Bài nổi bật

Gia Bảo – Lê Thiết Thạch

Radio Online – Tôi còn nhớ vào một đêm cách đây chừng hơn hai chục năm, anh tôi gửi thư về nhà xin tiền để làm đồ án tốt nghiệp. Đọc thư anh, bố tôi vã mồ hôi trán. Trong ánh đèn dầu lờ mờ ông ngồi im như tượng, mắt nhìn như xoáy vào một nơi vô định nào đó. Ông hiểu tính cách thằng con mình, chỉ những việc cấp thiết chẳng thể đừng được nó mới ngửa tay xin tiền bố mẹ.
Gia bần chi hiếu tử (nhà nghèo con thảo), nó cũng là thằng biết thương gia đình. Nhiều lần ông đưa tiền cho con bảo mua thêm cái gì ăn lấy sức ôn thi, nó từ chối và bảo: “Chỗ khoai lang con mang lên trường vẫn còn”. Trước đây thi thoảng nó cũng xin, nhưng rất ít. Chỉ vậy thôi mà ông đã phải chạy đôn chạy đáo vay chỗ nọ vay chỗ kia, hoặc phải bán một thứ gì đó trong gia đình. Lần này số tiền con xin gấp nhiều lần! Ông lại chìa bức thư vào sát ngọn đèn, chẳng chệch đi đâu được nữa.
Gương mặt ông đanh lại: “Vay đâu ra số tiền lớn như thế bây giờ”. Chả nhẽ lại cứ gõ cửa mãi mấy chỗ đã nhẵn mặt? Đã đành người ta rất tốt với ông, nhưng mỗi lần đến nhà người ta, ông vẫn thấy da mặt mình rồm rộm khi được gia chủ chào bằng câu: “Ông à, chắc lại thằng lớn nó gửi thư về?”.
Nợ cũ chồng chất chưa xoay đâu ra để trả, ai đời lại vác mặt đến… Lục lọi trong trí nhớ những chỗ có thể có tiền, những chỗ có thể vay được số tiền như thế, ông uể oải lắc đầu, tất cả mịt mù như mò kim đáy bể. Ông miên man nghĩ về đứa con, nghĩ về cái thời khắc chiều mai. Chiều mai, ông đã nhìn thấy gương mặt khắc khoải của con trai mong thằng bạn ở quê lên. Ông đã nhìn thấy gương mặt méo xệch cùng đôi mắt đỏ hoe của con khi nghe thằng bạn của nó nói: “Bố cậu không có gì”… Chẳng lẽ chỉ vì “bố cậu không có gì” mà thằng con ông nửa đường đứt gánh? Hay chỉ vì “bố cậu không có gì” mà con phải làm liều?
Minh họa: Phạm Minh Hải.
Những câu hỏi đó quay cuồng trong đầu ông, những giọt nước từ từ lăn qua đôi gò má nhăn nheo. Ông cám cảnh cho cuộc đời của một anh giáo viên trường làng đa mang cái mộng chữ nghĩa cho con. Lòng ông xót như muối vò khi nghĩ về thằng con đang trơ trọi giữa chốn phồn hoa đô hội, mỏi mắt chờ tiền gia đình. Ông nghĩ đến việc lại phải bán một cái gì để có tiền cho con. Ruộng ư? Đã bán quá nửa rồi, còn chỗ đầu thừa đuôi thẹo, quanh năm chiêm khê mùa thối thì ai mua cho? Đàn lợn con ư? Mới đẻ còn bú mẹ thì ai dám rước? Chiếc xe đạp vẫn để ông đến trường ư? Cà tàng như thế có bán vẫn không thể đủ được số tiền con nó xin.
Ông vừa nhìn rà xét khắp nhà, vừa lục trong trí óc những gì khả dĩ có thể bán được. Không mảy may có thứ gì đáng giá bằng số tiền con trai cần. Đột nhiên ánh mắt ông đổ dồn về chiếc tủ chè kê giữa nhà, cũng là bàn thờ gia tiên. Chiếc tủ này là của bố ông để lại. Khi sắp mất, bố ông nói với cả nhà:
– Chiếc tủ này ông nội đóng để đựng sách, tôi cũng đựng sách từ thời còn để chỏm, từ thời còn phủ phục chép tam tự kinh. Tủ cũng là ban thờ, trên đặt bát hương thờ thần linh, thờ gia tiên, thờ bà cô tổ. Các cụ đã tôn thờ, linh tiên tọa ngự rồi đấy. Cả nhà có hiểu không nhỉ? Tủ chỉ đựng sách, không đựng thứ uế tạp trong đó. Sách của đời tôi chất hết vào đấy. Anh Thịnh (tên bố tôi), có tố chất học hành giữ cái tủ đó là được. Anh phải bảo ban các con anh rằng ông nội của chúng cũng là một ông tú, không gặp thời thế chỉ thành một ông đồ, nhưng là một ông đồ biết ăn ở, biết trên dưới, giời đất… Anh dùng cái tủ đó làm bàn thờ, trong ngăn thì đựng sách của anh, của con anh. Cái tủ đó đựng chữ và ra chữ đấy.
Xuất xứ chiếc tủ chè là như vậy và trong đầu óc bố tôi văng vẳng câu nói của ông nội: “Chiếc tủ đó đựng chữ và ra chữ đấy”. Đựng chữ thì đúng rồi, cũng như ông nội, bố tôi chỉ dùng chiếc tủ đó để đựng sách. Cả cuộc đời dạy học của mình có mặt khắp tỉnh Hưng Yên, hễ kiếm được quyển sách nào hay ông đều trịnh trọng bọc lại và xếp cẩn thận vào tủ. Chiếc tủ sách của ông đã đầy ninh ních.
Đã quen lắm nếp sinh hoạt của gia đình, ấy là khi chập choạng tối, cả nhà ăn cơm xong, bố tôi ngồi uống nước ở bàn và gọi tất cả anh em tôi: “Các con đâu lại đây, hôm nay bố đọc tiếp truyện “Không gia đình” nào, hay các con thích truyện “Tiếng gọi nơi hoang dã”… hay là để anh cả đọc “Truyện Kiều” nào. “Kiều” quyển thứ tư, chồng ngoài cùng, ngăn bên phải. Bố chỉ đọc nửa tiếng thôi, xong các con ngồi vào bàn học”.
Cứ thế, cứ thế chiếc tủ đã trở thành một phần máu thịt của bố tôi, của gia đình tôi. Mỗi khi ngớt việc, buồn chân buồn tay ông lại mang chiếc khăn ẩm lau, kỳ cọ cho tủ. Có lần ông giơ chiếc khăn chỉ dành riêng để lau tủ và nói với chúng tôi: “Các con không được gọi là giẻ lau mà phải gọi là khăn lau”. Chiếc khăn ấy mỗi lần dùng xong ông lại giặt riêng, phơi khô, gói trong túi ni lông và giắt trên mái nhà. Chiếc tủ lúc nào cũng lấp loáng như gương, hai bức tranh khảm ốc lấy tích Lưu Bình – Dương Lễ trên đôi cánh rực lên như những quầng lửa.
Ông yêu chiếc tủ, một tình yêu của người cha với đứa con ngoan, hơn thế nữa chiếc tủ đã thành gia bảo của tổ tiên để ông tri ân, phụng thờ tiền nhân. Những bước chân rã rời trên đường đời, những lo toan bợt bạt mặt người sẽ vợi đi khi ông đối diện với ban thờ, với chiếc tủ. Đã thành thói quen, trước những lựa chọn cân não của cuộc đời ông thường thắp hương xin chỉ dẫn, độ trì của các đấng thần linh, của các bậc gia tiên dòng tộc. Để thu nhận sự phản hồi, thắp hương, khấn vái xong, ông cúi đầu đặt cả hai bàn tay lên nóc tủ, dồn tâm lực lắng  nghe những tín hiệu của thế giới siêu nhiên. Nếu mặt tủ mà ấm, ấy là phần âm đã đồng ý với lựa chọn của ông. Còn khi hai bàn tay mới chạm vào mặt tủ mà có cảm giác như sờ phải chảo nóng, thì thôi, ông bỏ ngay ý định của mình.
Có lần ông nói với chúng tôi: “Đúng lắm, linh nghiệm lắm các con ạ”. Ông có cảm giác rằng những anh linh của dòng tộc đang an tọa trong từng thớ gỗ của tủ, để chia sẻ cùng ông, để khai tâm khai sáng cho ông. Ông đinh ninh chiếc tủ là tấm bùa Bút văn xương chiếu ấn độ cho các con ông có đầu óc sáng láng, học hành thi cử may mắn. Ân nghĩa và linh thiêng như thế đấy mà giờ đây trong đầu óc ông lại vụt lên ý nghĩ bán chiếc tủ.
Ý nghĩ ấy vừa loé lên đã vụt tắt, ông thấy ân hận, ông ấp chặt hai tay lên đầu, miệng gấp gáp đọc thầm: “Không thể như thế, không bao giờ như thế. Không thể như thế, không bao giờ như thế…”. Bỗng nhiên gương mặt méo xệch cùng cặp mắt đỏ hoe của con trai lại ào ào xâm chiếm trí não ông. Tủ và sự nghiệp của con trai như hai quả cân nặng ngang ngửa nhau bắt buộc ông phải dứt lòng chọn một. Bất giác có một lực lượng huyền bí nào đó lại đẩy ông nghĩ tới câu nói của bố mình: “Chiếc tủ đựng chữ và ra chữ đấy”. “Đựng chữ” thì rõ rồi, chiếc tủ từ xưa đến nay chỉ toàn đựng sách. Thế “ra chữ” thì sao? Điều này thử hỏi còn có ý nghĩa gì khác hơn ngoài việc ông bán tủ đi để có tiền cho con ăn học, để con có thêm nhiều chữ?
Phải rồi, những bậc tiền nhân chỉ bảo thế hệ sau chẳng bao giờ cần cụ thể, như thế mới thiêng, như thế mới rèn cho con cháu có bộ óc, biết suy luận, biết vận dụng. Bố tôi xoáy chặt vào lập luận đó như một sự bấu víu, để rồi câu nói của ông tôi như chỉ bảo, như khích lệ. Gương mặt ông thanh thản hơn. Ông lại thắp lên ban thờ một nén nhang lầm rầm khấn vái. Khi tay ông chạm vào mặt tủ, cảm giác vẫn ấm áp lạ thường. Ông quyết định bán chiếc tủ. Bán để làm việc khác thì không thể, song bán để cho con có chữ thì sao lại do dự, đó chính là di chúc của tiền nhân. Vả lại để đi đến khúc khải hoàn thì trận đánh cuối cùng bao giờ cũng khốc liệt.
Với ông, việc học hành của thằng con cả chỉ còn đận này nữa thôi, chỉ còn “trận đánh” này nữa thôi nó sẽ có bằng đại học, rồi sẽ được đi làm, rồi sẽ có lương. Ông đã có những điểm tựa tinh thần chắc chắn cho một việc làm không khỏi run tay này. Nhưng để kiểm tra quyết định táo bạo của mình ông lại thắp thêm một tuần hương nữa, làm các thủ tục, trình bày ý định và lại đặt bàn tay lên nóc tủ đón nhận sự chỉ bảo của tiền nhân. Xong xuôi, ông xăm xăm mở cánh tủ, xếp tất cả sách vào ba chiếc áo mưa, chằng buộc cẩn thận. Ông lễ mễ ôm từng bọc sách đặt ngay ngắn trong hòm thóc. Đoạn, ông cầm đèn pin đi ra ngõ, đến một nhà mà ông biết chắc chắn rất thích mua chiếc tủ của ông.
Tối hôm ấy, cái tối cuối cùng chiếc tủ có mặt ở nhà tôi, ở dòng họ tôi, bố tôi hầu như thức trắng. Qua ánh đèn dầu leo lét, bóng bố tôi “niêm phong” trên tường, trầm mặc như ngọn núi mồ côi giữa cánh đồng bán sơn địa. Ông cứ ngồi như thế thi gan cùng những tiếng tích tắc cần mẫn của chiếc đồng hồ báo thức. Tiếng gà eo óc gáy canh hai, bất giác bố tôi đứng dậy đi về phía chiếc tủ. Không một tiếng động, hai bàn tay ông ngập ngừng lần rờ trên nóc tủ, đến hai hồi, đến bộ lèo, rồi đến hai cánh. Xong, ông ngồi xuống, với chiếc khăn chỉ dùng lau tủ, ông chầm chậm lau từng chi tiết, từng ngóc ngách của tủ. Đêm vẫn lặng như tờ. Đột nhiên bố tôi lùi lại mấy bước, đứng như trời trồng, như người mặc niệm trước tủ. Độ ba phút sau ông quay ngoắt người về chỗ bàn uống nước, khêu ngọn đèn to lên rồi cặm cụi viết những chữ gì đó trên một tờ giấy. Xong, ông đem đèn ra đặt trước một cánh tủ.
Một tay cầm đèn pin, một tay cầm chiếc bút bi. Ông mở cánh tủ, đầu bố tôi cùng nửa người ông chui tọt vào  ngăn tủ bên phải. Những quầng sáng của đèn pin trong ngăn tủ bị nửa người của bố tôi che lấp hắt ra trông như lò nướng bánh mì đóng hờ cửa. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng sồn sột tựa tiếng mọt gặm gỗ găm vào trong đêm nghe vừa gần vừa xa. Thỉnh thoảng bố tôi lại rút nửa thân mình ra khỏi tủ, ông chìa mảnh giấy vừa viết trước ngọn đèn, đọc. Xong ông lại chui người vào trong tủ hì hục chép những chữ trên mảnh giấy lên vách tủ. Viết xong, ông đặt mảnh giấy lên ban thờ, thắp hương. Bố tôi đứng nghiêm trước ban thờ, vái ba cái, rồi lầm rầm đọc những câu gì đó. Hết tuần hương, bố đem tờ giấy hóa vàng. Tôi nằm im thin thít, hé mắt để ý những việc làm bí ẩn của bố.
Sáng hôm sau người mua đã cho năm, sáu thanh niên lên khênh tủ. Mặt bố tôi lầm lỳ, vừa rót xong chén nước mời khách, ông đã bảo: “Tôi mệt quá, xin phép bác tôi đi nghỉ một lát. Tiền cứ đưa cho bà nhà tôi”. Nói xong bố tôi đứng dậy đi vào buồng, thả mình nằm thượt trên chiếc giường tre. Đám thanh niên khiêng tủ bằng hai sợi chão lồng vào hai đoạn tre đực. Chiếc tủ đung đưa, xoay phải, xoay trái như mũi kim chiếc la bàn. Ra chiều khó khiêng, đám thanh niên đổ lỗi cho nhau, cãi cọ om xòm. Bất thần bố tôi lù lù xuất hiện, ông mắm môi mắm lợi ghì một đầu tủ để giữ thăng bằng, khuôn mặt như đưa đám. Gần đến cổng ông nói nhỏ nhưng đanh và rõ: “Cẩn thận, cột cổng”.
Đoàn người qua cổng được một đoạn, như sực nhớ ra điều gì bố tôi nói rất nhanh: “Nghỉ đã. Đợi tôi”. Ông quay người chạy gằn về nhà, tất tả ôm ra bốn chiếc gối. Ông dắt từng chiếc gối vào giữa sợi dây chão và vách tủ, hổn hển nói với người mua: “Không có thì chão nó cọ vào xước hết”. Bỗng “ối” một tiếng, bố tôi ngồi thụp xuống, hai tay ôm lấy bàn chân trái, mặt tái nhợt. Một vạt máu từ kẽ tay bố tôi loang ra. Té ra ông bị đứt quai dép, bàn chân sục vào một viên gạch, bong móng ngón chân út.
Chúng tôi vội xô đến xốc bố vào nhà nhưng ông xua xua tay: “Không sao đâu, mang cái giẻ và thuốc lào ra đây”, đoạn ông nói với mấy thanh niên khiêng tủ: “Chậm thôi, cẩn thận đấy”. Dường như ông không đoái hoài gì đến ngón chân mất móng, mắt cứ dõi theo chiếc tủ đang bị khiêng đi xa dần.
Từ ngày bán chiếc tủ tính khí bố tôi có đổi khác, ít nói hơn, trầm lặng hơn. Nhiều đêm mới hai giờ sáng ông đã lẳng lặng dậy, pha trà. Ông ngồi như hoá đá, độc ẩm. Gian nhà giữa khi xưa kê chiếc tủ nay đã trống không, nhưng mỗi tối qua chỗ đó ông vẫn quờ tay như sợ va vào tủ, chẳng khác gì  người mù lần đường để đi. Còn chiếc khăn lau tủ giắt trên mái nhà thỉnh thoảng ông lại mang xuống ấp lên trán, ấy là khi trái gió giở giời ông thấy người khó ở, hoặc khi ông đang suy nghĩ để quyết định những việc hệ trọng. Chúng tôi hiểu tủ không còn nữa nhưng chiếc khăn lau tủ vẫn là tấm bùa hộ mệnh của bố tôi giúp ông vượt qua những thời khắc ngặt nghèo.
Anh cả tôi, rồi đến các em của anh cũng lần lượt đỗ đại học. Mỗi lần có giấy báo trúng tuyển của các con, một cảm giác vui buồn lẫn lộn lại xâm chiếm trong lòng bố tôi. Nụ cười của người chiến thắng tắt vội trên môi ông để nhường chỗ cho gương mặt đờ đẫn ngây dại. Ông liền nghĩ đến những khoản tiền, những món nợ phải vay khi ngày mai đây một đứa con nữa của ông lại vào đại học. Ông thấy bất lực như một đứa trẻ phải bơi qua đại dương trong một ngày giông tố. Nhiều lúc ông nghĩ đến sự phó mặc, buông xuôi, kệ chúng nó, đời cua cua máy đời cáy cáy đào. Nhiều lúc ông thấy ân hận coi mình như kẻ tâm thần chẳng biết mình là ai mà hoắng lên theo đuổi cái mộng học hành cho bốn đứa con. Nhưng không, những ý nghĩ tiêu cực ấy chỉ vụt qua đầu ông để rồi choán hết lại là ý nghĩ ngược lại, mạnh mẽ hơn, sôi sục hơn.
Ông lại đứng phắt dậy, hai bàn tay nắm chặt trong tư thế của người lính trước trận đánh sinh tử một mất một còn. Trong đầu ông lại vang vọng một mệnh lệnh đã tạc vào trí não: Các con ông phải được ăn học, dẫu phải bán hết đồ đạc, nhà cửa đất đai, dẫu phải vắt kiệt mồ hôi, hút hết cả máu, đẽo hết xương hết thịt của mình đi… ông cũng sẵn sàng.
Bốn anh em chúng tôi đều được học đại học. Chúng tôi nhớn nhao lên bao nhiêu thì thân hình bố tôi lại còm đi, tóp lại bấy nhiêu. Khi đứa em út của tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì bố tôi qua đời. Xót xa cho bố quá. Các con sắp học xong, sắp tự lực được thì bố không còn nữa. Trước khi về với tổ tiên bố tôi cứ suy kiệt dần. Ông nằm dán trên giường, bón cháo và sữa ông không chịu nuốt. Thế rồi thời khắc đau buồn ấy cũng đã đến, ông đã trút hơi thở cuối cùng khi miếng bông đặt trước lỗ mũi ông không còn nhúc nhích. Mẹ tôi, chúng tôi òa lên khóc. Anh cả tôi vội vàng vuốt mắt cho ông nhưng không sao vuốt được, mắt ông vẫn mở trừng trừng.
Trước tình huống ngặt nghèo này chúng tôi nghĩ ngay đến linh vật, bảo bối của ông là chiếc khăn lau tủ. Anh cả tôi lấy chiếc khăn lau tủ ép mí mắt ông xuống, miệng lẩm bẩm: “Bố ơi, bố cứ thanh thản ra đi, chiếc khăn lau tủ và tủ cũng đây rồi”. Y như rằng mắt bố tôi nhắm nghiền, gương mặt ông đã tan biến đi những nét u uất. Ông thanh thản về với tổ tiên.
Anh em chúng tôi tất cả đều ra trường, song cuộc sống vẫn còn long đong lắm. Anh cả tôi nhờ kết quả học tập xuất sắc nên được nhận ngay vào một Viện nghiên cứu danh tiếng ở Hà Nội. Nhưng khổ nỗi cơ quan anh chẳng có thu nhập gì ngoài đồng lương sự nghiệp còm cõi. Ra trường đến ba năm rồi anh vẫn đi chiếc xe đạp tòng tọc. Mãi sau này ông anh cả kỹ sư, thạc sỹ rồi tiến sỹ của nhà tôi mới mua được chiếc xe Cup 79 đã cũ, đâu giá bốn triệu.
Thế rồi đất nước mở cửa, mọi tổ chức, cá nhân bung ra làm kinh tế. Viện của anh tôi cũng chào hàng những công trình giá trị, mong có đối tác liên doanh. Đọc đến công trình của anh tôi, nhiều đối tác nước ngoài mừng rú lên vì độ sáng tạo và tính khả thi của nó. Cuối cùng Viện của anh tôi chọn một đối tác giàu tiềm lực của Thụy Điển để liên doanh và thống nhất đưa tác giả của công trình, tức là anh tôi làm Tổng giám đốc.
Liên doanh mới ở giai đoạn đầu tư mà anh tôi đã hưởng lương bốn nghìn đô la một tháng. Lần lĩnh lương đầu tiên, bàn tay của anh cứ lóng nga lóng ngóng cầm tập đô la không biết nên cho vào túi nào. Lĩnh tiền xong anh tức tốc phi xe máy về quê, quên khuấy cả việc anh có ôtô và lái xe phục vụ, thỉnh thoảng anh lại nắn túi quần kiểm tra xem tập đô la có còn không. Anh đưa cho mẹ tôi tất cả số đô la đó và bảo: “Mẹ con mình đến nói khó với nhà ông Tập (người mua tủ của nhà tôi) để chuộc lại tủ, tốn bao nhiêu cũng làm”. Mẹ và anh cả tôi đi ngay xuống nhà bác mua tủ. Cũng may gia đình người mua tủ hiểu biết, nể trọng gia đình ông giáo, lại biết đây là đồ thờ tự linh thiêng của cả một dòng họ nên nghe mẹ và anh tôi trình bày cũng đồng ý ngay.
Sáng hôm sau rước tủ về, chúng tôi cũng làm cẩn thận như bố năm xưa, lại còn chọn giờ đẹp để đặt tủ. Khi chiếc tủ, chiếc bàn thờ của nhà tôi sau bao năm lưu lạc được đặt về vị trí cũ, việc làm đầu tiên của chúng tôi là mở cánh bên phải chui đầu vào để đọc những dòng chữ của bố năm xưa. Và đây, trước mắt tôi là những dòng chữ bút bi như rạch vào gỗ của bố: “Con lậy các đấng thần linh, con lậy các bậc gia tiên của dòng tộc, ông bà ông vải tổ tiên. Hôm nay, ngày… tháng… năm… con là… Do tình huống đến mức ngặt nghèo, bấn bách quá không xoay đâu ra tiền để cho con của con làm việc trọng đại, làm đồ án tốt nghiệp đại học, con xin phép bán chiếc tủ, chiếc bàn thờ của tiền nhân. Con hứa khi các cháu thành đạt con sẽ chuộc tủ, chuộc bàn thờ về. Nếu đời con chưa làm được con sẽ di chúc cho đời con con phải làm việc đó. Hãy coi đó là những lời nguyền của con”.
Bỗng chốc mắt tôi nhòa đi, lại nhòa đi hơn nữa khi nhìn thấy anh cả tôi, người hương khói, người giữ lửa của gia tộc hai mắt đỏ hoe đang cần mẫn lau chùi từng chi tiết của tủ, giống hệt bố tôi năm xưa.
Tác giả: Lê Thiết Thạch – Thực hiện: Vân Anh
Sản Xuất & Biên Tập: VOV
 

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *