“Gà nước tìm nhau” của tác giả Bảo Thương kể với độc giả câu chuyện về ký ức chiến tranh vùng Nam Trung bộ với những chi tiết khốc liệt và những cuộc đời, những thân phận phụ nữ đáng thương. Nhân vật tôi – một người lính cộng sản nằm vùng đã chứng kiến cuộc sống của người dân ở đây. Anh trở thành con nuôi của má, một người phụ nữ kham khổ, một mình nuôi cô con gái tên Liên. Những lát cắt quá khứ, hiện tại đan xen khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn qua lòi kể của nhân vật chính. Sau cuộc chiến, má đi Mỹ theo người nhà nhưng được một thời gian, má lại về quê. Má không thể rời xa mảnh vườn, không thể rởi bỏ quê hương. Liên – con gái má sau những năm tháng dạy học, đã chọn chùa làm nơi cô nương tựa cửa Phật, sống lặng lẽ đến cuối đời. Câu chuyện gợi nỗi cảm thương bởi sự lặng lẽ, đơn chiếc, buồn buồn. Hình ảnh sân chùa vắng vẻ, tiếng chuông gõ mõ đều đều, Liên ngồi lặng trong bóng chiều…gợi nhiều niềm thương cảm về kiếp sống lặng lẽ, cô đơn. Mảnh đất ấy đã trở thành máu thịt của nhân vật tôi bởi cái tình người sâu đậm, chất phác, keo sơn, Làm sao anh không quay về khi một phần đời anh đã ở đó, hình ảnh má, Liên …luôn lẩn khuất trong tâm trí “Má định bảo, lần sau hè, đường xá xa xôi, thì thôi con không phải trở vào nữa, cái Liên nó đã lên chùa, chỉ còn má, về làm chi. Má nghĩ, anh về là vì Liên, nhưng má đâu biết, vùng đất này, mảnh vườn kia, cả tiếng cầu siêu đã ăn sâu vào hồn anh, đã bén rễ vào tim anh, để đi, dù cả nửa vòng trái đất, anh vẫn phải trở về. Bố mẹ anh ngoài Bắc mất từ lâu, căn nhà gỗ nhường cho người bác làm gian thờ. Một phần đời anh ở đó, nửa đời còn lại xuôi ngược muôn phương, có cả mảnh đất này giữ dấu chân, sao anh không trở về?”. Nỗi day dứt, thương nhớ về miền quê ấy và những người đàn bà lam lũ, hiền lành, với quá khứ đau thương bởi chiến tranh nhưng cũng ắp đầy tình nghĩa đã làm cho câu chuyện cảm động, chân thực, gợi nhiều suy nghĩ cho bạn đọc hôm nay…(Lời bình của BTV Vân Khánh)
“Sao má không đi?”.
“Má còn thương cây me mùa này không trổ nụ. Cây cũng như người, không ra trái ra hoa thì mới thương”.
Cái lí của người già bao giờ cũng vô lí thế, anh biết rồi lặng yên, nghe ngoài vườn tiếng chìa vôi kêu ran, tiếng chim sâu lích chích, những con sẻ chuyền từ cây na sang cây sấu, sang đến cành xoài. Thật khó ngủ. Anh nhìn những hạt nắng lấm tấm như người ta vảy bút vào sân, rơi từ tán ô môi xuống, nghĩ bâng quơ.
“Tại tiếng chim hả con?”. Má trở dậy lặng lẽ khép cửa đi ra ngoài. Rồi vòng cửa sau, má húi, má xua, má làm những động tác thật buồn cười của người già khi gân không còn cứng, xương đã mềm. “Sao má đuổi chim?”. “Để nó không quấy giấc ngủ của con”. “Trời, má!”. Anh kêu lên và nghĩ, má đâu biết anh sống bằng tiếng chim và hoài niệm, anh sống bằng khu vườn và những tán lá, tiếng chích chòe, chim sẻ, chim sâu, những bóng nắng và những vạt rêu xanh ngời ngọc bích trên nền gạch cũ. Đi qua thời gian, năm tháng, qua những bôn ba trắc trở của đời người anh lại thèm về nằm bên mảnh vườn má, nghe tiếng chim và nhìn những ánh nắng, ngửi mùi bồ kết, hoa cam, nhìn những bó đậu giống treo đầy trên gác bếp.
“Má đã sang Mĩ sao trở về?”.
“Má không về thì thương những mùa hoa không ra trái”.
Má thích nói bằng hình ảnh, nhưng anh biết má thương Liên, cũng như anh bao năm chỉ nhớ thương một mái tóc dài…
*
* *
Nhớ lại lúc ở phi trường, cô tiếp viên hàng không bảo anh, chú đi trên chuyến này nhiều lần, cháu vẫn nhớ. Anh bảo, tôi về nghỉ hưu rồi mới có nhiều thời gian thế. “Chú có bà con, họ hàng ở thành phố đó?”. “Gần như là vậy…”. Anh tránh ánh mắt dò xét của cô. Mà ánh mắt nào cũng vời vợi xa xăm như bầu trời nơi anh đang bay. Nó đánh thức đôi mắt Liên, gợi ánh nhìn của Liên xa xăm. “Anh cứ đi đi, em ở nhà khắc lo được”. Dù chưa khi nào anh nói lời hứa hẹn để ai phải đợi chờ, bước chân bao lần ngập ngừng nơi ngõ, từ ngày đường sá còn xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn. Những chuyến xe khách vẫn ròng rã lắc lư cả tuần để anh dừng lại ngôi nhà nơi có hàng rào râm bụt chạy dài tít tắp, có cây ô môi ở bờ ao, cây thị ở giếng nước, cây mít sau nhà, và hàng sầu riêng cuối ngõ…
Liên từng là cô giáo dạy văn lớp đệ nhị, đàn hay, hát giỏi, xinh đẹp nổi tiếng vùng này. Những cuốn giáo án vẫn còn trên giá, những quyển sách của chế độ cũ đã được cất đi, sau ngày bọn anh đến tiếp quản. Và chiều đó, gió gọi những cơn nắng, nắng gọi những con sóng, biển ầm ào làm giông tố nổi lên vần vũ, cơn biến thiên đất trời quật đổ những ngọn cây, làm nghiêng những tán dừa. Bà già chủ nhà cầm con dao màu xanh rạch sâu vào túi rồi lấy thứ bột trắng trong đó rắc vào mười bát canh, món ăn hấp dẫn sẽ được dùng đến đầu tiên của toán lính đói, sau một ngày lao động chống lũ giúp dân trở về.
“Làm gì? Đứng im”.
Anh hét, giơ súng lên. Cô con gái chạy hộc tốc từ ngoài vào, đứng sững giữa gian nhà, hai má tái đi, mắt trợn lên như thể ngày tận thế đã giáng xuống, bàn chân run như người đang rung những chiếc cây để chờ lá trút. Sau phút giây thảng thốt, cô quỳ xuống, ôm chân anh.
“Xin có giết thì giết tôi, tha cho má tôi. Là tôi bảo bả làm, tất cả là do tôi”. Anh hạ súng xuống với cái nhìn khinh bỉ và thất vọng. Chẳng lẽ đồng đội anh đã cảnh báo đúng, ngôi làng này một nửa theo bên kia, số còn lại vẫn lừng chừng chưa dứt khoát.
“Là má chồng tôi, xin các ông tha tội. Bả mất chồng ở trận Phú Bài, năm bảy mốt lại mất con ở Đường 9. Họ hàng đã di tản hết. Bả chỉ còn hai người ruột thịt. Xin các ông, có bắn thì bắn tôi, tha cho bả”.
Tiếng cô gái cất lên thống thiết vào buổi chiều muộn oi bức nóng nực khác thường làm động lòng anh, hai vai cô nhô lên rồi hạ xuống, chiếc áo chuyển động liên hồi, thổn thức làm anh cảm động bảo thôi được, tôi tha cho mẹ con bà. Nhưng chỉ cần có ý nghĩ đó lần nữa thì khẩu súng này sẽ không chừa mạng ai.
Hai người quỳ sụp dưới chân anh.
Sau rốt, anh không kể chuyện này với ai, kể cả Tùng, chính trị viên. Tiếng cô tiếp viên hàng không vang lên qua loa thông báo máy bay đang ổn định độ cao, nhắc hành khách thắt dây an toàn và không di chuyển khỏi chỗ.
Anh nhìn qua cửa sổ, những đám mây trôi bồng bềnh với đủ mọi hình khối và màu sắc, cảm giác với tay là vơ được khối nhẹ mềm tơi xốp đó, rồi để nó tan ra dưới tay mình. Những đám mây mang hình đàn cừu lớn lông trắng muốt lặng im, hiền lành, ngoan ngoãn, trong một cuộc trường chinh rong ruổi mà đất trời đã sắp đặt. Có đám mây giống hình mớ ruốc, rối tung, bồng bềnh, như được giã cầu kì bởi bàn tay người con gái đảm. Ánh nắng buổi chiều làm chúng ánh lên muôn sắc màu rực rỡ.
Thiên nhiên quả kì ảo, như con người vậy. Anh rướn cặp mắt xa xa, cố xuyên làn hơi sương, như những lần trước anh đã may mắn thấy. Máy bay cất cánh đúng bốn mươi phút hai mươi lăm giây là sẽ thấy. Nhiều lần bay đã giúp anh đo độ chính xác trên không bằng thời gian. Nếu như ngày ít mây và nắng ráo, anh sẽ gặp những cánh rừng sâm sẫm, bạt ngàn, mênh mông. Nếu bay ban đêm đã tưởng đang qua vùng biển, vì không một ánh đèn, rừng già nguyên sinh và hoang sơ bất tận.
Cánh rừng ngăn đôi ranh giới giữa Việt Nam và Lào. Bên kia còn nguyên màu xanh. Bên này rừng đã trọc hoáy. Vô tình rừng kẻ đường biên giới chuẩn chỉnh nhất.
Lần trở về trước má nhìn anh lắc đầu, má chịu bọn bây, có thứ cỏ cây nào sống một đời để cô độc đâu, nó đều có đôi, có bầy, có đàn cả, sao con người lại thế chứ. Anh bảo má đun cho nồi nước lá sả để ngâm chân, xông người và tắm rửa. Anh muốn mùi thơm bện vào cơ thể, quện vào hơi thở, để anh lên ngôi chùa gần đó, gặp ni cô tên Liên, đã lên chùa được vài năm. Và bao giờ mẩu đối thoại cũng vỏn vẹn có thế:
“A Di Đà Phật, tôi muốn lên đây nguyện cầu và sám hối để lòng thanh thản, để không băn khoăn những lụy phiền chốn trần gian. Nhưng đường đi nước bước thế nào còn chưa tỏ”.
“A Di Đà Phật, nhìn ngươi còn nặng kiếp người, phận nam nhi chưa trả hết tang bồng, phận làm con chưa trọn hiếu mẹ cha, phận công dân chưa tròn nghĩa vụ, không Phật giới nào dang tay. Xin hiểu cho…”.
Sân chùa, những đám rêu lên xanh biếc, màu xanh của thứ lá cây anh vẫn thấy trong rừng Trường Sơn, những sáng hè nắng non lên chiếu rạng ngời cánh rừng còn chưa kịp mở mắt, chưa qua một đợt đạn bom pháo kích. Màu xanh của những tán lá bồ đề, của cây bằng lăng, của ngọn si, và cả thảm hoa lạc tiên ánh vàng ngời ngợi trên sân chùa làm lòng anh thao thức. Những bức tường đã chết bởi đám rêu, những cây dại chen nhau làm nên màu nâu đỏ, gốc sa la xù xì như của người thợ chuyên cây giả làm, kì công trám xi rồi bôi lên một màu cũ kĩ. Sự trầm mặc cổ kính của bờ tường, hàng cây và những dãy hành lang tối dài hun hút “ngoại bế, nội thông” của ngôi chùa đã hàng trăm năm tuổi, giống lòng anh rối bời, lang mang như tơ vò, nhiều ngõ ngách.
*
* *
Vườn cây, chim về nhiều hơn, chúng không cho người ngủ cả ngày lẫn đêm. Má thở than với anh: “Mả chồng, má đã quy về cùng tổ tiên, chỉ mả con là chưa. Má xa nó chừng không đặng, lòng ruột như ai cào, ai xới. Không nhìn thấy nấm đất nhô lên, không nhìn thấy cây dừa và lạch nước, không nhìn thấy mái chùa, đâu phải người Việt. Chiến tranh qua đi thì về mà xây dựng, còn phải đi đâu. Từ ngày về đây má khỏe. Con Liên yên phận mà lên chùa chăng, phải chăng nó đã chọn, như thế đã vui lòng nó, chỉ còn bây…”.
Má nói xong nhìn ngọn dừa chao nắng, bờ kênh nước về đục đỏ, con gà kêu quác quác chạy hết doi đất, con bìm bịp kêu nhớ loài khắc khoải ngoài vòm sông. Bà già đã sang Mĩ sống cùng họ hàng lại trở về vì không thể thiếu được vị mắm và canh chua xứ này. Còn Liên?
“Sao Liên không đi hả má?”. “Nó bảo, nó nhớ bọn trẻ nên không thể xa được”. Liên đã trở lại làm cô giáo sau ngày giải phóng. Nhưng anh biết, đâu hẳn thế…
Anh nhớ những lần ngồi cùng Liên ngoài hiên gió, nghe tà áo nàng thổi bay vào nhau, nghe tiếng vuốt tóc của bàn tay ram ráp, ngửi mùi hương dừa từ thân thể nàng tỏa ra. “Tôi đi lần này có thể lâu mới về, má, tôi đã nhận má nuôi, em là… em tôi. Em đừng băn khoăn gì về tôi nữa cả”.
Anh định giơ tay vuốt tóc Liên mà không thể, chỉ lắng nghe lòng mình trũng sâu một đoạn, thăm thẳm như chiều hoang gió lạnh nơi bến sông gần biển này, thăm thẳm như lòng hang đá sâu giữa chiến trường lẫn vào cỏ dại cây cối, trong trận đánh huyết tử của một chiến dịch lớn anh bị thương và chui vào đó. Rồi cơn đau và những cơn mê làm anh lịm đi, khi tỉnh dậy thấy bóng áo rằn ri bên cạnh. Theo phản xạ anh bật người tìm súng.
“Nằm im, vết thương tôi đã băng bó rồi, lòi hết ổ bụng ra mà còn hăng máu thế. May, tôi là sinh viên y khoa, nên chú mày sống đó. Giờ thì băng bó cho người anh em nào”. Ba tiếng “người anh em” được người lính y khoa sinh viên cố tình nhấn mạnh. “Không biết, tôi sẽ chỉ cho. Là chỗ hở nằm sau bả vai, tôi không thể nào tự băng bó được”. Anh nhìn sang, máu chảy ướt đẫm chiếc áo đã được hắn cởi vứt ra, cuộn băng trắng, máu đã thấm ướt hết. Chiếc hang hẹp, người vào khó, ra càng khó, vũ khí của hai thằng đều rơi cả ngoài kia trong cơn chạy trốn lùng sục của đối phương.
Anh băng bó, người lính bên kia kinh ngạc thốt lên. “Chú mày cũng giỏi đấy chứ, lính Bắc Việt ai cũng thế à?”. Anh gật đầu đầy kiêu hãnh, mà không dám thừa nhận, tao cũng là thằng sinh viên y khoa miền Bắc vào chiến trường. Trong một trận đánh, cả đại đội gần như xóa sổ, chỉ còn một anh nuôi, hai y tá, hai tay thông tin, trong cơn chớp nhoáng của nhiệm vụ, mọi người đã cử anh làm chỉ huy tiếp tục trận đánh. Và anh chỉ huy cừ đến nỗi chỉ năm người mà tiêu diệt được hai xe bọc thép cùng mấy chục tên lính Đại Hàn. Anh được ra Bắc báo công. Trở vào, được làm tiểu đội trưởng, ngày tiếp quản mảnh đất này, anh đang nắm cương vị đại đội trưởng…
Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống thành phố ven biển Nam Trung Bộ. Cô tiếp viên hàng không đã nhắc hành khách thắt dây an toàn cẩn thận, không được di chuyển. Anh nhìn ra cửa sổ, ráng chiều đã đỏ ối đằng tây, mặt trăng từ từ trôi đi cùng sóng mây. Chưa bao giờ anh thấy trăng và người gần nhau như thế.
Dù anh đã đưa má trở lại khu rừng đó nhiều lần, tìm từng hốc đá, bụi cây, song không thể nào tìm thấy. Anh nghĩ mình mơ, nhưng không phải, túi bọc dao bằng da màu xanh có chữ “Thanh Toàn” vẫn nằm trên tay anh, trùng khít với dòng chữ ở chuôi con dao người đàn bà đã cầm để cắt gói bột trắng là thứ thuốc độc người Mĩ vẫn dùng cho tù binh. Dòng chữ ở chuôi con dao, trùng khít với dòng chữ ở chiếc vỏ bọc dao bằng da anh đang cầm, là di vật của người lính phía bên kia nằm cùng anh trong hang đá, đã chết trong một cơn ngủ dài dù anh đã cố băng bó vết thương. Tấm ảnh anh tìm được trong ba lô người lính cũng trùng khít với tấm ảnh vô tình anh nhìn thấy trong cuốn sổ lưu niệm của người vợ đặt trên giá sách.
Lần nào anh về má cũng kho một nồi cá sặt đầy. Màu cánh gián đã lên vàng ruộm, quện vào thân cá. “Là món thằng Toàn thích nhất ngày xưa”. “Má đừng nói chuyện xưa nữa nha”. Câu nhắc nhở nhẹ nhàng của con dâu làm má khựng lại. Nhưng rồi má vẫn kể tiếp, vẫn câu chuyện cũ, chẳng hơn. “Ngày đó má bị đau ruột thừa, không có con phanh thây ra mổ thì má cũng chết rồi. Ruột đã sắp vỡ. Bốn bề là lũ dâng, biết đi đâu. Con đun nước sôi, khử trùng dao… Má đâu biết bộ đội giải phóng làm chỉ huy mà lại mổ được bụng má. Má đâu dám nghĩ, người ta vẫn còn giúp má khi má phạm sai lầm lớn…”.
Má nói đến đó thì lặng nhìn con gió ngoài đồng chiều thổi vào mang theo cả mùi đòng đòng chửa. Lúa lên thơm ngát, mọi vật đều sinh sôi và đổi thay. Con người cũng thế, đang tái sinh. Chỉ thời gian sau, vết thương của má đã lành, má bảo do con tài, anh lại bảo, da má lành quá má ơi. Con dao mổ ngày đó anh vẫn giữ, nằm bên cạnh con dao có chuôi màu xanh khắc chim và chữ. Có lần anh lấy vỏ bao chụp vào con dao mổ nó cũng vừa in…
Từ Liên, từ má, anh bỗng nhớ da diết ngôi làng Thổ Hà của mình ngoài Bắc, có bến nước, gốc đa, mái đình và cổng làng. Đêm trăng thanh gái trai tụ hội hát hò. Bên kia sông là làng Vạn Phúc, hai làng giao duyên qua một khúc sông Cầu. Tình yêu của anh cũng nảy mầm với cô gái làng bên, tên Hiến.
“Anh đi rồi anh lại về nhé”.
Những cánh thư về đi trong gần mười năm xa cách, để thời gian sau mẹ anh bảo, Hiến đã sang sông, con cũng cần thông cảm. Anh hiểu điều đó hơn ai hết, chỉ thương cánh cổng làng đứng chơ vơ còn khắc tên hai đứa, thương cây đa mùa bão gió quật mình bên giếng nước làm cong cả mái đình, làm chùng cả lời ca quan họ: Đêm hôm qua mình tôi nhớ bạn, linh tính lính tình tinh, này a có a tôi buồn…
Làng anh những ngõ dài hun hút, kéo từ chân đê ra trục đường chính và bao giờ cũng dẫn về bến nước, người trong làng làm nghề gốm, rồi bánh đa, bánh tráng. Từng phên bánh được xếp từ cổng làng, dọc bờ sông, chật các lối đi. Tiếng xèo xèo của lửa trên những cục than hồng làm cong mềm thân bánh rồi nó cứng lại và thơm phức. Hiến vẫn dẫn con về làng nhưng anh đâu có thấy. Anh chỉ thấy ngôi làng vùng biển có hàng dừa già và sa kê, có rặng cà na và tiếng con chim cuốc, có tiếng gà nước nép mình vào những bụi bờ cất lên những tiếng kêu đau vào những chiều, như ánh mắt hun hút của Liên nhìn anh.
“Đừng nghĩ gì, em đã chọn lối sống này”.
Liên chọn hay anh chọn?
Những đêm trăng xưa nơi làng quê, bố anh vẫn ngồi bên ống điếu, hút cho đến tàn canh. Ngoài bến nước, tiếng người gánh nước đã về qua các ngõ, đoàn quan họ đã tan từ nửa đêm, bố vẫn ngồi thả khói vào mặt sông. Là bố nghĩ đến người con gái có mái tóc uốn quăn, môi hồng, nét mày đen đậm, mắt tròn trong, nụ cười hiền như khói. Bố cất kĩ bức ảnh ở đáy hòm, thỉnh thoảng có ngày giở ra xem khi mẹ đã đi nằm cùng chị Chiến.
Mẹ anh, ngày đi gánh nước thuê cho những lò gốm, đêm về tranh thủ tráng bánh đa, mẹ đâu biết nỗi buồn u uẩn của bố. Lời của mẹ với anh trước lúc chết cứ văng vẳng, rõ ràng, mạch lạc. Nó không giống với lời trăng trối của người sắp từ giã cõi trần này. Nó như sự thấu hiểu, cũng như sự kìm nén bao năm giờ bung ra lần cuối.
“U là con nông dân, thầy mày là con địa chủ, nhưng địa chủ yêu nước. U không biết chữ, thầy mày trước khi đi kháng chiến đã làm thầy đồ, rồi lên thành phố làm thầy giáo Tây, chữ Tây và Tàu thuộc cả. Chiến dịch nổ ra, thầy lên chiến khu Việt Bắc, trước đó đã kịp yêu cô con gái nhà tư sản, nhưng ông nội bắt bằng được về quê lấy vợ cho lí lịch trong sạch để còn phấn đấu chuyện nước non. Và có phải nhờ u không mà thầy hết ở Trung ương rồi lại về Chính phủ. Âu đàn ông cũng cần lo việc lớn trước chuyện tình riêng con ạ”.
Hàng cúc tần ngoài ngõ đã đứng im, mùi hăng hăng lẫn mùi nóng ẩm của đêm hè vẩn lên cùng đất cát. Từng vệt đỏ của ống nõ điếu cày vẫn bay lên cùng khói lẫn với màu lam của bầu trời khi chuyển từ đêm sang ngày, cây cối đã cắt những hình rõ rệt hơn trên mặt đất. Bố tưởng mẹ không biết, mẹ thì nghĩ bố không muốn cho bà biết. Tiếng chó sủa vẫn hoang ngoài đồng trống, tiếng ếch nhái râm ran từ những đám ruộng cày ải đợi ngấu thân rạ bay vào. Ông ngồi ngậm cả hừng đông vào ánh mắt…
*
* *
Có lần máy bay chở anh bay qua một vùng trời trăng, những cánh đồng mây được trăng chiếu vào bát ngát. Mây xây lùm cây, bụi cỏ, mây xây những ngôi nhà, mây cho con người vờn xa của sự tưởng tượng bay về những miền không gian thăm thẳm, xa ngái như tiếng bìm bịp kêu than, tiếng côn trùng ỉ ôi… Anh nghe từ trong mây cả tiếng vạc kêu sương bay choác qua bầu trời, tiếng kêu lẻ bầy xé gió, độc âm mà vang dội, vác… vác… vác. Nó sẽ bay qua khu vườn của má, một nhà thờ xóm đạo, đi hết ngôi trường nơi Liên dạy học xưa, đậu vào vòm cong mái nâu uốn khúc của kiến trúc cổ ngôi chùa có từ ngày mở đất.
Hằng đêm anh nằm trong ngôi nhà đó, mở rộng buồn nhớ, anh lắng nghe. Trong không gian tĩnh mịch, anh nghe cả tiếng gà nước, con đực và con cái gọi nhau, tiếng kêu chưa bao giờ lẻ bầy mà lại như muốn chia cắt, hòa âm mà đơn lẻ, đồng điệu mà li xa.
Lần anh bị địch bắt trong một trận đánh ở cánh rừng ngập nước, chúng tra hỏi đánh đập, máu ứa ra tràn môi. Anh nằm nghe tiếng gà nước kêu. Anh nằm nghe tiếng dế giun than. Kỉ niệm tuổi thơ như liều thuốc an thần làm anh bớt đớn đau.
“Đừng khai gì cả đồng chí ơi”.
Tiếng thủ thỉ như gọi bầy làm lòng anh mang mang chút xao xuyến. Tiếng nói và thở trong cơn đau rên phía góc phòng gần cửa sổ nhìn ra một khoảng đồng trống không hiu quạnh. Đôi gà nước vẫn tìm nhau ở đó hoặc đã dắt nhau đi trốn. Gà nước không sống cùng bầy, nó chưa khi nào cần đàn, nó chỉ cần đôi và tìm nơi hoang vắng cỏ lên ngập lút để trú chân và sinh nở, tìm đến chỗ có bờ cây, bụi cỏ, gốc rạ để tự tình, và ấp trứng. Như những người nông dân quê anh, lấy nhau thành đôi rồi tìm đến đồi xa, ruộng vắng, bãi bờ, bến sông, làm chòi, dựng nhà, sống cuộc đời lầm lũi của lứa đôi, chồng câu, vợ cấy, rồi sinh con, đẻ cái, nửa đời cũng chẳng rời bến lên bờ, lũ trẻ lớn lên rồi đi xa, bố mẹ chúng vẫn cả đời ở lại. Có thể sẽ như anh và Hiến, có thể như Liên và Toàn, nếu không có chiến tranh…
“Đồng chí ở đơn vị nào, đóng ở đâu?”.
Đến câu này thì anh nhớ con chim mồi, nó bị khâu mắt, tiếng kêu thảm thương nhưng là mồi dụ. Con cò có thể bị thế khi không nhìn thấy, con cuốc có thể bị vậy khi người ta bắt phải kêu, con gà nước này tự kêu tiếng giả lừa đồng loại.
Những trận đòn thù tiếp tục giáng xuống. Không khai này, thằng Lương Khánh đại đội trưởng chứ ai, được treo thưởng cả trăm ngàn đô, biệt danh Lợn lòi bất trị, rồi sẽ có ngày sa lưới, tưởng chúng ông không biết à. Anh cười khẩy, thì ra chúng mày có trong tay Lợn lòi mà cũng đành bất lực.
Con gà nước dụ bầy đã rời đi, âm thanh thật vẫn cất lên ngoài sông vắng, tiếng kêu gợi tình mà tang thương, tiếng kêu vọng hoài mà quyến rũ, nó được sống kiếp của mình hạnh phúc nhất và tự do.
Đến ngày thứ mười chúng đành đưa anh lên trực thăng ra Côn Đảo. Con Lợn lòi bất trị đã dùng những chiếc răng nanh sắc nhọn cắn đứt mấy vòng dây dù, lao mình vào khoảng không tối thẳm phía bờ xa mà đôi vợ chồng gà nước đang tìm nhau…
Máy bay đã hạ cánh xuống sân bay. Những câu chuyện của quá khứ đã dẫn anh về xóm nhỏ. Đi qua một dòng kênh, qua đoạn đường ngoằn ngoèo hai bên mọc toàn thủy liễu sẽ đến nhà. Tiếng chuông chùa ngân vang. Anh lắng tai nghe âm thanh của nó lọt vào vườn cây. Mọi vật đã ngủ yên chỉ còn giun dế thức.
Anh nhìn ra rặng dừa xiêm, lá vươn về phía trăng, rời rợi ánh sáng tỏa vào tàu làm nên màu lấp lóa.
Lần về trước nữa, má kéo chiếc chăn đắp người anh bảo: “Gió nghịch mùa sẽ làm con người dễ ốm. Ở tuổi má, ốm một trận biết đâu là phước, trời cho đi ngay lại thành mát mẻ như ngọn gió ngoài kia. Ở tuổi con…”. Má dừng lại… Cái dốc nào rồi cũng đến bên kia, anh biết, con đường nào rồi cũng dẫn về đoạn cuối, anh hiểu. Anh lắng nghe trong gió, thấy xôn xao nơi lòng mình những cắc cớ, nhớ mong, cả những niềm ân hận day dứt, những mâu thuẫn, mà có khi cả cuộc đời con người vẫn tự hỏi, thế nào tốt hơn, hay chỉ biết, chết rồi sẽ hết mà thôi.
Tiếng chuông chùa vẫn dội vào tầng tầng lá thắm, gió ngoài vườn vẫn đu đu điệu buồn, một quả na nào vừa kịp mở mắt, rồi nó sẽ già đi và rụng xuống, trái dừa nào rơi bịch từ cành cao, tiếng kinh cầu siêu lan sâu của một ngày tháng bảy mưa âm u, rắc những hạt dày vào con ngõ. Má cứ trở mình rồi lại lặng im, rồi lại trở mình. “Lần sau hè, lần sau hè…”. Má định bảo, lần sau hè, đường sá xa xôi, thì thôi con không phải trở vào nữa, cái Liên nó đã lên chùa, chỉ còn má, về làm chi. Má nghĩ, anh về là vì Liên, nhưng má đâu biết, vùng đất này, mảnh vườn kia, cả tiếng cầu siêu đã ăn sâu vào hồn anh, đã bén rễ vào tim anh, để đi, dù cả nửa vòng trái đất, anh vẫn phải trở về. Bố mẹ anh ngoài Bắc mất từ lâu, căn nhà gỗ nhường cho người bác làm gian thờ. Một phần đời anh ở đó, nửa đời còn lại xuôi ngược muôn phương, có cả mảnh đất này giữ dấu chân, sao anh không trở về?
Má nằm yên chút rồi bảo: “Mai lên chùa cùng má cầu siêu nghe con”.
Tiếng con gà nước vẫn kêu ở ngoài đầm vắng, vài chiếc lá bị gió thổi chao vào phía anh nằm, trăng đã chếch mái nhà chín mươi độ, tinh tinh, tiếng nguyện cầu từ quả chuông nhỏ vào cả đến chỗ anh.
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen…
Sân chùa vẫn vắng thế, cây sứ cạnh tam bảo đã nở những đóa vô thường đưa hương vào khắp chốn, những lá bàng vàng ruộm, khô cong trải đầy trên lối đi như người ta đặt những chiếc bánh đa vừng bé nhỏ trên thảm cỏ khô, mỗi đợt gió về làm nó ưỡn cong và chuyển động…
*
* *
Vắng má, khu vườn thành hoang tích, nhưng chim về nhiều hơn, quả rụng nhiều hơn, bóng nắng nhiều hơn, và màu xanh càng như vô tận.
Anh lấy chút thóc thừa rắc ra ngoài hiên vắng, như má vẫn làm ngày còn ở đợ trần gian, cho chim nhớ đường về, cá nhờ thế cũng nhớ lối bơi vào sông, người không cần thế, mà người neo vào nhau nhờ tấm lòng.
Ngày mai anh lại lên chùa nghe kinh siêu độ.
Tháng bảy này về, gà nước vẫn tìm nhau…
B.T