Sự đổi thay chóng mặt của nhiều làng quê đã cho thấy sức hút, sức phủ sóng tốc độ của các tiện nghi và lối sống hiện đại. Thế nhưng vẫn có những người nông dân “ngược pha” khỏi làn sóng đồng đều đó. Họ vẫn sống một cuộc đời với những thói quen, công việc thời quá khứ, trong khi thôn xóm đã khác xưa. Họ không hiểu vì sao bản thân trở nên kỳ cục khi chẳng làm gì nên tội, khi chẳng thể nào xoay chuyển, hòa mình hội nhập cái đời sống mới đầy kỳ thú mà cộng đồng, những người thân đang tận hưởng. Bỗng dưng họ trở thành kẻ quê kệch, mặc cảm, lủi thủi với những niềm riêng khó tỏ. Người nông dân “lành như đất” trong truyện ngắn “Nắng ở cuối cùng sông” của Hoàng Anh Linh rơi vào trạng thái lạc lõng ấy. Nhưng ông còn có hi vọng để mà mong đợi. Đó là người em trai trí thức vẫn còn nhớ đến người anh lam lũ ở quê nghèo. Ký ức và hiện tại đan xen trong mớ bòng bong tâm trạng của người nông dân có lúc đã gắng gỏi để theo kịp xu thế, thời đại nhưng chỉ nhận lại sự ê chề, kiệt quệ. Điểm sáng trong câu chuyện là dù còn đó những khúc mắc, khoảng cách về lối sống, lối suy nghĩ nhưng tình thân vẫn là điều còn lại. Chính tình thân đã gắn kết hai con người cùng dòng máu, dẫu dòng đời xô dạt – Như ánh nắng cuối chiều lấp lánh cả dòng sông. Tập trung khắc họa niềm thương yêu khôn tả ấy, tác giả Hoàng Anh Linh dường như đã bỏ qua phần nào những mối quan hệ chằng chéo cần có trong cuộc đời cá nhân hai nhân vật chính. Thành ra truyện chỉ dừng lại ở lát cắt đặc tả – Người đọc, người nghe vẫn còn mong đợi những nhân vật, tình huống xúc tác sinh động cho một hình hài truyện ngắn hoàn chỉnh. (Lời bình của BTV Võ Hà)
Ngày mai thằng Hậu về.
Trong đêm tối, xung quanh chỉ toàn tiếng muỗi u u và tiếng mấy con ễnh ương chệu chạo kêu từ xa. Ổng bật dậy ngồi đó, với cái nét mặt khắc khổ toàn nếp nhăn và đồi mồi, tự lắc đầu.
Đêm nay ổng đi bắt cá đêm, đem theo xị rượu, ba con khô cá khoai để dành trong chạn bếp từ lâu. Giữa cái ruộng mênh mông hoang vắng, xa xa thưa thớt mấy cái gò mả trắng hếu. ổng hớp một hớp rượu, nhai trệu trạo con cá khô. Gió lùa qua mấy bụi chuối kêu xào xạc, lại nghe có tiếng lộp bộp rơi của mấy quả xoài tượng già nứt ở một khoảnh vườn.
Ổng lại giở mấy cái cần câu ,chiều nay mưa nước dập dềnh đục ngầu. Chẳng có con cá nào, ổng quyết định thu cần rồi về. Trời sương lạnh buốt, ổng rùng mình trong cái áo vá chằng vá đụp. Chắc lần này bỏ cái áo thiệt. Ổng tự nhủ. Lần nào thằng Hậu đi làm trên thành phố về nhìn thấy cũng lắc đầu. Nó mua cho ổng cả xấp áo thun, áo sơ mi, quần tây mới cáu. Nó nói ổng vất vả nhiều rồi, để nó lo.
Ổng nghe trong lòng lâng lâng vui, mát hết cả ruột. Thằng Hậu về vài ngày rồi lại đi. Đống quần áo cũng vô tủ nằm tới bây giờ. Có ai đời người ta đi làm ruộng, tát mương lại mặc áo phông, quần jean mới cáu. Mặc gì quen đó, rách thì vá. Bởi vậy lâu lâu thằng Hậu về đi ngang qua ruộng người ta, ổng đứng đó kêu mãi mà nó cứ tỏ mắt nhìn hoài mới nhận ra anh nó.
Ổng đi ngang qua gò mả, tự nhiên nghe cái độp. Ổng soi cái đèn pin về phía ấy. Một con ếch bự chà bá lửa. Định kiếm mớ cá cho thằng Hậu mà không có, có con ếch cũng được. Ổng dứ dứ ánh sáng đèn pin về phía con ếch, nhanh nhảu chụp một phát. Tay ổng trống không. Ổng mông lung soi soi cái đèn pin. Tiếng gió rít làm ổng lạnh xương sống. Con ếch biến mất không một chút dấu vết. Ổng đứng trơ trọi ở gò mả, đồng không mông quạnh. Tiếng chó sủa khan từng hồi ở phía xa. ổng khật khừ say, trong bụng tự ngẫm nghĩ . Một con ốc dưới lạch cũng chẳng còn, tìm đâu ra ếch nữa bây giờ. Cái bọn choai choai lạ hoắc ở cái xí nghiệp mới gần nhà, cứ canh trời tối là bắt sạch không còn một con.
Những ánh chớp lập lòe trên bầu trời đêm, trời sắp mưa. Ổng lại nhớ tới thằng Hậu. Một đêm mùa hè mấy chục năm về trước, ổng với thằng Hậu đi câu cá đêm. Ngày đó vẫn còn con lạch băng qua ruộng gần gò mả. Thằng Hậu nó kiếm đâu mớ bông súng về trồng đầy lạch, hoa nở đỏ cả mặt nước, bên dưới cơ man là cá. Nửa đêm nó cầm cần câu gật gù ngủ, ổng vừa nín thở chờ đợi con cá nào đó đang rỉa mồi vừa khều nó dậy. Cánh đồng mênh mông, nó vừa ngáp ngủ nhìn quanh vừa nói cảm giác ai cứ vỗ vai nó hoài. Đột nhiên con cá lớn bộn mắc câu, ổng nhanh nhảu giật cần. Con cá trắm cỏ gần hai ký. Ổng và nó hả hê niềm vui chiến thắng, chợt nghe từ phía gò mả có tiếng con nít khóc. Nó vứt hết sạch đồ nghề chạy thẳng một mạch về nhà. Ổng lại gần gò mả thấy con mèo xám đang gào đực. Ổng thản nhiên thu dọn về nhà thấy thằng Hậu vừa khóc vừa run như cầy sấy, cái quần nó ướt mem. Ổng nghĩ vui, nếu thằng Hậu có ở đây bây giờ không biết nó còn sợ té đái ra quần như hồi xưa không?
Lần nào nghe tin thằng Hậu sắp về, ổng cũng nôn nao như thế. Ổng ngóng từng ngày cho tới khi thấy cái xe con bốn chỗ của thằng Hậu chạy bon bon trên cái đường đất băng ngang qua ruộng. Nó nhe răng cười, ngoắc ổng. Ổng thì sợ cả người đầy bùn sình làm dơ xe nó nên khoát tay. Ổng lẽo đẽo đi phía sau. Thằng Hậu cho xe đi thật chậm. Hai đứa con thằng Hậu vừa ló đầu ra cửa xe vừa chỉ chỏ .Tụi nó đẻ ra ở thành phố mà, thấy con chuồn chuồn cũng trầm trồ dữ lắm. Ổng vừa đi vừa chỉ cho tụi nó cái này cái kia. Về tới nhà thì chiếc xe cũng lấp đầy bụi đỏ. Thằng Hậu rửa xe muốn cạn cái giếng nước ổng đào để dành mùa ngập mặn. Nó vừa rửa xe vừa so sánh những thứ ở đây với thành phố. Có lần nó còn khuyên ổng hay là bán hết đất đai vườn tược lên thành phố ở cùng nó.
Cái thằng mất gốc ! Dù sao nó vẫn là em mình. Nó có cuộc sống sung túc đủ đầy phải mừng cho nó. Đâu thể bắt nó “cù lần” giống như mình. Biết nó thương mình nên ổng cũng không để tâm. Thằng Hậu khác quá. Mỗi lần nghe người khác bàn tán ổng cũng nghe rồi ậm ừ qua loa. Thằng Hậu là đứa duy nhứt khiến cả dòng họ nở mày nở mặt. Từ nhỏ nó hiền nhứt trong mấy đứa trẻ trong xóm. Lúc mới đẻ nó khôi ngô, da trắng như bộ áo dài của má. Nó lại thích nghịch bút. Má đặt tên cho nó là Hậu. Nó nhút nhát tới nỗi con lươn cũng không dám rờ, mà má cứ nói nó là niềm hi vọng của cả nhà này đó. Nó thích đọc sách, thích viết chữ, thích đi học, thích mặc quần tây sơ mi trắng. Ổng thì chưa tới lớp hai đã bỏ, thích cầm cần câu hơn cầm viết. Ổng chỉ thích tát mương bắt cá, thích nằm trong đống rơm rạ vừa thơm vừa khét, thích mặc áo cũ, thích tự do. Mỗi chiều rảnh rỗi, ổng hay chèo ghe chở nó đi vó cá, đi bắt ốc đắng, ốc gạo. Nó thích ăn canh chua cá linh bông súng. ổng nhớ hoài, lúc nào cũng nhường cho nó con cá bự nhất. Thằng Hậu biết, bẻ con cá chia làm đôi. Nó đâu bao giờ chịu ăn một mình.
Vậy mà bữa rồi, ổng nấu một nồi canh chua cho nó ăn. Ổng kiếm mớ cá linh ngon nhất, không có bông súng, ổng bèn hái nắm bông điên điển tươi nhất, leo lên ngọn cây me già tuổi hơn cả ổng hái nắm me dốt, lựa mấy trái ớt hiểm xanh dầm nước mắm… Nó ăn xong một miếng chê điên điển đắng, chê cá nhiều xương.
Ổng trệu trạo nhai từng miếng cơm, nghe thằng Hậu kể về tôm hùm, cua hoàng đế, kể về những bữa tiệc cả chục triệu trong những nhà hàng phồn hoa… Ổng nghe như không nghe, người “quê trất” sao hình dung ra được. Giờ mà có con cua bự như cái mâm trước mặt ổng, chắc ổng cũng thấy bình thường. Không gì ngon bằng cua đồng xứ mình. Thiệt! Ngày xưa cứ chịu khó lội bùn một bữa là bắt được cả rổ, đem về đăm nhuyễn nấu canh mồng tơi rau ngót thì thứ gì cho bằng. Hổng lẽ thằng Hậu quên rồi? Có lần thằng Hậu đem hộp tổ yến về, giá trị bằng mấy giạ lúa. Ổng săm soi mãi không nỡ ăn, cũng không biết phải ăn làm sao. Thỉnh thoảng ổng len lén nhìn nó. Nó trắng trẻo thư sinh bao nhiêu, ổng khô mốc nhăn nheo lọt thỏm trong cái áo thun mắc tiền nó bắt ổng mặc từ chiều. Mà nghe nói cái đồng hồ nó đang đeo cũng vài chục giạ lận. Thằng Hậu về lần nào cũng dúi cho ổng một mớ tiền, nói xem như để phụ phần hương khói giỗ chạp cho tía má. Ổng cầm, lòng ổng mênh mông như cánh đồng bất tận ngoài kia.
Hôm bữa, cả xóm hè nhau bán đất. Dải đất đột nhiên đắt đỏ sau khi con đường huyện trải về băng ngang qua. Không yên bình nữa, tấp nập người xem kẻ đến. Những cọc tiền dày cộm lóa mắt trên những đôi tay chai sần đóng phèn lâu năm khô khốc. Chẳng còn hàng xóm nữa, họ dọn đi ngay sau khi xong hết thủ tục bán đất. Tới thằng bạn nhậu của ổng, bình thường như ổng một khuôn, tới gặp ổng trong bộ dạng quần tây áo sơ mi rộng quá khổ, nói chuyện bạc triệu, bạc tỉ rồi chia tay. Nó sẽ dọn đến cái nơi có nhiều ánh sáng, nhiều tương lai hơn. Đêm đó ổng hút hết cả bịch thuốc rê mà vẫn thấy buồn. Thằng Hậu cũng khuyên ổng thôi thì cả đời vất vả, anh hai xem nếu được giá thì bán, về phố ở anh em hủ hỉ có nhau. Ổng giận nó, đánh đổ ly nước. Đất ông bà tổ tiên…
Ổng vẫn cắm mặt vào đất, những cục đất già nua khô khốc bạc màu. Người cũng lành như cục đất. Anh em mà ai nỡ giận nhau lâu. Thằng Hậu biết không khuyên được ổng, nó chủ động tìm hiểu tin tức nông nghiệp, đăng ký cho ổng tham gia mấy khóa hội thảo nhà nông. Ổng bắt chước thằng Hậu, bắt đầu nghe ngóng. Thằng Hậu mua cho ổng cái ti vi để ổng xem chương trình bạn của nhà nông. Một dạo ổng nghe theo đám đông. Thấy cái gì rộ lên là trồng. Năm đó thanh long sốt giá, ổng gom góp tất cả tiền bạc đem đổ trụ xi măng, ruộng thanh long mọc lên tươi tốt, trái nhiều như nấm. Đùng một cái, giá thanh long rớt thảm hại. Tám trăm đồng một ký, thương lái chê thanh long của ổng nhỏ trái, chẳng thèm mua. Ổng cố đợi mùa sau, mùa sau nữa. Thanh long vẫn chín đỏ rợp vườn. Ổng ngồi giữa ruộng thanh long như người mất hồn. Thằng Hậu về an ủi ổng một hồi, nó gọi người tới bán hết trụ xi măng.
Mà cái số ổng nó khổ! Ổng chuyển sang trồng chuối. Cái gì ổng trồng cũng xanh tốt, mà tới kỳ thu hoạch cũng rẻ như cho. Thằng Hậu sợ ổng buồn, nó nói dối để nó bán cho ổng. Nó chất đầy chuối lên chiếc xe con, dúi vào tay ổng một mớ tiền. Ổng biết nhưng cũng lặng im. Ổng tức, chuyển sang trồng mít. Rồi cũng không có đầu ra. Ổng già đi nhiều lắm. Ổng kiệt sức, thẫn thờ gác tay lên trán nằm trên cái ghe thả trôi theo dòng nước cả đêm. Sáng ổng lủi thủi bơi về. Ổng lặn ngụp giữa dòng sông yên ả, muốn rửa trôi hết tất cả muộn phiền. Ổng xách chiếc xe đạp cũ, đạp xe cót két trên con đường dài vô tận. Ổng cũng chẳng biết đạp xe đi đâu. Con đường huyện rộng thinh chia đôi một bên khu dân cư mới, một bên ruộng vườn. Khu dân cư nhưng chưa có người xây. Ổng nhìn vào khoảng đất mênh mông đang để trống, lâu ngày không trồng trọt đất nứt cả ra bạc trắng mốc meo. Ổng đang hình dung đến những ngôi nhà san sát nhau trong tương lai, rồi lại cúi đầu nhìn hai gót chân nứt nẻ của mình.
Năm nay hạn nặng quá, nghe nói những vườn nhãn già của người ta chết khô cả lá. Ổng xem trên ti vi thấy rất nhiều nơi hạn mặn khốc liệt, người dân điêu đứng, tổn thất nặng nề. Vườn của ổng cũng vậy. Mấy trăm gốc cam đậu sai trái nằm vàng úa khô rang. Mương lạch khô trơ cả đáy. Ổng đứng đó nhìn bóng nắng dần tắt phía chân trời, cái áo ổng đang mặc cũ nát lắm rồi, dãi nắng dầm sương. Ổng bệnh nặng cả tháng trời, thằng Hậu lo sốt vó đánh xe về chở ổng đến tận bệnh viện thành phố. Trong cơn sốt mê man, ổng nhớ mùa lúa chín thuở xa xưa nào, mọi người thay phiên nhau cắt lúa. Ổng và thằng Hậu mỗi buổi chiều đều ra cánh đồng trơ gốc rạ mót những bông lúa còn sót lại về cho gà vịt. Mùi thơm của lúa lúc nào cũng quyện chặt vào người nồng đượm, thơm thơm…
Ổng khỏi bệnh, thằng Hậu cũng tránh không nhắc đến những điều không vui cũ. Còn người còn sức. Nó cũng chỉ nói với ổng thời tiết bây giờ khắc nghiệt hơn xưa, thị trường cũng xoay chóng mặt, nên không thể làm theo cảm tính, phong trào. Cái mảnh vườn sau nhà trước giờ ổng vẫn hay trồng đậu bắp, thằng Hậu trồng dừa vào đó. Gần ba trăm gốc dừa xiêm, dừa dứa phủ mát cả vạt đất già cỗi cằn. Thằng Hậu nói nó trồng để ổng dưỡng già. Cả mảnh vườn cam khô nó cũng bỏ tiền thuê công về xới đất, nó lên trại cây giống lớn nhất tỉnh đặt mấy trăm gốc bưởi da xanh mỏng vỏ đỏ ruột. Nó còn đặt thêm hệ thống tưới nước tự động, khoan thêm cái đường nước dẫn từ sông lớn vào. Từ giờ có hạn mặn cũng không phải lo nhiều nữa.
Nó nói “Anh hai ráng trồng bưởi dừa thiệt nhiều trái cho em về hái ăn nghen”. Ổng quấn điếu thuốc rê vừa hút vừa nghe nó nói. Cuộc sống mà, ổng không thể dừng lại, con sông ngoài kia già, già lắm, cũng cứ chảy mãi không ngừng, cứ bồi đắp phù sa mãi mãi. Mình cũng vậy thôi. Trong đêm tối trời, ánh trăng mờ mờ như sương, ổng nhìn thằng Hậu, thấy tóc nó cũng bắt đầu lốm đốm bạc. Ổng nhìn ra phía khu vườn với những chồi non vừa hé. Đúng, phải bắt đầu lại, phải hi vọng. Ổng tự nhiên muốn khóc. Đời người chảy xuôi như con sông, khi trong khi đục, khi giận dữ, khi hiền khô. Con sông chảy miết về đâu không biết, nhưng đến cuối cùng vẫn chảy trong lòng đất mẹ mà thôi. Thằng Hậu cũng vậy, nó không ở lại quê, nhưng nó vẫn là đứa được sinh ra từ mảnh đất xa xôi hẻo lánh này. Nó chưa bao giờ quên nguồn cội. Ừ. Mai ổng sẽ đi kiếm mớ bông súng trồng để mỗi lần nó về có cái nấu cho nó ăn.
Ổng sửa lại cái vó lớn ở mé sông. Thằng Hậu đang đứng nhìn thằng bé con leo hái mấy trái bần ổi chua lè. Sóng sông lăn tăn, gió chiều mát rượi. Gió thổi qua vườn dừa đang cao lớn từng ngày, những tán lá chạm vào nhau xào xạc. Thằng Hậu chợt cởi áo nhảy ùm xuống sông cười khoái trá. Ổng nhìn nhìn nó thì cũng bị nó kéo trôi tuột xuống sông. Hai anh em giỡn với nhau như thời thơ ấu. Từng giọt nước mát trong hiền hòa ngọt đẫm. Thằng Hậu bị ổng nhận nước mệt nghỉ phải xin tha. Nó chợt chỉ về những sợi nắng vàng rọi xuống sóng sông lấp lánh. Hai anh em bơi qua bên kia sông, nơi có những khóm lục bình xanh mướt nở hoa tím ngắt đang chầm chậm trôi. Ổng và nó tuốt lấy những bắp lục mình non xèo mơn mởn.
Thằng Hậu thèm ăn lẩu mắm cá linh!