Bài nổi bật

Góc Khuất – Nguyễn Ngọc Chiến

Radio Online – Mỗi người, ai cũng có điều bí mật của riêng mình. Điều bí mật ấy có thể chỉ là một niềm vui nho nhỏ, một nỗi buồn cỏn con. Cũng có thể là một kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ không bao giờ quên. Hay chỉ là một câu chuyện bất chợt nghe, một điều tình cờ nhìn thấy. Và cũng có thể là một nỗi đau khôn xiết, một nỗi nhục khôn cùng. Có điều dù to nhỏ, lớn bé gì thì điều bí mật ấy cũng chỉ mình họ biết. Khi sống thì họ chôn sâu giấu kín trong lòng, khi chết thì họ mang theo họ ra đi. Ngoài những người ít nhiều có liên quan còn thì kể từ cha mẹ, anh em, con cái cho đến bạn bè thân thích, bà con ruột thịt không một ai biết được điều bí mật ấy của họ.
Chị Loan cũng có một điều bí mật như thế! Chị đã âm thầm tự nhủ, âm thầm thề thốt với chính mình là phải mãi mãi giữ kín điều bí mật này. Và chị đã giữ kín nó được hai chục năm nay. Không những giữ kín mà bởi điều bí mật ấy chẳng hay ho, đẹp đẽ gì nên chị còn muốn quên nó đi, chôn nó đi thật sâu vào dĩ vãng. Chị muốn đừng bao giờ phải nghĩ tới nó, đừng bao giờ phải đào xới nó lên. Chị đã thề như thế.
Ấy vậy mà chỉ mới hôm qua thôi có một chuyện xảy ra đã làm đảo lộn mọi  quyết tâm của chị. Nó  đảo lộn đến mức có thể điều bí mật ấy sẽ có nguy cơ không còn là điều bí mật nữa. Bởi, nếu chị vẫn khăng khăng chôn sâu giấu kín điều đó trong lòng mà không phanh phui nó ra, giải bày nó ra thì chị sẽ không còn là chị nữa. Và như thế chị sẽ phải đau khổ, sẽ phải dằn vặt, sẽ phải ân hận cho đến hết cuộc đời. Nhưng hỡi ôi! Có phải điều bí mật nào cũng dễ dàng nói ra được đâu. Từ hôm qua đến nay chị đã phải vắt óc ra để mà suy nghĩ, để mà đấu tranh với chính mình. Và cũng để mà khổ đau một mình mình. Chị lại càng khổ tâm, càng bất lực khi không biết phải than thở cùng ai, bàn bạc với ai. Chưa bao giờ chị lâm vào tình khó xử như lần này.
 
Sáng hôm kia, lúc chị đang cuốc đất un lại mấy luống khoai ở vườn, thì con trai chị về thăm.Nhìn điệu bộ của con, chị thấy nó vui vẻ, khỏe mạnh. Có lẽ nó quá  mừng khi gặp lại chị sau gần hai năm xa cách. Nó nắm tay chị dẫn vào nhà rồi luôn miệng hỏi chị chuyện này, chuyện kia. Chị ngồi yên lặng ngắm nhìn con. Quả là con trai chị đã khôn lớn thật rồi. Chị mừng, rất mừng về con. Thì người mẹ nào lại chẳng vui mừng khi có con đi xa về thăm. Đứa con ấy lại đã trưởng thành lên, rắn rỏi lên. Nhưng với chị thì khác. Với chị thì niềm vui ấy còn như được nhân đôi nhân ba. Bởi, chị chỉ có một đứa con. Mà đứa con ấy thì lại đang phải xa chị ra đi. Ở cái làng nơi chị  đang sống đây, chẳng có gia đình nào giống như gia đình chị. Một gia đình chỉ có hai người: một mẹ, một con. Bao năm qua, chị đã phải một mình lam lũ làm ăn nuôi con. Rồi lại  phải chịu biết bao lời bàn tán, dèm pha từ cửa miệng thiên hạ. Cuộc đời chị phải chịu qua nhiều thiệt thòi, quá nhiều mất mát. Chị chẳng có gì cả, ngoài đứa con chị dứt ruột đẻ ra. Vì con chị đã phải mấy lần vứt bỏ tất cả để ra đi. Chị đã phải mấy lần thay đổi chỗ ở, mấy lần thay đổi công việc làm ăn. Thể xác chị hình như cũng mòn mỏi, tàn tạ đi. Nó cũng phải gồng lên để chống chọi với số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Bây giờ thì chị đang sống trên quê hương mới của chị. Chị đinh ninh rằng, có lẽ nơi vùng đất xa lạ này đã là nơi chốn nương thân cuối cùng của đời chị. Chị tin thế là từ nay chẳng còn gì phải làm chị lo nghĩ về con nữa. Chẳng còn gì có thể làm tổn thương đến tâm hồn con chị nữa. Mọi chuyện buồn vui, mọi nỗi khổ đau, tủi nhục của chị như đã được giải tỏa, như đã được trôi dạt vào góc khuất cuộc đời .
Ngày đầu về bên mẹ, con trai chị hầu như lúc nào cũng đem chuyện công việc của nó hoặc là chuyện về người này người kia ra kể cho chị nghe. Nhưng đến trưa ngày hôm sau, trong khi chị chuẩn bị xuống bếp làm cơm thì nó dặn chị nấu thêm cơm. Chị ngạc nhiên hỏi nó thì nó bảo có khách. Rồi nó tươi cười nói với chị ra vẻ bí mật: “Con có cô bạn gái cùng về đây thăm má. Má ơi! Má phải làm một mâm cơm thật tươm tất để mời cổ. Cổ là…cổ là người yêu của con, là con dâu  tương lai của má đó”. Chị chưa hết ngạc nhiên và còn đang nủa tin nửa ngờ thì thằng Nhân đã nghiêm túc kể cho chị nghe về người bạn gái của nó. Theo lời nó kể thì cô bạn gái của nó là Diễm Quỳnh diễn viên múa của một đoàn văn công gần chỗ công trường nó làm việc. Nó gặp cô gái ấy trong một lần đoàn văn công của cô lên biểu diễn phục vụ công trường. Tại đây chúng nó đã yêu nhau. Biết tin con trai chị được nghỉ phép về thăm nhà, Diễm Quỳnh cũng xin nghỉ phép theo. Hai đứa nó đã ra đây trên một chuyến xe với một cô bạn của Diễm Quỳnh. Khi đến bến, Diễm Quỳnh  về thăm gia đình bạn và hẹn con trai chị ngày mai đến đón. Thằng Nhân chỉ kể tóm tắt như thế rồi lấy chiếc xe đạp của chị đạp đi. Thêm một lần nữa chị phải lấy làm ngạc nhiên về con trai của chị. Rồi chị chép miệng, ừ thì nó cũng đã  hai mươi mốt tuổi rồi, chứ có bé bỏng gì nữa đâu. Con trai ở tuổi nó có bạn gái là chuyện thường. Nó cũng phải yêu đương tìm hiểu bạn đời dần đi là vừa. Ngày trước chưa bằng tuổi nó bây giờ chị đã lấy chồng. Chỉ có điều cuộc đời làm vợ, làm mẹ của chị thì lại quá thiệt thòi.
…Năm mười tám tuổi, chị có một mối tình đẹp với Bường, một chàng trai cùng tuổi, cùng làng. Hoàn cảnh của Bường cũng na ná như hoàn cảnh của chị. Nghĩa là Bường cũng không cha, không mẹ và cũng phải sớm hôm đơn độc một mình. Bường rất điển trai và chị thì lại rất đẹp gái. Nhưng trên hết vẫn là hai người cùng chung cảnh ngộ. Đó là duyên cớ để chị và Bường yêu nhau tha thiết. Họ hứa với nhau sẽ nên duyên chồng vợ, sẽ chung sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng chiến tranh ngày một diễn ra ác liệt. Bường bị bắt quân dịch, bị điều ra mặt trận Thành Cổ Quảng Trị đánh nhau với quân Giải phóng. Trong gần hai năm đó chị đã phải mỏi mắt mong ngóng tin Bường, cầu trời phật cho Bường được bình an. Rồi sự mong đợi của chị cũng đã được đền đáp. Chỉ nửa năm sau, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, người yêu của chị đã may mắn thoát chết trở về. Chính quyền cách mạng nhận thấy việc đi tính của Bường chỉ là do bị ép buộc, bản thân Bường lại chưa có nợ máu gì với nhân dân, nên Bường chỉ phải tập trung cải tạo hai tháng tại địa phương rồi được tha bổng về nhà làm ăn. Đám cưới của chị và Bường đã diễn ra sau đó ít tháng.
Hôm tổ chức lễ cưới, sáng ra trời rất đẹp. Ấy vậy mà chỉ một lúc sau, khi mọi người đã có mặt đông đủ,  đang “rượu vào lời ra” vui vẻ thì bỗng nhiên trời đầy mây. Những đám mây như những tảng khói đen ngòm mang đủ hình thù, dáng dấp kỳ dị cứ ùn ùn kéo đến. Cả bầu trời bỗng tối sầm lại. Sau đó là những trận mưa như thổi kèn gióng trống. Mưa trắng trời trắng đất. Mưa triền miên, ào ạt, xối xả. Đám cưới của chị như ngập trong biển nước. Chị đứng bên Bường, người nép vào người Bường mà vẫn rét run lên cầm cập. Nghe ai đó mách miệng, chị đã thử nhắm mắt nhắm mũi uống bừa đi một ly rượu. Nhưng lạ thay, càng uống vào thì chị càng thấy lạnh. Lạnh từ trong ruột lạnh ra. Rồi mặc cho mọi người ăn uống, hát hò vui vẻ, chị bỏ mặc tất cả, chạy ào vào giường, nằm cuộn mình trong tấm chăn…Được một lúc chị thấy người chị âm ấm trở lại. Đầu óc chị cũng tỉnh táo ra. Nhìn ra bên ngoài, chị thấy trời đã tạnh mưa. Đám cưới của chị  cũng đã bắt đầu tàn. Chị lau qua mặt, sửa lại váy áo rồi bước ra ngoài. Cả một bầu trời quang đãng, sáng dần lên và từ từ hửng nắng. Chị đi từng bàn rót nước mời khách và cảm ơn mọi người. Mới đến bàn thứ nhất, khi tay chị vừa bưng chiếc bình sứ lên, định rót nước ra ly thì bỗng “choang” một tiếng. Hàng chục đôi mắt đổ dồn về phía chị. Lúc ấy chị mới ý thức được rằng chị vừa sơ ý làm rơi chiếc bình sứ. Chị giật mình, tái mặt khi nghe ai đó nói một câu bâng quơ: “Vậy là xui xẻo cả đời đó nghen!”…
Mâm cơm chị làm chỉ một loáng là xong. Dù ở nhà quê xa chợ xa đò, lại không được con dặn trước, nhưng nhờ mấy thứ có sẵn, chị cũng làm được mâm cơm khá tươm tất. Có thịt gà luộc, thịt gà xào măng. Có trứng vịt rán và còn có cả nồi canh chua bạc hà nấu cá lóc. Chị bày tất cả các món ra đĩa. Riêng nồi canh chị vẫn bắc trên bếp cho nóng. Được một lúc thì thằng Nhân đèo cô bạn gái về.  Người chị khẽ rùng lên một cái khi chợt nhìn thấy con bé. Chị vừa phát hiện ra hay nói đúng hơn là chị vừa mường tượng ra trên khuôn mặt của cô bạn gái con chị có một nét gì đó quen quen. Chị có cảm tưởng như là chị đã gặp cô gái này ở đâu đó rồi. Chị cố nhớ, cố nặn óc ra để nhớ mà vẫn không thể nào nhớ nổi. Từ đó cho đến lúc ăn cơm, rồi kéo dài cho đến tận tối, trước khi đi ngủ, chị vẫn nghĩ về cô gái. Tâm trí chị đã hoàn toàn bị ám ảnh. Chị vẫn vui cười chuyện trò với con trai chị và bạn của nó. Vẫn nghe chúng nó rối rít kể chuyện này chuyện kia, nhưng chỉ một lát là chị quên ngay. Chị không thể nhớ được là chị vừa nói gì với chúng và chúng vừa nói gì với chị. Lúc nào chị cũng chăm chăm vào mặt cô gái. Có lúc chị nhìn như xoi mói vào mặt nó. Có lúc chị nhìn như ăn tươi nuốt sống nó. Ừ! Khuôn mặt nó, kể từ đôi mắt cho đến mái mũi, cái miệng, cái cằm… như đã đóng đinh vào cõi lòng chị…
Đêm ấy, Diễm Quỳnh ngủ cùng chị một giường. Chị không ngủ được. Còn Diễm Quỳnh có lẽ do lạ nhà nên cũng không ngủ được. Nó cứ trằn trọc thao thức mãi. Trong khi đó thì giường bên thằng Nhân đã ngủ say như chết. Tiếng ngáy của nó cứ đều đều, đều đều vọng sang. Ngoài trời trăng thượng tuần đã lên cao. Ánh sáng bàng bạc hắt qua cửa sổ rọi vào nhà. Diễm Quỳnh chủ động bắt chuyện trước với chị. Nó hỏi chị về công việc, về mùa mang thời vụ. Đến lượt chị hỏi nó về tình cảm giữa nó và con trai chị. Cứ thế, từ chuyện này nhảy sang chuyện khác. Cuối cùng, chị hỏi Diễm Quỳnh về quê hương và gia đình nó. Nó ríu rít như con chim non bên mẹ, cứ vô tư kể hết mọi chuyện. Chị nằm im lặng nghe, rồi chị bỗng giật nảy mình khi nghe nó nhắc ti cái thành phố gia đình nó đang ở. Đó là cái thành phố mà một thời hai mẹ con chị đã từng sống ở đó, trước khi buộc phải vĩnh viễn từ bỏ nơi ấy để phiêu bạt lên đây. Cái thành phố ấy có những con đường, những hàng cây, những góc phố cho đến bây giờ chị vẫn còn thuộc như lòng bàn tay mình. Rồi khi nó nói đến gia đình nó, ba má nó thì chị bỗng ngồi bật dậy. Một cảm giác vừa lo lắng, vừa sợ hãi làm tim chị co thắt lại. “…Gia đình con chỉ có ba người, ba má con và con. Trước giải phóng ba má con cùng là dân làm ăn. Ba con bị cụt một tay vì đạn pháo hồi Mậu Thân nên nay cả thành phố ai cũng gọi ba con là ông Sáu Cụt. Sau này nhờ vốn liếng của gia đình bên ngoại giúp cho, ba má con đã đứng ra xây dựng được một xưởng đúc ngói xi măng để làm ăn từ bấy đến giờ. Ba má con chậm có con, nên mãi tới năm cả hai ông bà ngoài bốn mươi tuổi mới sinh được con…”. Từng lời nó như những giọt nước lạnh ngắt gieo vào lòng chị. Chị bàng hoàng như phải nghe tin dữ. Không biết là thật hay là mơ đây? Không biết chị có nghe nhầm không đây? Không! Không phải là mơ, cũng không phải là nhầm! Đúng là nó vừa nói tới ba má nó. Cũng hai con người ấy. Cũng hoàn cảnh ấy. Rồi cũng nghề nghiệp, tên tuổi ấy. Chẳng có gì khác. Đúng là họ thật rồi! Đúng là hai con người ấy thật rồi! Đúng là chị đã biết, không những biết mà chính xác hơn là chị đã hiểu rất rõ, hiểu rất tưíng tận về lai lịch của hai con người đó. Thì ra là vậy. Cô bạn gái con chị chính là con gái họ. Đúng! Con gái họ. Trời ơi! Sao lại có thể như vậy được. Chị run lên bần bật bởi điều chị vừa khám phá ra.
Thì ra linh tính đã mách bảo chị ngay từ lúc nó mới đến nhà chị, ngay từ lúc chị mới chợt nhìn thấy nó. Đầu tiên là một nét quen quen trên khuôn mặt xinh xắn của nó. Từ khuôn mặt ấy chị đã thử so sánh với người này người kia và chị đã ngờ ngợ. Chị đã bắt đầu có cảm giác tỏ ra nghi ngờ nó giống người này người kia. Nhưng rồi chị lại không tin điều chị nghi ngờ. Mãi đến lúc nghe nó tâm sự về ba má nó thì chị mới ngã ngửa ra. Tất cả như có sự sắp đặt của số phận, như có trời xui đất khiến. Dẫu vậy, chị vẫn tự an ủi chị bằng cách tự hỏi: liệu ở cái thành phố ấy, có ai đó mà hoàn cảnh, nghề nghiệp, tên tuổi lại trùng hợp với ba má nó không? Bởi theo chị tất cả mọi chuyện trên đời này, đều có thể giống nhau, đều có thể trùng hợp nhau một cách lạ lùng. Rồi chị lại trả lời: Có thể là có, nhưng với trường hợp mà chị vừa khám phá đây thì không bao giờ, không bao giờ. Ý nghĩ ấy kéo chị trở về với thực tại. Chị nghĩ đến tình yêu giữa con trai chị với Diễm Quỳnh. Chúng nó đang yêu nhau say đắm, và với đà này thì chỉ một mai chúng sẽ là vợ chồng của nhau. Mới chỉ nghĩ như thế thôi chị đã thấy ớn lạnh trong người. Không! Không thể được, chúng không thể là vợ chồng của nhau được. Và ngay từ bây giờ, ngay từ giờ phút này, chúng cũng phải chấm dứt mọi quan hệ yêu đương. Nhưng chị phải làm gì, nói gì với chúng nó đây? Câu chuyện hai mươi năm về trước, qua bao thăng biến của thời gian đã trở thành điều bí mật của cuộc đời chị. Chị đã thề với trời cao đất dày là sẽ không bao giờ cho phép ai được biết về điều bí mật ấy. Bởi nó là nỗi đau, nỗi nhục của chị. Nói đúng hơn nó còn là nỗi đau, nỗi nhục của cả những người ruột thịt của chị. Cứ ngỡ vết thương hai mươi năm về trước đã được liền sẹo trong lòng chị. Cứ ngỡ chẳng có gì làm chị phải nhắc đến nó nữa, nhớ đến nó nữa. Thế mà nay bỗng từ đâu đổ ụp xuống đầu chị điều khủng khiếp này. Nhưng cũng còn may là chị đã phát hiện sớm. Chị phải ngăn cản con chị. Chị phải chia lìa tình yêu của chúng nó ra.
Con trai chị đã tỏ ra phản đối quyết liệt khi thấy chị đang yên lành bỗng thay đổi tính nết chen ngang vào chuyện yêu đương của nó. Nó hoàn toàn không hiểu vì lý do gì mà má nó lại đâm ra trở chứng như vậy. Tại sao lại bắt nó phải chấm dứt quan hệ yêu đương với Diễm Quỳnh? Lần đầu tiên trong đời, chị thấy con trai chị dám cãi lại chị, không nghe lời chị. Bằng một thái độ từ tốn và bằng những lý lẽ xác đáng nó quyết tâm đấu tranh với chị đến cùng để bảo vệ tình yêu của nó. Nó nói với chị là phải chi nó còn nhỏ dại, ăn chưa biết no, lo chưa biết tới, hay phải chi nó làm điều gì đó bậy bạ trái với lương tâm, trái với đạo đức thì ngăn cản nó, góp ý với nó đã đành. Đằng này nó đã lớn, đã đường đường là một anh công nhân, đã hai năm sống với tập thể, ăn cơm tập thể, đã biết phân biệt phải trái, đúng sai… mọi lẽ ở đời. Nó yêu Diễm Quỳnh. Diễm Quỳnh cũng yêu nó. Đó là một tình yêu mà cả hai đã tự nguyện đến với nhau. Tình yêu ấy lại đang được sự đồng tình, vun vén của bạn bè, đồng nghiệp. Bản thân Diễm Quỳnh cũng là một cô gái hiền lành, dễ thương. Hơn thế nữa Diễm Quỳnh còn là một cô gái tốt, một diễn viên sân khấu có nhiều triển vọng. Còn gia đình cô ấy cũng là một gia đình làm ăn thật thà, chất phác. Ba má Diễm Quỳnh đều là những người rất đôn hậu. Nó cũng đã vài lần theo Diễm Quỳnh đến thăm ông bà ấy. Họ đã yêu thương nó, đối xử với nó như con cái trong nhà. Một tình yêu như vậy, theo nó đã là quá lý tưởng, đã là quá hạnh phúc đối với nó. Bản thân nó chỉ là một anh công nhân quèn, thợ chưa ra thợ, thầy chưa nên thầy, còn dám mơ ước gì hơn! Vậy thì mẹ nó còn chê tình yêu của chúng nó ở điểm nào? Chê Diễm Quỳnh ở điểm nào? Tại sao khi khuyên nó không được quan hệ yêu đương với Diễm Quỳnh, mẹ lại không đưa ra được một lý do nào chính đáng. Mà trước sau mẹ chỉ có quanh đi quẩn lại mấy câu hết sức tầm thường, hết sức vô lý. Nó chẳng hiểu mẹ nó ra làm sao nữa. Rồi nó bỗng nhớ lại thái độ của mẹ nó hôm Diễm Quỳnh đến nhà. Mặt thì thần ra như người mất hồn. Điệu bộ thì lúng ta lúng túng. Đã thế lại cứ nhìn chằm chằm vào mặt bạn nó. Mà đâu phải chỉ nhìn qua một lần rồi thôi thì cũng còn được. Đằng này lại cứ nhìn như muốn nổ con mắt ra, khiến cho Diễm Quỳnh phải lấy làm phát ngượng và đâm hoảng. Lúc đó nó đã nghĩ chắc là mẹ nó thấy Diễm Quỳnh có xoa tý son trên môi nên nhìn. Hoặc bởi Diễm Quỳnh có khuôn mặt dễ ưa nên ngắm! Mọi việc ban đầu tưởng như vậy đã qua. Ai dè sáng nay, mới còn sớm tinh mơ, mẹ nó đã gọi nó dậy, đùng đùng kéo nó ra ngoài sân rồi thì to nhỏ với nó cái điều mà nó không thể chấp nhận được ấy.
Không lay chuyển được con chị đã tỏ ra tức giận. Nó cũng nổi khùng nói hỗn với chị. Nó còn dọa sẽ bỏ đi nếu chị vẫn khăng khăng bắt nó bỏ Diễm Quỳnh. Hai mẹ con mỗi lúc một to tiếng, không ai chịu ai. Cũng may là Diễm Quỳnh lúc đó còn ngủ say, không hay biết gì. Bất lực, chị bỏ vào nhà nằm. Vậy là suy đi nghĩ lại chị vẫn chưa dám nói với con chị điều cần nói. Chị không biết phải bắt đầu từ đâu và phải nói thế nào.
…Hai mươi năm trước, khi chị vừa có bầu thằng Nhân chưa đầy ba tháng thì gần như cùng một lúc chị gặp phải hai tin dữ. Một của chồng chị và một của em gái chị. Chồng chị thì trong một lần đi làm ăn xa rồi biệt tăm không thấy trở về. Chị hoàn toàn không hay biết Bường đi đâu. Chỉ biết sau đó ít tháng chị bỗng nghe khắp làng trên xóm dưới loang ra cái tin Bường vượt biên trốn đi nước ngoài. Chưa kịp hoàn hồn thì liền ngay đó trong một lần tạt qua nhà, chị phát hiện ra em gái chị có bầu. Chị đã xối xả mắng như tát nước vào mặt nó. Rồi chị đã ôm lấy em mà khóc khi nghe nó kể hết mọi chuyện. Bắt đầu từ đấy rộ lên lời bàn tán xôn xao của thiên hạ về gia đình chị. Có cả những lời phỉ báng đầy cay độc. Và có cả những lời đầy thương hại, cảm thông. Nhưng có lẽ đau thương hơn, tủi nhục hơn vẫn là chị. Đi đến đâu chị cũng bị người ta săm soi nhòm ngó. Đi đến đâu chị cũng bị người ta giễu cợt, chê cười. Đích thân ông trưởng an ninh xã đến nhà chị, hùng hổ chỉ tay vào mặt chị: “Hai chị em nhà chị đã vào hùa với nhau che giấu để thằng Bường thông đồng với bọn xấu vượt biên trốn ra nước ngoài. Có biết trốn ra nước ngoài là phạm tội gì không? Tội phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân, nhớ chưa? Bản thân nó đã là một ngụy quân ngụy quyền, tay sai của đế quốc, thực dân mà còn trốn đi nước ngoài thì tội nó càng nặng, tội chị càng nặng, biết chưa? Chồng chị đã vậy, đến cô em gái chị cũng hư thân mất nết. Không chồng mà chửa! Tội ấy cũng đáng phải lên án, đáng phải trừng trị. Tôi nói cho chị hay, xã hội bây giờ đã là một xã hội của một chế độ mới. Xã hội của văn minh, của tốt đẹp! Gia đình chị đã làm cho cái xã hội này, làm cho cái làng xã này bị ô uế, nhơ nhuốc vì tội vượt biên của chồng chị và tội chửa hoang của em gái chị. Chính quyền cách mạng đã có quyết định tịch thu ngôi nhà này của tên Ngô Quang Bường vì đã phạm tội phản bội Tổ quốc trốn ra nước ngoài. Đề nghị chị thu xếp ra khỏi nhà…”. Lời nói của ông trưởng an ninh xã như một ngọn roi vô hịnh tới tấp quật lên người chị. Chị muốn gào lên khóc mà không sao khóc được. Chị muốn thanh minh với ông ta đôi điều mà không sao mở miệng ra được.
Bốn tháng, sau ngày chị sinh thằng Nhân thì đến lượt em gái chị trở dạ. Nhưng cô em gái đáng thương của chị đã không may mắn được “mẹ tròn con vuông” như chị. Nó đã bị băng huyết khá nặng ngay sau khi sinh được một bé gái. Người ta đã kịp chuyển nó lên tuyến trên để cấp cứu. Nhưng tất cả đã vô vọng. Em gái chị đã chết ngay trên đường đến bệnh viện huyện do đã bị mất máu quá nhiều. Từ đó chị phải một mình nuôi hai đứa con thơ dại. Như một người mẹ sinh đôi, chị dồn hết tất cả sinh lực chăm bẵm từng ly từng tý cho cả con lẫn cháu. Có lúc chị đã cảm thấy đuối sức. Hai bầu vú chị nhiều hôm không đủ sữa cho chúng bú. Cái áo sơ sinh thì cả con lẫn cháu cùng mặc. Đến hạt gạo chị cũng không có đủ để ăn. Người chị teo tóp lại, gầy rộc đi. Hai đứa trẻ cũng bao phen tật này chứng nọ. Nhưng niềm vui đổi lại là mọi chuyện rồi cũng qua. Ấy là khi cả con cả cháu chị cùng lớn lên bên chị trước sự cảm thông và cả sự mỉa mai của miệng tiếng người đời. Khi hai đứa trẻ bắt đầu đi lại vững vàng, thấy không thể sống lâu dài ở vùng quê nơi mình sinh ra, chị đã bán tất cả nhà cửa, đất đai để ra đi. Nguyện vọng của chị là mong sao cho con chị, cháu chị sau này khi lớn lên không phải biết một tý gì về quá khứ của ba má chúng. Một mình chị chịu đựng đã là quá đủ. Chị không muốn chúng phải khổ lây, nhục lây.Ngay trong đêm ấy, chị xách gói ra đi. Chị trở về sống cùng em gái chị trong ngôi nhà mà ba má chị để lại. Chị cố gắng quên đi người chồng bội bạc và đáng nguyền rủa. Không cần để ý đến những lời dèm pha, đàm tiếu của thiên hạ, chị cố chịu đựng, động viên chăm sóc em gái chị cùng vượt qua.
Ba mẹ con chị phiêu bạt đến một thành phố. Lạc lõng giữa những dòng người, ồn ào, náo nhiệt với hai đứa con nhỏ, chị không biết phải làm gì. Thời gian đầu chị lang thang ở bến xe hòa vào đám người vô gia cư, với đủ các thành phần sang hèn, tốt xấu. Chị muốn tìm một việc gì đó để làm nhưng hai đứa trẻ lúc nào cũng bám lấy chị, khiến chị không rời chúng ra được một lúc. Dù khó khăn và dù chưa một mảy may hy vọng gì ở ngày mai, chị vẫn không tỏ ra thất vọng, không tỏ ra hối hận vì đã bỏ làng ra đi. Nghe lời khuyên của mấy người tốt bụng, chị mua một chiếc hộp, bỏ vào đấy vài gói thuốc lá  ngồi bán. Hành khách ra vào bến xe thấy hoàn cảnh chị một nách hai con nhỏ, lại thấy chị hiền hậu nên ai cũng mua giúp. Nhưng chị đã không sống mãi được ở bến xe ấy. Một phần do người ta đuổi, một phần do chị tự thấy không ra gì nên chị đã bỏ đi. Chị dắt hai đứa nhỏ lang thang qua các phố với hy vọng có ai thuê giữ trẻ hay cần làm gì đó thì xin làm. Lang thang suốt mấy ngày, qua hầu hết các phố, nhà nào chị cũng vào, cũng hỏi, nhưng rút cục chẳng một gia đình nào nhận chị. Có nhà cần một người phụ bếp nhưng khi thấy chị có tới hai đứa con nhỏ thì lại thôi. Chị cứ đi mãi, đi mãi, cho đến một hôm, khi đã mệt lả, không thể lê nổi bước chân nữa, khi đã tiêu xài gần như cạn kiệt số tiền mang theo thì chị may mắn được nhận vào làm việc ở một xưởng đúc ngói xi măng. Hơn ba tháng làm việc ở đó, chị đã phải chịu biết bao cực nhọc mà đồng tiền kiếm được vẫn không thể giúp chị nuôi nổi con. Cả con trai và cháu gái chị càng ngày càng sút đi và luôn luôn bị ốm đau do thiếu đi các điều kiện chăm sóc cần thiết. Nhiều lúc chị đã định bỏ đi. Nhưng rồi chị không biết phải đi đâu. Chả lẽ lại về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Không! Không bao giờ chị có thể về lại nơi ấy. Có chết chị cũng không bao giờ quay về lại nơi ấy.
Trong lúc chị chưa biết phải tính sao thì ông bà chủ nơi chị làm việc có ngỏ ý muốn xin chị một đứa con. Họ muốn xin con chị vì cả hai vợ chồng họ đã lớn tuổi nhưng chưa có con. Chị đã mấy lần tiếp xúc với họ. Chị thấy cả hai người xem ra có vẻ rất phúc hậu. Rồi chị bỗng nhớ lại lần đầu tiên chị tình cờ gặp họ rồi được họ nhận vào làm việc. Đó là một buổi tối, khi đã đi chán chê, mẹ con chị phải ghé vào một ngôi nhà để xin nghỉ nhờ qua đêm. Ngôi nhà hai tầng, trông có vẻ cũ kỹ nhưng rộng rãi, xinh xắn. Thấy cửa đã đóng, điện đã tắt, chị bèn đưa con vào ngồi tạm ở hiên. Ý định của chị là thôi không làm phiền gọi chủ nhà nữa mà cứ lăn ra đó ngủ, rồi sáng ra dậy đi thật sớm. Nhưng vào lúc nửa đêm, đứa cháu gái của chị bỗng lên cơn sốt. Người nó nóng hầm hập và luôn miệng khóc. Tiếng khóc của nó đã làm chủ nhà thức dậy. Họ bật điện, mở toang cửa đứng từ trong nhà nhìn ra. Chị run bắn người vì sợ hãi. Nhưng họ đã không hề quát nạt như chị nghĩ. Mà trái lại thấy ba mẹ con chị, họ bỗng đổi nét mặt rồi bước hẳn ra ngoài. Đó là một người đàn ông và một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi. Cả hai người cùng xúm lại hỏi thăm chị rồi giục chị nhanh nhanh đưa hai đứa trẻ vào nhà. Sau khi lấy thuốc cho con bé uồng, họ cho mẹ con chị ngủ luôn lại trong nhà. Từ đó chị trở thành người làm việc ở xưởng đúc ngói xi măng của họ. Người chồng bị cụt một tay nên thường được gọi là ông Sáu Cụt. Còn người vợ không biết tên gì, chỉ thấy gọi theo tên chồng là bà Sáu. Ban đầu, khi biết ý định của ông bà Sáu, chị đã một mực nhất định không đồng ý. Nhưng rồi chị cũng phải cân nhắc suy nghĩ thiệt hơn. Chị thấy các con chị quá khổ, bản thân chị thì càng lúc càng cảm thấy khó cáng đáng nuôi nổi chúng. Trong khi đó ông bà Sáu lại là những người vừa tốt bụng vừa giàu có. Nếu con chị về ở với ông bà ấy chúng sẽ được chăm sóc chu đáo, tử tế. Chúng sẽ lớn lên khỏe mạnh. Rồi chúng sẽ được học hành đến nơi đến chốn. Chúng sẽ có một tương lai tốt đẹp và sáng rạng ở phía trước. Đã thế, những người cùng làm việc với chị ai cũng cho đó là một dịp may hiếm có và khuyên chị nên bằng lòng bớt đi một đứa cho họ. Cuối cùng chị phải đành lòng gạt nước mắt cho ông bà Sáu đứa cháu gái của chị. Sau đó vài tháng, cũng theo yêu cầu của ông bà Sáu, chị buộc phải rời khỏi thành phố để tránh không được gặp gỡ với con bé và đảm bảo tính bí mật về sau mà chị đã thỏa thuận với họ. Được những người đi đường giúp đỡ, mẹ con chị trôi dạt lên tận vùng đất bazan màu mỡ. Nơi ấy chính là cái làng quê sơn cước chị đang sống hôm nay. Còn đứa cháu gái của chị ngày ấy thì đã được ba má nó đổi tên thành Diễm Quỳnh, chính là người yêu của con trai chị bây giờ…
Đó là tất cả những gì chị đã chôn sâu giấu kín tận đáy lòng suốt hai chục năm qua. Và chị đã từng thề nguyện là không bao giờ chị nghĩ tới nó nữa, càng không bao giờ chị cho phép mình hé miệng nói ra với bất cứ ai điều bí mật ấy. Đối với con trai chị thì chị lại càng có trách nhiệm phải giữ kín. Bây giờ thì thế này đây! Mọi việc đã vỡ lở ra tất cả rồi. Chị không thể im lặng được nữa rồi. Đã đến lúc chị phải nói ra sự thật. Chị phải chứng minh cho hai đứa biết rằng, hai đứa là anh em đôi bạn con dì của nhau, chị là dì ruột của Diễm Quỳnh và mẹ của Diễm Quỳnh là dì ruột của con trai chị, nên hai đứa không thể…Và có một điều thật khủng khiếp, thật trớ trêu mà chị tạm thời cho nó ngủ yên trong lòng chị, tạm thời giấu cả hai đứa. Đó là Diễm Quỳnh không chỉ là em họ của con trai chị mà máu mủ hơn, sâu nặng hơn, Diễm Quỳnh còn là em gái của nó. Bởi, cha của con trai chị cũng chính là kẻ đã hèn hạ làm hại cuộc đời em gái chị cách đây hai mươi năm về trước. Đối với chúng, có lẽ chưa  cần nói ra sự thật đau lòng này cũng đã là quá đủ. Sau bữa ăn sáng hôm ấy, với một vẻ mặt vừa trang nghiêm, vừa xúc động chị gọi hai đứa đến bên để bắt đầu câu chuyện của mình. Nhưng cũng ngay lúc đó, chị bỗng sực nhớ tới ông bà Sáu và lời hứa năm xưa của chị với họ. Rồi chị sẽ biết ăn nói với người ta sao đây?
Tác giả: N.N.C – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *