Bài nổi bật

Nhà Trong Ngõ Hẻm – Ma Văn Kháng

Truyện đêm khuya vov – Không gian truyện là ngõ hẻm, là góc phố và chứa đựng những phận người mong manh, cay cực, đắng chát. Góc nhìn của nhà văn Ma Văn Kháng về những phận người rất nhân văn. Đó là những phát hiện sâu sắc về tâm tính và sự đổi thay đằng sau góc khuất bụi bặm và cay đắng.

Thế là San đã mua được nhà. Một túp nhà con con. Diện tích chỉ có tám mét vuông, mái ngói tường vôi, sơ sài như một đơn ngữ. Lại ở kiệt cùng trong một cái ngõ hẻm, lối đi vô cùng chật hẹp và tới đây thì có cảm giác cụt đường, không có lối ra. Nhưng  tất cả những điều bất cập đó vẫn chẳng thể làm vơi giảm niềm hào hứng của San. Con người bên trong càng nghiêm chỉnh bao nhiêu thì bề ngoài càng giản dị bấy nhiêu.  San chẳng có tài sản gì đáng kể! Tuy vậy, San cũng mất cả tuần lễ để thu dọn khuân vác đồ đạc từ nơi ở cũ là một góc buồng trong căn hộ tập thể đến nơi ở mới này. Ấy là vì cái  kệ sách! Cái kệ sách bảy tầng kềnh càng, nghễu nghện với hơn năm ngàn cuốn sách quý làm chật ních cả lòng túp nhà, của cải duy nhất ông thân sinh để lại cho San. Cái kệ sách khổng lồ bằng gỗ sến nặng như một chiếc sập cổ. Xích lô và mấy người cửu vạn phải vất vả lắm mới chuyển nổi nó từ ngoài đường phố, vào tới cái hẻm hẹp này. San quý sách lắm. Sờ đến sách là San không thể rời ra được .
Thành ra sáng nay, vừa sắp xếp sách lên các tầng, vừa mải mê ngắm nghía, thi thoảng lại còn dán mắt vào một trang sách, nên phải một lúc sau, như có linh tính mách bảo, San mới nhận ra có bóng một người lạ đang ở ngoài cửa ngó vào. Và tiếp ngay đó, nghe tiếng mấy ngón tay gõ nhè nhẹ vào cánh cửa gỗ, San mới quay lại và nhận ra gương mặt một phụ nữ trẻ đang lấp ló ở cánh cửa nhà mình.
– Chào cô.
– Chào thầy Khổng! Sách xếp được vào giá, nhưng nhớ thương biết xếp vào đâu đây(1).# Thầy có biết câu thơ ấy không?
– Cô ngồi tạm lên giường nhé!
– Thầy Khổng! Thầy cứ làm việc đi! Em tên Huyền, hàng xóm của thầy, mới đi vắng trở về.
– Tôi là San, nhà báo.
Ánh sáng từ khuôn cửa hắt vào, qua làn vải đen mỏng mảnh của chiếc váy hai dây để hở cả đôi vai trần và khoang ức trắng nuốt, phô diễn một cơ thể phụ nữ đã qua thời con gái, nhưng còn rất mượt mà và óng ả.
– Cô Huyền có hay đọc sách không?
– Em, chồng con chưa có, mèo chó thì không. Ngoài giờ làm thư kí ở ủy ban phường chỉ có sách. Nhưng quán sách cho thuê ở đầu hẻm chỉ toàn truyện chưởng của Kim Dung và chuyện diễm tình của Quỳnh Dao, đọc chán bỏ sừ! Bây giờ, ở gần anh nhiều sách thế này, giá em được mượn đọc thì hay quá!
Bật cười vì cách nói  của Huyền, San đáp:
– Chỉ sợ cô không có sức đọc thôi!
– Anh San này. Sau khi đọc xong một cuốn sách hay, em thấy người mình nó khang khác thế nào ấy. Nhưng em hay khóc lắm! Có khi chỉ một câu thơ thôi. Ví dụ, câu này: Thôi em về đi, phía ấy dẫu có buồn(2)#. Mà anh à, em có con bạn cũng mê đọc sách lắm. Nhưng nó đọc chỉ nhoáy cái là xong một cuốn dày năm trăm trang. Hỏi, sao đọc  nhanh thế, nó nói tao chỉ cần biết thằng ấy có lấy con ấy không, lão ấy có chết không thôi.
– Có người đọc kiểu ấy à?
– Còn em đọc chậm lắm vì vừa đọc vừa ngẫm nghĩ. Mà phải đọc từ trang đầu  đến  trang cuối, nhất là những cuốn sách thuộc loại cổ điển, mới thấy được hết cái hay của cuốn sách, anh à.
Nhăn nhíu cặp mày rậm, cắn cắn môi, thoáng chút ngẩn ngơ, San nhìn cô gái:
– Cô Huyền này. Tên tôi có phải là Thầy Khổng đâu. Mà sao cô lại gọi tôi bằng cái tên đó?
Má phải xoáy nhẹ một cái hoáy đồng tiền, Huyền ngẩng lên cười, khoe hàm răng trắng nõn:
– Là bởi vì em trông anh rất giống ông thầy dạy môn Triết hồi em học ở trường nghệ thuật ca kịch. Vóc dáng thì cao ráo. Tam đình thì ngay ngắn phân miêng. Còn mệnh cung thì hiển nhiên là sáng bóng. Rõ người danh giá nhưng hay động lòng trắc ẩn. Bọn em gọi ông là Thầy Khổng vì trong một tiết dạy, ít ra thì cũng phải đôi ba lần ông nhắc lại lời Khổng Tử. Đệ nhất hay nhắc là câu này: Vật có bốn góc. Bảo cho biết ba góc mà không biết suy ra góc còn lại thì là loại người không thể dạy được nữa. Em thuộc loại ấy. Thầy Khổng bảo em: Cô học nghề cứ như nằm ngửa đấm với ấy!
Bật cười và mặt ưng ửng vì chút ngượng ngập, San lảng chuyện:
– Thế là Huyền bỏ học?
– Bỏ mộng trở thành nghệ sĩ ca kịch! Về nhà, đạp máy khâu. Đánh máy thuê. Phụ việc ở thư viện quận. Đứng bán hàng thời trang cho shop của mấy nhà buôn. Rồi bây giờ làm thư kí cho ủy ban phường. Thế đấy, thoắt cái mười năm đã trôi qua. Giờ, thì hai gò má đã cao như hai quả núi rồi!
Kiễng chân xếp cuốn Từ điển Bách khoa lên tầng trên cùng của kệ sách, chợt nghe giọng Huyền như  ẩn chứa một nỗi niềm, San vội trở lại tư thế thăng bằng, quay lại. Anh nhận ra, trong một tâm thái thật vô tư, Huyền đang dí sát mặt vào tấm gương bầu dục gắn ở đầu giường mình. Thoáng qua mắt San hình sắc Huyền trong tư thế ngồi nghiêng, nửa thân trên vặn chéo, trồi lên đường cong của tấm eo nở nang và hai bầu ngực trắng mịn như bật khỏi diềm đăngten mờ mờ của phần trên chiếc váy. Và anh vội quay đi, vừa bần thần mê mẩn vừa ngường ngượng khi cái nhìn theo lẽ thường tình trôi trượt xuống phía dưới làn vải chiếc váy ôm một bờ hông tròn đầy tươi mát, ở đó cộm lên đường viền của chiếc quần trong, như một bản thể đàn bà đẹp được phô lộ thật hồn nhiên và cũng thật cám dỗ.
– Anh San à. Anh mua lại căn nhà của Mụ Nanông, nhưng liệu có đậu lại ở đây được lâu không?
– Mua của Mụ Nanông? Mà ở đây thế nào mà không đậu lại được?
San đã quay phắt lại vì có phần sửng sốt, anh thấy Huyền đưa tay che miệng ý nhị:
– Ở đây thế nào ít hôm thì anh sẽ biết. Còn Mụ Nanông là bà Căn bán nhà cho anh, là tên một nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Bandắc ấy! Trước anh, có mấy cậu sinh viên học đạo diễn điện ảnh thuê căn nhà này. Ở được mấy tháng rồi cũng bỏ chạy văng cả dép. Buồn cười!  Mang tiếng là sinh viên năm thứ tư rồi mà Cội rễ chưa đọc, Bố già không biết! Cái thổ tả đả địa gì cũng hổng biết. Nói đến Mụ Nanông càng ngẩn tò te!
San mím môi để khỏi bật tiếng cười:
– Tủ sách của anh có  mấy quyển ấy đấy!
–  Em nhìn thấy rồi. Kia kìa, cả Chiến tranh và Hòa bình, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Trăm năm cô đơn. Cả Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của trưởng lão, rồi Những người khốn khổ của Víchto Huygô nữa kia kìa!
II
Huyền hóa ra là một con mọt sách. Thứ bảy, chủ nhật cô ôm cả chồng sách mượn của San về, đọc đến quên cả nấu ăn. Có bận, thấy một cuốn sách quý hiếm, ở bìa lót có dòng chữ San viết: Sách quý, không cho mượn là cô ngồi lì ở chiếc giường của San đọc suốt buổi. Rồi  lúc sau bừng tỉnh, giật thót mình: Thôi chết, em phải về nấu cơm cho thằng Tèo em em. Tèo là nhân viên tạm tuyển của Ban Quân sự phường. Huyền có một trí nhớ hơn người. Cô kể vanh vách cốt truyện các cuốn tiểu thuyết đã đọc. Cô bảo, hồi còn ở đoàn ca kịch em bỏ tiền mua được cuốn Giên Erơ, cuốn Những người chân đất, cuốn Đônha Bácbacra… mà thằng Tèo cho bạn mượn mất tiếc quá!
– Thế sao Huyền không tiếp tục ở Đoàn ca kịch ?
– Chuyện dài lắm anh à. Tóm tắt là thế này. Có thời em là giọng ca vàng  của đoàn đấy chứ. Nhưng em tiếng thế mà ngộc nghệch tồ tệch lắm. Chúng nó rủ em đi hầu đồng. Anh đã đi xem hầu đồng bao giờ chưa? Hôm nào em dẫn anh đi xem nhé! Trên ngàn gió cuốn rung cây. Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn. Canh khuya nguyệt lặn sao tàn. Chiếc thoi bán nguyệt khoan khoan chèo vào. Thế là em bị kỉ luật sa thải. Nhưng mà em hỏi thật anh nhé. Em đến đọc sách và mượn sách như thế này có làm phiền anh không?
Nheo nheo hai con mắt sâu trầm, San lắc  lắc đầu:
– Bây giờ trông thấy người mải mê đọc một cuốn sách, cảm giác đầu tiên của anh là trân trọng, Huyền à.
– Anh nói hai chữ trân trọng em lại nhớ tới một chuyện cũ.
– Chuyện gì vậy?
– Hồi ấy em mới  hai mươi, có một anh rất mến em. Anh này là con một ông tướng, rất giàu và thế lực. Anh ấy rủ em đi chơi Vũng Tàu. Có nửa tháng mà anh ấy chụp cho em hai trăm kiểu ảnh. Rồi anh ấy dẫn em đi mua đồ nữ trang. Vào cửa hàng vàng  bạc, anh ấy nói: Em mua cho mình một thứ gì đi. Đắt tiền cũng được! Em vào mua có nhõn một đôi hoa tai bằng bạc, giá có bảy  mươi  ngàn bọ. Anh ấy bảo: Sao em tiết kiệm thế? Anh có tiền mà. Em nói: Tiền anh cũng như tiền của em. Cùng là lao động mới có. Thế là anh ấy nhìn em nói: Anh rất trân trọng em.
– Sau hai người thế nào?
– Anh ấy chủ động chia tay em, rồi  lấy một cô người mẫu.
– Sao thế?
Huyền quay đi, giọng nghèn nghẹn:
– Vì em đi khám bệnh, bác sĩ nói, em có dấu hiệu mang bệnh máu trắng.
– Trời!
Trong tiếng kêu thất thanh của San, Huyền quay lại, lắc lắc đầu:
– Nhưng hóa ra không phải. Có lẽ cũng là do em đi hầu đồng, giải thoát được nghiệp căn. Em là người thanh đồng, là người đội căn cô Bơ. Em sinh giờ Tý, giờ các quan đi chấm đồng mà anh. Nhưng mà em hỏi anh nhé.
Ngực xẹp xuống vì có cảm giác một tảng đá đè nặng đã vừa hất khỏi hai buồng phổi, San khe khẽ:
– Huyền cứ nói đi.
– Anh có tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật không?
– Không.
– Thế thì anh tin vào cái gì?
– Anh tin vào con người. Con người ta rất đẹp khi nó có nhu cầu trở nên đẹp!
– Em không hiểu ý anh. Nhưng em kể anh nghe. Dạo này em hay nghe bài giảng qua băng của Đại đức Thích Trí Năng. Ông này giỏi lắm, nói tiếng Anh veo véo.
– Ông ấy nói những gì?
– Để em nói anh nghe. Chức sắc trong Phật giáo từ dưới lên có Đại đức, rồi Thượng tọa, sau cùng là Hòa thượng. Tất cả do Ban Hoằng Pháp Hội Phật giáo phong. Muốn được phong Hòa thượng tuổi phải sáu mươi trở lên, phải học hạ lạp bốn mươi năm kia. Anh có biết ông giảng thế nào không? Con người ta nên khiêm hạ, chứ không nên hèn hạ.  Thế còn khi người ta chửi bới mình thì mình nên thế nào, anh biết không?
– Nên thế nào?
– Yên lặng!
– Yên lặng. Vì sao?
– Thế này nhé. Nói ví dụ: Ai cho anh vật gì mà anh không nhận thì có phải là vật đó vẫn ở trong tay người cho không? Như vậy cũng có nghĩa là, câu chửi bới mình, mình không nghe, thì nó vẫn là của người chửi mình. Tức là mày chửi tao, tao không nghe, mày nghe, vậy mày gánh nghiệp cho tao!
– Nghe cũng có lí!
– Có lí quá đi chứ, anh.
– Thế còn thuyết nhân quả?
Lặng đi một lát, hai khoe mắt bỗng như long lanh lệ, giọng Huyền hạ xuống một cung bậc buồn buồn:
– Hãy khoan, để em nói về Phật pháp ứng dụng đã. Anh có biết ý nghĩa của động tác lễ Phật không? Anh nhìn em làm nhé. Chắp hai tay lại thế này, chạm nhẹ vào trán, lướt qua trái tim, rồi úp hai bàn tay xuống đất và ngửa mặt lên, tức là có được năm điểm tiếp giáp với đất, là anh đã thấy con người thanh thản rồi. Lúc nào thấy mình có lỗi lầm gì, dù là nhỏ thôi, anh hãy làm thử trước ban thờ song thân anh đi. Hiệu nghiệm lắm, anh à!
Tràn ngập trong San là cảm giác sững sờ và run rẩy trong trạng thái gần như là bị thôi miên. Sát ngay bên anh, trên chiếc chiếu hoa trải trên nền nhà, trong động tác rạp mình lễ lạy, Huyền hiện thân trên mỗi đường nét thắt nở mềm mại uyển chuyển của làn da nơi eo hông, nhất là khi cô cúi xuống, hai bầu ngực phổng phao trắng mịn trĩu nặng như hai trái quả dại một lần nữa bỗng buột ra khỏi diềm đăngten của đường viền vùng cổ váy, như cố tình phô bày toàn bộ những nét quyến rũ vừa phồn thực vừa là đặc thù của đàn bà đẹp. Ngượng ngập và sung sướng như vừa được hưởng một phúc lạc quá tầm, San liền  quay vội ra cửa, tim đập dồn, cảm thấy mình như một kẻ mắc lỗi lầm vừa bị bắt quả tang, và ngơ ngẩn tự hỏi, chẳng lẽ Huyền, một phụ nữ vừa quen biết, thông minh và hóm hỉnh cùng vóc hình, hương vị nồng nàn, sở hữu một gương mặt thấp thoáng một tâm sự, đã thức tỉnh một ám ảnh đàn ông của San. Một ám ảnh muốn được ôm ấp giao hòa và nâng niu, chia sẻ. Trực giác của Huyền đã mách bảo chính xác, San là một gã đàn ông đa cảm, dễ mủi lòng, cảm thông với mọi tâm tình.
Ngoài cửa sổ vừa thoáng bóng một người đàn bà.
Bà Căn, người chủ cũ của căn nhà! Mụ Nanông! Cái tên Tây do Huyền đặt cho bà, qua ngữ âm Việt sao mà khớp thế với thân hình vóc dạng bà. Đẫy đà, phộp phạp, người đàn bà có khuôn mặt nục nạc, đầy tàn nhang, với hai vệt lông mày vàng mờ lơ thơ cùng hai con mắt ti hí, lần này tiến đến sát cửa nhà San, đang xói vào nhà San một cái nhìn soi mói, độc địa:
– À, thì ra vẫn là chị chàng. Thằng Tèo em mày nó ở phường về đang tìm mày kia kìa. Chà chà! Sao mà bện hơi nhau nhanh thế! Khéo ra thì thài lài gặp cứt chó đấy nhỉ!
Dứt câu nói châm chọc rõ ràng là xỉa vào Huyền, người đàn bà toét miệng, hắt ra một tiếng cười cụt ngủn. Và khi Huyền như bị chạm nọc, đứng phắt ngay dậy, đổi mặt lạnh lùng, đi ra cửa, vượt qua mặt mụ với một cái nguýt sắc lẻm, thì người đàn bà đưa mắt sang San, lại vẫn cái giọng á thanh vừa khàn vừa rè :
– Cậu nhà báo này! Cậu mua được căn nhà này với giá một mét một cây là hời đấy! Vì sao cậu có biết không? Vì tôi bị ho mấy tháng trời liền, tôi đi khám bệnh, bác sĩ chiếu điện xong, bảo: Thôi, bác về đi, thích cái gì thì ăn, thì hưởng đi, cho nó sướng cái thân. Thôi, thế cũng là may cho cả tôi lẫn cậu. Cậu thì cũng có nơi an cư lạc nghiệp. Mà nhìn kĩ lại cậu thì thấy con Huyền nó nhận xét tinh quái đấy. Vóc hình diện mạo cậu thuộc loại người đứng đắn, cao sang tuy có hơi đa sầu ủy mị. Vậy là tôi có người hàng xóm người tử tế. Có phải không, cậu nhà báo?
III
Bạn bè là do con người tự tạo ra. Kẻ thù cũng vậy. Thế còn người hàng xóm? Túp nhà này, được rao bán trên mạng. Và San mua được nó một cách tình cờ. Vậy mà cuối cùng thì San nghĩ, có lẽ có sự sắp xếp của Thượng đế, của ông Giời thật!
Giờ đây, mỗi lần đi công tác xa, San không thể không mong sớm được quay về. San yêu túp nhà trong hẻm của mình. Đây là không gian sở hữu đầu tiên của San. San đã ba mươi hai tuổi. Đã có hai bằng đại học. Đã qua ba năm làm nghĩa vụ quân sự. Suy cho cùng, con người ta rất cần có một đời sống tinh thần phong phú, một lí tưởng cao đẹp để tôn thờ, thì cũng cần một không gian sinh tỏa, một thời gian để tích tụ tài năng, để hoàn thiện nhân cách của mình. Ở túp nhà này, San có điều kiện để khai triển việc học hành viết lách. San là một kẻ duy cảm, là một con người biết sống hết lòng, tận tụy cho nghề nghiệp, khát vọng sống có ích cho cuộc đời.
San yêu túp nhà của mình. Tuy nhiên, giờ đây cùng với cái lẽ thường tình ấy, San không thể không thú thật với lòng mình. Ôi  Huyền! Một sắc hình tươi mát. Cái linh hoạt  tinh tế ở các lớp ngôn từ đầy hình ảnh, trong các câu chuyện thường ngày và đằng sau tất cả, là những tâm sự  âm thầm chưa được nói ra.
Hóa ra Huyền không chỉ mê đọc sách mà còn là người hay chuyện. Đem trả anh những cuốn sách cô kể lại như thuộc lòng những đoạn dài có các  tình tiết li kì trong mỗi cuốn. Đột ngột cô bảo: Anh à, em có cảm tưởng, gã Tênácđiê nó sinh ra ở hẻm nhà em. Sửng sốt, anh hỏi: Vì sao em lại có ý nghĩ kì lạ và ngộ nghĩnh thế? Cô im lặng và lảng chuyện. Anh à, anh đi vắng có một tuần mà trong ngõ đã có hai thằng oe con vào nghỉ ở kho nhà nước rồi. Là vào tù ấy! Dân trong hẻm nhà em họ nói thế. Tuần vừa qua, thằng Tèo em em câu được con cá  trắm cỏ nặng 3 kí. Kho một nồi tướng đợi anh về mà chẳng thấy anh đâu. Cô khoe: Thằng Tèo em em tuần tới dự thi tuyển công chức vào Ban quân sự phường. Ai cũng bảo, phải có vài chục chai lót tay mới ăn thua. Anh có biết tiếng lóng chai là triệu không? Em hỏi ông thầy đồng của em, ông bảo: Có cơ duyên rồi, không cần động trệ gì. Một lần Tết Đoan ngọ, cô bưng đến cho anh một bát ô tô rượu nếp cẩm. Em mua gạo về. Cô  kể. Phải là gạo nếp xay, không giã. Nấu chín, tãi ra, để nguội, rồi rắc men lên, ủ vào cái rá lót lá chuối hơ lửa mềm. Chờ đến khi  nó tỏa mùi ngòn ngọt cay cay cơ anh ạ. San nói: Một mình em làm gì mà cầu kì thế! Cô cười: Vì chàng thiếp phải bưng mâm. Còn như mình thiếp âm thầm cũng xong.
Huyền, nỗi nhớ của San! Niềm khắc khoải, nỗi bất an của San! Vậy mà lạ chưa, lần này sau hơn một tuần San đi miền Trung viết bài mới trở về, mà suốt trưa đó, anh không thấy Huyền đâu.
Vừa thu dọn nhà cửa, San vừa nén sốt ruột, ngóng ra hẻm. Chiều chầm chậm buông. Một đêm dằng dặc qua. Ngày thứ hai, mở cửa, thấy Mụ Nanông đang kiễng chân phơi mấy cái bao tải trên sợi dây thép giăng ở góc sân, không thể nén được nữa, San liền đi ra giúp, rồi làm ra vẻ tự  nhiên:
– Mấy hôm nay, sao ngõ hẻm mình vắng vẻ thế bác nhỉ?
Mụ già không nhìn San, đáp chủng chẳng:
– Hai thằng ôn con trong hẻm chém nhau vì cờ bạc, tất cả  kéo nhau lên đồn rồi.
San vừa kịp rùng mình, thì người đàn bà đã sập mắt, nhìn anh soi sói:
– Anh định hỏi con Huyền chứ gì? Có khi lại thằng bỏ mẹ nào đó  rủ  đi Vũng Tàu, Nha Trang đú đởn rồi cũng nên.
San quay vào nhà. Ngồi yên, ghìm một nỗi đau buồn và chưng hửng rực lên trong lồng ngực. Rồi đóng cửa và dắt xe đi. Đến cơ quan, đúng lúc Tổng biên tập gọi lên, vặn vẹo mấy chi tiết trong bàì viết San vừa nộp. Đang bối rối, San vặc lại. Tổng biên tập vốn đố kị đồng nghiệp lại hách dịch, giở giọng đàn áp. Cáu tiết, San không chịu lép, đốp chát lại thật cay độc. Cơ quan xúm lại can. San bỏ về, nằm lì ở nhà. Ngẩn ngơ nghĩ: Biết thế, nghe lời Huyền, dùng Phật pháp ứng dụng: Mày chửi tao, tao không nghe, coi như mày chửi mày nghe, mày gánh nghiệp cho tao. Rồi bần thần, ba mươi hai tuổi rồi, nói rằng không vấn vương một bóng hình phụ nữ là dối mình. Nhưng sao lần này lại nhay nhức bồn chồn lo sợ vì càng ngóng càng thấy tù mù vô vọng thế!
Cho đến trưa hôm ấy, đang chập chờn thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Chồm dậy mở toang cửa, chỉ suýt nữa, nếu không nhác thấy bóng Mụ Nanông, San đã ôm choàng lấy Huyền.
– Thằng Tèo em trai em phải nằm viện.
– Sao thế? Ở đâu ra túm nem chua xứ Thanh thế này?
– Em đi lễ ở đền Sòng về. Từ từ em kể.
Thì ra, Tèo em Huyền đã trúng tuyển vào biên chế Ban Quân sự phường. Cậu gồng mình luôn tỏ ra gương mẫu, bằng cách mọi việc đều xung phong đi đầu. Gầy yếu, nhưng cậu liên tục xin hiến máu. Lần thứ hai thì cậu bị ngất.
– Năm ngày em  phải ở trong viện trông nó. Nhưng em cũng đọc hết bộ Chiến tranh và hòa bình rồi anh ạ. Sau đó, còn hai ngày em đi Thanh. Mà anh à, em kể chuyện này anh có tin không nhé.
–  Em kể đi!
– Một đêm lên giường đi ngủ, thấy hai mắt rầm rậm khó chịu, em liền quờ tay lên đầu giường tìm lọ thuốc đau mắt để rỏ vài giọt. Sẩm sờ gậy, đường quang không đi lại quàng vào ngõ tối. Lọ V.Rhoto thuốc đau mắt của Nhật không lấy lại lấy ngay lọ dầu xanh Thái Dương. Ối cha mẹ ơi, cay xót nóng cháy như sắp nổ tung con mắt bên trái lên ấy!
– Nguy hiểm quá! Sau thế nào?
– Đang đêm, không hiểu sao, em cuống hết cả lên và cứ tên anh em gọi. Sao em lại gọi tên anh lúc nguy cấp ấy nhỉ? Mụ Nanông nghe tiếng em la, tất tả sang nhà em, quát: “Phải hơi nhau rồi à, con động rồ!” May lúc ấy em sực nhớ, thế là em đâm bổ vào bếp, múc chậu nước lã, cứ thế lấy tay vã lên mắt.
Sáp lại  bên Huyền, San nâng cô dậy. Hai người đã đứng sát nhau. Vẫn là cặp mắt của Huyền có cái nhìn hơi lẳng nhưng đằm thắm và buồn  buồn. Cặp lông mày không tỉa, mọc tán loạn. Lướt qua gương mặt đang trong trạng thái ngỡ ngàng pha chút lo sợ của Huyền rồi đưa mắt vào làn gương ở sát hai người, San thấy bầu ngực tròn căng như hai trái quả chín mọng của Huyền đang phập phồng ép nhè nhẹ vào khuôn ngực vuông vắn cháy nắng của mình.
Ôi Huyền! Nét hóm hỉnh thông minh hòa trộn vẻ dung tục, hoang dại. Đã bắt gặp một xúc cảm quá tầm, bàng hoàng trước một tình huống quá ư đột ngột, kìm nén niềm rạo rực vì tiếp giáp với một cơ thể phụ nữ nồng nàn tươi mát, San kéo Huyền áp hẳn vào mình, nhìn cô âu yếm và thiết tha: Huyền à, em gọi anh là Thầy Khổng là đúng đấy. Trước mắt anh là một vật có bốn góc, đã biết ba rồi, làm sao anh không hiểu góc thứ tư nó là thế nào.
Bồi hồi vì xúc động, cả San và Huyền không thể ngờ, ngay lúc đó, khoảng khắc cao trào đầy kịch tính của họ đã bị bị phá vỡ hoàn toàn. Hai người vội buông khỏi tay nhau. Dội lại cái sân hẹp của mấy căn hộ trong hẻm, loạng xoạng tiếng đổ vỡ của một chồng bát đĩa, rồi tiếp đó là tiếng thét lảnh lót của một người đàn bà trẻ. Nhanh như cắt, Mụ Nanông từ trong nhà vùng ra, như đã hiểu rõ nguồn cơn, thoăn thoắt chạy lại, miệng kêu the thé:
– Các người động rồ cả rồi à! Có gì thì đóng cửa trong nhà mà bảo nhau, chứ lại vạch áo cho thiên hạ xem lưng thế là thế nào, hở!
IV
Trên mảnh sân rộng bằng hai cái chiếu đôi, cách nhà San ba bốn căn hộ, một người đàn bà tóc tai rũ rượi, áo quần xốc xếch, cổ dài, mặt hẹp, mép quạ, như con đà điểu đang vừa nhảy tành tạch vừa xỉa tay vào căn nhà y vừa từ đó chạy ra:
– Cha tiên nhân nhà mày nhá! Vải thưa che mắt thánh còn lâu mới lừa được bà nhá!
Rời khỏi vòng tay của San, Huyền tọt ra khỏi túp nhà, chạy tới, túm tay người đàn bà trẻ, mím mím môi gằn:
– Cô Tín! Cô làm cái gì thế? Không sợ xấu hổ à!
Người đàn bà tên Tín vằng tay, tròng mắt đỏ đòng đọc:
– Xấu hổ lấy rổ mà che! Chẳng việc đ. gì mà xấu hổ cả. Cô đừng có bênh nó. Tôi là vợ nó, tôi đòi hỏi nó phải làm đủ nghĩa vụ với tôi. Nó lấy cớ đái tháo đường thoái thác. Đái tháo đường gì mày! Đái tháo đường gì mà đi ca về là lần mò đến, úp mặt vào bẹn con đĩ Tý Ngoan ấy! Úi giời ôi, tằng tịu với ai chứ lại tằng tịu vơi con ca ve chuyên dùng vốn tự có để lừa bọn Tây mà không biết nhục! Không thế thì là gì, hở đồ khốn nạn! Không thế thì như mọi khi mày còn sùng sục như chó dái ấy, hiểu chưa!
– Ừ, thì tao là chó dái đấy! Nào, thích thì vào đây, lên giường, tụt quần ra!
Từ trong nhà văng ra một hơi quát nạt rạn vỡ. Và cùng với tiếng quát nạt nộ, xồ ngay ra cửa một gã đàn ông to bệu, đầu trọc lốc, mắt lồi trắng dã, tay cầm hai khúc đoản côn.
Huyền vội bỏ người đàn bà trẻ, chạy lại, giang hai tay che chắn, miệng rối rít:
– Chú Tín! Không được thế! Không được thế!
Gã đàn ông khựng lại, chống tay lên sườn, trừng trừng nhìn Huyền rồi hất con mắt về phía cửa nhà San. Mụ Nanông đang đứng ở đó, dậm chân, giọng khan rè:
– Cô  Huyền lui ra đi không lại oan gia! Mà cô thì hay hớm đ. gì mà định khuyên can vợ chồng nhà nó!
Rồi ngỏng mặt về phía vợ chồng Tín, người đàn bà nghiến răng kèn kẹt:
– Này, có thôi đi không, đến tai con Tý Ngoan thì lại ỏm nhả đấy!
Lời cảnh báo của Mụ Nanông như một dự báo. Thoáng cái, từ trong nhà, San đã thấy từ phía trái con hẻm xồng xộc đi ra một ả đàn bà trạc ba lăm tuổi, tóc ép ôm khuôn mặt trái xoan, mặc cái váy đỏ cũn cỡn, hai cẳng chân dài nghêu lồng trong làn vải quần tất đen thui.
– Có đây! Có ngay đây! Tao là con ca ve Tý Ngoan đây! Đúng là tao đã lừa ba thằng Tây dại gái bằng vốn tự có đấy. Nhưng nói cho chúng bay biết, đó là vốn tự có của tao, chứ đ. phải của ông bà ông vải chúng bay nhé! Nào có giỏi thì nói thẳng vào mặt tao đây này, chứ đừng có chó cắn trộm phía sau nhé!
– Mày bảo ai là chó, con đượi!
Tạch một cái, vợ Tín đã nhảy tới trước mặt Tý Ngoan. Chẳng vừa, Tý Ngoan lập tức xoe hai ống tay áo, nhảy tầng tầng, chỉ mặt vợ Tín:
– Tiên sư con mặt chuột kẹp ăn đứng dựng ngược quen thói! Bà cho mày nói lại! Nói lại! Không bà ba máu sáu cơn lên thì mày chớ có trách bà!
Vợ Tín chống tay lên sườn, mép sùi bọt, thở hồng hộc:
– Con Ngoan làm đĩ có tông có giống kia! Mày là con điếm, con bớp, con trăm thằng. Mày làm hư hỏng đàn ông ở trong hẻm này! Bà bảo cho mày biết nhé, có ngứa nghề thì ra đầu hẻm mà cọ vào cái vòi nước, hay lấy quả chuối, cái bóng đèn mà thỏa mãn, chứ đừng có quyến rũ chồng người nhé!
– Được rồi, tao cho mày nói cho thoả. Nào, mày nói xong chưa?
– Tiên sư cả lò nhà mày, đồ quen nằm ngửa ăn sẵn nhé!
– Được rồi! Cho mày mồm loa mép giải! Bà không cần phải thanh minh. Mày cứ về lục trong tủ quần áo của chồng mày xem, nếu không có vài cái xi líp nó ăn cắp của bà, bà chớ kể. Còn những lần nó đón đường gạ gẫm bà, có lần còn ép bà vào bờ tường đầu hẻm rồi tốc váy bà lên thì có thằng Hinh thợ nề, lão Quýt lục tào xá làm chứng. Gì nữa? Về tính dê gọi bằng cụ của chồng mày thì bà chỉ cần ới một tiếng gọi con Lộc trắng ra đây thì mày hết đường cắn càn, con ạ!
Giọng nói đột nhiên hạ xuống một cung bậc, Tý Ngoan quay ngang quay ngửa, như chợt nhìn thấy San thấp thoáng trong túp nhà, liền ngả hai bàn tay như phân bua:
– May quá có ông nhà báo ở đây nghe rồi cho lời phân giải nhé. Một hôm, tôi đến nhà con Lộc trắng chơi thì gặp Tín ở đấy. Nói ông nhà báo bỏ ngoài tai. Cả hai đều đang trần truồng. Tôi mới khép cửa lại rồi giả tiếng mèo cào vách nhà.
– Rõ vừa ăn cướp vừa la làng chưa! Đ. ai thèm nghe mày bịa chuyện  mà nói.
– Này, còn đứa nào quen nằm ngửa ăn sẵn thì mày cứ hỏi họ hàng nhà mày, từ cái Huyền đến bà Căn đây thì khắc biết!
Nguýt một vẹt sắc lẻm qua mặt vợ Tín, Tý Ngoan quay ngoắt lại, nhe răng cười như đắc chí và chưa kịp phòng bị vì không thể ngờ bà Căn từ trong nhà đã xộc ra xô tới. Mụ Nanông phộp phạp chơi đòn bất ngờ, Tý Ngoan ngã ngửa tênh hênh trên đất, nhưng sức trẻ quật cường đã khiến thị vùng ngay được dậy. Tiên sư con đĩ già tên Căn! Con đĩ non trăm thằng tên Huyền nhé! Đ.mẹ cả lò đĩ thoã chúng  mày! Hai cái nộ khí xung thiên lập tức quấn ngay lấy nhau. Túm tóc, cào mặt, đấu lực kết hợp đấu khẩu, võ đàn bà lập tức được cả hai khai triển thật vô cùng thành thạo trước cái sân nhỏ đã có tới hơn hai chục bóng đàn ông đàn bà và con trẻ, những kẻ vô công rồi nghề, những khán giả vô cùng nhiệt tình và háo hức.
Lảnh ra một góc, mặt bừng đỏ, Huyền gào không thành hơi:
– Đồ vô giáo dục. Tao không thèm nói đâu. Mày chửi tao, tao không nghe thì mày khắc gánh lấy cái nghiệp của tao, con bớp có bằng kia!
Đang chứng kiến cuộc xô xát của đám người nọ, San bỗng dưng bật lui trở lại. Anh nhìn thấy Huyền đã úp mặt vào bờ tường túp nhà của Mụ Nanông rấm rứt khóc.
V
Cuộc tỉ thí giữa Tý Ngoan và Mụ Nanông đang tiếp diễn  thì  một người đàn bà da bạch tạng từ đâu lò dò đi tới, tay chống nạnh, hờ một hơi dài: Tiên sư cả nhà đứa nào bảo con Lộc trắng này trai trên gái dưới với thằng Tín xích lô nhé! Bà thà rằng ngủ với thằng Đài Loan, thằng Hàn Quốc, chứ bà dí vào cái đồ nhà mày! Và đàn bà hoá ra chỉ được cái hăng tiết vịt, chứ thực tình là sức cũng sổi, nên sau khi đã cùng sứt đầu mẻ trán, Mụ Nanông và ả cave đã buông nhau ra. Lui về trước nhà mình, Mụ Nanông tay chống nạnh, ngực trồi lên trụt xuống, hằm hè nhằm Tý Ngoan, nhổ toẹt một bãi nước bọt, rồi xoe xóe: Mẹ tiên nhân mày! Với bà thì bà miễn dịch. Mà bà cũng sắp chết rồi. Nhưng còn con  Huyền, nó là gái chưa chồng, nó muốn ngủ với thằng nào là quyền của nó, việc đ. gì mà mày chõ mõm vào! Mà này, ác giả ác báo, luân hồi nhân quả đấy, con ạ. Có biết cái thằng đàn ông ỉ thế con quan bội tình với con Huyền, làm đời nó ê chề dở dang khốn khổ giờ thế nào không? Mắc mẹ nó siđa cả hai vợ chồng rồi, đang nằm chờ chết kia kìa!
Ngõ hẻm, những gì bị che phủ cuối cùng đã bị phơi bày.
Ngõ hẻm, một hiện thực dị ngợm, thô tục, suy đồi. Nơi cái hỗn độn bán khai ngự trị. Ở đây, có đến cả chục cô là ca ve, gái gọi. Cô Tý Ngoan ba năm đổi ba đời chồng, ba anh Tây dại gái mỗi anh bị cô lừa lấy mất ngót nghét tỉ đồng. Ở đây có chuyện ông Quýt bán lục tào xá vừa đi tù vì buôn bán ma tuý về đã cưới ngay một bà vợ hai. Nhưng bà vợ hai này chỉ sáu tháng sau đã mất chồng về tay con gái. Chính đứa con gái mười tám tuổi đã cướp chồng của mẹ và sau một hồi lăn xả vào cắn xé nhau, mẹ nó đã là kẻ thất bại ê chề, phải khăn gói ra đi. Ở đây có hai gia đình anh lấy em con ông chú.
Ngõ hẻm, nơi tràn lan thói phóng đãng phi luân.
Ngõ hẻm! Nơi San  như một cánh chim vô tình lạc tới, thoạt đầu chỉ như một kẻ ăn nhờ ở đậu, vậy mà bỗng nhiên lại trở nên một miền phân thân, một nỗi áy náy khôn nguôi. Ngõ hẻm, nơi có túp nhà sở hữu, nơi trú ngụ thể xác San. Ngõ hẻm nơi gửi gắm tinh thần, nơi lưu giữ mảnh linh hồn chứa đầy những âu lo của San. Nhất là từ hôm sau, anh nhận ra, Huyền như là cố ý lánh mặt anh. Đi làm về, nhìn thấy anh từ xa là cô tìm cách rẽ vào ngách khác. Cực chẳng đã, không tránh mặt được thì khi tới sáp anh, cô liền gằm mặt và len lén đi qua với vẻ ngượng ngập thật tội nghiệp!
Huyền cố tình tránh mặt San rồi!
Huyền  nhất quyết tránh mặt San rồi! Chứng cứ rõ ràng nhất là sau cả tháng trời  đi công tác xa về, anh nhận ra ngõ hẻm bỗng trở nên một vùng đất xa lạ và trống vắng đến lạ lùng.
Một tháng trời qua, Huyền không một lời nhắn tin được đáp trả không một lá thư có được hồi âm. Và bây giờ là bầu không khí nhiễm đầy bất trắc, khiến San lặng đi vì kinh sợ khi đứng lại trước túp nhà của mình.
– Cậu nhà báo đã về đấy à?
– Chào bà Căn.
– Cậu đi lần này dễ có đến hơn một tháng đấy nhỉ?
San nhấc cái túi vải, kéo ra một lọ cá moi khô. Mụ Na nông đang cắm cúi cọ rửa  một rổ ấm chén dưới cái vòi nước, đứng dậy, cười toe toét:
– Cá khô Đà Nẵng đây. Cám ơn cậu. Suốt từ sáng đến giờ dọn dẹp nhà cửa đồ đoàn mà đã xong đâu, cậu.
– Nhà mình có giỗ hay sao thế ạ?
– Ở kìa, thế cậu không biết gì à? Hóa ra cậu không về dự lễ ăn hỏi của cái Huyền là do vầy.
“Huyền nào?” Chỉ suýt nữa thì San buột miệng. Nhưng thay vì điều đó, anh đã đánh rơi chiếc túi vải trong đó đựng đầy tư trang đang cầm trong tay. Mặt tái nhợt như trúng gió, San vội chống tay vào bờ tường để chống lại một cơn sụt hẫng xuất hiện từ lồng ngực, để khỏi ngã ngay xuống cửa túp nhà.
– Chẹp! Thật tình là tôi cũng bị bất ngờ, cậu San ạ – Mụ Nanông vẩy vẩy đôi bàn tay ướt rượt, tiếng nói rổn rảng lấp trong hơi thở: Hóa ra là con bé này nó khái tính. Nó lại nhận lời lấy cái thằng đã bỏ rơi nó hồi trước. Tôi hỏi: Vì sao  lại thế? Thì nó khóc nức lên một hồi rồi đáp: Đã dơ dáng dạng hình rồi, đã nhơ nhuốc lấm lem bẩn thỉu rồi, còn ai trân trọng mình nữa, còn mặt mũi nào nữa mà lấy ai, hả cô?
Rồi bê rổ ấm chén lên, người đàn bà quay đi, sau khi lướt qua gương mặt nhợt bệch của San một cái nhìn đầy vẻ ái ngại:
– Khổ! Thế mà tôi cứ nghĩ  rằng thì là… lừ đừ rồi cũng đến bến giang, lang thang mãi rồi hai người mình cũng đến bến đò cơ đấy…
Đứng như hóa đá trong nhà, San cứ tưởng tất cả những điều Mụ Nanông nói chỉ là bịa tạc, chỉ là chiêm bao. Vì tại sao sự việc lại có thể diễn ra như thế được! Không thể thế được! Không thể thế được! Giông bão đang nổi dậy gào thét trong San khiến San ngất ngư như cái cây không chằng không rễ. Trong khi đó, sự thật rõ rành và vô cùng chua chát là lễ ăn hỏi Huyền của gã đàn ông con quan hơn một lần bội bạc với nàng đã diễn ra cách đây một tuần lễ rồi. Vợ gã đã chết vì căn bệnh Aids. Gã cũng đang ngắc ngoải những năm tháng cuối đời. Cuộc tình của Huyền với gã, về phía Huyền có màu sắc lãng  mạn cao thượng hay đó chỉ là cái ngõ cụt của một cơn bấn loạn tâm thần? Khốn khổ đến  vậy ư khi con người tự trọng lại chính là kẻ luôn bị mặc cảm tội lỗi hành hạ và giày vò. Khủng khiếp quá, nếu đó còn là cơn chấn thương của một khát vọng cao cả bị lương tâm thường xuyên dằn vặt và cắn rứt? Thôi em về đi, dẫu phía ấy có buồn! Tội nghiệp quá, xót thương quá là cuộc tháo lui, đầu hàng của con người yếu đuối và bất lực trước số phận của mình.
“Con Huyền tiếng thế nhưng nó là đứa có hiền đức đấy, nó không phải là đứa con gái hư hỏng xấu xa đâu.” Mụ Nanông nhận ra điều đó quá muộn màng hay đó chỉ là một cách chiêu tuyết cho tư cách Huyền khi mụ nói câu nọ với gã đàn ông đã  từng bội phản Huyền sẽ lại lấy nàng  làm vợ? Ấy là buổi Huyền dẫn gã nọ đến nhà mụ, coi như chính thức trình diện và đặt vấn đề tiến tới hôn nhân. Hóa ra, Mụ Nanông là bà cô, em gái bố Huyền, người đã cùng mẹ Huyền mất vì một tai nạn giao thông thảm khốc, khi ấy  Huyền  mới vào tuổi thiếu nữ. Hoá ra cái cộng đồng cư dân nho nhỏ ở nơi ngõ hẻm này, không gần thì xa, đều là họ hàng máu mủ ruột rà với nhau cả. Thuở xa xưa đây là một làng nhỏ ở ngoại vi đô thành. Ông bố lấy con gái làm vợ, truy ra thì là chú họ xa của Huyền. Ông Quýt lục tào xá lấy cả hai mẹ con làm vợ là một ông chú họ xa khác của Huyền. Cô Tý Ngoan, xét theo thang bậc huyết hệ phải gọi Huyền là bà trẻ. Và Tín thì là em họ Huyền và vợ Tín hiển nhiên là em dâu cô. Cuộc sống là vậy. Vả chăng, cái gọi là vô luân, dị ngợm, hỗn mang chỉ là một dòng chảy hoà trộn với dòng sông đời thường, mà có khi đó cũng chỉ là một cách gọi tên, một quan niệm mang nặng tính thiên kiến?
Cuộc sống là vậy. Nó là một cuốn sách kinh điển, phải vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, và phải đọc từ trang đầu đến trang cuối mới thấy được cái hay của nó. Nhưng bây giờ thì với San tất cả đều chỉ  là một giấc chiêm mộng đau buồn và xót xa đến tê dại cả thể xác lẫn tâm hồn. San đã để buột ra khỏi tầm tay một cái gì đó thật là quý giá, thiết tha và trong sáng vô ngần. San đã thiếu kiên quyết, đã chần chừ trước một cơ hội hiếm có, duy nhất của đời người. San đã phạm một lỗi lầm không thể tha thứ. Lầm lỗi này sẽ cắn rứt San suốt đoạn đời còn lại.
Cuối tháng ấy, như dự cảm có tính tiên báo trong câu hỏi của Huyền hôm San mới dọn ngõ hẻm này, San  trao lại  túp nhà cho Mụ Nanông, coi như cho không mụ, dọn đi nơi khác

Hà Nội, 2006 – 2014
Tác Giả : Ma Văn-Kháng / BTV Vân Khánh/Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *