Bài nổi bật

Cửa phật hoa mai nở – Hoàng Thế Sinh

Sớm mai.
Mặt trời ngự chót đỉnh núi Nản, tỏa nắng vàng khắp triền sông Thao, dòng sông lấp lánh. Xách chiếc làn nhựa đựng đầy hoa, quả, vàng, hương, Mai Xưa áo dài trắng, khoác ngoài chiếc ghilê len ngắn màu mận chín, eo thon mềm, bước chậm trên từng bậc thềm, lên chùa Bách La. Ba trăm linh chín bậc đá. Bậc thềm thứ ba trăm linh chín, nàng ngẩng lên, nhìn đăm đắm cây mai cổ thụ gốc to xù vươn bảy nhánh gầy, sum suê hoa nở trắng ngần. Và tự nhiên trái tim nàng đập rộn lên, đập mạnh mẽ như hồi thanh xuân.
Dừng chân một lúc, tháo giày, nàng bước nhẹ vào cửa chùa. Chú tiểu nhỏ xinh, để tóc trái đào cùng sư cô Đàm Thủy nâu sồng chắp tay vái nàng, rồi đỡ làn nhựa, dẫn nàng vào điện thờ, dâng hoa, quả, vàng, hương lên mâm son. Sư cô Đàm Thủy và chú tiểu ý tứ lui ra ngoài. Nàng rút ba thẻ hương đặt vào ngọn lửa nến, một lúc, khói hương tỏa thơm nồng. Nàng quì xuống chiếu, hai tay dâng hương, cúi đầu khấn nôm: “Nam mô A Di Đà Phật! Hôm nay ngày Rằm tháng Giêng, tín chủ con là Đào Mai Xưa, ngụ tại Số nhà 505, phố Công Sứ, thành phố Mã Sơn. Con thành tâm có lời mời các Thánh, Thần, Đức Phật về thụ hưởng lễ mọn và phù hộ cho con được mạnh khỏe, luôn bình an trong cõi trần gian sung sướng, cũng đầy gian truân này!”… Nàng đứng dậy, kính cẩn cắm hương lên điện thờ, rồi lại ngồi xuống chiếu, tọa Thiền, khép nhẹ hàng mi. Khói hương tỏa thơm nồng nàn giữa không gian tịch mịch. Thẳm xuống đáy lòng những thổn thức xa vời. Nàng cầu mong Phật ban cho sự bình yên. Mà sao lòng nàng cứ thổn thức. Xa vời những ký ức mờ tỏ, day dứt trái tim nàng. Nhạt nhòa một ngày tháng Giêng năm nào, trời tím tái, se lạnh, nàng theo chàng lính biên phòng về thăm nhà chàng nơi phố nhỏ ven sông Thao xanh ngút bãi ngô non, mênh mang nắng vàng cát trắng, nâu lịm ngấn phù sa. Mẹ chàng thon thón ra ngõ đón chàng và nàng, cười tươi, miệng tíu tít, ôi con trai yêu quí của mẹ, cả cô nữa, quí hóa quá! Vào nhà, bên bộ salon gỗ mộc, mẹ tất tả pha trà, nhìn chằm chặp vào nàng, mời. Một lúc, mẹ kéo chàng vào buồng, nghe thì thầm, giọng ồm, thưa mẹ, cô gái là bác sĩ, người yêu của con đấy. Giọng chua thé, thế ư, mà sao, mẹ thấy ngại, cô ta mặt hoa da phấn, môi thắm hoa đào, mắt phượng mày ngài ướt long lanh, là gái đa tình, đĩ thõa lắm, mai kia á, nếu là vợ thì cô ta sẽ cắm biết bao nhiêu cái sừng lên đầu con, rồi chết rũ đời, con ơ-ơ-ơi! Giọng ồm, ơ mẹ, mới gặp cô ấy lần đầu mà mẹ đã… Giọng chua thé, thôi thôi, để mẹ bảo với bố mày rằng không có dạm ngõ mới hỏi han gì sất nhá, thôi, là thôi hẳn, nghe chưa, con trai. Thế là thôi hết mọi chuyện nàng với chàng. Nàng thầm nghĩ, đàn bà với nhau sao mà cay nghiệt! Nàng lặng lẽ trở về, ra khỏi ngõ còn ngoái nhìn chàng lính biên phòng quân phục xanh đứng lặng như hóa đá đầu ngõ, nàng bước thập thõm trên bãi cát dài, con đò ngang ghếch mũi nằm lặng bến sông, bỗng trở gió vi vút, gió lạnh, và mưa bụi, mưa bay bay giăng giăng mờ bến bãi, trái tim nàng đau nhói. Nàng trở về, sống trầm lặng, cô đơn. Nhưng nàng lại bộn bề công việc hàng ngày của một bác sĩ sản khoa, chuyên mổ đẻ. Ới lạ, ngày nay con người khôn hẳn bởi sự tiến bộ của tri thức nhân loại, đã văn minh gấp bội, thế mà bao nhiêu cặp vợ chồng lúc sắp sinh con đều đi xem bói, xem ngày giờ để sinh con ra sau này có một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc. Bỗng nhiên, không chỉ nàng mà bao nhiêu bác sĩ sản khoa trên đất nước này trở thành bác sĩ không thời gian. Ấy là vì các sản phụ sinh con đều đã định giờ theo thầy bói, giờ vàng, giờ ngọc đấy, bác sĩ mổ cứ gọi là toát mồ hôi hột, mổ, mổ, mổ, cầm dao mỏi nhừ từng đốt ngón tay. Cả ngàn vạn bé ra đời, mẹ bé hạnh phúc vô bờ, bác sĩ sản khoa như Mai Xưa cũng âm thầm hạnh phúc. Vào Xuân năm 1985, một hôm, vô cùng bất ngờ, là chuyện nàng mổ đẻ cho một sản phụ đẻ lần đầu do một chàng lính trẻ bế từ xe tải vào thẳng khoa sản. Chàng lính trẻ luống cuống, ríu ríu, trăm sự nhờ bác sĩ, tôi phải đi rồi, cùng đồng đội lên biên giới, tận Hà Giang kia. Nàng tròn mắt nhìn chàng lính trẻ quân phục màu cỏ nhàu nhĩ, trên mũ rực rỡ sao vàng, khuôn mặt vuông vức, đôi mắt sáng rực, rưng rưng ngấn nước dài trên má, hai tay khoanh trước ngực, hơi cúi đầu như học trò trước cô giáo mỗi khi có lỗi. Nàng chưa kịp hỏi điều gì thì chàng lính trẻ đã ào ra đường, nhảy lên xe, nhập vào màu cỏ đồng đội, chiếc xe nổ máy rầm rầm, vù đi như giông bão. Khổ nỗi, ngay sau đấy, bác sĩ chỉ cứu được bé gái, còn mẹ cháu ra đi mà không để lại một thông tin gì về tên tuổi, quê quán. Cả cơ quan tìm cách liên hệ với những người lính chiến đấu ở Hà Giang, nhưng không ai biết gì về chàng lính trẻ kia. Thế là Mai Xưa nhận nuôi bé, đặt tên là Đào Mai Thương. Mẹ Mai Xưa nuôi bé Mai Thương bằng sữa bò và sữa xin của các bà mẹ nằm đẻ trong khoa sản. Việc nuôi con mọn đối với người phụ nữ chưa qua một lần yêu, chưa một lần biết sinh nở như nàng thì thật là vất vả. Ở cơ quan, nào trực ca, họp khoa, hội chẩn, mổ. Về nhà, nào đường, sữa, bột, tã lót. Quên cả mệt. Nhìn bé gái lớn lên từng ngày, nước da hồng tươi, tóc đen mượt, mắt bồ câu sáng long lanh, mũi dài thẳng, đôi môi tươi hồng mím mím, miệng a ơ, hai tay quơ quơ quàng vào vai mẹ, nàng cảm thấy sung sướng vô cùng. Mỗi đêm nằm ôm ấp con trong vòng tay, hơi ấm mẹ con hòa quyện khiến nàng chảy nước mắt, nghĩ thương người mẹ xấu số của bé. Thương bé, mấy tháng qua, nàng dò hỏi mãi qua những người lính biên giới Hà Giang mà vẫn không thể nào tìm ra manh mối về cha của bé. Một hôm, cũng vô cùng bất ngờ, đang ngồi cửa ôm bé ru cho nó ngủ thì nàng nhận được một lá thư đã bị rách, bị cháy nham nhở cùng với một cây mai bảy nhánh từ tay một người lính già. Ông chăm chắm nhìn nàng, rưng rưng khóe mắt, giọng trầm buồn: “Anh ấy bị thương rất nặng, đã đưa về bệnh viện quân đội!”, rồi ông lại hối hả ra xe, mịt mù cát bụi. Nàng run run mở thư, trời ơi, thư bị đạn bắn lỗ chỗ, bị cháy lem nhem, chẳng còn rõ mấy dòng, chỉ còn chữ đầu thư ghi: Vị Xuyên… năm 1985, cuối thư chỉ còn chữ “Như Đin” bên dưới chữ ký loằng ngoằng, không rõ họ gì, địa chỉ ghi: Tiểu đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, không còn rõ trung đoàn và sư đoàn nào nữa. Nàng cầm lá thư ấp vào ngực, thổn thức. Nàng bật khóc nức nở. Cảm thương chàng lính trẻ, nàng càng thương bé Mai Thương. Hôm sau, nàng địu bé Mai Thương, xách làn hoa quả, vàng, hương cùng với cây mai lên chùa Bách La. Sư cô Đàm Thủy dẫn nàng vào chùa thắp hương vái Phật chứng giám và phù hộ cho mẹ con nàng, rồi nàng xin được trồng cây mai trước cửa chùa. Mùa xuân, cây mai tuy gầy guộc nhưng bảy nhánh đều lấm tấm xanh búp lá. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bé Thương lớn nhanh, càng xinh. Nàng chúm môi, dạy bé gọi “mẹ ơi!”, một lúc, bé cũng chúm môi bắt chước mẹ gọi: “mẹ ơ-ơ-ơi”, giọng hơi ngọng nhưng êm nhẹ, ngọt ngào mùi sữa, nghe rực cả người, sướng lắm. Nhiều đêm nàng ngồi ngắm bé ngủ ngon lành, giống như một Thiên thần mà trời ban cho nàng, tự nhiên lòng xao động. Nàng nảy ý định làm thơ về bé. Nàng lấy giấy bút, hí hoáy viết, gì nhỉ, a, phải rồi, là Thiên thần của mẹ, từng con chữ hiện ra trên trang giấy trắng như trong giấc mơ: “Bé Thương của mẹ/ Đẹp như Thiên thần/ Ngủ ngoan gối êm/ Nằm mơ thấy bố/ Đánh giặc biên cương/ Mai ngày hết giặc/ Bố về với Thương/”… Sung sướng, nàng đem bài thơ viết tay đặt dưới gối bé Thương. Và nàng cũng ngả lưng nằm ôm bé, thổn thức mãi mới ngủ lịm. Sau đấy, mỗi ngày đi làm về, cho bé ăn, ru cho bé ngủ ngon rồi, nàng lại ngồi tới khuya làm thơ, không chỉ làm thơ cho bé Thương, mà làm thơ cho chính nàng nữa. Những bài thơ như Yêu con, Cô đơn, Niền vui bất tận, Nỗi buồn muôn thuở, Rừng xanh hoa nở, Ghét chiến tranh, Sao anh không về, Mùa hoa ban, Nghề y hạnh phúc, và nhiều bài nữa. Cầm từng bài thơ, ngắm nghía nét chữ run rẩy, nàng đọc đi đọc lại đến thuộc lòng thơ của mình, có lúc ngân nga thành lời ru cho bé Thương ngủ. Và nàng ngẫm nghĩ mãi về thơ. Ư, hay thật đấy, thơ hình như là một chân trời khác, một tâm hồn khác, rất mới lạ, rất duyên, rất tình, thơ chia sẻ nỗi vui buồn, niềm khát khao trong lòng nàng, thơ dắt nàng bay lên bầu trời xanh thẳm, ở đấy ngày mặt trời rực rỡ, đêm trăng sao lấp lánh, thơ dẫn nàng vào núi xa rừng thẳm, ở đấy rừng cây xanh ngút ngàn, nước suối chảy rì rào, chim sơn ca hót ríu ran, và chao ôi, hoa rừng tỏa hương thơm ngào ngạt…, gì nữa, a, còn nhiều điều kỳ bí trong thơ, mê lạ lùng. Và nàng giấu đồng nghiệp, lặng lẽ gửi thơ cho Tạp chí Văn nghệ FanSiPăng, lấy bút danh Xưa Thương. Thơ khá hay nên Tạp chí Văn nghệ in liền liền, tên tuổi Xưa Thương lấp lánh trên văn đàn Thành phố Mã Sơn, nhưng không mấy ai biết được tên thật của tác giả những bài thơ kia. Tò mò lắm. May mà có các cuộc họp mặt cộng tác viên, văn nghệ sĩ Thành phố Mã Sơn mới biết chắc tác giả Xưa Thương là ai. Vui thật đấy! Bởi làng văn nghệ có thêm một nữ thi sĩ là bác sĩ. Nàng chẳng thể giấu thân phận mình được nữa. Thế là nhiều chàng dòm ngó. Thì thào to nhỏ. A, nàng xinh tệ! A, nàng không chỉ là bác sĩ thường đâu nhé, mà còn là Tiến sĩ Y khoa nữa kia. Mà hình như nàng chưa có chồng nhưng lại có một đứa con gái. Sao nhỉ? Dù thế, nàng vẫn “cành cao” lắm. Mặc cành cao! Nàng xinh đẹp, trẻ trung, là thi sĩ, thấy thích, thế thôi. Nhiều nhiều bạn đồng nghiệp, bạn đọc, nhất là các chàng nghệ sĩ, nào họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhà thơ nữa, thư cho nàng, tìm đến nàng, bắt quen với nàng, và không ít chàng muốn tỏ tình với nàng. Nàng cũng thấy vui, kiêu hãnh, cảm giác bớt cô đơn.

 Nhớ mãi, một đêm trăng tỏ, chàng thi sĩ họ Lồ đến chơi nhà nàng. Chàng thi sĩ bước lơi phơi, nồng nặc mùi rượu. Gửi bé Thương sang hàng xóm, nàng tiếp chàng thi sĩ họ Lồ đến nửa đêm, chủ yếu ngồi nghe chàng đọc thơ tình của chính chàng bằng cái giọng bốc lửa. Đọc xong thơ mình, chàng cúi đầu trước nàng, giọng tâng tâng nịnh nàng rằng, một ngày nào đó thơ của nàng cũng sẽ cùng trang với những Puskin, Tago, Êxênhin, Onga Becgon, lẫy lừng thế giới. Ô kìa, sao chàng nhìn nàng lạ thế, ánh mắt long lanh nhìn nàng mơn man như vuốt ve như muốn uống ực giọt sương trong lành. Và đột nhiên chàng quàng tay qua vai nàng, cười hí hớn, nói ráo hoảnh: “Cho anh xin cái hôn!”, nàng hãi quá, chộp vội tập thơ chàng vừa tặng áp chặt vào mặt làm bức tường ngăn cách. Thấy tẽn, chàng buông tay, ngồi thừ một lúc, rồi về. Năm sau chàng thi sĩ họ Lồ chuyển công tác về Báo Văn Văn tận thủ đô, từ đấy hình như chàng ngại, không liên lạc với nàng nữa. Tiếp đến, chàng nhạc sĩ họ Quách, thường bất chợt đeo đàn ghi ta đến nhà nàng. Ngồi khuya rồi mà chàng cứ gảy đàn phừng phừng, nghêu ngao, í a, đồ rê mi pha son, hết Chiều biên giới em ơi, Bài ca gửi noọng, đến Bèo dạt mây trôi…, rồi chàng vung tay chém gió, bảo sẽ phổ nhạc nhiều bài thơ của nàng, sẽ phát trên sóng phát thanh, sẽ phát trên đài truyền hình, sẽ khiến cho tên tuổi nàng vang lừng cả nền âm nhạc nước nhà, sướng! Vài đêm, nhiều đêm như thế, và nhiều lần như thế, mãi, vẫn chẳng thấy bài thơ nào của nàng được phổ nhạc. Một tối, chàng mím môi gảy đàn phừng phừng, chợt bé Thương thức dậy, nó chưa rõ tiếng gì phừng phừng, nghe hãi, liền khóc thét, nhào vào lòng mẹ. Chàng nhạc sĩ họ Quách dừng đàn, ngơ ngác nhìn mẹ con nàng ôm nhau, chột dạ, chàng khoác đàn, bỏ về. Từ đó chàng có đến nhà nàng cũng chỉ thoảng qua, lấy lệ thôi. Còn chàng khảo cổ họ Lử qua ngũ tuần, chưa vợ, hiện công tác ở Nhà bảo tàng thành phố Mã Sơn thì mê nàng ra mặt. Thường lệ, chiều thứ bảy nào chàng cũng đến nhà nàng, buồn cười là, nhiều lần đạp chiếc xe tồng tộc đến cửa chỉ để nhìn thấy bóng dáng nàng, phút giây, rồi lại chúi chúi đạp xe về. Hình như chàng tự ti vì cảm giác mình không xứng với nàng – người đẹp, thơ hay. Nhiều tuổi, chàng hơi thấp bé, đầu tóc lưa thưa, râu ria lờ phờ, mắt lấp láy, miệng lúc nào cũng chúm chúm như ngậm kẹo. Chàng khảo cổ họ Lử cũng là cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ FanSiPăng, người thường viết kịch ngắn cho bà con tổ dân phố diễn nhân những ngày lễ tết, chàng cũng làm thơ, chủ yếu là thơ tự do, rất giản dị, thoải mái câu chữ ngắn dài, lên xuống gập ghềnh, trúc trắc, phè phè, ấy là lý do chàng đến chơi nhà nàng. Ngày đầu gặp gỡ riêng tư, chàng khảo cổ ngồi lặng, hình như chàng muốn thổ lộ điều gì tâm huyết với nàng, mà không thể nói nên lời, thỉnh thoảng nhìn trộm nàng, nghĩ mãi vẫn chưa biết bắt đầu thế nào, chợt nghe tiếng chim khiếu hót líu ríu đâu đó, chàng liền hỏi, nhà thơ Xưa Thương nuôi chim khiếu à? Nàng lắc đầu, chim của hàng xóm đấy! Chàng thật lòng bảo, nhà thơ Xưa Thương thích chim khiếu thì hôm nào mình tặng cho một con chim thật đẹp, hót thật hay nhé! Nàng cười, bảo, em bận lắm, chẳng có thời gian chơi chim đâu! Chàng lúng búng, ừ nhỉ, bác sĩ mổ đẻ thì bận thật rồi, thế có thích chơi hoa phong lan không? Nàng bảo, thích! Chàng sung sướng bảo, thế thì hôm nào mình tặng nhà thơ mấy dò phong lan Hoàng thảo hoa vàng, đẹp lắm! Và chàng lẩm nhẩm đọc ngay mấy câu thơ của ai đó: “Phong lan phong lan Hoàng thảo hoa vàng/ Nguyễn Du chưa yêu mày trong Kiều chưa có/ Trong cái tuyệt mỹ mà thiếu cái bình thường vậy đó/ Chiều nay ta gác Kiều qua một chỗ/ Để yêu lan Hoàng Thảo hoa vàng!”… Ngỡ mình cũng cỡ thi hào, chàng nhìn nàng với ánh mắt vui vui. Tưởng chàng nói cho có chuyện thế thôi, đâu ngờ mấy ngày sau chàng mang tặng nàng cả chục dò phong lan Hoàng thảo hoa vàng, thật đẹp. Một tối, vừa vào nhà nàng, chàng đã chìa ra một tập kịch, một tập thơ, một tập tản văn có tên lạ hoắc là Văn điếu hoàn mỹ tặng cho nàng, tập nào cũng ghi sẵn: “Thân tặng nhà thơ Xưa Thương xinh đẹp!”, nét chữ bút bi mực tím rất bay bướm. Nàng run run nhận sách tặng, cảm động ứa nước mắt. Ngồi nhấm nhấm hết nửa ấm trà thơm Bát Tiên, hút thuốc nhả khói mù cả nhà, mãi, tự dưng chàng kể lể rằng, cả đời chàng oanh liệt từng tham gia cùng các nhà khảo cổ quốc gia bốc hàng trăm cái mả cổ suốt từ A Mú Sung đầu nguồn sông Hồng lịm đỏ phù sa về tận Cửa Đạt nơi biển Đông ầm ầm sóng vỗ. Và mỗi khi bốc được một cái mả cổ có niên đại nghìn năm cùng lai lịch cổ nhân thì chàng liền viết ngay một điếu văn vô cùng cảm thán, rồi sửa chữa chuyển thành tản văn gửi cho Tạp chí Văn nghệ FanSiPăng, được đăng, bạn đọc ai cũng khen văn lạ nên khi chàng in thành tập mới nghĩ ra cái tên sách kỳ thú là Văn điếu hoàn mỹ, tuyệt bút luôn. Nhờ ba cuốn sách quí bắc cầu cho chàng thường xuyên gặp nàng để chia sẻ vui buồn, nỉ non chuyện đời đầy vơi xa gần. Mãi, một ngày chợt nhận ra con gái nàng đã lớn thành thiếu nữ mà nàng thì cũng quá nửa chừng xuân, nên chàng xa dần xa dần, thành nhạt nhòa thương mến.
Ơ, chuyện đời! Nàng thầm nghĩ, cánh nghệ sĩ thường mê mải, nhiệt huyết, bốc đồng, cũng viển vông, lơ ngơ, mơ hồ lắm. Mà buồn cười, các chàng chẳng hiểu gì tâm tư tình cảm phụ nữ, nên cứ chợt đến, chợt đi, thoảng bóng mờ. A, gì nhỉ? Nàng nhớ nhà thơ nào có câu thơ buồn như heo may: “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Em thà coi như hơi rượu say”… Mặc lòng! Sự thật thì nàng bộn bề công việc, nàng quấn quýt con gái Mai Thương, mà những ký ức xa vời kia cứ thấp thoảng hiện về, cũng làm cho nàng phút giây xao động, mơ màng. Còn mãi là chuyện mối tình đầu với chàng lính biên phòng, hình ảnh chàng quân phục xanh đứng như hóa đá đầu ngõ không dám tiễn nàng lúc thất tình trở về, sao mà tê tái. Và hình ảnh chàng lính trẻ, cha của Mai Thương, đứng khoanh tay trước ngực, hơi cúi đầu, nước mắt ngấn dài, lời ríu ríu, trăm sự nhờ bác sĩ, rồi vù lên biên cương chiến đấu, bỗng mất tăm mất tích đến tận bây giờ khiến nàng nhiều đêm trĩu lòng, thổn thức. Bao nhiêu ký ức chồng lấn, nàng muốn quên đi mà không thể, cứ cúi đầu trước Phật, lặng nghe tiếng chuông tiếng mõ xa vời lẫn hương thơm nồng nàn và nàng cứ rũ đầu cúi thấp mãi. Sư cô Đàm Thủy nhìn nàng, hiểu rõ tâm can, liền thức nàng, mời ra Tam quan uống nước. Nâng chén trà vàng nhạt đặt vào bàn tay trắng mềm của nàng, sư cô Đàm Thủy nhẹ lời:
– Cô vẫn còn day dứt nỗi đời, biết bao giờ mới cởi bỏ được?
– Thưa sư cô! Con những muốn buông xuôi cho nhẹ lòng, nhưng còn trái tim này, cứ trĩu nặng, cứ thốn thức, chẳng thể gì khỏa lấp được.
– Biết mà! Con người sinh ra đã khóc. Con người có kiếp luân hồi đấy. Con người chịu luật nhân quả, quả quá khứ, quả hiện tại và quả vị lai, con người gây nhân lành được quả lành, gây nhân ác bị quả ác. Con người còn tham- sân- si thì còn trầm luân, đau khổ. Cô là bác sĩ gieo nhân phúc tất hưởng quả phúc…
Cứ thế, sư cô Đàm Thủy luận mãi về Phật pháp. Người ngước ra cửa chùa, nhìn chăm chắm cây mai rực rỡ hoa trắng, giọng âm trầm, rằng theo chủ thuyết của nhà tu hành thông tuệ Bộtsamôn thì con người chỉ có lên Niết bàn mới hết trầm luân. Bởi vì, Niết bàn là cảnh giới không có già nua, bệnh tật, chết chóc, đói rét, tai nạn nước, lửa, không có oan gia, trộm cướp, dục vọng ái ân, lo buồn khổ não, không tất cả mọi cảnh khổ sở, đau đớn. Cảnh giới ấy gọi là diệt độ. Diệt độ không phải là một sự chết, mà là cảnh giới hoàn toàn trong sạch tự tại giải thoát, diệt trừ phiền não, độ quá sinh tử. Cảnh giới rất mực yên vui, một niềm vui mỹ mãn vô biên, có thể kiến lập ngay trên trần thế cho riêng mình và cho hết thảy chúng sinh.
– Có Niết bàn thật không?- Mai Xưa chợt hỏi, đầy vẻ hoài nghi.
– Có chứ!- Sư cô khẳng định- Ta chân tâm với Phật, một niềm tin bất diệt vào giáo lý nhà Phật, thì cõi Niết bàn sẽ là cảnh giới hoàn mỹ chờ đón ta.
– Con tin ở Phật!
– Mà sao cô không đưa cháu Thương cùng lên cửa Phật?- Sư cô chợt hỏi.
– Thưa sư cô! Cháu Thương đang đi tìm cha.
Ngồi lặng, Mai Xưa đăm đắm nhìn ra cửa chùa như có ý chờ đợi ai. Một lúc,  nàng thưa với sư cô chuyện con Thương lần theo tin, ngược Hà Giang, bất ngờ được một bà lão chỉ đến nhà ông bà Tốt cùng ở bản Tít Tắp có nhận nuôi một thương binh mất trí nhớ. Hai mươi năm qua đi, người thương binh ấy dần dà hồi phục nhưng lúc nhớ lúc quên, thỉnh thoảng ú ớ nói đi nói lại mãi rằng: “Quê tớ ở Mường Sưa đẹp lắm!”, có lúc lại ríu ríu gọi bằng tiếng dân tộc: “Ếm ơi! Noọng Sao ơi! Lục… ơ-ơ-ơi!”, nghe lạ lắm, ai cũng bảo hình như người thương binh này là người Thái ở Mường Sưa. Con Thương gặp người thương binh, cũng chưa dám chắc là cha của mình, đã xin phép ông bà Tốt đưa người thương binh ấy về Mường Sưa để tiếp tục lần tìm manh mối, nếu may mắn đích xác người thương binh là cha mình thì sáng nay con Thương sẽ cùng cha về Mã Sơn, rồi mới lên chùa ân bái Phật.
– Mô Phật! Cầu mong sao cháu Thương gặp được cha!- Sư cô Đàm Thủy nhìn Mai Xưa, ánh mắt thăm thẳm như ý chia sẻ nỗi niềm.
– Thưa sư cô!- Mai Xưa nhìn chăm chắm vầng hoa mai tỏa trắng, nói lời chân thành – Cây mai nở rộ, con cảm ơn công chăm sóc của sư cô!
– Thấy lạ!- Nhiều năm cây mai chỉ sum suê lá biếc, giêng hai trổ loáng thoáng hoa, mà sao năm nay hoa nở rộ, khẳng khiu bảy nhánh trăm cành nhu nhú mầm xanh và đều trổ bông ríu ríu, cánh mai trắng muốt tỏa sáng rực cửa chùa, khiến bao nhiêu hương tử đến đây nhìn cứ nức nở khen, rồi xúm quanh chụp ảnh, vui lắm.
– Từ độ con gửi cây mai vào cửa Phật thấm thoát đã hai mươi năm. Cây mai bằng tuổi con Thương.- Mai Xưa giọng buồn- Cũng ngần ấy năm bặt tin cha nó? Năm nay cây mai nở rộ, chẳng biết có tin lành?
– Mô Phật! Hoa mai nở rộ báo tin lành.
– Cảm ơn sư cô!
– Mô Phật!
Sư cô Đàm Thủy nhìn chăm chắm vào Mai Xưa, biết cô không phải là Phật tử, nhưng là hương tử chân tâm với Phật đã mấy chục năm lên chùa, thành chỗ thân tình. Cảm nhận ái ngại, thầm nghĩ, người phụ nữ ngoài bốn mươi xuân, cũng lắm gian truân mà sao cứ nưng nức, cứ nõn nường mãi thế kia, thì bao giờ mới cởi bỏ được nợ đời mà hưởng phúc? Ừ, dù sao cũng tin vào Phật! Vẫn nhớ bài thơ cổ về hoa mai, rằng: “Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa nở/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua hiên trước nở nhành mai!”, chắc chắn thế. Nghĩ xa nghĩ gần, rồi sư cô Đàm Thủy rủ Mai Xưa ra ngắm hoa mai. Sư cô vừa ngắm hoa vừa giảng giải cho Mai Xưa biết rằng, mai thuộc bộ tứ quí: Tùng- Cúc- Trúc- Mai. Cây mai thường nở hoa năm cánh tượng trưng cho năm điều tốt lành, là hạnh phúc, may mắn, trường thọ, thành công, bình an. Nếu cây mai nào nở hoa 7 cánh thì đại cát, đại quí. Cây mai bảy nhánh này nở hoa năm cánh, cũng là cực quí rồi. Hai người đang mải chuyện, mải ngắm hoa mai thì nghe tiếng gọi hút hơi: “Mẹ mẹ… mẹ… ẹ… ơ-ơ-ơi…!”, cùng lúc con Thương mặt mày hớn hở, mái tóc xanh tung xõa, chạy ào vào ôm lấy Mai Xưa, nước mắt ngắn dài, hổn hển, ríu ríu: “Mẹ-mẹ-ơi! Cha-cha-cha Như Đin… cha của con…”. Nàng ngoảnh nhìn, ngay bậc thềm, một người lính dáng cao gầy, quân phục màu cỏ, mũ đính sao vàng, đứng lặng nhìn con Thương đang ôm siết người phụ nữ lạ. Người lính dấn dứ bước chân, đến trước mọi người, vẻ mặt hơi ngơ ngơ, im lặng như thể muốn lần tìm trong trí nhớ điều gì đó. Một lúc, con Thương rời mẹ, kéo tay người lính vào sát cây mai, giọng vui như chim hót sớm mai:
– Cha ơi! Đây là cây mai bảy nhánh của cha gửi tặng mẹ Mai Xưa!
– Cây mai… bảy nhánh… tặng…!- Người lính lẩm bẩm, ngẩng nhìn như hút hồn vào cây mai rực rỡ hoa trắng, mặt biến sắc.
– Vâng, cây mai bảy nhánh, cha còn nhớ chứ?
– Ừ, cây mai bảy nhánh cha bấng từ chiến trường Vị Xuyên…
Người lính đưa tay ôm ngực, thấy trái tim nóng bỏng, cảm giác bồi hồi như vừa mơ giấc mơ kỳ diệu. Bỗng người lính quì xuống, gục đầu ôm gốc cây mai, ngực rung lên, nước mắt giàn giụa. Gió sông Thao thoảng nhẹ. Bầy chim sơn ca hót líu ríu trên vòm cây nhãn. Sư cô Đàm Thủy ý tứ bỏ vào chùa thắp hương bái Phật, thỉnh chuông boong boong boong, tiếng chuông chùa xao động sóng nước sông Thao, tiếng chuông chùa vang vọng khung trời Xuân mơ màng. Những bông hoa mai trắng ngần khẽ rung rinh, tỏa hương thơm nhè nhẹ. Một lúc lâu, người lính đứng dậy, lại gần Mai Xưa. Nàng cảm giác nóng rẫy, trái tim đập loạn nhịp, thổn thức, nước mắt nhòa mi. Người lính bất ngờ khoanh tay trước ngực, hơi cúi đầu, giọng trầm ấm: “Cảm ơn bác sĩ! Cây mai đã nở hoa…”!

Truyện ngắn “Cửa Phật hoa mai nở” của nhà văn Hoàng Thế Sinh xoay quanh nhân vật chính là Mai Xưa, một bác sĩ sản. Nàng đã nhận nuôi một bé gái khi mẹ bé qua đời còn người cha phải lên đường ra trận. Trong bối cảnh người ta chưa có cái nhìn cởi mở về mẹ đơn thân, Mai Xưa trải qua nhiều lận đận. Một phần vì vất vả nuôi con khi chưa một lần sinh nở. Một phần vì tình duyên lắm mối mà chẳng đi đến đâu…Có cốt truyện cảm động, ca ngợi sự hi sinh của người phụ nữ nhưng truyện ngắn “Cửa Phật hoa mai nở” không thiếu những đoạn hài hước, thậm chí có chút châm biếm khi kể về những người đàn ông tới tìm hiểu Mai Xưa. Ai lúc đầu cũng hăng hái nhưng sau thì ngần ngại. Lí do thì muôn màu muôn vẻ nhưng nhìn chung, vẫn là chưa đủ yêu, chưa đủ duyên, chưa đủ cảm thông để nuôi nấng một đứa trẻ không phải ruột thịt của mình… Nhân vật Mai Xưa cũng được tác giả xây dựng một cách sinh động. Nàng không đóng khung trong kiểu nhân vật tròn trịa, mẫu mực mà vẫn có nét ngây thơ, hồn nhiên, thậm chí có chút cả tin. Nhưng có lẽ chính vì vậy, Mai Xưa mới ít đau khổ vì ái tình và vẫn tin vào ái tình. “Cửa Phật hoa mai nở” đã kết lại bằng ấm áp, bằng tin yêu, bằng hạnh phúc. Một cái kết sáng đủ làm ấm lòng người đọc và cũng như một lời nhắn nhủ rằng hãy cứ kiên trì gieo nhân lành để nhận được quả lành. (Lời bình của Nguyễn Hà)

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *