RadioVn.Com – Tôi được tăng cường lên Piát để chỉ đạo sản xuất. Một anh cán bộ chân trắng ở Phòng Nông nghiệp huyện, xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất, nghĩ cũng kỳ lạ. Tôi toan từ chối, nhưng lại tặc lưỡi, cứ thử xem sao, thế là mới có chuyện.
Nói là chân trắng thì cũng chưa hẳn, bởi mình xuất thân nông dân đồng xuôi, nên việc cấy, việc cày, việc bừa… tay vốn quen làm. Cứ xuống bản, chả chỉ đạo thì cứ xắn tay lên mà làm. Dân chúng ở đâu cũng ghét đám chỉ tay năm ngón.
Từ phố huyện, đạp xe nửa ngày, gửi nhà dân ven đường, rồi đi bộ, trèo ba ngọn đèo, lội bảy con suối thì đến. Tôi hỏi mấy anh cán bộ xã, Piát có nghĩa là gì? Họ bảo, tức là ruộng dốc thoải. Tôi được giới thiệu đến ở nhà Khấu. Khấu, tiếng Tày nghĩa là lúa. Anh ta làm khỏe như trâu, ăn khỏe như hùm. Bố mẹ Khấu chỉ sinh được một mình Khấu thì khuất núi. Tôi ở cùng Khấu từ khi trăng khuyết, đến ngày trăng tròn thì kết tồng. Theo phong tục người Tày, một khi đã kết tồng thì sống tết, chết giỗ, hai người coi nhau như anh em. Tôi thấy mặt trời trước được làm anh. Tuy làm anh, nhưng lại rất ngớ nghết, làm cái gì thằng em cũng phải chỉ bảo cho.
Sáng sáng, mỗi khi kim đồng hồ Pônjốt đeo tay chỉ bảy giờ là tôi ra gốc cây bưởi ở đầu sàn, đánh kẻng hợp tác. Khấu là đội trưởng sản xuất nhưng lại hay ngủ quên. Người ăn khỏe cũng thường ngủ khỏe. Mỗi khi nghe kẻng đánh vào tai, Khấu mới vục dậy, ra cầu thích bắc loa tay gọi ồi ồi: “Đi làm thôi lố”. Gọi lấy lệ vậy, chứ các nhà ở cách mấy quả đồi, lại bị sương mù bao phủ, thì làm sao nghe hết được. Cán bộ xã khen Khấu tích cực.
Hợp tác xã Piát ở ngay gần trụ sở Uỷ ban Hành chính xã, nên coi là trung tâm. Tôi để ý thấy có cô Phái, nhà ở bên kia đồi, nhưng hôm nào cũng đến tập trung đi làm sớm nhất. Phái là gái chưa chồng, không xinh lắm, nhưng nước da trắng, nên nom cũng ưa mắt. Theo tiếng Tày, Phái có nghĩa là bông. Nhưng mỗi khi chấm công là Khấu khắt khe với Phái nhất:
– Cào cỏ cải tiến là phải hai tiến, một lùi. Sao cô chỉ có một lùi, một tiến? Phạt ba điểm, còn bảy điểm.
– Cán bộ bảo làm thế.
Khấu nhìn tôi như dò hỏi. Tôi lúng túng phân bua:
– Hồi ở làng, bọn tôi cũng làm thế, cào đi cào lại nhiều, gốc lúa lốc cả lên. Mà cái kiểu này cũng nên bỏ.
Khấu thở dài ngao ngán, gấp sổ, gài bút máy Trường Sơn vào túi áo sơ mi trứng sáo, quên đóng nắp bút nên mực thấm ra ngực áo. Phái thấy vậy, kêu lên: “à lúi”. Khấu lặng lẽ rút bút ra cài lại và vằn mắt lên nhìn. Phái sợ hãi thụt cổ, lè lưỡi quay đi.
Hồi ấy, ra khỏi nhà đã là rừng. Những chú lợn rừng sọc dưa còn lon ton chạy vào ăn cám với lợn nhà. Gà rừng còn vào gầm sàn, kiếm ăn với gà nhà. Nhưng tự dưng, không biết đàn khỉ ở đâu kéo về phá ngô dữ lắm, nên cái việc chỉ bảo hệ trọng đầu tiên của thằng em là cách làm súng. Khấu lấy về một đoạn thép tròn, dài hàng mét, to như ngón tay cái, bảo làm súng. Tôi ngớ ra, trần đời, chỉ thấy súng nòng rỗng, chứ chưa bao giờ thấy nòng đặc như cái thuốn thế này. Khấu chừng như hiểu ý, nhưng chỉ cười cười. Khấu làm cái gì, tôi cũng làm theo. Hai chúng tôi vần một khúc gỗ to như cái cối xay chôn xuống gầm sàn làm giá đỡ, rồi néo chặt đoạn thép vào cho chắc và khoan nòng.
Việc khoan nòng, quan trọng nhất là phải khoan cho thẳng, nếu lệch, khi bắn nhiều, đạn sẽ làm cho nòng mòn vẹt như vạc ống dầu. Bởi thế, Khấu giữ mũi khoan, còn tôi thì cò cưa cái cần khoan buộc dây da trâu. Phôi thép bắn ra, nóng như cám rang.
Chuyện ở bản Piát
Chiều chiều, cứ đi làm hợp tác về, hai chúng tôi lại xúm vào khoan. Bọn thanh niên trong bản cũng xúm đến xem và kéo khoan đỡ tôi, nhưng Khấu thì khư khư giữ mũi khoan, không giao cho ai bao giờ. Có hôm cô Phái đến đọ sổ công điểm, mũi khoan chợt nảy nên, lao bổ xuống bàn chân, máu chảy chan hòa. Cô Phái sợ hãi kêu thét lên lấy tay bưng mặt, Khấu xoay người, thò tay vào cạp quần, rứt ra một túm lông rịt vào vết thương, cầm máu. Cô Phái vô tình nhìn thấy, lại kêu rú lên: “à lúi” và chạy vụt đi. Đám thanh niên cười hà… hà.
– Hỏng rồi!
– Sao?
– Chưa thấy máu thú đã thấy máu người, khỉ chưa chạy mà chân đã thủng rồi à.
Khẩu súng rồi cũng làm xong, nom oách như súng trận. Chọn ngày lành, hai anh em lên đồi bắn thử. Chúng tôi nằm phục ở rìa nương, tìm tảng đá con khỉ đầu đàn thường ngồi chỉ huy làm đích. Một lúc, mấy con khỉ mò ra nháo nhác nhìn quanh, rồi lũ khỉ buộc dây rừng quanh bụng, ào ạt xông vào bẻ ngô. Khấu giương súng, bóp cò đánh “đoàng” một cái. Nòng súng không có đường khương tuyến, lại bắn đạn K44 của dân quân, viên đạn ra khỏi nòng thì xoay ngang, xé gió kêu ngoao ngoao như tiếng ma, nghe rợn tóc gáy. Lũ khỉ rụng rời chân tay, nằm chết giấc. Tôi toan trói mấy con về thịt, Khấu bảo, đừng làm thế, khỉ giống người mình. Một lúc sau, lũ khỉ tỉnh dậy, lểu thểu lê bước vào rừng. Từ đó, chúng không dám bén mảng về phá ngô nữa.
Một hôm tôi lên họp giao ban trên xã về thì không thấy Khấu đâu, chỉ có cô Phái cầm cuốn sổ công điểm gia đình đang ngồi ở ngoài. Thấy đầu cầu thang có treo con cá chép rất to, tôi lấy làm lạ. Cô Phái lí nhí nói:
– Em sang đối chiếu công điểm tháng trước…
Liếc nhìn con cá đang ngáp ngáp, cô khẽ nói:
– Bố bầm em bảo, mang cho các anh con cá. Bố em mới quăng chài ở vực Cọn, chỗ anh Khấu hay ra tắm.
– To thế!
Tôi chỉ định khen con cá, nhưng cô Phái lại cúi nhìn xuống ngực mình, mặt ửng đỏ như mào gà.
Tôi đưa cô Phái về, con đường mòn vắt qua đồi yên ngựa. Chiều xuống, từng đàn chim hối hả bay về tổ. Thỉnh thoảng, cô Phái lại ngoái lại hỏi:
– Cán bộ đã học được nhiều tiếng Tày của món em chưa?
– Bọn thanh niên đang dạy, nhưng cũng đủ để đi đường: “Kin hy” là đi đường rậm, “Kin vày” là quay trở lại.
Cô Phái ôm bụng cười ngặt nghẽo, ngã lăn cả ra vệ cỏ ven đường. Cái váy đen lật lên để lộ ra bắp đùi trắng như đọt măng. Cuốn sổ công điểm văng ra bên cạnh, cũng cuộn tròn như bẹ măng. Cái khăn đội đầu tuột ra, làm cho mái tóc đổ tràn trên cỏ như một đống móc. Tôi lúng túng không biết sự tình thế nào, cũng nhệch mồm ra cười theo. Bên đồi, vẳng tiếng mõ trâu lốc cốc, lòng bồi hồi như lúc nghe tiếng mõ chùa làng. Khói lam chiều đang tỏa trên những mái nhà sàn dưới bản Piát, thấy nao nao nỗi nhớ quê nhà.
Hồi lâu, cô Phái lồm cồm ngồi dậy và nghiêng đầu, đưa tay vấn tóc. Bầu vú vổng lên ngồn ngộn như quả bưởi, núm vú lồi sau lớp vải áo, nom như quả mận thóc. Tôi ngượng, quay mặt đi, chợt nghe cô Phái bảo như ra lệnh:
– Cán bộ lấy giúp cái khăn đi!
Tôi ngập ngừng cúi xuống, lấy cái khăn vuông đưa cho cô. Bàn tay cô ấm mềm, nắm lấy tay tôi. Đôi mắt cô long lanh, đôi lông mày ươn ướt, dựng ngược:
– Sổ công điểm nữa đi!
Tôi quỳ xuống, nhặt cuốn sổ công điểm đưa cho cô. Thế là hai tay cô nắm lấy hai tay tôi, rồi từ từ ngả người lên bãi cỏ kéo tôi nằm sấp lên tấm thân mềm mại hầm hập như lò lửa…
Bất chợt cô đẩy tôi ra. Tôi ngỡ ngàng chưa hiểu ra sao, cô lại vụt lật nghiêng, vùng dậy. Bỗng có vật gì đó rất nặng rơi bụp xuống lưng tôi, những viên đạn đổ ra tung tóe trên bãi cỏ. Tôi giật mình, nhận ra cái túi đạn của Khấu. Ngước nhìn lên, thấy Khấu đang ôm súng, ngồi thu lu trên chạc cây, bảo là để rình khỉ. Nhưng khỉ đã cao chạy xa bay từ lâu rồi kia mà? Tôi bẽ bàng ngồi dậy. Cô Phái vùng chạy như ma đuổi, vứt lại khăn đầu và sổ công điểm.
Khấu đi bộ đội, để lại ngôi nhà sàn và khẩu súng ma kêu cho tôi. Nhà thì tôi ở, nhưng súng không bắn bao giờ. Trên cột cái gần bếp chủ có dán cái đuôi cá chép của cô Phái. Cái đuôi xòe to như quạt giấy, ôm nửa thân cột.
Chuyện ở bản Piát
Trên Phòng Nông nghiệp thấy tình cảnh như thế thì cho tôi xuống hẳn xã. Trước đây tôi cứ ngỡ đi tăng cường dăm ba tháng thì trở về, ai dè lại kết tồng, bám rễ ở Piát đến thế này?
Piát đúng là ruộng dốc thoải. Bản nằm ngay dưới chân đồi cũng dốc thoải, bên cạnh là ruộng lúa. Người Tày sống theo kiểu “thượng cư hạ điền” là vậy đây. Trên đồi trồng cọ, lấy lá lợp nhà. Hôm đầu đến bản, tôi thấy ngoài cánh đồng có con gì to lắm, lông mốc thếch như bìm bịp, chốc chốc lại bay lên, đậu xuống, lại kêu: “ụp, oà… ”. Tôi tò mò đến gần xem, hoá ra là cái cối giã gạo nước, làm kiểu dã chiến. Người ta lợp mấy tàu lá cọ khô lên đầu cần cối để che nắng, che mưa cho cối gạo. Những mái nhà sàn lợp lá cọ ẩn khuất dưới bóng cọ. Mỗi khi có mưa, rừng cọ lại xao động tấu lên bản nhạc ồn ã, khiến lòng người cũng bồn chồn xao động. Tôi chưa thấy nơi đâu, mỗi khi trời đất giao hòa lại kinh động như ở chốn này. Thảo nào, bản Piát, nhà nào cũng đông con và các cô gái thì đa tình.
Từ khi xảy ra cái việc khăn rơi, đạn đổ thì cô Phái lánh mặt tôi, cả khi Khấu lên đường cũng không thấy bóng. Một hôm, tôi đánh bạo đến nhà tìm, từ trên lưng đồi đã nghe tiếng tính tẩu thánh thót và giọng Phái du dương hát loàn:
Loàn tôi lìa đám, dạ bồi hồi
én lìa nhạn để lòng thương nhớ
Ong lìa ong da diết cùng hoa
Sang năm, loàn có còn gặp hoa nữa…
Tôi ngơ ngẩn trở về, lấy gỗ kháo quang vót cần đàn, lấy quả bầu khô làm tẩu, cứ dài chín nắm cần thì ba nắm đàn. Đàn nữ kéo ba dây. Rồi tôi băng đồi yên ngựa mang đàn sang cho cô Phái. Cái đàn ấy là cái tình, đã đưa cô Phái về ăn cùng mâm gỗ, ngủ cùng chiếu cọ với tôi.
Một chiều, cùng đi sửa cọn nước ngoài suối, Phái hỏi:
– Anh có biết tại sao anh Khấu…?
Tôi nhướng mày, lặng im.
– Anh ấy thương em, anh ấy đã ngỏ lời khi hợp tác làm cọn nước này. Nhưng bố bầm em sợ, nhà anh ấy hay chết non…
– Nhưng sao cứ thấy chú ấy hay cáu gắt với Phái?
– Tính anh ấy thế mà.
Tôi đăm đăm nhìn lên vực Cọn. Thảo nào, lâu lắm rồi, tôi rủ mấy Khấu cũng không ra tắm vực Cọn nữa.
Năm sau, có anh bộ đội về bản trao quân tư trang của liệt sĩ Khấu. Biên bản ghi: “ áo may ô cũ: 2 cái, quần đùi: 3 cái (2 cũ, 1 mới), khăn mặt cũ: 1 cái, giầy vải cũ loại II: 1 đôi, balô cũ loại II: 1 cái. (Tổng cộng 5 thứ) ”
Tôi ký nhận và buột mồm hỏi:
– Không có quần áo dài à?
Anh bộ đội lặng im một lát mới bồi hồi nói:
– Đơn vị chúng tôi ở chiến trường C, núi rừng còn hiểm trở hơn Piát nhiều. Tuy chiến đấu gian khổ, ác liệt, nhưng đồng chí nào cũng dũng cảm và nặng nghĩa tình đồng đội. Trước khi ra trận, quân phục mới để lại hậu cứ cho đồng đội. Còn mình chỉ mặc quân phục cũ và cầm súng ra đi.
Tôi ứa nước mắt. Phái gào lên thảm thiết.
– Đồng chí Khấu rất gan dạ và khéo tay. Khẩu súng nào hỏng hóc, đều chữa được hết. Có một đêm, đơn vị chúng tôi tấn công vào cứ điểm của địch. Chúng bị thiệt hại nặng nề, nhưng phía ta cũng có hy sinh. Mấy hôm sau, chúng tôi mới bò vào được để lấy tử sĩ ra. Đồng chí Khấu bảo chúng tôi phải buộc dây dù vào, kéo thử đã, đề phòng địch gài mìn dưới thi hài liệt sĩ.
– Món rắn độc!
– Quả nhiên, chúng tôi vừa kéo mạnh một cái, tức thì quả mìn nổ tung, ngay bên cạnh… Lúc khiêng tử sĩ, thì đồng chí Khấu cứ xin khiêng sau.
– Chú ấy luôn đi đầu cơ mà?
– Tử sĩ để lâu ngày, đã rữa ra, lúc khiêng lên dốc… dốc ngược, còn hơn cái núi bên kia ruộng Piát, thì nước vàng chảy theo đòn khiêng xuống vai, cứ phải lấy lá mà quệt đi, cho khỏi thấm vào áo.
– Chết thôi, khổ thế à?
Phái lại gục đầu, nức nở khóc. Tôi bồi hồi, khẽ hỏi:
– Thế, chú ấy hy sinh trong trường hợp nào?
– Lần ấy, chúng tôi được lệnh tiêu diệt toán thám báo Ngụy đang tụ tập trong rừng sâu. Đường hành quân qua đường mòn độc đạo. Khi chuẩn bị lội suối, đồng chí phân đội trưởng đã cảnh giác, ném một khúc gỗ xuống hòn đá ven bờ…
– Để làm gì?
– Bọn thám báo cũng quỷ quyệt lắm. Chúng hay gài mìn ở những chỗ người ta thường bước chân vào. Tuy không động tĩnh gì, nhưng khi đồng chí Khấu vừa nhảy xuống, thì hòn đá lật nhào, quả mìn nổ bùng lên. Đồng chí Khấu ngã vật xuống dòng suối. Máu loang đỏ nước.
– Bầm ơi!
Phái lại kêu lên đau đớn.
Đơn vị đã mai táng, lập mộ chí, vẽ sơ đồ để sau này quy tập.
Phải đưa anh Khấu về thôi. Người Piát phải về Piát.
Anh bộ đội mời bà con mỗi người một điếu thuốc lá Thạp Luông, hút cũng thấy thơm thơm, nhưng người Piát chỉ quen hút thuốc lào. Cái điếu ục cứ chuyền tay nhau, vòng đi vòng lại mãi theo câu chuyện về những kỷ niệm của bà con dân bản với Khấu.
Bây giờ, cái bản dốc thoải của tôi đã khác xưa. Ngoài đồng không còn cối giã gạo nước kiểu con bìm bịp nữa. Nhà tôi đã mua máy xay xát về nghiền ngô, xát gạo cho cả bản. Rừng cọ cũng không còn tấu nhạc mưa, nên mỗi nhà chỉ đẻ từ một đến hai con. Cọ đã bị phá đi để trồng keo, theo dự án xây dựng nhà máy bột giấy. Trong nhà tôi, cây đàn tính cùng treo cạnh khẩu súng tự tạo, trên vách cạnh bàn thờ. Giữa thân cây cột cái, trên đuôi cá có dán thêm tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của liệt sĩ Khấu. Tôi hỏi Phái, tại sao không lồng trong khung cho trang trọng? Phái bảo, làm thế cho chắc. Ông chủ thì tựa vào cột chủ.
Ban đêm, Phái ngồi cán bông bên bếp lửa, chợt thấy đom đóm bay đầy ngoài vườn, khẽ nói:
– Sắp đến mùa trồng bông rồi.
– Phải “thìn khấu, dậu phái” mà.
Phái thảng thốt nhìn tôi, hỏi:
– Anh cũng biết câu ấy của người Piát à?
– Anh cũng là dân Piát, làm sao không biết, ngày con rồng trồng lúa thì tốt, ngày con gà trồng bông thì nên.
Từ ngoài suối, vọng về tiếng cọn nước kêu ken két giữa đêm thanh, nghe như tiếng khoan nòng súng thuở nào.
Tác giả: Vũ Xuân Tửu