Bài nổi bật

Má Đào – Vũ Thanh Lịch

Những trang văn dìu dặt, trĩu nặng như cung tơ lúc bổng lúc trầm. Ta nghe trong đó phận má đào rối như tơ vò bên tình bên hiếu, nhắm mắt đưa chân theo cuộc đẩy đưa, ai oán nỗi lòng riêng tư chốn khuê phòng, u hoài, nặng nợ ân tình nguồn cội. Tác giả Vũ Thanh Lịch đã chạm vào những nỗi niềm sâu kín của công chúa Phất Kim, con gái vua Đinh Tiên Hoàng, cũng là nỗi niềm chung của người phụ nữ xưa trong cung vàng điện ngọc..
Truyện đêm khuya vov2 – Má đào
Làng mở hội lớn. Năm năm một lần. Người thập phương dồn về không biết bao nhiêu mà kể.
Đường làng tấp nập, chen chúc. Sân hội đông kín người, cờ hoa rực rỡ, âm nhạc xôn xao. Đoàn rước dài tít tắp, máy quay phim, chụp ảnh, máy trên trời máy dưới đất, ríu ra ríu rít làm hàng diễu hành thi thoảng lại xô lệch, cong vẹo. Đám rước rực rỡ áo khăn, điểm xuyết vài bóng đen lố nhố không hàng lối, không nghi lễ, không trang nghiêm, những bóng đen đeo máy ảnh, máy quay phim hòng lưu giữ lại những khoảnh khắc huy hoàng của đoàn rước. Đoàn rước đồng phục áo khăn, đồng phục bước đi, chỉ có những khuôn mặt cười không đồng phục, khuôn do luyện tập mà thành, khuôn cười vì nhiệm vụ, cũng có khuôn cố làm ra cười nhưng không được, họa hoằn lắm mới thấy một khuôn cười từ sâu trong mắt. Những khuôn mặt đi qua Nàng, như đi qua muôn vàn người xem hội. Họ không biết Nàng vì Nàng đã thuộc về đám đông. Nàng cũng không biết họ, vì họ thuộc về đám rước. Đám rước thuộc về những điều tinh khôi. Tinh khôi thuộc về vĩnh cửu. Vĩnh cửu thuộc về ước nguyện. Ước nguyện thuộc về giấc mơ. Giấc mơ thì không bao giờ có thật. Nàng bật cười khi nghĩ đến điều không có thật đang nườm nượp đi qua trước mắt mình. Tiếng cười trong veo, thanh nhẹ và bay vút lên thinh không, nhanh đến nỗi không một ai hay biết.
Nàng không về hội. Bao nhiêu mùa rồi. Phần vì Nàng không muốn, phần vì không thể, và phần nữa, vì không ai mời Nàng. Cũng không thể trách được ai, vì có ai biết Nàng ở đâu để mời. Rõ ràng, Nàng đã xuất giá, xuất giá thì tòng phu, sống làm dâu nhà họ Ngô, chết làm ma nhà họ Ngô… Nàng đã làm dâu mà không làm ma, vậy là Nàng chưa tròn phận với người ta, chưa tròn nghĩa hiếu với mẹ cha, nơi chín suối chắc hẳn mẹ cha không vui được. Nàng cũng xuất giá rồi, không được phép làm ma nhà họ Đinh nữa. Không làm ma nhà họ Đinh, nhưng Nàng vẫn là người nhà họ Đinh, nàng mang dòng máu họ Đinh, Nàng có thể về nhà bất cứ lúc nào mình muốn… Về nhà… Về nhà… Đôi mắt Nàng rướm lệ. Nhà. Nơi để người ta đi về sau mỗi vui buồn hờn giận ngoài cuộc đời. Nơi để người ta neo đậu phần hồn, dưỡng sinh phần xác… Nhà… Nàng đã từng có, nó ở ngay kia… cách nơi nàng đang đứng đây vài trăm thước. Đó, căn phòng nhỏ tựa lưng vào núi, nhìn ra bến sông Hoàng, bến sông đầy hoa tím, như chùm loa kèn nhỏ xinh, chỉ cần gió khẽ thổi là bao nhiêu tiếng lòng thương nhớ bay vút lên trời… bay đến điện ngọc cung vàng nơi cha mẹ Nàng ngày đêm nén nỗi niềm riêng mà lo toan vận nước, bay đến sông Ngô Đồng, nơi người trai trẻ đêm đêm rung tiếng đàn bầu, thức tỉnh những trái tim. Chàng ấy từng nói, người dân lam lũ vất vả từ tinh mơ trời chưa sáng đến tối thẫm mặt người, vậy nên, trong đêm đen, có tiếng đàn tiếng hát cho người ta xích lại gần nhau, mà yêu thương cuộc đời này, yêu thương những gian nan vất vả họ trải qua mỗi ngày, thì đó cũng là việc nên làm. Người Hoa Lư mình, nhờ đàn hát mà quên đi khó khăn mệt nhọc, cũng nhờ đàn hát mà người với người biết lắng nghe tiếng vọng tâm hồn để gắn kết với nhau… Chàng không cầm kiếm, không can dự chuyện binh đao, nhưng chàng làm cho binh sĩ thêm nhuệ khí, làm cho binh đao thành cờ lau kiếm gỗ, làm cho kẻ địch nể sợ… Chàng đã ở đó, lênh đênh một mình với con thuyền nan nhỏ như lá tre, đưa sứ thần Trung Hoa qua sông, vịnh thơ đối chữ cầm đàn… tiếng đàn xuyên thấu lớp tường thành, bao bọc cả cung vàng điện ngọc.
Má Đào – Vũ Thanh Lịch
Cung vàng điện ngọc… Nàng ở đó, ngày ngày cùng các cung nữ thêu long bào. Long bào lúc vàng rực như nắng, lúc trong suốt như ánh trăng, lúc đỏ rực như màu máu… các cung phi thêu hình rồng, nàng thêu mắt. Đôi mắt của linh vật trên mũ áo cân đai. Đôi mắt làm nên sự sống. Cha nàng từng nói, linh vật cũng chỉ là một món đồ do tay ta làm ra, bằng đường kim mũi chỉ nhỏ xíu hay bằng tảng đá khổng lồ vô tri vô giác… nhưng nó là linh vật vì ta trao cho nó một linh hồn, linh hồn nằm sâu trong mắt… đôi mắt sâu thăm thẳm và trong sáng như ánh trăng đêm rằm của công chúa đương triều… Công chúa đương triều… Là Nàng… Đúng ra, là quá khứ của Nàng, là những điều thuộc về Cha nhiều hơn là thuộc về Nàng… Cha… Nàng được phép gọi nhà vua như thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là đặc ân, cũng là yêu cầu lạ lùng nhất của nhà vua. Bất chợt Nàng thấy Cha bước đến, đứng trước mặt nàng, nhìn nàng bằng đôi mắt yêu thương nhất, Nàng thốt lên, “Phụ thân!…” Lời Nàng chưa dứt, ánh mắt Cha đã trở nên u uẩn. Cha nàng nhìn nàng, từ đầu đến chân rồi lại từ chân đến đầu, bảo “Ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, con hãy gọi ta là cha, ta không muốn con gọi ta là phụ thân, ai dám chắc một ông vua làm cha tốt hơn một ông thợ cày hay một ông đánh cá ngoài sông Ngô Đồng. Vả lại, ta muốn con hãy cứ là con gái của một người chăn trâu, thay vì là công chúa của vương triều… Khi ở bên con, ta không phải làm một ông vua nữa… làm vua… cũng đâu có gì đặc biệt, chỉ là một công việc như bao nhiêu công việc thôi, có chăng nó chỉ khác vì công việc của ta liên quan đến sự an vui hay bất hạnh của tất cả chúng sinh trên mảnh đất này. Vậy nên, ta phải dành nhiều thời gian cho họ, mà quỹ thời gian của ta có hạn, con gái ta phải chịu thiệt thòi rồi…”. Nàng nhìn Cha, nước da đen sạm, đôi mắt bừng lên ánh sáng của sự chở che, của yêu thương trìu mến nhưng cũng đựng đầy âu lo.
Âu lo. Nàng đã đọc thấy trong mắt Cha. Lần đầu tiên. Sau buổi tiệc mừng.
Tiệc mừng. Hay là một nghi lễ, cho sự vui mà đôi khi người được mừng chưa chắc đã vui.
Nàng. Cũng như bao nhiêu người khác trong hoàng cung, đến dự tiệc mừng đám cưới Cha bằng sự hoan hỉ ngoài nét mặt. Đám cưới thì phải vui, đám cưới vua càng phải vui, dù vua lấy một người phụ nữ góa chồng. Góa chồng nhưng bà là mẹ của An Vương Ngô Nhật Khánh, thân tộc của Ngô Tiên Chúa. Cũng vì là thân tộc mà Ngô Nhật Khánh dám xưng An Vương, nuôi mộng giành lại ngai vàng của nhà Ngô mới bị Dương Tam Kha chiếm đoạt. Nhưng tài sức chưa đủ mạnh để đối đầu với Đinh Bộ Lĩnh, Nhật Khánh hàng phục mà trong lòng ấm ức không yên. Biết Đinh Bộ Lĩnh kết hôn với mẹ mình chỉ để tăng mối thâm tình, chiêu mộ anh tài, xóa gỡ hận thù… vậy nên Khánh về Hoa Lư dự tiệc mừng bằng niềm vui miễn cưỡng và thành ý miễn cưỡng.
Cha Nàng, không kể là một vị vua có tài thao lược bậc nhất bấy giờ, thì cũng là một đấng nam nhi biết nhận ra sức mạnh vô cùng tận của nhan sắc đàn bà, ông đã bị (được) những dung nhan sắc nước hương trời làm rung cảm trái tim, nhưng trái tim đầy lí trí của ông biết sử dụng cái rung cảm ấy để gia tăng sức mạnh cho mình. Có vẻ như cái ý nghĩ “Anh hùng khó qua ải mĩ nhân” không đúng với Cha hoặc Cha đã sử dụng mĩ nhân như một thanh kiếm, kiếm sắc không dễ sử dụng, vì có đôi khi nó làm chảy máu cả bàn tay người cầm kiếm…
Nàng cũng là một trong số những thanh kiếm của Cha, không phải để phô trương thanh thế, mà để chiêu mộ anh tài.
Nàng đẹp. Thùy mị. Dịu dàng. Và có tài. Tài năng làm vẻ đẹp của Nàng thêm đằm thắm, sang quý và bí ẩn, nó khiến người ta không thôi khao khát được khám phá và chiếm đoạt.
Nàng tỏa hương lặng lẽ và vô tình như hoa lan hoa huệ, nàng hút mọi ánh nhìn về phía mình.
Cha mời Nhật Khánh ngồi bên nàng, như vô tình, như cố ý. Nàng nâng chén rượu đào, long lanh ánh mắt, e ấp môi cười, Nhật Khánh phách lạc hồn xiêu. Ly rượu thứ hai vừa nâng lên, Nhật Khánh đã không thể kìm lòng, vội vã nắm tay Nàng mà rằng: “Liệu ta có thể biết quý danh của nàng chăng?” Nàng e lệ rút bàn tay về, bẽn lẽn trả lời “Thưa tướng quân, tên thiếp là Phất Kim”. Giọng nói của Nàng như suối reo gió thoảng khiến Nhật Khánh càng mê mẩn ngẩn ngơ. Chén rượu thứ ba vừa cạn, Nhật Khánh buông tay, mặc kệ chén ngọc rơi tự do xuống bàn, chộp lấy cánh tay Nàng, giọng nói không giấu nổi cơn khao khát cuồng dại đã choán phủ khắp tâm hồn và thể xác: “Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, nàng có bằng lòng không?” Nàng giấu nỗi bàng hoàng trên khuôn mặt trong sáng thơ ngây, e ấp trả lời: “Đa tạ tướng quân đã có lòng hạ cố”. Rồi nàng đứng dậy, lui gót, để mặc Nhật Khánh phách lạc hồn xiêu.

Tiệc tàn. Quan khách rời đi. Nàng thao thức lắng nghe tiếng đàn của người trai trên bến Ngô Đồng. Nàng đã thầm yêu trộm nhớ. Trái tim Nàng thuộc về dòng sông, thuộc về Chàng. Tâm hồn Nàng thuộc về tiếng đàn… Tiếng đàn thưa nhặt, rời rạc như viên thành từng giọt sương đêm nhỏ xuống dòng sông, làm rạn vỡ mặt nước vốn yên bình và phẳng lặng. Những mảnh vỡ của dòng sông sắc nhọn hơn mảnh gương, cứa vào tim nàng… Nàng muốn quên đi ánh mắt Nhật Khánh, muốn quên đi lời đề nghị sỗ sàng bên bàn tiệc cưới Cha… Nàng muốn quên nỗi lo sợ mơ hồ mà nàng cảm thấy nó vừa đến sát gần bên nàng đây… Nàng muốn ngấu nghiến tiếng đàn, muốn được thả lỏng mình trong tiếng đàn, muốn được gần bên Chàng… nhưng sông sâu, thành cao, cung vàng điện ngọc còn cao hơn thành… Nàng ngồi vào khung thêu, nhấm chỉ, luồn kim…
Nhưng chỉ rối. Kim tù…
Đêm tàn lạnh.
Nàng không dám khóc, sợ sớm mai thức dậy, đôi mắt không đủ sức ánh lên nét tươi vui cho Cha yên lòng ra trận. Nàng nhìn ánh trăng ngoài khung cửa. Trăng nhìn nàng. Cả hai đều thăm thẳm và hoang lạnh như nhau. Nàng có bạn tâm giao rồi. Trước đây, những lúc Nàng muốn khóc như lúc này, thế nào Cha cũng xuất hiện, Cha cũng xuất hiện cả những khi có chuyện làm Cha rối trí nữa. Nhưng hôm nay thì không… Cha đã cử trăng đến với Nàng, Nàng nghĩ thế và tin như thế.
Một đêm nữa.
Đêm nữa trôi qua.
Cha giao cho Nàng thêu hoàng bào tặng vị tướng quân vừa thuận lòng về với Hoa Lư.
Nàng mải miết đêm ngày thêu áo.
Cha đến. Để giục Nàng sớm hoàn thành tấm áo hay có chuyện gì khiến Cha rối trí. Bước chân không dứt khoát và dũng mãnh như thường khi, Cha đi chậm, đếm từng bước. Dừng lại rất lâu trước bậu cửa. Giọng Cha chậm rãi và khách khí: “Con gái ta đã ngủ chưa?” “Thưa Cha, con vẫn đang thêu áo.” “Ta ngồi với con được chứ?” Cha ngồi, như một ngọn núi vững chãi. Tiếng đàn ngoài sông Ngô Đồng chạm đến tai Cha. Cha hỏi, “Con biết người chơi đàn ngoài kia chứ?” “Thưa cha, đó là tiếng đàn của Thủy Tùng, một người có tài cầm kỳ thi họa”. “Tiếng đàn rất hay, sao con không mời Thủy Tùng vào cung?” “Thưa cha, tiếng đàn của chàng như mây bay gió thổi, nó thuộc về trời đất núi sông, con sợ hoàng cung làm nó trở nên tù túng…”. “Chà chà… con gái ta thật sự đã lớn rồi!” Cha nói. Và nhìn Nàng. Đôi mắt không giấu diếm nỗi lòng u uẩn. Cha vẫn bảo, khi ở bên Nàng, cha được làm một người cha bình thường như mọi người đàn ông bình thường trên trần gian này, cha cũng bảo nàng đừng nhìn mũ áo cân đai của cha, nó chỉ là lớp vỏ bọc để cha làm nhiệm vụ… Vậy nên Nàng thường nhìn ánh mắt của cha, ở đó, có mọi niềm vui và nỗi buồn, có cả những yêu thương và toan tính, có nhiều điều vừa bí ẩn vừa giản đơn. Như lúc này, nó đầy ắp nỗi lo toan, phiền muộn. Nàng vẫn thêu khi nói chuyện với Cha, Cha từng bảo Nàng ngồi thêu giống thiên sứ, mũi kim nhỏ xíu, sợi chỉ nhỏ xíu làm ra linh vật, Nàng gắn kết những thứ bé nhỏ thành vĩ đại, biến những điều bình dị thành phi thường, biến cái hữu hạn thành vĩnh cửu… Đó là Cha nghĩ thế, còn Nàng, Nàng chỉ biết làm việc, nàng yêu mũi kim, nhỏ và sắc yêu sợi chỉ mỏng manh nhưng bền chắc… Có một sợi chỉ rối… Cha đứng lên đặt tay lên vai Nàng, giọng Cha chắc nịch như hiệu lệnh lúc cầm quân “Cha có chuyện cần nói với con…” “Dạ!” “Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất trong thiên hạ nhưng chưa tận trung với sự nghiệp của cha, giang sơn ta bé nhỏ nhưng tươi đẹp, phía bắc thì nước Tống ngày đêm âm mưu chiếm đoạt, phía Nam thì nước Chiêm thường xuyên nhòm ngó… Nếu triều đình có được Nhật Khánh tận tâm tận lực chung tay giúp sức thì Đại Cồ Việt như chim thêm cánh, như cá thêm vây. Ta muốn con thành thân với Nhật Khánh, dùng tình phu phụ mà thuyết phục Khánh giữ trọn đạo hiếu trung…”. Bàn tay Cha vẫn đặt trên vai Nàng, đôi bàn tay thường ngày mềm và ấm là vậy, mà lúc này… như một trái núi. Nó làm tim Nàng đau thắt. Nàng cố gắng không khóc. Nàng biết, lo toan của Cha là lo toan cho giang sơn xã tắc, còn lo toan của Nàng, là cho duyên phận của chính mình, cho mối tình thơ mộng chưa kịp đơm hoa kết trái đã phải chia lìa… Nàng cúi đầu vâng mệnh Cha nhưng là cúi đầu giấu giọt nước mắt vừa tràn ra khỏi mi khi tiếng đàn rẽ sông đêm vọng đến. Ai bảo Nàng sinh ra làm công chúa. Ai bảo Nàng xinh đẹp nết na. Ai bảo Nàng làm con gái đức vua…
Cha đi rồi, Nàng còn ngồi đó, bất động. Mũi kim thôi không luồn thấu vải, sợi chỉ rối bời, nước mắt chứa chan. Nàng vin vào tiếng đàn, vịn vào đêm mà đứng dậy.
Đám cưới của công chúa đương triều được tổ chức tưng bừng ngay sân hội này, cũng cờ hoa, cũng đoàn rước, cũng những lời chúc phúc vang vọng khắp núi cao sông rộng. Thủy Tùng không ở trong đoàn nhạc lễ, không trong đoàn rước, cũng không trong hoàng thành để chúc phúc cho Nàng… Đêm trước ngày làm lễ thành thân, Nàng đã trốn ra ngoài thành để gặp Thủy Tùng, chàng không buồn, không hờn, không giận, chỉ nhìn nàng bằng đôi mắt của pho tượng đá, đôi môi Chàng khẽ động đậy, đủ cho Nàng nghe thấy lời nhắn nhủ rằng Nàng không được khóc, không được buồn, rằng Nàng phải vững bước, vững tâm vì nghĩa lớn. Con người sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi mà thôi, được hy sinh cái riêng tư bé mọn cho hạnh phúc của muôn dân, cho an vui trăm họ, cho giang sơn gấm vóc vẹn toàn, chẳng phải đã là hạnh phúc tận cùng của kiếp người đó sao. Giọng chàng đó, rõ là ủi an nhắc nhở Nàng, nhưng sao nghe như lá cỏ lau trước cơn gió chướng, quăng bên này rồi lại quật bên kia, bên nào cũng cứa vào tim Nàng… Nàng không nghe thấy những lời chúc phúc, không nghe được âm thanh nào của đoàn lễ nhạc, Nàng nghe rõ tiếng đàn của Thủy Tùng đang ở đâu đây, gần lắm, xa lắm… Tiếng đàn vượt qua sông sâu, vượt qua núi thẳm, vượt qua lớp lớp tường thành, rú rí tâm hồn Nàng, lau nước mắt cho Nàng, nhắc Nàng không được buồn, không được khóc…
Đêm động phòng hoa chúc, phò mã như hổ đói vừa bắt được nai tơ… Nàng đau đớn, rã rời và kinh sợ. Tuần trăng mật của Nàng trở thành mật đắng khi ngày ngày phò mã quần thảo như thú hoang trên tấm thân ngà ngọc… Nàng thành bông hoa khô, đúng ra, là một bông hoa đá, trơ lạnh, vô cảm.
Rồi Nàng quen.
Nàng đã được rèn giũa để trở thành một người phụ nữ cúc cung tận tuỵ với chồng, với gia đình.
Nàng quên hoặc là làm như đã quên tiếng đàn cất lên giữa dòng sông Ngô Đồng mỗi đêm.
Nàng vẫn thêu mắt linh vật lên mũ áo cân đai cho Hoàng gia.
Cuộc hôn nhân của Nàng yên ả như vô vàn cuộc hôn nhân ở chốn trần gian. Cho đến một ngày, sau cái chết của người em cùng cha khác mẹ với Nàng, cũng là người em cùng mẹ khác cha với Nhật Khánh, Nàng đối diện với cuộc sống khác.
Nhật Khánh được tin từ phương Bắc, được hứa hẹn từ phương Nam, những toan tính mưu đồ ngủ yên bấy lâu đột nhiên trỗi dậy, Khánh dỗ dành nàng kinh lý phương Nam… Nàng ngoan ngoãn theo chồng, không mảy may nghi hoặc.
Thuyền theo lái, ra bể, xuôi về phương Nam. Trăng thanh gió mát. Biển rộng trời cao. Sóng nước dập dềnh. Nhật Khánh neo thuyền thưởng trăng hóng gió, tận hưởng nhan sắc kiều diễm của Công chúa đương triều… Sau cơn hoan lạc đã đầy, Khánh nằm sõng soài nhìn trăng rời rợi mà rằng: “Trời nước mênh mông này, trăng gió bát ngát này, là của ta, trước sau gì ta cũng giành lại được, khi đó, nàng sẽ là chính cung hoàng hậu, ta thề là sẽ không đời nào phong hậu cho tất cả thê thiếp như cha nàng, rồi nàng sẽ là bậc mẫu nghi thiên hạ, sẽ tận hưởng mọi vinh hoa phú quý trên đời này… Vợ yêu của ta… chỉ cần nàng luôn ở bên ta, trung thành tuyệt đối với ta… ta sẽ cho nàng cả giang sơn xã tắc này…”.
Nàng nghe như sét đánh ngang tai, xanh xám mặt mày, run rẩy hỏi: “Hóa ra không phải chàng đưa thiếp đi kinh lý phương Nam, chàng định làm gì đây?” Phò mã ngửa cổ nhìn trời cười lớn: “Từ lâu ta đã được người Phương Bắc ra tay giúp sức, nay lại được vua Chiêm tiếp thêm binh lực, chẳng mấy nỗi mà ta giành lại được Đại Cồ Việt, nàng hãy ngoan ngoãn theo ta, gái có công chồng không phụ”. Nàng khóc lóc van xin chồng đừng làm như thế, rằng Nàng không thể vì chữ tình mà quên chữ hiếu, không thể phản bội Cha, phản bội Hoa Lư và cư dân Đại Cồ Việt… Nhật Khánh xem lời Nàng như gậy chọc bánh xe, bao nhiêu ngọt ngào vừa đó đã tan biến đi đâu, chỉ còn lại con hổ dữ sấn xổ giơ thanh kiếm trước mặt Nàng mà nguyền rủa: “Thôi đi, ngươi định lên lớp ta sao? Ngươi tưởng ta sung sướng lắm với cái vai phò mã hay sao? Cha con ngươi ức hiếp mẹ con ta như thế đủ rồi, ngươi có đem cả sinh mạng mình ra cũng không đủ trả mối oán hờn này”. Lời chưa dứt, lưỡi kiếm đã vung lên. Trong tích tắc, đôi má hồng của Nàng bay vèo xuống biển sâu. Biển sâu loang máu. Cồn rát nỗi đau.
Nàng choáng váng. Đau đớn. Ê chề.
Biển mặn vươn tay đón đỡ Nàng, vỗ về con thuyền nhỏ đưa Nàng ngược dòng về lại kinh đô.
Về lại kinh đô. Nàng về lại ngôi nhà của mình. Ngôi nhà có cha mẹ và các anh chị em, có những người bạn Nàng yêu thương gắn bó… và có cả tiếng đàn đêm đêm rú rí vỗ về Nàng… Là Nàng nghĩ về ngôi nhà của mình như vậy, chứ Nàng chưa từng được ngả đầu vào vai Cha mà khóc, cũng chưa từng được sà vào lòng mẹ mỗi khi đau đớn u buồn. Nàng phải cứng rắn và mạnh mẽ, anh cả luôn nhắc nàng như vậy, “cứng rắn và mạnh mẽ như cha của chúng ta, vì chúng ta sinh ra để giúp cha làm điểm tựa, làm người bảo vệ cho muôn dân trăm họ…”. Nàng không được phép yếu đuối, dù có là một nàng công chúa liễu yếu đào tơ thì trong tâm hồn Nàng, trong ý chí Nàng, vẫn phải vững vàng như dãy núi kia, vẫn phải êm đềm trong trẻo như dòng sông kia… Nàng gặp Cha. Cúi đầu nhận tội. Tội bất hiếu với mẹ cha vì không thể ngăn chồng hại cha, tội bất nghĩa với chồng vì không thể cùng kẻ gian tà đi đến cùng trời cuối đất, tội bất trung với giang sơn xã tắc vì kết tóc xe tơ với kẻ phản nghịch.
Cha đứng trước Nàng như cây đa bị đục ruột, nhìn Nàng bằng đôi mắt rướm máu. Nàng khóc, nước mắt rửa sạch vết kiếm trên má nàng, nước mắt làm đôi má Nàng thôi không rỉ máu. Nhưng nước mắt không lấp đầy hai hố đen thăm thẳm trên khuôn mặt nàng.
Nàng không gặp lại Thủy Tùng dù tiếng đàn của chàng đêm đêm vẫn khiến ruột gan Nàng xót buốt. Nàng muốn chạy trốn tiếng đàn, chạy trốn những ánh nhìn thương hại nơi hoàng cung, chạy trốn khỏi đôi mắt đau đớn của Cha.
Nàng ra ngoài thành, xuống tóc đi tu, nhất tâm cầu nguyện để hóa giải tội lỗi nơi trần thế. Ngôi chùa nhỏ nép mình bên dòng sông Ngô Đồng, xung quanh lau lách um tùm, chỉ có ánh trăng đêm đêm bầu bạn, và tấm lòng bao dung của Đức Phật che chở vỗ về.
Hoàng cung gặp cơn bão táp. Cha và anh cả Đinh Liễn cùng lúc bị sát hại. Các tướng lĩnh thân cận của Cha lần lượt bị loại bỏ. Chồng Nàng háo hức mang quân ngoại quốc từ phương Nam về tranh giành ngôi báu bị sóng gió biển Đông nhấn chìm ngoài cửa bể. Một cái ngai vàng, bao nhiêu máu và nước mắt đổ xuống. Bao nhiêu tình nghĩa bị chôn vùi. Bao nhiêu trật tự bị đảo lộn. Bao nhiêu tin yêu bị hủy hoại…
Nàng gieo mình xuống giếng nước sâu, vùi lấp mọi tang chứng của những mưu đồ vương bá, của những dã tâm, của đau thương, thù hận.
Giếng giữ Nàng trong lòng đất mẹ, không dạt theo sông sâu, không trôi ra biển cả.
Ở sâu trong lòng đất mẹ, Nàng vẫn lắng nghe thế gian vật đổi sao dời. Kinh đô trở thành phế đô. Thể phách của hoàng thành dần bị vùi lấp sau vô vàn sóng gió của đất trời và lòng người. Tinh anh của vương triều cũng vì thời gian mà khi mờ khi tỏ.
*
Đám rước đã lượn đủ một vòng ra bến sông, bến sông thì cũ, dòng sông thì mới, dòng người cũng mới, những linh hồn trinh nữ cũng mới. Họ đang quay về kinh thành. Họ lại đi qua Nàng, như đi qua những lối mòn, lối mòn khiến người ta lầm tưởng nó sinh ra cho người ta bước đi. Nàng ở dưới chân họ, bên cạnh họ, trên đầu họ, trước mắt họ, sau lưng họ, và đôi khi, Nàng ở trong ý nghĩ của một vài người đi theo đoàn rước… nhưng chưa từng có ai biết đến nàng.
Đám rước đi. Rồi về. Rồi tan. Năm nào cũng vậy. Lướt qua Nàng như một lá cỏ lau, xước chút da nhưng không rịn máu. Lâu dần, da Nàng không còn chỗ để xước nữa. Nàng cũng chán những đám rước quen thuộc và cũ kĩ. Những con người mới không làm nên đám rước mới, các trinh nữ và nước sông cũng vậy, cứ thơ ngây như dòng chảy, chảy mãi vậy thôi. Nàng không về hội, cũng không xem hội nữa.
*
Mùa đông năm ba ngàn chín trăm mười tám.
Đoàn khảo cổ học phát hiện ra một giếng nước ngầm sau khi bật phiến đá nguyên khối to hơn cái chiếu làng.
Giếng trong vắt. Cả bầu trời xanh biếc lọt thỏm trong lòng giếng. Mặt trời cũng rơi tõm xuống, hào quang từ miệng giếng hắt lên, làm sáng rực ngôi làng nhỏ lọt giữa những quả núi cao vút. Trong nháy mắt, người ta nhìn thấy hai mặt trời.
Nước giếng thơm như nõn đòng bung tỏa… Rất có thể giếng nước hình thành từ trận lốc xoáy kỷ lục, trận lốc đã cuộn tròn những cánh đồng lúa đang trổ đòng rồi nhồi xuống cửa sông kia, đút nút dòng chảy, nhấn chìm ngôi làng cổ mang dấu tích kinh thành… Càng lúc, mùi nõn đòng càng đậm, tràn ra xung quanh, những người vừa bẩy tấm đá ra, đang đứng bên miệng giếng còn cảm thấy luồng hương thơm cuộn bay lên như gió, thơm và ấm. Trong thoáng chốc, mùi hương bung tỏa khắp làng…
Năm sau làng lại mở hội.
Tác giả: Vũ Thanh Lịch – Giọng đọc: Sơn Tùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *