Bài nổi bật

Giang hồ vặt

Cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL năm 2008 do Hội VHNT Đồng Tháp đăng cai, giải I thuộc về Lê Minh Nhựt với tác phẩm “Giang hồ vặt”. Bạn đọc biết đến Lê Minh Nhựt qua phong cách viết vừa dân dã cũng vừa rất “mạnh dạn” trong xây dựng tình huống truyện, lời thoại nhân vật để thể hiện tính cách người Nam Bộ…xuất hiện đâu đó trên nhiều tờ báo văn nghệ khu vực và cả nước. Tuy truyện có độ dài đáng kể (nếu tác giả đầu tư cho đoạn lênh đênh sông nước giang hồ của nhân vật Kiếm thêm nữa, hẳn sẽ được coi như truyện vừa), nhưng chúng ta chiêm nghiệm chỉ bằng cái cảm nhận của nét văn hóa, tạp quán vùng… thì truyện đã khái quát được để đi đến thành công.
Trên cái nền còn tươi rói màu đất mới hồi đầu mùa mưa, bây giờ đã mọc lên một căn chòi lá. Những tàu lá dừa nước phơi qua vài buổi nắng vừa kịp se mình, thơm thơm mùi diệp lục được dựng lên xếp ngay ngắn vừa khít với nhau ép mình vào khung sườn bằng gỗ tạp bởi từng nuộc lạt đều đặn chặt chẽ. Nhìn vào một ngôi nhà có thể đoán được bàn tay người thợ khéo léo đến đâu qua cách “dừng vách”. Bởi người thợ khéo tay thì nuộc lạt đều đặn xếp hàng chạy dài theo một đường thẳng như lấy thước đo kẻ từng xăng ti mét.
 
Dừng vách là một công đoạn trong khâu thi công một ngôi nhà lá, các công đoạn khác như lợp mái, thóc nóc… còn phức tạp hơn nhiều; phải bẻ lá hai đầu song ra sao cho mưa gió khỏi tạt, xếp từng tấm lá trên mái thế nào khi mưa không dột xuống nhà… đòi hỏi người thợ phải có sự kiên nhẫn cộng với sự khéo léo và phải trải qua nhiều lần đi cất nhà vần công cho láng giềng, lắng nghe sự chỉ bảo của các bậc đàn anh thì mới thuần thục ra nghề được.
Thằng Kiếm trở về nhà vào đầu mùa mưa. Bài học đầu tiên của ngày trở về sau hơn ba năm lưu lạc giang hồ là bài học về cách làm nhà mà Chín Nhạn – ông già nó bắt phải dỏng lỗ tai lên mà nghe. Hơn nửa buổi lý thuyết, tới chiều là phải xắn tay áo lên thực hành trên cái nhà thu nhỏ tức là căn chòi lá để giữ cá ngoài ruộng. Nói là căn chòi chớ thực ra Chín Nhạn đã công phu thiết kế, kỹ lưỡng chọn từng cây cột cây kèo, đòn tay rồi đắp nền nện đất cho thiệt dẻ y chang như ông già cất nhà cho con trai đầu lòng cưới vợ ra riêng. Bởi theo ông, bài học vỡ lòng luôn là bài học khó nhất, nhứt là đối với thằng Kiếm- thằng con trai của ông, nó vốn có cái máu phiêu bạt kỳ hồ từ hồi còn nhỏ, tới giờ thì giống như cây tre tầm vông muốn uốn sửa cho ngay ngắn phải đốt lửa hơ để uốn thì mới xong.

Hai cha con hì hục gần mười ngày trời, căn chòi mới được hoàn thành, đây là căn chòi bề thế nhất trên cả cánh đồng này. Hàng xóm qua lại ai cũng nói: cất có cái chòi giữ cá thì làm sơ sơ được rồi, hà cớ gì dụng công kỹ lưỡng đến vậy? Chơi nổi vừa vừa thôi cha nội! Chín Nhạn cười khà khà: mất công cất một lần thì cất cho nó đã cái tay, có ai quy định là chòi thì phải cất sơ sài đâu!
Xong cái chòi, Chín Nhạn hỏi thằng con:
– Mày có biết cất cái nhà thì cái gì là quan trọng không?
Thằng Kiếm lắc đầu “hỏng biết”. Chín Nhạn vỗ vỗ cây cột cái: Thì cây cột cái này chớ gì nữa mà hổng biết. Nhà cửa mà đầm ấm, ăn nên làm ra cũng ở cây cột cái này đây. Nó mà vững là ngôi nhà vững, còn nó cong vẹo xiêu ngã là hỏng bét cả ngôi nhà. Làm đàn ông cũng vậy, phải là trụ cột trong gia đình để vợ con nương tựa vào. Lúc trước mày đi giang hồ coi như phỉ chí rồi, còn bây giờ trở đi phải tập làm cây cột cái đi con à. Tao già rồi!
Thằng Kiếm dạ dạ làm như đã lĩnh hội được hết ý tứ trong câu nói của ông già chớ thực ra tâm trí nó vẫn còn đang trôi dạt tận đẩu đâu. Cặp giò của nó vẫn còn nhớ nhung cái khoảng thời gian cùng đại ca Long lang bạt khắp miền sông nước. Lòng dạ của nó vẫn còn vướng vất ở chợ Rạch Biển – đó mới là điều quan trọng nhứt.
Những điều này ông già nó làm gì mà biết được bởi cha mẹ sanh con trời sanh tánh, lúc thằng Kiếm ra đời Chín Nhạn cũng đâu có ngờ thằng con đầu lòng của mình sẵn mang cái máu lang bạt không bao giờ chịu ở yên một chỗ. Dưới chân nó như có cái gai, thúc giục nó phải di chuyển mà đường chân trời kia là một khối nam châm khổng lồ hút lấy hút để thằng con trai của ông, rứt nó ra khỏi vạt đất quê nhà.
Cách nay ba năm, trước khi bỏ nhà đi thằng Kiếm để lại vài dòng cho ông già đại ý rằng nó sẽ đi đó đi đây một thời gian, đi cho biết bốn phương tám hướng rồi về, đi cho mở mang đầu óc chớ nó chán ở nhà lắm rồi. Nó không muốn trở thành bản sao của ông già, mấy chục năm cứ lòng vòng ở vạt ruộng sau nhà rồi sanh con đẻ cái. Cứ cái vòng lẩn quẩn ấy, chán lắm. Lúc đó nó mười bảy tuổi.
Nó đi theo đám thợ gặt ở miệt trên trong một lần về xứ nó gặt mướn. Trong đám thợ gặt có một gã tên Long mà đám thợ gặt luôn gọi bằng đại ca. Bộ dạng gã này hiền khô, chưa từng nổi nóng hay văng tục với bất cứ ai nhưng được bọn thợ gặt trọng vọng, nể vì. Sau này thằng Kiếm mới biết, sở dĩ được gọi bằng đại ca là vì có lần gã đã đánh giải vây cho cả đám trong một lần đụng trận với bọn cướp chuyên đi cướp tiền của thợ gặt xứ khác đến. Thằng Kiếm hiểu được một điều: làm đại ca không hẳn là phải chửi thề rôm rốp, dùng vũ lực ức hiếp kẻ khác mà quan trọng là phải có nghĩa khí giang hồ. Thằng Kiếm không biết gọi bằng gì ngoài mấy từ mà nó thuộc nằm lòng khi xem mấy bộ phim kiếm hiệp nhưng thấy cũng hay hay.
Hôm thằng Kiếm ôm gói quần áo bước xuống ghe theo đám thợ gặt, đại ca Long nhìn nó chằm chặp hồi lâu như vừa trông thấy vật thể lạ từ trên trời rơi xuống, hồi lâu gã mới lên tiếng:
– Đi đâu vậy ông trời con?
– Đi giang hồ! – Thằng Kiếm đám gọn lỏn.
Vừa nghe nó đáp, cả đám thợ gặt liền ôm bụng cười sằng sặc như một lũ điên. Có một thằng đâu trạc tuổi nó nhưng đen thủi đen thui thò đầu ra khỏi mui ghe nhại giọng lồng tiếng phim kiếm hiệp giễu nó:
– Huynh đệ à! Người trong giang hồ thân bất do kỷ, bốn bể là nhà. Cho tại hạ hỏi: vậy huynh đệ có mang theo ngân lượng không hả?
– Là tiền hả? Thằng Kiếm ngớ người ra, nó thọc tay vô túi quần, làm gì có đồng nào vì khi khăn gói đồ đạc mang theo nó quên mất cái khoản này. Thì ra muốn bước chân vào chốn giang hồ điều đầu tiên là người ta phải có ngân lượng, tức là tiền.
– Sao, không có ngân lượng hả?- Vẫn thằng đen thui đó – Vậy thì mời huynh đệ đằng sau quay, bước lên bờ trở về nhà mà măn vú mẹ.
Thằng Kiếm nổi xung thiên, hai bàn tay nó nắm chặt lại thành hình quả đấm. Nếu không phải vì bây giờ nó muốn nhập băng với bọn thợ gặt thì có lẽ thằng Kiếm đã tống một quả vào giữa bộ mặt thằng lọ nghẹ kia rồi. Nuốt cục tức bự tổ bố xuống cổ họng, nó lí nhí như vừa đủ cho đại ca Long đứng kế bên nghe. Một câu chuyện nó vừa bịa ra y như thật, rằng vì bị cha dượng bạc đãi sống không nổi nên phải bỏ nhà đi bụi, giờ không biết đi đâu nhưng trở về là cầm chắc bị đánh dở sống dở chết. Không biết đại ca Long có tin lời có không nhưng gã đạp vô đít nó một cái chúi vào mui ghe lầm bầm:
– Thôi vô đi thằng ông nội! Rồi gã rùn gối xuống tấn nhổ cây sào cặm trước mũi ghe, cong người chống sào đẩy ghe lui ra khỏi đoạn kinh bịt bùng lá dừa nước.
Chẳng biết thằng lọ nghẹ bò ra sau lái từ đời nào, giờ nó hì hục quay ành ạch chiếc máy dầu cổ lỗ sĩ dám có từ thời Ngô Đình Diệm còn ở truồng. Đâu được bốn năm lần gì đó nhưng cái máy vẫn trơ trơ. Thấy vậy thằng Kiếm vọt miệng:
– Đổ dầu vô chỗ ống khói rồi đốt lên quay thử xem sao?
Thằng lọ nghẹ quặm mặt làm theo rồi đút tay quay, quay thêm một lần nữa, không ngờ cái máy mắc dịch khạc ra từng bụm khói đen kịt rồi nổ giòn tan. Thằng lọ nghẹ thở hồng hộc:
– Huynh đệ này cũng rành máy móc hả? Ngon lành rồi! Ê, tên gì vậy?
– Kiếm!
Thằng quỷ nhe hàm răng trắng nhởn cười lớn:
– Từ nay mày theo tụi này kiếm sống chớ không phải kiếm hiệp đâu nghen huynh đệ!
– Kiếm sống thì kiếm sống, tao sợ mày sao! Thằng Kiếm gào lên rồi chui tọt vào mui.
Chiếc ghe từ từ nghếch mũi rẽ sóng lướt ra ngoài con sông cái. Thằng Kiếm bần thần ngoái lại phía sau. Một cảm giác khó tả bất chợt dâng lên khi cảnh vật quen thuộc cứ dần dần trôi tuột lại phía sau. Nó còn nhìn thấy rõ ràng cây cau sau vườn nhà đang vẫy vẫy ngọn như nói: Kiếm ơi đừng đi!. Thằng Kiếm nhắm rịt mắt lại cố xua ra khỏi đầu hình ảnh ấy nhưng lại hiện lên một cảnh khác: ông già Chín Nhạn chiều nay đi ruộng về hớt hãi chạy đi tìm thằng con trai. Khi bắt gặp lá thư của nó để lại thì ông ngồi xẹp xuống đất, nước mắt chảy ròng ròng y chang như cảnh tượng hồi mười năm về trước khi bà vợ dứt áo ra đi theo tiếng sét ái tình ở cái tuổi bốn mươi.
– Không nỡ bỏ đi hả mậy? Bây giờ phóng xuống sông trở lại vẫn còn kịp đó! – Đại ca Long đặt bàn tay lên vai nó.
Thằng Kiếm lắc đầu quầy quậy.
– Vậy là nhứt quyết rồi đó nghen, sau này đừng có hối hận, đi thì dễ nhưng trở lại không có dễ đâu. Tao cũng từng giống như mày nên tao biết.
Nói xong gã nằm xuống, thằng Kiếm vẫn còn ngồi co ro trong góc ghe cố ghìm tiếng sụt sịt. Lần đầu tiên nó nếm cái cảm giác ly hương. Thì ra đi giang hồ có sung sướng gì đâu. Buồn thấy mồ tổ!
Gần chục nhân mạng chen chúc trong chiếc ghe nhỏ xíu giờ đã ngáy pho pho. Chỉ còn lại ba người: thằng Kiếm, đại ca Long và thằng lọ nghẹ là mở mắt trao tráo. Thằng lọ nghẹ thì khỏi phải nói, nhiệm vụ của nó là làm tài công nên bắt buột phải thức. Thằng Kiếm mới nhập bọn nên dễ gì ngả lưng ngủ ngay được, đó cũng là điều dễ hiểu. Còn đại ca Long, chẳng hiểu gã đang nghĩ gì cứ đốt thuốc liên tục trước mũi ghe. Thỉnh thoảng lại líu ríu trong họng mấy câu vọng cổ, khúc được khúc mất. Nhìn bộ dạng của gã, thằng Kiếm lại càng sầu thảm, hùng tâm tráng chí đã bay sạch đâu mất chẳng còn hăng hái như lúc đầu khi vừa mới bước xuống ghe. Đành liều nhắm mắt đưa chân một lần vậy…
oOo
Trên ghe lúc này chỉ còn lại ba người: đại ca Long, thằng lọ nghẹ và thằng Kiếm. Bọn còn lại đã lên bờ về quê, bây giờ đã hết mùa gặt nên họ phải về sum họp với vợ con, kiếm sở làm khác với lại cũng nhớ đất lắm rồi. Hôm cặp ghe vô bờ tiễn họ ra bến xe, thằng Kiếm khóc ngon lành. Thằng lọ nghẹ còn trề môi chọc nó: Giống đàn bà con gái quá trời! Nói vậy chớ hai con mắt của thằng lọ nghẹ cũng ngân ngấn nước. Chỉ có đại ca Long là cứng rắn hơn cả, gã vỗ vai từng người một, luôn miệng chúc sức khỏe và gởi lời hỏi thăm gia đình, hẹn gặp lại vào mùa gặt tới.
Qua bốn bữa sau, thằng lọ nghẹ cũng phóng lên bờ. Thằng Kiếm chạy theo nắm áo nó lại dộng cho mấy cái thiệt mạnh rồi chửi:
– Đồ mắc dịch, mày cũng tính bỏ tao với đại ca nữa hả?
Thằng lọ nghẹ không đánh trả mà ngồi bệt xuống khóc hu hu như con nít:
– Tao nhớ bà già tao quá Kiếm ơi! Bữa hổm ngó lên quán cà phê thấy trên ti vi đăng tin bả kiếm tao. Đừng giận tao nghen Kiếm, nhắn với đại ca là tao xin lỗi ảnh, bỏ đi mà không gặp mặt để từ biệt, tại tao sợ gặp ảnh rồi tao đi không nỡ. Cứ coi như tao là thằng bất nghĩa vậy!
Nói rồi thằng lọ nghẹ giằng tay thằng Kiếm ra cắm đầu chạy thục mạng như bị ma đuổi về phía bến xe. Thằng Kiếm biết mình vô phương năn nỉ nó trở lại được nữa bèn thất thểu trở về ghe. Vừa bước xuống, nó đụng ngay đại ca, gã đang vặn lại chân vịt máy. Không ngẩng đầu lên, gã hỏi nó:
– Thằng lọ nghẹ đâu?
Thằng Kiếm còn đang ngần ngừ vì không biết trả lời làm sao thì gã lại tiếp:
– Đi rồi à? Cũng phải thôi, sống hoài như vầy chịu làm sao thấu. Còn mày chừng nào đây?
– Không, em quyết chí theo. Chừng nào đại ca đuổi em thì thôi! – Thằng Kiếm buông giọng chắc nịch nhưng nó thấy giọng mình lạt nhách như là của ai.
Quăng cây kềm vô túi dết, gã nhìn thoáng qua nó. Gương mặt không biểu lộ gì nhưng trong ánh mắt đại ca, thằng Kiếm như nhìn thấy có ánh lửa. Không phải là lửa của cơn giận sắp bùng phát mà là thứ lửa buồn thỉu buồn thiu trong buổi chiều tà, thứ lửa của que củi cuối cùng trong lò khi xung quanh chỉ còn tro tàn than lạnh.
Đêm đó trên ghe chỉ còn chèo queo hai người đàn ông, giữa tiếng ì ọp của nước vỗ vào hông ghe, tiếng ì xèo chửi bới của bọn bạn hàng, thằng Kiếm tập uống ly rượu đầu tiên. Đối ẩm với nó là đại ca Long, gã cứ nốc tì tì hết ly này đến ly khác. Thằng Kiếm chỉ được phép uống có mỗi một ly. Cay xé cổ họng, máu chảy rần rật khắp người. Nó phải tựa lưng vào ghe để ngồi nhìn đại ca uống và nói.
– Từ rày sắp tới, mày đừng có kêu tao bằng đại ca nữa, tao chẳng phải dân giang hồ số má gì đâu mà chỉ là thằng thợ gặt lang thang kiếm sống hết mùa này sang mùa khác. Cứ gọi tao bằng anh Long là được rồi. Long là long đong lận đận đó!
– Nhưng mà đại ca..ý quên, anh Long – Thằng Kiếm lẹo lưỡi lính quýnh sửa lại- Em thấy mấy người kia lúc trước nể anh lắm mà? Cái danh đại ca đâu phải hư danh?
Gã nâng ly rượu lên trước mặt xoay xoay rồi bất thần ngửa cổ đánh ực một tiếng, cười buồn:
– Mày dẹp cái kiểu ăn nói sặc mùi kiếm hiệp đó đi. Đây là ngoài đời chớ không giống như trong phim ảnh đâu. Cái danh đại ca nó có nguồn cơn như vầy: Mấy năm trước tao mới vô nghề, dành dụm được một số tiền sắm được chiếc ghe này, rủ thêm vài người bạn đi gặt mướn ở mấy vùng lân cận, sau mê quá nên đi tứ xứ. Đi tới đâu rủ rê thêm người tới đó, toàn là dân nghèo rớt mồng tơi không một cục đất chọi chim hoặc là hoàn cảnh đưa đẩy như mầy với thằng lọ nghẹ. Mấy tỉnh ở miền Tây này, cánh đồng nào cũng có dấu chân của bọn thợ gặt tụi tao. Lần đó, ghe xuống Cà Mau vô tuốt đâu U Minh gặt mướn. Bữa cuối cùng, sau khi nhận tiền công của chủ đất đưa định quay ghe trở về nhưng kẹt thằng lọ nghẹ bị sốt rét phải đưa vô trạm y tế nên phải neo ghe lại. Tới khuya, cả ghe đang ngon giấc thì bọn cướp mò vô ghe. Chắc tụi nó biết tụi tao mới nhận tiền công nên mò vô định hốt sạch. Lúc đó, thằng nào thằng nấy mặt xanh như đít nhái ngồi rúm ró trong góc mặc cho tụi cướp lục lọi khắp. Tao thì đưa thằng lọ nghẹ vô trạm y tế quày trở về tính lấy mấy bộ quần áo cho nó, sẵn cây sào cặm trước mũi ghe tao nhổ lên quất túi bụi từ sau lưng tụi nó. Bị bất ngờ, tụi nó hoảng hồn phóng đại xuống sông không kịp lấy đồng nào. Vì sợ tụi nó quay lại trả thù nên tụi tao quay máy dông liền, ngang trạm y tế hốt luôn thằng lọ nghẹ xuống ghe. Sau này nghe người ta kể lại, có một thằng bị tao đánh trúng ót té xỉu rớt xuống sông nên chết ngắc. Tao sợ quá không dám trở lại vùng đó lần nào cũng không dám trở về quê vì sợ công an tìm bắt. Vậy là sống luôn trên ghe tới giờ. Chuyện tao được gọi bằng đại ca cũng chỉ có vậy, mày tin hay không thì tùy!
Thằng Kiếm gật gù nuốt từng lời của anh Long, thì ra gã có một quãng đời cũng không kém phần oanh liệt như các nhân vật đại hiệp là mấy: cũng tính cách trượng nghĩa giúp người trong cơn nguy khốn rồi nhận lấy phần thua thiệt về mình, rồi lang thang phiêu bạt giang hồ. Điểm khác là trong phim các nhân vật đại hiệp hoặc cưỡi tuấn mã vun vút hoặc dùng khinh công tuyệt đỉnh bay trên các ngọn cây còn đại ca của nó ngự trên chiếc ghe cũ mèm này để mà dấn thân vào chốn giang hồ, làm hộc máu mới có cái ăn. Chẳng giống nhân vật trong phim thoải mái vào thanh lâu tửu quán, xài ngân lượng cứ như ném sỏi mà chẳng cần làm lụng gì hết.
– Thôi ngủ đi, bữa nay uống bao nhiêu đó được rồi, mai phải thức sớm vô vườn mua dừa đem bán. Hết mùa gặt mà nằm không như vầy thì có nước cạp ván ghe ra mà ăn!
Gã đột ngột ngắt ngang câu chuyện rồi thảy cái chai ra sau lái. Thằng Kiếm dọn dẹp lau rửa qua quýt sàn ghe rồi giăng mùng chui vô. Phía sau lái đại ca nó khua dây lòi tói rổn rảng choàng mấy vòng qua cái máy dầu rồi khóa chặt vô ghe. Miệng cứ đọc ư ử mấy câu: Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.
Thằng Kiếm lăn qua lộn lại hồi lâu mới trôi dần vào giấc ngủ chòng chành trên sông.
oOo
Chất đầy một ghe dừa tươi, gã kêu thằng Kiếm ở lại giữ ghe còn gã lội bộ vô trong xóm bảo là có công chuyện, một lát trở lại. Thằng Kiếm ngồi trên đống dừa tươi đưa mắt dõi theo những liếp dừa xanh mướt chạy ngút ngàn. Nó thấy nhớ mấy cây dừa lão trong vườn nhà mình. Mười lăm tuổi nó đã leo thoăn thoắt từ gốc lên ngọn, lưng giắt theo cây dao yếm rồi ngồi ngất ngưỡng trên đó mà thưởng thức từng ngụm nước ngọt lịm của trái dừa tươi vừa rời ra khỏi cuống.
Không biết giờ này ổng đang làm gì vậy ta? Bất giác thằng Kiếm buột miệng nói khơi khơi một mình- Chắc ổng đang thèm dừa tươi lắm, dừa nhà mình là ngon nhứt phải hôn tía?
Ý thằng Kiếm đang nói về ông già Chín Nhạn. Mà dừa tươi chỉ là cái cớ để nó nhớ ổng chớ mấy cây dừa lão của nó bây giờ có trái trăng gì bao nhiêu, toàn là mấy trái lẹt đẹt chặt ra nhiều lắm chỉ chừng đầy một chén ăn cơm không đủ thấm họng buổi trưa.
Rồi nó tưởng tượng ra cái cảnh ông già Chín Nhạn chắp tay sau đít đi đi lại lại dưới gốc cây dừa lão mà lẩm bẩm: Phải chi thằng Kiếm ở nhà biểu nó leo lên bẻ mấy trái chiều nay ăn cơm với khô sặc.
Nghĩ tới đó, nước mắt thằng Kiếm rớt cái bộp xuống đống dừa trên ghe, nó thầm rủa mình: Đồ mắc dịch, dân giang hồ gì mà mít ướt thấy sợ. Đã vậy thì đừng có đi làm chi, ở nhà măn vú mẹ cho rồi!
Mà quên, làm gì có mẹ nào ở nhà để mà măn vú. Bả đi hơn mười năm có thấy tăm hơi gì về đâu. Gần cả năm nay thằng Kiếm theo đại ca Long đi nát nước, nó cũng có để ý tìm bả nhưng vẫn biệt tăm biệt dạng. Mà tới chừng gặp thì nói làm sao hở trời? Chẳng lẽ nhìn mặt một cái rồi đi liền? Chắc là chỉ nói một câu thôi, là: Ông già tui với tui hết nhớ bà rồi! Hơi kỳ cục nhưng chỉ vậy thôi.
Nói chỉ đi một lát nhưng tới chừng tối mịt đại ca Long mới quay lại ghe. Gã còn dắt theo một người nữa. Là một đứa con gái. Tối quá nên thằng Kiếm không rõ mặt mũi con nhỏ ra làm sao chỉ lờ mờ thấy nó ôm theo bọc đồ trước ngực bước xuống ghe, bò qua đống dừa rồi chui vô mui.
– Nấu cơm chưa mà ngồi đây vậy mậy?
Nghe gã hỏi thằng Kiếm mới giật mình. Chết mẹ, nãy giờ ngồi nghĩ tào lao nên quên mất chuyện cơm nước. Nhìn bộ dạng lóng ngóng của nó, gã phì cười:
– Thôi, để tao kêu con Thu Hồng vo gạo bắc nồi cơm lên rồi luộc mấy cái hột vịt ăn cho rồi bữa. Từ nay chuyện cơm nước đã có nó lo, giải phóng mày ra khỏi chuyên bếp núc đó.
Ba người ngồi quây quanh cái mâm cơm chỉ có mấy cái trứng vịt giầm nước mắm với một ca nước dừa. Nhờ bóng đèn điện sáu tấc mà thằng Kiếm mới nhìn rõ mặt con Thu Hồng. Con nhỏ không có gì đặc biệt ngoại trừ đôi mắt, phải nói là nó sáng hơn cái bóng đèn. Kinh nghiệm giang hồ nói cho thằng Kiếm biết: đứa con gái mà có cặp mắt sắc lẻm như vậy cầm chắc thằng con trai dính vô nó thì không chết cũng bị thương.
Thằng Kiếm còn yêu đời lắm, vả lại suốt bữa cơm không nghe đại ca nói gì về gốc gác của con nhỏ này nên nó cũng hơi dội đạn. Lùa mẹ lùa cha cho hết chén cơm rồi dông tuốt lên mui ngồi ngắm đám đom đóm lập lòa như ma trơi ở lùm bần sát mé sông.
Một lát đại ca nó cũng leo lên. Gã bảo:
– Thu Hồng là em gái của tao, từ nay nó sẽ đi theo tụi mình. Cũng từ đây sắp tới tao với mày ngủ ở trên này, còn nó ngủ trong mui. Ban đêm mắc đái thì đứng ở đây xả thẳng xuống sông. Đừng có đi xuống dưới mà chui lộn mùng đó!
Kính thưa đại ca! đại ca coi thường thằng em này quá. Đừng nói một con Thu Hồng, có mười con Thu Hồng giăng mùng để sẵn thì em cũng chẳng thèm để ý. Ít ra dân đi giang hồ như em thì cái chí phải lớn hơn cái mùng có đứa con gái ở trỏng chớ. Thằng Kiếm lầm bầm trong miệng, con mắt của nó thì liếc xuống phía dưới ghe. Con Thu Hồng đang rửa chén ở dưới, không biết nó có con mắt thứ ba mọc đằng sau ót hay không mà khi thằng Kiếm dừng lại hơi lâu một chút là nó ngoái lại, phóng “hai cặp đèn pha” sáng lóa khiến thằng Kiếm thiếu điều chúi nhủi xuống sông.
Đêm đó thằng Kiếm lại mất ngủ nữa.
oOo
Hơn bảy giờ sáng, thằng Kiếm còn đang quấn kít mít trong cái mền ráng nướng thêm chút nữa thì chân nó bị kéo một cái thiệt mạnh, kèm theo đó là một giọng con gái lanh lảnh:
– Dậy đi sư huynh, ngủ gì mà thấy sợ. Bộ muốn đãi anh em tụi tui món thịt nướng hả?
Thằng Kiếm hoảng vía tốc mền ngồi dậy, vừa chui ra khỏi mùng định bước xuống ghe rửa mặt thì đụng phải một cái đầu: Con Thu Hồng! Nó đứng nhón lên cười toe toét:
– Tui tính múc nước đổ lên mình ông rồi đó, hên là thức kịp!
Thằng Kiếm không thèm trả lời vì nó là nam nhi đại trượng phu, chẳng hơi sức đâu đi đôi co với bọn con gái, vả lại nó cũng đang ngậm đầy nhóc nước miếng trong họng. Mặc cho con Thu Hồng lo cuốn mùng xếp mền, thằng Kiếm rửa mặt đánh răng xong xuôi mới nhận ra: chiếc ghe đã rời bến từ đời nào, bây giờ đang tiếp tục cuộc hành trình về một vùng lạ hoắc chỉ thấy toàn cây đước bao vây tứ phía.
– Mình đi đâu vậy anh Long? Nó hét vào tai đại ca trong khi gã đang gồng mình bẻ lái, hướng chiếc ghe tránh khỏi những đám rễ đước chằng chịt mọc lấn ra con kênh nhỏ xíu nhưng coi bộ sâu hoắm.
– Thì đi bán dừa chớ đi đâu, bộ mày tính tao mua dừa để dành ăn trừ cơm à?
Cụt hứng, thằng Kiếm chui tọt vô mui. Con Thu Hồng đang lúi húi nấu nướng món gì đó, nó đập mấy tép tỏi thảy vô chảo mỡ đang sôi trên lò. Mùi thơm bốc lên làm cái bụng thằng Kiếm réo ùng ục nhưng nó giả lảng làm như không thèm quan tâm đến, chỉ hỏi trỏng một tiếng:
– Nấu gì vậy?
– Chiên cơm!- Con Thu Hồng vừa trả lời vừa đập cái hột vịt vô chảo rồi đổ tô cơm nguội vào xào qua xào lại, nêm nếm nước mắm bột ngọt, rắc thêm mấy cọng hành xắt nhỏ vào. Đến nước này thì thằng Kiếm không còn nhịn được nữa, nó lấy cái tô chìa ra cho con Thu Hồng mà chẳng thèm nói lời nào. Con Thu Hồng cũng chẳng thèm để ý, nó lật úp cái tô lại xúc cơm đổ lên đít tô đưa cho thằng Kiếm. Thằng Kiếm trợn mắt:
– Làm gì vậy?
– Thì tô không có miệng nên tui bới vậy chớ sao. Con Thu Hồng trả lời tỉnh khô.
Thằng Kiếm biết nó chửi khéo mình nhưng đói quá nên nó dằn cái sĩ diện giang hồ của mình xuống, cười giả lả:
– Thì bới cho một tô ăn thử coi, làm gì mà khó tánh dữ vậy?
Cầm cái tô cơm chiên của con Thu Hồng vừa bới, thằng Kiếm hí hửng định phóng lên mui ghe ăn thì bị con Thu Hồng gọi giật ngược trở lại:
– Khoan, tô đó của anh Long, còn phần ông thì lấy cái tô khác tui bới cho.
Thằng Kiếm quê một cục, đành đưa tô cơm cho đại ca, còn nó tự bới một tô khác trèo lên mui ghe vừa ăn vừa ngắm cảnh rừng.
Được một lát con Thu Hồng lại réo lên:
– Ông Kiếm ơi! Ngồi ở trển coi chừng nhánh đước quẹt văng mất tiêu cái đầu luôn đó. Xuống dưới này lặt rau tiếp tui coi!
Như thế này thì đúng là ức hiếp người quá đáng, thằng Kiếm thầm oán ông trời đã sinh ra mình sao còn đẻ ra chi thêm một con Thu Hồng nữa. Được cái tiếng là giải phóng ra khỏi chuyện bếp núc tưởng đâu ngon lành, từ nay tha hồ vẫy vùng trên mui ghe, ai ngờ lại bị con nhỏ này đì sát ván.
Đâu chừng hơn mười hai giờ trưa, ghe mới chui ra khỏi lòng rừng. Trước mặt thằng Kiếm hiện ra một khoảng mênh mông là sóng nước. Chiếc ghe của nó giống như một con kiến bò dưới đáy chảo nhỏ xíu xiu. Thằng Kiếm cũng là dân lội lặn nhưng mà giữa con sông này, nói xui lỡ chìm ghe thì có biết lội cũng như không, sức lực nào bơi vào bờ cho nổi. Không chừng vừa mới chìm xuống chưa kịp bơi đã bị cá mập hay ma da nuốt trọng vào bụng. Nghĩ đến đó, thằng Kiếm đã rùng mình ớn lạnh.
Chẳng biết con Thu Hồng leo lên mui ghe ngồi bên thằng Kiếm từ đời nào, bỗng nhiên giọng nó háo hức:
– Sắp tới chợ Rạch Biển rồi!
Thằng Kiếm nhướn mắt nhìn ra phía trước, nó thấy thấp thoáng phía sau đầu doi con sông lô xô những chiếc tàu đánh cá và những dãy nhà sàn chồm ra ngoài sông. Con Thu Hồng làm như không đợi được nữa, nó phóng xuống mũi ghe rút cây sào hườm sẵn trên tay. Còn thằng Kiếm thì ngồi im re trên mui, hai tay vịn siết vào thành ghe con mắt thì ngó dớn dác xuống sông. Nước đang ròng, gần biển nên chảy cuồn cuộn thấy phát sợ. Đại ca Long mặt vẫn điềm nhiên bẻ lái cho chiếc ghe chồm lên trên vô vàn con sóng đang bổ đến như sắp sửa nuốt chửng chiếc ghe với mấy con người nhỏ xíu. Thằng Kiếm lẩm bẩm: Phen này chết chắc!
Nhưng cuối cùng thì chẳng có ai chết chóc gì cả vì ghe đã cặp vào bến, cái chợ có tên là Rạch Biển đã lù lù trước mũi ghe. Con Thu Hồng quát lớn:
– Còn dòm ngó gì nữa hả trời, nhảy xuống cột dây mũi giùm cái coi!
Thằng Kiếm răm rắp làm theo lệnh của con Thu Hồng. Có vẻ con nhỏ quen thuộc với nơi này lắm. Vừa buộc ghe xong là nó nhảy phóc lên bờ, gặp ai cũng chào hỏi, cười nói. Chẳng biết nó nói gì mà mấy bà bạn hàng dòm thằng Kiếm cười tủm tỉm, thằng Kiếm còn nghe loáng thoáng tiếng của một bà nào đó rằng, Nhìn mặt thằng đó ngáo dễ sợ!
Ghe dừa tươi của đại ca Long bán chỉ hơn hai ngày là sạch bách, thứ gì chớ dừa tươi là ngay chóc gu của dân miền biển. Họ khát dừa, khát nước của thứ trái cây vùng nước ngọt mà nơi đây không tài nào trồng cho có trái nổi vì quanh năm bốn bề đều là nước biển mặn chát. Đừng nói một ghe dừa tươi, đến một chục ghe cũng hết như chơi – đại ca Long bảo vậy.
Bán hết ghe dừa, mua lại vài món lặt vặt của miệt biển thì đại ca Long quay ghe. Lúc thằng Kiếm nhổ sào chống ra sông thì nó nghe ai đó trên bờ hớt hơ hớt hãi kêu vói theo:
– Kiếm, phải thằng Kiếm đó hôn?
Thằng Kiếm giật bắn người. Nó nổi gai ốc đầy mình vì cái giọng này nghe quen thuộc quá chừng. Y chang như hồi đó mỗi lần mê chơi bỏ cơm là “cái giọng” lại len lỏi dài dài trong xóm réo nó: Kiếm ơi, Kiếm à! Về ăn cơm nè con!
Thằng Kiếm ngẩng đầu dậy. Trên bờ một người đàn bà tất tả lội xuống bến ngoắc nó rối rít. Thằng Kiếm cố lấy giọng tỉnh bơ: Hết dừa rồi, có gì không?
– Kiếm ơi Kiếm, má nè con!
Vừa nghe tiếng “má”, thằng Kiếm cơ hồ như muốn té xỉu, hai tay nó siết chặt cây sào như muốn bóp vụn ra. Hai hàm răng thì cắn chặt vào môi đến bật máu như ngăn không cho cổ họng bật ra tiếng “má” tức tưởi, oán hờn.
Vẫn cái giọng đó, thảm thiết:
– Má biết con giận má lắm Kiếm ơi! Hơn mười năm nay đêm nào má cũng nhớ tới con. Sao con không cho má nói một lời?
Thằng Kiếm không nhịn được nữa, nó đập mạnh cây sào xuống nước. Lạnh lùng:
– Bà làm giống trong cải lương quá, về hỏi ông già tui coi ổng có chịu nghe bà nói không!
Nói rồi thằng Kiếm cắm phập cây sào xuống sình bật mạnh mũi ghe ra sông, bỏ mặc người đàn bà ấy với đôi chân còn lún sâu dưới bãi sình. Chiếc nón lá trên tay vẫy theo như cố níu kéo và mấy tiếng kêu: “Kiếm ơi, Kiếm. Má nè con!” lạc khản đi trong hù hụ gió chướng từ ngoài biển thổi về.
Suốt cả buổi trên ghe, thằng Kiếm chẳng hé miệng nói một lời nào. Nó ngồi co ro ngoài mui mặc cái nắng như đổ lửa lên đầu mà mắt thì cứ hướng về phía chợ Rạch Biển giờ đã khuất ngút ngàn sau đám rừng đước. Tuyệt không còn dấu tích.
Từ đó về sau, qua mấy mùa gặt nữa, những năm tháng giang hồ của thằng Kiếm luôn trĩu nặng bởi cái tên chợ Rạch Biển. Có việc cho nó làm thì thôi, còn ở không là nó hết thở vắn thở dài lại cau mày nhăn mặt như khỉ ăn ớt. Đại ca Long nhìn nó lắc đầu ngán ngẩm, có lần gã bảo:
– Hay là tao cho mày ít tiền rồi quay trở lại chợ Rạch Biển tìm bả, chớ thấy mầy như vầy hoài tao oải chè đậu quá!
Con Thu Hồng cũng chen vô:
– Phải đó ông Kiếm! Cứ quay trở lại chợ Rạch Biển, biết đâu bả có uẩn khúc gì thì sao? Dầu gì cũng là má con mà, anh em tụi tui giờ muốn có má để kêu cũng không được, còn ông thì bà già sống sờ sờ ra đó mà không chịu nhận. Thiệt là…
Đại ca Long cú đầu con Thu Hồng một cái, trợn mắt:
– Mày đừng có ở đó mà tài khôn dạy đời thằng Kiếm, vậy chớ hồi đó đứa nào đòi bỏ nhà đi khi ông già bước thêm bước nữa?
Con Thu Hồng ỉu xìu:
– Tại hồi đó người ta còn nhỏ nên chưa hiểu đời chớ bộ!
Thằng Kiếm lại thở dài:
– Em cũng không biết tính làm sao nữa anh Long ơi! Chắc là phải về nhà một chuyến dọ ý tứ ông già ra sao rồi mới tính tiếp được.
– Ý mày vậy cũng được, về thì về. Tao biết mày cũng nhớ nhà lắm rồi, từ lâu tao cũng biết mày đi giang hồ vì cái vụ cha dượng gì đó là lý do xạo. Còn có nơi để mà nhớ nhung thì nên quay về đi. Anh em tao cũng đang tính ngày trở về xứ, chớ sống lênh đênh trên ghe hoài cũng không đi tới đâu. Giang hồ cái con khỉ mốc!
oOo
– Tía à, năm ngoái con gặp má ở chợ Rạch Biển!
– Hả? Cái gì? Ở đâu? – Giọng ông già Chín Nhạn thảng thốt, ly trà đã đầy tràn nhưng bình trà trên tay ổng vẫn rót nước xuống liên tục, nhễu tong tong xuống nền nhà.
– Tràn rồi kìa tía! Ở chợ Rạch Biển, bả kêu con nhưng con không thèm nhận bả!
Thằng Kiếm nằm lúc lắc trên võng, tay gác lên trán còn mắt thì ngó lom lom già Chín Nhạn. Không thấy ông già tía phản ứng thêm gì nữa, chỉ thấy ổng cứ ngồi thừ trên ghế châm trà uống liên tục. Tới chừng sụp tối, già Chín Nhạn mới nói với thằng Kiếm, chỉ một câu:
– Ngày mai mày trở lại chợ Rạch Biển, nhắn với bả…
Sáng hôm sau thằng Kiếm lại khăn gói ra đi cầm theo lá thư của ông già Chín Nhạn gởi cho má nó. Thằng Kiếm không biết nội dung thư nói những gì nhưng suốt đêm qua tía nó hầu như không ngủ mà ngồi cặm cụi nắn nót từng chữ một. Đến chừng bốn năm giờ sáng, khi viết xong lá thư đầy kín hai trang giấy học sinh thì ổng lấy cây đờn cổ treo trên vách xuống lau bụi bặm rồi tẩn mẩn so dây nắn phím. Bản Dạ Cổ Hoài Lang lâu lắm rồi nó mới nghe tía dạo lại, vẫn cái bản buồn thúi ruột thúi gan đó nhưng đêm qua thằng Kiếm lại nghe như có chen lẫn những âm thanh tha thiết lạ thường mà lại nhẹ nhõm như gió, như mây.
“Từ là từ phu tướng…”.
Thằng Kiếm bước xuống đò. Chợ Rạch Biển không còn xa lắm.
Tác giả: Lê Minh Nhật – Người thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *