Bài nổi bật

Phận Lá Vàng – Nguyễn Xuân Hải

Truyện đêm khuya – Với giọng văn tâm tình, thủ thỉ, nhưng chất phác và thật mộc như núi rừng, nhà văn Nguyễn Xuân Hải đã dẫn dắt người đọc, người nghe khám phá ngóc ngách tâm hồn của Mùa – cô gái đang đứng giữa bờ chênh vênh của hiện tại, quá khứ và tương lai. Truyện được kể theo ngôi thứ ba, vậy mà ta có cảm giác, chính Mùa đang tự sự về cuộc đời của mình. Và câu chuyện ấy không chỉ riêng “Phận Mùa” mà còn là bao “Phận đời La Hủ”.

Mùa đứng như chôn chân trên bờ suối nhìn theo người lạ đang ngược dốc về bản. Người lạ vừa hỏi Mùa lối đến nhà Pao Tu. Mùa định hỏi lại người lạ chuyện của Pao Tu ở dưới tỉnh nhưng xấu hổ, lại thôi. Mà như lời Pao Tu nói với Mùa hôm gặp ở trên nương từ năm ngoái thì chỉ còn một lần trăng tròn nữa là nó sẽ về… Về nhưng liệu Pao Tu còn muốn đến cởi áo Mùa nữa không? Liệu trưởng bản còn cố ép nó lấy vợ trẻ nữa hay thôi? Mùa đang nghĩ lan man như vậy thì từ dưới suối có tiếng léo nhéo của lũ trẻ vọng lên:
– Ơ… Sao chị Mùa vẫn chưa xuống tắm?
Mùa đỏ mặt như thể bị bắt lỗi. Chị vội vàng bước xuống suối, lội về phía lũ trẻ. Chúng nó đẹp quá – Mùa thầm nghĩ. Chỉ mới ba năm được trở về bản cũ, trên nương ngô tốt tươi, ngoài vườn gà từng đàn, lũ trẻ được ăn no, đứa nào cũng lớn bổng lên. Mấy hôm nay chúng nó thích nói đến phiên chợ cuối năm sắp tới. Phiên chợ mà chúng nó sẽ được chọn những cuộn chỉ đỏ, chỉ xanh về thêu khăn, thêu áo mặc ngày Tết.
…Năm Mùa cũng chạc tuổi như mấy đứa trẻ kia mẹ mới cho xuống chợ một mình. Lần ấy Mùa mang đi bán gùi tam thất thật đầy. Gùi tam thất hai mẹ con Mùa phải vào rừng tìm kiếm, gom góp mấy tháng. Khi về, cái gùi chỉ đựng có mấy tấm vải, vài chục con chỉ thêu. Vậy mà có người con trai bản khác cứ lẵng nhẵng đi theo sau đòi đeo giúp. Thỉnh thoảng người con trai còn mang khèn ra thổi theo những câu hát tỏ tình của người La Hủ ngày xưa. Tiếng khèn xui cái bụng của Mùa thích dần. Nửa đường, Mùa mới đưa gùi cho anh ta đeo giúp về bản. Người con trai ấy là Pao Dèn.
Tháng sau, người trong họ Pao Dèn đưa anh đến xin ở rể nhà Mùa… Nhà Mùa chỉ còn hai mẹ con nên mẹ quý Pao Dèn lắm. Nhưng khi Mùa đang mang thai thì bỗng nhiên mẹ đổ bệnh. Thầy mo cúng mãi mà mẹ vẫn không được sống nữa. Theo phong tục của tổ tiên, có người chết là bản phải dời đi nơi khác…
Đi mãi, tìm mãi, thầy mo mới quyết dừng lại ở khoảng đất trống bên con suối đẹp. Thầy mo cúng bái một buổi rồi nói rằng: Chỗ này cắm bản được rồi. Mọi người cứ lấy gỗ chắc mà làm nhà. Nếu bản có phải chuyển đi thì khi trở lại đỡ mất công tìm cây…
Mùa sinh được thằng A Một ở ngôi nhà bên con suối đẹp này.
Nhưng A Một của Mùa chưa sống được đầy năm đã bị dòng nước ác bắt đi. Cán bộ biên phòng bảo đó là lũ ống, lũ quét. Còn trưởng bản lại cả quyết: Đó là cơn giận của ma rừng, ma nước. Mùa không bao giờ quên được cái đêm hôm ấy, cái đêm mà Pao Dèn đi ăn cỗ cúng hồn ngô ở nhà trưởng bản  về. Lần nào được đi ăn cỗ uống rượu về Pao Dèn cũng yêu Mùa thật nhiều, thật lâu. Sợ con trai thức giấc, Mùa quấn nó trong địu đặt vào giữa cái nôi mây bên cạnh giường…
Thấy Pao Dèn quét đèn pin về phía cái nôi, Mùa nằm nhích vào phía trong. Pao Dèn leo lên giường và cởi luôn áo của Mùa.
– Cỗ có to không? – Mùa lảng chuyện.
– Không bằng năm trước. Mà cái bụng mọi người cũng không vui nữa vì thầy mo bảo phải chuyển bản đi nơi khác.
– Bản đã có người chết đâu mà phải chuyển?
– Thầy mo nói năm nay hồn ngô không còn cho bắp to, không cho nhiều hạt nữa nên vẫn phải đi…
Mùa:
– Hôm trước cán bộ biên phòng về bảo: Chỉ cần bản chuyển lên chỗ cao để chỗ đất thấp ven suối gieo lúa, trồng rau thì không phải chuyển đi đâu nữa mà…
Pao Dèn:
– Thằng Pao Tu cũng nói thế. Nhưng trưởng bản bảo phải nghe lời thầy mo. Mấy người trong bản còn nói theo: Chỉ cần đeo gùi vác thuổng vào rừng là có củ, ra bờ suối là có rau mang về ăn, không phải gieo trồng gì cả…
Giọng Mùa buồn buồn:
– Thế là phải xa con suối đẹp rồi.
– Quanh dãy núi Pú Si Lung này còn nhiều suối đẹp lắm. Mà Mùa có biết vì sao tổ tiên ta lấy con hổ và con sóc đặt tên cho dân tộc của mình không? Tổ tiên muốn chúng ta khoẻ như La, nhanh như Hủ, sống đâu cũng được – Vừa nói Pao Dèn vừa chồm lên phủ kín người Mùa…

Từ lúc ấy Mùa chẳng bận tâm đến chuyện chuyển bản nữa. Chẳng cần biết ngoài trời mưa đang trút xuống…
Khuya, cả Mùa và Pao Dèn cùng mệt lử và ngủ lịm đi. Gần sáng Mùa mơ thấy mình đang bồng bềnh trên dòng nước đỏ như máu. Rồi dòng nước như mọc ra móng vuốt cào lên người Mùa. Mùa tỉnh giấc. Pao Dèn cũng choàng dậy bấm đèn pin. Nước đã ngập lưng nhà. Cái nôi mây và A Một đã biến mất. Mấy bức vách bằng nứa bao quanh giường của vợ chồng Mùa nằm cũng chẳng còn. Pao Dèn thét lên to hơn cả tiếng gào của nước:
– Ta phải đi tìm con…
Rồi Pao Dèn lao xuống nước. Mùa chỉ kịp vơ chiếc áo còn sót lại trên giường khoác lên người rồi ôm lấy cái cột cái của ngôi nhà nhìn theo bóng của Pao Dèn nhấp nhô trong ánh đèn pin. Bỗng ánh đèn pin vụt tắt. Mùa bật khóc, thét gọi Pao Dèn. Chỉ có tiếng gầm réo của lũ ma nước đáp lời. Mấy lần nước cũng định lôi Mùa đi. Nhưng Mùa may mắn được cột nhà giữ lại. Cái cột ấy vốn là cây dẻ mọc gần bờ suối. Khi bản cắm ở đây, Mùa chỉ vào cây dẻ nói: Vợ chồng mình làm nhà dưới cây dẻ kia đi. Cây ở gần nước, cây tốt tươi. Người ở gần nước, người mát tính. Pao Dèn nghe theo Mùa nên khi dựng nhà chỉ cần chặt mấy cành lá phía trên cây dẻ là có cái cột chắc nhất nhà.
Gần trưa mưa mới ngừng đổ, nước mới rút dần. Ngôi nhà và đồ đạc của vợ chồng Mùa đã trôi đi hết. Chỉ còn Mùa và cây dẻ cụt ngọn ở lại giữa đám bùn đất. Người đầu tiên đến tìm Mùa là trưởng bản. Ông ta vừa khóc, vừa nói:
– Cả bản có chín nhà thì năm nhà bị ma nước lôi đi. Vợ ta và mấy người nữa cũng bị ma nước bắt mất rồi.
Cuối ngày hôm ấy dân bản mới tìm được xác của cả nhà thầy mo và vợ trưởng bản ở mó nước. Tận đến trưa hôm sau, dân bản tìm thêm được Pao Dèn ở vách núi. Dân bản bảo, khoẻ như Pao Dèn mà còn bị ma nước vật chết thì con nó cũng khó thoát. Mùa chẳng còn nước mắt để khóc, chẳng còn sức để đi tìm con. Mùa như cái lá héo vật vờ trong đám bùn đất tan hoang…
Sau khi làm ma cho những người chết, trưởng bản lệnh cho cả bản đi tìm nơi ở mới. Bộ đội biên phòng, cán bộ cấp trên về cho gạo, cho quần áo, bảo ở lại sẽ giúp dựng lại nhà mới cũng không ai chịu nghe. Mùa phải nén cái đau, để cái nhớ ở lại cây dẻ mà lê bước theo dân bản. Vừa đi vừa kiếm thức ăn. Đến khu rừng nào thấy có nhiều dây củ mài mọc thì làm lều trú mấy ngày. Đến đoạn suối nào có nhiều cá thì dừng lại một tuần trăng. Gặp độ mưa nhiều, không làm được lều, cả bản phải tìm hang đá chui vào sống tạm…
Cho đến một buổi chiều. Mùa đang mò cá ở suối thì gặp bố con trưởng bản kiếm thức ăn ở rừng về. Thằng con trai đeo gùi đi trước. Trưởng bản địu em gái nó đi sau. Trưởng bản nhìn Mùa một lúc rồi đột nhiên hỏi:
– Ngực mày còn sữa cho trẻ bú không Mùa?
Mùa chưa kịp trả lời thì ông ta đã tiếp:
– Còn thì tốt mà không còn cũng không sao. Miễn là mày thương con gái tao, cho nó ngậm vú của mày vài tháng. Nó nhớ vú mẹ, đêm nào cũng khóc, nẫu ruột tao lắm…
Mùa nhìn con bé, nước mắt ứa ra. Đêm ấy Mùa đến lều nhà trưởng bản. Lần đầu tiên từ ngày dời bản, Mùa được ăn một bữa tối no. Trưởng bản bảo Mùa phải ăn nhiều cho sữa về. Hồi chiều, Pao Tu bẫy được con sóc. Trưởng bản bảo nó làm thịt sấy khô đợi đến khi hỏi vợ mang thịt sóc khô đến nhà gái mới nể. Vậy mà Pao Tu cứ nướng luôn con sóc để cả nhà ăn… Nhìn mặt, Mùa biết nó đang vui lắm…
Ăn xong, Mùa ôm bé Ly vào góc lều và cởi áo. Con bé vục đầu vào ngực Mùa mút chùn chụt. Mùa cứ để nó nhay cho đến khi cả hai núm vú bỏng rát, ứa máu.
Sáng hôm sau, Mùa còn đang ôm bé Ly nằm trên ổ lá đã thấy tiếng người lao xao trước lều. Những lời của họ cứ như cái dây muốn buộc Mùa vào với trưởng bản.
Người này bảo:
– Mùa ơi, mày chẳng như con dúi tự cái hang mà ở, không thể như con chim một mình tha rác bện tổ đẻ trứng. Cứ về ở với trưởng bản như con dúi có sẵn hang, con chim có sẵn tổ…
Có người dỗ dành:
– Về ở với trưởng bản, có hơi đàn ông Mùa sẽ lại đẹp như xưa mà.
– …
Nghe họ nói vậy, không hiểu sao Mùa lại bật khóc.
Trưởng bản nhìn Mùa khóc mà không dám dỗ. Gương mặt của ông bối rối. Lát sau ông nói với Pao Tu:
– Hôm nay tao vào rừng kiếm thức ăn. Mày ở nhà lo dọn thêm ổ mới cho cái Mùa nằm.
Trưởng bản đi khuất, Pao Tu đến bên Mùa nói:
– Chị đừng nghe lời mấy người ấy. Bố tôi không xứng với chị đâu.
Mùa im lặng. Pao Tu tiếp:
– Bố mà cứ đòi lấy chị, tôi sẽ bỏ bản đi xa đấy.
Đến lúc ấy A Mùa mới lên tiếng:
– Pao Tu bỏ đi còn làm được lều ở, còn kiếm được đồ ăn. Tôi một ngày xa dân bản sẽ thành con ma đói giữa rừng.
Pao Tu:
– Chị đừng sợ. Tôi sẽ làm lều, sẽ kiếm thức ăn giúp chị.
Ngày hôm ấy Pao Tu còn nói với Mùa nhiều câu nữa. Mùa chỉ nghe chứ không dám nói ra ý nghĩ của mình.
Chiều trưởng bản từ rừng về. Ông đeo cái bung đầy thức ăn. Nét mặt ông lộ vẻ vui. Đến bữa ăn, nhìn vẻ mặt lầm lỳ của Pao Tu, ông chột dạ hỏi:
– Mới tối hôm qua mặt mày còn tươi như cái hoa, sao hôm nay đã héo như cái lá úa thế?
– Tại bố cả đấy. Bố nghe mấy người định ép chị Mùa làm vợ… Bố có thấy chị ấy khóc không?
Mặt trưởng bản tái nhợt. Lát sau đôi môi run run của ông ta mới bật ra mấy tiếng:
– Dân bản nói vậy chứ tao có nói gì đâu.
Mùa chen ngang:
– Pao Tu đừng nói nữa, chị xấu hổ lắm.
Rồi Mùa quay sang hỏi trưởng bản:
– Mùa chỉ muốn làm chị gái của Kha Ly có được không ạ?
Trưởng bản giận con trai lắm. Ông đoán rằng cả ngày hôm nay ở nhà nó đã thổi vào tai Mùa những câu phá đám. Ông kêu mệt rồi đi ngủ sớm.
Đêm ấy Kha Ly khóc mấy lần ông cũng không dậy. Sáng hôm sau, trong khi mọi người trong nhà còn ngủ, ông đã lặng lẽ vào rừng. Suốt cả tháng ông đều rời lều thật sớm và về thật muộn. Cho đến một đêm, trong bản có người bẫy được con hoẵng, ông phải đứng ra chia thịt cho mọi nhà. Vừa nhìn thấy ông, mấy người đã lao xao:
– Từ hôm có cái Mùa về ở cùng, hôm nay dân bản mới thấy mặt trưởng bản.
– Dạo này cái Mùa đẹp ra, còn trưởng bản lại gầy tọp đi…
Trưởng bản ném con dao vào đống thịt vừa được xẻ ra, quát:
– Cái miệng chúng mày có nọc độc à? Cái Mùa chỉ là chị con Ly nhà tao thôi…
Từ hôm ấy dân bản không ai dám buộc Mùa cho trưởng bản nữa. Nhưng thực lòng ông vẫn còn thích Mùa. Không nói ra miệng nhưng ông chỉ chờ cho Pao Tu mau đi ở rể nhà người ta. Năm Pao Tu mười bảy, trưởng bản giục lấy vợ, nó bảo chưa thích. Năm Pao Tu mười tám, ông lại nhắc chuyện ấy. Lần này ông còn nhắm cho Pao Tu đứa con gái út lão thầy mo Lỳ Gió Pa ở bên Pa Ư, nó cũng lắc đầu. Ông mắng nó:
– Mày không lấy vợ thì đến bao giờ nhà mình mới có thêm người. Mấy năm nay bản mình người chết đi nhiều hơn người được đẻ ra. Mày mở mắt to ra mà nhìn, cùng sống quanh dãy Pú Si Lung này, người Hà Nhì ngày càng đông thêm, còn người La Hủ mình ngày càng vơi đi…
Nói đến đây trưởng bản bật khóc.
Năm ấy trưởng bản còn giục Pao Tu lấy vợ mấy lần nữa như nó vẫn cứ trơ ra. Mùa tưởng nó mới thành người lớn nên chưa thích đàn bà con gái. Nhưng hoá ra không phải…
Một hôm, trên đường đi rừng kiếm thức ăn về, Mùa đưa bé Ly cho Pao Tu địu giúp để xuống suối tắm. Mùa đã lội ra thật xa nơi anh em Pao Tu ngồi chờ. Nào ngờ một lát quay lại đã thấy Pao Tu đứng ngây ra ngay phía sau. Mùa luống cuống vì quần áo đã để ở tảng đá cách đó khá xa. Pao Tu chống chế:
– Em Ly cứ đòi xuống với chị.
Mùa khép thêm chân và ngồi thụp xuống nước. Nhưng đoạn suối chỉ nông đến đầu gối, lại trong vắt khiến Mùa không thể giấu nổi tấm thân trần của mình. Đã thế bé Ly còn nhoài người ra khỏi tay Pao Tu đòi ôm Mùa…
Trên đường về lều, cả Mùa và Pao Tu đều không nói gì. Chỉ bé Ly là vui ra mặt. Tối, trong bữa ăn, đột nhiên con bé nói với bố rằng: Ban nãy Mùa tắm ở suối, Tu cũng xuống theo. Mùa đuổi mãi Tu không lên. Rồi Mùa và Tu cùng tắm với Ly, thích lắm…
Trưởng bản cúi đầu ngẫm nghĩ. Lát sau ông uống nốt bát rượu rồi gằn giọng: – Con Ly đã gần ba tuổi, cũng không phải ngậm vú một năm rồi. Cái Mùa phải ra ở riêng để còn tìm chồng mới…
Nói xong, trưởng bản chui vào ổ nằm. Sáng hôm sau Mùa đeo gùi quần áo và đồ đạc của mình ra khỏi lều nhà trưởng bản. Bé Ly khóc đòi theo Mùa. Trưởng bản ấn nó vào địu buộc trên lưng rồi bảo Pao Tu cùng vào rừng kiếm thức ăn. Chiều Pao Tu trở lại, không mang theo gì ngoài một vác tre. Nó bảo muốn được giúp Mùa dựng lều. Tối hôm ấy Mùa ngủ nhờ lều nhà bên cạnh nghe thấy tiếng trưởng bản mắng Pao Tu thật lâu. Sáng hôm sau, Mùa thức dậy, nhìn sang nhà trưởng bản chẳng thấy bóng Pao Tu. Cũng từ hôm ấy Mùa không nhìn thấy nó nữa. Năm ngày sau, trưởng bản đến lều của Mùa thú nhận việc bỏ đi của Pao Tu rồi chùng giọng nói như khóc:
– Mùa ơi, mày bị ma chài nhập vào rồi. Con ma ấy muốn giữ riêng mày nên năm trước đã không để cho thằng Pao Dèn sống, năm nay lại đuổi con trai tao đi…
Mùa không dám cãi. Mấy hôm sau trưởng bản cử người đi mời thầy mo bên Pa Ư về cúng đuổi ma cho Mùa. Sau lần cúng ấy, chẳng biết con ma đã bỏ đi chưa nhưng không người đàn ông nào dám đến gần Mùa nữa. Cũng từ dạo ấy, ngày qua ngày, năm nối năm, Mùa chỉ còn biết lủi thủi sống bên dân bản như một kẻ đang mắc tội. Thân phận Mùa như cái lá vàng trôi trên dòng nước đục chẳng ai thèm để ý nữa…
*
Nhưng rồi một buổi chiều, hai anh em con nhà Pờ Hừ hớt hải đến lều của trưởng bản báo tin vui. Rằng hôm trước chúng đã gặp Pao Tu ở dưới chợ huyện, được anh ấy dẫn vào quán cho ăn. Sáng nay anh ấy còn đi mua vải và chỉ mầu gửi về cho em Ly và chị Mùa. Tối hôm qua, ngồi uống rượu cùng nhau ở lều chợ, anh Pao Tu kể bao nhiêu là chuyện từ ngày xa dân bản…
Thì ra, ngày ấy Pao Tu không bỏ đi mà chỉ ngược lên đồn biên phòng nhờ giúp đỡ được về lại bản cũ. Pao Tu vẫn nhớ những lời cán bộ đồn khuyên dân bản chuyển nhà lên chỗ đất cao dành chỗ đất thấp cấy lúa, trồng rau. Pao Tu hứa với cán bộ biên phòng rằng: Khi nào trong nhà có nhiều lúa, nhiều ngô, ngoài vườn có nhiều rau thì sẽ đi tìm dân bản về ở cùng. Bây giờ thì trong nhà của Pao Tu đầy ngô, đầy lúa rồi…
Nghe bọn trẻ nhà Pờ Hừ kể chuyện Pao Tu, trưởng bản lặng người đi. Nhưng cái vui của ông đã hiện lên mặt. Đêm ấy dân bản kéo đến lều nhà trưởng bản râm ran nói chuyện về Pao Tu. Có người còn nhắc lại lời thầy mo nói về nơi cắm bản năm trước, rằng đó là nơi đất đẹp, sau này dân bản có thể trở lại. Nhưng nhiều người vẫn tỏ ý sợ con ma nước về phá bản bắt người như năm trước. Anh em nhà Pờ Hừ phải nói lại lời của Pao Tu rằng: Cán bộ biên phòng và cả cán bộ huyện đều hứa sẽ giúp cả bản làm nhà thật vững chắc trên vùng đất cao tránh được lũ …
Đêm ấy Mùa ngồi mân mê mảnh vải Pao Tu gửi cho ngóng về nhà trưởng bản thấp thỏm chờ tin. Tinh mơ hôm sau,đã thấy Kha Ly chạy sang ríu rít khoe:
– Cả bản sẽ chuyển về bản cũ ở cùng anh Pao Tu. Chị có thích không?
Mấy hôm sau cả bản chuyển về bản cũ. Mùa cũng được mấy anh biên phòng giúp dựng nhà. Ngôi nhà có cột bằng gỗ, có tường bằng đất nện, có mái bằng tôn đỏ, có cả cửa nhỏ, cửa to… Mùa còn được Pao Tu cho đôi gà giống và vạt nương đã phát cỏ sẵn, chỉ việc gieo hạt. Từ ấy đến nay hai con gà giống đã sinh nở thành đàn. Nương ngô đã cho bắp xếp đầy các bung. Mùa như trẻ lại, như đẹp hơn cả hồi chưa lấy chồng. Xuống chợ lại có người nhìn theo Mùa. Có người còn lẵng nhẵng bám theo. Nhưng Mùa không dám cho ai theo. Sợ con ma chài vẫn bám theo Mùa làm khổ người khác. Ngay cả Pao Tu, mấy đêm đến gọi cửa đòi vào nhà, Mùa cũng không dám mở. Phải đến cái dạo Mùa bị ốm…
…Dạo ấy dân bản đang thu hoạch ngô. Nương ngô nằm rải rác trong rừng nên nhiều nhà phải ở lại lều nương cả tuần. Vạt nương mà Pao Tu cho Mùa gần bản nên tối đến Mùa vẫn được về nhà. Hôm ấy trời đang nắng to bỗng đổ mưa lớn. Mùa phải về nhà sớm vì đầu bỗng đau, người bỗng rét, đắp chăn mà vẫn còn run. Mùa không muốn ăn mà cũng chẳng thể dậy để nấu nướng. Mùa nằm ly bì suốt hai ngày. Đến ngày thứ ba Kha Ly từ lều nương về sang mới biết Mùa ốm. Pao Tu và mấy người trong bản biết tin cũng chạy sang. Nhìn mặt Mùa hốc hác, mắt Mùa đờ đẫn, mồm nói chẳng nên câu, ai cũng thương, cũng lo. Mọi người bảo Pao Tu phải đi mời thầy mo về cúng cho Mùa. Pao Tu nghĩ ngợi một lúc rồi chạy về nhà mình. Lát sau Pao Tu trở lại với một cái túi đầy đồ nghề cúng bái như thầy mo và nói:
– Tu cũng biết cúng chữa bệnh. Mấy năm trước Tu đã đến nhà thầy mo bên Thu Lũm học cúng rồi mà. Mọi người cứ ra ngoài để Tu cúng cho chị ấy.
Mọi người vừa ra khỏi nhà Mùa đã nghe tiếng chiêng Pao Tu gõ rộn lên. Kha Ly cố nán lại xem, Pao Tu cau mặt quát:
– Đã nói là chỉ một mình tao cúng thôi. Mày về nhà nấu giúp nồi cháo gạo mang sang đây.
Kha Ly về rồi, Pao Tu không gõ chiêng nữa. Nó lấy từ trong túi áo ra mấy viên thuốc rồi đỡ Mùa dậy, dỗ uống. Mùa vừa uống thuốc, vừa nhìn Pao Tu với vẻ ngạc nhiên. Pao Tu giải thích:
– Thuốc này là của cán bộ biên phòng mới đi tuần tra qua đây cho. Hồi trước, sợ Tu ở một mình lúc ốm đau không ai biết, đồn cử anh quân y về tận nhà dạy cho cách tự uống thuốc, tự chữa được mấy bệnh. Mùa chỉ bị cảm thôi. Lát nữa có cháo, Mùa ăn xong, Pao Tu còn cạo gió trên người cho nữa…
Chuyện Pao Tu cúng khiến Mùa khỏi bệnh dân bản đều biết. Mọi người kháo nhau rằng: Từ bây giờ có việc gì cần phải cúng, bản không phải đi tìm thầy mo nơi khác đến nữa. Trưởng bản cũng mừng vì con trai mà thành thầy mo thì người trong bản, dân cả vùng càng thêm nể.
Riêng Mùa lại không nghĩ như mọi người. Mùa mừng vì khỏi bệnh nhưng lại lo vì chuyện khác. Cái đêm mà Pao Tu bắt Mùa phải cởi áo để xoa gừng trộn rượu rồi dùng đồng bạc trắng cạo trên người, bây giờ nghĩ lại Mùa vẫn thấy xấu hổ, vẫn thấy rạo rực. Sau chồng cũ, Pao Tu là người đàn ông thứ hai được cởi áo và chạm đến da thịt của Mùa. Không chỉ chạm vào da thịt, mà đêm ấy Pao Tu còn dám nói ra ý nghĩ mà từ lâu nó phải cố giấu trong lòng. Rằng dẫu kém tuổi Mùa nhưng Pao Tu đã thích Mùa từ hồi còn bé cơ. Rằng ngày ấy đám con trai mới lớn, đứa nào cũng khen Mùa đẹp. Rằng ngày ấy chính nó cũng chỉ mong nhanh thành người lớn để được làm chồng Mùa. Pao Tu còn thú nhận rằng, từ cái chiều được tắm cùng Mùa ở suối, đêm nào nó cũng ước có Mùa nằm bên. Rằng nó đã nhìn trộm nhiều con gái tắm nhưng không ai trắng bằng Mùa. Không ai có gương mặt đẹp và cả người chỗ nào nhìn cũng thấy thích như Mùa…
Nói xong những lời như thể thú tội ấy, trước khi rời nhà Mùa, nó quả quyết:
– Khi nào Mùa hết ốm, Tu sẽ nói với cả bản rằng chẳng có con ma nào dám theo Mùa. Mùa phải lấy chồng và đẻ ra những đứa con đẹp…
Sau đêm ấy, Mùa hết bệnh thật nhanh. Mùa tự hỏi không biết mình khoẻ lại vì được cúng đuổi ma, được uống thuốc hay được những lời ngọt như mật của Pao Tu rót vào lòng mình nữa. Cũng từ hôm ấy, đêm nào Pao Tu gõ cửa, Mùa cũng mở cho vào. Lần nào vào, Pao Tu cũng đòi cởi áo của Mùa. Pao Tu bảo nó đã 25, quá tuổi được cởi áo con gái lâu rồi. Mùa đành phải chiều lòng Pao Tu và thực ra gần mười năm qua Mùa vẫn thèm được đàn ông cởi áo, được ôm ấp vuốt ve…
Chuyện Pao Tu cởi áo của Mùa, cuối cùng trưởng bản cũng biết. Ông sang tận nhà mắng Mùa và lại ép Pao Tu lấy vợ. Nhưng lần này Pao Tu đã dám nói với bố rằng nó chỉ muốn làm chồng Mùa thôi. Vì chuyện ấy mà hai bố con Pao Tu lại ầm ĩ mấy đêm. Vì chuyện ấy mà Pao Tu lại lên đồn biên phòng. Và lần này Pao Tu xin được đi học chữ. Thực ra đã mấy lần cán bộ biên phòng và cả cán bộ huyện về bản vận động Pao Tu xuống tỉnh học bổ túc văn hoá để về làm cán bộ nhưng nó chưa chịu. Ngoài miệng Pao Tu nói sợ lớn tuổi học chữ không vào nhưng thực lòng vì nó không muốn xa Mùa. Trước ngày lên tỉnh học, Pao Tu lên nương tìm Mùa đã nói thế. Pao Tu còn bảo, nếu đi học về mà bố vẫn không cho lấy Mùa thì nó sẽ xuống xã làm cán bộ rồi đưa Mùa đi theo…
Tính ra đã gần một năm Pao Tu về tỉnh học rồi. Đêm nào Mùa cũng còn những lời Pao Tu nói bên tai. Lần nào xuống suối tắm Mùa cũng nán lại một mình để tự ngắm mình xem có đẹp như những lời Pao Tu nói không. Hôm nay cũng vậy. Lũ con gái trong bản đã về hết, trên làn nước trong, Mùa vừa ngắm mình, vừa lan man nhớ lại chuyện cũ…
Chợt trên bờ Kha Ly xuất hiện. Nó vừa gọi Mùa, vừa lon ton chạy xuống gọi:
– Chị Mùa ơi, lên đây em nói chuyện này.
Rồi chẳng đợi Mùa lên, Kha Ly lội ào xuống suối nói trong hơi thở:
– Người lạ ban nãy đến nhà em là cán bộ cấp trên đấy. Cán bộ về nói chuyện với bố việc anh Tu sẽ phải ở lại học nữa để thành y tá chữa bệnh cho dân mấy bản vùng này…
Mùa ngắt lời Kha Ly vẻ lo lắng:
– Vậy đến bao giờ Pao Tu mới được về bản?
– Em không biết. Nhưng bố xin với cán bộ để Pao Tu về bản lấy vợ rồi mới được đi học tiếp.
– Bố em định bắt Pao Tu lấy ai? – Mùa lo lắng.
Kha Ly:
– Em cũng không biết. Chỉ thấy bố em ngồi nghĩ một lúc rồi giục em sang rủ chị ngày mai cùng theo cán bộ xuống tỉnh gọi anh Pao Tu về. Bố còn nói: Không cho thằng Tu lấy người nó thích thì không biết đến bao giờ nhà này, bản này mới lại có thêm người..
Tác Giả : Nguyễn Xuân Hải / BTV Thúy Quỳnh / Giọng đọc: Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *