Bản Lướt cũng như nhiều vùng sâu, vùng xa khác ở nước ta vẫn còn những nếp nghĩ, quan niệm lạc hậu. Đó là suy nghĩ cho rằng phụ nữ không cần học cao làm gì, chỉ đủ con chữ rồi lấy chồng, sinh con, lo lắng việc gia đình. Vì vậy không ít cô gái trẻ mới đang dang dở học lớp 9, lớp 10 đã phải vội lấy chồng. Biết bao ước mơ, hoài bão, kế hoạch của tuổi trẻ trở nên dang dở bởi việc làm vợ, làm mẹ từ rất sớm. May mắn cho cô gái trẻ tên là Xanh trong câu chuyện không phải chịu cảnh lấy chồng sớm như vậy. Cô lấy cái chết để đe dọa cha mẹ cho mình học hết đại học. Thấy con gái quyết liệt như vậy, ông Quản cha cô đánh chịu nhưng lúc nào cũng canh cánh việc gả chồng cho con. Ông cảm thấy con gái như bom nổ chậm không cẩn thận là làm mất mặt gia đình. Chính vì vậy, tuy Xanh đã ngoài 30 nhưng ông lúc nào cũng để mắt xem cô đi đâu, làm gì, quan hệ cùng ai. Sự quan tâm có phần quá mức của cha khiến Xanh cảm thấy mất tự nhiên trong cuộc sống. Những đồn thổi vu vơ về mối quan hệ giữa cô và anh Dưỡng rồi thái độ sốt ruột của cha khiến tình cảm mới nảy sinh trong lòng Xanh bỗng trở nên rụt rè. May mắn là người yêu cô chủ động tìm đến nói chuyện với ông Quản và tình duyên của họ trở nên trọn vẹn. Truyện ngắn được viết mộc mạc, giản dị về chuyện tình của đôi trai gái nơi vùng cao. Qua câu chuyện tình yêu của cô gái Xanh, người đọc, người nghe hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp sống của các dân tộc thiểu số nước ta. Tuy vậy, mối tình của Xanh với Dưỡng được tác giả miêu tả có phần hơi đơn giản và đưa đẩy quá nhanh. Nếu khai thác thêm cuộc sống nội tâm của Xanh khi đã lớn tuổi vừa thực hiện hoài bão của mình vừa chịu sức ép phải lập gia đình từ cha, mẹ. Thêm thắt những va chạm, hiểu lầm nho nhỏ của đôi trai gái rồi mới nên duyên chồng vợ thì có lẽ truyện ngắn sẽ hấp dẫn hơn với người đọc, người nghe…(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Tháng Chạp mà yên ắng quá. Hay là tại bọn con gái làng Lướt đi lấy chồng hết rồi, đám gái nhỏ thì còn nhỏ quá? Giờ đây, bên bếp lửa nhà nào đó mà bỗng dưng râm ran lên chuyện trai gái, ắt là họ đang nói chuyện Xanh. Vì Xanh là đứa con gái duy nhất ở bản này ba mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng. Khi Xanh mười lăm, mười sáu, ông Quản, cha cô vẫn kẻ cả lên giọng, rằng con gái ông xếp hàng hoa hậu, phải đại gia ngoài thành phố ông mới gả. Những thằng trai nhà giàu cỡ thằng Dùng có cả đàn trâu và hàng mẫu ruộng thấp cũng chưa phải là đối tượng để ông Quản để mắt tới. Chứ đừng nói đến bọn khố rách áo ôm, không cha không mẹ. Kệ ông Quản tính xuôi tính ngược, Xanh chỉ nói nếu bố ép cô lấy người cô không ưa, cô sẽ ăn lá ngón chết!
Bởi vì Xanh biết dùng lá ngón để đe dọa người lớn, nên dù xinh đẹp mà Xanh vẫn học hết phổ thông trung học và thi đỗ đại học. Hai đứa em gái của Xanh đều lấy chồng và có con khi Xanh chưa hoàn thành cái sự học. Các em Xanh tuy không đem về cho ông Quản những con trâu béo nhưng cũng cả đống xi măng, sắt, gạch, ngói. Để ông có thể góp vào số tiền dành dụm cả đời mà xây bốn gian nhà lát gạch hoa thay cho cái nhà sàn lợp lá cọ đã quá cũ. Chả còn cột chồ hay gian thờ đầy những điều kiêng kị. Nhưng lại có cái tivi to đùng em rể thứ mua biếu bố để bố có thể gào đến lạc giọng mỗi khi một cầu thủ người Mường xứ này ghi được bàn thắng trong trận đấu. Chả còn cái bếp lửa thắp hơi ấm đêm ngày quây quần nhưng lại có cái xe máy cũ đứa em rể út tặng bố để bố đi thăm bạn bè mà không lo mỏi chân. Cũng chả còn cái cầu thang bằng gỗ đi lên gian gốc, nơi những lí lối họ Bùi nhà cô luôn hằn sâu như đá tạc. Nhưng lại có bộ ghế nệm bọc da rẻ tiền rất hợp với cái lưng bố sau cả ngày khom cúi ngoài nương ruộng. Cái bài dọa ăn lá ngón tiếp tục đưa Xanh đi trót lọt bốn năm đại học dưới thành phố. Hai mươi tư tuổi, Xanh về bản khi bọn con gái cùng trang lứa đã chồng con hết rồi.
Cái bằng cấp của mày chả bì được cái giấy kết hôn của em mày. Bạn bè mày, những người thầy của mày không bằng một thằng chồng và những đứa trẻ con. Cái va li chữ và sách của mày chẳng thể nào so sánh với chiếc đệm sờn rách, khai rình nước đái trẻ đâu con à. Vứt hết cả đi. Lấy chồng thôi!
Ông Quản hạ tiêu chuẩn đại gia thành phố xuống trai bản nhiều trâu nhưng bọn thằng Dùng đều đã làm rể nhà khác rồi. Ông Quản lại hạ tiêu chuẩn xuống một nấc nữa là chăm chỉ có chí hướng nhưng bọn trai ngày xưa xếp hàng tán tỉnh Xanh giờ cũng đã có nếp nhà riêng và biết cõng con cho vợ giặt tã ngoài suối rồi. Ông Quản vu vơ đánh tiếng không lấy lễ lạt nữa. Lấy rể về ở thôi. Cũng chả có thằng nào đến hỏi.
Mãi sau ông mới biết là bây giờ bọn thanh niên tán nhau bằng điện thoại. Chúng không còn đến nhà ông, chả phải quỵ lụy ông nữa. Mà con Xanh thì không có bất cứ một biểu hiện nào như là nó đang hẹn hò, yêu đương. Con Xanh cũng không đi làm cán bộ. Xã gọi nó bằng giấy tờ hẳn hoi mà nó không thưa. Nó giắt cái bằng đại học lâm nghiệp ở chỗ nào mà ông tìm không thấy. Nó nhận thầu của lâm trường ba héc ta rừng để trồng quế và làm vườn ươm cây giống, suốt ngày ở trên ấy. Rừng quế bốn năm tuổi của nó giờ đây ai nhìn cũng thích. Sáng sớm đi, tối mịt về. Là về hai gian nhà ông làm riêng cho nó từ những thứ còn tận dụng được ở nếp nhà cũ dỡ ra. Nhà ấy nó chỉ ngủ và đặt cái máy khâu để khâu vá linh tinh những khi rảnh rỗi, mưa gió. Còn ăn uống thì vẫn chung với bố mẹ. Mà nó cũng không ăn bám bố mẹ. Nó tự trồng lúa lấy gạo ăn. Tự nuôi gà, nuôi bò. Tự hết. Thậm chí, với nguồn thu từ vườn ươm, nó đã trả hết nợ vay đầu tư và thuê mướn nhân công. Giờ thì nó đỡ vất vả rồi. Người Kinh bảo có con gái lớn trong nhà là có quả bom nổ chậm. Thì với người Mường, với ông Quản, cô con gái ba mươi tuổi sừng sững trong nhà còn kinh hoàng hơn cả bom mìn.
Một năm nay, đi đến đâu, ông Quản cũng nghe dân bản đồn con Xanh nhà ông dan díu với thằng Dưỡng lâu lắm mà bản không thấy được ông mời cỗ. Họ còn đem cả chuyện hai đứa ngang nhiên ăn ở với nhau đến bếp nhà ông mà nói. Ông không biết thực hư thế nào nhưng trong lòng rất buồn. Dưỡng là đứa con rơi, ông Chiểu nhặt nó ở bờ suối về nuôi khi nó ba, bốn tuổi gì ấy. Dưỡng thở không khí, uống nước suối bản Lướt, ăn thóc gạo vùng núi này, mặt mũi khôi ngô, dáng cao lớn lực lưỡng, râu đầy mặt. Nếu ông Quản nhớ không nhầm, nó còn lớn hơn con Xanh nhà ông một tuổi. Đàn ông Mường ở bản này, ba mươi, là có con trai theo cha học cày, con gái theo mẹ tra lúa rồi. Ông bố nuôi nó chết từ hơn chục năm trước. Giờ nó sống có một mình tận giáp rừng. Khi con Xanh còn mười chín đôi mươi, trong tầm mắt ông, thằng Dưỡng chả mảy may là một đốm, một gợn gì. Còn giờ thì… kể ra, con Xanh mà ưng nó, thì cũng chả ai còn nói con ông vơ bèo vạt tép cả.
Con gái bản Lướt, rất nhiều đứa mê thằng Dưỡng, bất chấp đồn thổi về phận mồ côi lập dị, cứ xán lại. Nhưng lạ thay, thằng Dưỡng không có tín hiệu gì để chúng trông đợi. Tất cả đều ngun ngủn trở về và lặng lẽ lấy chồng, từ bỏ hết vương vấn. Nếu ai có nhắc đến tên thằng Dưỡng trước mặt chúng, chúng còn quay lưng đi, như chưa từng quen biết. Như thể thằng Dưỡng biết dùng một thứ bùa ngải gì đó để gỡ bỏ những dan díu ái tình ra khỏi cuộc đời mình mà sống thảnh thơi đến tuổi này.
Ông Quản năm nhăm tuổi. Cái tuổi đàn ông vô cùng ái ngại khi ngồi cùng con gái để nói chuyện chồng con. Người ta, nhà đông con, có trai có gái, tết về quây quần đông vui. Còn ông, bố mẹ sớm đi gặp tiên tổ, nhà ba đứa con gái thì hai đứa lấy chồng xa, đứa lớn nhất, ông kì vọng nhiều nhất thì thế đấy. Ngày thường không sao, nhưng cứ dịp tết về, một mình lên nêu, một mình giết lợn gà làm ba mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, tủi thân vô cùng. Ông Quản bảo vợ. Có khi tôi đi nhà thằng Dưỡng xem sao. Tối nay con Xanh vẫn chưa về nhà. Vợ ông nhìn ông như định ngăn cản nhưng rồi bà chỉ cầm cái áo mưa, dúi vào tay chồng mà bảo. Trời sắp mưa đấy. Đem theo đi.
Ông Quản cầm cái đèn pin, bước ra sân. Nhìn lên, nền trời khuya lác đác những rạn mây. Trăng leo lét như ngọn lửa mỡ lợn cháy trên cái đĩa sứ cáu cạnh. Trời này, có lẽ gà gáy lại mưa. Một tuần nay, mưa đổ vào tiếng gà gáy. Chập tối, con Xanh đoảng về nhà, nó không nấu cơm, chỉ ăn mì gói rồi tắm gội. Xong là vội vàng đi. Bảo đi đưa hạt giống cây cho khách. Không hiểu sao, độ này, cứ mỗi lần con gái ra khỏi nhà vào ban đêm ông lại nghĩ nó đi nhà thằng Dưỡng. Cả buổi tối ông ngồi chắp vá những đồn đại, công kích, dè bỉu, đợi con về. Nhưng muộn rồi không thấy tiếng xe nó. Để chắc hơn, ông còn đi sang tận nơi, leo lên cầu thang, sờ tay vào cái chốt cửa chéo bên ngoài. Thì nhà nó với nhà ông chỉ cách nhau một cái chuồng củi dùng chung thôi mà. Ông rút phía ông. Nó rút phía nó. Cái đống củi ở giữa chuồng vẫn cao chạm nóc, chỉ tuông ruỗng ở hai bên. Hôm nào ở rừng về nó cũng đem theo một vác, dựng quanh gốc phách kia. Đợi khô mới đưa lên chuồng. Ông cho nó ở riêng, cũng là có ý cho nó thoải mái chút, may chăng tìm được tấm chồng tử tế.
Nhà thằng Dưỡng còn điện sáng. Ông Quản đi lên cầu thang nhà nó. Trong ánh sáng lờ nhờ, ông nhìn thấy cái chốt ngoài. Quái lạ. Chúng nó đi đâu khuya khoắt thế này. Ông áp tai vào vách gỗ lắng nghe. Chỉ thấy tiếng tim ông đập thình thịch như tiếng trống đất. Và tiếng nước chảy róc rách trong ống nứa đổ vào một cái vại lớn để ngay trái sàn cho người lên nhà rửa chân. Nhà thằng Dưỡng vẫn là nếp nhà sàn cổ của người Mường bốn mái nhưng lại cách tân với hành lang rộng chạy quanh và gian nào cũng có cửa trổ ra hành lang. Không chính thì phụ. Ông ngồi phệt xuống sàn nhà, miếng giát bằng bương khẽ kẹt một tiếng nhỏ. Bằng mọi giá hôm nay ông phải gặp được hai đứa để ba mặt một nhời. Bất đắc dĩ mới có chuyện này. Cũng tại chúng cả. Nếu thương nhau thì phải đến gặp ông để có lời thưa gửi đầu cuối chứ. Sao có thể đi đường tắt qua mặt người già thế được. Nhà Dưỡng quay mặt ra suối. Bên kia suối là rừng già. Cái vệt rừng giáp với suối, cây cối vốn rất xanh tốt. Khi đường điện trung thế đi qua đây, họ chặt rất nhiều cây gỗ quý. Không hiểu sao lại để sót một cây chò. Cây chò chỉ rất to, thẳng tắp, thân nó to gần vòng ôm. Đường điện chạy ở ngay cạnh cây chò cổ thụ, nhìn xa tựa như cây đàn cò ke khổng lồ, chỉ những con phượng hoàng núi táo bạo đậu lên cung cò ke mà rỉa cánh. Cách cây chò ấy vài chục thước là khu đất rộng, bằng biện, nơi hằng năm, vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng, người dân bản Lướt tổ chức lễ hội mở cửa rừng. Cũng là nơi người ta tổ chức những trò chơi dân gian.
Bỗng nhiên ông Quản thấy mùi hương gì đó rất quen, rất thơm xộc vào mũi. Gió nhè nhẹ. Chắc là gió đem mùi thơm này đến. Cả chục ngày trời đất dầm dề mưa phùn thì ánh trăng đêm nay và mùi thơm này giống như một món quà. Ông Quản chợt nhìn sang bờ suối bên kia vì trong đầu ông vừa kịp nghĩ đến một loài tinh dầu gỗ. Ông sởn gai ốc khi nhìn thấy từ gốc cây chò cổ thụ bước ra một bóng người cao lớn. Ông nhắm mắt lại. Tiếng lội suối bì bõm. Và rồi tiếng hắng giọng rất gần. Ông Quản khẽ hé mắt. Thằng Dưỡng đang từ bờ suối bước lên. Nó đi về phía ngôi nhà. Nó đi một mình. Ông vội vàng tụt xuống chân cầu thang, cất tiếng:
Cậu đi đâu về muộn thế! Tôi đợi cậu tê cả chân đây.
Chắc chắn thằng Dưỡng nhận ra ông. Nhưng nó không vồn vã. Chỉ khẽ khàng.
Khuya rồi chú tìm cháu có việc gì?
Thì cậu cứ mở cửa mời tôi lên nhà đã!
Chủ đi trước, khách đi sau. Sàn nhà của Dưỡng thấp hơn những nhà khác trong bản Lướt. Là bởi Dưỡng không nuôi con gì dưới gầm sàn. Hình như, sàn nhà người Mường đang dần thấp xuống. Cánh cửa mở ra một khoảng sáng âm thầm xa xỉ của căn nhà rộng lớn. Nhà Dưỡng dùng máy phát điện mini từ dòng suối Lướt nên điện luôn bật cả khi chủ nhân đi vắng. Cũng vì thế mà mọi đồ vật trong nhà đều đã no nê ánh sáng và nom bóng bẩy hơn. Căn nhà của Dưỡng tràn ngập mùi hương khi nãy ông từng thấy. Hơi thở của thằng Dưỡng cũng có mùi thơm ấy. Ông Quản nhìn khắp căn nhà sáng choang, đồ đạc ngăn nắp. Chẳng có vẻ gì là nơi ở của một thằng đàn ông độc thân cả. Ông cố gắng liếc tìm dấu vết của con Xanh trong tầm mắt của ông, dù một cái khăn dệt hay một đôi dép của nó cũng không thấy.
Sau một lúc rào đón, ông đi vào câu chuyện. Ông kể lại những lời đồn đại của dân bản. Kể qua về tình cảnh con gái ông, chuyện làm ăn của nó, vốn liếng của nó. Dưỡng lắng nghe không chớp mắt. Lần đầu tiên nhìn thằng thanh niên ở một khoảng cách rất gần, trong ánh sáng kì ảo, ông Quản có cảm giác rất lạ. Đúng là nó rất đẹp, rất đàn ông. Nhưng nó cứ lạnh lùng sao ấy. Hương thơm quẩn quanh nó và hơi lạnh cũng toát ra từ nó. Dưỡng mỉm cười và nói vài lời ngắn gọn:
Cháu với Xanh chỉ quen nhau sơ sơ chú ạ. Thật thế!
Ông Quản bẽ bàng đứng dậy chào về. Dưới chân cầu thang, ông hỏi khẽ. Chúng bay đã ăn ở với nhau cả năm trời mà lại bảo quen sơ sơ à? Hay nó là gái trươn mà mày chán? Dưỡng sững người im lặng. Ông Quán lủi thủi đi về, không ngoảnh đầu nhìn lại.
Xanh dậy rất muộn, ngầy ngà đi sang bếp tìm gì đó lót dạ. Mẹ Xanh nhìn con gái hỏi thẳng thừng. Đêm qua sao con về muộn thế? Bố mày đến nhà thằng Dưỡng đấy, cũng không thấy. Xanh cau mày, gắt gỏng. Bố đến nhà Dưỡng làm gì. Ai bảo bố đến đấy? Ông Quản vứt nắm đóm đang chẻ dở, đi vào bếp, sừng sộ. Thằng Dưỡng nó không muốn cưới mày phải không? Thằng đểu!
Xanh lắc đầu nguầy nguậy. Bố buồn cười thật. Hai người có yêu nhau đâu mà cưới. Con bận tối mặt, yêu đương gì!
Ô hay, cái việc lấy chồng đẻ con quan trọng hơn hay cái công việc rừng rú của mày quan trọng hơn?
Xanh cười, bướng bỉnh đến khó chịu. Bố mẹ đừng có nhắc đến tên Dưỡng có được không. Cả làng cả bản nói, con đã thấy mệt rồi. Con sẽ không lấy chồng nếu bố còn nhắc nhở chuyện chồng con.
Ông Quản thở ra thật khẽ và nói với con gái nhưng muốn cả mẹ nó cũng nghe. Mày học về gỗ, về rừng, lại sống giữa rừng. Bố hỏi mày một câu thôi. Mày có biết vì sao, trong rừng Lướt, bao nhiêu đại thụ, duy chỉ có cây chò chỉ là thẳng tuột không?
Bố hay thật, nó thẳng hay cong là do cấu tạo và tỉ lệ các thành phần trong gỗ thôi. Không loài cây nào có thể làm cong nó kể từ khi nó bé tí.
Ừ. Mày hiểu chuyện đấy. Mày xem các cây cổ thụ khác kìa, thân thì rêu mốc, dây leo chằng chịt. Kiến mối làm tổ, chim làm nhà. Cành thì tầm gửi, phong lan đu bám. Trong khi cây chò chỉ, không một loài nào có thể bám vào nó. Nó không chấp nhận bất cứ một sự cộng sinh gửi gắm nào. Nên thân nó thẳng thế, tròn trịa thế, nhẵn nhụi thế…
Vâng. Con hiểu bố ạ. Vì dòng nhựa từ vỏ cây chò chỉ. Tưởng thơm nhưng thực chất chứa đầy chất độc hại với các sinh vật khác. Những loại thực vật khác không dám mon men đến gần chò chỉ là vì nhựa cây đấy.
Ừ. Thế sao mày còn đâm đầu vào thằng Dưỡng hả con?
Ơ bố! Nay bố làm sao thế. Chò chỉ thì liên quan gì đến Dưỡng. Con và anh Dưỡng cũng không liên quan gì cả.
À ra thế! Trời ơi! Thanh niên chúng mày bây giờ hư hỏng quá rồi. Tao cứ tưởng chỉ ở thành phố, người ta mới sống thử thôi. Sao bây giờ, giữa làng bản này, ngay bên cạnh thần linh, mày lại làm thế hả con? Bố ra đường còn biết nhìn ai? Con có biết cả bản người ta bảo mày đâm đầu vào thằng Dưỡng rồi không thấy chửa đẻ gì, nó đá…
Mẹ Xanh chen vào. Tôi còn thấy họ bảo con Xanh nhà mình đáo để, sống thử một thời gian chả đục khoét moi móc được gì từ thằng không cha không mẹ ấy nên bỏ.
Trời ơi! Miệng dân gáo giếng! Sao bố mẹ cứ tin họ hơn tin con nhỉ!
Thôi! Cho mày làm bà cô!
Nói với con thế, trong lòng ông như có cái tổ ngạt bị ai đó khui ra. Giá nó xấu xí, khiếm khuyết, dốt nát cho cam. Đằng này… ruột ông cứ chết từng khúc. Trong khi ông lo đứng lo ngồi cả bao đêm không chợp mắt thì bà vợ vô lo của ông còn cằn nhằn. Ai mượn đàn ông suốt ngày lo con gái ế. Xung quanh người ta lên nêu hết rồi kìa. Ông nhìn lịch xem, hôm nay bao nhiêu hả?
Ông Quản giật mình. Chết thật, đã hăm bảy. Ông Quản vội vàng xỏ cái bao dao vào thắt lưng. Tôi đi kiếm cây nêu đây. Bà vợ giậm chân phành phạch. Ông chặt bằng tay à? Ông Quản vỗ vào bao dao. Chết thật. Chưa có dao. Chọn cây nêu ngày tết cầu kì lắm chứ. Đâu phải như đi lấy củi. Khi đã tra con dựa sắc của mình vào bao, đầu ông nghĩ đến những bụi bương lớn ở khe Cổn, ở đấy, những cây bương gióng dài, thẳng tưng óng ả. Biết đâu, một cây nêu đẹp đẽ sẽ đem lại may mắn cho cả gia đình. Nhưng, không hiểu sao, cái chân lại đưa ông đi trên con đường khuya đêm ấy. Đứng ở chân cầu thang nhà Dưỡng, máu ông sôi lên. Nhục này phải xối, rửa. Ở đâu ra cái thói khinh người thế. Ăn ở với con cái người ta cả năm trời, giờ phủi tay như không.
Dưỡng vẫn không có nhà. Cửa chốt ngoài im lìm. Ông nhìn sang bên kia suối, mắt gặp cây chò chỉ đêm qua. Ông lội sang suối. Đến bên gốc chò, ông rút dao dựa ra. Miệng lẩm bẩm. Mày đã để lại trong lòng con tao và cả gia đình tao một vết thương oan nghiệt. Thì nay tao cũng tặng cho mày một nhát, cho mày biết đau đớn là thế nào. Ông rút dao sắc ra khỏi vỏ, tay sờ vào lưỡi dao bén lẹm. Lòng ông bỗng yếu mềm. Cây chò chỉ đẹp quá. Thân nó tròn xoe, nhẵn mịn thế này. Giờ chém nó một nhát, ác lắm. Tuy nhiên, tao không thể bỏ qua cho mày đâu, thằng bội bạc. Sẵn con dao trong tay, ông Quản chặt một cành thành ngạnh, róc qua thành một cái vọt. Ông cầm vọt, vụt ngang dọc vào gốc cây chò chỉ. Vừa vụt vừa mắng chửi hả hê.
Xanh mang bó lá rong tươi từ rừng về đến suối thì hạ xuống. Cô vơ một nắm rơm khô vương vãi trên bờ ruộng, vò qua thành một miếng nùi rồi tìm một phiến đá phẳng lấp lim nước, trải lá ra cọ rửa. Năm nào cũng thế, đem lá về suối là Xanh rửa sạch luôn. Tới nhà, chỉ tráng lại lần nữa, để ráo là gói được. Năm nào cũng thế, sự xuất hiện của người đẹp làm cả bến nước trở nên náo nhiệt. Nước như trong hơn, chim chóc cũng mò đến đông hơn, chúng ríu ran chòng ghẹo nhau trên những lùm cây cơm cháy.
Cô đã nghỉ tết chưa?
Nghe tiếng chào, Xanh ngửng mặt. Nhìn thấy Dưỡng, cô lại cúi xuống. Không hiểu sao, cô không muốn bắt chuyện anh. Sau những ầm ĩ vô cớ như từ trên trời giáng xuống đầu, cô chỉ muốn tất cả chìm xuống trong nguôi ngoai.
Dưỡng cũng tìm một viên đá trên bờ, cách cô vài mét mà ngồi xuống. Giọng Dưỡng đầy ái ngại:
Xanh này!
Có chuyện gì ạ!
Tôi thấy, như là tôi đang hại cô. Tôi áy náy lắm…
Thôi, anh để ý gì chuyện thiên hạ. Tôi nhiều lúc cũng ái ngại vì bỗng dưng anh mang tiếng bội bạc. Có nhẽ, tại cả bản này chỉ còn có tôi và anh đơn độc nên dân làng gán ghép cho vui. Dần dà thì ra như thế.
Hay là…
Thôi đừng! Tôi cấm anh giở cái giọng thương hại. Bố tôi cũng không ưa gì anh!
Này Xanh! Nếu tôi thuyết phục được bố em thì sao?
Thấy Dưỡng bất ngờ đổi cách xưng hô, Xanh đỏ bừng mặt, lóng ngóng. Tuy nhiên, Xanh không nói gì cả.
Ông Quản đang hì hục dựng cây nêu trước cửa nhà thì có tiếng chào:
Cháu chào chú ạ. Ôi cây nêu nhà mình đẹp quá, năm nay ắt có nhiều may mắn ạ.
Ông Quản nhìn thấy Dưỡng thì trong lòng bực bội. Tuy nhiên, được khen ai chả thích. Cây nêu nhà ông năm nay có nhẽ đẹp nhất bản, tròn thẳng, vải xanh đỏ cuốn lên tận ngọn. Những thứ treo trên kia, cả lá bùa nữa, ông cầu kì đi nhà thầy cúng xã bên xin về.
Cậu vào nhà chơi. Tôi dở tay lát. Mà hăm tám rồi, cậu không chuẩn bị tết tư hay sao? Còn đi đưa tết bố vợ nữa chứ nhỉ!
Dưỡng xoa xoa tay một lát rồi ra xe máy nhấc xuống một giỏ quà tết rực rỡ đẩy về phía ông Quản:
Chú. Cháu đến để xin thưa với cô chú về việc cháu và em Xanh. Xin phép cô chú cho chúng cháu tìm hiểu nhau ạ.
Ông Quản sôi máu ùng ục:
Tìm hiểu gì nữa! Chúng mày định tìm hiểu đến bao giờ? Năm năm hay mười năm để tao còn biết? Sao không cưới nhau đi. Rồi dần dần mà tìm hiểu. Chứ quan hệ tạm bợ như thế này, tao không đồng ý!
Rồi chính ông lại rụt củi, giọng hờn lẫy đến tội nghiệp:
Mà thôi, tôi không ép cậu. Cậu cứ về suy nghĩ cho kĩ đi rồi quyết định. Hiểu đến đâu thì quyết định đến đấy. Không tìm tòi gì nữa. Khổ thân con gái tôi. Cậu để nó chịu điều tiếng từng ấy chưa đủ hay sao?
Dưỡng đứng ngây mặt ra một lúc rồi nhanh trí:
Vâng. Cháu xin lỗi chú. Nếu cô chú cho phép thì để cháu về nhờ thầy chọn ngày tốt ạ.
Ông Quản gật gù:
Ừ. Nói thế còn nghe được. Nhưng tốt xấu gì thì tôi gia hạn cho anh cũng chỉ từ nay đến trước ngày hội mở cửa rừng của bản thôi. Mà tôi có quen một ông thầy rất sành về hỉ sự đấy.
Có vẻ như Dưỡng không lường trước được sự thể lại diễn ra nhanh như thế. Nét mặt cử chỉ của anh bộc lộ niềm xúc động pha trộn với sự bối rối. Cũng lúc ấy Xanh đi xát thóc nếp về, đầy một bao gạo. Ông Quản bèn gộp luôn vào.
Thế anh chị có định cho tôi đến hội mà được ngẩng mặt lên nhìn anh em bầu bạn không hả?
Xanh chưa kịp nói gì thì tự Dưỡng đã nhấc bao gạo ra khỏi xe, hất lên vai, đi vào bếp. Xanh líu ríu xách túi quà tết bước sau như kẻ trúng bùa mê.
Trong đêm tối, trên giường, hai khuôn mặt già nua day sát vào nhau. Ông thì thào, như khoe chiến tích. Tôi nghĩ thằng Dưỡng là con thần rừng đấy bà ạ. Đêm nọ, chính mắt tôi thấy nó chui ra từ gốc chò chỉ. Sáng nay, tôi làm gắt lắm, quật cho đến hai mươi roi, cu cậu sợ tôi, phải đến luôn đấy. Lơ mơ mà được với tôi à. Bà vỗ vào đùi ông đến bộp. Ông chả hiểu cái gì. Thần thánh đâu tôi không biết. Tôi chỉ biết là không có chuyện hai đứa từng sống thử hay yêu đương nhau gì đâu. Ông nghĩ con gái ông có thể làm thế sao? Những lời đồn đại khắp làng trên xóm dưới ấy, tự tôi tạo ra đấy. Ôi giời. Sao bà lại làm thế? Vì tôi thấy chúng nó đẹp đôi ông ạ. Tôi tiếc nếu thằng Dưỡng đi làm rể nhà khác. Đẹp đôi nhưng cả hai đều cao ngạo. Cũng vì khi xưa ông thách nọ kia mà con ông nên nỗi. Tôi biết mà, tôi dằn vặt lắm. Thế sao bà không nhờ người mai mối tác hợp chúng nó, mà lại dựng lên những tin đồn kì quặc ấy. Ôi dào, mối rồi, đủ các kiểu mà con Xanh nhất quyết không gặp, không thích, như chưa đến duyên ấy. Nên tôi mới làm ra thế. Bất đắc dĩ mà làm thế, để những tin đồn trói chúng nó vào nhau. Thế sau này, nó làm rể nhà ta rồi, bà có định nói cho hai đứa chúng nó biết về những việc ấy không? Bà nằm im một lúc rồi mới nói. Chiều hôm qua, con Xanh kể vừa gặp thằng Dưỡng ngoài suối, tôi áy náy lắm nên đã đi gặp cậu ấy để xin lỗi. Cậu ấy còn cám ơn tôi vì đã tạo ra cơ hội để được đến gần Xanh. Sự thật là cậu ấy thương thầm con Xanh nhà mình lâu rồi. Chỉ có con Xanh là chưa biết những sắp đặt ấy ông ạ. Tôi cũng định nay mai sẽ nói.
Ông Quản nắm tay vợ run run. Tôi phục bà. Thế mà tôi cứ tưởng bà vô lo, vô nghĩ. Bà nói với con là phải. Nhưng tính nó thất thường, bà nên lựa. Biết rồi, tôi đẻ ra nó hay là ông hả? Thì bà đẻ ra nó. Mà bà có thấy không, từ lúc thằng Dưỡng đến đây, nó mang theo mùi hương gì đấy lạ lắm, giống như mùi tinh dầu của loài gỗ quý tôi từng gặp. Vẽ chuyện, ngủ đi, con Xanh nhà mình cũng có mùi ấy, mùi rừng thôi mà. Ông Quản dụi mũi vào mái tóc xơ xác của vợ, chỉ thấy mùi khói bếp, nhưng ông vẫn thì thầm. Đúng là mùi rừng thật bà ạ…
T.N.H