Bài nổi bật

Nấm mồ thứ sáu

Gập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

– Chào đồng chí! – với chất giọng ồm ồm, người đàn ông lên tiếng – Xin hỏi, đồng chí là chỉ huy trưởng của đơn vị Kn làm nhiệm vụ thu gom hài cốt liệt sỹ phía nam núi Phù Then, phải không ạ?
– Xin lỗi… Bác à…?-Hùng nhìn người khách lạ từ đầu đến chân-Bác là ai?
– Tôi là Trần Đình Quang, bây giờ thì chuyên trị vào rừng tìm quế, tìm trầm, nhưng thời chống Mỹ là làm lính cụ Hồ, nhiều năm từng là thổ công ở vùng này.
– Bác nhiều năm đánh giặc ở vùng này?- Trung uý Hùng lại hỏi, mắt bắn ra nhiều tia nắng-Hẳn bác thuộc quân số của E5, Fn?
– Đúng, chút nữa là quân số của C3, D2, E5, Fn – Ông Quang tiếp – Riêng C3 của chúng tôi, hồi đầu 1971, có sáu chiến sĩ hy sinh ở Đồng Chuối, được đem về chôn cất…
– Ồ, sao lại có sự gặp gỡ ngẫu nhiên lý thú thế này! Nhiệm vụ chúng cháu về đây là để thu gom hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Đồng Chuối ấy đấy-Trung uý Hùng hăm hở cắt lời ông Quang – Nhưng thưa bác…năm ngôi mộ, chứ làm chi có sáu?
– Sáu, được chôn làm hai nhóm: Nhóm năm ngôi, nhóm một ngôi. Nhưng này, nếu chỉ cất bốc mấy bộ hài cốt ấy thì sao lại cho quân đào bới ở đây?
– Không đào bới ở đây thì ở đâu?- Hùng lúng túng vặn lại. Rồi hết nhìn mấy dãy hào hố đào nham nhở ven suối, anh lại đảo mắt về cánh lính trẻ mặt đỏ hâm hia, lưng áo đẫm mồ hôi, kẻ dùng xà beng, người dùng cuốc thuổng đang đánh vật với các tảng đá nằm dưới những cái hố đào thăm dò theo lệnh của anh với vẻ mặt buồn rười rượi.
– Không đào bới ở đây thì ở đâu?- Hùng bất giác lặp lại câu nói của mình. Đoạn, anh mở xà cốt lấy tờ bản đồ địa hình lúc nãy, trải ra đất, rồi tay trỏ miệng nói- Nếu đồng đội cũ của bác là các liệt sĩ La Đình Lang, Trần Lài, Đinh Văn Vụ, Nguyễn Văn Bắc, Hoàng Văn Sa thì phần mộ của họ được đặt ở nơi có khoảng cách ngắn nhất giữa suối Không Tên với đồi Yên Ngựa, vậy ngoài thực địa, nó không phải ở quãng này, thì ở đâu?
– Nhầm to, nhầm to! – Ông Quang nói nói cười cười- Suối Không Tên với đồi Yên Ngựa không ở đây. Chúng ở bên kia, cách nơi này độ bốn trăm mét, chếch về hướng tây nam cơ.
– Cách đây độ bốn trăm mét chếch về hướng tây nam thì lấy đâu ra suối?
– Đúng là bây giờ ở đó không còn suối thật. Nhưng trước 1973 thì có. Vì sao lại thế? Vì có hiện tượng suối đổi dòng xẩy ra. Ồ, khó hiểu lắm hả? -Ông Quang nhìn “chiếu tướng” vào dáng người nhỏ nhắn có khuôn mặt trắng trẻo đang đỏ lựng lên vì nắng của viên trung uý, cười giọng mũi- Nói cho mà biết nhé, trong chiến tranh hiện tượng đó rất hay xảy ra. Chỉ cần một quả bom trên máy bay ném xuống làm vách núi phía đầu nguồn sạt lở, đất đá đổ xuống chắn mất dòng chảy làm nước suối ứ đọng. Tức nước vỡ bờ, đến một độ nào đó, suối lại tự khai thông dòng mới. Nhân đây xin nói thêm, tấm bản đồ đồng chí đang dùng được thành lập sau hoà bình lập lại, khác loại bản đồ thời chúng tôi còn ở lính. Nếu trong bản đồ cũ, thì suối Không Tên được vẽ phía bên kia cơ.
Chẳng lẽ lại như vậy? – Hùng nheo mắt nhìn xa xôi, hạ thấp giọng – Bác ơi! Cháu rất muốn tin theo lời bác, nhưng… còn một điều cháu hơi phân vân là tại sao trong tờ bản đồ này, một đồng chí cấp trên đã đánh dấu vị trí khu mộ các liệt sĩ của C3 ở đúng chỗ chúng ta đang đứng?
– Câu hỏi nghe thú vị đấy. Theo tôi thì lẽ này… Có lẽ là… Cái vị lãnh đạo đó vì một lý do nào đó mà có sự nhầm lẫn giữa bản đồ cũ với bản đồ mới. Nhưng thôi, trăm nghe không bằng một thấy; tốt nhất, đồng chí trung uý đi theo tôi qua bên kia để tôi chỉ vị trí sáu ngôi mộ ấy cho khỏi mất công đào bới.
Chẳng cần biết đối tượng có đồng ý hay không, ông Quang đã xốc chiếc ba lô cóc nặng chình chịch lên vai, nhằm hướng mặt trời lặn, rẽ lối bước đi ào ào. Trung uý Hùng như bị đặt vào một chuyện đã rồi, bèn ra lệnh cho bộ đội tạm thời ngừng đào bới. Xong, anh vẫy gọi tay liên lạc mặt non choẹt đến thì thầm vài câu gì đó, rồi cả hai vừa đi vừa chạy cố đuổi cho kịp người cựu chiến binh dãi dầu sương gió ấy. Và mười phút sau, ba người đã đến trước một mô đá tự nhiên nhưng vuông vức như bức tường xây, bị phủ kín bởi những dây chạc chìu, dây bìm bìm, dây hoa phong lan xanh um; đây đó có điểm xuyết những nụ hoa đủ các màu sắc xanh vàng trắng đỏ nom rất ngoạn mục. Ẩn dấu sau bức màn thiên tạo rực rỡ này là lớp địa y màu xám lục, dày dặn, xôm xốp, Chính nhờ “tấm áo đất” khiêm nhường này bảo vệ mà chất sơn màu đỏ của các chữ đề trên mặt đá cách đây ngót một phần ba thế kỷ vẫn tươi màu:
PHẦN MỘ CÁC LIÊT SĨ (từ trái qua phải)
TRẦN LÀI- ĐINH VĂN VỤ- LA ĐÌNH LANG-HOÀNG VĂN SA- NGUYỄN VĂN BẮC
Chờ cho hai anh bộ đội đọc xong, ông Quang dẫn họ đi vòng ra phía sau mộ đá, cách nơi này độ năm chục mét.
– Đây là phần mộ của liệt sĩ Châu Quyền – ông Quang cố lấy giọng tự nhiên, nhưng vừa nói ông vừa nuốt khan nước bọt liên tục  – Thú thật với hai đồng chí, động lực mạnh nhất thôi thúc tôi đang trên đường đi tìm trầm nơi xa, phải lăn lội đến đây để gặp bằng được các đồng chí vào thời điểm này là vì lo lắng cho phần mộ của cậu Châu Quyền này đó.
– Vì nó rất dễ bị bỏ sót bác nhỉ? – Hùng nhìn đối tượng vẻ thông cảm- À bác ơi, tại sao hồi đó, người ta không chôn sáu liệt sĩ này vào một cụm mà tách ra như thế?
– Đó là cả một câu chuyện dài, nếu đồng chí cho phép, tối nay tôi kể cho mà nghe- Ông Quang cười buồn, rồi vỗ nhẹ lên vai anh trung uý- Này, mặc dù cấp trên chỉ giao nhiệm vụ cất bốc hài cốt liệt sĩ ở nhóm mộ năm ngôi, nhưng giờ phát hiện thêm ngôi thứ sáu này, thì các đồng chí cất bốc luôn một thể nhé?
– Cất bốc thì dễ thôi, nhưng đưa vào nghĩa trang liệt sĩ được hay không phải được cấp trên phê duyệt. Bác này, cháu hỏi khí tò mò… Có phải hồi đó, bác là thủ trưởng quân chính của C3 không ạ?
– Sao biết?
– Căn cứ vào nét đi dáng đứng, lời ăn tiếng nói, và sự hiểu biết của bác về cách sử dụng bản đồ địa hình ấy mà.
– Mình biết sử dụng bản đồ thành thạo trước ngày nhập ngũ cơ. Vì trước thời làm lính, mình là kỹ sư địa chất. Nhưng dù sao thì anh bạn trẻ cũng đã đoán đúng: Hồi đó mình là quân chính của C3 – Ông Quang cười xoà, xoa hàng ria mép lốm đốm bạc, cất cao giọng- Vậy thì nhân danh cựu thủ trưởng của đơn vị C3, mình có quyền chứng nhận đây là mộ của liệt sĩ Châu Quyền được chứ?
– Dạ, Hùng vẻ lưỡng lự – Cháu thấy… Trường hợp này có cái gì hơi… đặc biệt. Do đó cháu phải thỉnh thị lên trên để chờ phương hướng giải quyết mới được.
– Nếu thế thì ngôi mộ này không khéo sẽ bị san lấp để làm đường cao tốc mất thôi!
– Không lâu đến thế đâu – Hùng tiếp – Dùng điện thoại di động để liên lạc, cháu cùng lắm là mất một buổi thì bao nhiêu cánh cửa ban này phòng nọ đều được mở hết thôi mà.
Hôm sau, trong khi cánh lính tráng của đơn vị lo công này việc nọ, thì ông Quang lần vào bản Vân Kiều gần đó để xin ván, để mượn các thứ đồ nghề. Rồi ông cưa. Ông đẽo. Ông bào. Ông đục. Ông chạm khắc. Gần trưa ông đóng xong cho người đồng đội quá cố của mình một cái tiểu bằng gỗ gie có hình “Lưỡng long chầu nguyệt” phía đằng đầu có hình chữ Hán “Tiên cảnh nhàn du” trên nắp ván thiên, có nhiều hình hoa lá chim muông ở thành bên trái với thành bên phải. Và tất cả đều được chạm khắc bằng những đường nét bay bướm, tinh tế đến mức lúc ông đem chiếc tiểu về chỗ có khu mộ năm ngôi, thì cánh lính tráng xúm cả lại mà ngợi khen không tiếc lời.
– Bác Quang, bác Quang! Vào đây cho cháu gặp tí.
Chợt nghe có tiếng của trung uý Hùng gọi mình trong chiếc lán mới dựng tạm, ông Quang rẽ lối đi vào.
– Bác Quang này! – Hùng nói – Tại sao Châu Quyền vốn là một tên lính ngụy, mà bác lại bảo chúng cháu đưa hài cốt ông ấy vào nghĩa trang liệt sĩ?
– Tin ấy từ đâu ra? Ơ kìa, sao đồng chí có vẻ mất bình tĩnh đến thế nhỉ! Việc gì có đó. Nào, đồng chí hãy cho tôi biết tin ấy từ đâu ra, rồi tôi sẽ nói cho đồng chí rõ: Vì sao tôi lại cầu xin các đồng chí đưa hài cốt Châu Quyền vào nghĩa trang liệt sĩ?
Không phải vì nội dung câu nói mà chính vì cái chất giọng bỗng nhiên bị khản đặc của ông Quang, vì cặp mắt bất chợt đỏ kè lên của ông khi câu nói đó đã làm cho Hùng xúc động.
– Đại khái thế này, bác ạ- Hùng tiếp – Mới đầu cháu gọi điện cho lãnh đạo tỉnh đội trình bày trường hợp của ông Châu Quyền để xin ý kiến giải quyết. Chẳng rõ vì lý do gì đó mà lãnh đạo tỉnh đội lại gọi điện ra quân khu. Ngẫu nhiên mà ông trưởng phòng quân lực quân khu là người trước đây từng làm chính trị viên trưởng của đại đội ba.
– Nguyễn Cự Đỉnh, đúng không?
– Phải, ông ta tên là Nguyễn Cự Đỉnh, cấp bậc trung tá. Cách đây độ năm rưỡi, chính ông Đỉnh đã thông báo cho tỉnh đội ta biết vị trí của năm ngôi mộ này.
– À, vậy chính hắn là tác giả của cái chấm đỏ trong bản đồ của đồng chí đó. Vì hắn vẫn tưởng bản đồ địa hình bây giờ cũng giống loại hắn quen dùng trước đây mà. Chao ôi, Quyền! đã lấy cả mạng sống của mình ra để lập công chuộc tội, mà đến nay vẫn không sao xoá bỏ nổi cái danh hiệu một tên lính ngụy, Quyền ơi là Quyền ơi!
Ông Quang bất giác kêu lên, úp mặt vào chiếc bàn dã chiến, khóc tức tưởi. Mọi người xung quanh xúm cả lại hỏi han, an ủi ông, rồi thi nhau bàn tán, nhưng ông hầu như chẳng để ý gì đến họ. Bởi lẽ đúng vào lúc những giọt nước mắt của con người ở tuổi ngũ tuần ấy tuôn ra như mưa đổ thì tâm hồn ông đang lần theo ký ức mà sống lại với những kỷ niệm của thời quá vãng.
Cách đây đúng ba mươi bốn năm, trong một trận tập kích chớp nhoáng vào đồn A So, đại đội quân Giải phóng do thiếu uý Trần Văn Quang chỉ huy đã bắt được gần ba chục tù binh, trong đó có bác sĩ Châu Quyền. Đang lúc đồng chí y tá mới hy sinh chưa có ai thay thế để sơ cứu cho bộ đội bị thương, lại thấy Châu Quyền có vẻ mặt phúc hậu, Quang đã giữ cậu ta lại làm thầy thuốc của đơn vị. Mới đầu, Quang chỉ định dùng Quyền dăm bữa nửa tháng đợi khi cấp trên cho y tá khác đến, sẽ trả Quyền về hậu cứ. Nhưng y tá khác chờ mãi chẳng thấy đến, trong khi đó thì Châu Quyền càng ngày càng tỏ ra là một thầy thuốc vừa có tài vừa có đức, đúng nghĩa “Lương y như từ mẫu” được hầu hết anh em trong đơn vị yêu mến và kính phục. Thời gian không lâu, giữa Quyền và Quang đã hình thành một tình bạn rất tâm đầu ý hợp. Điều đó, kể cũng dễ hiểu. Trước hết, cả hai đều là trí thức, nên lời ăn tiếng nói của họ dễ lọt tai nhau. Thứ nữa, cả hai đều sôi nổi mộng mơ, giàu chất nghệ sĩ. Những lúc rỗi rãi ở hậu cứ, Quang và Quyền hay rủ nhau đi câu cá, hay đi ra rừng làm thơ đọc cho nhau nghe. Phải nhận rằng, Châu Quyền là một thi sĩ bẩm sinh. Những bài thơ Quyền viết về mẹ, về người yêu, về em gái, về nỗi đau do chiến tranh gây ra cho xóm làng cho đất nước đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đáng tiếc là chẳng hiểu sao, trong khi Quang và hầu hết anh em của đơn vị yêu mến và kính phục Quyền như thế thì chính trị viên trưởng Nguyễn Cự Đỉnh vẫn cứ xem Quyền là “một tên lính ngụy”. Với ông Đỉnh đã là một tên lính ngụy, mà là lính ngụy trí thức, thì dù có được tập thể giáo dục cải tạo đến mấy, anh ta vẫn không sao tẩy rửa được vết nhục của một kẻ từng “liếm gót giày cho ngoại bang”. Ngoài việc luôn nhìn Quyền bằng con mắt “đề cao cảnh giác” và nhắc nhở mọi người đề cao cảnh giác như mình, ông còn xui anh em trong đơn vị chống lại chủ trương giữ Châu Quyền làm thầy thuốc của Quang, xui anh em phê phán Quang có “tư tưởng tiểu tư sản lập trường bấp bênh”, không phân rõ địch ta… Về phần mình, vốn là một chàng trai can trường đội trời đạp đất, Quang chẳng lấy thế làm bằng. Nhưng với Châu Quyền thì khác. Bị một vị cao cấp là ông Đỉnh luôn nghi kỵ. Quyền đâm ra mặc cảm với thân phận hàng binh của mình, và nhiều lần khẩn khoản cầu xin Quang cho được trực tiếp cầm súng đánh Mỹ để “lập công chuộc tội”, nhưng Quang đều gạt đi. Tuy nhiên, từ bấy, nếu tinh ý, ai ai đều nhận thấy bên cạnh công việc chuyên môn mà anh luôn hoàn thành xuất sắc. Quyền còn bỏ nhiều công sức vào việc học ném thủ pháo, bắn súng B40, B41và đánh bộc phá. Rõ ràng anh ta đang cố tự trang bị những kiến thức quân sự cần thiết, để hễ có thời cơ thì xông lên “lập công chuộc tội”
Và cái thời cơ ấy đã đến.
Đại đội do Trần Văn Quang chỉ huy nhận nhiệm vụ tập kích đồn Đồng Chuối vào đêm 30 tháng 4 năm 1971. Theo phương án đã vạch, đúng 23 giờ, bộ đội đã vào vị trí tập kết. Như thường lệ, mỗi lần ra trận, thầy thuốc Châu Quyền bao giờ cũng bám sát đại đội trưởng Trần Văn Quang. Lúc này, cách họ một quãng độ 5,6 mét là nơi ẩn núp của hai chiến sĩ đánh bộc phá là La Đình Lang và Đinh Văn Vụ làm phận sự mở đột phá khẩu. Đúng 23giờ 10 phút, nhận hiệu lệnh của đại đội trưởng. La Đình Lang vác bộc phá tiến vào lớp rào kẽm gai ngoài cùng. Một tia lửa màu da cam bật lên, tiếp liền là tiếng nổ dậy đất. Một quãng rào gồm nhiều lớp dài độ ba bốn sải tay bung ra, dồn về hai phía. Nháy mắt, Đinh Văn Vụ lao lên với quả bộc phá thứ hai để bứt nốt ba lớp rào phía trong. Nhưng anh chưa kịp giật kịp nụ xoè, thì bao nhiêu cỡ súng trong đồn đã hướng cả về phía đột phá khẩu mà dội lửa. Và một tình huống không lường trước được là La Đình Lang và Đinh Văn Vụ đều trúng đạn.
– Báo cáo! Cho tôi lên thay Đinh Văn Vụ!
Đang bàng hoàng, Quang càng bàng hoàng hơn khi nghe giọng nói của Quyền. Và vị chỉ huy trẻ tuổi này chưa kịp có phản ứng gì, thì Quyền đã rời bệ tỳ, vọt lên khỏi chiến hào, vừa bò vừa lăn về phía thi thể của Đinh Văn Vụ, nhặt lấy quả bộcphá.
Oàng! Bộc phá nổ. Đột phá khẩu đã được mở.
Mười phút sau quân ta hoàn toàn làm chủ vị trí Đồng Chuối.
Trong trận này, đơn vị C3 bị tử vong sáu chiến sĩ, trong đó có ba chiến sĩ đánh bộc phá là: Đinh Văn Vụ, La Đình Lang, Châu Quyền; Ngoài ra còn chín anh em bị thương, trong đó có đại đội trưởng Trần Văn Quang.
Sau gần hai tuần vào điều trị vết thương ở bệnh viện của một binh trạm, Quang về lại đơn vị. Việc đầu tiên, anh bắt đồng chí liên lạc dẫn mình đến thăm phần mộ các đồng đội mới hy sinh. Đến nơi thấy có sáu ngôi mộ lại chôn làm hai nhóm. Quang ngạc nhiên hỏi, thì tay liên lạc cho biết: “chính trị viên trưởng bắt phải làm như thế”
Chiều hôm đó, Quang lại nêu câu hỏi trên với Nguyễn Cự Đỉnh, không ngờ ông này trả lời một cách lạnh lùng:
– Gì thì gì, chứ vong linh các chiến sĩ quân đội cách mạng cũng không thể để lẫn với hồn ma một tên lính ngụy được.
-“Một tên linh ngụy”! – Quang cảm thấy như bị nghẹt thở – Qua ngần ấy cam go thử thách, thậm chí, cuối cùng Châu Quyền đã lấy cả máu của mình để tẩy rửa cho cái bản lý lịch từng có một thời đứng trong hàng ngũ quân đội Cộng hoà, mà vẫn chưa sạch được ư? Tôi hỏi đồng chí, giả sử trong cái khoảnh khắc Đinh Văn Vụ và La Đình Lang mới hy sinh, mà Châu Quyền không nhảy lên thay thế kịp thời, thì liệu đơn vị ta có giành dược chiến thắng Đồng Chuối, và liệu tôi với đồng chí có còn sống đến bây giờ để bình công luận tội cậu ấy được nữa không?
– Tôi thừa nhận trong giây phút đó. Châu Quyền đã có một hành động sáng chói. Nhưng… Nó chỉ mang tính chất ngẫu hứng, đột biến!
– Ngẫu hứng đột biến! – Quang cười khô khốc- Nhưng để có sự ngẫu hứng đột biến tuyệt vời đó, thì ý thức cách mạng trong con người của công dân Châu Quyền phải được nâng cao một cách tiệm tiến đã chứ? Tôi thực sự cầu chúc cho mọi người, ở những khoảnh khắc sinh mệnh của tập thể đang như nghìn cân treo sợi tóc, có được những hành động “ngẫu hứng, đột biến” như thế. Kể cả tôi, kể cả đồng chí, đồng chí chính trị viên ạ.
-Thế nào? – khuôn mặt dài đuồn đuỗn của Nguyễn Cự Đỉnh chợt tái mét đi vì xúc động- Anh định đánh giá tôi là một thằng hèn phải không?
– Đâu có, tôi chỉ muốn anh biết nhìn nhận cho thật công bằng đối với công dân Châu Quyền mà thôi!
– Không thể có sự công tâm với cái tên lính ngụy mạt hạng ấy được!
Mấy tiếng”tên lính ngụy mạt hạng” từ cái miệng loa kèn của Nguyễn Cự Đỉnh nói ra làm Quang cảm thấy như bao nhiêu hơi nóng trong người anh đều bốc cả lên mặt. Anh cố nén giận, nhưng Đỉnh lại vẫn lải nhải nhắc đi nhắc lại mấy tiếng đó thêm nhiều lần, khiến Quang lộn cả ruột.
– Câm mồm đi!- Quang quát the thé. Anh không có quyền xúc phạm đến vong linh đồng chí ấy!
– Đồng chí…ha ha…Chỉ có những ai lập trường tiểu tư sản bấp bênh mới là đồng chí của tên lính ngụy mạt hạng ấy mà thôi!
– Trời ơi! Nghĩa tử nghĩa tận, anh nỡ nào…Thôi xin anh câm mồm đi! Câm mồm đi!
Nhưng Nguyễn Cự Đỉnh chẳng những không chịu câm mồm, mà tiếp tục dùng nhiều lời lẽ thô bỉ, cay độc hơn nữa để nói về Châu Quyền. Cuối cùng thì cái gì nhất định đến đã đến. Bốp bốp! Hai cái tát như trời giáng nhằm vào khuôn mặt dài đuồn đuỗn của Đỉnh, khiến Đỉnh ngã ngửa vào một bụi cây gai váng lồ, kêu oai oái…
Sau cái sự kiện động trời đó, Quang bị gọi về sư đoàn bộ bắt làm kiểm điểm. Trong lúc làm kiểm điểm, chẳng biết Quang cãi bướng sao đó, mà người ta cách chức đại đội trưởng của anh, chuyển anh về đơn vị tăng gia vùng hậu cứ. “Phúc bất trùng lai hoạ vô đơn chí”, trong một lần cuốc đất trồng rau bên suối, anh đụng phải bom bi, lại đi nằm viện. Lành vết thương thì cũng là lúc Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quang được chuyển ra Bắc, rồi được giải ngũ về quê.
Biết nằm gắng cũng không ngủ được, Hùng vén màn ngồi dậy, đẩy nhẹ cánh cửa sổ khép hờ, nhìn ra ngoài trời. Những mái phố ngói đỏ, những hàng cây xanh um giờ đã nhạt nhoà trong màn sương trắng bồng bềnh làm cho không gian như được nới rộng thêm ra. Phía cuối chân trời, một màn mây đen kịt, oằn xuống như sống lưng một con lợn chửa, chốc chốc lại bị những tia chớp hình chân rết chặt ngang xé dọc, kèm theo là những tiếng sấm rền vang. “Trong núi Phù Then trời mưa rất to, chẳng biết bác Quang rúc vào đâu cho khỏi ướt?”. Hùng lẩm bẩm như người mộng du, và cảm thấy ân hận vì hồi chiều mình đã bỏ bác ta ở lại một mình trong đó.
Đúng ra thì hồi chiều Hùng đã tìm đủ mọi cách để đưa ông Quang về cùng đơn vị, kể cả việc anh đã ra lệnh cho cánh lính trẻ khênh ông lên xe đặt ngồi ngay ngắn sau hàng tiểu sành đựng hài cốt năm liệt sĩ, nhưng ông chỉ nán lại một lúc khấn khứa nhỏ to trước vong linh các đồng đội vài câu, rồi gạt nước mắt nhảy xuống đất, đến trước mặt Hùng, giọng khản đặc:
– Đồng chí đưa anh em về ngay đi cho kịp tập kết hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang, nếu để muộn nghĩa trang đóng cửa, thì vất vả lắm đó. Còn tôi, hôm nay dứt khoát phải ở lại đây với Châu Quyền, kẻo một tổ sáu anh em bấy lâu xúm xít bên nhau, mà nay năm đứa đi rồi, chỉ mỗi nó ở lại thì lẻ loi đơn chiếc quá!
– Nhưng giữa rừng sâu núi thẳm thế này, mà bác ở lại một mình qua đêm, nếu có chuyện gì bất trắc thì tính sao?
– Không can chi đâu, tôi từng là một nhà địa chất, lại từng làm lính Cụ Hồ, và nay thì chuyên ngậm ngải tìm trầm cơ mà… Thôi xin đồng chí cho tôi được ở lại một mình hôm nay với Châu Quyền, chỉ một mình thôi, để tôi với nó tâm sự với nhau cho trọn đêm, rồi ngày mai thì “tùy nghi di tản”. Nó thì nằm lại ở đây để đợi con đường con cao tốc mở lối đi qua; tôi thì tiếp tục cái nghề tìm quế tìm trầm kiếm đồng tiền bát gạo nuôi con ăn học. Thôi, đồng chí lên xe mà về đi kẻo muộn. Chúc đồng chí đêm nay ngủ ngon…
Nhưng đêm nay Hùng không hề ngủ. Lo cho năm liệt sĩ nọ có mồ yên mả đẹp trong nghĩa trang xong, Hùng cùng anh em bộ đội về doanh trại. Suốt ngày tối mặt tối mũi vì công việc này việc nọ tưởng đặt lưng xuống giường là Hùng có thể kéo bễ được ngay. Nào ngờ, hình ảnh ông Quang với nước da dãi dầu sương gió, với khuôn mặt thô tháp khắc khổ, với ánh mắt nhìn vừa chan chứa yêu thương vừa ngang tàng quyết liệt, cứ bám riết lấy anh, làm anh lúc nào cũng tỉnh như sáo…
Hôm sau, mới bảnh mắt Hùng đã mượn chiếc hon-da của một người bạn trong tỉnh đội, phóng ngay vào núi Phù Then. Quãng đường từ đây đến đó bình thường đi xe máy chỉ mất một tiếng; nhưng lần này, do trận mưa kéo dài hôm qua đã làm cho mực nước các con suối cắt qua đường dâng cao gây ách tắc giao thông, do vậy, Hùng phải lăn lội hơn hai tiếng mới chỉ đi được già nửa đường. Và đúng vào lúc chàng trung uý trẻ dắt xe qua khỏi chỗ ách tắc cuối cùng, thì anh thoáng thấy bóng dáng ông Quang xuất hiện ở bên kia suối với một gánh nặng lặc lè trên vai.
– Chào đồng chí!- Ông đặt gánh xuống, lấy khăn lau mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt tái nhợt vì mệt mỏi- Tôi biết hôm nay thế nào đồng chí cũng trở lại tìm tôi.
– Căn cứ vào đâu mà bác đoán chắc như vậy?
Ông Quang cười xoà:
– Có gì đâu. Đã là người lính thì không bỏ rơi đồng đội, thế thôi.
– Vậy mà chúng cháu đã bỏ bác ở lại một mình trong đó suốt hôm qua đến giờ!- Giọng Hùng như nghẹn lại- Chiều hôm qua, sau khi về đến doanh trại, cháu lại rất nóng lòng muốn được gặp bác để bàn một việc liên quan đến hài cốt ông Châu Quyền.
– Cụ thể là thế nào?
– Chúng ta có thể bốc hài cốt ông Quyền đem vào nghĩa trang, nhưng đặt ở khu “chiến sĩ vô danh”. Vì trong đó có một khu biệt lập như vậy.
– Không được! Cậu ấy có tên tuổi có ngày sinh tháng đẻ, có quê hương bản quán hẳn hoi, thì sao lại là “chiến sĩ vô danh”?
– Nhưng nếu không bốc đi bây giờ, để năm bữa nữa tháng nữa đường cao tốc sẽ đi qua, thì mộ bác Châu Quyền bị san bằng mất, chứ còn à?
– Nếu có bị san thì cũng vẫn nằm trong lòng đất mẹ chứ mất đi đâu mà sợ – Ông Quang nói tỉnh bơ, rồi cười xoà  – Đùa cho vui, chứ tôi đã bốc hài cốt cậu ấy về đây rồi. Nó kia kìa- Ông trỏ vào một đầu gánh, nơi có chiếc tiểu gỗ được che hờ bằng hai tàu lá cọ.
– Bốc rồi ư?- Hùng xúc động la lên- bác định đem ông Châu Quyền về đâu?
-Đem về quê tôi – Ông Quang tiếp – Phần mộ cậu ấy sẽ nằm trong khu lăng mộ họ Trần nhà tôi. Sau này khi đi hết chặng đường trần thế khổ ải để về cõi vĩnh hằng, tôi lại được ở gần Châu Quyền như những tháng năm xa xôi hai chúng tôi từng bên nhau trong các căn hầm chữ A dọc Trường Sơn thời đánh Mỹ. Thế cũng hay đấy chứ?
Và ông cười khô khốc. Trong đời, Hùng chưa từng nghe có tiếng cười nào lại làm anh bùi ngùi xúc động đến thế.
Tác giả: Hoàng Bình Trọng – Người thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *