Buổi trưa, tôi nghỉ lại chỗ anh Bẹp. Rơm chiêm ngày mùa rải ra dưới gốc tre. Gió đồng đưa đẩy, thực là dễ chịu, khoan khoái. Anh Bẹp không ngủ, ngồi chẻ nan đan rổ rá. Hình như tôi chợp mắt được một lúc. Tỉnh dậy, tôi nhìn thấy anh Bẹp đang nằm lắt lẻo trên chiếc võng bạt mắc giữa hai cây phi lao. Anh đang xem một vật gì, tôi thấy vẻ mặt của anh rất chăm chú. Tôi len lén đi lại từ phía sau lưng… Giời ơi! Anh Bẹp đang coi ảnh….
*****
Tôi nhìn thấy một tấm ảnh tô mầu, chiếc ảnh chỉ nhỏ bằng ba đầu ngón tay (cỡ 3×4). Một cô gái tóc tết đuôi sam, hai lọn tóc buông trước ngực, gương mặt tròn vành vạnh. Trên đầu cô gái đội chiếc mũ vải mềm có ngôi sao vàng năm cánh, áo mầu cỏ úa. Đôi má hồng, còn đôi môi tô đỏ hơn. Mấy anh thợ chụp hình thật khéo tay. Chỉ có bút chì culơ xanh đỏ mà làm cho tấm ảnh rạng rỡ hẳn lên.
Thỉnh thoảng anh Bẹp lại giơ cao tấm ảnh ngắm nghía và tủm tỉm cười. Tính láu táu của tôi không đừng được.
– ảnh cô Tình phải không, anh Bẹp? Anh Bẹp giật bắn người vùng ngồi dậy và giấu ngay tấm ảnh vào túi áo. Anh đỏ mặt, ngượng ngùng. Đích thị là anh mê cô Tình. Hèn chi mà bác tôi cứ nịnh anh Bẹp.
– Chú chịu khó đi tát nước cho chị. Mai chị hỏi ông Sam cho chú cưới con Tình.
Ông Sam là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Được lấy con gái ông chủ nhiệm thì thích quá.
Mấy cô gái xã viên đi làm đồng buổi trưa thường tạt vào gian nhà kho của hợp tác xã nghỉ lại. Họ tha hồ buông ra những lời bỡn cợt với Bẹp…
– Anh Bẹp ơi! Nghe em bảo này. Con Tình viết cho anh một lá thư dài. Rõ dài, dài bằng cái đòn gánh ấy. Em để trong túi áo đây này. Muốn lấy thư chịu khó đi xin nước mưa về, nấu nước đi anh Bẹp. Em khát khô cả cổ.
Từ sân kho hợp tác xã giữa đồng lên tới chỗ nước mưa, vừa đi vừa về phải mất ba cây số.
– Anh Bẹp! Con Tình nó bảo…
Rồi nghe tiếng các cô gái đấm vào lưng nhau bồm bộp, và những tiếng cười la ré lên sau đống rơm. Chỉ cần những câu đùa nịnh ấy, anh Bẹp của tôi đã chẳng quản gì vất vả, nắng nôi để nuôi niềm hy vọng được cưới cô Tình làm vợ. Sẽ không bao giờ tôi biết được vì sao anh Bẹp lại có chiếc ảnh cô Tình trong tay. Anh mua một chiếc ví, đặt tấm ảnh cô gái vào, sau lớp nhựa trong suốt. Và ngắm trộm, như trưa nay.
Nhưng điều này là có thật. Từ ngày có hợp tác xã nông nghiệp, anh Bẹp không đi ở cho bà Trưởng nữa. Anh Bẹp được thừa nhận như một xã viên của hợp tác xã, ăn công coi đồng. Mỗi vụ hợp tác xã trả điểm ngót ngét một tạ thóc. Anh còn cấy lúa trên những rẻo đất dọc theo mương chạy giữa đồng. Xuân thu nhị kỳ, hợp tác xã tát ao, giết bò, giết lợn anh được chia phần cá, phần thịt như mọi công lao động. Thóc dư anh đem bán nghĩa vụ cho nhà nước. Có tấm áo, manh quần lành lặn, thoát hẳn cái kiếp đi chăn trâu cắt cỏ, ăn cơm nguội, canh thừa thủa nào.
– Tôi cũng góp công chống Mỹ!
Anh Bẹp bảo với bố tôi như vậy, trong một cái Tết anh tới nhà mừng tuổi. Bố tôi nghe xong bật cười.
– Này, anh đã biết cái Tình đi lấy chồng chưa? Chồng nó lái xe nhá… Chị gái của tôi trêu anh Bẹp.
Anh Bẹp đang kéo dở hơi thuốc lào bỗng ngắc ứ lại giữa chừng, giương mắt lên nhìn chị tôi. Đôi mắt hơi mở to đờ đẫn, u ám lạ thường.
Một buổi chiều tháng 6, tôi nhập ngũ. Trong khoảng sân trống của khu bệnh viện đa khoa đã chuyển đi sơ tán từ lâu, 120 tân binh tập trung tại đây để lên đường. Già có, trẻ có. Rất nhiều người thân trong các gia đình có con em nhập ngũ kỳ này đi đưa tiễn. Tôi thoáng thấy anh Bẹp. Lúc anh ngồi trên ban công tầng hai của tòa nhà bệnh viện đứng coi. Lúc lại thấy anh đứng lẫn trong đám các bà các cô ở làng Bồ Xuyên, Kỳ Bá… Vào lúc ba giờ chiều, chúng tôi được phát mỗi người một tấm bánh mỳ. Anh Bẹp lại xuất hiện, len lách vào giữa hàng quân. Anh dúi vào tay tôi, tay thằng Hiển, thằng Thắng, thằng Thành, Chiến Kỳ Bá, Nam “mực” mỗi người một nắm cơm, gói muối vừng. Anh chỉ bảo “Chúng mày đi ăn đường”. Những đứa được anh Bẹp cho ăn cơm – chính là những đứa trẻ của “phố tôi” ngày trước, đã từng được anh Bẹp cho đi chăn trâu, được anh dạy cách cho chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi trên con sông Đào.
Một Mảnh Hồn Quê – Phần 2
Tôi về phép muộn. Mãi tới cuối năm 1975, mới có người thế chân cho tôi trong ban chỉ huy đại đội để tôi trở lại quê nhà sau hơn bảy năm đi xa biền biệt. Từ Huế ra đi xe hơi đúng hai ngày đường.
Cả một ngày trời tôi chỉ ngồi tiếp khách thưa chuyện cùng cô dì chú bác, hàng xóm bạn bè tới thăm hỏi và nghe chuyện miền nam giải phóng. Ngày vui đã qua lâu rồi nhưng mọi người vẫn cảm thấy mới, vì nghe tận tai, nhìn tận mắt con cháu mình là người trong cuộc chứng kiến nói lại, ắt hẳn là thực. Và còn một lý do khác, nhiều ông cậu, bà bác muốn đến để được coi người ngợm tôi sau những năm sốt rét ở rừng; bom đạn thương tật nay ra sao. Và nhìn tôi để tìm lại hình bóng con cháu họ, những đứa trẻ cùng đá bóng, đi học, đúc dế với tôi, cùng rủ nhau đi bộ đội, nay chẳng được về. Cô em gái và người chị dâu của tôi lần đầu tôi gặp mặt vất vả vì việc đun nước, pha trà. Căn nhà xanh um khói thuốc lào, thuốc lá.
Buổi tối, anh Bẹp tới thăm tôi. Anh ngồi lặng im hồi lâu ở ngoài thềm hè trong một khoảng tối nghe chuyện. Mãi tới lúc đưa chân ông anh họ ra về, tôi mới nhận ra anh Bẹp. Tôi mời anh vào nhà. Mẹ tôi hào phóng bốc cho anh Bẹp cả vốc kẹo.
Bố tôi hỏi:
– Còn thuốc lào không, tao cho một nắm về mà hút.
Anh Bẹp cứ mân mê mãi điếu thuốc lá Côtáp tôi mời, rồi lập bập châm lửa hút. Anh chăm chú nhìn tôi:
– ằng ắng,… ằng iển, ằng iến, ằng ành ết cả ồi ải ông?
Đã bao năm tôi mới được nghe lại điệu nói của anh. Tôi ứa nước mắt. Chị gái tôi tưởng tôi không hiểu nói lại:
Anh Bẹp hỏi em, thằng Thắng, thằng Hiển, thằng Chiến, thằng Thành chết rồi phải không?
Tôi khẽ gật đầu, cổ họng ứ nghẹn – Những đứa trẻ xóm tôi ngày ấy, cùng đi bộ đội vào nam với tôi, hy sinh cả rồi. Thắng nằm lại ở rừng Hương Trà, thằng Hiển chết vì bị máy bay trực thăng Mỹ bắn ở bờ sông Xêpôn trong chiến dịch Nam Lào. Thằng Thành ngã xuống trên những ruộng hoa huệ của làng Hương Mai bên dòng sông Hương thơ mộng. Chiến Kỳ Bá nhận huân chương chiến công trong trận tiêu diệt tụi Mỹ mũ nồi xanh ở Bồn Trì, rồi ngã xuống trong một lần vấp địch khi về làng mua gạo. Nam “mực” dính bom ở chân đồi Dốc Đoác, bên sông Bồ.
Đã bao năm, anh Bẹp chẳng quên gì cả. Tôi đặt bàn tay lên vai anh. Anh thấp bé và yếu gầy quá, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế sa lông cũ kỹ của nhà tôi. Anh chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ lên mười, duy gương mặt của anh già đi nhiều, chi chít những vết nhăn trên lớp da cháy sạm.
Mẹ tôi bảo: Bẹp vẫn còn ở gian nhà giữa đồng làng Chính Nghĩa. Người thị xã đã bỏ ruộng nhiều. May lắm còn có vài ông bà già cố bám lấy đất đai, đồng ruộng, vốn điền sản của tổ tiên để lại. Hợp tác xã vài vụ nay làm ăn thất bát nên anh Bẹp cũng túng lắm. Anh bắt cua, mò ốc, nuôi gà, trồng bầu mướp trên những mảnh ruộng hoang hóa.
Chị gái tôi còn kể có lần bọn trộm ập vào nhà trói anh Bẹp. Mấy con gà, chúng mang đi tất. May sao, ngày hôm sau có người đi làm đồng tạt vào xin nước, cởi trói cho anh. Đám ăn cắp vặt còn lấy đi của anh chiếc giường cá nhân đóng dạo trước. Anh Bẹp trở về với chiếc ổ, trải bằng rơm rạ mót trên đồng.
Những năm về sau, tôi về quê luôn. Nhưng mỗi lần đi về chỉ ở một vài ngày. Công việc kiếm miếng cơm manh áo của một anh trí thức nghèo luôn khiến cho tôi bận rộn, tất tưởi. Vả lại, sống ở thành phố đã quen. Quen bạn bầu, quen trà lá, ngồi nhí nhố với nhau còn có chuyện để mà nghe, mà nói. Lứa bạn cùng tuổi với tôi đều đã lớn chẳng mấy đứa chịu ở lại với đất nghèo. Đứa phiêu dạt trong nam ngoài bắc. Kẻ có vợ, đứa đã có con, đứa lo chạy đất làm nhà. Thằng tìm đường đi lao động xuất khẩu. Bạn cũ có gặp nhau ngồi chưa nóng chỗ đã lo chạy. Thực tình, tôi cũng quên cả anh Bẹp.
Một hôm mẹ tôi đang ngồi lượm thóc lẫn trong rá gạo, ngừng tay bảo tôi:
– Con ạ. Rỗi rãi con ra thăm thằng Bẹp. Nó dạo này túng lắm. Nghe nói ốm. Nó hỏi thăm con luôn đấy. Nó thành người già rồi.
– Sao lại đói hả mẹ?
– Giờ làm ruộng khoán, ai lo phận người ấy. Đâu còn như trước.
– Thì hợp tác xã phải bán thóc cho anh ấy chứ?
Mẹ tôi thở dài đánh thượt. Bà đặt rá gạo xuống nền nhà:
– Dào ơi! Hợp tác xã đâu nữa. Họa chăng còn có vỏ. Mấy ông chủ nhiệm lo đi buôn phân, buôn xi măng, sắt thép. Nhăm nhe chỉ chờ đến lúc lúa chín thì thu tiền nước thủy lợi, bổ đầu dân lấy thóc lo cất đình, sửa đường. Chao ôi! Bao nhiêu thứ phải nộp. Các anh ở xa, biết gì?
Tôi đạp xe năm cây số đi thăm anh Bẹp. Cỏ lau mọc lên vạt đất bao bọc lấy gian nhà của Bẹp. Mưa nắng làm cho vách tường sụt lở, mái dột. Gian nhà trông càng thấp bé, tiều tụy. Cái sân kho hợp tác xưa kia rộng là vậy, người ta đã dỡ gạch, nay chỉ còn là bãi đất hoang bỏ cho lau sậy mọc đầy. Tôi phải loay hoay một hồi lâu mới tìm thấy con đường dẫn vào nhà. Anh Bẹp đang ngồi trước hiên cạo những củ khoai hà.
– Sao bảo anh ốm?
– Mới khỏi sáng nay – Anh Bẹp nhìn tôi vẻ mừng rỡ – Mày mới về à???
Giọng anh ngọng líu lại. Nói càng khó nghe. Anh chạy vào trong nhà bưng ra một rổ khoai luộc đã nguội ngắt nguội ngơ, ép tôi ăn. Tôi cầm lấy một củ khoai cho anh vui lòng và chỉ vào đám cần câu dựa ở vách tường.
– Dạo này anh đi câu à?
– Đâu có, tao bắt của mấy đứa đi câu trộm.
Té ra anh Bẹp đi coi cá thuê cho xí nghiệp ô-tô. Coi ban đêm. Xí nghiệp ô-tô có ao cá rộng vài mẫu, nuôi cá trắm cỏ. Họ trả công cho anh bằng những bữa ăn trưa. Chợt anh Bẹp vỗ vai tôi:
– Mày còn nhớ cô Tình không?
Tôi cười sảng khoái:
– Nhớ chứ. Cô ta bữa nay ra sao rồi?
– Được ba đứa con. Anh Bẹp giơ lên ba ngón tay đen đúa, cáu bẩn. Anh Bẹp ra cầm chiếc áo bludông xanh có phécmơtuya khóa cổ khoe:
– Cô Tình cho tao đấy. – Anh cười tít.
Ngồi chơi với anh một lúc nữa. Tôi về. Anh Bẹp gửi biếu bố mẹ tôi một vài trái mướp hương. Tôi bảo:
– Tưởng anh ốm… Tôi ghé thăm.
Có lẽ, những người như anh Bẹp không ốm được. Anh sinh ra trong trời đất, giữa đêm tối. Nhưng sự đời biết đâu! Anh có ốm dậy thì cũng thật khổ. Tôi nói ý ấy với người chị gái. Chị mắng tôi:
– Cậu cứ lo thay. Đừng tưởng nhá! Ông Bẹp cũng đóng cổ phần vào hội hiếu đấy.
Hóa ra anh Bẹp cũng vào hội hiếu. Bố mẹ tôi cũng vào hội hiếu. Đôi lúc con người nhiễu sự của tôi tự hỏi: “Không rõ anh Bẹp có biết buồn không nhỉ? Và vui, thì niềm vui ấy là cái gì? Chả lẽ chỉ có thú hút thuốc lào và ăn khoai mót trừ bữa? Bạn đừng tưởng người già cả sinh lầm lẫn. Anh Bẹp đấy thôi. Anh vẫn chưa quên cô Tình, chưa quên thằng Thắng, thằng Hiển… Và con người ấy, trong những đêm mưa đầu mùa hạ, nước đổ tầm tã xuống đồng vây kín ngôi nhà đơn độc, lẻ loi, hoang vắng như một nấm mồ. Tôi đoán chắc, anh Bẹp không thể nào ngủ nổi với tiếng gió đập thình thình vào tấm liếp che cửa.
Anh đã nghĩ những gì trong giờ khắc ấy, hở anh Bẹp?
Giá tôi có hỏi anh, thì anh cũng không thể trả lời. Có chăng là một nụ cười méo mó khổ sở nhe hai hàm răng vẩu vàng xỉn. Tạo hóa có bất công không? Trên đời này đã sinh ra quá nhiều người đẹp đẽ. Họ giàu có, hạnh phúc tràn trề. Vậy mà tạo hóa lại còn sinh ra anh Bẹp của làng tôi xấu xí, và khốn khổ đến như vậy! Nhưng tôi bỗng giật mình. Nếu không có anh thì hẳn đám trẻ phố tôi ngày ấy đã chịu thiệt thòi. Lấy ai mà đùa nghịch? Không có anh Bẹp thì thằng Hiển đã bị lão xôi chè bột sắn đánh đau. Trong những đêm dài dặc, rét buốt ở vùng giáp ranh Hương Trà, Phong Điền, tôi đã lấy chuyện anh Bẹp ra mà kể cho đồng đội của tôi nghe để nguôi quên cơn đói, bỏ mặc tiếng đạn pháo nổ dưới chân đồi chốt. Không có anh Bẹp, hẳn tuổi thơ tôi và nhiều đứa trẻ khác sẽ đơn điệu đi nhiều lắm.
Ngày bố tôi mất, anh Bẹp hay tin tới viếng. Anh đợi lúc vắng người vào thắp nhang và theo chân ra tận mộ.
Cho đến một buổi chiều, tôi nằm khàn trên gác đọc sách để trôi đi những ngày nghỉ phép vô vị. Giữa lúc ấy, anh Bẹp đến. Anh leo lên gác, nhìn thấy khẩu súng nhựa của con tôi vất trên bàn có vẻ thích thú lắm, tới sờ mó. Tôi giả vờ dọa:
– Này, đừng có động vào. Đạn nổ đấy ông Bẹp.
Anh Bẹp rụt tay lại, nheo mắt cười. Rõ là gương mặt của một con người đã già. Chiều nay anh ăn mặc tươm tất, gọn gàng. Chiếc mũ cối tôi cho anh vài năm trước anh vẫn còn giữ được.
– Anh đi đâu về đấy? – Tôi hỏi.
– Tao đi thăm người ốm… Và hỏi ông chủ nhiệm hợp tác xã có bán cho tao thóc không. Lâu nay chẳng được cân nào. Tôi cười buồn nghe anh nói chuyện hợp tác. Chợt anh Bẹp nhìn tôi đỏ mặt, bẽn lẽn. (Trời ơi! Một ông già như anh mà còn bẽn lẽn, đỏ mặt):
– Tao… Tao vừa gặp cô Tình. Cô Tình con ông Sam, mày còn nhớ không?
Nhớ chứ. Tôi làm sao quên được cô Tình của anh… Hóa ra anh Bẹp xấu hổ về chuyện đó ư? Anh ngồi gần tôi quá. Túi áo ngực bỏ ngỏ. Tôi nhìn thấy chiếc ví. Không để anh kịp phản ứng, tôi móc luôn chiếc ví của anh. Trong cái vuông nhỏ để dán ảnh vẫn còn đó cái cô Tình gần hai mươi năm trước…
Tôi giấu niềm xúc động:
– Uống nước đi anh Bẹp. Có thuốc lá đây.
Anh Bẹp cầm lấy điếu thuốc lá, chưa hút vội. Rồi anh hỏi tôi:
– Đêm qua tao gác cá. Tao nghe trên loa đọc nhắc tên của mày…
Anh Bẹp cười khinh khích. Bộ mặt nhăn nhúm xấu xí. Giọng nói của anh càng già càng méo tiếng khó nghe.
Bà ngoại tôi xưa kia vẫn thường bảo: “Những người tai to mới sống lâu”.
Điều này, có thể bà tôi nói sai. Thì anh Bẹp đó thôi. Đôi tai của anh bé choắt như tai chuột nhắt. Anh vẫn sống. Đi qua những tháng năm cơ cực, chuỗi ngày vui và những bữa ăn no đủ, ít quá. Nhưng anh vẫn tồn tại như một thực tế, hòa vào trong đời sống của cái thị xã bé nhỏ của tôi.
Một Mảnh Hồn Quê – Phần 2
Trời nhá nhem tối. Tôi bước ra ngoài ban công, trên tầng thượng. Những ngọn đèn đường đã bật sáng. Đứng trên cao, tôi có thể nhìn xuyên suốt một đoạn phố dài chạy ngang trước cửa nhà tôi.
Anh Bẹp vừa đi, vừa chạy gằn. Bóng anh lúc hiện ra giữa quãng sáng của ngọn đèn lúc lại hòa nhập vào khoảng tối của rặng xà cừ hai bên đường. Anh thấp nhỏ như một chú bé con. Anh Bẹp sẽ chạy như thế suốt quãng đường năm cây số ra tới ngoại thành để trở về gian nhà vách đất của mình giữa cánh đồng. Đêm nay, anh sẽ lại thức trắng để canh ao cá của xí nghiệp ô tô.
II
Đột nhiên tôi nhận được thư của chị gái. Sông Trà, ngày……………………..Cậu C. yêu quý! Thư này tới được tay cậu, anh Bẹp đã mồ yên mả đẹp. Hôm Bẹp ốm, chị có ra thăm, mua quà. Thật tội, anh Bẹp chẳng ăn uống được gì, chỉ nằm húp chút nước cháo loãng. Nhưng anh ấy vẫn tỉnh táo, nhận ra được từng người đến thăm và khóc. Cũng may, hợp tác xã nông nghiệp và xí nghiệp ô tô cho tiền mua áo quan, lo ma chay. Còn người đi đưa đám anh Bẹp thì đông lắm…”.
Mùa hè năm ấy, tôi về thăm quê. Cái thị xã nhỏ bé, nơi tôi đã sống trọn vẹn tuổi ấu thơ bây giờ đang phình to ra như một người đàn bà chửa sinh tư. Đường phố được nâng cấp mở rộng, vươn xa lấn dần vào vùng đất quê. Trên những ao đầm ngày trước mọc lên vô số nhà cao tầng xen lẫn với những mái nhà ngói, nhà mái bằng thấp bé, đơn độc. Còn hàng quán, hiệu buôn với cơ man là hàng hóa từ xe máy Hon đa, hàng ti vi điện tử, áo quần, gia dụng… cứ ngỡ như người ta đã bê nguyên một khối phố nào đó của Sài Gòn, Hà Nội về bày tràn lan trên các phố lớn nhỏ ở cái thị xã này vậy.
Chỉ có ngôi nhà của cha mẹ tôi là không hề đổi khác. Nhà ở thụt vào sâu trong ngõ, hai tầng trần thấp, loang lổ nhiều vệt rêu mốc. Cây cầu thang dốc ngược. Những căn phòng luôn yên tĩnh. Tất cả mọi dấu vết trong ngôi nhà từ bộ bàn ghế, cái miếu thờ nhỏ, giàn tràu không… đều gợi cho tôi vẻ cũ kỹ, thân thuộc. Mẹ tôi kể cho tôi nghe đầy đủ mọi chi tiết về đám tang của anh Bẹp.
Nghe chuyện, tôi buồn. Tôi và đám bạn bè cùng trang lứa đã mất một con người để nhớ. Giống như cây cầu Bo cũ kỹ có những nhịp cong vàng răng lược đã bị bom đánh sập. Ông Bẹp đã đi vào kỷ niệm…
Tôi lang thang đạp xe không chủ định. Cho đến một lúc, chợt nhận ra đang đứng trước khu nghĩa địa ngoài cánh đồng. Tôi đã đạp xe trên một chặng đường dài sáu cây số như một kẻ mộng du, đầu óc lởn vởn với những ý nghĩ không đâu, như có một ma lực dẫn tôi đến nơi người ta chôn cất anh Bẹp. Nắng nhợt nhạt trên những ngôi mộ được xây cất trang trí lòe loẹt, kệch cỡm bên cạnh những ngôi mộ đắp đất đơn sơ.
Một người đàn bà ngồi xệp xuống đất cắt cỏ quanh bờ ao thả đầy hoa súng. Mái tóc chị đã điểm nhiều sợi bạc. Mồ hôi đổ nhễ nhại trên gò má rám nắng. Lưng áo cũng ướt đẫm mồ hôi. Nghe tiếng chân tôi bước lạo xạo trên lớp lá khô, chị ta ngẩng lên nhìn tôi với một vẻ thăm dò rồi cất tiếng nói:
– Cậu tìm mộ ai?
– Mộ ông Bẹp!
– Ông Bẹp nằm ở đằng kia… Chỗ có hàng cây xương rồng ấy. Người đàn bà cắt cỏ quơ lưỡi liềm chỉ cho tôi về hướng ngoài sát cánh đồng.
Đi một quãng, tôi quay lại nhìn. Người đàn bà cắt cỏ nhũng nhẵng bước theo tôi từ lúc nào. Một tay chị vẫn cầm liềm tay kia quơ ôm cỏ.
– Tôi sẽ giúp cậu. – Chị nói và để lộ ra hàm răng ăn trầu thuốc đen nhánh – Tôi là Tình đây…
Hỡi ôi! Có thể nào ngờ. Bên mộ anh Bẹp tôi lại được gặp người đàn bà trong tấm ảnh gần 30 năm trước. Chỉ có điều, ngày ấy tôi lén lấy trộm cái ví của anh Bẹp và được nhìn thấy tấm ảnh của chị Tình. Tôi không nhận ra được một chút nào sự giống nhau giữa cái cô gái có hai bím tóc tết đuôi sam, tô má đỏ trong tấm ảnh bé bằng đầu ngón tay với người đàn bà cắt cỏ. Chị Tình giờ đây đã già rồi, trông lam lũ, cực khổ.
Ngôi mộ của anh Bẹp đắp đất trên một khu đất trũng. Ngay cạnh ngôi mộ là một đôi quang gánh, một đống cỏ lớn và một cái nón đã tuột vành. Chị Tình vất ôm cỏ trên tay vào đống cỏ rồi bảo tôi:
– Ông Bẹp nằm đây cậu ạ!… Thật tội! – Chữ “tội” chị hơi kéo dài, chép miệng – Chắc cậu là người nhà của ông Bẹp?
– Hồi nhỏ, tôi là bạn của anh Bẹp… Tôi đáp.
Xung quanh mộ của anh, ai đó đã trồng một hàng cây xương rồng. Trên những đốt xanh của một thứ cây khô khốc, đầy gai ấy, hé nở những bông hoa vàng rực chỉ nhỏ bằng cái cúc bấm. Chị Tình ngồi thụp xuống bãi cỏ chăm chú nhìn tôi đang quỳ xuống bên ngôi mộ…
“- Ông ấy ốm được chừng nửa tháng, tôi mới hay tin – Chị Tình kể. Nhân buổi chiều đi tát nước với con cháu lớn, tôi đùm theo vài bơ gạo mới mang ra đồng Nghĩa Chính thăm ông Bẹp”.
Chị Tình cười gượng gạo, kéo lên gương mặt những đường nhăn hằn sâu. Tôi ngồi trên đống cỏ, bình thản vô tư lự.
“- Thú thật với cậu, thời còn thanh niên mấy bà trong hợp tác xã nông nghiệp vui miệng gán đôi cho tôi với ông Bẹp. Chớ có tình ý gì. Nhưng tôi thương ông ấy cực khổ, vất vả. Ông giời đã bắt tội nhưng được cái tốt bụng hiền lành. Làm ruộng hợp tác, trưa nào đám thanh nữ chúng tôi cũng tụ tập về trại anh Bẹp, ăn uống. Chỉ vài câu nịnh khéo, gán cô nọ, gả cô kia cho anh Bẹp. Anh ta tưởng thật, ai sai gì cũng làm. Chúng tôi nấu cơm ăn trưa giữa đồng lại gọi anh Bẹp đến ăn. Có một bận, tôi thấy tấm áo nâu của ông ấy rách tua ra, sứt chỉ, vá giúp. Về sau, tôi có cho ông Bẹp cái áo khoác cũ của tôi mang từ thời con gái mặc đỡ rét vào mùa đông…
– Tôi có biết cái áo ấy. Tôi cười tủm tỉm đáp – Anh Bẹp khoe với tôi.
– Cậu biết chuyện cái áo ấy hử…? Chị Tình hỏi không giấu vẻ ngạc nhiên, ngẫm một lát chị nói tiếp – ấy vậy mà thằng chồng tôi nó cứ đem chuyện cái áo ra réo tên bố tôi lên mà chửi. Tức giận vợ con chuyện gì, rượu vào đem ra chửi. Nó bảo tôi có tình ý với ông Bẹp. Nó đi ghen với một người không cha không mẹ, đàn ông không ra đàn ông, con nít không ra con nít. Cậu tính, bụng dạ tôi đàn bà ngay thật, thấy người nghèo thì thương chứ ai có nghĩ gì tới chuyện ong bướm… Tôi đã có năm mặt con với nó. Ai đời nó đi ghen với ông Bẹp.
Một Mảnh Hồn Quê – Phần 2
Tôi cười vui. Muốn xóa đi nỗi uất ức trong lòng của người đàn bà đang giận chồng. Nhưng nhìn nét mặt chị, tôi tự quả quyết với mình rằng: Chị Tình không thể biết được lúc còn sống anh Bẹp đã từng si mê chị. Dù sự si mê của anh Bẹp chỉ là ngộ nhận. Nhưng anh Bẹp ơi, anh có quyền mơ tưởng và khát vọng.
– Để tôi kể nốt cho cậu nghe, ngày ông Bẹp ốm. Tát xong hai sào nước, tôi cho con bé lớn về rồi vào thăm ông Bẹp. Ông ấy vẫn sống trong gian kho cũ của hợp tác xã ngoài cánh đồng. Ông Bẹp nằm trên chiếc sạp giường trải rơm, lót chiếc chiếu rách, đắp ngoài một tấm chăn chiên. Ông Bẹp nhận ra tôi, mừng ra mặt. Sức lực của ông đã đến hồi cạn kiệt như cây đèn chai hết dầu chỉ còn cháy lên le lói. Tôi cho ông Bẹp uống chút nước chè xanh đựng trong cái bi đông rồi đi lục soát khắp cả trong nhà. Hũ nước hết khô. Gạo không còn một hột. Chỉ có xoong cháo loãng nguội ngơ. Tôi mở cửa sổ cho căn nhà thoáng hơn. Đôi mắt của ông Bẹp nhìn tôi nhấp nháy… Ông ấy bảo: “- Bà Tình à?” – Cậu có biết chuyện gì xảy ra không? Chị Tình cắt ngang câu chuyện, hỏi tôi. Chị bảo: Cả đời tôi lần đầu không còn nghe thấy ông Bẹp nói ngọng nữa. Ông ấy nói được rành rẽ ba tiếng “Bà Tình à?”. Thì ra trận ốm thập tử nhất sinh trời đất đã trả lại cho ông Bẹp tiếng nói. Ông Bẹp bảo tôi: “Bà đến tôi mừng lắm”. Ông ta khẽ khúc ngoắc giơ lên cánh tay xương xẩu run lẩy bẩy. Tôi đỡ lấy bàn tay ông Bẹp. Bàn tay lạnh lẽo, cong queo như những cành cây khô.
“- Ông có uống thuốc men gì không?”. Tôi hỏi.
“- Thuốc làm gì. Tôi sắp chết rồi. Tôi mừng vì bà đã đến…”. Ông Bẹp đáp. Tôi mới bảo ông ấy. “Hôm qua, gặp bà Hỉ ở chợ Bo, bà Hỉ bảo ông bị ốm. Sáng nay tôi với con cháu lớn đi tát nước. Tôi đùm vài bơ gạo mới ra cho ông”. “Cho gạo tôi làm gì. Đang lúc giáp hạt như thế này…” “Ông đừng lo. Chịu khó ăn uống cho khỏe, bữa nào lại kéo giúp tôi vài thôi nước”. Tôi bảo vậy. Ông Bẹp khẽ nhếch mép cười. Hai má hóp lại. “Tôi đi nấu cho ông miếng cháo mới”. Tôi nói và chỉ vài phút sau đã vơ vào một đống cành tre khô nỏ, bắc nồi nấu cháo. Có hơi lửa, căn nhà kho dăm năm nay bỏ hoang, lũ chuột đồng đào hòa khoét ngạch khắp mọi xó xỉnh, mái lá nhiều chỗ dột nát che lại bằng những mảnh giấy dầu cũ tự nhiên ấm lại. Ông Bẹp nằm im theo dõi từng bước đi của tôi. Thỉnh thoảng lại chép miệng. Tôi để ý, ông ấy không hút được thuốc lào nữa. Chiếc điếu cày thì vẫn còn đấy, để cạnh chỗ sạp nằm nhưng mạng nhện chăng đầy. Chẳng hiểu sao tôi nghĩ ông Bẹp sắp chết.
Chị Tình cười méo mó, khổ sở.
– Chả là chị Tình nói tiếp – Thầy tôi lúc sắp chết cũng bỏ thuốc lào.
Cháo chín. Tôi chắt cả cái lẫn xác ra chén và đưa cho ông Bẹp. Ông ấy không ngồi dậy nổi, tôi phải bón từng thìa. Ông Bẹp nuốt một cách khó khăn, nhưng có lẽ vì chiều tôi mà ông ấy cố ăn. Mồ hôi vã ra từng hột trên trán. Tôi không để ý bên ngoài trời đã tối tự lúc nào… ánh lửa cháy sáng trong bếp soi rõ bốn bức vách nham nhở nhiều đoạn trơ ra cả khung xương tre. Ông Bẹp đã sống ở đây gần 20 năm trời, từ khi máy bay Mỹ bỏ bom thị xã… Tôi ngồi nghĩ vẩn vơ chỉ chực chờ cho ông Bẹp ăn xong là về. Tôi sợ ông chồng hay chửi mắng, nát rượu. Ông Bẹp đã gượng ngồi dậy tựa lưng vào bức vách.
– Tình à… Cô ở lại đây với tôi thêm một lúc nữa. Tôi sắp… Ông Bẹp không nói hết câu bật ho khan.
– Không… Không…! Tôi phải về…
Tôi nói. Nhưng ai nỡ lòng nào bỏ đi vào lúc này khi nhìn thấy trong hõm mắt sâu của ông Bẹp ràn rụa nước mắt. Gương mặt của ông ấy quắt lại, tái xám. “- Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy Tình… Hãy thương tôi”. Ông Bẹp nấc lên và giọng ông lắp bắp nói không rõ tiếng một đôi chữ. Chị Tình khẽ thở dài, hơi thở hắt ra từ gan ruột.
– Cậu đừng cười tôi. Các cậu là người có chữa nghĩa, được ăn học. Chúng tôi quê mùa… Nhưng sự thể xảy ra đúng như thế… Có vong linh ông Bẹp chứng giám.
– Tôi tin chị… Chị kể tiếp chuyện đi.
Tôi động viên chị Tình.
– Vâng. Tôi đã ở lại cùng với ông Bẹp. Tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản. Ông Bẹp sắp chết. Tôi không thể bỏ mặc ông ấy. Chao ôi, cậu không biết được miệng lưỡi người đời ác độc lắm. Đến cái áo rách của tôi cho ông ấy dạo nào cũng thành chuyện nữa là… Nhưng tôi bất cần. Cậu bảo tôi còn gì nữa đâu? Suốt cả đời cặm cụi làm lụng nuôi chồng, nuôi con. Tôi chưa biết một ngày sung sướng. Tưởng nó biết nghĩ, ai ngờ sinh ra nát rượu. Tôi khổ quá rồi, cậu ơi! – Chị Tình khóc…
Tôi không thể nói với chị một lời nào vào lúc này. Có nói cũng vô ích. Hãy để cho chị Tình được khóc.
– Cậu có biết ông Bẹp hỏi tôi ra sao không? – Chị Tình nói – Ông Bẹp hỏi dạo này tôi còn hay bị đánh không? Bàn tay ông ấy lạnh, khô. Người ông ấy nhỏ thó, chỉ còn da bọc xương. Trong khi thở thỉnh thoảng ông lại nấc lên.
Tôi cời than bắc thêm ấm nước, kéo tấm chăn chiên đắp lên ngực cho ông Bẹp. Tầm chuông nhà thờ Nghĩa Chính vừa gióng lên, tôi quay trở lại bên sạp giường, sờ tay chân ông Bẹp thấy lạnh như đồng. Tôi áp tai vào ngực. Không có nhịp đập. Trời ơi ông Bẹp đã đi rồi. Tôi không dám hét lên giữa khoảng đồng trống. Nước mắt ứa ra hai hàng. Đôi mắt nhỏ xíu của ông Bẹp mở to đang nhìn tôi trân trối. Ông ấy vẫn còn đang cười, hàm răng vẩu chìa ra. Tai quắt lại như cánh mộc nhĩ khô nước.
Tôi nhìn theo hút bóng chị Tình gánh cỏ đi nặng nhọc trên con đường mòn len lách qua những ngôi mộ. Nắng đã tắt. Chân trời phía tây vàng một mầu mỡ gà. Ngôi mộ anh Bẹp chỉ đắp đất, xen kẽ giữa bạt ngàn ngôi mộ khác. ánh mắt của tôi lại chạm vào những cái gai xương rồng nhọn hoắt. Trên những nhánh khẳng khiu có những bông hoa xương rồng vàng tươi. Chẳng hiểu sao, tôi cứ đinh ninh: chính chị Tình chứ chẳng phải ai khác đã trồng lên những nhành xương rồng ấy quanh ngôi mộ anh Bẹp.
Tác giả: Đỗ Kim Cuông – Người thực hiện: Hoàng Yến