RadioVn.Com – Ba phát súng đã nổ hồi chiều. Khói và mùi khét xộc thẳng vào nàng. Thực sự nàng không muốn gặp những việc như sắp phải làm của cả bản trong mấy ngày tới. Nhà họ Triệu mang lễ sang nhờ bố đi giúp nhốt hồn và giúp đám. Bố lặng lẽ đi sắp hương, bày lễ lên bàn thờ thầy để xin đi giúp. Nàng biết việc của mình là chuẩn bị áo và mũ cho bố.
Hôm trước được ngày nắng ráo trong cả mùa đông, nàng đã mang áo và mũ cúng của bố ra giặt. Nhưng làm thế thành ra lại không đúng, tự nhiên, chẳng đi giúp đám lại giặt áo. Bố mắng: “Tự nhiên dựng kèn, dựng trống dậy”. Nàng hiểu, nhưng cũng không biết tại sao mình lại giặt, lúc ấy chỉ nghĩ từ đầu đông đến giờ mưa gió sập sùi, mọi thứ ẩm mốc, được ngày nắng thì giặt không có hôi hám hết nhà. Thế là giặt luôn cả áo và mũ cúng. Bố đi rừng về thấy áo mũ phơi trên sào thì đứng mắng. Mắng rồi mới hiểu, thế là trời xúi làm vậy, là điềm báo bản sắp có người về với tổ tiên. Áo chỉ cần giặt khi đi vài đám, phải sau khi trả lễ tổ tiên lúc xong việc giúp nhà đám, thế mà nàng lại làm trước đám. Nhưng cũng không rút lại được việc ấy nữa. Bố không dám nói với ai, cũng cấm cả nhà hở ra việc nàng giặt áo cúng.
Áo, mũ và kiếm bố đặt trong tay nải. Bố đi trước, người họ Triệu đi sau và nàng đi sau cùng. Sự đau đớn không hề hiện trên mặt những đứa cháu nội của nhà họ Triệu. Cụ Triệu Thị Nụm đi gặp tổ tiên ở tuổi tám mươi bảy. Là tuổi tự già tự chết, con cháu vui vì cụ tự động đi chứ chẳng phiền đến đứa nào. Việc cuối cùng của cả bản là làm đám thật to để giúp cụ nhanh lên với tổ tiên.
Căn nhà sàn rộng rênh chẳng còn chỗ nào để đặt chân. Hàng dọc đến đám của nàng đi đến cổng thì ai nấy tự dẹp chỗ cho thầy cả và Thăn đi qua. Nàng thì đã tự động rẽ đường bờ nương để vào bếp. Đi đường chính không phải dành cho nàng. Từ gần chục năm nay đến nhà ai vào dịp hệ trọng nàng không dám đi ngõ chính, cổng chính và cầu thang chính.
Nhà táng kết ba tầng, tầng dưới bằng chiếc áo quan đã chuẩn bị gần chục năm rồi. Cụ Nụm sẽ nằm ở đấy. Tầng thứ hai là sàn nhà, sẽ để rất nhiều đồ cúng cho cụ nên những thầy học việc đã làm đua ra rộng hơn so với bề mặt áo quan rất nhiều. Cụ già nhất của cả vùng này thì lễ con cháu dâng lên phải thay làm mấy phiên, cái sàn đặt lễ có rộng đến mấy cũng không đủ con cháu dâng lễ cùng một lượt. Tầng thứ ba là mái nhà, mái cao lắm, đẹp lắm và những dải vải trắng, đen phải ken thật dày để đến lúc đưa áo quan ra khỏi nhà mới đủ chắc để khiêng đến bãi hoả táng.
Nàng đến chỗ đám đàn bà giúp việc làm bếp. Lợn, gà, trâu đã đem về đủ. Nhưng chưa cúng, chưa được mổ nên đám đàn bà đang rỗi việc ngồi tán đủ thứ chuyện. Hai ngày hai đêm việc của thầy cúng là chính, còn người bản, người họ chỉ mỗi việc ăn và khóc. Thực sự nàng không muốn ngồi đây, nhưng cũng không thể đi đâu, mỗi nhà phải một người giúp đám, nàng là người ấy cho đám này. Bố thì không thể tính là người giúp, vì là thầy cả. Em trai cũng đã từ Lùng Tao về giúp với việc là thầy ba. Em đang là người học việc cúng từ bố, nên không thể đến cùng bố mà phải đi sau một chút.
– Này, góp củi chưa? – Cái Pháy nhếch mép hỏi nàng.
Nàng không muốn trả lời, nhưng vẫn phải trả lời, cốt để cho tất cả mọi người nghe thấy, rằng nhà nàng, tuy có hẳn hai thầy cúng nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ bản đã quy định chứ không phải quịt gì đồ linh thiêng ấy. Và ở đám này, người mang góp cũng chính là nàng, phải tội nàng chỉ được phép mang đến lối rẽ sang bãi hoả táng, rồi gặp ai sẽ nhờ vác đến chỗ thiêu. Cái việc vinh hạnh này nàng cũng không được làm nên đành ngậm ngùi rằng: “Nhờ nhà Phủ đưa về rồi.” Nỗi đau của nàng không ai hiểu, không ai cần cảm thông, vì từ xưa đến giờ mới chỉ có mình nàng rơi vào tình cảnh này.
*
Vào tuổi mười lăm, nàng bung nở như một bông hoa phéc đèng trên đỉnh Lùng Vài. Hai má nàng đỏ hơn bắp bi chuối rừng trên nền trời trắng xốp. Một đứa con gái mười lăm đẹp rực rỡ một cách bất thường đã làm cho cả bản phải để mắt tới và là chuyện đáng quan tâm nhất ở đầu nương, cuối suối.
Nhà họ Triệu tự nhiên lại mang lễ sang hỏi nàng cho thằng Tếnh. Thằng Tếnh dở dở điên điên, sao sánh được với một bông hoa chuối rừng chớm nở. Và nhà nàng cũng chẳng phải hèn mọn gì. Từ đời ông nội đã làm thầy, mấy bản trong vùng đều kính trọng. Vậy thì hà cớ gì nhà ấy lại hỏi nàng cho một thằng con trai dở người?
Bố nàng không đồng ý. Ông mối nhà họ Triệu cứ đặt nguyên sính lễ trên sàn mà về. Gọi thế nào cũng không quay lại, bởi đã cố tình rồi. Nhưng bố cũng không thể hiểu tại sao nhà ấy đi dạm hỏi không được mà lại không mang lễ về. Bố chỉ dặn cả nhà không nói với ai, sợ nhỡ mọi người biết thì nhà ấy lại xấu hổ.
Nàng cũng chẳng để tâm tới việc đó. Nàng còn bận với việc lấy củi, lấy cỏ cho bò và cày cấy trên những mảnh ruộng bậc thang đẹp nhất vùng. Nàng cũng tự thấy yêu những thửa ruộng bậc thang bé bằng sàn nhà, mảnh sân nhà mình. Từ đỉnh Khuổi Lùng tràn xuống đến Nà Vài cũng tự thấy muốn bay lên bay xuống những đỉnh núi để đo xem ruộng trải hết núi thì dài đến đâu, rộng đến đâu. Hơn nữa, dạo này nhiều người nước ngoài đến đây ngắm ruộng bậc thang thế nữa. Người ta đi du lịch từ dưới xuôi lên, qua bản của nàng rồi sang bên kia biên giới hay đi ngược lại để ngắm cảnh sắc miền biên ải. Kể từ ngày những tràn ruộng này được công nhận là di sản thiên nhiên đến giờ thì những người như nàng cũng có khối việc khác để làm ngoài việc chân chỉ cấy cày trên từng vụm đất.
Chỉ có một điều con gái bản này khác với bản trên bản dưới là không hề đến trường. Thời gian ấy, những nàng thuộc ngành Dao đen như nàng chỉ ở trên nương, trong bếp chứ không như những nàng Dao đỏ, Dao tiền của các bản khác. Cũng không ai để mắt đến điều đó, từ khi sinh ra, lớn lên những nàng ở bản Khuổi Lùng này không hề nghĩ đến việc tới trường. Trong khi bản trên là Lùng Vài thì phóng xe máy vèo vèo qua bản của nàng để xuống trường xã học nội trú. Còn những bản dưới, bản ngang thì cũng đi học như người Kinh dưới huyện. Điều các nàng Dao bản khác không được như bản nàng là con gái bản Khuổi Lùng thêu thùa rất giỏi. Những gấu quần, nếp áo đến tà trước, tà sau của những chiếc áo thầy cúng, những chiếc mũ cầu kỳ nhất của thầy cúng đều làm rất đẹp. Những thầy cúng ở cách mấy trăm cây số hay bên kia biên giới cũng đến bản của nàng mua áo cúng. Việc ấy trở thành việc kiếm tiền dễ nhất của con gái Dao trên đỉnh Khuổi Lùng. Nhà nàng cũng mở ra một cái nia to đùng, bày đủ thứ nàng có thể làm lên đó để bán cho khách du lịch. Nhiều nhất là những chiếc khăn, chiếc ví xinh xinh mà nàng tự nghĩ ra kiểu dáng và các loại hoa thêu trên nó. Rồi nàng tự nhiên trở thành người mẫu cho khách chụp ảnh luôn, vì nàng đẹp. Thế nên bông hoa chuối rừng đỏ tươi cũng giống như những bông hoa chuối đỏ bình thường cứ miệt mài với đường kim mũi chỉ lúc đi chăn trâu, lúc đi vác củi.
Trâu thì cứ thế tìm cỏ mà ăn. Nàng ngồi miệt mài với cái ví đựng tiền nhỏ xíu. Nó nhỏ nhưng nàng thêu tinh tế hết tài năng của mình. Nàng vừa thêu vừa tính đến chiều mai thì xong, cái ví này không bán mà sẽ để đựng tiền của riêng mình. Từ giờ đến khi về nhà nào đấy làm dâu thì bằng đường thêu cũng kiếm được vài triệu, tha hồ sắm đồ mới cho hai vợ chồng. Của hồi môn của nàng do chính nàng làm ra chứ chẳng cần nhiều của bố mẹ. Cái gì cũng sẽ có từ đường thêu nên nàng say sưa lắm.
Thế mà ập một cái, nàng lăn tròn trên đồi. Tối tăm mặt mũi trong vòng tay một thằng nào đấy. Nàng còn nghĩ được rằng nếu cứ lăn thế này thì đến tối mới chạm chân núi. Mà chỗ ấy thì ở mãi tít dưới bản Nà Vài cơ. Thế mà thằng nào nghịch dại. Biết là lăn thế này sẽ đau, mà sao nó còn nghịch. Nhưng cái điều nàng nghĩ lại chẳng như thế. Nó lại ôm nàng quặt ngang xuống khe giữa hai tràn ruộng. Dừng uỵch một phát, đập vào gờ ruộng, một mảnh vải chàm đen buộc kín mắt làm nàng tối tăm mặt mũi. Nó tuột quần rồi thúc ngay vào trong nàng. Đau thấu tim gan từ ngoài vào trong giờ lại nhói óc từ trong ra ngoài. Nàng gào tướng lên vì không hiểu thế này là thế nào. Tiếng gào của nàng đúng là to thật, lúc giật được dải vải chàm ra thì đám người vây quanh nàng dễ đến gần nửa bản. Thế mà nằm bên cạnh lại là thằng Tếnh dở người. Nàng nhận thấy cái quần đã bay đâu mất, cả thằng Tếnh cũng không mặc quần. Nó cười hềnh hệch như thằng trẻ con đần độn được cho bánh gù ngày tết. Đám con trai bu quanh hai đứa cũng cười hệt lũ mèo động đực đêm đông. Nàng sợ hãi chạy biến vào sau gờ ruộng phía dưới. Nỗi sợ chỉ là sợ bị bắt nạt, sợ xấu hổ, sợ bị bố đánh mà khóc chứ chưa thể ý thức được nàng vừa bị lấy mất cả cuộc đời. Nàng cứ cởi chuồng ngồi lỳ đến khi bố tìm được và đưa quần cho mặc rồi bảo về. Nàng cũng không nhớ lúc ấy nét mặt, giọng nói bố thế nào nữa.
Từ buổi chiều ấy, bố không nói gì nữa. Căn nhà sàn đã rộng lại thêm vắng như thể nàng ở một mình. Kể từ buổi chiều ấy nàng cũng không thấy ai nói chuyện với mình nữa. Nỗi buồn không diễn tả được của một đứa gái hơn mười lăm tuổi cứ âm ỉ. Có điều nàng thắc mắc, mùi của thằng ôm nàng lăn xuống đồi, là của thằng làm nàng đau từ trong ra chứ không phải mùi của thằng Tếnh. Vậy thì tại sao khi nhìn thấy ánh sáng, thấy người thì lại là thằng Tếnh nằm bên cạnh. Rồi về sau nữa, không một ai hỏi đến nàng, cứ để nàng miệt mài với từng đường kim trên không biết bao nhiêu tấm vải lớn, tấm vải nhỏ theo người khác đi những đâu nàng không biết. Chỉ còn lại người làm ra những thứ đẹp đẽ ấy ở nguyên một chỗ.
*
Bố dẫn đầu đoàn thầy đã làm đến những việc cuối cùng cho bà cụ Nụm. Đám đưa ra bãi thiêu không có con gái, không có con cháu trong dòng tộc của cụ. Nhưng nàng lại luôn đứng trên ngọn đồi năm xưa nhìn đám thiêu. Không phải lần này nàng mới đứng đây mà nhìn. Đám đầu tiên nàng dám lên ngọn đồi này để nhìn là đám cho hắn…
Lạ thay, giờ thiêu nào cũng vào đêm nên đám thiêu bao giờ cũng nổi rõ trên nền trời đen theo từng quầng lửa. Nàng có thể nhìn rõ từng ngọn lửa liếm vào thân thể người chết và tưởng rằng hồn người ấy đang ở đâu. Bố nàng đã làm phép để hồn cụ tách hẳn ra và nương nhờ ở bàn thờ thầy cúng nhà nàng rồi. Còn cái xác, cụ sẽ nghĩ đây chỉ là con lợn, con bò nhà ai mà thôi. Nhưng cái quan tài đã úp xuống để khỏi nhìn thấy thân thể người bị lửa ăn, thế mà nó gặp lửa lại vỡ bung ra để cho nàng nhìn thấy hết. Đời một người, để đạt được sự thỏa nguyện phải cố gắng không một ngày nghỉ và cũng không cho con cháu nghỉ, đến cuối cùng nằm trên một đống lửa tan thành tro rồi về với đất. Từ khi châm lửa, bắt đầu vào ngực để trái tim không còn hồi lại nữa, đến khi tàn tro được vùi xuống cái hố nhỏ dưới đám thiêu nàng đều ở đây mà nhìn. Thế là cả đêm thiêu, nàng thức để xem có gì vinh quang đối với những người được hưởng từng tầng củi.
Nhưng trước khi đứng đây để nhìn thấu cái mà tất cả mọi người đều nghĩ có đúng không thì nàng luôn rình nghe trộm cuộc bàn bạc xem người này, người kia được thiêu bằng mấy tầng củi.
Những người được họp bàn chỉ có các thầy cúng. Ở gian buồng của chủ nhà, đằng sau bàn thờ, các thầy ngồi suy xét về việc người ấy thế nào. Nàng là người chẳng ai để mắt đến từ lâu nên đã trốn việc bếp dưới gầm sàn. Giờ thì đang nằm trong đống chăn của gian buồng bên cạnh và nghe:
– Cụ Nụm theo thầy cả được bao nhiêu tầng?
– Sống được đến tám mươi bảy tuổi là đáng mặt người rồi. Con cháu cũng hoàn thiện rồi. Vì là đàn bà nên không tính chức sắc trong làng.
– Nhưng còn thằng Tếnh đấy thôi.
– Nó chỉ là cháu đằng ngoại, lại bị dở người.
– Tôi thấy vẫn không đạt đến mười hai tầng củi được. Mười hai tầng trời không phải dễ dàng chạm tới được đâu. Đã rất lâu, kể từ khi bố của thầy cả mất đến giờ chưa ai đạt được niềm vinh hạnh ấy.
– Vậy thì chúng ta thống nhất tiễn cụ bằng chín tầng củi nhé!
Bố đã chốt như vậy là không muốn bàn đi bàn lại nữa. Và nàng hiểu, lòng bố rất khó khăn khi quyết điều này. Đã rất lâu rồi, những người trong bản ra đi đều mới chỉ được tiễn bằng bảy tầng củi. Niềm vinh hạnh của đời một người được tính bằng số tầng củi xếp khi hoả táng. Nàng biết, cụ Nụm được hoả táng bằng chín tầng là vinh hạnh đứng sau ông nội nàng thôi. Ông nội thì đã đạt đủ sự vinh hạnh của đời một người đàn ông Dao. Ông là thầy cả của vùng, con cháu đủ đầy, ai nấy đều đã yên bề gia thất nên mới được mười hai tầng củi để hoả táng. Như thế có nghĩa là ông sớm gặp tổ tiên để đoàn viên, thanh thản ở cõi trời.
Số luật tục chặt chẽ đã khiến nàng phải đứng trên đỉnh đồi để dán mắt vào đám hoả táng mà đoán định xem điều này có đúng không. Nhưng làm thế nào để thấy được những điều đó thì bố nàng, em trai nàng đều không nói rõ rành được.
Khi bố và em trai về đến nhà thì đã quá giờ Tý. Nàng nằm trong buồng riêng của mình. Hai người thầy ấy không biết nàng thường vi phạm luật tục của bản cấm đàn bà con gái nhìn đám thiêu. Nếu người bản biết thì bố và em sẽ không bao giờ được mời đi cúng nữa. Hai thầy nhà nàng đều say ngà ngật, nhưng vẫn ngồi uống chè.
– Bố, tối qua, bố không làm phép đốt tim? Sao vậy?
– Chắc là quên thôi.
– Con biết bố không quên mà. Một người đàn bà, lâu lắm rồi mới được chín tầng củi, đấy là quá lệ. Bố không thể quên những việc cần làm. Không ai để ý nhưng con biết.
– Con để ý quá kỹ không tốt đâu.
– Con rồi cũng sẽ thay việc của bố nên phải để ý chứ.
– Nhìn ra việc làm không phải làm, thế là sắp đứng chủ đám được rồi đấy.
– Còn nhiều việc bố chưa dạy, con sẽ học dần, nhưng trong đám này con thấy tâm trạng bố không được tốt.
Bố trầm ngâm. Nhưng nàng biết, bố không muốn nói ra. Bao nhiêu năm nay nàng và bố đã giữ kín rồi. Bố sợ nếu em biết sẽ không khách quan trong các đám tang cho người nhà họ Triệu. Để làm được điều này, bố và nàng đã phải khổ sở thế nào.
Thằng Tếnh, sau hôm ở trên đồi chẳng hề đến gần nàng. Nàng cũng chẳng để tâm, vẫn miệt mài với những chiếc ví, chiếc khăn rực rỡ khoác lên vai những du khách nước ngoài hiếu kỳ. Cho đến khi nhà họ Triệu có một đám cưới. Nàng không đi dự, bởi nàng ý thức được mình không được đón chào ở một đám vui vẻ như vậy. Nàng từ lâu đã như điều gở của bản khi xuất hiện ở nơi vui vẻ. Trong bản, tiếng hát Páo Dung véo von từ đằng trai sang đằng gái, lại từ đằng gái sang đằng trai. Cô dâu đã được đón về rồi, nên đám trai càng say sưa với đám gái từ bên nhà gái sang, càng hát càng đượm. Nàng ước, giá mình được đứng trong đám gái ấy để cất lên lời hát mình đang nghĩ. “Đường lên nhà em rộng, cổng vào nhà em quang, hoa nhà em nở nhiều mà chưa con ong nào đến làm mật”. Nghĩ thế mà nàng đã hát thành lời rồi. Nàng tự giật mình với chính lời hát của mình thì ít mà giật mình với lời hát đáp lại thì nhiều. “Ong đã đi nhiều nơi, đã bay ngang nhiều đồi, đã tìm thấy hoa đẹp, mà không dám làm mật em ơi!” Là của anh Sỉnh. Sao anh lại ở đây? Đám hát vẫn đang hát kia mà. Đêm nay anh là chú rể, phải ở đám hát và đưa cô dâu vào buồng chứ, sang đây làm gì?
– Tôi sang với Dảnh!
– Không được mà. Anh đừng làm gở thế. Mọi người biết là chết đấy! Anh về đi!
– Tôi không về được. Tôi không thích Dỉ, tôi thích Dảnh!
– Anh đừng tiến đến, tôi kêu lên là anh và tôi cùng chết đấy. Mà tôi thì như đã chết lâu rồi anh không biết à? Anh đừng tự chết chung với tôi.
Nàng đã lùi ra xa, đã chạy mà Sỉnh vẫn túm được. Nàng muốn hét nhưng thực sự không hét nổi, nàng sợ làm xấu mặt Dỉ. Nó còn chưa được làm dâu mà. Nhưng nàng đã bị Sỉnh ôm gọn, ghì xiết đến nghẹt thở. Nàng há mồm định cắn một cái thật đau để hắn thả nàng ra. Đột ngột nàng nhận ra cái mùi… mùi giống với mùi của người làm nàng đau hôm ở trên đồi vắng. Mùi này nàng không nhầm với ai được, mùi này không giống mùi thằng Tếnh. Nàng hiểu rồi, hắn là người họ Triệu, là hắn, chính hắn đã hại nàng. Và giờ hắn nghĩ nàng chẳng còn gì nên đến hại nàng tiếp sao. Nghĩ thế, nàng giơ chân đạp một phát. Hắn bị bất ngờ ngã lăn ra và nàng chạy. Lần này thì nàng không ngồi lì mà khóc vì sợ nữa, nàng chạy vì kinh tởm.
Đằng sau, tiếng Páo Dung vẫn véo von trong đêm thẳm. Càng đêm, càng rượu tiếng hát bên trai càng nồng, bên gái càng đượm mà lòng nàng càng đắng. Nàng đã nhận ra cái mùi ấy thì phải làm sao. Hắn đã lại về bên đám hát, chứng tỏ nàng trong lòng hắn cũng chẳng là cái gì. Một phút nuối tiếc trước khi vào cuộc sống vợ chồng hắn nhớ đến chiều trên đồi vắng mà tìm đến nàng thôi. Ngày mai, hắn và Dỉ sẽ như ong với hoa chứ nàng có là gì. Vậy thì nàng phải thế nào với cuộc đời của mình đây? Nói ra hay không nói ra? Hay ngay bây giờ đến đám cưới để vạch trần bộ mặt của chú rể. Rồi vạch ra thì nàng được gì?
Nàng nghĩ, mình đã từng chịu đựng bao ngày nay. Sự chịu đựng của cuộc đời nàng đến thế là đủ rồi. Từ giờ đến cuối đời, dù có đi ngang hắn nàng vẫn sẽ chịu đựng được.
Thế nhưng, sự chịu đựng của nàng trong âm thầm chỉ kéo dài đến khi Dỉ đẻ con. Chiều trên đồi vắng năm nào, nàng vẫn miệt mài với từng đường kim trên những mảnh vải chàm để làm những tấm khăn biết nói lên bản sắc của người Dao trên đỉnh Lùng Vài và nói cả điều nàng đang chịu đựng. Thế mà hắn lại xuất hiện. Lần này hắn không làm nàng bất ngờ và đau đớn như lần trước. Bóng hắn đổ dài trên triền đồi và có phần xám, khiến nàng nhận ra hắn gầy quá, người không còn sức và hơi thở mỏng lắm. Hắn ngồi xuống cạnh nàng rất nhẹ. Nàng dịch ra vì vẫn còn kinh hãi việc hắn đã hại nàng.
– Dảnh đừng sợ. Tôi không hại Dảnh nữa đâu.
– Anh đến đây làm gì? Tôi không muốn nhìn thấy mặt anh. Đừng làm tôi khổ thêm nữa.
– Tôi không làm Dảnh khổ nữa. Tôi đến van Dảnh một việc.
– Anh còn mặt mũi nữa sao?
– Tôi biết Dảnh đã chịu đựng, đã không nói ra là tôi mang ơn lắm. Nhưng tội tôi gây ra tôi đã phải trả giá rồi Dảnh ạ! Tôi đã bị ung thư!
– ….
– Tôi bị ung thư gan rồi. Người mình nghĩ, lá gan là nơi chứa đựng tình cảm nhất của con người. Tôi đã làm điều xấu hại Dảnh, giờ tổ tiên đã phạt tôi hỏng lá gan để báo tội rồi Dảnh ạ! Tôi không sống được lâu nữa. Tôi đến xin Dảnh giúp tôi được thiêu.
– ….
– Dảnh im lặng bao nhiêu ngày nay là tôi biết đã giúp tôi nhiều lắm. Nhưng nếu tôi chết mà bố Dảnh không làm thầy cả trong đám của tôi thì cả làng sẽ biết tôi có tội. Có tội thì sẽ không vinh hạnh được thiêu. Thế thì sẽ không được đầu thai. Tôi ân hận lắm rồi. Cầu xin Dảnh tha tội mà giúp tôi với.
Nàng không nghĩ được gì nữa. Sao hắn lại phải trả giá đắt đến vậy. Nàng không biết sự linh nghiệm trong sự trừng phạt của tổ tiên có thật hay không, nhưng đến giờ, có lẽ là thật. Và hắn đang van xin nàng. Nếu nàng tha thứ thì hắn sẽ được bố nàng làm thầy dẫn đường đi gặp tổ tiên và được thiêu như bao người đàn ông đã được cấp sắc của bản. Nếu nàng không tha thứ thì tất cả mọi chuyện đều phải được nói rõ ràng với cả bản. Nàng thật sự không biết nên thế nào. Nàng cứ ngồi thế. Hắn cũng cứ ngồi thế. Trời tối từ bao giờ cả hắn và nàng đều không để ý. Bố đứng đằng sau lúc nào không biết. Bố bảo: “Tối rồi! Về thôi! Việc đó cần phải nghĩ nhiều mới biết nên thế nào!”
– Ôi trời! Bố!
Hắn cuống quýt khi nhận ra bố đã đứng đằng sau. Hắn đã quỳ mọp van xin bố tha thứ, van xin bố làm thầy giúp hắn và van xin bố cho hắn được thiêu chứ đừng phải chôn. Hắn cứ ngật lên ngật xuống cái thân xám mỏng ấy. Bố thì kéo nàng về.
Và từ đó cả bố và nàng không dám nói với nhau câu nào. Lòng bố thế nào nàng không đoán định được. Mà lòng nàng ra sao, bố có liệu được không? Nàng không dám mở lời. Nàng đã và đang chịu đựng, còn bố đang chịu đựng cho đến khi Sỉnh nằm xuống, bởi có nói ra bây giờ cũng chưa chắc lòng bố có thay đổi không, dẫu biết rằng lòng của một người làm thầy thì chắc lắm. Chính bố cũng không nói cho nàng biết quyết định của mình. Còn nàng thì sợ. Sợ động chạm đến điểm cuối cùng trong lòng bố về đứa con gái bất hạnh. Nàng sợ nếu xin bố tha thứ cho Sỉnh mà bố lại làm ngược lại. Thế nên nàng đành tiếp tục chịu đựng.
Và Sỉnh nằm xuống, rồi cho đến cụ Nụm ngày hôm nay, bố và nàng vẫn im lặng. Sức chịu đựng của bố trong đám cụ Nụm mới thực sự là lớn chứ có lẽ đám của Sỉnh vẫn nhẹ hơn. Bố và em vẫn nói chuyện ngoài nhà. Nàng vẫn nằm đây. Bố biết giờ chỉ là nói hay không nói cho em biết mà thôi. Đã nhiều lần bố định nói, song lại thôi. Bố sợ em biết thì sẽ không nhận lời làm thầy cho những đám nhà họ Triệu, bởi em còn trẻ, sự bỏ qua trong lòng em chưa nhiều. Rồi không giữ được lời nói trong bụng thì dòng họ Triệu sẽ bị cả bản khinh, sẽ không sống nổi ở bản. Nhưng hôm nay, bố nói với hy vọng, em đã thấy bố và chị gái sống để giữ kín bao nhiêu năm thì em cũng giữ được để làm người, làm thầy cúng cho người Dao.
– Có phải cụ Nụm là họ hàng nhà thằng Tếnh không?
– Một phần thôi. Mà là… người làm hại chị gái con chính là con trai bà ấy.
– Hả? Sao bố biết? Biết từ bao giờ? Sao không họp bản phạt? Bố là thầy cả cơ mà?
– Để giúp thằng Tếnh lấy vợ. Để phá vinh hạnh của dòng họ nhà mình không được thiêu trên mười hai tầng củi, không được lên mười hai tầng trời.
– Sao bố biết? Sao bố còn cúng cho nó?
– Là tự trong lòng chị con bỏ qua được, bố đã thuận theo và giờ con cũng nên thuận theo thôi.
– Âm mưu này là của bố thằng Tếnh đúng không?
– Đúng, nhưng người thực hiện lại là thằng Sỉnh. Biết làm sao được!
– Phá vinh hạnh của một dòng họ lớn hơn cuộc đời một đứa con gái sao? Nhà họ Triệu xúi thằng Sỉnh đúng không bố?
Em nàng hỏi thế, còn bố thì ngồi im. Em đi vào cửa buồng nhìn nàng rồi đi ra chỗ bố. Người ta đã lợi dụng phong tục tập quán để hại nàng, để bố nàng dù là thầy cúng cao tay nhất trong vùng, được cấp mười hai sắc cũng không được lên mười hai tầng trời. Cả em trai nàng nữa, còn nàng cùng thế hệ không được “trọn vẹn” thì cũng không lên được mười hai tầng trời. Nếu một dòng họ ba đời được lên mười hai tầng trời thì sẽ làm vua thống trị trên trời, dưới đất.
Cuộc đời nàng đã bị định đoạt vì những điều không thể nhìn thấy thì nàng còn biết làm gì nữa. Để đến bây giờ, chiều nào cũng vậy, nàng giúp bố thêu áo cúng. Từng đường kim tỉ mẩn, nàng muốn tấm áo của bố toàn mĩ từ sợi chỉ nhỏ nhất. Vì nó sẽ là tấm áo thiêng liêng nhất của thầy cúng trong các buổi cúng. Sau nữa là cái mũ đầy uy quyền của một thầy cả trong đám. Trang phục này, lúc nào bố mặc vào cũng thấy mình là sợi dây thần diệu nhất nối giữa trời và người. Đứa con gái này, luôn luôn là niềm tự hào từ trong tâm khảm bố. Duy có một điều bố không giúp nàng được và nàng cũng không thể giúp bố nữa. Mãi đến khi hết đời nàng thì dòng họ này lại phải làm lại từ đầu để đến khi ai đó được thiêu bằng mười hai tầng củi mới được coi là toàn mĩ.
Tác giả: Chu Thị Minh Huệ – Diễn đọc: Minh Nguyệt
Từ khóaChu Thị Minh Huệ Minh Nguyệt tầng trời
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …