Bài nổi bật

Những Tấm Lòng Cao Cả – Edmondo De Amicis

“Những tấm lòng cao cả” hay còn được biết với tên “Tâm hồn cao thượng” (Coure) là một cuốn tiểu thuyết được Edmondo De Amicis viết dành cho trẻ em. Ông đã lấy bối cảnh thời kì nước Ý thống nhất và nói về đề tài yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản lần đầu vào ngày 18/10/1886, ngày khai trường ở Ý và trở thành một hiện tưởng xuất bản ngay lập tức.
Tác phẩm được viết theo hình thức nhật ký của cậu học trò 11 tuổi ở ý Enrico Bottini. Gia đình của cậu thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn học cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Những trang sách đầu tiên nói về ngày khai trường của Enrico. Ở đó cậu đã gặp lại thầy giáo dạy mình hồi lớp hai, người thầy có mái tóc hung, bù xù và tính tình vui vẻ hài hước. Thầy giáo năm nay của cậu tên là Pecboni, là một người cao lớn, không có râu, tóc dài đã hoa râm hết, tiếng nói rất to.
Thầy Pecboni nhìn chằm chằm học sinh hết đứa này tới đứa khác, như muốn đọc rõ tận trong lòng của từng đứa học sinh ấy. Điều kì lạ là thầy không bao giờ cười. Thầy xem học sinh như là những đứa con của chính mình bởi vì thầy không có gia đình. Thầy rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân hậu, chính vì vậy mà rất nhiều học trò cũ đều mến yêu người thầy này.
Ở trong lớp học đó, Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tinhs cách như Garone, một người bạn cao lớn, hào hiệp, luôn giúp đỡ mọi người, bênh vực kẻ yếu thế. De Rossi, một chú bé rất thông minh, luôn đứng đầu lớn nhưng không hề kiêu căng. Trong khi đó, Votini lại luôn ganh tị với De Rossi khiến thầy giáo phải nói với cậu bé rằng “đừng để con rắn ghen tị luồn vào trái tim, đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”. Và những người bạ như Precossi, Crossi, Coretti thì xuất thân từ gia đình nghèo nhưng vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập và lao động. Ngoài ra trong lớp học còn có những nhân vật có tính cách đặc biệt như Stacdi lầm lì, ít nói, thậm chí bố cậu đã nói với thầy phải thật kiên nhẫn vì con ông “đầu đất”. Vậy mà kết quả là Stacdi trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp. Còn cả Franti hư đốn luôn bắt nạt bạn bè và hỗn cả với thầy.

Tuyến nhân vật người lớn cũng được xây dựng nhiều tính cách khác nhau như bố mẹ Enrico luôn chăm sóc yêu thương con hết mực, dạy cho con nhiều bài học qua những lá thư. Trong khi đó bố Precossi lại luôn say rượu và đánh đập cậu, phải đến khi cậu nhận được huy chương xuất sắc của lớp thì ông mới tỉnh ngộ.
Cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết viết về những kỷ niệm thời thơ ấu, mà ẩn chứa trong đó rất nhiều bài học về giáo dục con trẻ. Tác giả mượn ngòi bút của trẻ em để nói chuyện người lớn. Đó là những mẫu chuyện về tình người, về lòng yêu thương. Mỗi câu chuyện là một bài học về nhân cách, về cách cư xử và bồi dưỡng tâm hồn với những đức tính tốt đẹp cần có ở mỗi con người.
Những lời dạy và khuyên bảo của thầy cô và cha mẹ rất hay và bổ ích. Việc dạy dỗ một đứa trẻ nên người trước hết đến từ gia đình. Tác giả cũng đưa ra dẫn chứng rõ ràng cho việc này chính là Enrico thật hạnh phúc khi có cha mẹ vô cùng tâm lí và tinh tế. Ông bà Bottini viết thư cho cậu con trai mỗi tháng không phải vì ở xa gửi về, mà đơn giản là ông bà muốn khuyên nhủ và chia sẻ với con một cách nhẹ nhàng, nhưng vẫn nghiêm nghị trước những sai lầm của con. Một bức thư thì có thể lưu giữ mãi mãi, nhưng còn lời nói thì dễ dàng quên ngay. Có lẽ vì lí do đó mà ba mẹ Enrico đã chọn hình thức nói chuyện với con đặc biệt như vậy khi cần trao đổi những vấn đề nghiêm túc.
Bên cạnh đó, tác giả còn muốn đưa ra lời khuyên muốn dạy trẻ có hiệu quả nhất là phải làm gương cho trẻ noi theo. Bố của Enrico đã dạy con lòng tử tế khi cất bức tranh anh hề gù khi con có người bạn gù đến chơi. Để dạy con nhớ biết ơn thầy cô, ông đã trực tiếp cùng con đi thăm người thầy năm xưa của mình. Mẹ của Enrico hàng tháng vẫn đi giúp đỡ những nhà khó khăn trong phố cùng Enrico. Những hành động tuy đơn giản nhưng dễ đi vào lòng con trẻ.
Tác phẩm xây dựng hình tượng nhân vật theo hướng hình tượng hóa và gán cho mỗi nhân vật một nét tính cách đặc trưng rất rõ ràng là xấu và tốt. Nên đôi lúc tạo cho người đọc cảm giác không hiện thực. Nhưng tác phẩm có một giá trị nhất định để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
“Những tấm lòng cao cả” không chỉ là một cuốn sách dành riêng cho thiếu nhi, mà nó dành tặng cho tất cả quý thầy cô giáo, những người làm nghề giáo dục và dành tặng cho các bậc làm bố mẹ. Cuốn sách hàm chứa rất nhiều bài học về giáo dục cho trẻ con. Edmondo De Amicis quả thực đã rất thành công khi làm biến nghệ thuật văn chương thành công cụ giáo dục tốt. Và cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” là một trong những cuốn sách nên đọc trong những tác phẩm thuộc thể loại kinh điển.

Xem thêm đề xuất

Truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ

RadioVn.Com – Ngày xưa, ở làng Ngưu Gia nằm ở phía tây Nam Dương có một …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *