RadioVn.Com – Bác Tư Rụm Nam bộ
Ấp Bà Đành có bác Tư Rụm. Tên cúng cơm của bác có lẽ chỉ có mấy ông ủy ban lâu lâu mới mở sổ cái ra nhớ lại để ghi cho chính xác vào danh sách cử tri. Ngày thường, ngay lúc chào hỏi, trên bờ kênh, bờ ruộng, hay lúc mời, lúc thưa khi họp ấp, ai ai cũng gọi là bác Tư Rụm. Không biết có thật thế không, mà khi cánh đàn ông xấp xỉ tuổi bác đã để nghiêng hai chai xị đế, họ hay nhắc đến nguồn gốc tên Rụm của bác Tư. Rượu đã ngấm vào lưỡi, lưỡi đã dẻo, nhưng mắt vẫn phải đánh ngang, xem lỡ bất chợt, bác Tư gái đi qua, bả ấy mập, bước đi lịch bịch, bàn tay nặng chịch đụng vào thằng đàn ông tỉnh còn quỵ nữa là thằng đàn ông say. Thế mà bác Tư bảo ngày về làm vợ, bà ấy nhỏ, thon thả, mềm mượt như trái khổ qua. Đêm hợp cẩn, bác Tư ngài ngại trước người con gái mỏng manh kia. Bác Tư rón rén, rồi không hiểu thế nào, cái giường vợ chồng bác nằm kêu đánh rụm một cái, quỵ xuống như con bò bị bắp cày quật giữa lưng.
Tiếng động bất ưng trong đêm đầu tiên của vợ chồng bác dính toòng teng vào tên bác, dính toòng teng suốt đời chẳng gì dứt ra được. Bây giờ bác Tư đang đi, cái khăn đỏ bạc màu buộc hình lưỡi rìu nhấp nhô dưới bầu trời xanh ngắt. Trán bác cau lại, môi bác bập bập điếu thuốc có chuôi, mũi bác khịt khịt. Nhìn đôi mắt hấp hay, đã phai vì tuổi tác, người ngoài không hiểu bác Tư Rụm đang vui hay buồn. Nếu ai có tài như oụng địa, hiểu được lòng dạ bác, thì biết bác Tư Rụm nửa vui mà lại nửa buồn. ở ấp Bà Đành này, ai cũng biết Tư Rụm thời ngụy bị xếp vào loại cộng sản nòi, cánh dân vệ đến gã ấp trưởng ria vểnh đều ngại bác. Dạo ấy, Ba Vẹn nay là ấp đội trưởng dân quân, sau cả Năm Bò – giờ quyền bí thư hoạt động bí mật, nhờ nhà bác mà không đói… Nhà Tư Rụm trước ở giữa ấp, sau đột ngột một hôm cháy đùng đùng, Tư Rụm kêu đất không hợp thần hỏa, bác ra đám đất giữa bãi sình lầy làm nhà. Tư Rụm giỏi võ có miếng gia truyền nên vừa ghét vừa nghi bác thật mà chả đứa nào dám nhiễu sự. Đời này có lần thằng út Mi – con nhà Năm Bò, phó bí thư, hỏi bác Tư Rụm sao thời ngụy bác liều thế, dám nuôi Ba Vẹn. Tư Rụm bảo “Tao theo ai theo cả đời, tao ưng cộng sản thì thằng ngụy, thằng Mỹ tao coi như bỏ, tao mà trót theo ngụy, thì cộng sản giỏi mấy tao cũng chẳng hốt”. Phó bí thư Năm Bò nghe con kể lại, sang nhà Tư Rụm bảo nói cẩn thận, không phạm tuyên truyền. Tư Rụm xẵng giọng, dộng ly xuống bàn “sống ở cõi đời là phải như trụ sắt mới là người”. Tư Rụm lúc này nửa muốn khóc, nửa muốn cười. Tư Rụm muốn khóc vì thấy chủ trương vô tập đoàn nó kỳ kỳ thế nào ấy. Vào dịp đầu năm, bác lên chơi nhà ông sui gia ở ấp Bà Cần, thấy nhà sui gia của bác trước kia siêng năng là vậy mà từ khi vào tổ hợp, tập đoàn lại sinh lười ra, suốt ngày thở dài sườn sượt, của nả bán dần để ăn chứ không sinh lợi như khi ở cá thể. Mà mấy đứa lãnh đạo tổ hợp thì một màu là lũ lém lỉnh, trí trá, làm ít nói nhiều. Bác Tư nghĩ chắc có đứa nào làm bậy, chứ Đảng, Chính phủ nào lại sai mấy đứa đi đếm từng cây dừa để buộc người ta vô. Đã gọi là chính quyền của dân thì làm gì cũng phải để dân nó hiểu, nó ưng, chứ kiểu này là dồn, là ép dân, có khác gì ngày trước. ừ, sầu thật, lạ thật. Tư Rụm muốn cười vì Tư Rụm đã cho hai thằng con trai chặt đi 51 cây dừa, chỉ để đúng 49 cây thì được ở ngoài, còn 50 cây thì cầm chắc phải vô tập đoàn rồi. Chỉ thương cây dừa vô tội, đang xanh rờn, đang trĩu trịt thế mà đổ ập xuống, lưỡi dao mới bén làm sao. Cha tổ thằng Sinh, thằng Đụm chúng giống mình mà, mới mười lăm, mười sáu mà đã có sức thật, chém nhát nào, bay vỏ, đứt cây nhát đó.
+ +
Thằng Hai út con nhà Năm Chà Lý cố làm mặt giận bảo bác Tư Rụm:
– Kỳ này thì ông không chạy đi đâu được nhé.
– Tao việc gì phải chạy.
Tư Rụm mắt nhìn gã thanh niên hơi ngạc nhiên, nó tuổi Tý, hơn thằng Sinh nhà mình một tuổi, năm ngoái còn bé xíu, thế mà lãng mắt một hồi đã thấy thằng bé lớn vọt lên, cái mặt đầy mụn sưng sưng trông tức cười, giọng nói ồm ồm như gà trống cưỡng nghe hay hay. Chắc thằng bé đang khoái cái súng dài thườn thượt treo bên vai, Tư Rụm cố nén cười định nhắc hũ rượu đế đi:
– Nè, ông phải mang theo tôi vào ủy ban.
– ủy ban đâu có uống rượu giờ này.
– Tôi không nói xạo với ông đâu.
– Mày đừng hỗn, tao thèm ba láp với mày à, con nít. – Thằng du kích ót bị mắng là con nít coi chừng bực, nó vươn tay ra nắm vào vai ông già:
– Ông á, là trùm buôn rượu lậu, tiếc dân quân chưa bắt được ông kỳ nào, hôm nay quả tang, ông chối nữa không?
Tư Rụm nhớn đôi lông mi:
– Tao nấu để uống, uống thừa tao đem cho, chứ tao buôn bán làm chi.
– Thôi, ông đừng gạt, ông cầm tang vật lên theo tôi.
Thằng bé gườm gườm, cố nghĩ ra điều gì để nói, nhưng nghĩ mãi không ra. Trong đầu nó chỉ mang máng nhớ Ba Vẹn đã bảo “Tư Rụm là một gã cứng cổ, muốn trị ông ấy phải có quả tang, gì chứng nhỉ, à nhân chứng”, phải rồi!
– Nào nhanh lên, tui không chờ được đâu.
– Này, tao nói con biết, dân quân chúng mày muốn bắt thì ra nhà mụ Bảy Củi. Nó nấu rượu, pha nước lã, trộn phân đạm. Rượu đó mới để bán. Rượu bán là rượu rẻ làm ra không dám uống. Mụ Bảy nấu mà lão Bảy còn khiếp. Còn rượu tao ngon mềm lưỡi, uống say thì ngủ, đầu không đau đớn chi… – Tư Rụm ngừng một lát, bác nói tiếp – Mà chúng mày có mà dám bắt Bảy Củi, con gái nhà nó như thế, mụ còn bao cả trung đội dân quân ăn tổng kết.
Thấy Tư Rụm cứ nói khơi khơi, thằng ót thấy mọi người dần dần túm lại, nó tháo súng quát to một câu mới học được.
– Tôi thay mặt chính quyền bắt ông về ủy ban.
Bà con cười rộ lên vì thấy dáng điệu tỏ vẻ tinh vi của thằng ót. Bà Ba Đê biết tính Tư Rụm dễ khùng lỡ làm thằng ót bực, dù sao nó cũng có súng.
– Ông Tư Rụm cứ nghe thằng ót đi.
Ông Tư Rụm quay đầu về phía người nói, bác lại nhìn vào cái đầu ruồi.
– Rồi.
Tư Rụm nói khẽ, rồi bảo thằng ót:
– ừ, tao theo mày về, nhưng mày đeo lại súng rồi bê hũ rượu cho bác, bác già, tay mỏi lắm rồi.
– Tôi?
– ừ, mày đỡ bác chút xíu mà.
Thằng ót nghĩ thế nào khoác súng vào vai rồi cúi xuống. Người trong ấp tản ra khi hai người đi xa dần. Đến cổng ủy ban ấp, thằng ót khệ nệ ôm vò rượu đợi bác Tư Rụm đi cùng. Khi đến ngang nó, Tư Rụm cười rất tươi hỏi:
– Mày mang rượu đi đâu đấy? Lại liên hoan hả.
Nói xong bác đi thẳng. Thằng ót mở to mắt ngạc nhiên. Nghe Tư Rụm hỏi nó lúng túng, khi thấy bác Tư vượt qua cổng ủy ban.
– Này, ông Tư, ông Tư Rụm.
– Chi vậy? – Ông Tư Rụm ngoảnh đầu lại – tao vừa lai rai xong, khỏi cần nữa đâu, đủ quá rồi.
Thằng ót gào lên:
– Ông vào đây, vào đây, của ông cơ mà.
Ba Vẹn cùng hai, ba dân quân từ trong trụ sở nhảy ra, Tư Rụm thấy vậy đến gần bảo.
– Chúng mày thấy thằng ót chịu khó không, nó mang rượu từ nhà đến cho chúng mày đó.
Thằng ót trợn tròn mắt, miệng nó ú ớ, mãi sau nó mới nói:
– Của ông, của ông ấy đấy.
– Cái gì? – Ba Vẹn hỏi.
– Cái gì, – ông Tư Rụm gần như nhắc lại câu hỏi của Ba Vẹn.
– Cái này, – thằng ót đặt hũ rượu xuống, chỉ vào nói.
Bác Tư Rụm cười xòa:
– Vô lý, mày bưng thì là của mày chứ. Thôi tao về cho heo ăn đã.
Nói rồi Tư Rụm thong thả quay đi. Thằng ót sững người, tròng mắt đảo ngược hết ngó Ba Vẹn, lại ngó theo hút lưng bác Tư Rụm.
*
* *
Tối hôm trước ngày “toàn ấp Bà Đành hưởng ứng phong trào thu gom lương thực”, dân quân ấp họp phổ biến kế hoạch. Sau khi nghe Năm Bò – quyền bí thư ấp nhấn mạnh ý nghĩa chủ trương, Ba Vẹn tốc ngay lên bàn ngó nghiêng anh em rồi nói, nó chừng đã say say, ấp đội trưởng giơ nắm đấm to tướng lên quại quại vào không khí làm nhịp.
– ở ấp ta Tư Rụm là người bướng bỉnh nhất. Mà ổng cũng là kẻ đa mưu túc kế. Vụ đồng chí ót bắt quả tang nấu rượu lậu của ổng coi như ta thua. Vụ ổng chặt năm mươi mốt cây dừa để không vào tập đoàn, coi như bỏ. Đánh kẻ đa mưu ta phải có mưu. Luật pháp ta cứ chiếu theo mà làm. Luật thì bất phân sơ thân…
Năm Bò cố giữ để khỏi ngáy mà không được. Mũi ông ta thấy ngứa ngáy, mắt muốn chống tăm, ông nhìn Ba Vẹn mà thấy phục. Bữa liên hoan phát động hôm hắn nhận lời thách của Hai Sáu xị làm hai tô đế, mà coi bộ vẫn tươi như cá lóc ở đĩa, Ba Vẹn thấy quyền bí thư ngáp bèn lấy tay chặt ngang không khí, tay kia giơ đồng hồ:
– á, đã gần chín giờ, xin nhắc bí thư có cuộc họp thường vụ ấp, còn ở đây anh Năm cứ yên tâm đi, tụi em làm cái tư tưởng thông là ổn thôi. Dân quân là lực lượng chuyên chính của ấp, anh Năm khỏi lo. Xin hứa sẽ đảm bảo mục tiêu, ấp ta kỳ này nhất huyện.
– Rồi, ta đi hè, cố nhé. – Năm Bò nhấc mình hai lần mới dứt khỏi chỗ. – Đợi quyền bí thư đã, – Ba Vẹn lại cuộn bàn tay giờ lên.
– Tui đang nói luật pháp bất vị thân sơ nhỉ.
– ừ, ầu… – Tiếng nói ở dưới lào xào, khàn khàn.
– Nhà dì út tôi, láng giềng của Tư Rụm, ta làm dữ ở nhà dì út, sòng phẳng dứt khoát.
– Ai lại nỡ thế.
– ồ, tui nói luôn, về tiêu chuẩn dì út tui không phải thu gom nữa. Nhà có ba khẩu, mà chỉ một lao động chính, hai giạ là đủ ăn, một giạ là thiếu. Và kỳ tổng kết năm, bả đã cho cánh mình ăn rồi, tui đã bàn với dì tôi, giả đò thật hung, Tư Rụm nhìn thấy chắc khiếp. Nhà ổng theo tôi biết còn ít ra hai tấn thóc vụ vừa rồi, ổng sợ, ổng sẽ phải nộp.
– Diệu kế, diệu kế thật. – Thằng ót kêu ré lên.
– Im đã nào, Tư Rụm mà nộp thì ấp ta coi như xong thôi.
– Làm xong vụ này ấp ta sẽ nhứt huyện. Đảng ủy càng tin bọn ta, hiểu không các chú. Lúc đó ta xin gì, cần gì cứ nói một tiếng, tui nói thêm, ổn hết. Rồi, bây giờ về đi.
– Nghỉ cho khỏe. Tiểu đội ba đến phiên gác ở lại mai có kẻng 5 giờ tập trung nghen.
Tiếng vỗ tay ran lên như thóc đập vào cót, rồi tiếng ghế xô, tiếng chân bước thậm thịch ngớt dần. Thằng ót chờ mọi người đi gần hết hỏi nhỏ Ba Vẹn.
– Nè, em coi anh Ba giỏi.
– ồ, chả giỏi tao lại là ấp đội trưởng.
– Nhưng nè, em nghe nói hồi kháng chiến ông Tư Rụm có nuôi anh.
– à, ừ, cái hồi, tao trốn quân dịch ra giữa bãi sình chứ gì. ờ dạo đó bọn lính quốc gia rình dữ lắm, ông Tư Rụm có nuôi tao, rồi tao tót lên khu. Bà dì tao biểu sau đó có trả ơn ông Tư Rụm hai chỉ, coi như huề… à mà thôi, chuyện cũ mày nghe làm gì. Mai nhớ đúng giờ nhé, làm hăng lên. Mày đang là đối tượng, nếu không mắc vụ rượu lậu với Tư Rụm coi như mày vô rồi. Hừ, dở ẹc, thua ông già ngang.
+ +
Nghe tiếng ồn ào xôn xao như bầy chim bị động bên nhà bà út Nhái, xen giữa những cánh chim bay loạn, đập với là tiếng quát chập chờn khi nhỏ khi to, ông Tư Rụm đang chà chân trên chõng cho đỡ ngứa, kêu:
– Thằng Sinh ra coi cái chi mà loạn ngầu vậy?
– úi chà, rồi chả sắp đến nhà mình đó ông. – Bà Tư bịu xịu khuôn mặt bự đáp ngán ngẩm.
– Bà bảo sao?
– Dân quân đi thu gom lương thực.
– Vậy hả, thu gom là đi mua hay ăn cướp mà làm dữ vậy.
Ông Tư nhổm cái mông với chiếc khăn đỏ bạc màu. Cơn giận ở đâu sùng sục kéo tới làm ông quên cả cái ngứa do nước ăn chân.
Mấy hôm nay khi cò khép cánh là ông lại gầm lên “già rồi” già thì ai cũng bắt nạt, nước sình cũng không tha. Bà Tư gắt: “Biết già thì lọ mọ, dò dẫm làm gì. Lật mình dậy, máu chưa kịp chảy đều đã xục chân ra đồng” “Không xục đi lấy chi mà ăn”, ông Tư biết lỗi lậu bậu khẽ. Bà Tư giật mình thấy ông Tư rút cái phảng ra, nghĩ sao lại dựa vào vách nhà.
– Để làm gì đấy?
– Kệ tôi. – Thấy hai đứa con trai le mắt nhìn, ông tiện mồm quát luôn “cấm rờ” đoạn ông thình thịch đi ra ngõ. Vừa thấy hai du kích khiêng bao thóc ra đường, đi sau là bà út Nhái xõa tóc, hai tay chới với, miệng hơi méo, lắp bắp, ông Tư vọt tới, chụp tay vào vai một du kích. Anh này ngoảnh lại. Tư Rụm gầm lên.
– à, con thằng Năm Chơi, định ăn cướp hả bay.
Con Năm Chơi ngoảnh lại, thả bao thóc xuống. Anh dân quân kia đứng chống nẹ, nhìn Tư Rụm.
– Ông coi đấy, bà út Nhái, dì của ấp đội trưởng còn thế, ông thì…
– Tao làm sao?
– Ông phải nộp thóc chứ sao nữa, chỉ tiêu phân bổ rồi.
– Tao không nộp thì chúng mày làm gì?
– ồ, có pháp luật chứ ông Tư. – Giọng Ba Vẹn cố làm vẻ nhũn nhặn khề khà ở đằng sau.
Thấy ông Tư quay lại, Ba Vẹn khề khà.
– Cháu nghĩ ông Tư biết quá rồi, xã mình huyện tính số lượng vừa khớp, không thừa, không thiếu.
– Trời ơi, thế huyện không biết để dân ăn à, dân đói thì nộp thóc làm gì.
– Dân ấp này đói? Ha ha, đói mà có thóc nấu rượu uống lu bù.
– Mày nói mà không biết nghĩ con ạ, nấu rượu là quyền của dân, bán cho nhà nước cũng là quyền của dân. Nhà nước mua rẻ quá cây lục bình ai bán được. Đứa nào muốn thành tích thì bán, còn tao, tao không bán một hạt.
– Ông nói hơi quá đấy.
– Không, tao nói thật, chúng mày đánh nhau, nằm bờ nằm bụi, để cho dân được tự do, chứ lại buộc dân thế này à?
– Đây là lệnh, – thằng ót ở đâu nhảy ra. – Không theo thì trói lại.
– Lệnh hả, được rồi.
Ông Tư Rụm ào vào nhà, rút cây phảng, xầm xầm chạy ra, ông trụ ngay trước cổng, tay chỉ mặt Ba Vẹn.
– Ai nuôi chúng mày cho đến ngày nay. Ai?
Ba Vẹn lúng túng vừa định mở miệng, ông Tư Rụm quát ngay:
– Biết chúng mày phản phúc với bà con thế này, tao báo Mỹ bắt từ dạo đó rồi. Còn bây giờ, đứa nào giỏi bước qua xác tao vào mà lấy thóc ra. Mồ cha lũ con nít bưng dái không nổi, còn định… Vào đi, qua đây.
Thằng ót mắt xanh lè kêu tướng lên:
– Ông già khùng rồi, đừng đụng vào mất mạng như chơi đó.
Ông Tư Rụm uống cạn ly rượu thứ tư thì đặt ly xuống mâm thấy thằng Sinh ngó mình, ông quát to:
– Cút, cút, mồ cha mi, mắt chi mà trợn trừng trợn trạo, nứt mí bây giờ. Tao có phải con chằn đâu mà mi nhìn dữ vậy, cút.
– Tía lạ quá. – Thằng Đụm rỉ rả.
– Cả mi nữa, xéo.
– Ông kìa.
Bà Tư đặt con cá lóc nướng xuống.
– Bà để tôi yên, mắc chi má con bà, kỳ quá.
Nghe chồng nói câu quen thuộc đó, bà Tư lừ mắt hai thằng con. Bao giờ cũng vậy, hễ ông nói câu nửa van lơn, nửa trách móc ấy là bà biết ông đang buồn, ông đang nghĩ. Tệ một cái, ở với nhau hơn ba chục năm trời, vác cuốc chôn con hai lần, chôn nhau bốn lần, mà có bao giờ ông nói cho bà biết ông buồn vì sao, ông nghĩ cái gì. Đâu phải ông ấy không muốn san sẻ với bà, mà vì ông không biết cách san sẻ… Ông Tư cúi đầu làm thinh mãi, chất rượu cháy trong cổ, chảy rần rật trong người, mùi cá lóc nướng thơm ngậy. Sao, mũi ông cay cay, bóng trăng rách mướp run rẩy trước sân nhòa đi, ông sợ hãi ngẩng lên. Chà, mảnh trăng khuyết lăn nghiêng trên ngọn cây dừa cũng nhòa đi. ông nhìn quanh sợ hãi, rồi đưa tay ra quệt ngang đôi mắt già, hóa ra ông khóc, sáu mươi tư tuổi đầu còn khóc. Ông giận mình, giận chúng nó, ai đời ngược ngạo quá xá, không giặc giã, không bão táp, mà bà con chòm ấp làm cái gì cũng e ấp, động cái gì cũng tính toán sợ hở lý, hở lẽ, nói điều phải chẳng ai nghe. Chính sách gì mà cái nào cũng trật lấc hết cả, kẻ mang chính sách không hề thể tình dân, cứ là áp đặt, cứ là ép buộc.
– Chào bác, bác ngồi có mình sao?
Năm Bò thình lình đến đen sạm một góc sân đầy trăng, bước vào.
– Ăn khúc mình này cho nạc.
– Cháu xin.
– Mày vô tao chơi có gì không?
– Dạ, – Năm Bò hơi lúng túng.
– Nè, từ hôm về tao nghĩ mãi, thằng Ba Vẹn cậy mình cậy mẩy làm ăn quá thể với bà con, tao trót nói một câu là “báo Mỹ bắt từ dạo đó” không phải óc tao nghĩ thế, mà do tao quen tai, nên mồm buột ra.
– Cháu biết bác có bụng dạ nào thế!
– ấy, chẳng cần Mỹ mẽo gì cả. Mỹ mẽo cũng chẳng có quyền, tao cũng không cho đứa nào đụng vào nó, mà chính tao, phải, tao đây này, thằng Tư Rụm ấp Bà Đành đây này. Biết thằng Ba Vẹn sau này lếu láo như vậy thì dạo đó tao đã đánh què giò nó rồi.
– Bác ạ.
– Cả mi nữa, thằng Tư Rô bí thư đi vắng, coi như mi đứng đầu ấp, thế mà mi để thằng Ba Vẹn coi dân như con sâu, cái kiến.
– Cháu biết lỗi cháu nhiều, nhưng bác cũng hiểu cho, không có đủ thóc đợt này, thì ấp ta coi như đồ bỏ, thua cả ấp Bình Hai, thua cả ấp La Nghi, thế thì mặt mũi nào đi họp huyện, họp tỉnh, mà ấp ta thì có tiếng.
– Thế chúng mày phải làm gì chứ, vì thành tích thì chúng mày lấy, khổ sở thì dân chịu. Đảng phải biết thương dân chứ, chả nhẽ vì cái này, cái nọ cho dù thế nào đi nữa cũng là của phù vân, còn người sống mới là chính.
– Bác ơi, chuyện đâu đơn giản thế bác?
– Phức tạp sao, mày nói tao nghe.
Ông Tư Rụm say chuyện, co một chân lên chõng, hàm râu bơ phờ nghếch lên.
– Vâng, ấp mình hụt chỉ tiêu, nghĩa là phong trào xuống, Bà Đành đang có tiếng nhất chòm này, thế mà…
Năm Bò ngừng nói, nâng ly rượu. Anh thấy ông già chăm chú, bèn nhấp môi tiếp lời.
– Phong trào xuống, thì kêu phân, kêu xăng dầu đâu được, ai còn tin thằng kém, thằng hèn, quanh năm ngửa tay xin chi viện.
– Thật thế mày?
– Chứ sao?
– Thu của ai chứ thu của út Nhái, vừa lười, vừa ít thóc ăn, trông tội lắm.
– ồ, – Năm Bò ngửa cổ cười một chặp làm lũ chim ngủ đêm trên ngọn dừa giật mình vọt lên. – Với bác, con cháu nói thật, thằng Ba Vẹn phải làm dữ với dì nó thể để dọa bác, vì bác mà sợ mà bán là cả ấp này…
– Hà hà, tao hiểu, tao hiểu, mồ tổ các anh, sao không đến giãi bày tao nghe, bụng tao ưng thì tao làm, còn để tao sợ thì cả đời tao có sợ đứa nào. Thôi, mai bảo chúng nó đến tao bán.
– Sáng mai?
– Chứ sao. à này, một tấn rưỡi của tao vào ấp mình có nhứt không?
– Nhứt.
– Thế hả, được rồi, tao nghe được đấy, nhưng phải liệu từng nhà mày ạ.
Ông Tư Rụm coi chừng hể hả gọi lấy thêm rượu và nướng thêm cá.
Quyền bí thư Năm Bò quá nửa đêm mới khật khưỡng về, anh mừng, mà cũng bắt đầu thấy lo, lỡ ấp mình không nhất, lỡ những điều mình nói mai kia không thực hiện được thì…
Ngày 12 – 22/8/1988
Ghi vụn của Đường Văn.
Buổi trưa khó ngủ, lại giở Tuyển tập Nguyễn Hiếu ra nhắm nhót, tình cờ lật đúng truyện ngắn Chuyện vụn về bác Tư Rụm. Vừa lần lần đọc vừa tủm tỉm một mình: – Cha này quê Hà Nội thiệt gốc, may lắm ở Sài Gòn lâu nhất cỡ vài tháng lận mà nhập giọng Nam Bộ ngon lành quá ta! Từ cách đưa đẩy ngôn từ lũ nhân vật, câu kẹo đối thoại, đến cách đặt tên người, tên ấp… Ngay câu mở đầu truyện đã lập tức gợi ngay không khí và cách nói đặc biệt giản phác, bộc trực của nông dân Nam Bộ: Ấp Bà Đành có bác Tư Rụm.
Một trong những nhược điểm phổ biến (hay là nét cá tính nghệ thuật độc đáo riêng) của văn xuôi Nguyễn Hiếu, là chậm rãi, đến rề rà trước khi vào truyện chính; nhưng ở truyện này, ông đã vô tình hay có ý thức tránh được hạn chế đó: Vào truyện ngay. Tốc độ truyện khá nhanh. Cảnh nối cảnh linh hoạt như trong phim truyện, phim tài liệu – thời sự. Càng đọc càng bị cuốn hút vì cốt truyện, vì cách kể, cách tả, cách bình luận trữ tình ngoại đề ngắn gọn, điểm xuyết mức độ và rất có duyên của người viết.
Chẳng hạn, đoạn tả tâm trạng của Tư Rụm trước chuyện mấy anh cán bộ ấp dùng mẹo rung cây dọa khỉ – giả vờ đe dọa, làm thật gắt việc thu gom lương thực bên nhà bà Út Nhái – láng giềng, ngõ hầu ông Tư Rụm thấy mà ngán:
Ông Tư uống cạn ly rượu thứ tư thì quát đuổi các con trai, rồi nửa van lơn, nửa trách móc bà vợ:
-Bà để tôi yên, mắc chi má con bà, kỳ quá!
Rồi ông nghĩ, ông nhớ, trong cơn say cứ tăng dần mà tỉnh dần:
Ông Tư cúi đầu làm thinh mãi, chất rượu cháy trong cổ, chảy rần rật trong người. Mùi cá lóc nướng thơm ngậy. Sao, mũi ông cay cay. Bóng trăng rách mướp, run rẩy trước sân nhòa đi. Ông sợ hãi ngẩng lên. Chà, mảnh trăng khuyết lặn nghiêng trên ngọn cây dừa cũng nhòa đi. Ông nhìn quanh, sợ hãi, rồi đưa tay ra quyệt ngang đôi mắt già, hóa ra ông khóc. 64 tuổi đầu còn khóc. Ông giận mình, giận chúng nó. Ai đời ngược ngạo quá xá. Không giặc giã, không bão táp, mà bà con chòm ấp làm cái gì cũng e ấp, động cái gì tính toán cũng sợ hở lý, hở lẽ. Nói điều phải chẳng ai nghe. Chính sách gì mà cái nào cũng trật lấc hết cả? Kẻ mang chính sách không hề thể tình dân, cứ là áp đặt, cứ là ép buộc!
Tôi cho rằng đoạn văn trên đã chở được khá nhiều ý nghĩa vừa sâu xa, vừa thời sự, lại đạt tới thành công nghệ thuật khắc họa tâm lý, tính cách nhân vật Tư Rụm. Hình ảnh thiên nhiên bóng trăng rách mướp, run rẩy nhòa đi, mảnh trăng khuyết lặn nghiêng trên ngọn cây dừa cũng nhòa đi qua cái nhìn trong tâm trạng say – tỉnh của ông già Tư đã góp phần đắc lực khắc họa tính cách và tâm trạng ngổn ngang, uất ức, đau khổ nơi ông. Nhìn trăng, đối ẩm mà khóc. Không phải than mây khóc gió suông hão như bao thi nhân lãng mạn ngày xưa hay ngày nay… mà khóc vì thế sự tréo ngoe, khó hiểu, tàn nhẫn; khóc vì sự bất lực, bức bối, nan giải của bản thân. Người kể – tả như đã nhập hẳn vào nhân vật mình tưởng tượng mà say, mà tự tình, ngẫm ngợi, mà đau khổ, mà uống, mà … khóc.
Ba câu: Ông nhìn quanh, sợ hãi, đưa tay quệt ngang mắt. Hóa ra ông khóc. 64 tuổi đầu còn khóc. Theo tôi là những câu văn tinh tế, đặc tả diễn biến tâm trạng của lão nông ấp Bà Đành. Sợ người khác thấy được cái yếu đuối, bất lực của một ông già vốn cả đời ngang ngạnh, không hề biết sợ ai.
Hai câu sau (tôi thử ngắt ra cho gọn) là nhận xét, bình luận của tác giả: vừa chia sẻ, cảm thương, vừa cười nhẹ hóm hỉnh.
Đoạn suy nghĩ nối tiếp của Tư Rụm cũng chính là nghĩ suy, quan điểm chính trị – xã hội của tác giả, cũng là chủ đề tư tưởng của truyện: Vấn đề chính sách kinh tế – xã hội – văn hóa và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước từ các cấp chính quyền trước sự đồng thuận hay phản ứng của các tầng lớp nhân dân (đặc biệt là nông dân). Nghĩ tới vụ Tiên Lãng – Hải Phòng chấn động cả nước vừa qua, tôi lại kinh ngạc và thầm phục sức nghĩ suy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của nhà văn – công dân Nguyễn Hiếu từ gần 30 năm trước.
Nhưng điều hết sức lý thú khi đọc Chuyện vụn về bác Tư Rụm (1988) là ở chỗ: nó khiến tôi lập tức liên tưởng tới truyện ngắn nổi tiếng một thời: Đất của nhà văn Nam Bộ Anh Đức, viết khoảng hơn 20 năm trước đó (trong tập ký và truyện ngắn Bức thư Cà Mau (1965). Cố nhiên, hai truyện ngắn viết tại 2 thời điểm khác nhau; cách viết, cách kể cũng không giống nhau, văn phong lại càng khác nhau… nhưng tôi cứ muốn nghĩ rằng Tư Rụm hẳn phải có họ hàng, con cháu ruột già chi đó với ông Tám Xẻo Đước, người quyết lấy cái chết để giữ đất, giữ làng, chống lại đến cùng bọn ác ôn điên cuồng thực hiện chủ trương thâm độc gom dân vào ấp chiến lược của bọn Mỹ – ngụy ở đồng bằng Cửu Long những năm 60 thế kỷ trước. Hai tâm hồn, hai tính cách nông dân Nam Bộ chân chất, quyết liệt, mộc mạc, trung thành tuyệt đối và vô tư với Đảng, với cách mạng, kháng chiến. Đọc đến đoạn:
Ông Tư Rụm ào vào nhà, rút cây phảng, xầm xầm chạy ra, ông trụ ngay trước cổng, tay chỉ mặt Ba Vẹn:
– Ai nuôi chúng mày cho đến ngày nay? Ai?
Ba Vẹn lúng túng vừa định mở miệng, Tư Rụm quát ngay:
– Biết chúng mày phản phức với bà con thế này, tao báo Mỹ bắt từ dạo đó rồi. Còn bây giờ, đứa nào giỏi bước qua xác tao vào mà lấy thóc ra. Mồ cha lũ con nít bưng dái không nổi, còn định… Vào đi! Qua đây!
Thằng Ót mắt xanh lè, kêu tướng lên:
– Ông già khùng rồi, đừng đụng vào mất mạng như chơi đó.
Trong tôi lại hiện mồn một đoạn văn tả cảnh ông Tám Xẻo Đước sau phút kính cáo trước bàn thờ tổ tiên tâm nguyện của mình, vụt quay lại đối mặt trước mũi súng của thằng sĩ quan ác ôn Đởm. Ông Tám dằn từng tiếng lạnh người:
– Việc của tôi đã xong. Giờ mấy người muốn gì?
Và ông chĩa mũi mác nhọn hoắt, lừ lừ bước tới kẻ thù…
Hai cảnh thật khác nhau trên nhiều bình diện nhưng rất giống nhau ở sự căng thẳng, dữ dội, đầy kịch tính. Có điều, trong Đất là cảnh bi tráng, bi hùng, kết thúc bằng sự hi sinh tức tưởi mà oanh liệt của ông Tám và cái chết đổi mạng đáng kiếp của thằng Đởm ngay sau đó; còn trong Chuyện vụn… là cảnh bi hài, là kết thúc bằng nụ cười và trận say khật khưỡng mừng, lo… có hậu.
Cuối cùng, nhờ sự chân thành và khéo léo giãi bày, chia sẻ, thuyết phục của quyền bí thư chi bộ Năm Bò đã khiến một Tư Rụm ngang ngạnh đa mưu, giờ đã hiểu ra thực chất và ý nghĩa của chính sách của Đảng và Nhà nước; cảm thông với những khó khăn và kế sách của mấy đứa cán bộ địa phương. Và… Tư Rụm đã ưng bụng thì làm, tự nguyện bán cả tấn rưỡi thóc cho chính quyền, quyết góp công dành giải nhứt phong trào thi đua… cho ấp mình!
Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải vì mục đích tối thượng: Dân giàu – Nước mạnh. Mọi cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở xã – ấp – phường, gần dân nhất, lại càng cần hiểu dân, cảm thông, chia sẻ với dân, vì dân thực sự… để tìm mọi cách vận động, thuyết phục để dân tin, dân tự nguyện cùng tháo gỡ, gánh vác, thực hiện. Mọi chủ trương, biện pháp, hành động mang tính cưỡng bức, áp đặt nhân danh quyền lực, pháp luật, có khi lại dùng xảo thuật mưu mẹo, lươn lẹo với dân nhằm đạt bằng được kết quả, mong lập thành tích, giương danh với địa phương khác hoặc với cấp trên, trước sau cũng bị dân phản ứng, chống lại… và sẽ chỉ chuốc lấy thất bại!
Phải chăng thông điệp tư tưởng – nghệ thuật Nguyễn Hiếu muốn chia sẻ với bạn đọc cuối những năm 80 thế kỷ 20, và với cả hôm nay, bằng một truyện ngắn ngồ ngộ, vùn vụn mà chẳng hề vụn chút nào!… là thế?
Dù sao, tôi vẫn thích tên truyện được rút ngắn nữa, chỉ cần 2 chữ: Tư Rụm, chắc nịch… là đã quá đủ, quá đã!
Chiều muộn, 26 – 3 – 2012. ĐV
Tác giả: Nguyễn Hiếu/Đường Văn
Từ khóaNguyễn Hiếu truyện đêm khuya Tư Rụm
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …