RadioVn.Com – Bao giờ cũng vậy, lần trước tựa lần sau, cứ mỗi khi thằng Dân, chân trần chậm rãi cuốc bộ lên đồi Cháy, mon men lại gần, cất tiếng hỏi thật to, đại loại: “ Cô Thoa tìm cái gì mà đào đào, bới bới hoài vậy” thì y như rằng, người đàn bà ấy dừng cuốc, ngước mắt nhìn nó rồi đưa cả hai bàn tay ra làm dấu, chỉ chỉ, trỏ trỏ, miệng ú ớ, khuôn mặt gầy, sạm nắng giãn ra, chừng muốn bộc lộ điều gì đó quan trọng lắm.
Nhưng chịu, thằng Dân chỉ biết đứng nhìn cho qua chuyện. Có trời mới biết người đàn bàn câm ấy giải thích gì. Mà đâu chỉ mình thằng Dân, với mọi người lớn bé trong làng đều thế cả, chẳng ai hiểu nổi việc làm của người đàn bà bất hạnh ấy.
Khùng. Điên. Trời hành. Chập mạch … Thôi thì biết bao biệt danh chẳng mấy hay hớm được người làng Vông gán cho bà Thoa. Nhưng gán là gán vậy, chẳng qua do bực dọc, không hiểu , chứ thực ra chẳng ai giận dỗi, thù ghét người đàn bà câm ấy làm gì.
Bà có làm phiền ai đâu mà ghét, mà giận. Ngày nọ nối ngày kia với tấm thân gầy gầy, đen đúa, bà Thoa củ chỉ, củ chì với khu vườn và mấy thửa ruộng, lúc vui cũng thế, lúc buồn cũng thế, gặp ai cũng chỉ chỉ, trỏ trỏ, còn miệng thì ú ú, ớ ớ, có khi nước bọt đọng trắng khóe mép mà chẳng làm cho ai biết được điều mình muốn nói.
Sở dĩ người ta gọi bà Thoa là kẻ điên, kẻ trời hành là do thỉnh thoảng bà lại vác cuốc lên đồi Cháy đào đào, bới bới một cách sốt sắng, bí ẩn, cứ như ở đó có một kho báu của cha ông được cất giấu lâu đời. Mà đồi Cháy thì người làng Vông còn lạ gì, một ngọn đồi cao, đầy đá lớn, đá nhỏ, nằm ngay ở đầu làng, gối lên cánh đồng rộng, trùng điệp thửa lớn, thửa nhỏ. ở đó đất xấu đến nỗi, mùa hè cỏ không mọc nổi, nắng nung trụi hết, chỉ có vài bụi sim mua lúp xúp và những gốc cây duối gốc trắng, rễ cắm sâu, chịu đựng được sự cằn cỗi, khô nóng như thách thức với trời đất, bốn mùa tỏa đầy những chiếc lá nhỏ xíu, đứng xa nhìn cây nào cây nấy giống những đụn rơm màu xanh.
Nhiều người bảo, ngày xưa số cây duối có trên đồi Cháy nhiều hơn bây giờ. Những năm chiến tranh ác liệt, bom Mỹ dội xuống đây chẳng biết bao nhiêu đợt, đã nhổ bật gốc không ít thứ cây chịu được nắng gió này, và lắm khối đá to đã bị đào lên, vỡ ra, vung vãi. Ngọn đòi lồi lõm bởi hố sâu, hố cạn.
Người làng Vông quanh năm đầu tắt mặt tối với lúa, với ngô, ít ai lên đồi Cháy, trong khi người đàn bà câm ấy thì thường xuyên, cần mẫn. Thế mới lạ!
Mười Hai Cây Duối – Hoàng Nhật Tuyên
Bà tìm gì? Có thể do một oan hồn vất vưởng nào đó hợp tuổi, hợp mạng quấn quýt, hành hạ, bắt bà phải làm cái việc chẳng đâu vào đâu ấy. Một lão thầy cúng ở xã bên, có lần cắp chiếc dù đen dưới nách, đủng đỉnh tạt ngang qua, thấy vậy liền phán, và thế là cái ý nghĩ đầy màu sắc ma quỉ tồn tại âm ỉ ở làng quê ấy bỗng dưng lan đi khắp vùng. Cả chuyện bà Thoa vốn là người bình thường bỗng dưng bị câm “ ngang xương lòng” và đứa con gái do bà đẻ ra không rõ cha là ai cũng đã trở thành đề tài bàn tán rôm rả ở các xóm vào những lúc người ta rảnh rỗi ngồi tụm năm, tụm ba.
Theo số anh em du kích còn lại ít ỏi ở xã sau chiến tranh thì vào cái năm sáu mươi chín, vùng đất An Hạ ở trong tình thế ác liệt chưa từng thấy, tất cả dân chúng bị bắt hết vào khu dồn nằm bên kia sông. Vườn hoang. Đồng toàn cỏ và lau lách cao lút đầu người, lạc vào chẳng khác nào lạc giữa rừng. Những bờ tre, nơi cháy đen, nơi dập nát, trơ trụi vì bom, vì đạn. Quân Mỹ, lúc đổ bộ, lúc có xe tăng liên tục càn quét và những trận đánh lớn nối tiếp nhau diễn ra. Thế rồi sau trận chống càn với nhiều mất mát nặng nề của một đơn vị bộ đội chủ lực, trên con đường nhỏ ven cánh đồng ở làng Vông, mấy chiến sĩ du kích của xã trong khi tháo chạy, trở về bám địch đã bất ngờ phát hiện một phụ nữ mặt mày nhem nhuốc thuốc đạn và bùn đất, nằm bất động. Xem kỹ thì hóa ra đó là cô gái tên Thoa, một cô gái mồ côi của làng Vông.
Thoa bị bắt vào khu dồn của địch từ lâu, chẳng biết đã trốn về từ lúc nào? Câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đã thế, được đưa vào quân y viện dã chiến trong rừng, được cứu sống, tỉnh lại, người con gái ấy bỗng dưng mất tiếng, trở nên câm, và khi ra khỏi rừng, trời ạ, bụng cô lớn dần.
Đích thị cô nàng mang bầu. Chỉ nhìn cái bụng là biết nhưng bầu với ai, đố mà biết? Hỏi dò, rồi gạn hỏi, cũng chịu. Cả đội du kích, có nam, có nữ, ai cũng bất lực trước lối giải thích bằng tay của người câm. Đưa bút, đưa giấy. Lắc đầu. Từ nhỏ , nhà nghèo, chuyên đi ở giữ em cho người khác, cô ta có được đi học ngày nào đâu mà biết viết. Mọi chuyện cứ thế nằm trong bí ẩn. Thôi mặc, có với ai cũng được. Chẳng còn cách nào tốt hơn, anh em du kích đành cưu mang Thoa tại hậu cứ.
Mùa xuân năm kế tiếp, một bé gái không rõ cha là ai đã ra đời . Con bé xinh đáo để, da trắng, mắt tròn xoe, được đặt tên là Hiền. Cũng may, giai đoạn sau đó, sự khốc liệt của vùng đất An Hạ giảm dần. Bé Hiền lớn lên trong sự đùm bọc của mọi người cho đến ngày đất nước hòa bình, nó lon ton chạy theo mẹ trở lại làng Vông.
Mười hai cây. Tất cả còn lại mười hai cây duối trên đồi Cháy sau chiến tranh với những cái gốc bị mảnh bom, mảnh đạn làm cho lỗ chỗ, sần sùi. Thằng Dân không bao giờ quên con số mười hai ấy vì nó đã đếm tới, đếm lui không biết cơ man nào mà kể, đếm từ triền đồi này qua triền đồi kia và ngược lại, có lúc đếm từ xa, có lúc đứng ngay giữa đồi rồi xoay người để đếm. Mười hai cây, cành ngoặt ngoẹo, lá chỉ bằng đồng xu nhưng ken dày, xanh suốt bốn mùa.
Dân là thằng bé ra đời đúng vào ngày làng trên xóm dưới treo đầy cờ đỏ, tưng bừng chào mùng năm năm đất nước thống nhất, nhưng oái oăm thay, đó không phải là đứa may mắn. Một quả bom bi của Mỹ ẩn mình trong lòng đất bên cạnh cái hồ sen đầy những hoa trắng, trong ngày đẹp trời đã bất ngờ nổ tung, khi lưỡi cuốc vô tình đụng tới, đã đẩy nó vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, khi vừa qua dịp thôi nôi, miệng đang còn vấy sữa.
Ông Khóa, ông ngoại thằng Dân – một người cô độc, nghèo và khắc khổ đã mang nó về làng Vông nuôi với sự vụng về của đôi bàn tay lớn tuổi, khô cứng. Bảy tuổi, khi đang học lớp hai, đến trường một buổi, buổi còn lại thằng Dân phải bắt đầu giúp ông giữ con trâu Bay có cặp sừng dài ngoẵng và cong cong giống như hai trái ớt khổng lồ trên đầu, do ông Khóa nuôi thuê của người khác để đến mùa đi cày cho thiên hạ, lấy thóc.
Thoạt đầu, cưỡi con Bay đến ven đồi Cháy, thằng Dân sợ lắm, nhất là những lúc chiều xuống, gió thổi qua đồi, lồng vào các ngọn duối rậm lá phát ra tiếng u u, trong khi người đàn bà câm giữa cảnh vắng vẻ, cô tịch, một mình vất vưởng với chiếc cuốc, đào đào, bới bới.
Nhưng rồi thằng Dân cũng quen và dạn dĩ dần, chẳng mấy lâu nó đã chạy nhảy trên khắp ngọn đồi, ngồi vắt chân trên mấy tảng đá lớn, hát nghêu ngao hoặc nằm duỗi chân ngắm những đám mây trắng như những đám bọt khổng lồ bị gió đẩy lơ lửng trên nền trời xanh thẳm.
Khi mùa duối chín, tranh nhau với lũ chim chào mào đít đỏ, thằng bé đứng trên lưng trâu lần lượt gỡ từng quả vàng mọng, chỉ to bằng đầu đũa nhưng ngọt lịm, bỏ vào miệng cho tới khi chán mới thôi. Thỉnh thoảng nó cũng tiến sát lại bên người đàn bà câm và hỏi. Song hỏi để mà hỏi vậy thôi, chứ mọi thứ đối với nó quen thuộc quá rồi. Nó coi chuyện đào bới kia là việc tất nhiên phải làm của người đàn bà dở dở ương ương. Nhiều buổi, mặc cho người đàn bà kia cứ moi móc đất đá, thằng bé vẫn nằm ngửa dưới bóng cây nhìn mấy chú chim vàng nghệ cong đuôi nhảy nhót, bắt sâu.
Mùa gặt đi qua, mùa cày lại tới, và cứ thế, thằng Dân lớn lên, nhắm mắt cũng thuộc lòng từng cái bờ ruộng đầy vết chân trâu, từng tảng đá trên đồi, quen thuộc cả ngôi nhà tranh nằm sau bờ tre phía bên kia đồi Cháy, nơi người đàn bà câm và cô gái tên Hiền đang ở.
Tại cái làng nhỏ như làng Vông, chuyện gì người lớn biết thì với trẻ con cũng chẳng ai bịt tai được. Bọn chúng biết cả và rỉ rả truyền nhau. Thằng Dân từng nghe kể chẳng phải một lần về sự ra đời của Hiền, nhưng có gì quan trọng đâu, một đứa bé chăn trâu chất phác như nó, hễ được ai thương yêu tử tế thì nó cũng tử tế, hết lòng. Một câu hỏi âu yếm, một khúc sắn nấu của Hiền cho giữa buổi làm nó xúc động và đã trở thành cái gạch nối, tạo nên sự thân thiết của hai chị em cùng cảnh. Rồi nhiều bữa trời u ám như cái chảo lớn úp trên đầu, xám xịt, mưa dầm liu riu, ngồi trên lưng con trâu, bọ mắt bu đầy, hai trái chân đỏ rực lên vì mụn rạ, thằng Dân liền vòng dây cho trâu tự ăn, bỏ vào ngôi nhà nhỏ cho đỡ lạnh.
Thằng bé thích thú ngồi ngửa đầu, để cho người con gái lớn hơn nó đến hơn mười tuổi, lần những ngón tay mềm mại lục tìm trong mái tóc khét nắng, tuốt từng cái trứng chấy nhỏ xíu bỏ vào bếp lửa. Không ai nói ra, nhưng tình cảm giữa hai đứa như chị em ruột, rất hồn nhiên, cứ thế lớn dần.
Ngày làm mùa, khi ông Khóa cày giúp ruộng cho bà Thoa, chẳng đợi ai bảo, thằng Dân tự nguyện cuốc góc, ria bờ, sốt sắng như lo cho ruộng của mình. Mùa lụt , nước từ con suối Tranh tràn lên ngập đồng, ngập vườn, thằng Dân chèo chiếc bè chuối đi bắt dế. Những chú dế cơm, bụng đầy mỡ, mướt tròn, ướt át, bám rải rác trên những ngọn bắp khô lần lượt bị thằng Dân bắt, rồi dùng cọng cỏ xâu qua cổ, xách về. Khuôn mặt của Hiền rạng rỡ khi được thằng bé chèo bè, ghé lại để cho một phần. Cũng có khi hai chị em cùng ngồi trên chiếc bè trôi chậm chạp giữa dòng nước đục lênh láng. Giọng Hiền lúc nào cũng trong veo, vang lên cùng tiếng khua nước lõm bõm của cây sào tre trên đôi tay còn non nớt. Có lần, chẳng hiểu cô gái sơ ý thế nào mà chiếc bè bỗng tròng trành, nghiêng hẳn, và trong phút chốc, cả hai chị em đổ nhào, ướt sũng.
Dạo ấy, thằng Dân đã ở tuổi mười ba, và sau sự cố bè nghiêng, trên đường quay về, lần đầu tiên nó tò mò, chú ý tới vẻ đẹp đầy đường nét của người cùng đi trong bộ quần áo đẫm nước, dính sát vào da thịt. Cu cậu chợt nóng bừng người khi thấy người chị gái cùng làng vươn vươn hai bàn tay ra sau vuốt mái tóc, làm cho bộ ngực vốn căng tròn ưỡn tới trước, nhấp nhô một cách ương bướng như muốn thoát ra khỏi làn áo.
Cũng từ đó, thằng Dân càng thấy thương Hiền nhiều hơn. Lý do Hiền chưa lấy được chồng vấn vít trong đầu của nó. ở vùng An Hạ, con gái lớn lên hầu hết có chồng ở tuổi mười chín, hai mươi. Hai mươi mốt tuổi trở đi chưa lấy chồng, bị gọi là hâm, là ế. Thế mà chị Hiền đã hai bốn, hai lăm rồi. Chị Hiền đẹp nào có thua ai? Nhưng vì sao, nó biết cả! Đơn giản, trong vùng, trong làng chẳng ai đoán được cha chị là ai. Thương đó, song không ai muốn con mình lấy vợ mà không rõ giống, rõ dòng. Có bao nhiêu hoài nghi. Người bảo chị Hiền là con của một chiến sĩ du kích xã – tên Hùng, đã hy sinh. Người lại bảo, có thể mẹ chị đã bị một tên lính ngụy nào đó hãm hiếp để rồi có chị. Oái oăm, có kẻ khôi hài còn đùa bỡn rằng, mũi chị giống người này, con mắt thì giống người kia… Nhiều chàng trai trẻ thấy chị Hiền đẹp, tới tới, lui lui. Nhưng tới lui để đùa, để cợt. Tới rồi đi lặng lẽ. Thằng Dân nhận thấy nét buồn ẩn sâu trong đôi mắt của người chị gái mỗi khi có đám cưới nhà ai rồng rắn đi ngang qua đường làng.
Còn người mẹ câm, có buồn, có lo không, thằng bé thường tự hỏi, song không đoán nổi, chỉ thấy số lần bà lên đồi Cháy loay hoay chỗ mấy đống đá nhiều hơn, cả những lúc gió lạnh rào rào tạt qua đồi bà vẫn thế, tìm kiếm cần mẫn như có món nợ với trời cần phải trả.
Cho trâu ăn, làm đồng, một buổi đến trường, ngày tiếp ngày, dần dà thằng Dân chẳng còn bao lâu nữa sẽ kết thúc năm học lớp tám. Dạo ấy, đồng trên đồng dưới được mùa và một con đập ngăn Suối Tranh, lấy nước vào ruộng cũng vừa được xây dựng xong. Cán bộ huyện, xã tỏa về các thôn làng họp dân, vận động làm lúa ba vụ. Lắm người đồng ý, cũng lắm ý kiến bàn tán không đồng tình vì chẳng muốn làm trái lệ đã có từ hàng trăm năm trước.Tuy vậy, chủ trương của trên chẳng ai dám cản.
Một đơn vị bộ đội, chẳng rõ từ cấp nào, trong buổi chiều giống như đi hành quân đã đổ về An Hạ. Làng xóm trở nên rộn rã. Hóa ra bộ đội về các làng để giúp dân. Ngoài đồng đâu đâu cũng thấy mũ cối xanh nhấp nhô cùng nón lá. Những đám lúa vừa gặt đập đến đâu được cuốc lật ngay đến đó. Người lớn nhắc lại những lần bộ đội về làng hồi kháng chiến. Còn con trẻ thì khỏi nói, đứa nào cũng mang mấy anh bộ đội ở nhà mình mà khoe, mà bàn tán, so sánh.
Mười Hai Cây Duối – Hoàng Nhật Tuyên
ở nhờ nhà ông Khóa có anh Cường, sĩ quan trẻ chưa vợ. Chỉ mới ngày đầu gặp nhau, thằng Dân và anh đã trở nên thân thiết. Ngấm ngầm chẳng nói cho ai hay, trưa trưa, thằng bé rủ Cường băng đồng, vòng qua bên kia đồi Cháy, vào chơi nhà người đàn bà câm. Thằng bé mọi ngày ít lời, vậy mà giờ đây miệng cứ như tép nhảy, hết khen anh Cường nhanh nhẹn lại khen chị Hiền đảm đang. Nó làm đủ trò, như một ông mối trẻ con, giục chị Hiền nấu khoai, đun nước. Có khi nó còn chui xuống mương sâu, đào bắt mấy con lươn, đem về đổi cho bà Hường béo ở đầu chợ, để lấy gói thuốc lá rồi đem về đưa cho Cường, thủ thỉ : “ Chị Hiền tặng”.
Chưa đầy hai mươi ngày, người làng Vông lúa trong nhà chưa vào bồ hết, mà ngoài đồng mạ đã gieo xong. Thằng Dân vui hẳn vì thấy mấy lần Cường không rủ nó, chỉ lặng lẽ một mình đi vòng qua bên kia đồi Cháy. Thích nhau rồi! Thằng bé mừng nhưng không dám hé miệng. Ngày bộ đội rút quân, nó mang ba lô cho Cường đến tận cuối làng, rồi dặn : “Phải nhớ gửi thư cho chị Hiền”.
Trên những thửa ruộng bậc thang no nước, lúa vừa sạ đã vươn mầm mây mẩy và chẳng mấy ngày, cả cánh đồng, chỗ nào cũng mơn mởn một màu xanh non đến mát mắt.
Nghêu ngao trên lưng con Bay, thỉnh thoảng gặp Hiền, thằng Dân cất tiếng hỏi:
-Anh Cường đã gửi thư chưa?
Lòng thằng bé se buồn trước những cái lắc đầu. Nó không hiểu họ đã hứa hẹn gì với nhau.
Mấy tháng trôi đi, ở các vườn cây, ve bắt đầu râm ran. Lúa sạ ngày nào giờ đã lên đồng. Thằng Dân nghỉ hè, để có củi đun bếp, nó nhờ ông ngoại chăn trâu, mài rựa theo những người lớn vào rừng. Chiều nay, sau chuyến đi mấy ngày trở về cùng bè củi xuôi dòng trên sông Cái, vừa đến làng Vông, thằng Dân nghe bọn nhỏ báo tin nhà chị Hiền có người ăn hỏi. Nửa tin, nửa ngờ: Chẳng lẽ anh Cường? Dắt cái rựa lên tấm phên tre rồi cứ để đôi chân trần, thằng bé bước vội khỏi nhà. ở cái giếng làng, thấy con Hà đang múc nước, trên tay còn giữ sợi dây gàu, nó hỏi:
-Có phải anh Cường ăn hỏi chị Hiền không?
Con bé gật đầu. Chẳng kịp hỏi thêm, thằng Dân chạy thẳng ra đồng, mấy lần chân nó sụp xuống cái bờ ruộng nhỏ. Nhưng có sao đâu, nó quen rồi. Lòng nó đang vui. Không ít lần nó đã bực bội nghĩ, anh Cường có lẽ cũng chỉ là anh chàng mù mờ thôi… Còn bây giờ, anh ấy đã trở lại… Thế chứ, chị Hiền chuyến này không thể không có chồng.
Trên đồi Cháy, nắng chiều trải một màu vàng sáng với mười hai cây duối vẫn đứng xanh, trầm mặc. Bước chân thằng Dân lạo xạo, vượt theo triền dốc để lên đỉnh đồi. Ơ kìa, nghe nói sáng nay nhà có việc quan trọng, sao bây giờ cô ấy lại ngồi ở đây? Bước chân thằng bé khựng lại. Trước mặt nó, gần tảng đá lớn, bà Thoa đang ngồi gục đầu xuống gối, mái tóc dài bung ra, rũ rượi, bên cạnh đó là chiếc cuốc có cán bằng tre nhẵn bóng nằm sóng soài.
– Đúng là bà mát mát!-Thằng Dân lẩm bẩm một cách khó chịu, định đi thẳng. Nhưng được vài bước, văng vẳng bên nó có tiếng khóc thút thít . Ai khóc? Chẳng có ai cả. Nhìn quanh, và trong chốc lát tay chân nó run lấy bẩy vì nhận ra tiếng khóc xuất hiện chỗ người đàn bà câm. Tưởng tai mình nhầm, song thằng Dân không hề nhầm khi quay lại.
-Cô ơi! Cô Thoa ơi!-Thằng bé lắc vai người đàn bà. Một khuôn mặt đen đúa, đầm đìa nước mắt ngẩng lên nhìn nó, rồi như người chưa bị câm bao giờ, bà Thoa vừa chỉ tay vào đống đá, vừa mếu máo với giọng đứt quãng:
– Cháu ơi … Cha .. con Hiền.. bị bom … lấp… dưới này!
Sợ hãi. Luống cuống. Người thằng Dân lạnh toát tưởng như mình đang mơ. Nó lùi lại rồi ù chạy.
Tại ngôi nhà tranh phía bên kia đồi, gặp anh Cường, chị Hiền và mấy người mặc quân phục đang ngồi nói chuyện, nhưng thằng bé chẳng kịp chào ai, với khuôn mặt tái mét, nó vừa thở hổn hển, vừa lấy sức để nói, tiếng nọ chồng lên tiếng kia:
-Cô Thoa… Cô Thoa nói được rồi. Cô Thoa đang khóc trên đồi Cháy …
Nghe vậy, ai nấy đều ngạc nhiên, song trong lúc đang phấn khích ấy, thằng Dân chẳng kịp giải thích cụ thể gì hơn. Nó tiếp tục chạy khắp các ngõ, các xóm, thấy ai cũng gấp gáp, báo cái tin tưởng chừng không thể xảy ra trên đời.
Chưa bao giờ bà con làng Vông tập trung lên đồi Cháy nhiều đến thế. Trên nền đồi đầy nắng, lốc nhốc sỏi đá, người ta túm tụm bàn tán xôn xao. Ai nấy đều mừng rỡ, cho rằng, có thể sự kiện con gái có người ăn hỏi đã làm bà câm chấn động mạnh, bật thành lời. Kinh ngạc hơn, sau một lúc đào bới, dùng đòn, xeo, nạy cật lực, mồ hôi đọng thành giọt trên những tấm lưng trần, đám trai làng Vông đã phát hiện căn hầm bị chôn vùi từ hồi chống Mỹ, dưới lớp đất đá, ba người lính trong tư thế đang ngồi, da thịt , quần áo bị mối xông vàng óng, bên cạnh là khẩu pháo cao xạ mười hai ly bảy hoen rỉ, có nòng dài ngoẵng chĩa lên trời cao. Bà Thoa ôm lấy “người lính đất” cao nhất ngồi giữa hầm, rồi móc ra tấm vải dù hoa bạc màu từ trong cơ thể chiến sĩ mối xông ấy, mếu máo khẳng định, đó chính là Hân, một người chiến sĩ của đơn vị bộ đội chủ lực đã từng yêu thương bà, và Hiền chính là con của anh.
Mọi người càng chộn rộn không kìm được xúc động.
-Có phải đúng là anh ấy không? – Ai đó cất tiếng hỏi .
-Đúng mà…-Bà Thoa đang lom khom dưới cái hầm sâu, mặt không ngước lên, hai tay căng miếng vải dù ra, giọng như nhòe đi – Chính cái tấm dù này…
Thằng Dân chạy lăng xăng giữa cảnh mọi người đang ngạc nhiên bàn tán. Nó cảm thấy bối rối chẳng biết phải làm gì. Nó hoàn toàn chưa bao giờ nghĩ, ngay nơi nó hay ngồi chơi, có lúc nằm lăn lóc lại có người chết ngồi bên dưới.
Hoàng hôn buông dần …
ủy ban xã nghe tin đã xử cán bộ đến ngay, gấp rút chuẩn bị mọi thứ, không ai muốn để hài cốt người mất thấm sương, vì đó là điều tối kị đối với phong tục lâu đời ở vùng An Hạ. Những bó đuốc bằng cây bông trang đập dập, phơi khô, vốn để dành dùng cho việc soi ếch, soi cá ở các gia đình, giờ đây được mang ra đốt đỏ cả ngọn đồi.
Tuy vậy, phải đến sáng hôm sau, ba chiếc quách đóng bằng gỗ mù u, lót vải trắng khâm liệm hài cốt chiến sĩ mới được chuyển về chôn ở nghĩa trang. Trên đồi Cháy chỉ còn khẩu pháo cao xạ nhiều chỗ han rỉ, lồi lõm, có lẽ nặng quá, người ta chưa khiêng đi, để nằm kềnh càng, nòng vươn lên trời.
Buổi chiều, thằng Dân lên đồi. Hái trái duối chín ăn no bụng, nó liền tiến tới xem xét, đùa nghịch với khẩu pháo. Trên cao, cả bầu trời veo vẻo trong một màu xanh ngọc. Gió từ cánh đồng, từng luồng tạt qua đồi, mang theo hương lúa lên đòng thơm thơm, ngọt dịu. Bẻ mấy cành sim phủ lên khẩu pháo để ngụy trang, và như người lính, thằng bé áp má vào cái bệ ngắm còn dính lổn nhổn đất, chốc chốc lại hô: “bắn!”. Tiếng hô trong trẻo, hồn nhiên lan theo gió chiều. Chơi bắn pháo chán chê thằng bé lại nhởn nhơ nhìn quanh đồi Cháy và theo thói quen, nó đếm: Một … hai … ba… Ngọn đồi vẫn còn mười hai cây duối – mười hai tán lá xanh đang mùa lấm tấm trái vàng.
Tác giả: Hoàng Nhật Tuyên – Thự hiện: NSUT. Việt Hùng
Từ khóaHoàng Nhật Tuyên Việt Hùng
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …