Anh cầm nỏ săn men bờ đầm Vạc ra sông Cái. Từ ngã ba sông xuống cửa biển thuyền xuôi khoảng hai giờ đồng hồ, còn ngược lên nương ngô nhà anh dưới chân đồi Con Rùa chỉ đun sôi siêu nước là đến. Đi tắt theo suối Yên Ca là về xóm Núi, vượt qua thung Dâu vào sâu nữa gặp bản của người Mường.
Ngày trước, rừng còn nhiều thú, thỉnh thoảng ban đêm lợn rừng đi kiếm ăn lạc đường chạy qua cả quốc lộ Một. Từ ngày bạt núi mở rộng dốc Sây, công trường nổ mìn xay đá, thú rừng lánh sang mạn tây nam dãy Tam Điệp hết, riêng khỉ lông xám vẫn còn nhiều. Có lẽ khỉ tiến hoá thành người, khỉ gần người hoặc giống người nên khỉ không sợ người?
Núi rừng Tam Điệp dạo này không mưa. Đầm Vạc, sông Cái đang mùa nước cạn, mực nước thấp nhưng vẫn giữ được vẻ mênh mang vốn có từ ngàn xưa. Hai bên mép nước bờ sông, và mép nước các gò nổi trong đầm, bần chua mọc lưa thưa, bám rễ vào đất nâu sậm; thỉnh thoảng một đám cỏ ngạn mọc xen vào, xanh um.
Ngày anh còn bé, cha thường chèo thuyền thúng đưa anh đi săn vịt trời, mòng két ở đầm Vạc. Cứ vào độ tháng chín ta, cỏ ngạn bắt đầu lụi, hết đêm sang ngày sóng vỗ vào gốc cỏ ngạn, lúc nước rút củ ngạn chòi hẳn ra. Khi gió heo may tràn đến, vịt trời, mòng két di trú về đầm Vạc, sông Cái trốn đông, rúc đầu vào bờ, vào gò nổi trong đầm ăn củ ngạn. Mùa heo may cũng là mùa săn mòng két, vịt trời. Dân xóm Núi bắn vịt trời bằng súng săn hai nòng, thường nhằm vào đầu, bắn chết ngay mới hòng bắt được. Bắn gẫy cánh gẫy chân, nó bơi vào bãi lầy thụt ngụp hết mình chỉ để thò mỏ chìa hai lỗ mũi thở, trốn hàng giờ không chịu ngoi lên. Cha thường bắn vịt trời bằng nỏ săn, rủi ro trúng cánh hay đùi, mũi tên vẫn mắc lại. Vịt trời mang luôn cả mũi tên bơi, lặn trốn bị vướng rong rêu, cành cây nên không bao giờ thoát cả. Bắn vịt trời phải bắn con cái. Con cái chết, con đực chẳng chịu bỏ đi, bao giờ cũng bay vòng trở lại, lảng vảng, lúc ngụp lặn, lúc bơi, quanh quẩn bên bạn tình. Bắn trúng con đực thì con cái bay mất tích luôn, không còn cơ hội săn tiếp.
Cái giống vịt trời rất lạ. Thời gian ấp trứng hầu như do vịt đực ấp, vịt con nở, vịt đực lại dẫn đi kiếm ăn để cho vịt cái rảnh rang, nhàn hạ tự kiếm mồi nuôi thân vỗ béo, thay lông rồi tiếp tục đẻ trứng. Cha anh bảo: “Cha nghiệm ra: Vịt đực là cái giống chung tình. Ví như: Con vịt cái không may chết thì vịt đực vẫn ấp trứng tận đến lúc nở, nuôi con đủ lông đủ cánh mới thôi. Chẳng may vịt đực chết thì vịt cái bỏ tổ trứng ấy ngay, đi tìm con vịt đực khác. Anh nói: “Cha biểu gì con chẳng hiểu gì sất”. Cha anh thở dài: “Con còn nhỏ, đường đời chưa biết hết. Lớn lên nữa sẽ hiểu”…
Càng gần nương ngô, càng nhiều mùi hương lạ. Mùi hoi hoi, nồng nồng của giống cái đang mùa động dục lẫn mùi ngai ngái, ngon ngót của ngô non đọng sữa. Càng gần nương ngô, càng nhiều tiếng rào rạo, tiếng khẹc… khẹc của họ hàng hang hốc nhà khỉ. Anh chưa kịp giơ nỏ săn, hàng chục con khỉ đã rẽ cây chạy rào rào ôm bắp non chuồn lên rừng. Một con khỉ to lông mốc xám ra khỏi nương ngô cuối cùng. Anh đoán, nó cố tình thu hút sự chú ý của anh để kéo dài thời gian cho họ hàng nhà khỉ thoát thân. Anh xót của. Nương ngô xanh đang độ bắp đọng sữa, có bắp trổ sớm, râu bắt đầu heo héo cũng bị vặt toác bẹ, đạp gẫy rạp cây, bắp non bị găm nham nhở rơi lỏng chỏng. Anh điên tiết, cầm nỏ săn rượt theo…
Nỏ săn của cha để lại, hai chỗ tay cầm mồ hôi ra bắt màu nâu bóng từ ngày trước. Đã lâu không dùng đến nhưng cánh nỏ vẫn khoẻ và chắc. Cánh nỏ là gốc tre đực già chẻ đôi, vót nhẵn thuôn dần về hai đầu, dài nửa sải tay. Thân nỏ, cha làm bằng gỗ sến, còn lẫy nỏ là một mảnh sừng trâu. Mũi tên, cha cũng làm từ tre đực già, chọn đoạn thẳng, dóng dài; một đầu tên vót nhọn, một đầu gắn mảnh cật tre mỏng làm cánh lái.
Nhiều buổi hừng đông, chim chào mào đội mũ dải đen loách choách trên cây ổi trước nhà, cha gọi anh dậy tập bắn. Bài học đầu tiên: bắn những con gì, giống gì. Bài học thứ hai: lên dây nỏ. Lên dây nỏ phải thót bụng tì chuôi nỏ vào, gồng người từ từ căng bụng đẩy nỏ ra, đồng thời hai tay kéo dây mắc vào khấc hãm. Mũi tên đặt xuống rãnh nỏ ngay ngắn. Bài học thứ ba: gương nỏ, tỳ tay và ngắm vào điểm bắn. Cha làm mẫu. Phựt! Mũi tên lao đi. Con sẻ đậu ở cành dâu da rơi xuống đất…
Cha mẹ hầu như chưa bao giờ nặng tiếng với nhau. Duy nhất có một đêm, anh chợt thức giấc bởi tiếng gầm của cha: “Tôi sẽ chôn chặt trong lòng chuyện ấy. Nhưng tôi thề: trước khi chết tôi sẽ kể cho con trai tôi rõ…” Mẹ sụp xuống chân cha, van nài: “Đừng! Em xin mình! Mình đã tha thứ cho em ngay từ cái đêm đầu tiên em bước vào cái nhà này rồi mà. Sao mình còn nhắc lại?” “Nhưng mà tôi không làm sao quên được”. “Em xin mình. Mình đừng bắt con phải nghe…” Đêm đó mẹ ầm thầm, sụt sùi; còn cha ngồi lặng câm đến tận sáng. Khi đó anh còn bé lắm, anh chưa cắt nghĩa được chuyện gì đã xảy ra!
Tường nhà anh treo nhiều loại móng, vuốt, sừng, da thú… cha bắn từ hồi chưa cấm rừng. Mỗi lưu vật là một cuộc đời con thú; ngoài cha ra, chỉ có một người biết chúng đều là giống cái. Cha rất quý cái nỏ săn. Vậy mà đã có lần cha định bẻ cánh nỏ gãy làm hai.
*
* *
Đã nửa giờ đồng hồ, anh cầm nỏ săn đuổi theo con khỉ lông mốc xám. Rất lạ! Khi anh gương nỏ lên, ngắm; vừa bóp lẫy, con khỉ lông mốc đã rơi xuống; có thể nó rơi trước khi mũi tên lao ra một, hai giây gì đó và nằm bẹp dưới đất như chết. Anh khoác nỏ lên vai, đến nhặt chiến lợi phẩm thì bỗng nhiên nó nhoắt dậy, vụt tót lên cành cây cao. Cứ thế, nó như người nhử mồi, anh đuổi theo bắt bóng. Con khỉ đã thành tinh của rừng xanh thật rồi, nó nhanh nhẹn, tàng hình như ma. Mệt phờ râu cáo, anh nằm vật xuống gốc cây mã tiền bên bờ suối Yên Ca. Mồ hôi túa ra, hai gối mỏi và bàn chân sất xước rớm máu bởi gai cào. Khỉ thật! Đúng là khỉ thật! Nó cứ nhoàng nhoàng, ẩn hiện trước mắt. Và bây giờ, nó đang ngồi trên cành cây cao kia, dạng roác háng gãi sồn sột.
Hoá ra là con khỉ đực. Nó trêu ngươi anh? Nó đùa giỡn anh? Không! Anh nhầm. Chẳng lẽ con khỉ đực tinh ranh đã biết nhử anh đuổi theo để con khỉ cái lông đen và con nó tẩu thoát. Khá khen cho nghĩa phu thê, cho tình phụ tử, và lòng chung thuỷ của giống đực. Con khỉ cái có biết trời đã ban cho nó người chồng vĩ đại bậc nhất núi rừng Tam Điệp không?
Nghỉ đã! Anh toài người xuống vốc nước lên mặt. Nước suối ở chân núi Lò Vôi trong lành tinh khiết làm anh tỉnh táo hẳn ra và anh lại nằm ngửa trên cỏ xanh ngắm nhìn những tia nắng đang chiếu xiên qua kẽ hở vòm lá. Con khỉ lông mốc xám vẫn ngồi trên cành cây cao kia, nó không còn gãi háng nữa, nhìn anh. Anh nhìn lại. Con khỉ lông mốc xám, đít đỏ hon hỏn, trán nhăn nheo và hói, nó như một lão già gương mặt mang đầy dấu vết đày ải khắc nghiệt của thời gian.
*
* *
Lúc sắp chết, cha anh như ngọn đèn dầu lạc lụi dần, lụi dần. Cha gọi anh đến bên giường. Mặt cha hốc hác, hai mắt trũng sâu kéo lông mày xuống khỏi trán, mái tóc muối tiêu và má tóp lại…, chẳng tìm đâu sức sống trên gương mặt của cha. Ai cũng phải già cỗi, bệnh tật rồi chết, nhưng thời gian, mưa nắng và sóng gió cuộc đời tàn phá gương mặt cha đến thế này thì anh không tưởng tượng nổi. Hai giọt nước đục rịn ra hai khoé mắt, cha thều thào: “Cha đã định không nói. Cha sẽ mang theo xuống mồ. Nhưng con còn trẻ, con ngu ngơ mà cuộc đời đầy trắc ẩn, không lường hết được… Đến lúc chết, cha vẫn thương cái thân cha, thương con, thương những thằng đàn ông, con ạ. Con có nghe cha nói không? Có à. Con ơi. Con có biết cha đi săn cứ nhằm bắn giống cái không?”. “Đừng! Em xin mình…” Mẹ ở đâu đó lao vào, mẹ gục đầu vào lòng cha và cha không nói được nữa. “Đừng! Em xin mình! Đừng bắt con phải nghe…” Vẫn cái điệp khúc năm xưa mẹ van vỉ cha. “Mình đã thương em, mình đã im lặng cả cuộc đời. Em xin mình thương cho chót.” Cha vẫn câm lặng. Không gian trong cái nhà kín cửa che gió cũng dồn nén dặc quánh lại. Anh bàng hoàng quá. Anh lờ mờ hiểu ra cái điều cay đắng chịu đựng bao năm nay của cha. Bỗng mẹ ngồi dậy thở dài và mẹ quấn mái tóc sổ tung, xoã sượi lại: “Thôi! Tôi không xin mình nữa. Cả đời tôi, tôi lam lũ vì cái nhà này, tôi cúc cung chịu tội từ cái đêm đầu tiên tôi làm vợ mình, nhưng mình vẫn để bụng dai dẳng quá. Tôi cắn rơm cắn cỏ xin mình. Mình chẳng thương, tôi đành chịu.” Mẹ anh giơ tay áo quệt nước mắt và bước ra ngoài. “ Bu! – Anh nhìn thẳng vào mắt mẹ – Cha đang cần bu lúc này”. Anh nói và giữ tay mẹ lại. Bước chân mẹ ngần ngừ, do dự, mắt ầng ậng nước. May sao lúc đó cha anh bảo: “Mình ngồi lại. Tôi xử với mình tệ quá… Tệ quá!”.
Mẹ anh khóc và mắt anh cũng rơm rơm nước.
Cha anh mấp máy cặp môi khô: “Mình nằm xuống với tôi một lát đi”. Anh đỡ cha lui vào phía sát tường cho mẹ nằm bên cha. Cha nhấc tay phẩy như bảo anh đi ra ngoài. Mẹ nức nở, tức tưởi vì sự kìm nén được giải toả, mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc. Cha bảo:“Mình! Mình đừng khóc nữa.” Mẹ vẫn khóc to. Cha vuốt vuốt mái tóc có nhiều sợi bạc của mẹ, một cử chỉ của người đang yêu, mới yêu: “Tôi thương mình! Mình có nghe tôi nói không? Bây giờ tôi mới yêu mình. Tôi yêu mình thực lòng mà”. Cha anh nói rành rẽ, tỉnh táo quá. Như ngọn đèn dầu cố cháy bùng lên trước khi lụi tắt, cha đang dồn hết tinh lực còn lại để nói những lời yêu thương với mẹ, lời nói yêu thương muộn mằn của người sắp chết.
Mẹ mừng rỡ, hỏi: “Mình tha tội cho em thật chứ?”. Cha gật đầu, bảo: “Mình đưa cho tôi cái nỏ săn. “Mẹ lo lắng kêu: “ớ các con ơi! Thầy chúng mày làm sao thế này.” “Không làm sao đâu. Mình chiều tôi đi, mình đưa cái nỏ săn cho tôi mà”. Cha anh van nài.
Anh từ ngoài thềm bước vào, đến bên tường lấy nỏ săn thay mẹ đưa cho cha. Cha cầm ngược nỏ săn: “Tôi bẻ gãy nỏ… mì…ình nhá”. Mẹ nấc lên: “Mại ơi! Thày mày sắp đi rồi!” Chưa bao giờ anh bình tĩnh như thế, anh nhìn kỹ thân hình cha. Cha co chân phải. Cha ngấc đầu, tì cánh nỏ vào đầu gối. Cha cố mắm môi, gồng sức bẻ. Cha kiệt sức, nằm vật xuống chõng tre. “Tôi không đủ sức rồi… mình ạ!”
Dường như bầu trời đã sụp xuống chân anh, bỗng chốc lại kéo vút lên xanh thẳm tầng từng không. Anh ra ngoài đầu thềm hè ngồi. Hoàng hôn đỏ ối nhuộm hồng một góc dãy núi Tam Điệp. Cha đã không bẻ nổi cái nỏ, cái nỏ săn cùng bao đau đớn, buồn vui đi theo suốt cuộc đời cha. Chưa bao giờ anh mong các chị và em gái về quây quần tụ họp như lúc đó.
*
* *
Loạt soạt. Lạo xạo. Rồi lại loạt soạt. Tiếng rẽ lá và bước chân trên cành khô làm anh giật thót mình. Tiếng động đánh thức cơn mộng mị đang chìm trong ký ức đưa anh trở lại với rừng. Lại một con thú nữa. Mùi hoi hoi của giống khỉ phảng phất. Có thể là một con cái đang mùa động dục. Anh gương nỏ và đặt ngón trỏ vào lẫy. Nhưng anh giật mình, anh chớp chớp rồi mở to mắt. Anh hoảng hồn và anh trấn tĩnh. Không thể tin được: một bờ vai đàn bà.
– Sim! Cô Sim. – Anh buột miệng gọi to.
– Ơ kìa. Anh Mại.
Sim chui khỏi lùm cây và bước ra chỗ trống. Dây quai sọt níu trễ một bên vai, mồ hôi nhễ nhại trên trán. Thì ra là Sim đi lấy lá thuốc cho chồng. Chồng Sim tên là Lùng ốm từ nhiều năm nay, gần đây thỉnh thoảng lại co giật. Lúc túng bấn, ốm đau quá, Lùng chịu không được quát mắng cả Sim. Có người độc miệng bảo Sim mang bệnh tật đến cho Lùng, nên thằng chồng ốm đau quặt quẹo từ ngày lấy vợ. Biết vậy nhưng anh vẫn hỏi:
– Cô Sim sống hạnh phúc chứ! Lùng có khoẻ không?
Dường như Sim không để ý. Cô thật thà nói:
– Nhờ trời, anh Lùng lúc nào yêu thương. Nhà em vẫn khoẻ.
Anh biết Sim nói dối. Say rượu, Lùng vừa thượng cẳng chân hạ cẳng tay làm vợ thâm tím mặt mày vừa mắng chửi, nhiếc móc vợ. Sim được cái nhẫn nhục, chịu đựng. Biết vậy mà anh vẫn không buông tha:
– Vẫn khoẻ sao Sim phải đi lấy thuốc? Hay tìm sâm quý bồi bổ cho chồng!
– Em đi lấy củ bình vôi. Cái giống bình vôi mọc trên núi đá vôi này hiếm quá.
– Trên núi Lò Vôi ấy, ngày trước tôi và Lùng hay leo núi bắt sáo, thấy đầy.
Sim búi lại búi tóc đang sắp sổ tung. Cổ gáy lộ ra trắng quá. Sim vẫn đẹp. Cuộc sống vất vả ở vùng bán sơn địa này không làm dáng vẻ cô hao gầy. Gái một con trông mòn con mắt, Sim vẫn đẹp, đằm thắm và quyến rũ. Đôi vú đang lúc cương sữa, nhô cao, sữa rịn ra thấm ướt hai đám áo tròn như lòng bàn tay trước ngực. Sim vẫn khoác cái sọt đứng tựa vào gốc cây sồi già, gương mặt buồn quá. Một thoáng ân hận vì vừa lỡ lời móc máy, anh dịu giọng bảo:
– Thôi cô Sim về đi, kẻo người ta nhìn thấy.
– Anh vẫn cố ý tránh mặt em. Anh sợ mang tiếng à?
– Là tôi nói Sim về đi chẳng chồng em mong, con em chắc đang đói sữa đấy. Trẻ con đói sữa là nó quấy.
– Cái số em nó khổ thế. Giá ngày trước anh Mại đừng ra phố.
– Tại Sim không chờ tôi.
Sim nghẹn ngào, nước mắt ứa ra…
*
* *
Đêm tân hôn. Lùng và Sim sùng sục trong buồng. Cái buồng ở xóm Núi nhà quê bao giờ cũng thiêu thiếu sáng. Lùng và Sim nhào vào nhau sung sướng, đam mê, hạnh phúc… Đến khi tỉnh ra, Lùng lột vội tờ giấy bản trải giữa chõng tre đã bị chà sát, dày vò nhàu nhĩ nhưng vẫn một màu trắng ngà. Một đám ươn ướt bằng lòng bàn tay không màu sắc loang ở giữa tờ giấy.
– Thế này là thế nào?- Lùng gào lên.
Sim sợ hãi, ôm chăn nep nép ở góc giường.
– Khốn nạn! Thế này là thế nào?
– Em không bi… ết!
– Hay là cô với… thằng Mại?
– Khô…ông!
Sim cũng gào lên rồi gục mặt vào gối cưới tức tưởi, nấc… Lùng đau đớn bước ra ngoài thềm hè ngồi. Đêm về sáng, núi rừng Tam Điệp tối đen mông lung, hoang dã càng làm cho Lùng đau đớn hơn.
Một lần, hai lần rồi nhiều lần Sim quỳ sưng đầu gối thề sống thề chết chưa một lần ăn nằm với thằng đàn ông nào… Lùng vẫn im lìm, lạnh tanh. Càng im lặng nỗi đau càng dồn nén chồng chất, Lùng thành kẻ vũ phu… Sim không thanh minh được, không san sẻ được cùng ai. Cái trinh trắng, quý giá của người con gái phải tự người đàn ông biết; giá như cái bánh bột lọc thì bóc ra cho chồng xem trước rồi mới cho chồng ăn…
Chuyện ấy qua lâu rồi, Sim ngậm đắng nuốt cay và gồng mình gánh chịu, đến khi không chịu được, Sim tìm đến anh, kể lể…
*
* *
Nếu ở hoàn cảnh như Lùng, anh sẽ xử xự với Sim như thế nào? Im lặng, chịu đựng? Hay phá tan cái gia đình vừa gây dựng nên? Anh không lấy mất sự trong trắng của Sim nên chẳng có tội với Lùng. Anh yêu Sim, ngồi bên nhau chỉ dám cầm tay, hôm nào nồng nàn quá không kìm nén được cũng chỉ vục mặt vào ngực Sim để hít no nê mùi da thịt con gái thôi. Anh đi học xa xóm Núi ra phố và muốn Sim cùng ra phố. Mẹ Sim già lão, một mẹ một con, bà không chịu cảnh chia xa. Sim nghe lời mẹ, phụ tình anh lấy chồng làng. Cũng may anh chưa làm gì nên tội. Anh không làm hại đời Sim nên mỗi khi biết Lùng đánh Sim, hành hạ Sim, anh cũng không quá khổ sở và ân hận mà chỉ thương.
– Không sống được với nhau thì bỏ.
– Còn con cái, còn nhiều cái ràng buộc lắm, anh Mại ạ.
Sim im lặng. Cả hai người im lặng. Bao tình cảm vui buồn, thù hận, yêu thương, bỗng ùa về lẫn lộn.
– Anh Mại có biết, nhà trai ở Hà Nội về nhà chú Hào ăn hỏi cái Thêm không?
– Em gái tôi còn nói: họ để ô tô ngoài đường cái, thuê xe ngựa về xóm Núi cơ.
– Thế nên anh Mại mới vác súng đi săn để tránh mặt?
Sim đã nói trúng ý nghĩ của anh, nhưng anh vẫn gồng lên:
– Nương ngô nhà tôi khỉ phá quá. Cô đừng nói làm tôi khổ thêm nữa. Tôi bạc tóc cũng vì người ta bạc tình.
*
* *
Mãn tang cha, mẹ giục anh lấy vợ. Mẹ đôn đáo ở làng trên xóm dưới tìm cho anh một cô gái chân quê. Một cô thợ cắt cỏ chưa đi khỏi làng bao giờ thì càng tốt. Anh cười bảo: “Sao cứ phải là quê mùa. Thời con gái, bu đã từng đi buôn vải cơ mà”. Dường như, anh đã chạm vào nỗi buồn của mẹ. “Vậy nên bu mới khổ cả đời. Đàn ông đàn ang các anh chỉ nghĩ đến cái thân mình mà chẳng thương thân người ta.” “Thế là bu trách thày con.” “Là bu nói thế. Thôi cứ để bu lo cho kẻo lại khổ truyền kiếp.” Nhưng mẹ vẫn không tìm được vợ cho anh.
Cho đến một buổi sáng đầu mùa hạ, sau chuyến xe ngựa từ làng ra, anh gặp “Chíp hôi” bên ngã ba đường chờ xe lên thành phố. Hôm ấy, nắng sớm, cỏ bên đường còn ngậm sương long lanh, vịt trời nháo nhác kiếm ăn trên đầm Vạc. Người làng Sơn Hạ đang quẩy quang gánh vào thung Dâu cắt cỏ tranh về lợp nhà. “Chíp hôi” cắp cặp, chân đi dép lê, tóc túm đuôi gà cháy nắng đỏ hoe, đôi mắt to đen, ngơ ngác. “Chíp hôi”gầy nhẳng, kẽ móng tay đen đúa đọng bùn đồng cỏ rửa chưa hết. “Chíp hôi” có một cái gì đó chất phác đến ngây thộn lại trắng trong, thuần khiết bên ông bố quê mùa, xách tay nải gạo thật thà như đếm. Cha “Chíp hôi” hồ hởi:
– May quá! Tôi nghe nói anh làm ăn ở ngoài đó, nhưng mà ngại không dám đến cậy nhờ. Cũng là người làng ta cả, hay là anh cho em nó theo ra Hà Nội với. Chứ ngoài đó lạ nước lạ cái, tôi đi cũng chả biết xoay sở thế nào.
Thì ra chú Hào đưa “Chíp hôi” ra Hà Nội tìm chỗ luyện thi vào đại học.
Chuyện đó đối với anh chẳng khó khăn gì, được giúp người làng ở nơi xa xôi nhiều khi còn được tiếng, anh bảo:
– Chú Hào và em gái cứ yên tâm. Cháu cũng tiện đường mà. Em gái không ngại thì gần chỗ cháu làm cũng có một lò luyện thi.
Chú Hào mừng rỡ:
– Thật nhá! Thật nhá! Anh cho cái Thêm đi theo nhá. ối giời ơi! Quý hoá quá!
Người nhà quê thật thà, tin người nhưng nghèo, thường khi được giúp đỡ thì hàm ơn và mừng lắm, nhiều khi cái sự mừng lại thái quá. Anh khẽ liếc thấy đôi má “Chíp hôi” đỏ bừng lên, e thẹn. Cùng làng Sơn Hạ, nhà anh ở sát chân núi, bên đầm Vạc; chú Hào ở bên kia đồng Cỏ lối đi chợ Bút, xuống mạn biển. Lớn lên anh đi suốt, thỉnh thoảng mới về nhà, nên tầm tuổi như “Chíp hôi” anh không biết.
Căn hộ mười hai mét vuông tít tận tầng năm thuê đã nhiều năm, anh nhường cho “Chíp hôi” ở học ôn. Tiếng cười, tiếng nói, bàn tay của người con gái mới lớn làm căn hộ vốn quá đỗi cũ kỹ, tẻ nhạt, buồn thảm, bừa bộn trở nên mới mẻ, ấm cúng, vui và gọn gàng. Hai bữa trưa, tối anh leo cầu thang, đi chợ nấu cơm chờ “Chíp hôi” đi học về cùng ăn. Đêm, anh về phòng làm việc ở cơ quan ngủ. Cái điệp khúc ấy lặp đi lặp lại đúng một năm trời.
“Chíp hôi” vào đại học, cả nhà cô mừng quá. Chú Hào đến chơi, hàn huyên một lúc rồi chân tình nói với mẹ anh: “Con gái đi ra khỏi nhà lúc nào tôi lo lúc ấy. Các cụ ngày xưa bảo: Trâu ta ăn cỏ đồng ta, thằng Mại nhà bác mà ưng ý thì tôi giao phắt cái Thêm cho nó luôn.” Mẹ anh rầu rầu bảo: “Được thế thì quý hoá quá. Thằng Mại nhà này đường vợ con lận đận, quá lứa rồi. Liệu cô Thêm nhà chú có thương không.” Chú Hào gạt phắt: “Không thương mà được với tôi à. Ăn quả nhớ người trồng cây. Con Thêm nhà tôi được ăn trắng mặc trơn, nhởn nhơ ăn học sung sướng như thế là do anh Mại giúp. Cứ như ngày xưa thì bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy.” Mẹ anh nói chuyện mà cứ thở dài hăn hắt…
*
* *
Bạn bè anh, người khen “Chíp hôi” thật thà, hồn nhiên. Họ còn bảo anh tốt số, ăn về đường hậu lộc. Người nói: “Ôi dào ơi! Thiếu gì loại người ăn cháo đái bát. Đủ lông đủ cánh là nó vù. Không khéo cốc mò cò xơi. Anh chàng Mại chả dại gái một lần nữa cho mà xem.” Thôi thì đủ lời ra tiếng vào, bàn luận mối tình quá chênh lệch tuổi tác của anh và “Chíp hôi”. Thây kệ đời, thiếu gì người hiểu hoàn cảnh mình thương mình thật lòng nhưng cũng đầy ra loại đố kỵ chả muốn người khác hơn. Giá như “Chíp hôi” tuổi nhiều thêm chút nữa, giá như “Chíp hôi” sắc đẹp chỉ mức trung bình, thậm chí xâu xấu một tẹo, có khi người ta thương mình mà vun quén chứ ai nỡ đàm tiếu, phá ngang. Thoát khỏi đồng Cỏ, đầm Vạc, không phải ăn ngô, ăn sắn lát, rau dong, “Chíp hôi” lớn ngồng. Nước da trắng hồng, mặt rạng rỡ, tươi tắn, má hơi bầu; mỗi khi nói, lúm đồng tiền lõm xuống nhấp nhánh, đôi mắt to đen mơ màng làm bọn con trai cùng lớp ngẩn ngơ. “Chíp hôi” ra ở ký túc xá, nhưng chẳng tối thứ bẩy, chủ nhật nào vắng thiếu cô trong căn nhà anh thuê. Dáng người ấy, đôi mắt ấy, tình cảm ấy, “Chíp hôi” thổi sinh khí làm sống lại tâm hồn cằn cỗi vì đau đớn của anh. Anh lâng lâng sống trong niềm sung sướng, đam mê mới…
*
* *
Rừng mở toang ra trước mặt một khoảng trống đầy nắng. Anh nhìn thấy mây bay và vòm trời cao xanh. Khỉ cái và con nó đang ngồi trên hòn đá mồ côi sưởi nắng. Nó đang điềm nhiên tận hưởng niềm yên ổn do vị hôn phu mang lại khi đánh lạc hướng đi săn của anh. Anh vạch lá rón rén đến gần, nó vẫn không hay biết gì. Anh gương nỏ săn nhằm vào lưng khỉ cái và ngón tay trỏ từ từ… xiết lẫy. Có cái gì đó nhoáng qua điểm ngắm. Nhưng mũi tên đã lao vút đi rồi. Một tiếng kêu đau đớn ré lên. Không phải tiếng kêu của giống cái. Thì ra con khỉ đực vừa nhảy xuống, hứng trọn mũi tên, chịu thay khỉ cái. Có thể là cú nhảy tình cờ của khỉ đực lông mốc xám, cũng có thể là lòng hy sinh cao thượng của giống đực?
Không còn bóng dáng khỉ cái. Con khỉ đực bị mũi xuyên vào bả vai, máu ra, đọng thành một vũng nhỏ trên mặt đá. Đau quá, nó rên khe khẽ và đưa đôi mắt đờ dại như van lơn, như cầu xin anh đừng đuổi theo giết bạn tình và đứa con nhỏ bé, dại khờ của nó. Một bắp ngô rơi ra lăn vào vũng máu. Nó biết lấy dây rừng buộc vòng quanh bụng và đi bẻ ngô non giắt vào. Sự cúc cung tận tụy của giống đực vừa cao cả vừa ngu xuẩn. Xót xa quá! Tàn nhẫn quá! Anh hối hận. Anh thấy mình u tối và có tội. “Kẻ tốt như mày sẽ còn khổ, còn đau đớn nhiều vì sự dối lừa.” Anh lẩm bẩm . “Ta sẽ phóng sinh mày, ta tìm cho mày một nơi yên ấm, mày hãy cách xa cái giống cái bạc tình kia.”
Anh đi tìm lá thuốc dấu để dịt vết thương cho nó. Lòng vòng một lúc anh mới tìm được lá cây Ngọc Hoàn, dân xóm Núi gọi là Tu lình. Lá thuốc dấu này đắp vào vết thương là cầm máu ngay, không bị sưng, chỉ ít ngày sau liền miệng. Lúc đó, anh mới nhớ đã bỏ quên cái ná săn, không mang theo bên mình. Anh quay lại chỗ hòn đá mồ côi ở khoảng rừng trống. Một cảnh tượng đập vào mắt anh: Con khỉ cái đang cào cào chân trước vào vũng máu có bắp ngô non nằm lăn lóc. Nó tru lên những tiếng thổn thức. Không thấy con khỉ đực đâu, chả lẽ nó đã lết đi chỗ khác.
Con khỉ cái cau mày và cầm nỏ săn lên ngoạm mồm vào dây nhai nhai. Bộ răng hô chuyên gặm thức ăn nuôi thân, nuôi con chịu bất lực bởi dây nỏ làm bằng ruột mèo trắng được sao tẩm, vê săn kỹ rồi cất lên gác bếp hong khô, rất dẻo và dai. Nó phát khùng, ném nỏ săn xuống đất. Cùng lúc đó có tiếng khẹc… khẹc. Khỉ cái liền bỏ hòn đá mồ côi chạy về phía tiếng kêu ở gốc cây sồi. Anh cũng đến lấy cái nỏ săn tội nghiệp của mình.
Anh kinh ngạc không tin ở mắt mình: Khỉ cái nhe răng cắn chặt rút mũi tên ra và nhai lá thuốc đắp vào bả vai khỉ đực. Có tiếng rên khe khẽ như là đau đớn thật, như là nũng nịu hờn dỗi. Khỉ cái vin cành cây loà xoà ở bên bứt lá chụm lại như hình cái phễu; một tay cầm phễu lá, một tay nặn vú đang cương sữa. Sữa chảy vào phễu lá, rồi chảy xuống mồm khỉ đực. Một lát, con khỉ con ở đâu đó chạy đến, nó trố mắt nhìn nỗi đau của người cha và sán đến mẹ rúc đầu vào ngoạm núm vú. Khỉ mẹ gạt con ra. Khỉ con bú không đúng lúc, nó làm rối bận mẹ. Có thể nó rất đói, không được bú sữa mẹ vì phải chạy trốn cuộc săn đuổi của anh. Khỉ con lại rúc đầu vào bú, khỉ mẹ lại gạt ra. Mỗi lần gạt con không cho bú, khỉ mẹ lại nhăn trán, cau mày kêu khẹc… khẹc… như thể dằn lòng một cách đau đớn lắm… Cứ như vậy, đến lúc khỉ mẹ không chịu được, cáu tiết gạt mạnh làm khỉ con lăn lóc mấy vòng.
Gớm thật! Lúc này, sự sống còn của chồng và tình phu thê cần thiết hơn tình mẫu tử? Anh thoáng nghĩ nhanh và cầm nỏ săn nhăm nhăm bước đến. Thấy động, khỉ cái hốt hoảng. Anh đứng lù lù trước mặt nó và chĩa cái nỏ săn đã căng dây. Con khỉ cái chẳng mảy may sợ sệt, đứng hẳn lên che chắn cho khỉ đực bị thương và tay phải quơ vội khỉ con quặt về phía sau. Mắt anh và mắt khỉ cái đều rực lửa, ánh mắt phóng ra chạm vào nhau. Anh chĩa thẳng nỏ săn và ngón trỏ đặt vào lẫy nỏ. Kỳ lạ thay, khỉ cái không chạy, mở to mắt hết cỡ, ưỡn ngực che chở cho chồng con…
Tự nhiên trời đất chao đảo trên đầu, dưới chân anh. Anh cảm thấy mọi sự bon chen toan tính, bạc tình, mưu lợi của con người đều vô nghĩa hết. Bỗng dưng anh học được một bài học vô giá ở núi rừng Tam Điệp. Anh ngao ngán định vứt nỏ săn ở lại với rừng, nhưng nghĩ ngợi một lát, anh lại thôi.
*
* *
Năm học cuối cùng qua mau, anh và các bạn xúm vào lo cho “Chíp hôi” đi làm ở Hà Nội rồi vội vã đi công tác xa. Ba tháng sau, anh về không còn nhận ra người mình yêu thương nữa. “Chíp hôi”của anh đi giầy khủng bố, mặc áo te tua hở ngực lộ cả chân vú. “Chíp hôi” đánh son môi màu nâu Hàn Quốc, tóc nhuộm hoe hoe vàng… “Chíp hôi” ngồi trên xe máy Bones 125 sau lưng một chàng trai cùng cơ quan ăn mặc rất ngầu. Anh đau xót nhìn cái xe Cúp bãi rác, tiếc tiền không dám gửi ở tầng một, mỗi lần cất phải cài số vừa rồ ga vừa đẩy lên tầng năm. Sau này anh mới biết chàng trai ấy con một ông vụ trưởng.
Một vài lần gặp gỡ nữa, dăm ba câu hờ hững, vu vơ, nhạt phèo, “Chíp hôi” càng ngày càng xa anh rồi xa hẳn. Chú Hào biết, chú lồng lên Hà Nội và cha con cãi nhau. Chú Hào có lý của chú,“Chíp hôi” có lý của “Chíp hôi”. Vua thua đứa liều, có phải thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đâu. Chú Hào đến gặp anh, mặt chú nhăn nhó, khổ sở, ngượng ngùng, nói lời xin lỗi. Chú bảo: Thôi con rể chẳng được thì chú nhận anh làm con trai. Anh biết chú Hào thật lòng, không đãi bôi, nhưng con rể chẳng xong, làm con trai phỏng có ích gì, thân phận này làm chưa nổi đổi lại làm thân phận khác chắc gì đã hay, ê chề lắm. Anh đau đớn nuốt nỗi buồn vào lòng.
*
* *
Hoàng hôn đã buông trên dãy núi Tam Điệp. Nỏ săn khoác một bên vai, tay nải có củ bình vôi lấy ở núi Lò Vôi khoác một bên vai, anh uể oải bước. Về đến đầu xóm Núi, mẹ anh đã chờ ở gốc cây dẻ, bảo:
– Người ta dòm thấy anh với con Sim ở suối Yên Ca, người ta về kể cho chồng nó nghe. Chuyện đã qua rồi, còn hẹn hò nhau ở rừng làm chi. Bu lùa dê đi qua nhà Lùng, thấy con Sim khóc lóc quá. Nhà Lùng tính hay ghen, ốm đau quặt quẹo thế mà phũ, chắc lại đánh vợ. Anh làm sao thì làm…
Tự nhiên máu trào lên mặt anh:
– Lại còn thế nữa. Tiên sư cái thằng Lùng. Bu cứ để con liệu.
– Anh đừng có liều đấy.
– Bu không phải lo.
Anh cầm luôn nỏ săn chạy lối tắt đến nhà Lùng.
Tiếng trẻ con cười, nói bi bô. Tiếng người ốm thở ậm ạch. Anh nhìn qua khe cửa. Tất cả diễn ra không như mẹ anh nói. Không cãi cọ, đánh chửi nhau. Người ta bảo vợ chồng nhà này như phường chèo, vừa vỡ mâm vỡ bát xong lại anh anh, ả ả. Anh không thể tin ở mắt mình: Ngọn nến cháy chập chờn toả sáng, người Lùng nhỏ thó, quắt queo, không còn cái dáng vâm váp của gấu rừng ngày xưa nữa. Sim đang vạch áo ấn núm vú vào miệng Lùng. Tay phải đỡ đầu, tay trái Sim nặn sữa. Người ốm bú tóp tép rất khó nhọc. Và ở bên là thằng bé níu áo mẹ, cười trơ lợi.
Anh không còn biết nói thế nào nữa. Đặt củ bình vôi ở thềm hè, anh lặng lẽ bước ra. Hoàng hôn vẫn đang ửng hồng. Anh leo cầu khỉ qua suối Yên Ca về nhà. Mải leo, mải nghĩ, anh vô tình để rơi tuột cái nỏ săn xuống suối. Anh thẫn thờ đứng giữa cầu nhìn trời, nhìn đất, nhìn núi rừng Tam Điệp, nhìn dòng suối Yên Ca đục đục trong, trong đục… khi hoàng hôn đang lụi dần.
Mùa động rừng năm 2002.
Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh