RadioVn.Com – Gã kết duyên với người đàn bà xấu nhất hành tinh. Gã thân chinh tới tận thành Viên để đón nàng. Thực ra gã không chủ tâm làm như vậy, trước đó gã không hề nghĩ là mình có thể lấy nàng làm vợ. Song khi nhìn thấy nàng, khi bị cú bất ngờ đầu tiên, thì sau đó gã không hề rời mắt khỏi nàng được nữa. Cái đầu to bự của nàng đầy u bướu, lồi lõm. Ngay dưới cái trán thấp tè, nhăn nheo, là đôi mắt nhỏ ti hí lúc nào cũng ướt nhèm. Nhìn xa cứ tưởng đó là hai kẽ nứt. Cái mũi cho ta cảm giác bị đứt gãy nhiều chỗ, đầu mũi thâm tím, lỗ múi lún phún lông. Miệng to, vẩu, luôn luôn hé mở, ướt đầm, bên trong là những chiếc răng nhọn hoắt. Lại nữa, chừng như ngần ấy vẫn còn ít, trên mặt nàng lơ thơ những chiếc lông tơ dài ngoẵng.
Gã mục sở thị nàng lần đầu tiên khi nàng chui ra từ sau tấm phông bằng bìa của gánh xiếc lưu động để trình khán giả. Một tiếng ồ vì ngạc nhiên và ghê rợn xoáy tròn trên đầu người xem rồi rơi bịch xuống chân nàng. Hình như nàng cười, song nhìn lại thì giống như đang nhăn mặt buồn. Nàng đứng không nhúc nhích, ý thức rằng hàng chục cặp mắt đang chăm chú nhìn nàng, ngấu nghiến thâu tóm từng chi tiết, để rồi sau đó kể lại bộ mặt này cho những người thân quen, cho hàng xóm láng giềng hoặc con cái của mình. Để gọi tên từng chi tiết đó, ngắm gương, so sánh với mặt mình. Rồi sau đó thở phào nhẹ nhỏm. Nàng kiên nhẫn đứng, chắc là để hãnh diện. Nàng nhìn lên những mái nhà phía trên những cái đầu. Sau một hồi tột cùng kinh ngạc, một người hô to:
– Hãy kể chuyện gì đó đi nào!
Nàng nhìn đám đông, nàng nhìn chỗ từ đó tiếng hô vang lên. Nàng cố tìm xem kẻ nào vừa lên tiếng, nhưng lúc này từ cánh gà bằng giấy bìa, một diễn viên kể chuyện hài to khỏe chạy ra và trả lời thay cho Người Đàn Bà Xấu Nhất Hành Tinh.
– Cô ta không nói đâu.
– Thế thì anh kể chuyện cô ta đi,- giọng nói nhắc lại lời yêu cầu của mình, và thế là người nghệ sĩ kể chuyện hài bèn đằng hắng rồi bắt đầu nói.
Sau này – khi đã là một ông chủ gánh xiếc nổi tiếng – gã ngồi bên chiếc bếp lò bằng tôn dùng sưởi ấm cỗ xe xiếc, uống trà cùng nàng, gã nghĩ thầm trong bụng, thực ra nàng chẳng ngu đần. Dĩ nhiên là nàng đã nói, và nói đâu vào đấy. Gã nhìn nàng vẻ thăm dò, giằng co với sức lôi cuốn riêng của người dị dạng tự nhiên này. Nàng nhìn gã. Nàng nói:
– Anh tưởng rằng những lời em nói cũng sẽ kỳ dị và khả ố như bộ mặt em, đúng không? Gã lặng im.
Nàng uống trà theo kiểu người Nga – nàng rót trà vào những chiếc cốc không tay cầm và cứ mỗi ngụm trà lại nhai một cục đường. Gã nhanh chóng nhận ra, nàng nói được nhiều thứ tiếng, – song- hình như – không thạo một thứ tiếng nào. Lúc lại chuyển từ ngôn ngữ nọ sang ngôn ngữ kia. Cái đó thì cũng chẳng có gì là lạ – từ nhỏ nàng đã được dạy dỗ trong đoàn xiếc, trong một gánh xiếc quốc tế đủ loại người dị dạng. Không chỗ nào diễn tới hai lần.
– Em biết anh đang nghĩ gì, – nàng lại nói, nhìn gã bằng cặp mắt lồi, nhỏ xíu của một con vật.
Sau giây lát lặng im nàng nói tiếp:
– Kẻ không có mẹ thì không có tiếng mẹ đẻ. Tuy nói nhiều thứ tiếng, song chẳng có tiếng nói nào là của em cả.
Gã không dám cất lời. Thình lình nàng làm gã sốt ruột – gã không hiểu, tại sao. Nàng đã khôn ra, chặt chẽ và cụ thể, gã đâu có lường được điều đó. Sau đó gã chia tay, còn nàng – hướng tới sự ngạc nhiên của gã – chìa tay cho gã bằng cử chỉ hết mực đàn bà. Bằng cử chỉ của đàn bà. Một bàn tay hoàn toàn đẹp. Gã cúi đầu vào nàng, song thậm chí không động vào môi nàng.
Nằm ngửa trên giường khách sạn, gã suy nghĩ về nàng. Mắt nhìn thẳng vào màn đêm ẩm ướt, ngột ngạt của khách sạn. Cái không gian đặc kịt đó tạo thuận lợi cho óc tưởng tượng của gã. Gã nằm và trăn trở, một người như nàng thì nàng phải là ai. Trong thâm tâm của mình nàng cảm nhận điều đó như thế nào. Với đôi mắt y như mắt lợn nàng nhìn thế giới ra sao, cái mũi bị biến dạng hít thở không khí như thế nào, có cảm nhận được đúng các mùi hay không? Và có chuyện gì khi hàng ngày đụng chạm với chính mình, khi rửa ráy, khi gãi ngứa, khi làm những động tác vặt vãnh, đơn giản như vậy? Gã không hề xót thương nàng, dù chỉ một lần. Còn khi gã thương nàng thì gã đâu có nghĩ sẽ lấy nàng làm vợ.
Sau này một số người đã kể chuyện này như là một câu chuyện về một mối tình bất hạnh. Rằng, gã nhìn trái tim trong ngực nàng bằng cả trái tim mình, rằng gã đã yêu một thiên thần dịu hiền có bộ mặt kinh tởm ẩn trong con người nàng. Chả sao cả. Đêm đầu tiên sau cuộc gặp gỡ nàng, gã cứ mường tượng, sao lại đi yêu một sinh linh như vậy, sao lại hôn nàng, sao lại cởi quần áo nàng ra.
Gã lượn đi lượn lại quanh gánh xiếc này phải tới mấy tuần nữa. Gã đi rồi gã lại quay lại. Gã chiếm được lòng tin của một ông giám đốc. Gã giải quyết được cho họ ở Brono, nơi gã đi cùng với họ, nơi gã được gánh xiếc công nhận là người của mình. Người ta cho gã đi bán vé, còn sau đó thì cho thay thế người kể chuyện hài to béo – và phải công nhận, gã làm việc đó rất đạt. Gã vét nhẵn túi người xem trước khi tấm màn sơn vẽ qua loa được mở ra.
– Xin các vị hãy nhắm mắt lại, – gã thét to. – Nhất là đàn bà và trẻ em, tại vì những cặp mắt nhạy cảm thì không tài nổi chịu nổi cái xấu xí của sinh linh này đâu. Ai đã một lần nhìn thấy người dị dạng tự nhiên này, sẽ không tài nào ngủ ngon giấc, sẽ phải tỉnh dậy vì sợ hãi. Có khi không còn tin vào Thượng Đế.
Chỗ này gã ngừng và câu nói có vẻ như còn dở dang, mặc dầu không phải vậy, thực sự là gã không biết nói gì hơn nữa. Gã nghĩ, cứ nguyên từ “Thượng Đế” là khiến mọi chuyện sẽ đâu vào đấy rồi. Có điều gã thực sự nghĩ, vị Thượng Đế này, vị Thượng Đế mà người khác phải mất lòng tin, đã ưu ái gã, ban cho gã cơ hội này, Người Đàn Bà Xấu Nhất Hành Tinh. Lũ ngốc chém chết lẫn nhau vì những người đàn bà xinh đẹp nhất, họ bắn giết nhau trong những trận quyết đấu. Quân ngu vung của cải thỏa mãn tính đỏng đảnh của đàn bà. Còn gã thì ngược lại – Người đàn bà xấu nhất chủ động đến với gã như một con vật đã được thuần hóa đang buồn. Nàng đâu có giống những người đàn bà khác. Lại còn cho gã cơ hội kiếm tiền. Lấy nàng làm vợ là gã được hưởng ưu ái, gã là người đặc biệt. Gã có thứ mà những kẻ khác không tài nào có được.
Gã mua hoa tặng nàng, nhưng không phải là một đóa hoa đặc biệt, chỉ đơn giản là bó hoa rẻ tiền, với một chiếc nơ làm bằng giấy loại xoàng, gói bằng giấy thiếc. Một chiếc khăn mù xoa hoa. Một ruy-băng bằng vải óng ánh. Một hộp sô cô la. Sau đó gã ngắm, như người bị thôi miên, nàng thắt băng vải lên trán như thế nào, còn cái nơ sặc sỡ thay vì làm đẹp lại gây sốc. Và gã nhìn, nàng dùng cái lưỡi to, dầy của mình nghiền nát sô cô la ra sao và cái thứ nước miếng màu nâu chảy qua những kẻ răng thưa xuống cái cằm đầy lông của nàng.
Gã thích ngắm nàng khi nàng không hay biết gã đang nhìn mình. Gã biến đi từ sáng sớm, nấp bên lán trại, lên xe, rồi lùi ra xa, mai phục ở chỗ nào đó và quan sát nàng hàng giờ liền, cho dù qua các kẽ hở giữa các tấm ván làm hàng rào. Nàng sưởi nắng và lúc đó cũng lâu, chậm như đang mơ màng, nàng chải mái tóc thưa thớt của mình, tết tóc thành những bím đuôi sam rồi lại gỡ ra. Hoặc nàng thêu đan. Que đan óng ánh dưới nắng trời, chọc thủng bầu không khí tràn ngập tiếng ồn hỗn tạp của xiếc. Hoặc trong chiếc áo sơ mi rộng, hai vai để trần, nàng giặt quần áo của mình trong chậu gỗ. Ở chỗ vai và cổ để hở, da nàng mọc đầy thứ lông tơ trăng trắng, nom thật đẹp. Mềm như lông thú.
Việc nhìn trộm này cần cho gã, bởi ngày nọ tiếp ngày kia, sự ghê tởm của gã giảm dần, tan trong nắng trời và biến mất ngay trong mắt gã, như vũng nước dưới trời nắng nóng vậy. Mắt gã quen dần với sự mất cân đối chết người, với những tỷ lệ gây nản lòng, với cái thiếu và cái thừa. Đôi lúc nàng cho gã cảm giác nàng là người bình thường.
Khi gã cảm thấy không yên tâm, gã nói với mọi người rằng, gã phải đi vì có những phi vụ làm ăn quan trọng, có cuộc gặp với người nọ, người kia – chỗ này gã nêu một tên lạ, hoặc ngược lại, một tên quen biết – rằng gã đi giải quyết hợp đồng, tiến hành đàm phán. Gã đánh bóng đôi giầy cao cổ của mình, giặt chiếc áo sơ mi đẹp nhất và đi về phía trước. Không bao giờ gã đi xa. Dừng chân ở một thị trấn lân cận, lấy cắp một ví tiền của ai đó và uống. Song ngay cả lúc đó gã cũng không rời nàng, bởi vì gã đã bắt đầu kể về nàng, cứ như không có nàng thì gã không sống nổi, ngay cả lúc trốn chạy như vậy.
Và kể cũng lạ, nàng đã trở thành của quý nhất của gã. Gã có thể trả tiền rượu vang bằng cái xấu của nàng. Chưa hết, bằng việc miêu tả bộ mặt của nàng, gã đã trị bệnh cho những cô gái đẹp, những cô gái yêu cầu kể về nàng ngay cả sau khi đó họ trần truồng nằm bên dưới gã.
Lúc gã quay về, gã đã có sẵn một chuyện mới về cái xấu của nàng, nên nhớ rằng, không có cái gì tồn tại từ đầu chí cuối mà lại không có câu chuyện của mình. Thoạt đầu gã bắt nàng học thuộc các câu chuyện, song chẳng bao lâu gã nhận ra Người Đàn Bà Xấu Nhất không biết kể chuyện, giọng nói cứ đều đều và cuối cùng òa khóc, cho nên gã đã kể chuyện của nàng thay cho chính nàng. Gã đứng bên cạnh, đưa bàn tay chỉ về phía nàng và đọc:
– Người mẹ của sinh linh vô phúc mà quý vị đang nhìn thấy trước mặt mình, sinh linh có diện mạo khiến cho những cặp mắt vô tội của các vị không chịu nổi, sống ở một làng quê, ở vùng xa của Schwarzwald. Một ngày hè nọ, khi bà đang hái quả dâu đất trong rừng, một con lợn đực cực kỳ hoang dã, con lợn hừng hực máu dâm dục vô thức của loài vật đã tấn công bà và sở hữu bà.
Lúc nào gã nghe thấy những tiếng kêu tột cùng hoảng sợ lịm dần, một số đàn bà đã muốn bỏ ra về, kéo tay những người đàn ông đang cố níu kéo lại. Gã cũng còn mấy giả thuyết nữa.
Người đàn bà này xuất thân từ một làng bị Chúa trời thử thách. Là hậu duệ của lũ người ác tâm, không hề thương xót người ăn mày ốm yếu, cho nên đức Ngài của chúng ta đã trừng phạt cả làng họ phải chịu tội xấu truyền kiếp kinh khiếp như thế này. Hoặc:
– Số phận của con cái đám đàn bà đi làm tiền là như vậy đó. Đây là kết cục của bệnh giang mai, một căn bệnh nan y, buộc phải chịu cho tới đời thứ năm.
Gã không cảm thấy mình có lỗi. Mỗi giả thuyết đều có thể là thực.
– Tôi không hề biết bố mẹ mình – Người Đàn Bà Xấu Nhất nhắc lại. – Lúc nào tôi cũng như thế này. Tôi theo gánh xiếc từ thuở nhỏ. Không ai còn nhớ, đầu đuôi câu chuyện như thế nào.
Khi vụ diễn chung đầu tiên của họ kết thúc, chậm rãi đi theo một vòng cung, gánh xiếc trở về thành Viên nghỉ Đông như mọi năm, gã cầu hôn với nàng. Má nàng ửng đỏ, nàng run bắn cả người. Nàng thỏ thẻ “vâng”, rồi nàng nhẹ nhàng tựa đầu mình vào vai gã. Gã cảm nhận mùi nàng – mùi xà phòng, mềm mại. Gã giữ nguyên giây phút này, sau đó lùi ra. Phấn chấn trong lòng, gã cùng nàng lập kế hoạch cho cuộc đời chung chăn gối của họ. Họ sẽ tới diễn chỗ này, họ sẽ tới diễn chỗ nọ. Nàng dõi mắt nhìn theo gã khi gã đi đi lại lại trong phòng, nàng lặng im, vẻ buồn buồn. Sau chót nàng cầm lấy tay gã và nói rằng, nàng muốn làm ngược lại hoàn toàn – nàng muốn hai vợ chồng đến định cư ở một nơi hẻo lánh nào đó, để không bao giờ phải đi đây đi đó, để khỏi phải gặp bất kỳ một ai. Rằng nàng sẽ làm nội trợ, rồi họ sẽ có con, có vườn tược.
– Nàng không chịu đựng nổi sao, – gã bực mình. – Nàng lớn lên nhờ gánh xiếc cơ mà. Nàng muốn và nàng cần người ta xem nàng. Nàng sẽ chết khi thiên hạ không xem nàng.
Nàng chẳng nói chẳng rằng. Họ làm lễ cưới vào dịp lễ Nô-en, trong một nhà thờ nhỏ. Cha xứ, người đã làm lễ cho họ, chỉ thiếu chút nữa là ngất xỉu. Giọng cha run run. Người của gánh xiếc là khách, vì gã đã nói với nàng rằng, gã không có gia đình, gã cũng đơn côi như nàng vậy.
Khi mọi người nghiêng ngả trên ghế, khi tất cả các chai đã trống rỗng và đã đến lúc đi ngủ (thậm chí nàng đã ngà ngà say kéo tay gã), gã giữ khách lại, cho người đi lấy thêm rượu vang. Gã không thể uống say, cho dù bụng muốn. Có cái gì đó trong người gã đang sẵn sàng, một sự sẵn sàng căng như dây đàn. Thậm chí gã không thể cong lưng, không thể xếp chân chữ ngũ. Gã ngồi thẳng, hai má đỏ hồng, mắt long lanh.
– Ta về thôi, anh yêu, – nàng nói thầm vào tai gã.
Còn tay gã thì cứ bám chặt lấy mép bàn, như bị những cái đinh vô hình dính chặt vào đó. Cho nên những người để ý có thể nghĩ là gã sợ ân ái trần truồng với nàng, một sự chung chăn gối cưỡng bức sau thành hôn. Có phải như vậy hay không?
– Chạm vào má em đi nào, – nàng yêu cầu khi đã vào bóng tối, nhưng gã không làm vậy. Gã chống hai tay, úp mình phía trên người nàng, để chỉ nhìn thấy dáng nàng, nó sáng hơn bóng tối trong phòng, một cái vết ghê tởm, ranh giới không rành rọt. Còn sau đó gã nhắm nghiền hai mắt – chỗ này thì nàng không thể thấy được – và gã sở hữu nàng, như mọi người đàn bà khác, không hề nghĩ ngợi, như mọi khi.
Vụ diễn tiếp theo họ bắt đầu sống tự lực. Gã bắt nàng chụp mấy tấm hình và gửi đi khắp thế giới. Những câu trả lời được gửi tới bằng điện tín. Họ có được rất nhiều cuộc biểu diễn. Họ đi tàu toa hạng một. Nàng không bao giờ trật khỏi đầu chiếc mũ voan dầy, màu xám và từ trong lớp vải đó nàng chiêm ngưỡng thành Roma và Venezia, cả Quảng trường Elisee nữa. Gã sắm cho nàng mấy chiếc váy; gã thân chinh buộc cooc-xê cho nàng, cho nên khi họ cùng nhau bách bộ trên phố đông người của thành thị châu Âu thì nom y như một cặp người. Thế nhưng, chính vào lúc đó – những ngày tháng tốt đẹp nhất đối với họ – gã cũng phải bỏ đi. Gã vốn như vậy, muôn năm là kẻ chạy trốn. Một nỗi kinh hoàng bất chợt nào đó trào dâng trong gã, có tiếng nện chân nào đó khiến gã không chịu nổi, gã bắt đầu đổ mồ hôi, ngột ngạt, cho nên gã cầm gói bạc, vớ chiếc mũ và chạy khỏi cầu thang, tìm đúng hướng, đi tới những hang ổ ngoài bến cảng, Tại đây thình lình gã nhũn người, mặt gã xanh xao, tóc gã rối bù và cái đầu hói ẩn náu dưới những làn tóc bôi mỡ phơi ra trơ trẽn. Gã uống mồ hôi, vô tội vạ và nói lúng búng điều gì đó, còn sau đó một ả gái điếm bực mình đập vào tay.
Khi lần đầu tiên Cô nàng Xấu Nhất Hành tinh làm cho gã ân hận, gã đã đấm vào bụng nàng, bởi thậm chí bằng cách như vậy gã sợ chạm vào mặt nàng. Gã không còn kể về bệnh giang mai và về con lợn rừng. Gã nhận được thư của một giáo sư Y khoa ở Viên và bây giờ gã giới thiệu vợ mình bằng ngôn ngữ khoa học.
– Thưa các quý vị, đây là một sinh linh dị dạng tự nhiên, đây là một cá thể đột biến, một sai lầm của tiến hóa, một khâu bị đánh mất. Những cá thể như thế này rất ít khi xuất hiện. Xác suất thấp đến nỗi, ngay lúc này đây một thiên thạch sẽ rơi xuống đây. Bây giờ các vị đang có cơ hội được xem trực tiếp một cá thể đột biến như vậy.
Tất nhiên họ đến trường đại học gặp giáo sư. Tại đó họ cùng nhau làm mẫu để chụp ảnh – cô nàng ngồi, gã đứng sau nàng, một tay vịn vào nàng.
Một lần, khi người ta đo đạc nàng, giáo sư nói mấy lời với gã.
– Phải chăng, – giáo sư nói, – sự đột biến này là di truyền. Anh chị có tính chuyện sinh con? Anh chị đã thử chưa? Có phải là vợ anh…? Nói chung anh chị có phải…?
Chẳng bao lâu sau đó, tưởng như không liên quan gì đến cuộc trò chuyện kín đáo với giáo sư, nàng khoe rằng nàng có chửa. Từ giờ phút này gã trở thành hai người. Gã muốn nàng sinh một đứa con giống hệt như nàng – lúc đó có lẽ họ sẽ có nhiều hợp đồng hơn, nhiều lời mời hơn. Nếu có xảy ra chuyện gì thì gã được bảo hiểm đến già, kể cả trường hợp nàng bị rủi ro. Gã có thể trở thành người nổi tiếng chăng? Nhưng liền sau đó một ý nghĩ kinh hãi lại ập đến, đứa bé sẽ là một quái vật. Rằng gã sẵn lòng lôi đứa bé ra khỏi bụng nàng, để bảo vệ đứa bé không bị nhiễm máu độc chứa đựng những đặc tính xấu của nàng. Và gã chiêm bao thấy, gã chính là đứa con trong bụng nàng, bị giam cầm ở đó, trong vòng cương tỏa tối tăm của nàng. Và giam giữ gã trong đó, nàng dần làm biến đổi bộ mặt gã. Hoặc như thế này: gã chiêm bao thấy, chính gã là con lợn rừng nọ, con lợn đã cưỡng hiếp cô gái vô tội. Lúc tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại, gã cầu nguyện cho nàng bị sẩy thai.
Cái bụng của nàng khích lệ người xem. Họ dễ dàng bỏ qua cái xấu dã man của nàng. Bây giờ họ đặt câu hỏi cho nàng, nàng xấu hổ nhỏ nhẹ trả lời, song thiếu thuyết phục. Những người thân quen bắt đầu cuộc nhau, đứa bé sinh ra sẽ như thế nào, giới tính của nó là gì. Nàng tiếp nhận điều này một cách nhẹ nhàng.
Tối tối nàng ngồi may những chiếc áo sơ sinh.
– Anh biết không, – nàng nói, đứng bất động hồi lâu, mắt nhìn trừng trừng vào một điểm xa, – thiên hạ người ta vô công rồi nghề, người ta cô đơn. Thật đáng thương khi họ ngồi phía trước em. Hình như họ là những người vô lo, những người nhất thiết phải ngắm nhìn một cái gì đó, phải lấp chỗ trống bằng cái gì đó. Có lúc em nghĩ, hay là họ ghen tị với em. Ít ra em cũng là một cái gì đó. Còn họ – chẳng có gì nổi trội, không tính cách.
Gã tỏ ra không ưng ý khi nàng nói vậy.
Nàng sinh con vào lúc đêm thâu, không chút khó khăn, lặng lẽ như một con vật. Bà đỡ đến chỉ là để cắt rốn cho đứa trẻ. Gã gí cho bà một cục tiền để bà đừng đi nói loang ra quá sớm. Liền sau đó gã thắp tất cả mọi ngọn đèn để quan sát cho chính xác. Tim gã như muốn vỡ ra. Đứa bé thật kinh khủng, còn kinh khủng hơn cả mẹ nó. Gã phải nhắm nghiền hai mắt, vì dạ dày kéo lên đến tận họng gã. Mãi sau đó, sau một hồi lâu gã mới tin rằng, giống như nàng đã nói, – đứa trẻ vừa sinh là gái.
Cho nên thế này: gã đã bước vào một thành phố tối tăm, đó là Viên hoặc Berlin. Tuyết rời và ướt rơi. Giầy của gã phát ra tiếng kêu não nùng trên mặt đường. Gã lại là hai con người – một con người mừng vui và một con người thất vọng. Gã uống song vẫn tỉnh táo. Mơ tưởng và gã sợ. Sau vài hôm, khi trở về, đã có sẵn kế hoạch cho chuyến đi lưu diễn và quảng cáo. Gã biên thư cho giáo sư. Gã gọi thợ ảnh, kẻ tay run lẩy bẩy sau mỗi lần đốt đèn ma- nhê và trong ánh sáng chói lòa ghi lại cái xấu khủng khiếp của hai sinh linh.
Hắn chờ cho hết mùa đông, khi cây liên kiều nở hoa, khi mặt đường các thành phố khô ráo. Petersburg, Bucarest, Praha, Vacsava và tiếp, tiếp nữa cho tới tận Nữu Ước và Buenos Aires… Chỉ cầu mong bầu trời căng phồng trên mặt đất như một cánh buồm xanh khổng lồ. Cả thế giới sẽ mê hồn trước cái xấu của vợ và con gái gã, quỳ gối trước mặt hai mẹ con nàng.
Vào thời điểm đại loại như vậy, lần đầu tiên gã hôn vào mặt nàng. Không phải vào môi, không, không, mà vào trán. Nàng nhìn gã bằng ánh mắt sáng bừng, khác hẳn, hầu như là ánh mắt người. Ngay lúc đó một câu hỏi hiện lên trong đầu gã, song gã không dám hỏi nàng. “Nàng là ai?” “Nàng là ai? Nàng là ai?”, gã tự nhắc lại và thậm chí gã không nhận thấy khi gã bắt đầu hỏi trong ý nghĩ những người khác, thậm chí ngay chính bản thân gã, lúc đứng trước gương, lúc cạo râu. Cứ như là gã đã phát hiện ra điều bí mật – rằng tất cả mọi người đều cải trang. Rằng, những bộ mặt người này đều là mặt nạ, tựa hồ toàn bộ cuộc sống là ở trong cuộc đại khiêu vũ hóa trang Venezia. Đôi khi gã nghĩ hão huyền như người say – bởi lúc tỉnh táo gã không để cho những điều vô lý như vậy nhập vào mình – rằng, gã sẽ cởi các mặt nạ đó ra, còn hai mẹ con sột soạt nhè nhẹ trong giấy bồi lật ra – cái gì vậy? Gã không biết. Ý nghĩ đó hành hạ gã đến nỗi gã không thể chịu nổi việc ở nhà với nàng và đứa con. Gã sợ bị cám dỗ lập dị và một ngày nào đó gã sẽ bóc cái xấu này ra khỏi mặt nàng. Gã có thể dùng các ngón tay tìm kiếm các mép kín, chỗ dán. Gã có thể lần tìm trong tóc. Gã lặng lẽ ra khỏi nhà để đi uống và lúc đó sẽ tính tuyến đi lưu diễn tiếp theo, thiết kế các biểu quảng cáo, soạn thảo các bức điện.
Thế nhưng đầu xuân đã xảy ra dịch cúm Tây Ban Nha và cả hai đều lâm bệnh. Hai mẹ con nằm bên nhau, nóng ran, thở hổn hển mệt mỏi. Lúc trong cơn hốt hoảng nàng ôm chặt đứa bé vào người. Trong cơn mê sảng nàng cố cho con bú, không biết rằng đứa bé đã không còn sức để bú mẹ nữa. Nó đang tắt thở. Khi đứa bé qua đời gã nhẹ nhàng bế nó và đặt vào góc giường. Gã châm thuốc hút.
Đêm đó Người Đàn Bà Xấu Nhất tỉnh lại được một lát, song chỉ là để rú lên thất vọng. Gã không thể chịu đựng nổi – đó là giọng của đêm, của tối tăm của bụi rậm đen ngòm. Gã bịt tai mình lại, và cuối cùng chụp lấy chiếc mũ, chạy ra khỏi nhà, song không đi xa. Cho tới sáng gã đi quanh các cửa sổ nhà mình và bằng cách như vậy giúp cho nàng nhắm mắt. Cái chết đến còn nhanh hơn gã tưởng.
Gã giam mình trong phòng ngủ, gã nhìn hai cái xác bỗng dưng sao mà nặng nề, sao mà khốn khó, hai cái xác khồng ngờ. Gã ngạc nhiên khi nhận thấy hai mẹ con làm chiếc đệm cong hẳn xuống. Gã hoàn toàn không biết bây giờ mình phải làm gì, cho nên gã chỉ báo cho giáo sư, và uống cho say. Gã nhận ra hoàng hôn đang xóa đi đường viền của hai cái dáng bất động trên giường như thế nào.
– Xin ngài cứu hai mẹ con – gã rú lên van xin, khi giáo sư đến và khám tử thi theo chuyên môn.
– Anh có bị điên hay không đấy? Họ có còn sống nữa đâu, – giáo sư nói với vẻ khó chịu.
Sau đó giáo sư đưa cho gã một tờ giấy, gã ký vào đó bằng tay phải, còn tay trái cầm tiền. Trước khi ngay trong ngày hôm đó gã biến ra ngoài cảng, gã giúp giáo sư dùng xe ngựa chở xác đến bệnh viện của trường đại học. Ở đó, sau một thời gian, người ta bí mật nhồi xác.
Khá lâu, khoảng hai mươi năm, xác được đặt trong hầm lạnh của ngôi nhà, khi đủ tốt thì nhập vào bộ sưu tập đầu lâu người Do Thái, người Xlavo, trẻ sơ sinh hai đầu và trẻ dính nhau các kiểu. Bây giờ vẫn có thể đến xem họ tại Bảo tàng bệnh học – cả mẹ lẫn con, đông cứng, trong bộ dạng hoàn toàn trang nghiêm, mắt thủy tinh, được xem là sự khởi đầu không thành của một loài mới.
Tác Giả: Tokarezuk Olga – Người thực hiện: BTV.Nguyễn Hà
Từ khóađọc truyện đêm khuya người đàn bà Tokarezuk Olga
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …