Bài nổi bật

Một cái bánh bao mà có tới 2 quả trứng – Huy Phạm

Truyện ngắn như một cuốn nhật ký cuộc đời của nhân vật tôi. Qua lời tự sự của nhân vật, cuộc đời của anh hiện lên với những điểm nhấn nhỏ nhặt nhưng nhiều xúc cảm. Đầu tiên là tình cảm với cô gái Trâm thời còn học đai học với ký ức về giọng nói kì lạ của anh Khánh. Những rung động xấu hổ khi nhân vật bị người mẫu khỏa thân trêu chọc. Rồi anh lên thành phố đi làm với những mối quen biết mới mới cuộc đời của mình. Cuộc sống của anh cứ bình lặng trôi qua ít biến động và cũng không có gì thú vị. Dường như anh là vị khách qua đường của cuộc sống sôi động này. Chỉ đến khi nhân vật tôi gặp ông cụ bên bờ sông, được nghe ông tâm sự anh mới thay đổi cái nhìn của mình về cuộc đời. Một chiếc bánh bao mà có 2 quả trứng cũng là một bất ngờ mang đến niềm vui nho nhỏ cho ông. Chính thái độ sống tích cực khiến ông nhìn thấy được niềm vui trong chiếc bánh bao đó. Tinh thần lạc quan cũng là nguồn sống giúp ông vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Chính cách nhìn đời của ông lão đã lan tỏa sang nhân vật tôi. Từ ngày gặp ông, anh bỗng thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn, nhìn thấy nhiều niềm vui hơn. Cuộc đời là như vậy đó các bạn ạ. Cùng một sự vật, hiện tượng nhưng nếu nhìn nhận với thái độ tích cực hay tiêu cực. Chúng ta sẽ thấy sự vật hiện tượng đó không hề giống nhau. Có người giàu sang phú quý, cuộc sống không thiếu thứ gì nhưng vẫn thấy buồn bã. Nhưng có người chỉ cần một bữa cơm ngon bên người thân yêu là thấy hạnh phúc lắm rồi. Đó chính là thái độ sống, tinh thần sống mà con người nên lựa chọn để cuộc sống bình thường của mình yên vui hạnh phúc. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Những người khác nhau được sinh ra với sứ mệnh khác nhau. Có người để lắng nghe tiếng cá heo ngoài biển cả, say mê tìm hiểu cặn kẽ đời sống, đặc tính sinh sản của chúng. Có người để gặp may mắn liên tục, sống trong màu hồng suốt đời. Có người chỉ để yêu, đuổi theo những cuộc tình mê mải… Có rất nhiều sứ mệnh. Còn tôi, tôi cũng mang sứ mệnh của tôi, nhưng tôi chưa biết nên gọi tên nó là gì. Lúc còn nhỏ, trên đường có con chó nào ị một bãi vu vơ, tôi luôn là người đạp trúng. Cả trăm người qua lại, nhưng tôi phải dẫm lên đó. Có thể sứ mệnh của tôi là làm sạch đường phố. Sau này, lớp tôi mấy chục người ngồi vẽ ngoài công viên, một con chim bay lượn trên không, tìm hiểu tất cả các toạ độ khác nhau, đáp xuống cành cây ngay ngắn phía trên, làm xuống áo tôi một bãi loang lổ. Tôi là người được chọn, giữa hàng ngàn người khác. Kì lạ hơn nữa, giai đoạn này chỉ chó mèo hay chim chóc chọn tôi, người thì không. Kiểu như một cô gái được nhiều anh theo đuổi, trong đó có tôi, chắc chắn cô ấy chọn mấy anh kia lần lượt.
Rồi đến một lúc, khi tôi lớn lên và dường như trên trán xuất hiện vài kí tự, người bắt đầu chọn tôi. Cô gái đầu tiên, tên Trâm, tìm đến khi tôi học năm ba đại học. Phải nói rõ lớp tôi đông, hơn năm mươi người, nhưng không ai chơi với Trâm, cả tôi cũng vậy. Tôi hiểu nguyên nhân từ tôi, đó là do tôi bận rộn chơi với những người khác. Còn lại cả lớp, tôi hoàn toàn không rõ. Chuyện này thật lạ, bởi vì Trâm xinh xắn, vui vẻ và hoạt bát. Bạn bè Trâm chủ yếu nằm ở các lớp lớn hơn hoặc nhỏ hơn tôi một khoá. Anh bạn trai cũng học cùng trường, một người yếu đuối về thể lực mỗi khi đá banh với tôi. Tôi thấy hai người không có điểm gì giống nhau, trừ giọng nói. Anh bạn trai Trâm tên Khánh, lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng lại học lớp dưới. Mặc dù anh này là người hiền lành tử tế, nhưng cái cách anh ấy gào lên trên sân banh bằng giọng mái bai bải mỗi lần bọn tôi lơ đễnh làm tôi không thể nào nhịn cười: “Chài ai! Kèm người chài ai!” Sau đó là một bàn thua. Anh Khánh không đủ tốc độ để theo nổi những tiền đạo nhanh nhẹn của đối phương. Anh đứng lại dậm chân tức tối vùng vằng. Có lần tôi khuyên nhỏ: “Anh cứ nắm áo nó kéo lại, trọng tài không đuổi đâu mà sợ!” Anh Khánh lại bai bải: “Chài ai! Nó chạy nhanh quá nắm không kịp. Chài aii…” Thoạt nghe cứ tưởng anh Khánh giỡn, nhưng đó là thật, giọng nói thật của anh. Bạn Trâm khác hẳn, tự tin, thoải mái và điềm đạm. Nghe nói hai người yêu nhau từ thời Trâm còn trung học, kiểu thanh mai trúc mã. Nhưng nhìn vào cặp đôi này, tôi không hiểu câu thành ngữ kia. Mai là sao còn mã là sao.
Đến đầu năm thứ ba, bọn tôi bắt đầu vẽ nữ khoả thân, trước đó chỉ toàn nam và thực tế những người mẫu có mặc cái quần nhỏ xíu. Chuyện này đối với tôi hơi kì quặc. Tôi chưa bao giờ đứng trước một cô gái không mảnh vải che thân như thế, thật ái ngại. Chị người mẫu khá lớn tuổi, chị tự nhiên kiểu như đang tưới cây, làm bếp, hoàn toàn không chú ý gì đến lớp học. Trong lúc tôi đưa viết chì lên để ước lượng các tỉ lệ, người mẫu nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi vội vàng quay đi. Tôi hiểu rằng mặt tôi đang rất đỏ. Chị này chẳng những không ngại ngùng, lại còn có ý làm tôi sợ, nên cứ hễ tôi đưa viết chì lên chị lại nhìn tôi, hơi mỉm cười.
Tôi thu dọn giá vẽ, đổi sang vị trí phía sau lưng. Vài thằng bạn mặt đỏ khác cũng vậy, bọn tôi túm tụm với nhau. Nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng được vẽ lưng sẽ khó như thế. Trên thực tế, nó không có gì để vẽ cả, chỉ có… cái lưng. Một bài hình hoạ kéo dài ba buổi chiều và chín tiếng, tôi không biết phải làm gì với cái lưng trong chín tiếng đồng hồ.
Sang đến buổi học thứ hai, tôi bỏ ra ngoài nhiều hơn. Từ lúc chuyển sang vẽ nữ, lớp học kéo rèm kín mít, thật ngột ngạt. Tôi thấy bên ngoài dễ chịu. Phòng hình hoạ ở tầng năm. Từ ban công tôi có thể nhìn xuống đường Pasteur đầy cây xanh, lá vàng rơi lả tả và những cơn gió thổi suốt con đường. Những điều này quyến rũ hơn so với cái lưng trong kia.
Tôi nghĩ vẩn vơ được một lúc thì Trâm xuất hiện, ngồi xuống bên cạnh. Tôi chưa biết phải nói gì để quãng im lặng mới mẻ này có thể trôi đi tự nhiên nhưng chuyện đó không quan trọng, vì Trâm biết. Chẳng cần lịch sự, không một lời dẫn lối để giảm đi sự đột ngột, câu nói đầu tiên của Trâm là: “Anh Khánh làm Trâm buồn lắm…” Cứ thế, câu chuyện tiếp diễn như thể bọn tôi đã ngồi với nhau hàng giờ trước đó. Tôi hơi bối rối nên thực tế không nắm bắt được gì. Mọi thứ cứ trôi tuồn tuột một cách khó hiểu. Tôi không thể đưa ra lời khuyên hay an ủi. Sự việc này và bạn Trâm thật xa lạ. Đây là lần đầu tiên hai người bạn ngồi với nhau, nhưng Trâm kể câu chuyện chỉ dành cho những người thân thiết. Tôi ngại ngùng đến mức quên mất cả việc lắng nghe. Dù vậy, tôi có thể hiểu đại khái rằng, ngoài việc có một giọng nói kì quặc, anh Khánh là người vô tâm, hoặc tình cảm của anh dành cho Trâm quá ít, hoặc đau khổ là phần tất yếu của hai người yêu nhau… Tôi không biết. Tôi không có ý kiến, tôi chỉ có thể ngồi nghe. Giọng Trâm nhỏ nhẹ, đều đều, những câu chuyện kiểu này không đầu không cuối. Khi tôi rời bỏ chiếc lá vàng rơi xoay vòng và con đường Pasteur rợp bóng cây để nhìn lên thì gương mặt Trâm đẫm ướt. Những giọt nước mắt lăn dài, lăn dài… Bị bỏ mặc muốn rơi đi đâu thì rơi. Đó là một hoàn cảnh khó xử. Tôi chưa từng có kinh nghiệm, tôi bối rối suy nghĩ xem mình cần phải làm gì với một cô gái đang đau khổ và cứ thế ngồi khóc hồn nhiên trước mặt mình nhưng tôi chẳng tìm ra cách nào cả.
Những giọt nước mắt rồi sẽ được lau khô, sẽ qua. Nhưng nhiều thứ khác khó hơn. Đúng lúc này cửa phòng hình hoạ xịch mở. Thầy bọn tôi bước nhanh ra ngoài, trên tay cầm điếu thuốc. Thầy nhìn sững vào Trâm, nhìn sang tôi, rồi thầy bối rối quay vào lớp học. Dáng điệu vội vã như người có lỗi, vì thầy đến không đúng lúc, thầy là vị khách không mời vô tình chứng kiến sự việc riêng tư của một đôi trẻ lầm lỗi. Trâm lau nước mắt, đi vào nhà vệ sinh. Còn tôi ngồi như trời trồng giữa ban công. Mọi thứ diễn ra nhanh không thể nào dừng lại.
Sau buổi học kia, Trâm cư xử với tôi bình thường, như chưa hề có buổi khóc lóc hôm nào. Bạn chỉ chọn tôi cho ngày đó. Xong. Nhưng thầy hình hoạ thì không. Lâu lâu tôi lại bắt gặp ánh mắt thầy nhìn tôi như thể tôi là tên tội phạm, một kẻ gây án với nữ sinh hiền lành rồi chực bỏ chạy, nguyên nhân trái khoáy của gương mặt đẫm ướt nước mắt kia. Có lúc tôi chỉ muốn gọi thầy vào một chỗ vắng vẻ, hét lên với thầy rằng: Không. Em chưa từng làm gì có lỗi. Trâm chỉ chọn em như những con chim trên cây và những con mèo dưới đất thôi. Nhưng tôi biết chuyện đó là không thể, không có lí do gì để làm vậy. Cho đến mãi sau, khi môn hình hoạ kết thúc, thầy mới thôi quan sát tôi bằng ánh mắt dò xét kì lạ. Lúc này, cái nhìn của thầy bao dung hơn. Như thể thầy đã hiểu, rằng đàn ông ai cũng phạm phải lỗi lầm và tôi cũng chỉ là một trong số ngớ ngẩn đó…
*
*           *
Vài năm sau tôi từ bỏ công việc nghĩ sẽ là sự nghiệp suốt đời mình. Quyết định này thật khó khăn nên khi quay lại Sài Gòn tôi hụt hẫng rất lâu. Tôi cho phép mình nghỉ ngơi trong vài tuần. Tôi lang thang khắp nơi, có lúc ngồi trong công viên đầy cây xanh phía nhà thờ Đức Bà, gần văn phòng của anh bạn thân lâu năm. Anh bạn tôi ít nói, người hiền lành, nhưng lại được rất nhiều cô gái mến mộ. Đó là một người bạn tốt bụng đã giúp đỡ tôi nhiều lần trong cuộc sống. Bạn gái anh tên Loan, bọn tôi từng làm chung với nhau.
Vì anh bạn bận rộn nên Loan ra ngồi với tôi ở công viên, trên cái ghế đá cũ như một đôi hẹn hò. Ban đầu là những hỏi han bình thường, sau đó Loan tiết lộ anh bạn tôi đang qua lại với cô gái khác. Tôi cố bảo vệ bạn mình bằng những lí lẽ ngược lại, rằng tất cả những thứ đó chỉ là suy đoán vu vơ. Nhưng một cô gái đang yêu không thể nào nhầm lẫn. Loan biết hết những thói quen của anh kia, nếu mang theo thứ này, anh sẽ đi dài ngày, nếu mang theo thứ này, anh chỉ đi một ngày thôi. Và tất cả những điều đó đều chỉ ra rằng anh bạn tôi sắp đi xa cùng cô gái khác. Rồi Loan khóc sụt sùi, ngay bên cạnh tôi. Công viên đầy người qua lại, những người tập thể dục, những cặp tình nhân, những người rảnh rỗi như tôi… Vấn đề của mọi người là lòng nghĩa hiệp, khi có bất kì đau khổ nào giữa một chàng trai và cô gái, chàng trai luôn là quái vật. Ai đi ngang cũng nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, kiểu như con quái vật này đã gây ra điều tệ hại gì. Lúc này tôi chỉ thầm mong trong những ông đi qua bà đi lại, đừng có thầy giáo hình hoạ năm nào. Tôi vẫn nhớ cái nhìn độ lượng đáng sợ của thầy. Lần này có thể thầy sẽ dừng lại và ghé sát vào mặt tôi: À, chắc Huy lại gây án nữa đây.
May mắn, thầy không đi ngang. Sau này, hai người bạn kia thật sự tan vỡ trong một hoàn cảnh kì lạ khác. Tôi lại tiếp tục lắng nghe những đau khổ của Loan nhiều năm sau nữa. Một cô gái chỉ thích ánh sáng ban ngày và không chấp nhận bóng đêm.
Rốt cuộc, tôi nghĩ nếu bị biến thành một đồ vật, tôi sẽ là cái thùng rác. Nơi mọi người có thể bỏ vào đó những thứ mình muốn rời bỏ, những ngổn ngang thừa thãi mà việc phải nhìn thấy chúng làm mọi người chán ngán. Thật ra ngay cả thùng rác cũng mệt mỏi. Bởi vì đôi lúc tôi phải nghe những thứ rất buồn hoặc nỗi tuyệt vọng không có lời giải đáp. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ những điều đó sẽ xảy ra với mình. Các hoàn cảnh này khá đặc biệt và một người bình thường như tôi khó mà chạm phải. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao người ta có thể gặp hay tạo ra những tình huống như thế. Với tôi, chỉ cần cuộc sống diễn ra như bình thường thôi đã quá đủ rồi.
Mặc dù vậy, không phải lúc nào tôi cũng sẵn lòng ngồi nghe ai đó. Đôi khi tôi không có lựa chọn nào. Vài lần, tôi phản kháng quyết liệt. Chuyện này xảy ra vào một buổi tối, tôi ngồi cà phê với thằng bạn thân hư hỏng và bạn gái nó. Đang yên lành, thằng bạn về công ti mất dạng. Người bạn gái chỉ cần có thế, tuôn ra hết tất cả những tâm sự thầm kín bấy lâu, rằng thằng bạn tôi là một kẻ hời hợt, một con quỷ lòng lang dạ sói, không biết dành thời gian cho người mình yêu quý, ích kỉ chạy theo những vớ vẩn viển vông… Vô số thứ xấu xa tồi tệ. Tôi nói thẳng: “Sao những việc này em không nói với nó, giống như em nói với anh vậy nè?” Như minh chứng cho sự hời hợt của bạn trai mình, cô gái khóc, nước mắt tuôn lã chã: “Em có nói, lúc em đang nói thì ảnh ngủ gục… Ảnh không nghe…” Ôi trời ơi. Có hoàn cảnh như thế nữa sao? Lúc này, tôi có thể thấy những ánh mắt tò mò nhìn sang từ khắp nơi. Cũng may, thầy hình họa không ngồi đây. Lần này chắc hẳn thầy sẽ nói: Ồ! Huy gây án thường xuyên thế sao em?
Mấy ngày sau, trong cơn bực tức, tôi hỏi vì sao bạn gái đang trách móc như vậy mà một thằng đàn ông có thể lăn ra ngủ. Thằng bạn tôi thú thật nó đang quen năm sáu cô cùng lúc, nó không còn thời gian để ngủ nữa. Nó rất thèm ngủ, trong khi cô nào cũng nói cùng một vấn đề như nhau. Trong tình huống này tôi không biết nói gì. Bạn tôi cần ngủ, em gái kia cần một người hiểu mình, một người có thể thức ngay ngắn trong quán cà phê và sau đó em nhìn thấy tôi. Dù sao, ước gì tôi cũng ngủ được như thằng bạn. Đó là một giải pháp hoàn hảo. Ước gì tôi có thể ngủ dễ dàng.
*
*           *
Thời gian chồng chất, tôi nghe đủ mọi thứ kì lạ trên đời.
Em nhân viên của tôi trong lần đầu tiên hút thuốc với nhau tâm sự rằng em chỉ thích người chuyển giới, với họ, em cảm thấy mình được thừa nhận, được yêu thương. Ừm… Tôi chỉ nghe thôi mà không thể nói gì. Tôi chưa có ý định chuyển giới lúc này.
Một em đồng nghiệp nhỏ tuổi, kể rằng mẹ em vừa bỏ nhà đi theo một người đàn bà khác không để lại bất kì lời nhắn nào. Em thấy rất thương mẹ, phải sống những năm tháng cực hình đã qua với ba em. Còn đứa em gái không hiểu chuyện cứ khóc suốt. Chuyện này theo như tôi thấy, tìm một lời an ủi là rất khó.
Một nữ doanh nhân kiêu hãnh hỏi tôi phải làm gì với người chồng bội bạc. Đôi lúc lang thang trong thành phố, tôi gặp anh chồng kia cùng vài nguyên nhân bội bạc rực rỡ của anh ấy bên cạnh. Tôi đâu thể chặn cả hai lại đập cho một trận. Tôi cũng không thể kể lại câu chuyện làm bằng chứng với doanh nhân. Nhiều khi, tôi thấy mọi thứ rõ như ban ngày, nhưng người đối diện thì không.
Tôi hiểu hết những gì người ta nói với mình. Dù vậy điều cần trả lời đôi lúc tôi không nói ra được. Kiểu như một cô gái tâm sự với tôi rằng tất cả đàn ông trên đời này đều là quái vật, chỉ sau vài câu nói họ đã muốn lột hết áo quần cô ra. Tôi muốn làm cho cô gái đó hiểu rằng, có vài con quái vật thôi, không phải là tất cả. Nhưng mọi chuyện còn phụ thuộc trong cuộc gặp gỡ mình đã muốn trình diễn thứ gì. Nếu cố gắng đưa ra một phần của ngực, con quái vật muốn biết phần còn lại. Nếu cho quái vật thấy cô là một quyển sách, nó sẽ cân nhắc xem mình có muốn đọc từng trang hay không. Quái vật thường mắc chứng khó đọc. Những chuyện này theo tôi không cần phải nói, có nói cũng khó hiểu. Thời gian làm người ta thông thái hơn và chắc chắn cô sẽ tìm được một con quái vật đọc sách. Khi đó, nó chỉ muốn lột hết quần áo cô và cho vào máy giặt, kiên nhẫn ngồi chờ. Con quái vật chăm chỉ nhàm chán.
Đôi lúc tôi tự hỏi, rốt cuộc tôi nghĩ gì sau khi nghe tất cả buồn bã kì quặc đó. Có phải tôi như một bức tường dài hoang vắng, nơi mọi người có thể vẽ nguệch ngoạc lên những hình thù lạ lẫm, những kí tự riêng biệt. Bức tường lấm lem trải dài chờ đến ngày sụp. Còn tôi, khi cần phải vẽ vời, tôi không biết phải vẽ vào đâu. Tôi không có bức tường của mình.
Thầy hình hoạ đã đúng. Tất cả những người đàn ông đều có lỗi lầm. Tôi cũng vậy. Tôi thấy trên đời có hai loại. Lỗi lầm mà nếu được quay về, mình sẽ tránh khỏi và lỗi lầm chắc chắn mình lặp lại cho dù có được trao cơ hội thứ hai. Loại sau không hẳn lỗi lầm. Đó là viên sỏi trong gót giày tôi đã đặt vào, một tảng băng tan dần trong tim, lớp sương mờ che hết mọi ngày nắng đẹp. Đôi khi tôi ngồi thừ một lúc, nhìn vào tất cả những thứ đó rồi tự hỏi mình nên làm gì. Tôi tìm quanh quẩn, không còn chỗ nào để vẽ. Người ta đã viết đầy lên bức tường duy nhất của tôi.
Cuối ngày, tôi thích được ở ngoài đường, được lang thang trong đêm tối mù mịt. Tôi cảm giác như đang hẹn hò với chính tôi, với những điều được che giấu hằng ngày. Trong cuộc gặp gỡ đó, tôi kể cho mình biết nỗi buồn, những đau khổ đã qua và những ngổn ngang còn trước mặt. Tôi đi mải miết trong tháng ngày vời vợi bằng cách nào đó đã trôi qua kì diệu. Tôi gặp lại những mất mát không bao giờ mờ nhạt, vết khắc thô bạo hằn sâu trong trí não. Cứ thế tôi vượt qua mỗi ngày mà không cần vẽ vời, không cần một bức tường dài cũ kĩ. Về chuyện này, tôi là huyền thoại. Chỉ có tôi, người đã học môn hình hoạ liên tục trong mấy năm trời nhưng chưa từng vẽ lên bất cứ nơi đâu.
*
*          *
Một ngày cuối năm tôi quyết định nghỉ làm. Đó là tình huống không thể nào tránh khỏi. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là thực tế tôi thấy rất vui. Tôi có buổi bàn giao mọi thứ cho những người đến sau. Một cuộc họp với hơn mười con người để đảm nhận hết từng phần công việc mà tôi còn dang dở. Tôi cười không nhặt được mồm suốt ngày hôm ấy. Một niềm vui len lỏi, một cảm giác nhẹ nhàng lan toả khắp tâm trí nên cho dù đã rất cố gắng nghiêm túc, tôi vẫn không thể nào thôi toét miệng trước những sự việc hết sức bình thường.
Đôi lúc tôi thấy thật khó để hiểu những người đang vẽ lên bức tường và ở cùng phía với họ. Năm tháng dành tặng cho người ta sự khôn khoan nhưng lấy đi chút ít ngây thơ. Có người dùng trí tuệ của mình để toan tính, để vượt qua các tình huống hoặc mưu cầu hạnh phúc, thứ được phản ảnh muôn hình vạn trạng. Ngây thơ bị bỏ quên chưa bao giờ dùng đến. Tôi dùng sự khôn ngoan cố làm cho mọi người hiểu mình và sự việc xảy ra xung quanh. Đó là việc làm vô bổ, không mấy ý nghĩa. Kiểu như những nhà triết học cho rằng hạnh phúc chỉ tìm thấy khi hiểu thấu được chính mình và đó là một chặng đường chông gai đằng đẵng. Nhưng những người ở ngoài kia, những người chưa kịp hiểu chính họ, cũng không thể nói rằng họ đang bất hạnh.
Dù sao tôi cũng có một sự nghỉ ngơi cần thiết sau rất nhiều năm tháng nỗ lực để gánh vác mọi thứ. Tôi không nói ai biết về việc nghỉ làm. Mỗi ngày tôi vẫn thức dậy, vẫn chuẩn bị quần áo, tóc tai để ra khỏi nhà như bao buổi sáng khác. Nhưng tôi làm trong thong thả, không có bất cứ áp lực thời gian nào. Việc đó mang lại cảm giác thú vị như lúc trốn học thời sinh viên. Nhưng giờ đây, mọi thứ còn tưng bừng rộn rã hơn nữa khi tôi không chỉ trốn học, tôi quyết định trốn hết mọi thứ trên đời.
Sau nhiều năm, tôi lại say mê ánh nắng buổi sáng xuyên qua những tán cây, lấp lánh dưới mặt đường, cơn gió dịu dàng thì thầm bên tai rủ rỉ, phố xá bừng tỉnh trong buổi ban mai… Những thứ mà phải đứng lại lúc lâu mới có thể nhìn thấy được. Mỗi ngày tôi uống cà phê với một người bạn khác nhau ở những quán khác nhau. Tôi đọc sách và tìm hiểu về những đổi thay của chính mình.
Trời bắt đầu lạnh hơn, không khí rất gần với mùa xuân. Đôi lúc tôi cảm thấy mình lạc lối, tôi đi vào đường ngược chiều. Mọi người đang bấn loạn cho những ngày Tết sắp đến còn tôi bò chầm chậm như chú ốc sên tò mò. Thật lạ, Tết là một lễ hội. Lễ hội nghĩa là dễ dàng, vui vẻ, nhưng người ta lại rơi vào hỗn loạn, cáu gắt. Tôi thấy mình may mắn ngồi đây, vô sự. Sau này, tôi không bao giờ muốn phải làm việc trong tháng cuối cùng của năm nữa. Có lẽ mỗi năm tôi nên nghỉ việc một lần.
Buổi chiều, tôi dành thời gian lê la trong một khu phố nhỏ. Việc phát hiện ra nơi này làm tôi mê mẩn mấy tuần liền. Đó là ba con đường nhỏ xíu song song rợp bóng cây, nắng không chạm nổi tới mặt đất. Cuối đường, tôi bắt gặp một lối đi bộ tuyệt đẹp cắt ngang, ôm vòng lấy khu phố nhỏ, bên kia là hành lang gồm những song sắt thưa thớt thoáng đãng ngăn với sông Sài Gòn mênh mông uốn khúc. Tôi ngồi trên ghế đá, nhìn ra khoảng xa vời lấp lánh nắng chiều. Khung cảnh này dường như tôi đã gặp đâu đó trong một giấc mơ xa xôi của mình nhưng tôi không thể nào nhớ nổi. Nó xoa dịu mọi thứ, làm cho tôi trở nên nhỏ bé để rồi những cơn gió từ mặt nước thổi nhè nhẹ lên, thì thầm bí ẩn. Tôi ngồi ngoan ngoãn, quên mọi thứ đang diễn ra, tôi chỉ nhớ về những gì không còn quay lại.
Vào một buổi chiều như thường lệ, khi đang thả trôi theo dòng sông rộng lớn và những vẩn vơ vô nghĩa, trong lúc mặt trời bắt đầu rơi chầm chậm phía bên kia bờ, tôi giật mình bởi giọng trầm ấm: “Ăn bánh bao không con?” Một ông già tóc bạc phơ kiểu như trăm tuổi đang ngồi bên cạnh tôi từ lúc nào, đôi chân mày trắng toát sáng nhướng lên, chờ đợi. Trừ nước da hồng hào thì dường như mọi thứ của ông đều màu trắng, mái tóc, áo thun, quần short, giày thể thao… cho tới cái bánh bao, dĩ nhiên rồi. Tôi lịch sự từ chối. Ông lão bẻ cái bánh ra làm đôi, quay sang tôi cười sung sướng: “Hai cái trứng cút luôn con. Một cái bánh bao mà có tới hai trứng cút!” Cái cách ông mừng rỡ làm tôi vui lây. Tôi giải thích cho ông biết bây giờ mình có thể chọn mua bánh bao một trứng hay hai trứng, chắc ông đã mua loại thứ hai. Ông lão lại cười, vui vẻ nói rằng ngày trước, bánh bao chỉ có một trứng duy nhất. Nếu may mắn kiểu trúng số, mình sẽ vô tình chọn được cái bánh người làm vô ý thêm vào trứng nữa, vậy là vui cả ngày.
Ông già ăn chậm rãi. Có người lạ bên cạnh làm tôi cảnh giác. Tôi biết trong lúc ăn ông quan sát tôi nhiều lần. Thỉnh thoảng, vài người lớn tuổi đi bộ ngang qua, ông lão và họ vẫy tay chào nhau. Tôi đoán ông sống quanh đây. Ăn xong, ông thong thả lấy trong túi nilon một chai nước, uống từng ngụm nhỏ. Tôi không nói tiếng nào, tôi chỉ nhìn ra sông. Ông lão bắt chuyện bằng cách nói về thời tiết, những trở ngại của người già, tuyệt nhiên không hỏi han gì về tôi. Một lúc sau ông bắt đầu nói về mình. Ông từng học trường Pétrus Ký thời Pháp, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua xe để đi xa học tiếp, ông đi làm thư kí cho một văn phòng luật. Tôi nghe lơ đãng. Bỗng nhiên ông lão thở dài rồi nói: “Ông có chuyện này không biết có nói được cho con nghe hay không. Ông chưa từng nói với ai.” Đó là tình huống tôi có nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ thầm, tôi đã nghe rất nhiều thứ trên đời rồi. Nghe hay không một câu chuyện nữa đối với tôi không quan trọng. Nhưng tôi im lặng, tôi hiểu rằng ông sẽ kể. Từ nãy giờ tôi vẫn chưa nói thêm câu nào.
Ông lão mơ màng một lúc, nhìn ra xa, xa hơn cả tôi, rồi bằng một giọng đầm ấm, kể một câu chuyện dài dòng và một hoàn cảnh kì quặc tiếp theo mà tôi không bao giờ quên được. Ông mở đầu bằng cách kết luận, rằng cuộc đời ông là một chuỗi may mắn khó tưởng tượng. Chỉ riêng việc ông đang ngồi ở đây thôi cũng đã là một phép màu…
Sau khi người Mĩ vào Sài Gòn, ông được cho đi học, tiếp tục làm trong cơ quan pháp luật của chính phủ lúc bấy giờ. Ở vị trí này, ông dùng khả năng của mình để cứu nhiều người mẹ, người vợ có chồng con đi theo cách mạng thoát khỏi tù tội. Lí do ông làm việc này vì ông không đành lòng thấy những đứa con nhỏ côi cút hoặc những cụ già bơ vơ không người nương tựa. Ông không thấy còn lựa chọn nào khác khi phải nhìn vào hoàn cảnh đau lòng của họ. Vào ngày ba mươi tháng tư hỗn loạn, ông bỏ chạy khỏi Sài Gòn như bao quan chức khác. Những may mắn phi thường xuất hiện. Khi cần xe, ông bắt gặp một chiếc xe máy bỏ không. Khi ra đến cửa sông, một người ông từng giúp đỡ với thuyền máy đầy đủ nhiên liệu đã ở đó. Hai người lang thang trên biển rất nhiều ngày cho đến khi lả đi và tỉnh dậy bởi bóng râm của một con tàu to lớn phía trên. Bằng cách nào đó giữa đại dương mênh mông vô hướng, một con thuyền nhỏ xíu đã được nhìn thấy. Ông sang Mĩ và bị chối bỏ bởi những người quen biết, phản đối những việc ông từng làm. Bởi vì những người như ông là nguyên nhân của việc mất Sài Gòn. Nhưng ông không buồn, ông cho rằng mình quá yếu đuối để làm khác đi, ông sinh ra không đúng thời, chẳng biết cách làm hại ai và đành gánh chịu hậu quả…
Sau đó là một khoảng lặng rất lâu…
Lúc này mặt trời đã dần tắt. Ánh sáng yếu ớt hắt trên mặt nước vàng vọt. Phía xa một mảnh trăng xanh treo lơ lửng. Ông lão bắt đầu nói về may mắn. May mắn là một món quà cuộc sống ban tặng, phép màu để con người có thể đối mặt với nghịch cảnh. Ông đã vượt qua mọi thứ bằng may mắn, trong ngày hỗn loạn, giữa mênh mông đại dương… Ông nghĩ mình được tặng quà, bởi vì ông như một đứa bé ngoan cố gắng làm điều tốt. Không có những món quà, biết đâu một người yếu đuối không hợp thời đã phải chết đến vài lần.
Ông lão xúc động một lúc lâu rồi quay trở lại. Vẫn bằng một giọng nhỏ nhẹ trầm ấm. Năm ngoái, ông bị chứng gai cột sống đến nỗi phần lớn thời gian, ông nằm liệt giường. Bác sĩ nói ông phải mổ trong một tình huống không có nhiều hi vọng. Ông kí vào giấy xác nhận mình hiểu và chấp nhận rủi ro. Kể từ hôm đó, nghĩ đến việc không đi lại được nữa, ông buồn đến mức không còn thiết tha gì. Sáng hôm sau, trong cơn hoảng hốt gào thét của những người con và trong sự ngạc nhiên của chính mình, ông thức dậy, bước ra phòng khách như chưa từng có cơn đau nào xảy ra. Ông tập đi trở lại, bằng sự bối rối chập chững của một đứa trẻ lên ba, của người vừa có lại đôi chân lần nữa. Sau cùng, ông trở về với cuộc sống bình thường để bước đến ngồi trước bờ sông này, kể câu chuyện kì lạ với tôi, người ông không quen biết. Những câu chuyện ông chưa biết kể cùng ai vì ông sợ rằng người ta sẽ không tin nổi. Lúc này, ông lão bắt đầu khóc. Ánh trăng cùng ngọn đèn vàng phản chiếu lên những giọt nước mắt lấp lánh lăn dài. Đó không phải những giọt nước mắt đau khổ như tôi từng chứng kiến. Nó nhiều hơn như thế, khó mà diễn tả được. Có thể nó bao gồm một chút buồn vui, chút ngậm ngùi trải dài theo quãng đời miên man đầy biến cố.
Tôi ngồi im nhìn ông già bạc phơ khóc lặng lẽ trước mặt mình, với những trải nghiệm kì lạ đã được kể tường tận, không kèm theo bất kì lời giáo huấn nào. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi có thể mỉm cười khi nhìn thấy nước mắt người khác mà không hề bối rối. Bên cạnh tôi, ông lão vẫn chưa hết xúc động, ông đang nói những lời ngắt quãng cám ơn cuộc đời, cám ơn những phút giây mà ông còn đang sống. Sau cùng, ông quay sang cám ơn tôi vì đã ngồi nghe câu chuyện của ông, vì tôi đã ở rất lâu với một người xa lạ.
Trời tối hẳn, không còn một cơn gió nào nữa, mặt nước im lìm và thời gian bị cô đặc lại. Ông lão vỗ vai tôi, đưa tay quẹt ngang mặt, đứng dậy ra về. Nhưng chỉ vài bước bỗng nhiên ông quay lại, nhìn vào mắt tôi một lúc rồi nói: “Con có biết đôi khi, mình không thể làm được chuyện gì to tát, thì mình chỉ cần làm một việc nhỏ thôi là đủ. Giống như con, con là người lắng nghe, con sinh ra để nghe người khác, như vậy cũng được rồi. Một cái bánh bao mà có hai trứng cút là vui rồi con. Cám ơn con.”
Tôi ngồi lại bần thần lúc lâu, cảm giác như mình đang nghỉ ngơi trên một đỉnh núi đầy mây, sau hành trình dài khó nhọc. Những câu chuyện và những giọt nước mắt không cho tôi hi vọng hay niềm tin nào cả. Tôi không phải người nghĩ về nhân quả. Nhưng bằng cách nào đó, tôi nhận được sự điềm tĩnh, yên ả tuyệt đối khi phải nhìn lại phía sau, hoặc cố dò tìm trong mịt mù phía trước. Dù sao cũng có người đã nhìn thấy tôi. Điều này như những tia sáng từ ánh trăng xanh thẳm trên cao kia đang rơi xuống, xuyên qua những ngổn ngang buồn bã bấy lâu. Tôi là người lắng nghe. Sứ mệnh của tôi là bức tượng lặng im trong đền thờ đón nhận hết mọi lời trái ngang tuyệt vọng. Tôi là bức tường dài đầy kí tự hỗn loạn dựng lên, quây tròn lấy mình trầm ngâm chính giữa. Đó là cách một ngày của tôi được tạo ra và kết thúc.
*
*            *
Lâu lâu, tôi vẫn nhớ lại gương mặt hiền hậu và câu chuyện ngộ nghĩnh về cái bánh bao hôm đó. Cuộc sống tiếp diễn như cũ, trồi sụt sau lớp sương mờ ảo. Nhưng tôi thấy mình khác đi, tôi đã được trao một sự điềm tĩnh mới, món quà bất ngờ mà thỉnh thoảng trong cơn bối rối, tôi nhiều lần giở ra ngắm nghía. Nó lấp lánh như một phép màu giản dị.
Có lúc, trong vài hoàn cảnh khác, tôi tiếp tục lắng nghe những câu chuyện ngổn ngang bừa bộn. Dù vậy, tôi không thấy mệt mỏi buồn bã. Tôi có một bức tường mới mẻ được lau chùi cẩn thận. Còn cơn bối rối của chính mình, tôi tạm giấu vào những đêm trăng trong khu phố nhỏ quen thuộc mà tôi quay lại hàng đêm. Nhiều lần, tôi đến rất sớm, ngồi rất lâu từ khi mặt trời hãy còn chói loà phía trên cao, cố tình chờ đợi ông lão với mái tóc bạc phơ và đôi chân mày dài trắng muốt quay lại, nhưng tôi không bao giờ thấy ông nữa.
H.P

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *