Trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam thì ngày giỗ là lễ kỉ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, bố mẹ hoặc người thân. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, hàng vạn người lính đã hi sinh để mang lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Với những người lính còn sống thì ngày đồng đội hi sinh mãi mãi khắc ghi trong trái tim. Những dịp giỗ các anh là dịp người cựu chiến binh tưởng nhớ người đã khuất, gặp gỡ bạn bè đồng đội năm xưa. Truyện ngắn được kể lại qua lời của nhân vật tôi khi dự đám giỗ của một người đồng đội. Và bất ngờ khi chính người tưởng rằng đã mất làm giỗ cho mình. Điều tưởng rằng khó tin nhưng thực ra lại không hề hiếm ở nước ta thời kỳ hậu chiến. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ác liệt, rất nhiều người lính mất tích rồi hoàn cảnh thông tin liên lạc còn hạn chế nên tổ chức, gia đình tưởng rằng đã hi sinh. Thế mới có cảnh giở khóc giở cười khi ngày gia đình làm đám giỗ thì người hi sinh bỗng trở về. Nhân vật anh lính tên Hùng trong câu chuyện chính là một trường hợp như vậy. Đầu năm 1975, Hùng bị thương nặng và thông tin anh hy sinh được thông báo về quê nhà. May mắn Hùng được giúp đỡ, chữa trị, sau khi lành vết thương anh trở về trong niềm hạnh phúc của gia đình. Điều đặc biệt nhất là Hùng được giúp đỡ, chữa trị bởi lực lượng phía bên kia chiến tuyến. Tấm lòng của ông Mến, người bác sĩ quân y Việt Nam Cộng Hòa hay sự cứu giúp của người lính vô danh khiến Hùng vô cùng cảm động. Truyện ngắn mang lại nhiều bất ngờ cho người đọc, người nghe và thể hiện góc nhìn khách quan về chiến tranh. Dù là ta hay địch thì đều có những con người mang phẩm chất tốt đẹp. May mắn Hùng đã gặp những người tốt như vậy để trở lại với gia đình. Sau gần nửa thế kỉ đất nước hòa bình, cần có nhiều sáng tác viết về chiến tranh với góc nhìn đa dạng, khách quan để công chúng hiểu hơn về quãng thời gian hào hùng của dân tộc.
Buổi tối, tôi đang ngồi lên lớp đứa cháu nội bằng những câu chuyện bắt đầu bằng từ “ngày xưa”, đại loại như kiểu ôn nghèo kể khổ, thì có chuông điện thoại. Tưởng ai, hóa ra là thằng Đường, bạn học cấp ba của vợ chồng tôi. Tôi cao giọng:
– Có việc gì mà gọi giờ này?
– Mai, mày đi với tao xuống Quảng Yên, ăn giỗ thằng bạn cùng đơn vị tao ngày xưa, được không?
Nghe tới giỗ của lính, là người cùng thời, tôi bùi ngùi và chẳng thể chối từ. Nhận lời, thống nhất thời gian lên đường, rồi sực nhớ điều quan trọng, tôi hỏi lại:
– Thế chuẩn bị vàng hương, hoa quả thế nào, sắm trước hay mua trên đường?
Nó cười to:
– Khỏi cần, không phải chuẩn bị gì cả, cứ đến và ăn cỗ thôi.
Tôi thấy lạ và băn khoăn quá, liền hỏi thêm:
– Thế ai cúng?
– Nó chứ ai. Thôi, cứ vậy nhé, mày đi rồi sẽ biết, có tao thì ngại gì.
Tôi thêm tò mò, nhưng chưa kịp nói gì nữa thì nó đã tắt máy. Ừ, thì đi, gặp lại những thằng lính có ối điều thú vị, là cơ hội cùng nhau ôn chuyện một thời máu lửa không thể nào quên mà.
Sáng hôm sau, tôi lái xe lên nhà Đường. Nó đã tề chỉnh và sẵn sàng. Hai thằng khởi hành, trên đường đi còn đón thêm vài bạn của Đường nữa. Chỉ hơn nửa tiếng sau, chúng tôi đã tới điểm cần đến, đó là khu Kim Lăng, phường Quảng Yên, trước đây là xóm Quỳnh Lâu, xã Cộng Hòa. Lúc ấy, trong nhà đã tấp nập người, tiếng nhạc, tiếng cười vang xa cả khu phố. Tôi nghĩ, ngày giỗ phải nên vui thế này, linh hồn người quá cố chắc cũng mừng nơi chín suối. Chiến tranh đã qua lâu rồi, còn bao điều cần lạc quan cho cuộc sống hiện tại…
*
* *
Dưới khu sân rộng có mái che bằng tôn trắng, chừng hơn chục bộ bàn ghế được xếp đặt sạch sẽ, gọn gàng. Trong phòng khách, đồ dùng tinh xảo được trang hoàng giản dị, thoáng. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, chuyện trò rôm rả, ai cũng nhắc tới kỉ niệm thuở gian khổ, hiểm nguy nơi tuyến đầu cuộc chiến. Cách xưng hô toàn là mày tao mà gần gũi, ấm cúng. Đó là bản chất lối sống mộc mạc, nặng nghĩa tình của những người lính trận hồn nhiên bước vào cửa tử, mộc mạc mà giúp họ thêm nghị lực bước qua cái chết luôn rình rập bên mình. Ai đó từng nói, đi qua cuộc chiến này là người được sinh ra lần thứ hai, quả là thấm thía. Rồi Hùng, nhân vật chính của bữa tiệc kể câu chuyện của mình…
Hùng nhập ngũ năm 1972 vào đúng “Mùa hè đỏ lửa”. Sau mấy mùa chinh chiến, đầu năm 1975, Hùng được điều đến vùng đất Bình Phước, đây là nơi Quân đoàn 4 của chủ lực chế độ ngụy quyền đóng quân, được coi là chốn yên bình, sào huyệt cuối cùng của đối phương khi Sài Gòn thất thủ.
Theo chỉ đạo của bộ chỉ huy chiến dịch, trung đội của Hùng được chọn làm chủ công, có nhiệm vụ san phẳng chi khu Chơn Thành, mở thông tuyến chiến lược, chia cắt, vô hiệu hóa lực lượng địch ở vùng chiến thuật này, phá hậu cứ, không để chúng tập hợp tàn quân. Trước đó, tin tức tình báo cho biết, địch chỉ có một đại đội thiện chiến chốt giữ tại đây. Vì nằm giữa nhiều cứ điểm khác nên địch rất chủ quan, tin là Việt cộng không thể có cánh để bay vào đây được. Trong thế bí mật, bất ngờ và chủ động, chỉ huy trận đánh quyết định chỉ cần sử dụng một lực lượng như thế là giải quyết được mục tiêu, khi ta đồng loạt nổ súng trên toàn tuyến. Ngoài ra, lực lượng chi viện được bố trí tại mấy nơi, cách hàng rào đủ tầm vận động chiến thuật. Ngày tiến công được chọn là 27/3, khai hỏa được phổ biến vào phút cuối là vào lúc 3 giờ, thời khắc địch thay gác và lơi lỏng nhất. Trước trận đánh, Hùng hồi hộp với tâm trạng khó tả. Ngoài vũ khí và trang phục giản tiện nhất, Hùng còn để phong thư gửi bố, mà Hùng mới tranh thủ viết buổi chiều, trong túi áo, cài khuy cẩn thận. Theo phân công, Hùng đươc bố trí vào tổ dùng bộc phá mở hàng rào phía bắc chi khu. Đúng giờ ấn định, những tiếng nổ lớn phá màn đêm yên tĩnh, mở đầu trận đánh. Từng quầng lửa bùng lên soi sáng cả vùng, mấy hàng rào dây thép gai và bùng nhùng bị thổi quang. Bọn địch, sau phút hoảng loạn, đã bắt đầu chống cự quyết liệt, với tâm thế của kẻ liều chết vì không còn đường lui. Một vài chiến sĩ đã hi sinh, hỏa lực địch càng lúc càng dữ dội, đưa quân ta vào thế bất lợi, có nguy cơ thương vong lớn. Vừa lúc, liên lạc thông báo, trước giờ ta nổ súng ít phút, thấy tầm quan trọng đặc biệt của vị trí chiến lược này, địch đã bí mật tăng cường về đây hai tiểu đoàn thuộc đội quân được mệnh danh là “Trâu điên”. Để khẳng định tin đó, súng các loại của địch tập trung bắn vào đội hình quân ta. Tình thế tiến thoái lưỡng nan, toàn đơn vị xác định quyết tâm đánh, chấp nhận hi sinh đến người cuối cùng. Đang vận động chiếm lĩnh vị trí thuận lợi, kiểm tra lại vũ khí, Hùng bỗng nghe một tiếng nổ chát chúa bên tại, rồi quầng lửa bùng lên cháy rần rật trên vùng đất rộng, soi rõ xác những người lính hai bên nằm chồng chất, một vài tiếng rên vô định, hụt hơi dần. Hùng thấy hai mắt đau nhức, bóng đen che khuất tất cả, thân mình trĩu nặng, máu chảy đầm đìa nhiều vùng cơ thể. Trước khi ngất đi, Hùng chỉ kịp gọi: Mẹ ơi!
Hùng chợt tỉnh khi chiến trường chưa im tiếng súng, bầu trời ầm ĩ tiếng máy bay trực thăng, cánh quạt thốc từng hồi, ném cát và lá cây bay rào rào theo luồng gió. Hùng lơ mơ, nghe tiếng người lao xao, giọng Nam và cách xưng hô khiến Hùng nhận ra mình đang trong tay giặc. Một thằng, có lẽ là chỉ huy, ra lệnh:
– Đưa xác các chiến binh dũng cảm của chúng ta lên máy bay, còn xác bọn Việt cộng thì gom lại một chỗ, xử lí theo quy định.
Một bàn tay mạnh mẽ lật Hùng lên, rồi cầm tay Hùng lôi đi. Chợt anh ta kêu to:
– A, thằng này còn sống, nhưng nó bị thương nặng lắm.
Nhiều ý kiến khác nhau, đứa thì bảo bắn bỏ, đứa thì nói cứ để đấy, làm mồi nhử đồng đội nó. Rồi, vẫn giọng người lính lúc nãy, bảo:
– Thôi, nó cũng là lính, các chiến hữu hãy gia ân cho nó, đưa về Sài Gòn chữa trị, rồi bàn giao cho bên chiêu hồi để tuyên truyền chiến thắng.
Nghe thế, thằng chỉ huy ra lệnh chích thuốc cho Hùng, sơ cứu các vết thương hở, rồi sai hai người lính dìu Hùng đi. Máy bay vừa bốc khỏi mặt đất thì các cỡ súng của ta đồng loạt nổ, chiếc máy bay bị nhiều viên đạn bộ binh bắn trúng, nhưng may không bị rơi. Thoáng chốc, Hùng lại ngất đi.
Khi tỉnh dậy, đôi mắt còn băng kín, qua giác quan khác, Hùng cảm nhận mình đang ở bệnh viện, mùi cồn, mùi thuốc lan tỏa đậm đặc trong gió. Có một bàn tay mở túi áo Hùng lấy phong thư. Sau vài phút im lặng, tiếng đàn ông giọng Bắc mà qua âm hưởng, Hùng mơ hồ cảm thấy người này có gốc gác từ vùng đất Quảng Yên, vang lên:
– Đưa người này vào ngay phòng phẫu thuật, tập trung cứu bằng được con mắt còn lại và rửa, sát trùng, chích kháng sinh liều cao cho anh ta. Tất cả làm theo lệnh tôi và cùng phải chịu trách nhiệm về mạng sống của anh ta trước cấp trên.
Sau ca phẫu thuật và được điều trị kịp thời, hiệu quả, những ngày tiếp đó, sức khỏe Hùng phục hồi khá nhanh. Mắt trái Hùng hỏng hẳn, mắt còn lại được chữa kịp thời, tích cực và đã nhìn khá tốt. Nhưng trong thâm tâm, Hùng vẫn không hiểu người thầy thuốc ở bên kia chiến tuyến là ai và vì sao ông ta cứu mình.
Mấy ngày sau, vào buổi chiều, một bác sĩ quân y mang quân hàm trung tá tới thăm Hùng. Ông chừng bốn nhăm tuổi, dáng cân đối, mắt sáng, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, dáng đi nhanh nhẹn, cử chỉ thanh thoát, là mẫu người tận tâm với công việc. Nghe giọng nói, Hùng nhận ra ông chính là người đã ra lệnh cứu mình hôm mới vào đây và qua cách xưng hô qua giao tiếp, Hùng biết ông là người có vị trí cao nhất ở quân y viện này. Sau khi bảo mấy cộng sự ra ngoài, ông ân cần hỏi thăm, hướng dẫn Hùng cách xử trí từng thương tích và nâng cao sức khỏe. Ông còn thông báo cho Hùng tình hình chiến sự, xu hướng sụp đổ tất yếu của chế độ Sài Gòn và khuyên Hùng thận trọng, cảnh giác bảo vệ an toàn tính mạng trong những ngày nhạy cảm này. Hùng chân thành cảm ơn, nhưng vừa định nêu thắc mắc của mình về ông thì một nữ hộ lí vội vã vào mời ông tới xử lí gấp ca thương tích hiểm nghèo của người lính vừa đưa về từ mặt trận. Ông gọi nhân viên vào căn dặn vài điều, ra dấu cho Hùng nằm nghỉ, rồi cùng người hộ lí bước nhanh ra khỏi phòng bệnh. Thế là, ngoài tên “Mến” in trên ngực áo và những ấn tượng về lòng tốt ra, Hùng không biết gì hơn về ân nhân của mình. Hùng bàng hoàng nhìn theo với lòng biết ơn sâu nặng và thầm hứa, nếu còn sống, sẽ tìm trả ơn ông khi cuộc chiến tàn. Những ngày sau, ông còn vài lần đến khám lại vết thương cho Hùng và điều chỉnh thuốc phù hợp. Lần nào, ông cũng thân tình chỉ bảo đồng nghiệp về diễn biến thương tích của Hùng qua những biểu hiện lâm sàng và nêu phác đồ điều trị tiếp. Ông cũng không giấu giếm niềm vui trước tiến triển rất khả quan về bệnh tình của người chiến sĩ quân giải phóng, điều đó khiến Hùng vô cùng cảm động.
Được chừng nửa tháng, thấy sức lực Hùng khá hơn, địch dùng ô tô nhà binh đưa Hùng về trụ sở chiêu hồi gần quân cảng Sài Gòn để thẩm vấn, trong sự phối hợp giám sát của an ninh quân đội. Nhưng lúc này, chiến tranh đang đi vào hồi kết, bầu không khí u ám bao trùm Sài Gòn và khắp miền Nam. Thành phố hỗn loạn, lính tráng thua trận từ khắp nơi tràn về, cảnh giết cướp xảy ra hãi hùng. Trước đòn tuyên truyền Việt cộng về sẽ trả thù đẫm máu, nhiều người, thuộc mọi thành phần xã hội, hoang mang, tìm đường di tản. Những ngày cuối tháng tư, bộ máy điều hành các cấp của Việt Nam Cộng hòa gần như tê liệt hoàn toàn, ngụy quân, ngụy quyền cuống cuồng vơ vội tài sản, trốn chạy bằng mọi cách. Nằm trong trại giam, Hùng vẫn nắm mọi diễn biến chiến cuộc, vừa cảnh giác trước âm mưu thủ tiêu tù binh của địch, vừa mong chờ được giải thoát khỏi chốn lao tù, trở về với đồng đội. Rồi ngày ấy cũng đến vào sáng 30/4, khi tiếng súng tạm lắng. Phòng giam bật mở, một tốp bộ đội, áo quần còn nồng mùi thuốc súng, ùa vào, dìu đỡ Hùng ra ngoài. Tiếng reo “Chiến thắng rồi” vang khắp mọi nơi. Hùng xúc động giữa vòng tay đồng đội. Trên cao, bầu trời chan hòa sắc nắng, mây bay bình yên như chưa hề có dữ dội, khốc liệt của chiến tranh.
Câu chuyện kể thật hấp dẫn và đầy xúc động. Tôi sốt ruột quá, cắt ngang:
– Thế còn ông Mến, sau này anh có gặp lại không?
– Chuyện còn dài, cứ bình tĩnh nghe mình kể tiếp. Ở lại Sài Gòn mấy ngày, trước tình hình thành phố mới giải phóng còn vô vàn phức tạp, mình vẫn đau đáu nghĩ và lo cho thân phận ông Mến. Mình chỉ nhớ bệnh viện ông làm việc chứ đâu biết nhà riêng và hoàn cảnh của ông. Rồi, được mấy cán bộ quân sự nguyên là cơ sở nằm vùng đi cùng, mình đến nơi đã từng được ông điều trị. Cơ sở gần như nguyên vẹn, nhưng không còn nhân viên nào, khu vực đã được quân giải phóng canh giữ nghiêm ngặt. Sau 30/4, sức khỏe tạm ổn định, mình chuyển sang quân quản, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh thành phố còn đầy rẫy hiểm nguy. Choáng ngợp bởi khí thế hồ hởi cuốn hút, tâm lí phấn chấn bao trùm sau mất mát đau thương, trong hoàn cảnh liên lạc ngày ấy khó khăn, lại nghĩ chắc chỉ ít bữa sẽ ra quân, nên mình chẳng thư từ gì cả. Vậy mà, mãi đầu năm 1976, tình hình tạm ổn định, mình mới hoàn tất các thủ tục xuất ngũ. Trên đường hồi hương, tâm trạng phấn khích của người sống sót đến ngày chiến thắng giúp mình bớt mệt nhọc và đau đớn vì vết thương. Đứng trước căn nhà ngày xưa, mình bồi hồi xúc động, kỉ niệm thời thơ ấu ùa về khiến mình rưng rưng nước mắt. Mình chậm bước qua cánh cổng mở rộng, vào sân. Mẹ mình từ trong nhà chạy ra, sau một thoáng ngỡ ngàng, bà oà khóc, rồi ôm chầm lấy mình, xoa đầu, xoa vai, giọng nghẹn ngào:
“Trời ơi! Thằng Hùng còn sống, nó về thật rồi đây này. Con ơi, cả nhà đều được báo con đã hi sinh vì dân, vì nước rồi… Vậy mà… Ôi, phúc đức quá!”
Nghe thế, bố và các anh em ùa ra, quây lấy mình. Niềm vui bất ngờ chộn rộn, từ căn nhà nhỏ lan nhanh ra họ hàng, làng xóm, rồi nhà mình thành điểm hẹn không định trước của mọi người. Sau phút hân hoan, mình lặng lẽ đến bên ban thờ, rút nén hương để thắp tưởng niệm tổ tiên và bàng hoàng nhận ra tấm ảnh mình đặt trên đó, phía dưới có mảnh giấy nhỏ ghi 27/3/1975 là ngày mình đánh trận Chơn Thành, mà ai cũng nghĩ toàn trung đội đã hi sinh. Nghe mình kể về người trung tá quân y nọ, bố mình trầm ngâm điều gì đó, rồi lẩm nhẩm “Chẳng lẽ…” Nhưng ông lại tự nhủ: “Người trăm sông nghìn bể, biết cố nhân ở đâu mà tìm…”
Sau giải phóng hơn một năm, mình đang quen dần với bao nỗi vất vả, nhọc nhằn vì mưu sinh trước muôn vàn khó khăn của dân tộc vừa qua khói lửa cuộc chiến tranh khốc liệt vào bậc nhất thế kỉ. Vào một sáng đầu thu, bầu trời cao xanh vời vợi. Gió heo may xào xạc khắp cánh đồng sắp vào vụ gặt. Tiếng chim ríu rít trên cành, tiếng gà râm ran ngõ xóm… Cảnh quê êm ả, thanh bình khiến mình nhớ da diết phần đời tuổi thơ và những buồn vui, gian nan suốt năm tháng xa nhà. Bữa ấy, bố mình sang thăm bạn gần nhà, mẹ mình được đứa cháu đón xuống Hòn Gai chơi, còn mình thì quanh quẩn với mấy việc vặt trong nhà. Mình chợt thấy người đàn ông trung tuổi, dáng nhanh nhẹn, xăm xăm vào cổng, quen quen như đã gặp ở đâu rồi. Bước nhanh ra đầu sân, mình bàng hoàng, không tin vào mắt mình nữa. Trước mặt mình, chính là người trung tá quân y hôm nào. Hầu như ông không thay đổi, chỉ khác là bây giờ ông mặc thường phục mà thôi. Nắm chặt tay ông, mắt nhòa lệ, một lúc sau mình mới nói được câu: “Trời ơi! Ngay sau giải phóng, cháu đã đi tìm bác mà bặt vô âm tín, ngờ đâu lại được gặp bác hôm nay, tại nhà cháu thế này.” Cử chỉ chân thành của mình khiến ông cũng xúc động lắm. Rồi mình niềm nở mời ông vào nhà, tiếp ông ân cần như với người ruột thịt xa cách lâu ngày, nhưng vẫn lúng túng và bàng hoàng trước sự kiện đột ngột vừa xảy ra. Vẫn phong thái, cốt cách như lần mình được ông chữa trị, ông thân mật hỏi thăm sức khỏe và vết thương của mình, rồi nhỏ nhẹ: “Tôi ít tuổi hơn bố anh nhiều, gọi bằng chú thôi nhé.”
Vừa lúc, bố mình về. Mình chỉ người khách, nghẹn ngào nói: “Bố ơi! Đây chính là người đã cứu con ở quân y viện Sài Gòn mà con đã kể với bố và cả nhà ta.” Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng, bố mình ôm người khách hồi lâu, tay vỗ nhẹ vào lưng, miệng hỏi gấp gáp: “Chú Mến phải không? Nghe cháu Hùng kể, anh cứ ngờ ngợ, may sao lại đúng là chú! Chú chính là quả phúc gieo xuống nhà anh! Hôm nay, chú phải ở chơi với anh thật lâu, bõ mấy mươi năm xa cách! Nhân thể, cho anh biết lí do nào chú nhận ra cháu Hùng và cứu sống nó?”
Rồi quay sang tôi, ông ôn tồn:
– Đây là chú Đỗ Văn Mến, cũng người làng Quỳnh Lâu của ta cả. Chú Mến ít hơn bố gần chục tuổi, nhưng từ xưa, bố luôn coi là bằng hữu tri kỉ. Hôm nay là sự kiện đặc biệt, là dịp để bố và con được thù tiếp ân nhân của cả họ nhà mình.
Hai bạn xưa ngồi bên ấm trà nóng. Bằng giọng trầm ấm, nghĩa tình, ông Mến tâm sự:
– Là người có bằng cấp chuyên môn và tận tâm, cần mẫn trước công việc, em trở thành cấp trưởng một trong các quân y viện Việt Nam Cộng hòa tại đô thành, nơi hàng ngày tiếp nhận thương binh nặng về từ các chiến trường. Dịp ấy, chiến sự ác liệt, nên thương vong lớn. Bọn chỉ huy chủ trương tập trung chữa trị cho binh lính quốc gia, còn người phía bên kia thì bỏ mặc. Em thấy những người lính đôi bên còn trẻ, tuổi xuân phơi phới mà chết thì uổng quá.
Ông ngừng lời, đưa tay mở nắp túi áo, lấy ra phong thư được gói cẩn thận trong túi giấy bóng, rồi nói tiếp:
– Điều anh vừa hỏi, em xin trả lời anh ngay đây. Khi được đưa vào quân y viện do em phụ trách, con anh bị thương rất nặng, mạng sống mong manh. Chính em mở nắp túi của cháu, xem địa chỉ ghi ngoài bì thư này, mới biết Hùng là con trai anh, nên càng quyết tâm chữa, coi là dịp trả ơn anh và quê hương. Các vết thương khác trên khắp thân mình Hùng thì không đáng ngại, duy có đôi mắt. May cho Hùng, chậm chút nữa và sai quy trình thì cháu hỏng nốt mắt còn lại, phải sống suốt đời tăm tối. Em đã cố gắng cao nhất, cùng đồng sự cảm thông, tin cậy, tập trung chữa thành công cho cháu. Thời điểm chế độ Sài Gòn sụp đổ, nhiều người khuyên rủ, nhưng em vẫn ở lại. Em nghĩ, mình chỉ là thầy thuốc, cứu người. Chiến tranh đã hao tốn bao máu xương rồi, giờ đây, đất nước thống nhất, đều là người Việt cả, ai nỡ giết nhau. Em đã bỏ quê đi một lần rồi, không thể mắc sai lầm nữa. Nghe thông báo, nhưng cũng phải đợi vài ngày nghe ngóng, em mới ra trình diện. Sau đợt học tập chính sách, thấy có thể tin về phẩm chất và khả năng chuyên môn, em được trưng dụng làm việc tại một bệnh viện thành phố, sau mấy năm thì về nghỉ tại căn nhà cũ trong nội đô. Nay, em về thăm quê, thăm nơi chôn rau, cắt rốn, nhân thể thăm anh và gặp lại Hùng xem sức khỏe cháu tiến triển thế nào. Mừng cho anh, cho cháu, mừng non sông về một mối, gia đình đoàn tụ. Mong cháu tiếp tục vững bước vào cuộc chiến mới, vượt lên đói nghèo để gặt hái thành công.
Nghe ông nói, mình hiểu thêm chất nhân hậu, tình đồng loại trong con người ông. Ở phía bên kia chiến tuyến, cũng có bao người yêu Tổ quốc, quý giống nòi, chẳng qua hoàn cảnh đẩy người ta vào tình thế đối đầu mà thôi. Hôm ấy, ông ăn cơm tại nhà mình, hai người bạn ôn lại thuở hàn vi và chia tay nhau khi đã xế chiều. Sau đấy, ông còn cùng con cháu về thăm quê vài lần, lần nào cũng tới gia đình mình, coi là điểm gặp tất yếu. Tiếc rằng, bố mẹ mình và ông đều đã qua đời hơn chục năm trước. Ngày ông đi vào cõi vĩnh hằng, mình chỉ từ quê vái vọng. Lần nào vào thành phố Hồ Chí Minh, mình cũng đến thắp hương tưởng niệm ông, người đã tái sinh cuộc đời mình. Từ ngày ra quân, là một thương binh nặng, mình vẫn quyết tâm vượt lên số mệnh, không chịu làm người tàn phế. Nhờ đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, có cách làm đúng, mình đã vượt lên hoàn cảnh và trở thành doanh nhân thành đạt tiêu biểu. Hiện tại, gia đình mình rất hạnh phúc, con cháu đều tiến bộ, luôn là tấm gương điển hình ở địa phương.
Câu chuyện trầm xuống, giọng tếu táo tạm lắng, những người lính chiến năm xưa đang ngẫm ngợi về thời binh lửa, mang phần đời thanh xuân đánh cược với sinh tử, chấp nhận hi sinh tuổi trẻ quý giá cho lí tưởng cao cả đời mình, chỉ hi vọng mỏng manh được sống sót. Vừa lúc, vợ và con dâu Hùng bê hai mâm cỗ bước vào. Hùng nhanh nhẹn đứng dậy, xếp đặt đồ cúng lên bàn thờ, thắp hương, rót rượu và kính cẩn khấn vái. Trở lại chỗ ngồi, Hùng bộc bạch:
– Gọi là giỗ mình cho vui, chứ sự thực mình muốn tổ chức buổi gặp mặt thân mật, thành tâm và nhân dịp có mâm cơm kính cáo, tạ ơn gia tiên, cũng như tưởng niệm đồng đội đã hi sinh vì Tổ quốc. Những năm gần đây, mình thỉnh cả vong linh ông Mến, ân nhân đặc biệt mà suốt đời mình mang nợ nghĩa tình, với sự hàm ơn sâu nặng từ cõi lòng thành kính. Hi vọng ở chốn bồng lai, ông sẽ vui.
Ngoài kia, nắng xuân ấm áp đang trải rộng, mảnh vườn xinh đẹp rộn rã âm thanh tươi mới. Những mâm cơm được bày ra, các món nóng hổi, thơm ngào ngạt. Vợ chồng Hùng mời mọi người dùng bữa. Không khí náo nhiệt trở lại, ai cũng hoan hỉ chúc mừng Hùng về chuyện xưa và thành tựu hôm nay. Tôi cầm li rượu ngon cụng với Hùng, thành tâm chúc mọi điều tốt lành, cuộc sống toại nguyện và mong rằng, Hùng sẽ còn tiếp tục duy trì công việc này vài chục năm nữa. Tất cả đều cười, câu chuyện lại trở về thời trai sôi động trong khói lửa đao binh, ba lô sau lưng và khẩu súng trên vai, đi tới bất cứ nơi nào đang đợi người lính, bất chấp cái chết đang bủa vây bốn phía…
Đ.V.L