Đọc truyện đêm khuya – “HỔ GÙ” của Lại Văn Long
H’Ba vạm vỡ, da đỏ nâu như đất nương rẫy, tóc bù xù như rễ bụi tre già, mắt xếch linh lợi như đại bàng và đôi chân dẻo dai, mạnh mẽ như con beo leo vách núi. Chàng là thợ săn ba lần được vua lửa phong dũng sĩ, tiếng tăm vang xa khắp trăm buôn, trăm làng sang tận xứ Miên, xứ Mường, xứ Tượng, xứ Chăm…
Danh vọng đi đôi với trách nhiệm nên khi con hổ có cái gù to như bướu bò cày trên vai xuất hiện, vua lửa giao H’Ba trọng trách tiêu diệt ác thú bảo vệ dân lành. Trong đời làm thợ săn, H’Ba đã mười tám lần đánh nhau với giống hổ, lần nào thương tích cũng đầy mình, lần nào cũng chiến thắng. Máu của H’Ba vương vãi khắp núi rừng, nương rẫy, bờ sông, con suối… Máu tự hào của chàng dũng sĩ làm hùng vĩ thêm thanh âm cồng chiêng và điệu múa lửa miên man, huyền bí. Nhưng con hổ gù này mới thực sự là chúa sơn lâm, là bất khả chiến bại. Nhiều thợ săn uy tín kể lại rằng, họ đã chứng kiến hổ gù một mình xông vào đàn voi, cắn chết con voi đầu đàn khổng lồ rồi gầm lên vang động, khiến mấy chục voi lớn, nhỏ còn lại nháo nhào tháo chạy. Nó còn quật ngã cả tê giác nặng như khối đá, móc họng con trâu rừng to lớn, hung dữ với cặp sừng nhọn cong vút vô cùng lợi hại. Bạo gan hơn, hổ gù còn lao xuống đầm lầy lôi cả con cá sấu dài hơn hai sải tay, nặng hơn con bò, lên bờ để ăn thịt. Da cá sấu dày, cứng như lõi gỗ sừng, vậy mà không chịu nổi móng vuốt khủng khiếp của hổ gù. Có lần hổ gù bị sập bẫy hầm, hơn ba chục thợ săn dày dạn kinh nghiệm reo hò phóng lao như mưa vào thân nó, lấy đá, gỗ… ném xuống hố để chôn vùi nó. Hổ gù sa cơ, trọng thương bỗng rống lên rung chuyển núi rừng rồi bất ngờ phóng từ hố sâu hơn ba sải tay vút lên. Trên mình nó còn găm năm, sáu cây lao rung rung, máu chảy đỏ thẫm bộ lông vằn vện. Vậy mà nó vẫn còn sức phóng như bay trên các tàng cây rồi mất hút vào rừng già. Cả đoàn thợ săn bàng hoàng không tin vào mắt mình, sau đó là nỗi sợ hãi xâm chiếm vì biết hổ gù sẽ quay lại báo thù. Thật đáng sợ khi chỉ ba con trăng sau đó, mười hai người trong số thợ săn truy sát hổ gù lần lượt chết thảm. Hổ gù ăn hết thân thể họ, nhưng luôn để lại cái đầu với khuôn mặt máu me chết lịm trong kinh hoàng để khủng bố tinh thần những người “chờ đến lượt”! Cả trăm buôn làng hoảng loạn vì hổ gù, cuộc sống, sinh hoạt của cả một dân tộc hùng mạnh bao đời thống trị đại ngàn bị đảo lộn, chìm trong lo sợ.
Vua lửa mất ngủ nhiều đêm để suy nghĩ cách tiêu diệt hiểm họa trên giang sơn của mình, cứu rỗi đồng bào mình. Với con hổ đã hóa tinh này, không thể điều động binh lực như chiến tranh. Nó chỉ có thể bị đánh bại bằng trí khôn và lòng dũng cảm. Trong tay nhà vua có một vũ khí như vậy!
*
* *
Đêm thứ năm H’Ba ngủ trong rừng. Anh cởi trần, đóng khố, đầu chít dây thổ cẩm, cung tên đeo sau lưng, dao găm cột dưới bắp chân, dao dài đeo bên hông, còn cây mác dài quá đầu với cán bằng sắt nặng trịch được chống xuống tảng đá, lưỡi mác bén ngọt chỉa lên trời. H’Ba ôm cây mác ngủ ngồi bên bờ suối. Anh không đốt lửa, không leo lên cây mà ngủ ngồi với tư thế khiêu chiến này. Anh chờ đợi hổ gù đến tấn công. Giống hổ luôn lao lên vồ mồi, lưỡi mác của anh sẽ chờ đón thân hình nặng nề của nó ập xuống, lún sâu rồi rã rời, phun máu, co giật… Đó là giờ phút sụp đổ của một lãnh chúa hung bạo, tối tăm; giờ khải hoàng của lòng dũng cảm và sự vui mừng của trăm ngàn sinh linh thoát khỏi móng vuốt ác thú!
Đêm nay cũng như bốn đêm trước, H’Ba ngủ ngồi vật vưởng. Ngủ mà tai vẫn cày lên nghe từng tiếng động xung quanh, mũi vẫn hít ngấm hít nghĩ để tìm mùi lạ len lỏi trong gió, da vẫn rờn rợn với suy nghĩ sắp bị hổ vồ và bắp chân săn lại chờ bật lên giao chiến cùng vũ khí trong tay. Đêm đối đầu sinh tử dài như một cơn bạo bệnh. Từ lúc hoàng hôn buông xuống, núi rừng âm u huyền bí trong bóng tối cô đặc; đến lúc những tiếng gà rừng gáy ó o… khàn khàn đánh thức ánh ban mai với H’Ba dài hơn cả một mùa trăng, mùa rẫy. Chàng ngồi ôm cây mác gục đầu nhắm mắt, nhưng chưa bao giờ ngủ thực thụ ngoài những chốc lát thiếp đi vì quá mệt, căng thẳng. Khi nào quá tê mỏi, lại đứng lên, vẫn trong tư thế ôm cây mác duỗi tay chân cho đỡ mỏi rồi lại ngồi xuống. Cứ thế chờ đến lúc trời sáng để cởi bỏ lo âu, để được sải bước, vung tay, nhảy nhót… Sáng nay H’Ba dùng cung tên bắn được một con gà rừng rồi lấy bùi nhùi với đá lửa mang theo đốt một đống lửa nướng gà làm thức ăn. Ngọn lửa ấm áp làm da dẻ chàng như săn lại, đầu óc cũng thoải mái hơn. Suốt đêm qua và những đêm trước chàng không dám đốt lửa vì nghĩ hổ gù sợ lửa sẽ không đến giao chiến. Chàng muốn nó sớm xuất hiện, đấu với nó một mất một còn. Chứ cứ tìm kiếm, chờ đợi thế này sẽ làm sức lực chàng bị tiêu hao dần, nhiệm vụ giết hổ gù đã khó sẽ còn khó hơn!
Ăn xong con gà và uống vài bụm nước suối, H’Ba men theo suối ngược lên thượng nguồn, tiếp tục chiến dịch lùng diệt ác thú…
Đi đến quá trưa, H’Ba cảm nhận được trong gió có mùi khác lạ. Chàng rẽ hướng, ngược theo chiều gió đi thêm một đoạn thì nghe có tiếng thở, tiếng rên rên mơ hồ. H’Ba bỗng hồi hộp, trong đầu vo ve tiếng của tổ tiên nhắc nhở về chuyện quan trọng sắp xảy ra. Mỗi khi H’Ba gặp nguy hiểm, ông bà tổ tiên vẫn cảnh báo cho chàng bằng cách như vậy. Hai tay nắm chặt cán sắt của cây mác đặt thợ rèn làm riêng để chống hổ, chàng thận trọng, khe khẽ dùng lưỡi mác vạch lá cây, dây leo soi đường. Ra khỏi chòm cây rậm rạp, um tùm, trời đất bỗng sáng lên. Phía trước không còn rừng mà là một rẫy lúa lớn mỗi bề mấy trăm sải tay. Lúa đang độ chín vàng bị ngả rạp từng lỏm lớn xuôi theo triền đồi xuống thung lũng. H’Ba đi theo lối lúa ngả và kinh ngạc trước rất nhiều xác chó sói vương vải khắp nơi. Con nào đầu cổ, thân hình, cũng bị cào xé rách nát; chân trước, chân sau bị gãy, cụt, lủng lẳng… Máu đọng vũng trên những hàng lúa ngả rạp cùng với ruột gan, lông lá và những đầu sói bị bứt xé khỏi thân nhe nanh dữ tợn. H’Ba đếm đi đếm lại trên các đầu ngón tay rất nhiều lần cũng chưa hết xác sói. Một số con chưa chết hẳn vẫn thở khò khè và phát ra tiếng rên yếu ớt. Điều này có nghĩa trận ác chiến này kết thúc chưa quá một ngày đêm. Có lẽ cả giống nòi sói đã kéo hết về đây dự trận huyết chiến và đã bị tàn sát hết. Thế lực khủng khiếp nào đã tiêu diệt chúng? H’Ba bàng hoàng đi xuyên qua chiến trường đẫm máu, xuôi dần xuống thung lũng. Chợt chàng giật mình, lặng người trước một đống to lớn, vằn vện, nhấp nhô dưới đống lá khô của bụi tre già ở cuối rẫy lúa. Một con hổ đực to ngoài sức tưởng tượng, bê bết máu, đang nằm xuội lơ mặc cho lá khô đang phủ dần lên thân thể kiệt quệ. Xung quanh là hàng chục xác sói vẫn đang rên ư ử, co giật. Mùi hôi hám của sói lẫn hổ, mùi tanh tưởi của máu me, ruột gan bầy nhầy, nước tiểu, nước giải… của các con thú cùng bốc lên làm H’Ba nôn nao muốn ói. Chàng nắm chặt cán mác, thận trọng tiến đến gần xác hổ khổng lồ, dùng lưỡi mác gạt lá khô trên thân nó. Con hổ này to gấp đôi một con hổ đực bình thường, nó dài bằng hai sải tay của H’Ba và to như con trâu đầu đàn. Giữa sống lưng nối tiếp đầu và vai nó là một cục gù to như cái cối giã gạo. Trong đời, chưa bao giờ H’Ba nhìn thấy một con hổ to lớn và có gù dị dạng như vậy. Nó chính là nỗi khiếp sợ của vua lửa, ám ảnh kinh hoàng của giới thợ săn và trăm làng, trăm buôn. Nó là đối thủ đáng sợ mà H’Ba săn lùng suốt nhiều ngày qua và dốc cả cuộc đời danh tiếng lẫy lừng của mình để quyết diệt nó. Trước lúc dấn thân vào cuộc đối đầu với nó, H’Ba buồn lặng trước gia đình nhỏ bé thân thương của mình. Bếp lửa nhà sàn được khơi ngọn lung linh để chàng được ngắm người vợ yêu K’Lim và hai con trai tên Núi và Suối của mình. Núi lớn ngang ngực cha, còn đầu Suối bằng vai Núi. Hai đứa trần truồng nằm hai bên đống lửa. K’Lim nằm kế thằng Suối, tay đặt trên bắp đùi thon chắc của nó. Ba mẹ con ngủ say sưa, mặt hồng lên dưới ánh lửa. H’Ba chợt quặn thắt trong ruột khi nghĩ đến cuộc đối đầu với hổ gù và bị nó phanh thây, xé xác. Suối với Núi sẽ không còn được theo cha vào rừng bẫy chim, hái quả; bắt cá dưới sông và tập bắn cung vào bộ da beo treo trước cầu thang nhà sàn. K’Lim sẽ một mình làm rẫy, đào măng, giã gạo… để nuôi con. Nàng sẽ lặng lẽ một mình đi suối lấy nước lúc trăng lên, vào rẫy tỉa hạt, cắt lúa hay vào rừng gọi con heo, con bò đi lạc… Những ngày hội làng, K’Lim sẽ không còn váy áo thướt tha, sung sướng tự hào đến đỏ mặt khi chồng vật ngã con trâu đầu đàn và được cả làng tung hô, kính nể. Rồi những đêm mưa to gió lớn, căn nhà rung lắc như muốn sập; những đêm hổ về gầm gừ làm con gà, con chó dưới sàn nhà hoảng sợ… Suối với Núi với K’Lim đâu còn cha, chồng để nương cậy!
Nghĩ đến đó H’Ba muốn ném cây mác, muốn tháo cung tên, dao găm… rồi nằm xuống bình yên bên bếp lửa cùng vợ con. Nhưng rồi nghĩ lại ba lần được vua lửa phong dũng sĩ, nghĩ đến niềm hy vọng và sự trông mong của trăm buôn, trăm làng vào chàng… H’Ba không thể nằm xuống để tận hưởng hạnh phúc, chàng mím môi bước xuống thang nhà sàn rồi chạy nhanh vào rừng. Chàng đi trong cơn mê sảng, đi mà trong đầu cứ hiện lên bếp lửa ấm cúng và khuôn mặt, nụ cười, giọng nói của Suối, của Núi, của K’Lim… Bây giờ thì thách thức sinh tử của danh dự dũng sĩ, nỗi đe dọa hạnh phúc gia đình và thế lực tối tăm muốn biến chàng thành kẻ yếu đuối, ích kỷ đang ở trước mắt. Nó chỉ là một đống vằn vện, bất lực, thoi thóp chờ ngày thối rửa. H’Ba bỗng nghĩ đến vực thẳm âm phủ ở gần đây. Chàng sẽ ném hết vô vàn xác sói xuống đó, sẽ lấy lưỡi mác, mũi dao sửa lại các vết thương đánh nhau với bầy sói của hổ gù. Rồi sẽ dùng móng vuốt của nó cào lên thân thể mình cho rách nát, đẫm máu. Cố lết về làng, kiệt sức thì thào chỉ chỗ con hổ gù bị hạ gục. Trai làng và các thợ săn sẽ tìm kiếm, khiêng xác hổ gù về làm lễ phong thần linh đình cho chàng. Vua lửa sẽ ban thưởng tài sản, tước vị cho chàng; Trăm buôn, trăm làng sẽ cùng cất lời khen ngợi và tri ân chàng. Tiếng tăm và danh vọng của chiến thắng vĩ đại này sẽ vang đến tận xứ Mường, xứ Miên, xứ Lào, xứ Chăm… vợ con của chàng, dòng họ của chàng sẽ sung sướng tự hào về chàng – người anh hùng diệt ác cứu nguy cho dân tộc và cho cả nhân loài. Đời này qua đời khác, tên tuổi và chiến công của chàng sẽ thành câu hát trên cửa miệng mọi người, câu thần chú trong các nghi thức tế lễ, trừ tà ma, thành những trường ca, thánh ca, sử ca… để bóng dáng chàng sừng sững trong lòng mọi người như đỉnh núi uy nghi vĩ đại.
H’Ba lịm đi trong sung sướng, thỏa mãn khi nghĩ đến viễn cảnh làm một siêu anh hùng. Nhưng rồi chàng giật mình và hổ thẹn vô cùng khi nhận ra mình đang trượt dài trong âm mưu của kẻ đê tiện, dối trá muốn lừa lọc cả làng nước, vua lửa, gia đình dòng họ và lừa cả chính mình! H’Ba rút dao găm nghiến răng đâm vào bắp đùi cho chảy máu, cho đau đớn để tỉnh táo lại. Anh lắc đầu như xua đuổi sự xấu xa khỏi trí óc. Một tay cầm mác, tay kia cầm dao, H’Ba gồng mình hét lên vang động núi rừng. Anh lại thấy mình là một dũng sĩ hiên ngang, ngay thẳng, muốn nhảy xuống thác cao, muốn đi trên lửa nóng để thể hiện chí khí. H’Ba chỉ mũi mác bén ngọt vào mặt hổ gù thách thức:
– Ta sẽ chăm sóc cho ngươi khỏe lại rồi quyết đấu với ngươi một trận công bằng, ngay thẳng!
H’Ba cắm cây mác xuống đất, tháo cung tên treo lên đó rồi hì hục tìm cỏ khô, lá cây chôn bên dưới để hổ nằm cho thoải mái, êm ái. Sau đó chàng tìm các loại lá thuốc đem về giã ra, trộn với ít muối mang theo đắp vào các vết thương cho nó. Hổ gù đã kiệt sức, mắt lờ đờ, thở khò khè, tứ chi bất động nên mặc cho H’Ba muốn làm gì thì làm. H’Ba đào đất sét ven bờ suối nắn lại rồi đốt lửa nung thành một cái nồi to. Chàng lấy thịt tươi của những con sói sắp chết băm nhuyễn ra cho vào nồi nấu thành cháo cùng với các loại lá thuốc, muối và một ít gạo. Chàng đẽo một ống tre to như bắp chân thành một cái muỗng để múc cháo đã nguội đổ vào miệng hổ gù. Khi hổ đã ăn hết nồi cháo, nằm nghỉ ngơi thì H’Ba chặt cây, cắt cỏ tranh làm thành một mái chòi che nắng, che mưa cho hổ. Buổi chiều chàng lại nấu một nồi cháo to cho hổ ăn rồi lại lấy nồi xuống suối múc nước về rửa các vết thương cho nó, đắp lại lá thuốc mới. Chàng cũng ăn một phần cháo như hổ… Trong quá trình mổ xác các con sói ra làm thức ăn, H’Ba phát hiện nhiều kỷ vật như: móng gấu, nanh hổ, da cá sấu được chế tác thành trang sức và dây chuỗi kết hạt cườm, những hòn đá có màu sắc đẹp, nhẫn đồng, nhẫn bạc… trong bụng các con sói. Đây là trang sức và là bùa hộ mệnh được các thợ săn đeo trên người. Như vậy chính đàn sói đông đúc này đã ăn thịt mười hai thợ săn bạn chàng chứ không phải hổ gù. Hổ gù đã tiêu diệt bầy sói, coi như đã giúp chàng trả thù cho các bạn. Suy nghĩ đó làm H’Ba càng có thiện cảm hơn khi chăm sóc, trị thương cho hổ gù. Song chưa bao giờ chàng quên nó là đối thủ lớn nhất chàng phải vượt qua trong trận đấu sắp tới. H’Ba luôn mơ ước được đâm mũi mác vào tim hổ gù rồi vươn vai đứng lên làm một anh hùng đầy trách nhiệm và tự hào!
Dưới sự chăm sóc tận tình, ngay thẳng của H’Ba, hổ gù từ từ phục hồi sức lực. Đến hôm nay – một chu kỳ trăng tròn kể từ lúc gặp H’Ba, hổ gù đã to lớn, dũng mảnh như trước. Nó phóng lên cây rượt theo một con beo rồi táp gọn. Nó chờ con trăn dài gấp đôi một cây tre cao nhất siết quanh mình rồi mới dùng móng vuốt xé toạt ức con trăn và cắn một phát chí tử hạ gục kẻ thù. Hổ gù tự đi kiếm ăn không còn nằm chờ H’Ba đút cháo. Sau mỗi chuyến săn mồi nó lại quay về căn chòi mà chàng đã dựng lên cho nó, nằm khoan khoái trên tấm đệm bằng lá với cỏ khô. Thấy nó đã bình phục hoàn toàn, H’Ba mấy lần thách đấu. Hông đeo dao găm, tay cầm cây mác, H’Ba trợn mắt dữ tợn rồi chỉa vũ khí vào mắt nó, hét lên!
– Hổ gù, rừng núi này chỉ còn ta, hoặc ngươi. Lao lên đi!
Nhưng lần nào quái thú khổng lồ cũng khụy hai chân trước, gục đầu, đôi mắt nhìn H’Ba hiền lành làm chàng không thể nào phóng cây mác vào người nó. Không còn cách nào khác H’Ba cũng buông vũ khí rồi ngồi bệt xuống vỗ đầu nó than thở:
– Ngươi làm thế này ta còn lòng dạ nào thách đấu. Ta xa vợ con đã mấy mươi ngày đêm rồi, họ ở nhà chắc đã khóc cạn nước mắt vì nghĩ ta đã bị ngươi ăn mất xác. Ta phải về thôi, còn ngươi cứ ở lại núi rừng, nếu có duyên sẽ gặp lại. Mong ngươi không về quấy phá buôn làng, ta sẽ kể với mọi người về công lao diệt trừ bầy sói của ngươi, để minh oan cho ngươi!
Nói xong H’Ba nhặt lại vũ khí rồi đứng lên bỏ đi. Hổ gù phóng đến chặn đầu H’Ba rồi nằm bẹp xuống, rên ư ử như muốn nói điều gì đó. H’Ba cười lớn:
– Muốn cùng ta về làng sao?
Hổ gục gặc như đồng ý, H’Ba vuốt cục gù êm như nhung của nó:
– Được rồi cùng đi nào, nhưng ta sẽ không cưỡi hổ, đã là anh em ta sẽ không đè đầu cưỡi cổ nhau…
H’Ba đi trước, con hổ to lớn lẽo đẽo theo sau, vạch rừng mà đi. Đêm đó cả hai dừng bên sườn núi chờ trời sáng đi tiếp. Hổ gù ngã lăn thoải mái trên phiến đá nhô ra thung lũng sâu hút bên dưới. H’Ba nằm trên bụng hổ, gối đầu trên cái xương sống to lớn vững chắc của chúa sơn lâm, tận hưởng bộ lông mượt mà, êm ái, ấm áp. Trời cao đất rộng, gió lồng lộng làm H’Ba ngủ rất ngon. Bất chợt tiếng ngựa hí vang động làm H’Ba giật mình thức giấc. Nhìn xuống con đường mòn dưới thung lũng, H’Ba bàng hoàng với vô vàn ánh đuốc sáng rực. Một đoàn hơn trăm kỵ sĩ mặc áo giáp đen, nón da có chóp nhọn hiện rõ mồn một dưới ánh sáng của rừng đuốc cháy sáng rực. Sau lưng đoàn kỵ sĩ là đội quân cả ngàn người đầu trọc, cởi trần, giáo mác, hung khí sáng lấp lánh dưới ánh đuốc. H’Ba định thần rồi reo lên khe khẽ:
– Quân giặc!
Đây là vùng biên ải, quân giặc từ bên kia biên giới, cứ vài mùa rẫy lại tràn sang cướp bóc, đốt phá, bắt cóc phụ nữ và lùa hết gia súc của các buôn làng. Triều đình ở xa nên việc bảo vệ nhân dân này được hoàng đế tin tưởng giao cho vua lửa. Vua lửa là một tù trưởng xuất sắc của miền viễn Tây, lập được nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm nên được hoàng đế phong làm vua xứ này. H’Ba từng nhiều lần theo vua lửa ra trận và tiêu diệt nhiều dũng tướng của giặc. Vua lửa từng ban cho chàng quyền cai quản một vùng đất rộng lớn với nhiều buôn làng giàu có. Nhưng H’Ba đều từ chối và sau mỗi cuộc kháng chiến, chàng lại là một thợ săn bình dị, gắn bó đến thuộc cả núi rừng. Rồi khi giặc đến, người thợ săn dũng sĩ lại thành chiến binh vệ quốc. Vì thế ý thức chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, ý thức cảnh giác trước các âm mưu xâm lược của ngoại bang luôn quanh quẩn trong đầu H’Ba. Đêm nay, đứng trước đội quân hung hãn, đông đảo đang tập kết ở biên giới, chuẩn bị tràn vào quê hương mình gây tội ác, H’Ba sôi sục căm giận. Chàng không thể đối đầu với chúng, chạy về báo cho vua lửa cũng chẳng thể nhanh hơn sức ngựa phi của chúng. Chàng phải làm gì đây? Thấy H’Ba đã bật dậy, hổ gù cũng lật người vào tư thế sẵn sàng chồm lên. H’Ba nhìn hổ rồi mừng rỡ ôm cổ nó reo lên:
– Ta biết cách đánh giặc rồi!
H’Ba chỉ vào một kỵ sĩ cưỡi con ngựa to lớn khác thường trong đoàn quân dưới thung lũng. Gã này đeo gươm bên hông và tay cầm một lá cờ nhỏ. Xung quanh đội kỵ binh gươm giáo nhấp nhô bảo bọc cho hắn. H’Ba nói với hổ gù:
– Tên đó chắc chắn là chủ tướng giặc. Hổ giúp ta bắt hắn nhé!
Hổ nhìn H’Ba như hiểu ý rồi thoắt biến mất vào rừng núi tối om. H’Ba đứng trên mỏm đá nhìn xuống đoàn quân giặc sáng rực ánh đuốc, hồi hộp chờ đợi. Với khoảng cách hơn trăm sải tay, H’Ba thấy rõ cú tấn công như trời giáng của hổ gù. Nó không lao lên như ngón võ “gia truyền” của nhà hổ vì một rừng giáo mác bao bọc quanh tên chủ tướng có thể đâm lòi ruột nó. Hổ luồn giữa những thân ngựa đông đúc, cắn vào chân mang ủng của chủ tướng lôi xuống ngựa rồi tha con mồi đang chết lịm vì sợ hãi ra một khoảng đất trống. Sau đó hổ nhả con mồi ra rồi gầm lên dữ tợn. Cả trăm con ngựa chiến nghe mùi và tiếng gầm của hổ cùng hí lên kinh hoàng, hất các tên giặc trên lưng xuống rồi chen lấn nhau chạy toán loạn. Bây giờ hổ mới ngoặm thắt lưng da của tên chủ tướng phóng thoăn thoắt lên mỏm đá H’Ba đang đứng chờ. Như rắn mất đầu, đoàn quân giặc hỗn độn vứt cả đuốc lẫn vũ khí, chen lấn nhau tháo chạy qua biên giới. H’Ba nghe rõ tiếng la hét kinh hoàng của chúng…
*
* *
Bắt được tướng soái của giặc, H’Ba cho hổ tha về nộp cho vua lửa. Vua cho đóng vào xe tù song mã chở về kinh đô trình hoàng đế. Hoàng đế đọc xong tấu trình cho gọi H’Ba yết kiến. H’Ba tính ngay thẳng toàn kể công cho hổ. Khi hổ được dẫn vào, hoàng đế nhìn dáng to lớn, oai phong của hổ, buột miệng:
– Trời cho ta thêm sức mạnh, quyền uy rồi!
Hoàng đế phong cho hổ chức “thần oai trấn kinh”, cho H’Ba chức “Dũng sĩ vệ đế”. H’Ba quỳ lạy, xin hoàng đế cho về với buôn làng, núi rừng vì không quen sống nơi phồn hoa, đô hội. Hơn nữa trong lòng luôn nhớ đến vợ con nên không thể ở lại kinh đô. Hổ gù hiểu ý H’Ba, cũng lẳng lặng quay đầu đi ra cửa. Hoàng đế nhìn theo rồi nói với các cận thần:
– Ước gì quan viên của ta ai cũng tận trung báo quốc mà không màng danh lợi như hai vị anh hùng này. Núi rừng biên ải rất cần những dũng sĩ kiên trung, trách nhiệm, cảnh giác trước quân thù như vậy, hãy ban thưởng vàng bạc, gấm vóc cho họ!
H’Ba ngước lên tâu:
– Bệ hạ đã ban cho chúng thần danh dự và tự do, đó là hai thứ quý nhất, chúng thần không cần xin thêm điều gì. Xin đa tạ bệ hạ!
*
* *
Từ kinh đô, H’Ba với hổ trở về buôn làng. Dọc đường người dân túa ra tung hô chàng dũng sĩ lập đại công. Hàng trăm người vì quá mến mộ đã đi bộ suốt nhiều ngày theo chàng. Họ chặt tre làm một cái kiệu lợp cỏ, bắt chàng ngồi lên rồi hò reo khênh đi. Khi về đến nhà, H’Ba định mổ trâu, mổ lợn để thiết đãi đoàn khách và bà con cùng buôn, nhưng hổ gù đã vào rừng săn được hai con nai to. Lễ hội diễn ra tưng bừng ở nhà dài suốt hai ngày hai đêm, rượu cần do bà con đóng góp xếp thành một hàng dài lũ lượt trên sân rộng. Vua lửa cũng cưỡi voi đến cùng đoàn tùy tùng, mang theo nhiều chiên, chóe quý để tặng H’Ba. H’Ba đặt hết vào nhà dài làm tài sản chung…
Hổ gù về sống cùng gia đình H’Ba. Buổi tối cũng leo lên nhà sàn nằm cạnh đống lửa phì phò ngủ. Do hổ nặng bằng cả chục trai tráng cộng lại nên H’Ba phải đẽo gỗ chống đỡ cho sàn nhà khỏi sập. H’Ba cũng khuyên hổ bỏ thói ăn thịt sống để ăn chung cùng gia đình chàng. Hổ thích món cháo chua nấu bằng gạo, bắp, đậu, rau rừng với thịt hoặc cá bắt dưới sông suối rồi ủ cho lên men. Ngày hổ sắp lìa đời sau trận kịch chiến với bầy sói, H’Ba đã cho hổ ăn món này để dưỡng thương gần cả mùa trăng nên đã ngấm vào máu, làm hổ ghiện đến bây giờ. Mỗi ngày H’Ba phải nấu một nồi cháo to hai người khênh, mới đủ cho bốn người và một hổ cùng ăn. Hổ đi săn thú, bắt cá đem về cho vợ H’Ba là K’Lim xẻ thịt đổi cho bà con trong buôn lấy gạo, bắp đem về nấu cháo chua nuôi hổ…
Hổ ở trong nhà H’Ba chưa tròn mùa rẫy thì chuyện xấu ập đến. H’Ba trong lúc chặt buồng chuối sau nhà bị con rắn lục chưa bằng ngón tay, trốn trong kẻ lá, mổ một phát vào cổ. H’Ba túm đầu nó bằng hai ngón tay rồi lảo đảo đi vào nhà. Chàng phải gắng hết sức mới lê được thân lên mấy bậc thang rồi đổ gục xuống sàn nhà gần bếp lửa. Khi K’Lim hớt hải chạy đến thì chồng cô đã sùi bọt mép, mắt trợn trừng, tay chân cứng lại. Con rắn xanh lè, dài chưa đến ba gang tay, bị bóp nát đầu, cuốn mình quanh cánh tay rắn chắc như khúc gỗ lỏi hun khói của chàng. K’Lim khóc ré lên gọi buôn làng. Đông người đến nhưng không ai gọi được hồn vía H’Ba về với thân xác được nữa. Cả buôn làng nức nở làm đám tang cho chàng, cất cho chàng một nhà mồ to lớn lộng lẫy với của cải được chia chất đống vun cao. Cuộc đời lừng lẫy của một dũng sĩ anh hùng vang danh bốn phương cuối cùng kết thúc ở bụi chuối sau nhà với một kẻ địch nhỏ bé chưa bằng ngón tay. Không ai tưởng tượng được điều này! Hổ gù nằm bên mộ chủ nhân suốt ngày đêm, nước mắt ứa ra, không thiết ăn uống…
Một hôm K’Lim ra mộ vuốt đầu hổ, khóc:
– H’Ba chết rồi, hổ nằm đây, ai giúp chị nuôi hai cháu Núi với Suối?
Hổ vươn vai đứng lên theo K’Lim trở về…
*
* *
Hổ ở nhà K’Lim thêm mười mùa rẫy, hàng ngày vào rừng săn thú, lội sông bắt cá đem về cho K’Lim làm thức ăn và đổi gạo, bắp cho cả nhà, cả hổ. Rồi K’Lim cũng theo chồng về với ông bà, còn Núi với Suối cũng đã thành cặp trai lực lưỡng, tháo vát. Một hôm Núi nói với hổ:
– Cháu mới về xuôi, thấy người dưới đó có cách làm ra nhiều hạt lúa hay lắm, chú giúp cháu nhé!
Núi lấy mấy sợi dây da voi nối với cái ách bằng gỗ đặt vào cái gù trên vai hổ. Dây nối với cái cày đẽo bằng gỗ, có lưỡi bọc sắt. Núi bày hổ cách kéo cày và giải thích:
– Như vầy đất sẽ tốt hơn, cây lúa cho nhiều hạt hơn. Còn cách dùng gậy nhọn chọc lỗ rồi tra hạt vào như ông bà mình làm là lạc hậu lắm!
Từ đó hổ kéo cày thay trâu. Nhờ đó Núi làm được nhiều rẫy to, tới mùa lúa đổ ngập nhà, phải làm thêm hai, ba nhà kho chứa. Qua nhiều mùa rẫy, Núi trở thành người giàu có. Một hôm Núi nói với hổ:
– Con gái của vua lửa muốn bắt cháu làm chồng. Ngày mai cháu sẽ ra mắt cha mẹ vợ, của cải, uy quyền nhà mình không bằng họ, chú giúp để họ kính nể cháu nhé!
Sáng sớm Núi mặc cái khố mới, cái áo thổ cẩm sát nách cũng mới, trên đầu cột dải khăn hoa văn, trước ngực và hai cổ tay đeo nhiều nanh hổ, móng gấu, răng cá sấu… Đây là “chiến tích” của người cha thợ săn dũng sĩ, theo tập tục con trai trưởng được thừa kế. Núi cột quanh cổ hổ một sợi dây da voi chắc chắn rồi leo lên lưng hổ nắm dây như phi ngựa. Người từ các buôn làng hai bên đường túa ra xem Núi cường tráng, mới tinh, cưỡi con hổ khổng lồ và hò reo bày tỏ khâm phục. Núi dương dương tự đắc vẫy tay chào họ. Trên sân rộng của dinh thự vua lửa, xây bằng những súc gỗ to lớn và đá, hôm nay được trang hoàng cờ phướn, một đội cồng chiên và người đông náo nhiệt. Vua lửa đóng khố da báo, khoác áo gấm xanh hoàng đế ban, đầu đội đai vàng lấp lánh, ngồi uy nghi trên ghế bọc da hổ giữa sân, có lính hầu vạm vỡ đóng khố, cởi trần dùng lọng che nắng và ve vẩy quạt lông công tạo gió mát cho ngài. Thủ lĩnh miền biên ải đang tập dáng sang trọng, oai nghiêm như hoàng đế. Thấy Núi cưỡi mảnh hổ to lớn đến, vua lửa ghen tỵ bất bình:
– Ngài hổ là bạn kết nghĩa với cha ngươi, từng lập công lớn chống ngoại xâm, được hoàng đế phong chức “thần oai trấn kinh”, được bá tánh kính trọng, sao ngươi dám đối xử ngài như trâu ngựa?
Núi sợ hãi sụp lạy thưa:
– Con biết lỗi, xin bề trên tha thứ!
Vua lửa cười nhếch mép:
– Con gái ta bắt ngươi làm chồng, ta cho ngươi cai quản mười sáu buôn làng trù phú tả ngạn sông mẹ. Ngươi để ngài hổ ở đây với ta!
Núi mừng rỡ dập đầu lạy tạ vua lửa rồi quay sang nói với hổ:
– Cháu có công danh, vợ đẹp là nhờ ơn chú, ở thế giới bên kia cha chắc hài lòng. Chú hãy vì cha cháu mà phục vụ trung thành cho chủ mới!
Từ đó hổ ăn ở luôn trong tư dinh của vua lửa. Được hơn mùa trăng, vợ vua lửa cằn nhằn với chồng:
– Đêm ngủ không yên, cứ sợ con hổ phản chủ ăn thịt cả nhà!
Chồng bà ta cười:
– Ta được thứ hoàng đế ao ước, bao nhiêu tiền, vàng cũng không mua nổi một tiếng hổ gầm…
Bà vợ mặc áo váy xa hoa mua từ kinh thành, xa lạ với màu thổ cẩm dung dị của núi rừng, trề môi, ngúng nguẩy:
– Nó thật hôi hám, bao nhiêu nước thơm không át được mùi!
Chiều ý vợ, vua lửa bảo hổ ra ở căn nhà nhỏ trước cổng dinh thự. Tốp lính canh trốn hết vì không dám cùng ăn, cùng ngủ với chúa sơn lâm. Hổ giữ nhà thay họ, ngày hai bận có người trong phủ mang đùi heo hầm, gà nướng, thịt bò hấp… ra cho hổ ăn, món nào cũng được tẩm ướp muối với gia vị nên càng ăn càng ngon, càng nhớ. Ngày trước sống hoang dã, quen ăn thịt sống, hổ cứ tưởng cháo chua nhà H’Ba là ngon nhất, bây giờ mới biết trên đời còn bao thứ đáng mơ ước hơn…
Thỉnh thoảng vua lửa đón khách quý là quan chức, nhà giàu từ dưới xuôi lên. Có khi là lái buôn, sứ giả từ những đất nước xa lạ đến. Lần nào hổ cũng được gọi đến đứng bên cạnh vua lửa để nghe chủ nhân tự hào khoe khoang báu vật sống đồng thời là vũ khí nguy hiểm này với khách tứ phương. Khách nào cũng nhìn hổ bằng cặp mắt lo sợ, đề phòng. Vua lửa vĩ đại hơn vai trò của một tù trưởng miền biên viễn qua dáng dấp khủng khiếp và nanh vuốt dữ tợn của bề tôi bốn chân!
Vào những tuần trăng tròn của mùa khô, vua lửa tuần thú các buôn làng và tuần tra dọc biên giới trên lưng bạch tượng. Hổ lẻo đẻo đi bên cạnh thớt voi đồ sộ chở chủ. Lần nào hổ cũng nhanh hơn đàn chó săn khi phát hiện các nghi vấn phía trước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà lãnh đạo phần giang sơn nhiều hiểm nguy này.
Mỗi khi được hoàng đế triệu về kinh họp hành, vua lửa cũng kéo đoàn tùy tùng long trọng, khí thế về làm huyên náo phố phường. Dân thành thị tò mò, thích thú với voi, hổ và cả sự kênh kiệu ngây ngô của nhà chính trị tỉnh lẻ lắt lẻo, cao ngất trên bành voi. Hoàng đế rất vui khi gặp lại hổ gù, ngài nhắc lại công trạng của vị anh hùng “chỉ biết làm không biết nói” này:
– Ngày trước nhờ khanh bắt sống được tướng giặc, trẫm trao đổi lấy hòa bình, hữu nghị nên mười mấy năm nay đất nước thoát được chiến tranh. Nay trẫm mở yến tiệc mừng khanh hồi kinh!
Đêm đó hoàng cung sáng rực đèn đuốc, yến tiệc linh đình. Vua đặt riêng cho hổ một bàn rộng với cả trăm món sơn hào hải vị. Hổ đi quanh bàn, liếm một phát là hết một dĩa thức ăn. Mỗi dĩa một món, một hương vị. Món nào cũng thơm ngon gấp trăm lần gà nướng, thịt bò xông khói, đùi heo hầm… ở nhà vua lửa. Còn món cháo chua dân dã của H’Ba – K’Lim thì đã thành quá khứ rồi, nghĩ đến sẽ mất ngon khi thưởng thức nem công, chả phượng thế này. Hổ ăn sạch bàn tiệc rồi đến cái chậu to đầy ắp loại rượu sóng sánh thơm lừng vục mặt uống ừng ực. Uống hết rượu, hổ lâng lâng, lảo đảo, đi bằng bốn chân mà vẫn xiêu vẹo. Hoàng đế, quan lại và các kỹ nữ múa hát cùng đông đảo người phục vụ thấy thế cười ngả nghiêng. Hổ chưa say hẳn nên có phần xấu hổ, lửng thửng bỏ đi tìm chỗ vắng vẻ. Đến một khoảng sân rộng lát đá, hổ thấy một con quái vật to lớn màu xám đen, dài thườn thượt đang há mồm, giơ vuốt ra thách thức, đe dọa. Hổ bực bội rồi giận dữ lao vào cào cổ, cắn cuốn họng nó. Với đòn này hổ từng giết chết một con voi khổng lồ trong nháy mắt. Nhưng thịt da con quái vật này còn cứng hơn da voi, nanh hổ bị mẻ, vuốt bị gãy và sau cú va chạm hổ bị hất văng ra xa, ê ẩm toàn thân. Có ánh đuốc sáng rực rồi tiếng người hò reo:
– Con hổ say rượu đánh nhau với rồng đá đến sứt đầu, mẻ trán. Đúng là ngu như hổ!
Nói xong đám người vỗ tay cười hô hố, hổ lại ê chề gượng đứng lên chạy trốn dư luận xấu xa đang vây bủa. Hổ cứ tìm những chỗ tối om lủi vào, càng đi càng mệt vì rượu ngấm và sức lực hao mòn sau trận giao chiến vô nghĩa với rồng đá. Hoàng cung rộng mênh mông, hết vườn hoa đến dinh thự nối tiếp nhau như mê cung làm hổ đi mãi mà chẳng tìm được đường ra. Đến lúc sắp kiệt sức, hổ nhìn thấy thứ gì đó rất giống cái hang đá trong rừng sâu nên lao luôn vào rồi nằm vật ra ngủ li bì…
Hoàng đế và đoàn hộ giá trở về hậu cung sau đêm yến tiệc hào hứng say sưa. Ngài được hai thái giám dìu vào nội điện và hai cung nữ bước đến vén rèm mời ngài vào ngự long sàng. Bỗng hai cung nữ hét lên rồi ngã vật ra, cùng lúc đó tiếng thở khò khè khủng khiếp cùng mùi khó chịu từ long sàng bốc ra làm mọi người vội thối lui, bịt mũi. Đội ngự lâm quân hùng hổ đầy đủ vũ khí được điều tới, chong đèn sáng rực và kéo rèm lên. Từ hoàng đế đến người hầu, quân sĩ đều kinh hoàng khi thấy một con hổ to lớn vằn vện trên long sàng thiêng liêng. Hổ đang ngủ say sưa sau khi ói ra một đống bầy nhầy. Tệ hơn là bãi phân tanh tưởi chảy tràn lan trên nhung gấm cao sang của thiên tử. Hai quan thái giám giận run người, bẩm với hoàng đế:
– Xin bệ hạ cho ngự lâm quân tiêu diệt ác thú làm chuyện phạm thượng, động trời!
Hoàng đế đang lâng lâng men rượu bật cười phá lên:
– Dù gì hắn cũng là chúa sơn lâm, đủ đẳng cấp để ngủ trên long sàn mà! Thôi… cứ coi như đêm nay có khách quý đến trọ trong nhà ta!
Vị thái y chăm lo sức khỏe cho hoàng đế, quỳ xuống tâu:
– Con hổ này to lớn gấp đôi hổ thường, lại có cục gù dị dạng trên lưng. Nếu bộ xương với cục gù đó được nấu cao cho bệ hạ uống sẽ trường xuân bất lão, sạch hết bệnh tật!
Hoàng đế bị thu hút với lời hứa quá hấp dẫn của ông thầy thuốc cung đình nên đứng thừ ra suy nghĩ. Trong lúc đó các cung thủ và giáo mác trong tay đội ngự lâm quân cùng chĩa vào hổ. Hoàng đế bỗng thở dài:
– Ai chẳng mơ tuổi xuân, nhưng nếu phải trường thọ bằng xương cốt công thần e tiếng đời dị nghị…
Cả chục ông quan lớn nhỏ đồng loạt sụp lạy, năn nỉ hoàng đế:
– Sức khỏe bệ hạ là an nguy quốc gia, là tối quan trọng. Hơn nữa hắn chỉ là con hổ như muôn vàn con hổ trên đời này, lại là con hổ say rượu phạm thượng thì phải chết!
Sự ồn ào đã đánh thức hổ gù, hổ nghe rõ câu chuyện giữa hoàng đế với bầy tôi nên gầm lên giận dữ rồi vụt một cái bay qua rừng gươm giáo ngự lâm quân, lao ra cửa, phóng lên mái cung điện. Hổ định phá phách, giết hại bọn nịnh thần cho hả giận, song nghĩ đến hoàng đế cư xử rất ân tình, nghĩ đến ơn cứu mạng của H’Ba ngày xưa nên không nỡ ra tay. Nghĩ đến đó hổ tỉnh táo, khỏe khoắn, phóng vun vút trên mái ngói các cung điện tìm đường thoát ra bên ngoài, về lại rừng sâu…
*
* *
Đêm trăng gió mát, hổ gù nằm ung dung trên phiến đá lớn ở đầu ngọn thác hùng vĩ. Nước từ trên cao đổ ầm ầm xuống dòng sông bên dưới. Nước lấp lánh màu trăng. Rừng già mênh mông, im lìm ẩn chứa biết bao huyền bí. Xa xa là đỉnh núi âm u mây phủ, tiếng của muôn trùng chim, thú, côn trùng hòa cùng tiếng gió ru lá cây xào xạc thành những khúc nhạc du dương, mơ hồ. Hổ ngước lên nhìn trăng tự nhủ:
– Ta là chúa tể trên giang sơn bao la, hùng vĩ và xanh ngát bình yên này. Hình ảnh oai vệ của ta là sinh khí và văn hóa trong thế giới hoang dã. Tiếng gầm xé trời của ta làm loài người kiêu căng phải khiếp sợ, khôn ra. Mỗi cuộc săn mồi của ta gắn liền với xương tan, thịt nát và nỗi thống thiết, hãi hùng, máu nhuộm đỏ bãi cỏ, gốc cây. Nhờ đó loài người ngây thơ biết quy luật nghiệt ngã của sinh tồn, sự tàn ác của chiến tranh và chân dung đáng ghét của bạo chúa, nhà độc tài. Ta làm nên sự hùng vĩ của núi rừng, tạo cảm hứng cho thi ca, hội họa, âm nhạc. Không có ta, nhân loại buồn tẻ, tầm thường; chỉ biết vục đầu vào ăn ngủ, kiếm tiền để tâm hồn ngày càng ích kỷ, chai sạn, khô héo… Thế mà bao nhiêu mùa trăng qua, ta quên mất sứ mệnh lớn lao vẻ vang của mình. Vì miếng ăn, hớp rượu ta lấy ân tình để ngụy biện cho hành vi tự nguyện làm tôi tớ, trâu ngựa, chó giữ nhà, thú kiểng… cho loài người bội bạc. May mà ta kịp tỉnh ngộ, kịp đào thoát khỏi chốn cung đình lắm mưu nhiều kế, đầy lòng ghanh tỵ, đầy điều thị phi để trở lại giang sơn và tự do tạo hóa đã ban tặng. Ta sẽ tung bay trên các ngọn cây, sẽ gầm lên át tiếng thác ghềnh, sẽ trợn mắt nhìn bọn sâu bọ run rẩy, sẽ khẳng định quyền uy tuyệt đối trong thế giới tha hồ tưởng tượng, bay bổng của mình…
Hổ gù nghĩ đến đây thì dưới ánh trăng huyền ảo xuất hiện một nàng hổ trắng nhu mì, mượt mà, khoan thai ra bờ sông tìm nước uống. Hổ gù vươn vai đứng lên, nhảy qua những tảng đá cheo leo trên đỉnh thác để đến với nàng. Hai bóng hổ một trắng một vàng, một to, một bé in xuống mặt nước lung linh bóng trăng…
TP. HCM 17.7.2015