Bài nổi bật

Ghen – Hoàng Duy

Quý vị và các bạn thân mến, tác giả đưa người đọc, người nghe trở lại chiến trường Trường Sơn năm xưa biết bao cảm xúc vui buồn. Bom đạn của đế quốc Mỹ cũng không thể dập tắt được tinh thần yêu nước cũng như ý trí tuổi trẻ Việt Nam. Ngay bên chiến hào khói lửa, bên hố bom chưa kịp san lấp, mỗi lắng tiếng súng là người lính trẻ lại cất lời ca tiếng hát về tình yêu tuổi trẻ, tình yêu với quê hương, đất nước. Vui nhất là những dịp các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường được các đoàn văn công đến biểu diễn. Giọng ca, tiếng hát của người nghệ sĩ khiến biết bao người lính xúc động khi nhớ tới gia đình và người thân yêu ở hậu phương. Nhân vật Hà là nữ văn công của sư đoàn, giọng hát dân ca bài chòi của cô khiến bao người lính say mê, yêu mến. Trong đó có chàng lính trẻ tên Phong. Việc anh chàng Phong yêu say đắm nữ văn công Hà thì đã râm ran trong sư đoàn và được mọi người trêu đùa. Nhưng 2 người trong cuộc thì thực sự chưa từng thổ lộ cùng nhau. Ấy vậy mà Phong lại ghen khi thấy Hà biểu diễn có đôi, có cặp trên sân khấu. Đúng là có yêu người ta mới có ghen. Cuối cùng được mọi người vun vào, tình duyên hai bạn trẻ Phong -Hà mới thành công. Một câu chuyện vui tươi, hóm hỉnh đầy chất lính về tình yêu người lính trẻ trong chiến tranh. Truyện ngắn xảy ra trong thời gian, không gian chiến tranh nhưng người đọc, người nghe không hề thấy sự ác liệt, gian khổ của cuộc chiến. Mà đầy ắp trong đó là những tiếng hát, là cảm xúc của tình yêu. Nỗi hờn ghen vu vơ của anh lính Phong như một gia vị của tình yêu và chắc sau này khi nhớ lại không khỏi khiến người trong cuộc phải bật cười. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn tình yêu người lính giàu cảm xúc trong chiến tranh. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Cách đây gần sáu tuần trăng, các đồng chí văn công sư đoàn tới biểu diễn và thâm nhập đơn vị. Nữ đồng chí Hà có giọng hát dân ca bài chòi khu 5 tuyệt lắm, mê lăm! Nhất là các đoạn đồng chí xuống giọng trầm rồi bỏ qua xàng xê, những câu căm hờn gọi cảnh nhớ thương quê hương đất tổ, làng mạc họ hàng cha mẹ vợ con… thì thật là nhói tận tim. Tiếng nhị và cây đàn tranh đêm theo bùi ngùi, người nghe có cảm giác như có một con vật gì lành lạnh tê tê bò từ óc xuống khắp mình mẩy rồi chuyển lên bắt hai tai căng căng, tỏa ra giữ đôi mắt không nháy, gìm mũi thở nhè nhẹ để thưởng thức cho thật thấm thía giọng hát quê hương thắm thiết bao nhiêu tình!
Tiểu đội 1 có đồng chí Phong năm nay 23 tuổi, cái tuổi ăn no lớn chóng, hăng say luyện tập, công tác, nhưng cũng là cái tuổi hay mơ mộng, dễ rung cảm yêu đương lại là một tay thể thao, một tay văn nghệ cừ của đại đội, hơn nữa là một xạ thủ xuất sắc quen biết trong mấy giai đoạn huấn luyện vừa qua. Cho nên sau mấy ngày thâm nhập đơn vị, đồng chí Hà quen đồng chí Phong lắm, hình như cả hai đều muốn nhích lại gần nên chả mấy chốc mà chiến sĩ, văn công thông cảm nhau rất nhanh.
Rồi thì sao nữa, quả tình không ai biết, vì là chuyện riêng của hai người. Phong tính cả thẹn nên dù ai tò mò đến đâu cũng không cạy răng ở Phong ra lấy một lời. Không rõ phần đồng chí Hà ở trên đội văn công sư bộ thì có ai biết được chút nào chăng? Chỉ biết khoảng vài tháng sau, nghĩa là đâu 8, 9 chủ nhật qua, Phong hay đi chơi lên Sư bộ để thăm ông anh ở phòng tham mưu, có việc cần bàn với người chú ở phòng chính trị và ít tâm sự muốn nói với người bạn cùng làng ở phòng hậu cần vân vân… Sau đó thì cả tiểu đội, rồi trung đội và đại đội đồn rùm beng lên rằng: “Đồng chí phong a 1, bê 5, xê 7 (a1-b5-c7) đã hứa hẹn gì gì đó với nữ đồng chí Hà, văn công “ép” (F: sư đoàn).
Vậy thì cũng hay thôi, có gì đáng nói đâu, nhưng đằng này Phong thì giữ kín mà “ác” một cái là đồng chí đại đội trưởng hơi thiếu tâm lý tuổi trẻ chút ít nên sau khi lên Sư đoàn nghe rõ chuyện về lại phổ biến khá to trong cuộc họp cán bộ: “… Chú ý giúp đỡ đồng chí Phong, đừng để vấn đề đó chi phối tư tưởng, ảnh hưởng đến học tập, công tác…”. Vừa lúc ấy Cữu đi ngang phòng họp, vốn thính tai nên Cữu ta nghe rõ chuyện về kháo vung tàn tán cả lên, lộ “bem” tuốt! Cán bộ lo lắng săn sóc đời sống tình cảm sâu sát từng chiến sĩ, cái đó rất quý, chỉ khổ là với anh em cùng lứa tuổi… Câu chuyện Phong yêu Hà nữ văn công trở thành một đề tài cho anh em trong tiểu, trung, đại đội trêu chọc. Thôi thì lắm chuyện:
Ngày chủ nhật Phong xin đi chơi… “Lại đi thăm nàng rồi. Chao ôi nhớ quá chừng, đêm nằm chiêm bao không ngủ được, ước sao trời chóng sáng đi lên Sư bộ một chút cho tận mặt dung nhan ứ ư ư…”.
Phong ngồi viết thư, viết thư cho ai cũng chả biết: “Me chay! Họ nhả ngọc phun châu, trau chuốt văn hoa để gửi cho nàng đấy. Đọc lời ngọc trong thư chàng, em rung động quả tim vàng… tình tình, tẳng tẳng tắng tăng tằng tằng…”.
Lúc Phong đàn hay, hát giỏi… “thế mí chinh phục được con chim Oanh của Sư đoàn chứ! Đã có tài lại được truyền thêm tài, hạnh phúc cha chả là hạnh phúc a!”.
Và cả khi Phong bắn khá đạt 25, 26 điểm: – Như tôi đây, là phen này quyết lập thành tích để xứng danh rể đồng chí Nhân (anh em thường gọi đùa nữ văn công là con gái đồng chí Nhân chủ nhiệm chính trị Sư đoàn) và để làm quà cưới tặng tân nương? Hảo a! Tùng tùng cắc cắc tùng tùng tùng!”.
Hầu như không có chuyện gì là họ không bẻ queo ra để chọc được. Họ thật lắm sáng kiến đùa. Nhất là Cữu, chàng “em út” của Tiểu đội mới là lính Giơ-ne (tân binh 1954) đây, 20 tuổi đầu, lúc vào bộ đội động một tí thẹn đỏ mặt như cô gái về làm dâu, mà bây giờ nghịch, tếu hết chỗ chê!
Bà con trêu đến nỗi ban chỉ huy Đại đội phải rầy khéo mới bớt. Chuyện gì đùa mãi cũng nhàm, nhưng đặc biệt có cái chuyện vợ con, yêu đương không biết sao mà nói hoài chẳng thấy chán mới lạ! Các lính râu ria thì nói “mặn” thành trời, các lính măng tơ thì văn hoa bay bướm, nhất là vào những giờ tự do, ngày chủ nhật thì phải biết! Lúc đầu Phong hay ngượng nhưng mãi rồi cũng chả sợ gì, ai trêu thì trêu lại. Càng nhịn thua lùi bước họ càng thắng thế lấn tới. Thế là chiếc ảnh cô nào tặng ngày tập kết trong đáy ba lô của Tiến, bức thư của một người nào lót chữ “thị” gửi thăm Cữu cũng bị “khui tủ” ra để “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”!
Dù sao cũng mặc! Cái chuyện Phong Hà đã thành vấn đề rồi. Chàng “rể đồng chí Nhân” cũng không đến nỗi đỏ mặt tía tai như mấy ngày đầu mùa, mới thóc mới nếp! Tương lai thế là êm thấm, thời gian tươi đẹp sẽ đến và nhất định đôi lứa duyên ưa phận đẹp ấy thì có chạy đằng trời cũng không trật!
*
* *
Đêm biểu diễn của đoàn văn công Sư đoàn được đơn vị và nhân dân quanh vùng cùng dự hoan nghênh nhiệt liệt.Thật không còn gì thích cho bằng vừa kết thúc giai đoạn huấn luyện mà văn công đã kịp thời dùng hình thức văn nghệ biểu dương thành tích của đơn vị. Mấy màn tốp ca nam nữ, vở kịch ngắn với những bài hát mới toanh phản ánh những nét sinh động trên thao trường, trong doanh trại, khen ngợi cái hay, đề cao cái tốt, phê bình nhẹ nhàng mà thấm thía những cái lề mề, luộm thuộm, du kích còn rơi rớt trong giai đoạn. Thật như ăn cá nướng có thêm ít ớt tươi vậy, cay hít hà phồng cả lưỡi mà ngon giảm được mùi tanh, càng muốn ăn nữa. Những anh chàng “túng khía” phê bình trên sân khấu chắc cũng có ít nhiều tự ái nhưng cười nghe chừng cũng giòn rã, khoái trá lắm, đôi lúc lại xì xào, bấm nhau nữa chứ.
Màn đơn ca bài chòi với nhịp sanh lắc cắc của nữ đồng chí Hà được hoan nghênh nhất. Khán giả vỗ tay thật lâu, đồng chí Hà ra hát lại, chào hai lần mới dứt, tuyệt quá đi mà. Cái âm điệu quê hương làm cho lính khu 5 nhớ lại lúa Phú Yên, dừa Tam Quan, muối Sa Huỳnh, đường Quảng Ngãi…v.v… lắng sâu vào tình cảm riêng biệt từng người, từng người một.
Ai chú ý một chút cũng đều nhìn thấy Phong mắt nhìn không chớp, miệng he hé như muốn nuốt từng câu, từng chữ vừa thanh tao, ngọt ngào, vừa dịu dàng, xúc cảm của người hát.
Nhưng nếu đêm biểu diễn ấy chỉ có bây nhiêu tiết mục thì không sao! Đằng này lại thêm một màn dân ca cảnh “Miền Nam tiễn người ra Bắc” mà “ác” một cái lại chính Hà đóng vai vợ và một đồng chí khác giữ vai chồng!
Giọng hát hai người đã hay, lời sâu sắc, thâm thúy, hai đôi mắt quyến luyến, tay nắm tay “dùng dằng nửa ở nửa đi” của diễn viên trên sân khấu khiến khán giả say sưa, im lặng theo dõi. Một cái gì nghẹn ngào xúc động nhớ thương! Có nhiều đồng chí mủi lòng không cầm được nước mắt khi hồi nhớ lại cảnh chia tay những người thân yêu ở quê hương miền Nam yêu dấu! Phong cũng như các đồng chí khác rung cảm sâu sắc vở kịch, nhưng kể ra thì riêng Phong cũng hơi tưng tức, nhột nhột cái gì một chút. Phong nghĩ thầm; “Giá mình đóng vai…”, nhưng làm sao được! Phong có thể đóng vai chồng trên sân khấu lớn của xã hội là cuộc đời chứ vai chồng Hà trong màn kịch thu hẹp trên sân khấu nhỏ này thì phải nhường cho đồng chí khác vì một lẽ dễ hiểu: “Phong có phải là văn công đâu”.
Hai đồng chí ngồi cạnh Phong – có lẽ không biết chuyện hay cố trêu chẳng rõ – bàn tán: “Hay thật! Thế nào cặp đó cũng có yêu nhau rồi, nên đóng mới đạt thế, diễn tả nét mặt và tấm lòng đúng quá! Thế mới thật là phản ánh đời sống tình cảm chân thật của chúng ta, không nguyên tắc chung chung, khô khan vài câu khẩu hiệu:
Anh phấn khởi ra đi xây dựng
Em vui lòng ở lại đấu tranh!
– Làm văn nghệ, diễn viên dễ yêu là vậy! Từ yêu giả trên sân khấu đến yêu thật trong cuộc đời có xa nhau là bao. Và như vậy càng lợi, tình chung kết hợp tình riêng, diễn tả càng hay, càng đạt chứ sao?”
Không hiểu do đâu, Phong thấy nóng bừng cả mặt, tai căng căng, mắt nháy lia lịa. Mấy câu bình luận kia là thế nào nhỉ? Có thể thế không?
Đêm không ấy về doanh trại, kẻng ngủ lâu rồi mà Phong cứ chập chờn mơ mơ màng màng, vừa nhớ, vừa yêu, vừa tức và đúng là đã bắt đầu ghen. Người ta bảo chỉ vì yêu nhau tha thiết nên mới sinh ghen. Điều đó chắc đúng vì Phong ghen đây cũng chỉ vì yêu Hà, mới tức sơ sơ như vậy là cừ lắm rồi đấy. Có ai nằm trong cảnh mới rõ nỗi lòng, nhìn bề ngoài thấy người ta ghen thì cứ vội bĩu môi chê xoàng nhé! Ai sắt đá gì mà không áy náy khi thấy có kẻ khác nắm tay, liếc mắt với người yêu mình, cho rằng đã biết tỏng là giả, là kịch đi nữa thì cũng vậy.
Cái chuyện tâm lý riêng biệt ấy một mình Phong nghĩ, một mình Phong hay, có hé răng nói nửa lời cùng ai đâu thế mà Cữu đoán biết, chú nhỏ ấy mới tài! Nguyên là đêm hôm qua Phong hay trăn trở mình và thở dài sườn sượt, khoảng gần sáng khi Cữu tỉnh giấc vì chăn lệch, gió luồn lành lạnh thì nghe Phong lẩm bẩm: “Em… Hà…” và chặc lưỡi. Hôm sau chủ nhật, Phong không đi chơi lên Sư bộ như thường lệ mà nằm nhà, mặt thẫn thờ như bắn bia chiếu tướng! Dù lơ đễnh đến đâu cũng biết Phong đang vướng mắc điều gì. Vô lý hè! Cuối giai đoạn Phong được bình bầu là cá nhân xuất sắc Đại đội, bắn súng vào loại giỏi, đã được kết nạp vào đoàn Thanh niên lao động… Thế gì có gì đáng buồn? Mà lạ hơn lại buồn sau đêm biểu diễn văn công, trong lúc anh em suốt mấy ngày sau không ngớt lời ca ngợi khen hay, khen tuyệt. Có đồng chí thích quá hát mãi câu:
Trăng tròn không thể chia đôi
Bắc Nam không thể xa xôi tấc lòng
Có đồng chí nhại cái anh lười, luộm thuộm, ngủ trưa, vờ ốm: “ái chà chà! Hôm nay trời rét quá, hừ hừ hừ hừ… đau bụng! úi đau bụng cha chả là đau hừ, hừ, hừ” để rồi cười, cười rung cả rốn, cười chảy nước mắt sống ra. Thế mà Phong cứ tỉnh khô tỉnh rụi, không có lấy một câu phẩm bình nào? Truy mãi nguyên nhân, rốt cuộc anh em cũng đoán mò ra: “A! đích cậu này “gờ-en” rồi! Hèn chi lúc đồng chí Hà đóng vai vợ tiễn chồng ra đi, tôi thấy đồng chí Phong đỏ mặt!” Anh em cũng nói liều thôi chứ ban đêm làm gì thấy mặt đỏ hay mặt tái được!
Ngờ đâu đoán mò thế mà đúng! Phong không cãi, cứ làm thinh “xì” rồi bỏ đi chỗ khác. Nhưng có chạy đằng trời. Người ta đoán đúng bệnh rồi thì khá tránh phải uống thuốc, và thuốc của mấy đống chí “trời con” ấy là “chọc đến khóc cũng không tha”. Được cái hôm nay chủ nhật, tha hồ mà nghịch, mà tếu như dỡ nhà ra chơi. Trêu đến nỗi Phong phát cáu – khi người ta buồn và nhất là khi ghen thì hay bẳn tính – nhưng cáu thì mặc cáu. Cữu vẫn không tha.
– ấy đời nó là thế đấy! Pê-chi-a không lấy được Lê-na vì Lê-na không thể yêu một anh chàng thiếu văn nghệ được, và cố nhiên là lấy Phê-đô vì cùng là nghệ sĩ với nhau (Phim Nữ tài tử dạy hổ Liên Xô). Thấy chưa, tâm lý đàn bà đấy! Coi chừng đồng chí Phong!
– Me chay! Nữ văn công là họ sành đời lắm. Trên sư bộ thiếu gì ci-ki, giầy cốp “có đâu gió thổi lọt tường, đưa duyên thắm thiết cô nường xuống đây!!
Đại đội trưởng phải kêu Cữu ra ngoài vừa rầy và mắng yêu “chú em” một trận, Phong mới nằm yên được.
*
* *
Nửa tháng qua Phong không lên sư bộ. Không biết vì ngượng với anh em hay vì ghen, mà cũng có thể là vì bận, mỗi tuần có một ngày chủ nhật còn phải nghỉ ngơi tắm giặt nữa chứ. Đời lính thì luôn luôn bận “hết giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, xong thời kỳ 3, qua thời kỳ 4” có lúc nào gọi là “trơn bọt ngọt lạch, yên hàn mát ngót” cả tháng đâu! Nhưng không tăng cường chất “thời kỳ, giai đoạn” vào cho khá thì đố ai có cách gì buộc Mỹ Diệm phải nhìn thấy sức mạnh của chúng ta mà è cổ ra chịu hòa bình, thống nhất được?!
Hôm nay chủ nhật, Phong vừa ăn cơm xong thì Hà xuống.
Anh em trong đơn vị vây quanh Hà chuyện trò thân mật, cố nhiên là Cữu không dám nó tào lao như lúc chỉ có riêng anh em tụi mình với nhau.
Chuyện trò với anh em một lúc Hà rủ Phong đi thị xã chơi. Cữu nhìn theo nhíu mũi, đợi hai người đi khuất, bật lên cười giòn rã: “Đi mà thanh toán thắc mắc nhé, chu cha hôm nay cậu Phong nhà ta sướng như tiên, ăn có một bát cơm lưng lửng đã no!
Sóng đôi trên đường, Hà trách Phong sao lâu ngày không lên sư bộ. Phong ấp úng cười: “Bận quá, Hà thông cảm cho”. Câu chuyện vui vẻ thân mật tiếp tục trên quãng đường dài.
Một lát sau, Phong ngập ngừng: “Hà ạ! Chúng mình tính sao chứ! Chả lẽ cứ thế này mãi à!”
Hà thản nhiên: “Anh bảo tính sao? Em chưa hiểu ý anh”.
Phong lúng túng: “Chả lẽ… Đến bao giờ?”.
Hà mỉm cười, hồ nhiên:
-Vội gì, anh và em còn trẻ lắm…
– Nhưng Hà cứ mãi mãi làm văn công à!
– Chứ anh định bảo em làm gì?
– Không!… Anh nói ngày sau cơ chứ!
– Cái đó thì tùy yêu cầu của nhân dân, của cách mạng thôi, nhưng riêng em thì yêu nghề lắm.
Phong nghĩ thầm: “Cô này định lòe mình đây” – Nhưng…
Hà cắt lời:
– Em thấy chúng ta cùng là đoàn viên cả! Em chỉ ngại mình không đem hết khả năng của tuổi trẻ ra phục vụ cho cách mạng mà thôi.
– Nhưng còn…
– Ý em hãy khoan nghĩ đến anh ạ! Chúng ta còn trẻ chưa muộn gì, để đến ngày thống nhất về Nam càng vui hơn anh ạ!
Phong nghĩ thầm: “Cô này ghê thật, mình chưa kịp nói đã chặn trước rồi”. Hồi lâu, Phong ngập ngừng, nói xa xôi:
– Hà làm văn công, đi đứng nhiều cần phải giữ gìn cẩn thận nhé.
– Anh nói giữ gìn sức khỏe à, ối mình còn lo chưa đầy đủ bằng tổ chức ấy. Em nghĩ dại giá mà đau thì thật khổ, không phục vụ được bộ đội, buồn và nhớ lắm!
– Giữ gìn nhiều mặt nữa kia…!
Hà dừng lại. Đàn bà hay linh cảm nhạy và thông minh lắm. Hà nhìn vào mắt Phong như để thăm dò, mỉm cười khiến Phong đỏ mặt: “Em hiểu anh nghĩ gì rồi. Đừng giấu em nữa nhé! Hai tuần nay không lên sư bộ cũng do đó phải không? Lúc nãy đồng chí gì trẻ trẻ trong tiểu đội anh nói hớ một chút là em hiểu ngay. Anh ghen phải không?”.
Phong thẹn quá, vui sướng nữa, bóp mạnh bàn tay mềm mại tròn trĩnh của Hà, nói nhỏ:
– Bậy nào! và cười ngượng nghịu, trong lòng tiêu tán hết bao nhiêu nỗi nghi ngờ tức tối vô lý vướng vít từ mấy tuần nay.
Hà tươi cười nói nhỏ: “Anh chán lắm! Thanh niên mà ghen quá… Hà định nói “ghen quá đàn bà” lại thôi.
Một chiếc xe ô tô vụt qua, trong xe có mấy chị bế con. Như sực nhớ điều gì, Hà nói nhỏ vào tai người yêu: “Không biết mai sau có con rồi thì còn làm được văn công nữa không? Phải thôi thì tiếc lắm…”.
Gió buổi mai lành lạnh. Sương và mưa phùn đọng trên ngọn cỏ thấm vào gấu quần hai người. Nắng xuân ấm áp vàng hỏe trên cánh đồng mạ chiêm xanh mơn mởn. Nắng chiếu vào chiếc quân hiệu trên mũ Hà lấp lánh, nắng hồng đôi má của Hà.
Không biết Hà đang nghĩ gì, riêng Phong rộn ràng niềm vui, mắt nhìn xa xa, óc mơ mang nghĩ đến những ngày mai nắng ấm.
Tháng 2.1957
HOÀNG DUY

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *