Bài nổi bật

Giấc mơ hồng mai – Bảo Thương

Ngôn ngữ truyện ngắn “Giấc mơ hồng mai” của tác giả Bảo Thương đẹp, giàu chất thơ, giàu chất liên tưởng so sánh, chuyển tải được vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của con người. Nghe xong truyện, thính giả nhắm mắt lại và mường tượng ra bức tranh đẹp, nhưng buồn phác họa nỗi niềm của con người tự nhiên, khi họ ý thức được tiếng gọi của bản ngã, sống hết mình với bản ngã…

Bố tôi ngồi, nơi cái cửa, có ba chiếc lông chim lủng lẳng bay trong gió, cạnh tờ giấy bản dán lên tường, trên có vài hình vuông đỏ lẫn vàng, để liền chiếc bát, cắm vài que hương. Một bức tranh lập thể buồn của những chiều mùa đông mưa giăng kín ngoài ngõ. Màu trắng của mây không che nổi màu đá xám, chạy từ chân tường vượt thung xa đến dãy núi sừng sững kia. Mẹ bảo: “Mày rướn mắt lên con, xa nữa đi, cả cuộc đời chỉ dành cho việc mở mắt mà không được sao”. Rồi bà ngồi ôm đàn chó con vuốt ve. Con mẹ gừ gừ nhìn vào tay bà như muốn đòi lại những con con bé bỏng. “Có mỗi việc mở mắt mà cũng không nổi sao”. Tay bà vuốt nhẹ lên lưng những con chó con lông màu vàng rạ, mượt mà, êm ả, vuốt lên rồi xuống.
Nó chưa mở được mắt. Nó còn đang bú mẹ. Nó mới ra ngoài đời hai hôm nay. Dù có mặt trời rồi, có tiếng sáo, có thung sâu, có cả núi đá, những vồng cải vàng rực, và rừng hoa tú ngà nở rợp cả khoảng xa phía ấy, nơi có hai ngôi mộ của ông bà tôi, được đắp bởi đá, được bồi bởi cây, được vun vào bởi những bó thân ngô sau mùa thu hoạch. Hai ngôi mộ nằm giữa rừng hoa tú ngà chói lọi. Màu đỏ của những bông hoa đến độ chín nhất, xen lẫn màu vàng của những chiếc nụ chúm chím, đối lập cùng màu đá xám, tạo nên bức tranh màu nước rực rỡ, khác hẳn bức tranh lập thể, bên cạnh chiếc cối đá đã vỡ làm hai, một thanh trục ngang của chiếc cối giã ngô, bố tôi ngồi bên khung vuông của chiếc cửa, chiếc lông chim bay phần phật trên đầu, hình chữ nhật của tờ giấy bản, và khối dài giấy đỏ dán trên. “Để nhốt ma vào. Người ở cùng ma cho yên lòng con ạ. Mẹ mày về đây ma cũng dẫn, mày ra đời ma cũng trông. Tao cũng thế, bao năm rồi vẫn sống cùng ma. Yên cả cái dạ”. Rồi ông lặng yên để cho tiếng kêu từ chiếc bàn đèn vụt tắt, duỗi dài đôi chân, ông thở hắt ra. Không gì làm ông vui được nữa. Tôi biết. Kể cả mẹ. Người đàn bà môi thắm, mắt xanh, da đỏ au màu của tam giác mạch, cũng không làm ông vui, khi bà hay đưa ánh mắt xa về phía núi. “Con ma ở đó mới nhiều, chắc níu lòng mẹ mày rồi”. Ông uể oải bước dậy, đi ra vườn cải, khi qua chiếc máng lợn, ông lấy chân hất cho nó đổ chổng khoèo. Con dê ngóc cổ đòi ăn, ông bảo: “Mày nhìn lũ lợn đi, chẳng còn gì, nên đã bị thịt ráo, giỏi thì chạy về phía kia”. Ông hất đầu về phía núi. Nơi màu hoa tú ngà đối lập màu xám đá, làm ngời lên vẻ rực rỡ. Tôi đã vẽ trên đá, trên bờ rào, trên lá cây, trên mái nhà, ở máng bò, máng lợn, máng dê, hết tháng ngày tuổi thơ, rồi tháng ngày con gái. “Lớn lên về bản xa mà lấy chồng. Khi đi nhớ để lại khăn trao, gối tặng, nếu có lỡ nhận của đứa nào rồi. Tốt nhất, đừng nhận của ai, kẻo về nhà người ta, con ma nó thù con ạ”. Bố dặn dò.
Mẹ tôi cũng nhận của một người trên núi xa xa kia, dạo ngày còn chưa biết mặt bố: một đôi giày thổ cẩm, một chiếc túi thêu cánh bướm, và chiếc váy có hình bông hoa. Thứ này mẹ anh để lại, trước khi chết, để anh trao cho người con gái anh thương. Nhưng rồi mẹ về bản lạ, trả lại người con trai ở núi xa kia, nhờ bà ngoại cất hộ. Bà ngoại giữ mãi, không thấy người con trai kia trở về, trong một lần lên núi cao tìm vùng đất tốt để gieo giống cây hồng mai. “Loài cây này cho ta không đói, loài cây này cho ta những đứa con khỏe mạnh. Khi cái bụng đã ấm, cái thân mới mềm, và tim mới đủ yêu thương. Anh không ăn tam giác mạnh nữa, chua lắm, bã lắm và buồn lắm. Đời nao gieo hoa, đời nay vẫn phải gặt quả. Đừng gieo hoa nữa em ạ. Anh lên núi cao để gieo hồng mai cho em thu hái, để đẻ những đứa con khỏe mạnh, để nối đời, nối kiếp, không chết vì đói, vì nghèo, như bố anh. Anh sẽ đi”.
Loài cây huyết tùng trên đó đã thu mất hồn anh, hay loài hồng mai đã biến thành thiếu nữ hút lấy máu anh, hoặc con khỉ cái thành tinh vốn từ người đói của bản làng xưa chạy giặc giã, thổ phỉ, mà vào hang sâu rồi thành tinh, quyến rũ anh. Anh đã không về nữa, với một nắm hồng mai, cùng ước mơ đổi đời và có thêm nhiều đứa trẻ. Chiếc khăn thêu mẹ gửi bà ngoại mang về, đợi người từ núi cao trở về lấy đi, nhưng bao năm không bóng người về.
Giờ mẹ đợi ai? Đợi bố ra ruộng cải mang về mấy chiếc ngồng đã quá lứa, thấy được cả độ xơ của nó khi nhìn từ xa. “Loài cây này đẹp, nhưng đã thành hoa rồi thì coi như cũng vứt”. Bà nói, rồi ôm con chó vuốt mắt nó bảo: “Mở ra đi mày, trời có rồi, núi có, mây có, hoa tú ngà cũng nở, sẵn sàng đón mày, sao không mở mắt. Có những thứ mắt, mở mãi có được đâu, phải không con?” Bà liếc nhìn tôi, khi ấy, ngồi trong một hốc tường trình dày, trông ra một khoảng trời bằng hai bàn tay. Ngoài đó, mưa quá, trắng xóa mà chẳng che đi được màu đá xám. Một quả bí ngô chín lựng vàng ửng, lủng lẳng treo trên dây sào phơi, đưa chiếc lá héo về phía cửa. Rừng hoa tú ngà đỏ rực chạy dài tít tắp. Một bức tranh sơn mài rực rỡ nhất. Tôi đã vẽ lên trời bằng trí tưởng tượng, bằng cây bút mắt, bằng màu tự nhiên, và bằng tấm lụa mây. Tôi đang vẽ. Mẹ biết và chỉ thở dài và buồn bởi ước mơ của tôi cũng làm bà đau đáu. “Mày đã ra đi còn trở về. Ở đây không có giấy con ơi, chẳng có khung, không có màu, càng không có cọ. Ở đây chỉ có núi và mộ. Mộ xây bằng đá, mộ nằm lẫn mây, mộ cùng tam giác mạch. Mày về đây để vẽ lên trời đấy à? Nhưng mày ở đấy tao cũng chẳng có gì để cho. Thôi về đây, ngắm cây, nhìn vó ngựa, ngắm núi và trồng ngô cùng tao, gặt tam giác mạch. Còn giấc mơ hồng mai, con ma bắt mất rồi con ạ. Hồng mai, hồng mai…”. Nói đến đây, từ hai hốc mắt bà chảy ra hai dòng nước, lẫn cùng với nước mưa nhỏ xuống từ những ống ngói âm dương xám xịt, rêu đã lên xanh rì, lỗ chỗ những chỗ thâm nâu, từ bao đời rồi chẳng biết.
Tiếng bố gọi từ xa: “Tam giác mạch chín rồi, cầm liềm cắt thôi, mùa bánh lại đến, thơm ngát cả bản”. Mẹ tôi bảo, không thích mùi tam giác mạch nữa. Tôi ngửi thấy trong gió mùi chua chua của thứ bánh mịn, mềm, nóng, khi cho tan vào lưỡi, một chút bã đọng lại, chan chát, bưa bứa, ăn một chiếc thì ngon, ăn nhiều, có lúc tôi muốn ói. “Bố ạ, mùa sau mình trồng cây tần bôi đi. Giống đó cho thu hoạch cao, được nhà nước mua, có tiền sắm cái tivi xem thời sự. Từ ngày bỏ trường về đây, con chẳng biết gì cả”. “Nhà nào mua? Tam giác mạch. Tao bảo rồi. Chỉ nó. Bền vững. Và không lo đói”. “Không lo đói, nhưng còn cần đến ngon”. “Ngon là thứ gì hả con? Đời tao sáu mươi năm đã bao giờ biết ngon, ngoài con chuột chạy ngoài nương bắt mang về nướng, ngoài con cá bơi ở suối bắt mang về mổ, thì có gì ngon nữa”. “Hôm nào ta lên núi cao săn khỉ đi bố”. “Con ma rừng bắt đó con ơi, như bắt người tình xưa của mẹ mày, cũng giấc mơ đổi đời và hạnh phúc, giấc mơ ăn ngon và sung túc. Ở đồng đất này, tao biết, sống không như đá thì bị đá vùi, sống không như nước thì bị nước trôi, phải cằn khô và chảy xiết con ạ, còn chẳng gì khác mà thành đâu con”. “Con vẫn muốn khác. Người xuôi bảo”. “Chẳng bảo gì cả. Mày vào kia lấy cho tao chiếc gùi, rồi ra vơ nắm lá ngô về mà nấu bữa chiều con ạ, khói thuốc làm kiệt tao rồi”.
Mẹ tôi buông tay khỏi đàn chó con, nhìn xa xăm ra hướng núi. Nơi rừng tú ngà đang lên rực rỡ nhất. Màu đỏ của hoa, màu vàng của nụ, màu hồng của thân lá rợp cả một vùng rộng lớn, chạy thẳng về hướng núi, quanh năm mây mờ bao phủ, con mắt tôi dù có ngước lên cao nhất đến mỏi cổ, cũng không thể nào trông đến đỉnh, núi vùng này cao nhất, nên mây mờ quanh năm. Ma nhiều. Cây huyết tùng cũng lắm. “Đứa nào ngước cao đều có kết cục buồn. Về thôi con ạ. Bên nương tam giác mạch, cối xay ngô, cối giã lúa, về để mà theo lưng con ngựa, theo đuôi con bò lên đỉnh dốc, nhìn gì cao cho mây quẩn mắt người”. Bố trầm ngâm.  Mẹ nhìn bố, mắt hướng ra xa, nơi đó, trùng trùng những núi đá hùng vĩ, chưa khi nào tan lớp sương dày trên đó. Mẹ trông gì? Mẹ đang cùng tôi vẽ tranh vào mây thay cho lụa giấy; cùng tôi lấy màu từ hoa tam giác mạch hay tú ngà, mà không cần đến thứ màu công nghiệp; hay mẹ kể chuyện tình vào ký ức xưa với người đàn ông cùng nắm hồng mai trên đỉnh núi, đi mãi không về. “Hay mình trồng cây mộc lương đi bố, con không ăn nổi tam giác mạch”. “Không được!”. Ông cầm con dao chém phăm vào khúc gỗ, chuôi dao bắn ra, thân nó cắm ngập sâu vào đó, nút nửa phần lưỡi. “Cây từ thời xa xưa để chống đói, không được thay thế!”.
Tiếng sáo đã vang ở ngoài thềm vách. Tiếng sáo vi vu chui qua làn mây mờ vào tận chiếc cối xay. Mẹ ngừng sờ lông chó, quay sang nhìn tôi, rồi nhìn ra khoảng trời bằng hai bàn tay, từ gác hai căn nhà tường đất trình, thở dài. Ánh lửa từ lò hắt vào làm làn da bà thêm đỏ au như bông đỗ ngà độ chín nhất. Bà lơ đãng cầm chiếc túi đựng vải cùng những sợi lanh lên hỏi: “Có đứa nào thổi sáo gọi con”. Tôi không nói, mà vào vách nằm. Từ đây nhìn ra, tôi đã thấy mờ mờ trong làn hơi nước, bờm con ngựa màu vàng, nó đang giơ cổ cao liếm những chiếc lá su su leo trên giàn mướp, cạnh đó là những sợi rơm khô bị gió thổi tạt vào. Và A Dụ, A Dụ đang đưa cây sáo lên môi, A Dụ thổi những điệu hát quen thuộc gọi về những đêm mùa đông cắt da, cắt thịt, bên đống lửa hồng, ở phiên chợ tình, trai gái đang trao nhau những ánh mắt, rồi dập dìu từng đôi rủ nhau vào rừng xa, nói câu chuyện gia đình:
Anh là trai hoang dã
Em là gái bản xinh
Đôi ta như chuyện tình
 Kể từ mùa đông cũ
Anh lên núi trồng ngô
 Em cùng tam giác mạch
Mùa thu vừa đã gặt
 Về cùng nhà thôi em…
Tiếng sáo réo rắt gọi mời buông lơi và tha thiết. Bố đã bổ xong khúc gỗ làm củi, sau khi phập con dao vào ngập gần nút lưỡi. Bố ngồi hơ chân bên chảo lửa. Nồi cháo tam giác mạch để bên, cốc rượu kề bên, chùm bắp ngô làm giống vàng ươm treo lủng lẳng, lẫn với vạt váy đỏ xanh, và chiếc xà cạp màu lam rách te tua của mẹ ngoài lan can, được gió thổi thốc vào. Bố ngồi yên lặng, không nói gì, lẳng lặng nhìn tôi.
Tiếng sáo lần hai vang lên, nó đậu vào bờ sân, nơi những hạt mưa đã làm đổi nền đất, vài chú gà con ngơ ngác đi tìm mẹ, con mái lông xù buồn xơ xác, đang dương chiếc cánh gầy so che chở cho đàn con. Tiếng sáo lẫn âm thanh xay ngô nhà ai dội đến:
Mùa nào buồn thì ta đi trẩy hội
 Mùa nào vui thì ta đốt lửa hồng
 Mùa yêu nhau em hãy về phía núi
 Anh bên này vẫn đợi  ở thung xa…
Mẹ thở dài mà không nhìn ra phía cửa nữa, không nhìn bố, bà chúi vào những mũi thêu: hai con ngựa đang cùng bước thong dong trên đường vắng, một con ngựa đực bờm to, một con ngựa cái hiền lành, mảnh mai, bờm nhỏ, nép vào con dốc chín khoanh và bước chậm. Tôi đọc được bức tranh mẹ thêu. Tôi được thừa hưởng năng khiếu từ bà. Chỉ có điều, bà không biết cầm cọ, nên đành cầm kim, tôi không đủ kiên trì nên chỉ thích những vuông vải lụa, bố không đủ lụa cho tôi vẽ, cũng không đủ tiền cho tôi mua bút, bố chỉ muốn tôi về trồng tam giác mạch cùng ông, rồi theo tiếng sáo xa lại trở về bản lạ, thi thoảng dắt theo vài đứa nhỏ, vượt chín khúc quanh của đoạn đường rắn bò, trăn uốn, về thăm bố mẹ, ngồi trên gác hai căn nhà khói ám từ thời cụ kị tôi để lại, nói vài câu chuyện mùa màng, con cái, rồi lại dắt bọn trẻ trở về bên ấy. Hiền lành. Mỗi con người đã là một bức họa của đời sống, tao không cần mày vẽ nữa. Ông bảo. Mày chỉ việc đẻ con và trồng tam giác mạch thôi.
Còn tôi, giấc mơ vượt ngọn núi quanh năm sương mờ kia. Tôi không tin có huyết tùng, càng không tin có con khỉ cái thành tinh, đẻ một bầy con, chuyên cắp đàn ông khỏe mạnh về làm chồng. Hẳn người yêu xưa kia của mẹ cũng khỏe mạnh. Hai chân bố tôi thì bé quá, thuốc hút hết sinh khí ông; ngực bố tôi cũng nhỏ quá, những cơn ho triền miên hút hết xương tủy ông. Và mắt ông trũng sâu. Bàn tay nhỏ thó như tay con khỉ.
Mẹ vừa ngồi thêu vừa nhìn ra phía núi. Bà đã lắng tai vào để nghe tiếng sáo. Tiếng sáo dìu dặt đã chạy xa về phía cánh đồng. Con ngựa cũng in hình vào trong chiều muộn, khi những cơn mưa đã dứt, núi đá hiện ra, những khoảng xanh ngô đỗ cùng những vạt đỏ rong riềng đã xuất hiện. Con ngựa chở Dụ đi về phía đó, lùi lũi, lầm lụi, lặng im. Nét Dụ thằng đứng kẻ lên nền trời, lưng ngựa nằm ngang, trục tung và hoành cắt vào chiều sơn cước một  không gian lập thể lòa nhòa. Tôi đưa tay vẽ vào mây gió, bà đưa khung thêu hướng phía con ngựa để tô đậm thêm cho bức tranh đã sắp thành hình. Chưa khi nào bà hỏi tôi, mày thích Dụ không. Tôi cũng không mấy khi tâm sự cùng bà. Chỉ bố, có lần bảo: “Nghe sáo rồi thì về ở với người ta. Âm thanh không có mắt nhưng nó nhìn được, không có lòng nhưng nó neo được vào óc, không có dạ nhưng nó đậu được vào tim. Mày thích nghe tiếng sáo thì một lần mở cửa bảo nó vào. Ngựa buộc ở dưới kia, ôm lá ngô cho nó ăn. Để thằng trai đứng dưới gió, thân nào chịu nổi. Thương nhau thì thương từ ý nghĩ con ạ”. Ông nói xong rồi nhìn mẹ. Chắc ông nghĩ, cả đời ông chưa được bà thương dù bằng ý nghĩ. Bà vẫn để ông nằm co quắp một mình trong chiếc chăn đơn lạnh, bà vẫn để ông uống một mình bên chum rượu từ lúc tràn đến khi cạn, bà để ông vào rừng lấy gỗ, và để ông chèo thuyền qua con sông Nho Quế mùa mưa cuồn cuộn sang bờ bên kia hái nấm. Bà kệ ông. Bà chưa từng thương ông dù bằng ý nghĩ. Ông không đem sáo đến gọi bà, ông đem năm mươi đồng bạc trắng đến gạ mẹ bà. Rồi bà về. Khi tháo khăn thêu trả về cho người ở núi.
Ông đã vào chiếc giường đơn của ông nằm. Chiếc giường làm bằng gỗ linh sam, bộ dát làm từ cây tứ hỉ. Ông xoay lưng về phía đống lửa. Ngọn lửa lúc to, lúc nhỏ, lúc gặp gió bùng lên, lúc lụi đi vì khúc gỗ chém lúc trước đã cháy gần hết lõi, soi vào lưng ông từng mảng sáng, tối, đậm, nhạt. Mẹ không còn thêu nữa, khi ngoài trời đã kín gió, mây kéo về vần vũ. Có thể dông lốc sắp quăng quật khắp thung này nay mai. Bà cũng vào chiếc giường khác quay ngược hướng với chồng. Hai con người, hai tâm trạng, hai ô vuông cửa phía họ nhìn, họ đang nghĩ gì. Tiếng sáo đã tắt từ lâu. Từ lúc bà lục tục cất cây kim thêu đi, giơ bàn tay đỏ lựng ra lửa. Lửa tô đậm thêm tay bà. Lửa như son tô hồng môi bà, tô thắm má bà; lửa lồng vào mắt làm nó to tròn long lanh; lửa thổi vào gấu váy làm bắp chân tròn lăn lẳn thêm rực; lửa luồn vào lưng làm ấm khoảng thịt mềm phía đó. Bà còn trẻ lắm. Bà đẹp. Cái đẹp của người đàn bà miền núi lấy chồng từ năm mười sáu, mười bảy tuổi đẻ đứa con đầu tiên, ngoài ba mươi có thể con đã lấy chồng. Đi rừng đi núi quanh năm, chân quấn xà cạp, mang giày, váy xòe kín bắp. Gặp ngày nắng lên hay lửa ấm, nắng và lửa mới cởi được da thịt ra, làm rực rỡ nhất vẻ đẹp ở người đàn bà trẻ này. Mẹ tôi còn trẻ lắm. Bố đã nằm thở phía đó, tiếng mệt và buồn, phì phò. Mẹ cũng đã rung người phía đối diện, tiếng hắt ra não nề, nghe thảm thiết. Tiếng sáo đã rời về xa:
 Mây có lòng thì về với gió
 Nắng có hờn khi thắp lửa cô đơn
Ta có mày sẽ không còn rét nữa
 Ngọn núi buồn phủ xuống suốt trăm năm…
Mày có thương người ta thì cũng là đến lúc. Bố cắm con dao vào thân cây chuối khi vác về cho con lợn nhỏ trong máng ăn. Mẹ không nói gì. Bà nhặt những viên đá nhỏ ken cho dày cái bờ rào lỗ chỗ vết thủng, lo mùa lạnh về, những khe hở mang khí lạnh cùng gió vào căn buồng phía bà nằm. Căn buồng phía ấy là nơi hai gốc đào đang trổ những bông hoa màu váy, nơi những khách xa về vẫn thường cột ngựa. Hôm trước, A Dụ cũng cột ở đó, nhưng không ai mời anh vào nhà, chỉ bố ra, ôm một đống cỏ vất đầy hai chân gốc, A Dụ đứng co ro: “Thưa bác, cháu xin…”. “Xin gì, thì vào hỏi nó”. Và chỉ có mẹ ra. Mẹ đứng bên gốc đào. Mẹ lại bên bờ rào đá, bên những lỗ thủng khá to, mà người đàn ông cả đời vác đá gầy gò là bố kia, cũng không vác đủ mang về vá víu. Mùa lạnh, gió lùa vào hướng mẹ ngồi, lùa vào chân ngựa, khiến nó đứng run run. Mẹ thương người, hay thương ngựa, hay thương chàng trai A Dụ đến tán con gái mẹ, mà con gái thì đang mải vẽ tranh vào núi, đổ màu vào mây, và tô điểm lên bầu trời phía đỉnh mù xa kia. Mẹ chỉ vào, khi tiếng sáo đã tan nơi sương mờ phía ấy. “Thương nó thì về – bố lại bảo – đàn bà vùng này chẳng chạy được xa, như con gà trong cối xay, như con lợn trong máng, như con bò đã cột dây, mơ gì nhiều hả con. Nhà nó có cả ngựa, cả bạc, cả vàng. Nhà nó của tiền nhiều nhất bản lạ kia. Thương nó thì về”. Bố lại ngồi quay lưng về phía mẹ, mẹ lại ngồi quay mặt về phía gốc đào. Chiều đã rơi, sương đã xuống, gió đã ngừng thổi. Chỉ còn tiếng âm âm của thác dội vào vách đá chạy qua rừng cây tú ngà, hoa đã bắt đầu nhạt, những nụ li ti nở ra chẳng đủ làm đỏ ối một khoảng rừng. Chỉ còn tiếng thở dài của mẹ, hắt trong chiều lạnh, khi nhìn về phía xa, nơi tiếng sáo đã chạy về hướng gió, cùng con ngựa chở A Dụ lẫn vào rừng thông đá, lá vót cao dài.
A Dụ có bàn tay của mây, A Dụ có đôi chân của núi. Mắt A dụ to trong của người chuyên đi rừng đuổi hoẵng, hai má A Dụ đầy như đĩa bánh ngô ngày thu hoạch. A Dụ có giọng nói ngọt như nước sông Nho Quế, điệu cười giòn như tiếng con mì mi gù nhau trên rẫy. A Dụ hay buồn, khi buồn, A Dụ thổi sáo rất hay. Tiếng sáo làm chết bao trái tim gái bản, tiếng sáo làm điếc tai bao người già nơi đây. Ai đó bảo, nghe thằng A Dụ thổi sáo, thấy muốn vạch mây mà đi, thấy muốn vượt con sông mà bước, vượt ngàn thung sâu, chạy khỏi chân trời này. Đâu đâu chẳng tú ngà, vách núi sừng sững, và gió, và ngô, và con ngựa thồ xuống chợ. Nhưng vẫn muốn đi. Bàn chân chẳng biết đặt ở đâu, những không phải nơi này.
Mỗi khi nghe tiếng sáo, tôi thường vào vách. Chiếc vách có hai lỗ thủng cho tôi vẽ tranh lên gió, vẽ mây lên trời, cho tôi vẽ ngôi trường ngày xưa tôi học, có những đứa gái mỗi lần về quê đều không trở về với phố, vì trai bản bắt chúng về làm vợ, vì ngựa gọi chúng về làm rẫy, và những đứa bé ngọ nguậy gọi bản năng là mẹ. Tiếng sáo đưa tôi vượt qua khoảng thung u tối kia, vượt qua khoảng mây mờ xa xa trên đỉnh, đi tìm loài cây huyết tùng đã thành huyền thoại, dù bố có bảo, không đến được con ơi, mọi câu chuyện đều là hư ảo, chỉ cây tam giác mạch mới cho ta những bữa no.
Mỗi khi như thế, mẹ bỏ bố con tôi ra ngoài bờ rào đứng. Nơi có những lỗ thủng của bờ đá mà từ thời cụ để lại. Cụ cũng gày xác xơ như bố. Cụ nghiện thuốc nặng còn hơn bố. Cụ tôi chết vì đói. Nên bờ rào bao năm không vá kín. Mẹ đứng ở đó, từ khi trăng chưa lên, đến khi trăng đã lặn, từ khi con hoẵng kêu tiếng thiết tha gọi bầy, đến khi nó rên lên những tiếng đau thương vì dính tên, cố lết đôi chân nhỏ máu tìm về hang sâu nơi con con đang đợi mang về những miếng mồi bé nhỏ. Tiếng sáo A Dụ vẫn thiết tha ngoài đó, tiếng sáo A Dụ cất cho mảnh trăng cong về phía núi, tiếng sáo A Dụ vít cho ngôi sao trĩu về phía hai gốc đào, tiếng sáo A Dụ gọi dậy những đêm mùa đông buồn và dài thăm thẳm, thâm thẫm, kéo hết vùng núi cao, chìm vào bóng tối, chìm vào hang sâu, chìm vào những vách núi, và dìm sâu hơn vào lòng con sông màu lam chảy miết điệu buồn ngơ ngác ấy.
Mẹ biết gì tiếng sáo, mẹ nghe gì tiếng sáo, mẹ vào nhà bao giờ cũng mấy bông hoa đào vương trên tóc, mẹ vào nhà mang theo cả mùi gió, mùi lá ngô non, cùng mùi của ngựa.  Mẹ nằm thở tiếng dài như triệu năm con người đã thế, như nỗi buồn vốn từ thủa hoang nguyên, gọi dân về lập ấp của ông Vàng bà Chứ. Bố thường trở mình nói khẽ: “Nghĩ gì thì nói, không nói ra, đến con ma còn chẳng biết mình buồn”. Mẹ chỉ lặng im. Cái lặng im từ thời bà ngoại, cái lặng im như đá tai mèo cắt vào bầu trời sắc nhọn những mũi đâm, rỉ máu bên trong, bên ngoài vẫn lặng câm như núi.
Bố bảo, mẹ mày đi đâu mà chẳng thấy về.
Tôi biết, mẹ sẽ không về nữa. Tôi thấy mẹ đi về phía núi, mẹ men theo triền đá. Bóng mẹ nhỏ, váy mẹ hồng, chiếc khăn thêu trên đầu màu huyết dụ, làm bật tung sắc xám của đá…
Bố bảo, không phải tìm mẹ nữa. Tôi cũng không đi tìm. Tôi vẽ mẹ cùng hai con ngựa xuôi về phía dốc chín khoanh, con ngựa cái nép mình bên con ngựa đực bờm to, nó cùng dìu nhau đi xuống. Váy mẹ hồng, áo mẹ đỏ, làm nổi núi, nổi mây, nổi màu xám ngoét của tai mèo, nổi màu đen đục của mênh mang đất đá. Mẹ và A Dụ sừng sững in hình trên nền trời mênh mang đó.  Tay mẹ vẫn ôm con chó con vừa kịp mở mắt, con ngựa chở A Dụ ngẩng cao cổ, bước những bước chậm, cánh hoa đào vẫn vương trên bờm nó, và hòn đá mẹ gùi về để ken dày thêm bức tường đá nhà tôi, theo lưng mẹ phập phồng phía ấy…
Bố cắm con dao vào đá. Đá bật lên những tia lửa đỏ, cắt chéo vào bóng đêm từng đường chiu chíu. “Khốn nạn! Khốn nạn!”
Tôi bảo bố: “Mình đừng trồng tam giác mạch nữa đi!” Bố bảo: “Không trồng nó, biết lấy gì mà ăn”. Tôi xòe bàn tay: nắm hồng mai đã ở đó. “Lên núi cao kia thôi, loài cây này chỉ mọc được ở đó”.
Bố không nói gì, nhìn về hướng núi. Ngọn gió mang theo hình huyết tùng đỏ ối, con khỉ thành tinh mọc đầy lông lá, cây hồng mai hút máu hóa huyền thoại, và người đàn bà váy đỏ, theo đuôi con ngựa bờm to, lẫn vào con dốc chín khoanh, vẽ những đường ngoằn ngoèo như tia chớp, rạch lên bầu trời mù mây ngày dông gió…
BẢO THƯƠNG

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *