hai mươi ba tuổi. Ngày đầu tiên ở quê, ông ra thắp hương trước ngôi mộ tập thể trong đó có ba má và hai đứa em nhỏ của ông đã bị quân Mỹ thảm sát năm đó. Ông khóc ròng, nước mắt ông rơi như mưa, rồi bỗng bó nhang trên tay ông bùng cháy rần rật. Phải chăng, dưới kia ba tấc đất, linh hồn ba má ông và những người đã khuất chắc mừng vui lắm vì nhìn thấy ông còn sống trở về? Lần đó ông ở quê được hai tuần, bạn bè hàng xóm đến chơi rất đông, thương ông ai cũng khuyên nên lấy vợ. Tình quê ông xin nhận, nhưng ông không thể. Trái tim ông giờ đã thuộc về một người con gái tận miền rừng xa. Hết phép ông trở về đơn vị, rồi lên Tây Nguyên tìm nàng. Ông đã đến cây Bằng Lăng ngày ấy, vào đúng cái giờ năm xưa nàng tiễn ông qua suối. Không ngờ, ông gặp được nàng ở đấy dưới gốc cây Bằng Lăng. Mắt nàng ngước nhìn lên ngọn cây cao, trên đó con chin Gõ kiến có bộ lông màu hổ phách hình như ngày nào chim cũng về đây mổ kiến tìm mồi? Vậy là nàng vẫn chờ đợi ông. Cả Sóc Bom Pha mừng vui khi thấy ông người chiến sĩ giải phóng quân trở lại. Rồi ông cưới nàng làm vợ theo phong tục của người Stiêng. Ông tiếp tục phục vụ trong quân đội thêm một thời gian dài, năm tám lăm, cấp trên cho ông được nghỉ hưu. Nhưng người Stiêng lại tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã, ông từ chối nhưng không được. Công việc mới cuốn hút ông, nhiều khi tưởng quên ăn quên ngủ. Nhờ trời, đất không phụ người, cà phê, hồ tiêu, cao su, gặp thời đổi mới, cuộc sống người Stiêng đã khá lên mừng lắm. Nhưng khốn nạn, hình như cái gì cũng đều có hai mặt? Giá cà phê tăng lên vùn vụt, lại là sức hút với bao nhiêu tham vọng, bao nhiêu toan tính, kết quả thật đáng buồn. Nhiều dự án thiếu kế hoạch, làm ăn vô tội vạ theo kiểu người Tàu thời đại công xã, kêu gọi “toàn dân làm gang thép”. Lũ cơ hội lùa theo “đục nước béo cò”, thế là rừng bị tàn phá thảm khốc. Lâm tặc cấu kết với những cán bộ tham lam trục lợi, như một mũi khoan xuyên thủng mọi bức tường luật pháp. Danh nghĩa rừng có bốn ông chủ quản lý, nhưng còn mỗi mình ông là chưa bị gục. Nghĩ mà buồn, nhiều khi ông muốn rủ bỏ tất cả để được về thanh thản sống những ngày cuối đời cùng với vợ con ông. Nhưng rồi mỗi lần định như vậy, thì trong lòng ông lại vang lên những lời khuyên nhủ: “Đừng hèn như thế, Bình”. Bạn ông, những thằng lính đã chết trận năm xưa và cả những người có lương tâm hiện đang sống như ông. Chúng biết rõ tính ông, chưa bao giờ làm cho bạn bè thất vọng. Một con người hùng của thời lửa đạn. Còn bây giờ là một thằng “ngu” dưới mắt của bọn vô lại. Đó là sức mạnh cuối cùng giúp ông đứng lên chống lại cái ác, cái vô đạo, quyền lực đen đang tồn tại lẩn khuất quanh ta. Cuộc chiến ngầm giữa ông và chúng diễn ra từ nhiều năm nay. Bắt đầu là chuyến viếng thăm không mời mà đến. Chúng đến nhà cùng với xấp tiền to bằng chiếc gối khi biết vợ ông bị bệnh. Chúng hứa hẹn nếu nhắm mắt làm ngơ để chúng được tự do khai thác gỗ trong rừng cấm, chúng sẽ giúp cho đứa con trai lớn của ông đi du học ở trời tây. “Không!”. Đó là câu trả lời của ông, như gáo nước lạnh hắt vào mặt bọn bất lương hung bạo. Cay cú trước những vụ mặc cả, chúng trả thù ông một cách hèn hạ. Rồi một đêm, chúng dùng cưa đốn hạ hàng trăm cây cà phê, cây điều, hồ tiêu trong vườn nhà ông. Đấy là nguồn lợi duy nhất có được để nuôi sống cả gia đình ông. Ác độc hơn, chúng dùng dao chặt đứt chân đôi bò kéo của nhà ông ngay giữa ban ngày. Tiền, mẹ khỉ, vẫn là chúa tể trên thế gian này sao? Một con điếm đầy uy lực hơn mọi con điếm bằng da bằng thịt khác. Vậy là rừng còn đó, nhưng là rừng không cây. Bao nhiêu loại gỗ quí như Sao, Giáng Hương, Trắc, Dầu, Gõ, đều bị chúng khai thác bất hợp pháp. Gỗ lậu tuồn xuống miền xuôi bằng nhiều con đường, thủ tục được múa may hợp lệ bằng những dấu son đỏ chót. Bỗng có tiếng chuông điện thoại “reng reng…”, ông chần chừ chưa định cầm máy nhưng linh tính như mách bảo ông một điều khác chẳng lành. Ông nhấc ống nghe: “Alô, ai gọi tôi đấy ạ?”. Bên kia tiếng một người đàn ông nói như gào: “Ông Chủ tịch, trạm kiểm lâm xã bị tấn công xin ông cho người cấp cứu?”. “Alô, có ai việc gì không? Cho tôi gặp đồng chí trạm trưởng?”. Bên kia, giọng người nói đuối dần: “Thưa ông, ba người bị thương, trạm trưởng không đến trực từ ngày hôm qua?”. Chủ tịch xã Lê Bình, nhận ra người đang nói chuyện với mình là Bảo, nhân viên bảo vệ trạm của rừng Bù Gia Mập. “Alô, anh Bảo …alô…”, không ai trả lời.
5.
Tất cả những gì tôi biết về Bình chỉ có thế. Đã nhiều lần tôi tự hỏi: “Cuộc đời tại sao lại bất nhẫn với một con người, mà lẽ ra con người đó phải được hạnh phúc!”. Sau ngày giải phóng, điểm xuất phát của tôi và Bình như nhau. Thậm chí, nếu Bình đi theo con đường của tôi, cậu ta sẽ tiến xa hơn vì thành tích trong chiến đấu của Bình đặc biệt xuất sắc. Tôi gặp may, lấy binh nghiệp nuôi cuộc sống và cứ tằng tằng theo luật thời gian tôi được thăng lên cấp quân hàm Đại tá. Bẵng đi rất lâu, tới hôm nay tôi gặp Bình, nhưng ở trong tình trạng này đây. Tôi chợt nghĩ, Bình như là hạt cát vàng trên bờ biển mênh mông đầy bất trắc. Bình nằm trên chiếc giường giãi ga trắng tinh. Điểu Svân thoát chết sau cơn bạo bệnh, nhờ già làng hái thuốc cây rừng cho uống. Chị ngồi sát cạnh bên, tay cầm khăn thấm mồ hôi trên trán Bình, nhưng nước mắt rưng rưng khi nhìn thấy tôi bước vào. Tôi nắm chặt tay Bình. Trời ơi, bàn tay khô gầy như một nhành củi. Bình từ từ mở mắt nhìn tôi mỉm cười, đôi môi tàn úa hệt một chiếc nấm tai mèo phơi khô. Rồi Bình nói, giọng phều phào khó nhọc: “Cảm ơn cậu đã đến. Mình bị bọn lâm tặc tấn công. Tất cả mười tên, chúng bịt mặt bằng vải đen khoét lỗ để chòi đôi mắt. Bác sĩ nói, mình gãy bốn chiếc xương sườn và một bên tay, đầu bị hai vết chém. Rồi chúng nhét cứt vào miệng mình”. Bình còn muốn nói điều gì nữa với tôi, nhưng bỗng ngất lịm đi. “Bình, Bình…”, tôi hoảng hốt gọi. Kíp bác sĩ trực vội bước vào phòng nhưng đã muộn. Đó là một ngày dài vô tận, sau ba mươi năm tôi lại chứng kiến một đồng đội của tôi ra đi về chốn vĩnh hằng.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 6/2005
Đ.V.N
Từ khóaĐỗ Viết Nghiệm Hải Yến truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …