Radio Online – Phòng làm việc của chị ở tận lầu tám. Mọi thứ dưới kia, trong tầm mắt của chị, mỗi sáng mỗi chiều, dù trong sương sớm lãng đãng hay nắng chiều vội vã, đều có sức hút diệu kỳ. Đường phố, cây cối, dòng sông… hết thảy đều hóa thành những bức tranh dễ chịu.
Để cho những bức bối đời thường, những căng thẳng trong công việc quá sức với một phụ nữ như chị nhanh chóng tan biến. Tầm mắt chị vẫn luôn dừng lại lâu nhất ở bức tranh “Tĩnh vật những mái nhà”. Tĩnh vật những mái nhà của chị chứa đựng đầy đủ một cuộc sống xô bồ xô bộn ở một thành phố là thị trường lao động của cả nước. Những mái nhà cao thấp không đều nhau bằng đủ thứ vật liệu xây dựng trên đời. Phía đông án ngữ ánh mặt trời vào mỗi buổi mai lên là mái nhà vuông bằng tôn giả màu tím than. Lô xô phía dưới là những mái nhà thấp bằng tôn thật đã sét gỉ màu thời gian. Gần hơn một chút về phía chị là những mái nhà bằng ngói. Ngói âm dương, ngói móc, ngói giả làm bằng nhựa dẻo đủ thứ màu. Nhưng dường như bức tranh tĩnh vật của chị còn thiếu một cái gì đó. Ví dụ như một dải khăn trắng vắt ngang bức tĩnh vật hoa mà chị thường thấy trong những art gallery chẳng hạn. Hay là một lá cỏ mong manh được vất hững hờ trong bức tĩnh vật cà rốt và khoai tây đang treo trong phòng ăn nhà chị vậy. Chị đưa mắt nhìn ra khắp lượt. Ôi, còn một mái tranh màu xám xịt nữa mà sao chị không nhận ra. Mái tranh nhỏ bé tin cậy tựa mình vào cây phong non xanh biếc giữa nền trời thành phố, một thành phố thừa khói nhà máy nhưng thiếu bóng cây xanh.
Một lần, chị nói với người bạn làm chung phòng về cây phong non xanh biếc ấy. Người bạn vươn dài cổ ra phía cửa sổ bảo: “Cây đó là cây nào?”. Chị bảo: “Đấy, bóng xanh duy nhất đấy!”. Người bạn nhún vai: “Phong cái gì mà phong, đó là cây dương đó bà ơi. Cây phong chỉ có ở nước Nga thôi”. Lúc này, chị mới ngớ ra với chính mình, ừ, bao lâu rồi nhỉ, chị cứ gọi đó là cây phong và tự chống chế :” Thì gọi là cây phong cũng được, có sao đâu, nó cũng là một họ thuộc nhà phong ấy mà!”. Từ trong tiềm thức, chị không giấu được lòng mình. Chị yêu quí và thích biết bao quyển sách “Cây phong non trùm khăn đỏ” của Quang tặng nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi của chị. Ngày ấy, từ Quang, cái gì của nước Nga chị cũng yêu. Yêu nồng nàn và tha thiết. Yêu từ ấm trà xamôva đến món cá hun khói Alaska. Yêu từ điệu múa kachiusa đến những bản tình ca trầm trầm dành cho những người Nga thích giữ gìn, nâng niu quá khứ: “…Chiều xuống chiều dần buông, đàn lắng lời đầy vơi, gió lên sóng lăn tăn êm đềm vô bờ… Đồng chí lái máy ơi, hãy đến với chúng tôi, hát lên bài ca say đắm khi chiều rơi… Đà đá đà đà đa…”. Bây giờ, Quang đã ở bên nước Nga xa tít mù. Không cần cái học vị tiến sĩ sao bao năm miệt mài sắm sửa, Quang đi làm lái buôn. Quang vẫn đi về Việt Nam như đi chợ để mang hàng sang Nga bán. Cô vợ người Nga của Quang tên Natasha, đẹp như người mẫu quốc tế. Quang vẫn còn nắm níu chị bằng những cú điện mỗi khi anh về nước. Đôi khi chị vẫn muốn cắt đứt cho vết thương lòng thôi đớn đau nhưng biết làm sao được lý lẽ của trái tim. Thời đại mở cửa, chuyện hai người yêu nhau hàng chục năm trời mà không thể ở chung với nhau trong một mái nhà vì người đòi ở nước này, người thích ở nước kia thật là vô lý và buồn cười.
Chị nhìn thật chăm chú vào cây phong non của mình. Có phải nó đang rung lên đấy không. Từng đợt, từng đợt, những chiếc lá kim dài tung tẩy. Hôm qua, đúng vào giờ này, chị đã thấy nó rung lên như vậy. Và dường như hôm kia, hôm kia nữa… cũng thế… Chị nâng gọng kính cận lên, nhìn lại bức tranh tĩnh vật của mình. Nếu có một ngày, cây phong non bị đốn đi, bức tranh của chị sẽ hỏng mất. Ấy là lúc bức tranh tĩnh vật hoa không còn dải lụa trắng vắt ngang, bức cà rốt và khoai tây không còn cọng cỏ xanh lãng mạn, ơ hờ. Và thật rồi, cây phong non của chị lại rung lên, từng đợt, từng đợt… Chị quay vào hỏi người bạn cùng phòng: “Có biết đường đi xuống mái nhà tranh có cây phong non không?”. Người bạn ngẩng lên cười cười: “Xuống hết thang máy thì tới!”. Chị nghiêm mặt: “Không đùa đâu!”. Người bạn không cười nữa, gõ gõ móng tay lên mặt bàn: “Đường chim bay coi gần vậy nhưng mà đi xa à nghen. Mình nghe nói đó là xóm Đường Băng. Đường băng của sân bay ngày xưa ấy mà…”
Chị tìm được ngôi nhà có cây phong non ấy cũng không mấy khó khăn. Ngôi nhà trống tuềnh toàng nhưng sạch sẽ. Con bé trạc tuổi mười bốn, mười lăm có đôi mắt long lanh, ươn ướt bước đi rón rén như một chú mèo con sẽ sàng bảo chị: “Cô ngồi đây chơi một chút nghen, con đi gọi ba”. Chị vội vàng ngăn lại: “Không cần đâu, cô chỉ muốn hỏi thăm con một chút thôi mà”. Nó vòng tay lễ phép: “Thưa, cô muốn hỏi gì con?”. Chị thoáng bối rối. Chẳng biết nói thế nào. Chẳng lẽ bảo với nó rằng, ai đã làm cây phong non phía trước nhà con rung lên vậy. Phải có một lý do nào đó thuyết phục hơn, thực tế hơn. Không đời nào con bé chấp nhận cái lý do khiến chị tìm đến nhà nó một cách buồn cười thế. Làm sao con bé có thể hiểu được những ám ảnh trong một tình yêu đã xa vời của chị. Mẹ chị cũng cực kỳ khó chịu điều ám ảnh này, bà bảo chị tâm thần hoang tưởng, giục chị đi bệnh viện tâm thần khám bệnh. Chị cười buồn, người già thường sống bằng quá khứ. Ở tuổi xấp xỉ bốn mươi, không biết chị có phải là người già không nữa. Nhưng chắc chắn một điều, cây phong non trùm khăn đỏ của ngày xưa ấy đã trở thành biểu tượng tình yêu không thể mất đi trong chị… Trước ánh mắt tròn xoe chờ đợi của con bé, chị không thể nói khác đi: “Cô tìm nhà để mua, ở trong xóm này, có ai bán nhà, con chỉ dùm cô”. Mắt con bé lại tròn xoe hơn: “Mua nhà ở xóm này hả cô? Cô đừng có ý nghĩ như vậy, gần một năm nay nhiều nhà ở xóm Đường Băng này đã ra đi, họ sợ bị “ka” đó cô à!”. Đến lượt chị ngạc nhiên: “Ka là cái gì?”. Con bé thao thao bất tuyệt. Ka là bị bệnh ung thư đó cô. Từ ngày con biết cái vụ ka này, xóm con đã chết hết hai người. Hai người đều bị bệnh ung thư. Người ta nói xóm con nằm trên đường băng của một sân bay cũ trong chiến tranh nên ở dưới đất còn nhiều chất độc da cam lắm. Chất độc da cam theo nước uống vô trong người mình, làm cho mình bị bệnh đủ thứ, đáng sợ nhất là bệnh ung thư. Ba con cũng đang bị ung thư đó cô. Nè, cô ra đây, con chỉ cho cô xem. Con bé vô tư kéo tay chị ra sân, nó chỉ vào những vết chặt sâu hoắm trên thân cây phong non của chị: “Mỗi lần bị bệnh hành, ba con đau lắm. Để quên đi những cơn đau, ba lấy dao ra chặt vào thân cây. Vết chặt nào càng sâu, là lúc đó ba càng đau dữ dội.” Chị nghe lòng mình nhói lên: “Sao con biết khi ba đau nhiều thì vết chặt càng sâu?”. Con bé lại tròn mắt: “Con đoán là như vậy thôi. Cô biết không, con đọc báo, thấy người ta đã chế tạo được máy làm đau như bệnh ung thư vậy. Khi đeo máy này, người không bệnh sẽ cảm thông được với người bệnh để mà an ủi, sẻ chia… Con không có máy để đeo như vậy cho nên phải nhìn những vào những vết ba chặt ở thân cây để mà đoán”. Con bé hồn nhiên, nhanh nhảu khiến chị càng thấy gần gũi và yêu nó hơn.
Thạch Thảo đang học lớp chín. Thảo bảo sức học của nó chỉ trung bình thôi, không làm sao giỏi được vì nó phải thay mẹ chăm sóc ba. Từ ngày biết ba mắc bệnh “ka”, mẹ dắt thằng em trai sáu tuổi bỏ nhà ra đi biền biệt. Chị hỏi: “Ba bệnh mà đi đâu vậy?”. Thảo bảo, ba chẳng đi đâu cả, chỉ ra ngoài cái chòi cất trên ao rau muống sau nhà để vẽ lung tung cho vơi đi nỗi buồn bệnh tật. Ba Thảo là thợ vẽ tài hoa, vẽ cái gì cũng giống, cũng đẹp. Từ ngày biết ba mắc bệnh “ka”, không ai tìm đến đặt hàng nữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến mẹ Thảo bỏ nhà ra đi. Thảo chép miệng nhìn xa xăm: “Mẹ nói là đi kiếm sống, gửi tiền về nuôi hai cha con nhưng con biết là mẹ sẽ không bao giờ trở về. Đêm ấy, ba với mẹ giành nhau thằng cu Nheo nhưng khi nghe mẹ nói, ông bệnh lấy cái gì nuôi nó thì ba xuôi tay… Cô hỏi gì, con có khóc không hả, khóc nhiều chứ nhưng những lúc như thế này, con phải thương ba hơn là thương mẹ. Con ở lại với ba, học hành nhờ tập vở từ thiện, mỗi tháng mẹ gửi về được hai trăm ngàn đồng cộng với tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của ba mà đắp đổi qua ngày. Cô ngạc nhiên hả, ba được công nhận là nạn nhân chất độc da cam thiệt mà. Người ta nói, chưa có điều kiện xét nghiệm mấy người bị nhiễm chất độc da cam như ba con, nghe nói muốn xét nghiệm phải gởi mẫu máu người bệnh qua tận bên Mỹ đó cô ơi, mà một lần xét nghiệm phải tốn đến cả chục ngàn “đô” lận. Cô có biết vì sao mấy người bệnh như ba con và mấy đứa trẻ dị tật trong xóm được lãnh tiền, được tặng quà không? Đã mấy lần người ta lấy nước và rau xanh trồng ở mấy nhà trong xóm con đi xét nghiệm rồi đó cô…”.
Những lời kể chân tình của con bé khiến chị cảm thấy yêu quí mái nhà tranh màu xám xịt và cây phong non của mình hơn. Chị nghĩ cần phải làm một điều gì đó cho hai cha con. Con bé đưa chị ra cái chòi trên ao rau muống. Một người đàn ông vàng vọt, xanh xao ngồi tựa lưng vào cột chòi như đang thiền, thấy chị bước qua những nhịp cầu ván rung rinh, ông nhắm mắt lại. Thảo nói với cha: “Ba ơi, con mới quen được cô này hay lắm, cô muốn ra chào ba, ba mở mắt ra đi ba!”. Người đàn ông vẫn nhắm mắt. Như đã quen với cách sống của một người bệnh khó tính, xem như không có chuyện gì xảy ra, Thảo quay qua chỉ hàng loạt những bức tranh xếp đứng xếp ngồi trong góc lều: “Đây là những bức tranh ba con chép lại của các danh họa thế giới đó cô. Có lần hết tiền xài, ba kêu đem bán nhưng chẳng ai mua…”. Không muốn ép người đàn ông vào thế khó xử, chị xin phép ra về. Trước khi ra về, chị bảo Thảo mang cho chị xem những bức tranh chép mà nó đã định mang bán trước đó. Chị chọn lấy hai bức và trả cho con bé một số tiền phù hợp. Con bé lưu luyến tiễn chị ra tận cổng nhà, còn vẫy tay theo bảo :”Nhớ ghé lại nhà con nữa nghen cô, nhà có cây dương xanh xanh nè!”.
Anh ôm đàn guitare: “Yêu người yêu cả cơn mê rụt rè, yêu bằng gió núi qua khe…”. Con bé Thảo hứng khởi chưa từng thấy, nó chạy tới chạy lui chuẩn bị bữa ăn trưa cho ba người. Chị phụ nó cuốn những cuốn chả giò bé xíu bằng ngón tay út. Chị bảo: “Con mua bánh tráng làm chi mà nhỏ vậy, cuốn bánh nhỏ xíu, mỗi lần bỏ vô miệng nhai như cọp nhai bù mắt”. Thảo cười: “Ba con thích như vậy, cuốn chả nhỏ, ăn giòn tan mới ngon!”. Anh nhìn hai cô cháu gật đầu mơ màng: “Cảm ơn cuộc sống của tôi”. Rồi hát tiếp, hát to và trầm ấm hơn. Ngôi nhà nhỏ có cây phong non của cha con anh chưa bao giờ ấm cúng như vậy. Sau bữa ăn, chị lấy trong túi ra một lô một lốc những hợp đồng. Bà chủ tiệm đồng hồ ở đầu chợ đặt anh vẽ bức tranh to có chú mèo cột nơ để làm quà sinh nhật cho đứa cháu. Ông thầy dạy Anh văn trong xóm chị đặt bức tranh vừa vừa theo kiểu “Mùa thu vàng” của Lêvitan để trang trí cho phòng học mới. Cô chủ bán cà phê thích nhạc chuyên đề nhờ anh họa lại chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo cái thần của “Một cõi đi về”… Cứ vậy, đã gần nửa năm nay, anh có việc làm đều đặn, thu nhập chỉ đủ chi dùng cho hai cha con nhưng cũng đã vui lắm rồi. Anh đã thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Không hỏi thêm gì về những bản hợp đồng, anh mời chị ra bàn ngồi uống trà. Vẫn như mọi khi, chị nghiêng đầu nhìn anh chăm chú. Anh hỏi: “Nhìn làm chi dữ vậy?”. Chị bảo: “Anh có nhớ uống thuốc đều không, độ rày em thấy anh xanh xao quá”. Anh tròn mắt ra: “Tại sao tôi lại không uống thuốc cô mua cho nhỉ, cái thứ thuốc cao rắn ấy, uống vào, nóng như lửa đốt trong người nhưng được cái bớt đau nhiều, các tế bào ung thư trong dạ dày của tôi dường như đang hoạt động lại bình thường hay sao ấy”. Cả hai người cùng cười sau câu nói đầy tự tin ấy. Chị lại mở túi, lấy thuốc đặt lên bàn: “Em lấy thêm phần này cho anh, kỳ này không phải uống một tuần mà là uống một tháng. Em phải đi công tác xa, anh cứ canh đi, khi nào anh uống hết mớ thuốc này thì em về. Còn đây là tiền cọc của những bức tranh mà người ta đã đặt anh vẽ, chỉ năm mươi phần trăm thôi, khi nào em về, giao hàng cho người ta xong, mình sẽ lấy hết phần tiền còn lại”. Anh áy náy: “Hay là cô để bé Thảo mang hàng đến giao cho người ta cũng được, cha con tôi đã làm phiền cô nhiều quá rồi?”. Chị lắc đầu: “Anh không được nghĩ như vậy, em giúp cha con anh được lúc nào hay lúc đó, sống trên đời này đã không biết nhau thì thôi…”. Nói xong, chị ngập ngừng nhìn vào mắt anh: “Anh nói thật đi, thuốc cao rắn này có làm anh bớt đau không?”. Anh cười, hất hàm ra trước sân: “Cô không thấy cây phong non của chúng ta không còn vết chặt mới nào sao?”. Chị gật đầu: “Em tin anh và thật tình mong như thế. Phước chủ may thầy mà, biết đâu phải không anh?”.
Như mọi lần đến nhà anh, chị không muốn ở lại lâu khi đã nói hết chuyện vẽ vời, chuyện bệnh hoạn của anh. Và đặc biệt là con bé Thảo đã “lỉnh” đi đâu mất, nó “tế nhị” để hai người nói chuyện tự nhiên. Chị không mong và không chờ đợi những phút giây này. Chị sợ những điều riêng tư xảy ra. Sau những đổ vỡ với Quang, chị cảm thấy mình không còn sức để gánh lấy những tai ương của cuộc đời. Thật tình, đã bao nhiêu lần chị tự nhủ mình, hãy đến với cha con bé Thảo như đến với những người thân trong gia đình. Nhưng đôi khi chị vẫn không cưỡng được mình, không thực hiện được quyết tâm hai tuần hãy đến thăm cha con bé Thảo một lần. Thế là cứ mươi ngày một lần, chị mang đến cho hai cha con đầy ắp những niềm vui và ánh sáng. Trước lúc đến và sau khi về, chị đều có cùng một trạng thái tình cảm: vui và thấy còn nhiều điều cần làm phía trước. Trước khi đi ngủ vào buổi tối sau mỗi bận đến nhà anh, chị vẫn tự trấn an mình, có gì đâu, anh ấy yêu đời và dễ thương như thế. Vẻ chán chường, khắc khổ và bất cần của anh trong ngày đầu gặp gỡ chỉ là cánh cửa khép hờ thôi. Chị đến và đã mở toang được tất cả… Tất nhiên là như vậy rồi. Những bức tranh của anh đều là những lời nói dung dị, chân thành về cuộc sống. Hoa phong lan tím biếc, nồng nàn. Khung cửa sổ với khói lam chiều quấn quýt con bé Thảo tuổi trăng tròn đầy mơ ước. Cánh diều tuổi thơ cho cu Nheo biết nói biết cười trong những đám mây ngũ sắc bềnh bồng cao… Anh nói về cuộc đời mới tươi sáng làm sao. Khi chuyện trò với chị, anh thi vị hóa cả những điều bình thường nhất trong cuộc sống như tiếng rao hàng của bà mua bán ve chai, ánh nắng rọi xuống lung linh qua kẽ hở của mái nhà, bông hoa rau muống nở lẻ loi trong góc ao kín mặt bèo, bọn chuột nhắt đuổi nhau sột soạt trong góc nhà… Anh cười sáng bừng gương mặt. Chuông điện thoại reo. Chị nhìn đồng hồ, gần một giờ sáng. Quang gọi từ bên Nga về. Chắc chắn là như thế…
Chị đứng yên trong vòng tay Quang. Quang ghì xiết chị nồng nàn, say đắm: “Anh đi nhé, năm sau anh lại về!”. Chị cười buồn, gật đầu, không dặn dò, nhắn nhủ thêm điều gì. Cứ vậy, tùy Quang thích đi và thích đến. Còn chị thì không tài nào nói được lời từ biệt với cây phong non trùm khăn đỏ và nước Nga đầy huyền thoại về tình yêu và những bất trắc về tình yêu. Lần này, chị không đưa Quang ra sân bay. Quang cũng chẳng thắc mắc. Bởi có hỏi thì chị cũng bảo: “Em cứ thấy buồn buồn thế nào”. Và Quang sẽ thêm: “Ừ, thà như vậy để khỏi thấy mình tuyệt vọng”. Xe đón Quang đi để lại một vệt bụi mù, chị ho khàn khàn và kéo cao cổ áo. Chị phải trở về ngay ngày hôm nay, kỳ nghỉ phép dành cho Quang đã muộn mất hai ngày. Cộng thêm một tháng đi công tác xa, đã hơn năm tuần chị xa thành phố, biết bao công việc đang chờ đợi chị ở nhà và cơ quan.
Qua cửa sổ phòng làm việc, chị thấy tim mình muốn vỡ ra hàng ngàn mảnh khi cây phong non ấy rung lên từng đợt, từng đợt, từng đợt… mãnh liệt đến liên hồi. Đưa tay ôm lấy ngực, chị quay lại tìm người bạn cùng phòng. Chị bạn hiểu chuyện nhìn chị đến se sắt, bàng hoàng: “Đến ngay đi, nó cứ rung lên như vậy cả tuần nay rồi”. Chị chạy xấp ngửa xuống cầu thang. Bước vào nhà để xe, tay chân chị thừa thãi, lóng ngóng, không tìm đâu ra xe mình. Người bảo vệ nhà xe lắc đầu, bảo: “Chị đang rất không bình thường, không được lái xe. Bây giờ chị muốn đi đâu, tôi gọi tắcxi cho”. Đi như bay vào con hẻm nhỏ có ngôi nhà mái tranh màu xám xịt và cây phong non, chị phải ngồi thụp xuống mấy lần để thở, chưa đến hiên nhà, chị đã gọi: “Thảo ơi…”. Con bé ngồi gục đầu vào cây phong non của chị, đôi vai gầy nhỏ nhắn run lên, một tay ôm đầu, một tay nắm chặt chiếc dao bản dày và sắc. Chị ào đến ôm chặt lấy con bé: “Sao con lại làm vậy, ba đâu?”. Con bé khóc òa: “Con làm rung cây cả tuần nay mà sao giờ này cô mới đến?”. Chị đỡ Thảo đứng lên, bàn tay của con bé bị phồng rộp đến rướm máu. Chị quẳng chiếc dao vào gốc cây phong, nơi đó đang ứa và đọng lại một thứ nhựa màu đỏ quạch, đỏ như màu máu…
Nước mắt tuôn đã ấm mặt nhưng không biết từ đâu như suối nguồn, nó vẫn cứ tiếp tục trào ra, chị bậm môi cố nén để đừng khóc thành tiếng. Người đàn bà mặc nguyên bộ đồ tang đứng trong góc phải bàn thờ người mới mất đã chuyển từ trạng thái cùng than khóc với chị và bé Thảo sang thái độ xét nét, khó chịu. Không cần hỏi nhưng chị vẫn biết bà ta là ai. Ở góc trái bàn thờ, thằng cu Nheo sáu tuổi khờ khạo, nghiêng đầu nhìn mãi ảnh cha. Con bé Thảo ngậm ngùi nhưng cũng cố thanh minh: “Mẹ con về tình cờ, định kêu người ta bán phần đất trên ao rau muống thì ba mất”. Bao nhiêu chuyện tình cờ trong cuộc đời này đã xảy ra để mọi người phải tự vấn, hối tiếc, đớn đau? Cũng như anh tình cờ ra đi sau năm tuần không gặp được chị. Cũng như tên trộm nào đó đã tình cờ cuỗm mất chiếc điện thoại di động của chị ở sân bay để bé Thảo không thể liên lạc với chị khi cần thiết như lời chị dặn. Cũng như chị tình cờ phải dành hẳn một tuần nghỉ phép cho Quang, điều mà chị không bao giờ thích thú khi nghĩ đến nhưng vẫn cứ bị lôi kéo bởi sự huyền ảo một thời của cây phong non trùm khăn đỏ? Và chị cũng đã tình cờ quên mất cha con anh trong năm tuần lễ tất bật giữa công việc và tình yêu, dẫu chị biết rất rõ rằng, mối quan hệ họ có được không phải do ngẫu nhiên, vô tình…
Đã gần ba giờ sáng nhưng mắt chị vẫn ráo hoảnh. Chị tỉnh táo lạ thường, đáng ghét. Chọn một đĩa nhạc không lời hay nhất cho vào máy nhưng chị vẫn không nghe nỗi. Bởi cứ mỗi lần nhạc trỗi lên, nhắm mắt, chị lại thấy anh ngồi trong tiếng đàn thánh thót, nụ cười với hàm răng trắng sáng bừng gương mặt. Và bao nhiêu là ý tưởng của cuộc đời lại hiện về trong đống tranh anh vẽ, bày ngổn ngang trong phòng chị. Hơn nửa năm trời, anh đã vẽ cho chị hàng trăm bức tranh. Đúng ra là vẽ cho khách hàng. Có lần anh bảo: “Cô tìm mối hay thật đấy, dường như tất cả những người quen của cô đều rất thích hội họa”. Chị cười: “Bạn em thế cả!”. Chị không tin vào phép màu của thứ thuốc làm bằng cao rắn nhưng vẫn cố tin, bởi một người tha thiết yêu đời yêu người như anh thì không thể biến mất khỏi thế gian này. Chẳng có mối lái gì sất, chị tập trung tiền để mua tranh, sức anh vẽ được bao nhiêu tranh trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời, chị mua bấy nhiêu. Cũng là mua lòng tin vào sự sống còn sót lại như nắng chiều tàn tạ trong anh. Mua cho con bé Thạch Thảo bé bỏng, tội nghiệp một nụ cười hàm tiếu trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mua lòng tin cả cho chị về một tình yêu có thật của cây phong non trùm khăn đỏ trước đó hai mươi năm…
Chị nằm xuống, bỗng thấy ngực mình nhói đau. Lại ngồi dậy, mở tủ tìm thuốc uống. Bọc thuốc cao rắn to tướng do con bé Thảo gói trả lại cho chị khi sáng lại lù lù hiện ra. Chị nhớ lời con bé nói. Trước khi cô đến vài tháng, đã có người mách cho ba con thứ thuốc nam này. Ba uống thử nhưng cơ thể bị hành nóng và đau lắm, chịu không nổi, sau không mua uống nữa. Ba nói, thôi, người có số, tới đâu hay tới đó. Đến khi cô mua đem đến cho ba thì ba bảo với cô và con là ba thích uống và nhờ nó mà bệnh tình thuyên giảm. Trước lúc ba mất một ngày, ba nói con gửi gói thuốc này lại cho cô và cảm ơn tất cả những sự kỳ diệu mà cô đã mang đến cho cha con con. Cô có tin là sự kỳ diệu của lòng tin làm ba con bớt đớn đau không? Chỉ một phần thôi cô à. Đó là những lúc có cô đến chơi nhà. Còn lại, ba con cũng đã chịu đựng những cơn đau rất dễ sợ. Những lúc đó, ba không cầm dao ra chặt vào thân cây phong non của cô nữa. Ba cắn răng ngồi bên giá vẽ để vẽ chân dung cô, vẽ không có người mẫu nhưng vẫn giống thiệt là giống phải không cô… Anh vẽ chân dung chị trong cơn đau thật dễ sợ. Một chân dung khắc nghiệt và quả quyết. Người phụ nữ vừa mềm yếu vừa cứng cỏi trong tranh là chị chưa kịp có một làn môi nóng bỏng để đợi chờ. Thảo bảo, ba không vẽ kịp nữa, những ngày cuối cùng, ba rất đau, ngồi không nổi… Chị bám tay vào đầu tủ, nhón mười đầu ngón chân sẽ sàng ngước lên nhìn bức chân dung dở dang của mình bên cạnh ảnh anh cười tươi tắn, bình hoa huệ trắng nõn và mùi nhang thơm quấn quýt gian phòng lạnh vắng, cô đơn. Cầm lấy bức chân dung dở dang của mình xuống, ôm chặt nó vào lòng, chị ngồi như hóa đá. Bầu trời trĩu nặng mây đen và hơi nước nhưng không mưa nổi làm không khí thành phố càng về sáng càng ngột ngạt. Có tiếng chuông nhà thờ đâu đó rung lên thống thiết và da diết, lại một người vừa mới qua đời…
Tác giả: Thu Trân – Sản Xuất: VOV
Từ khóarừng cây phong Thu Trân truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …