Bữa cơm đầu tiên đón chị dâu. Cả nhà ngồi đông đủ bên mâm cơm, nét mặt hớn hở. Chị dâu chậm rãi gắp những miếng thịt xào cùng su hào khô được mẹ phơi từ mấy tháng trước rồi ăn ngon lành, thỉnh thoảng buông bát để xới cơm cho anh trai. Phía bên kia nồi, mẹ cũng ăn chậm rãi nhưng nét mặt hình như không vui. Có vẻ như những ngày chạy vạy lo cho đám cưới của anh trai đã làm mẹ xuống sức một phần. Đến khi cha đưa bát bảo mẹ xới cơm, mẹ mới giật mình, cuống cuồng đặt bát mình xuống. Hôm nay anh trai là người vui nhất. Từ nay, chẳng còn phải nằm một mình, mùa đông đến cũng chẳng sợ lạnh!
Tải về
Sau bữa cơm, chị dâu mang bát đĩa ra giếng rửa. Chẳng ai nhìn ngó gì mà dáng điệu của chị dâu có vẻ luống cuống, như chưa hề quen với việc rửa bát. Loay hoay mãi chị dâu cũng giải quyết xong chỗ bát đĩa ấy. Bỗng chị dâu gọi anh trai ra, hỏi, sao có đống vỏ ốc sên ở đây? Anh trai nhìn đống vỏ ốc sên màu xám, con nào cũng to bằng nắm tay, bị mất đầu, rồi quay sang chị dâu đáp, anh không biết. Nhà mình đâu có nuôi lợn. Chẳng lẽ… món su hào… Anh trai chưa nói hết câu, chị dâu đã gập người nôn thốc nôn tháo. Chị dâu cứ nôn cho đến lúc chỉ còn nước dãi nhễu nhại chầm chậm rơi xuống đất, nét mặt tái xanh như tàu lá chuối non. Anh trai vội vã lấy khăn, khuôn mặt thoáng buồn.
Hôm sau, chị dâu mời cha mẹ ra bàn uống nước để anh trai thưa chuyện. Anh trai đằng hắng, nói một cách khó khăn. Tui bây giờ có vợ rồi, muốn xin cha mẹ ra riêng để chí chu làm ăn, không lại cứ dựa dẫm vào cha mẹ… Đôi mắt chị dâu láo liên, chờ đợi. Cha không nói gì mà đờ đẫn theo làn khói thuốc lào đùng đục. Mẹ thở dài, tùy bay!
***
Bà ngoại giấu giếm cho mẹ được hai thúng lúa, nhân lúc không ai có nhà, bà vội bảo mẹ gánh về. Mẹ đi như chạy. Lúc về qua sân nhà bác cả, bỗng nhiên bác cả đùng đùng từ trong nhà đi ra, giằng gánh xuống làm lúa vung vãi, vàng ngập sân. Bác cả quát ầm ĩ, đ. mẹ, sân nhà tao mà mày coi như đường cái, muốn đi thì đi vậy hả? Cái chân mày, không khéo dính đầy cứt, mày định tha về đây để ngửi hả?
Khi đó, anh trai đang nằm ngủ trên võng, tiếng ồn làm anh trai giật mình, khóc váng lên. Mẹ chạy vào dỗ anh trai rồi ra lấy chổi hon lúa lại cho vào thúng. Hôm ấy cha đi làm cho hợp tác xã, trưa về nghe chuyện liền đùng đùng vác gậy sang nhà bác cả. May có hàng xóm can ngăn kịp thời.
Bà nội sinh được bảy người con nhưng chỉ còn lại bốn người. Những đứa con sinh ra trong đói khổ, mỗi người một tính, một số phận. Hai o thì phiêu bạt ở nơi xa. Chuyện chồng con lỡ dở. Chỉ biết bầu bạn với những đứa con ngoài giá thú. Việc lớn hay việc bé đều phải tự gánh vác. Thỉnh thoảng hai o mới về thăm quê được. Lần nào về, hai o cũng ở nhà bác cả lâu nhất. Mãi tận mấy hôm sau mới sang thăm cha và mẹ.
Cha và bác cả nhà ở cạnh nhau nhưng ít khi ngồi nói chuyện với nhau được vài câu nhẹ nhàng. Có vẻ như ở trong cái đói, cái khổ đã làm người ta đối xử với nhau chua chát hơn. Hồi cha và mẹ ra ở riêng, đồ đạc trong nhà chủ yếu là do tự sắm. Lúc đó anh trai mới sinh, lại bệnh tật liên miên nên nhà nghèo xơ xác. Mẹ phải về đằng ngoại xin từ bát đũa đến soong nồi. Tuyệt nhiên bác cả không chia cho cha và mẹ bất cứ cái gì.
Nhà ở cạnh nhau nên chuyện chạm mặt rồi lời qua tiếng lại vẫn thường xảy ra. Những tiếng cãi vã đã giảm hẳn sau khi mẹ và cha mở một con ngõ hẹp vòng ra sau nhà bác cả. Hơi xa một chút. Nhưng cha và mẹ vẫn bàn với nhau cố gắng chắt bóp để mua một căn nhà ra ngoài ở. Không phải ràng buộc lẫn nhau.
***
Anh trai gặp chị dâu thật tình cờ rồi cưới nhau chóng vánh. Cái số của anh trai là số trâu bạc, khổ không để đâu cho hết. Mẹ vẫn thường bảo vậy. Mẹ thương anh trai nên nói thế. Chứ thực ra mẹ còn khổ gấp trăm lần. Bao nhiêu chuyện anh trai gây ra dù vô tình hay cố ý, mẹ đều phải gánh hết. Cha không giúp được gì cho mẹ mà còn suốt ngày rượu chè, say khướt. Nhà khác thì thế nào chứ ở đây, mẹ là trụ cột trong nhà. Mẹ một thân một mình hết đi vay nợ lại kiếm con cá, con tôm… Chẳng còn thời gian để nghĩ cho mình nữa. Lúc anh trai bảo, tui sắp lấy vợ, lẽ ra mẹ phải mừng nhưng hôm ấy mẹ im lặng không nói gì. Mẹ thương và lo lắng cho anh trai nên thành một dự cảm không tốt. Nhưng mẹ cất kín trong lòng.
Chị dâu đã cao lại gầy đét, tưởng như sự sống đã giảm đi mấy phần. Chị dâu là người xã trên. Nghe đâu là con của một ông giám đốc cầu đường trong tỉnh. Hồi chuẩn bị cưới cho anh trai, những lời miệng lưỡi thế gian cứ thế ùa vào tai mẹ. Rồi trôi tuột. Mẹ chẳng bận tâm. Có người bảo, anh trai lấy được chị dâu là sướng, sau này được bố vợ cho đi làm. Khi ấy mẹ tha hồ ở nhà đếm tiền. Việc anh trai cưới vợ, mẹ mừng đã đành nhưng cũng không khỏi nơm nớp. Nhưng thôi, cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, mẹ nỡ lòng nào cản ngăn. Mẹ hớt hải lo cho đám cưới của anh trai, mấy tuần sau vẫn chưa lại sức. Đôi khi ngồi một mình, mẹ lại tủi thân. Nhà người ta, việc lớn việc bé đều do đàn ông gánh vác. Đằng này, mẹ cứ phải tất tả, không khi nào ngơi tay.
Mấy ngày mới về, việc gì trong nhà chị dâu cũng đều mó tay vào, dù làm không tốt lắm. Từ hôm có chị dâu về, mẹ không còn phải lục cục dậy sớm nấu cám lợn; Khi nào cha và anh trai đi làm thì đổ thêm bát gạo nấu nồi cháo. Bây giờ chị dâu là người dậy sớm nhất nhà rồi làm tất. Nhưng được hơn hai tuần thì chị dâu mặc kệ. Với lại, ở riêng rồi chứ có còn ở chung nữa đâu! Vậy là mẹ lại trở về với những công việc của mình trước đây. Đôi khi những công việc của mẹ giống như một thói quen khó bỏ. Để rồi, những thói quen ấy lại làm khổ mẹ. Mà cũng chẳng thể bỏ được. Nó được quy vào bổn phận rồi! Đã là bổn phận thì ai cũng phải làm. Chị dâu những ngày mới về cũng thực hiện bổn phận sao cho xuôi xị. Những ngày sau vì ở riêng, lại được anh trai bênh chằm chặp nên chị dâu tự mình gỡ bỏ cái bổn phận chung ấy ra khỏi mình. Mẹ giận tím ruột nhưng chẳng thèm nói. Nói được gì bây giờ? Dù sao anh trai cũng là con trong nhà. Lỗi một phần do anh trai. Mẹ có rạch ròi ra cũng chẳng có lợi cho ai cả. Lại thêm ầm ĩ cho thiên hạ đưa chuyện.
***
Bà nội bế anh Hưng, là con trai bác cả sang chơi, vừa lúc cha và mẹ đang ăn cơm. Anh Hưng bỗng nhiên khóc ngằn ngặt, cứ giãy giụa mãi khiến bà nội mệt đứt hơi. Ánh mắt bà nội lúc ấy thật tội nghiệp, vừa có gì đó hững hờ lại như van vỉ. Mẹ biết ý, vội vã bảo bà nội bế anh Hưng cùng vào ăn cơm. Bữa cơm có cá đồng kho khế. Hầu như ngày nào cũng được ăn. Mẹ là người sát cá nhất làng. Cứ mỗi lần hợp tác xã tháo cống, mẹ lại mang giỏ đi kiếm cá. Kiểu gì hôm ấy cũng được một bữa cá no nê.
Anh Hưng ăn láo liết. Như thể bị bỏ đói mấy hôm rồi. Bà nội thì ăn chậm rì nhưng nhìn ngon không thể tả. Cha và mẹ bữa ấy, mỗi người nhịn một bát nhưng cũng không còn cảm giác đói. Mãi sau, bà nội mới chậm chạp từng câu. Bà nói mà như mếu, nhà anh chị mày sắp hết lúa rồi. Mấy bữa nay toàn ăn cơm độn khoai, có bữa phải ăn củ dong thay cơm. Thằng Hưng không chịu ăn, khóc mướt. Bà nội nói xong rồi đưa ống tay áo lên chậm chậm nước mắt. Cha không nói gì, cứ để mặc những làn khói đùng đục, trắng trắng bay lên. Mùi thuốc lào nồng nặc. Rồi cha ho. Có lẽ vì sặc thuốc. Mẹ để mâm cơm chưa kịp dọn, còn vương vãi xương cá, cơm rơi rồi vào buồng đong cho bà bốn bát gạo, loại bát năm lạng. Bà nội chối đây đẩy. Nhìn kiểu từ chối của bà nội mới thật tội nghiệp làm sao! Đôi bàn tay của bà run run. Bà dúi túi gạo về phía mẹ, nhưng kiểu dúi của bà mới nhẹ nhàng, dè dặt quá chừng. Cứ như, bà sợ chỉ một tích tắc thôi, túi gạo ấy sẽ trở về bên mẹ ngay tức khắc. Nhưng mẹ lấy lại làm gì. Dù sao thì cũng là ruột thịt cả. Chỉ ngặt nỗi, bác cả lại cục cằn, nóng tính; Biết chuyện bà nội mang gạo về lại chẳng quát tháo om sòm. Nên mẹ phải dặn bà mang khéo khéo. Bà nội một tay bế anh Hưng, còn tay kia giữ cho túi gạo ép sát vào người. Bà đi một cách chậm chạp. May mà quãng đường về nhà bác cả không xa lắm.
***
Chị dâu càng ngày càng lấn tới. Mẹ nói một chị dâu cãi mười. Anh trai có lớn mà không có khôn. Có lúc chị dâu sai rành rành ra đấy nhưng anh trai vẫn một mực bênh cho bằng được. Anh trai chẳng soi xét sự việc đúng, sai thế nào. Trong những cuộc va chạm, mẹ thường là người cô độc nhất. Chẳng ai đứng về phía mẹ. Cha mặc dù giận sôi người nhưng cha im lặng. Có lẽ anh trai nên làm như vậy thì hay hơn. Anh trai phải nghỉ học sớm vì nhà nghèo. Đó là thua thiệt mà anh trai phải chịu. Để rồi lớn lên, anh trai trở thành một người cục mịch, nói năng độp đoạp, chẳng ra ngô ra khoai. Nhiều khi mẹ nín nhịn cũng vì thương anh trai.
Ngày mùa ở quê bao giờ cũng là thời gian vất vả nhất. Việc cứ ùn ùn ra đấy, chẳng khi nào mà ngơi tay được. Việc nhiều, con người bỗng sinh ra cáu bẳn; Chỉ cần một cái gì đấy không vừa ý cũng có chuyện ngay.
Chị dâu dù ngày mùa hay nông nhàn cũng đều thong thả. Như thể, chị dâu sinh ra vốn đã thế rồi. Cho nên, mặc kệ mọi người trong nhà tất tưởi, chị dâu cứ túc tắc mà làm. Một bữa, khi trời đang nắng chang chang; Bất chợt một đám mây đen ùn đến, dự báo một cơn giông rất to. Mẹ liền hô hoắng mọi người ra sân xúc lúa vào nhà. Cha thì lo dọn rơm còn phơi dở ngoài đường. Anh trai lấy trang rồi cào lúa lại thành đống để mẹ xúc cho nhanh. Chẳng biết chị dâu làm gì trong buồng, mãi đến khi cơn giông trút xuống mới lót nhót ra sân. Cơn giông thật khéo đùa. Trong chốc lát, nước đã lênh láng, trắng xóa cả sân. Những hạt lúa lép nổi lềnh bềnh trên mặt nước, còn những hạt lúa chắc nằm chìm nghỉm. Nhưng vì mưa to nên cả lúa chắc lẫn lúa lép cứ vậy trôi đi. Mẹ oà khóc tức tưởi. Lúc ấy, mẹ bổ nhoài ra giữa sân, đưa hai bàn tay chụm vào rồi hốt từng nắm lúa một. Người mẹ ướt như chuột lột, những sợi tóc bết vào nhau. Nước mắt hòa với nước mưa. Anh trai bảo, mẹ gắng làm gì, sức người bằng mấy sức trời. Khi đó chị dâu cứ đứng tần ngần trên thềm. Có lẽ chị dâu cũng nghĩ như anh trai, đường nào lúa cũng ướt rồi, có bỏ công ra cũng chỉ mệt thêm mà thôi. Mẹ khóc, cục nghẹn chắn ngang cổ: “Người ta có con để nhờ con. Trời ơi! Sao tui khổ thế này. Sao trời không để cho tui chết quách đi”. Mẹ vừa khóc vừa nói nhưng tay vẫn không quên hốt lúa vào thúng mặc dù số lúa hốt vào cũng chẳng đáng là bao. Vừa lúc đó, cha từ ngoài ngõ đi vào, khuôn mặt cha lộ rõ vẻ hục hặc. Chẳng nói chẳng rằng, cha lia chiếc đòn xóc dùng để cào rơm về phía mẹ. Mẹ đang mải mê hốt lúa, không kịp tránh, bị răng đòn xóc đâm trúng chân. Máu túa ra đỏ ối. Mẹ thôi không còn hốt lúa nữa mà ôm lấy bàn chân túa máu, khóc tức tưởi. Anh trai vội vã chạy ra dắt mẹ lên thềm. Chị dâu khuôn mặt nóng bừng lên, có lẽ vì sợ, vội vã vào nhà lấy ra một nhúm thuốc lào để cầm máu cho mẹ. Để mặc chị dâu rối rít băng bó vết thương, mẹ nhìn đi nơi khác bằng ánh mắt lầm lừ. Cha đùng đùng bỏ ra ngoài đường lớn rồi đi đâu đó. Chắc là cha đi ra quán rượu. Bao giờ cũng thế…
Tác giả: Hồ Huy Sơn – Người thực hiện: NSƯT Hoàng Yến