Sáng. Mặt trời dường như không muốn tỉnh. Cũng giống cả nhà tôi, không ai muốn tỉnh. Tôi đã làm cho cả nhà không muốn tỉnh dậy nữa. Tỉnh dậy sẽ phải làm việc, phải ăn, phải đi nương, đi chợ. Và thế là sẽ gặp mọi người. Gặp rồi thì thế nào đây. Ai cũng sẽ hỏi rồi thì thế nào hở mẹ Sính, bố Sính hay bà Sính. Ai cũng không biết phải trả lời thế nào. Chuyện đã bay từ Sì Lở Lầu sang Sì Lò Phìn và trùm lên tất cả các đỉnh núi rồi. Nó bay nhanh lắm, chẳng cần chân, chẳng cần cánh mà bay nhanh hơn gió.
Không biết bây giờ Dẻ thế nào. Tôi muốn đến nhà xem nó thế nào quá. Nó và tôi, trước đó chưa biết nhau, nhưng mấy tháng nay nó ở nhà tôi thì đã thân lắm rồi.
Dẻ đẹp, biết việc nhà, việc nương và biết cả lý lẽ nữa. Tôi đã đưa nó về. Dẻ ở mãi bên Sì Lở Lầu, nhưng tôi đã biết, đã tìm đến và thử nó cả tháng trời mới đưa về. Ấy vậy mà giờ nó phải về bên ấy thì không biết sẽ sống ra sao.
Từ lâu lắm rồi, trên những bản làng cao tít này chưa có việc như thế. Mẹ tôi, cũng từng theo bố về cả chục năm mới có tiền làm đám cưới mời bản làng. Nhưng mẹ không phải về nhà mẹ đẻ. Tôi cũng được ăn cỗ của bố mẹ.
Có lẽ tôi lo cho Dẻ ít thôi. Tôi lo cho mình mới đúng. Bởi Dẻ có ra sao thì cả nhà tôi cũng không sống nổi. Hơn hết là tôi. Và có đôi khi nghĩ cả đến em gái nữa. Dẻ phải bỏ nhà tôi thì ai còn dám đón em về nhà họ nữa. Em gái của một thằng chê vợ thì có ai dám đón về làm dâu không? Mà đón rồi thì mai này có ai dám chắc nó sẽ không chê chồng? Bao đời nay, trên tít đỉnh mây mù này, chưa ai đặt ra những câu hỏi như vậy. Thế mà giờ đây nó chui vào đầu từng người và chiếm hết cả tâm trí.
Bà nội ngồi mãi bên bếp lò. Bà không còn đủ sức để nói nữa. Thằng cháu nội của bà lớn rồi, đã làm thằng đàn ông ở nhà này, đã đưa về một đứa con gái, thì bà biết nói gì được. Nhưng bà muốn nói lắm. Nói rằng từ bao đời nay chưa có ai như tôi, chưa ai đối xử với con gái như tôi, nhất là với một đứa con gái khác bản, một đứa đẹp người tốt nết như Dẻ.
Hơn hết bà cũng lo bị phạt. Nhà Dẻ mà đến bắt đền cho một đứa con gái phải về sau khi đã làm dâu nhà khác thì biết bao nhiêu cho đủ. Bên Sì Lở Lầu nhiều của ăn của mặc hơn Sì Lò Phìn. Nếu nhà Dẻ mà định giá thì cả bản bên này cũng không góp đủ mà đền ấy chứ. Họ Vàng nhà này góp lại, góp mãi cũng không đủ gánh đi. Tôi biết bà nghĩ gì. Nhất định tối nay phải nói cho tôi hiểu. Bố không nói thì bà phải bảo cho biết làm thế không sống nổi với người Mông đâu.
– Chử à, gọi thằng Sính vào bảo nó thôi.
– Vâng!
Bố chỉ nói vậy, nhưng không gọi được. Bố và tôi giận nhau mấy ngày không nhìn mặt. Tôi biết em gái sẽ là người bảo như bao lần nhà có chuyện cần bàn bạc. Nhưng bố lại bảo:
– Để tối tí nữa đã, chiều nay bảo chú Tỉa rồi. Chú sẽ sang nói chuyện.
Bố là vậy, muốn nói gì cũng không dám nói. Ông không giống những người đàn ông khác. Chỉ một bát rượu là lên giường rồi. Ngày trẻ vẫn bị chú Tỉa chê là người xấu bụng, không có bạn bè thì sống được với ai. Những người sống trên đỉnh núi đều cần có anh em, bạn bè vì không ai làm một mình được mọi việc. Mà muốn có bạn thì phải biết ăn, biết làm. Đằng này bố là người chỉ biết làm, không biết ăn, biết uống thì quan hệ chỉ trong cái miệng bát mà thôi, không ra được đến cái bát thứ hai chứ chưa nói gì đến mâm. Nhưng bố biết làm thế nào, sinh ra như vậy rồi. Bố ra chợ, không ngồi quanh được bàn gỗ bày đầy thắng cố và rượu. Chỉ có trên nương và bên lò rèn mới đúng là bố.
Việc đi đặt lời với nhà Dẻ cũng nhờ chú Tỉa. Vậy thì khuyên bảo tôi chú cũng phải làm. Em gái đã biết phải nói gì rồi:
– Anh Sính à, tối đừng đi chơi nữa, chú Tỉa đến đấy nhé!
– Kệ tôi, không nói gì được đâu nhá!
– Ừ, tôi không nói được nhưng không làm như anh.
– Đừng có lên giọng, có nói thì cũng chỉ ở quanh cái chảo cám lợn thôi đấy.
Nói vậy nhưng tôi cũng không dám đi chơi, chỉ ngồi ở cái bàn gỗ cao lều nghều mang về từ lúc Dẻ sắp về nhà tôi. Bà không ngồi được bàn ghế ấy. Bảo từ ông bà tổ tiên chưa thấy cái bàn, cái ghế nào cao như thế. Người Mông mình thấp bé, phải trèo lên thì mới ngồi được thì sao gọi là ngồi. Bộ bàn ghế vuông có mấy cái ghế gỗ thấp mới hợp với mình. Không phải vô cớ mà người Mông lại dùng loại bàn ghế thấp vậy. Người già, con trẻ ai ai cũng ngồi được. Bàn ghế đặt giữa nhà, ai vào ngồi cũng được, không cần chọn chỗ, không cần chia ghế. Nhường người già, dành trẻ nhỏ ngồi trước, rồi ai ngồi đâu cũng được, chỉ cần quanh cái bàn vuông là vui rồi. Ăn cơm cũng ở đấy, uống rượu cũng ở đấy, nói chuyện vui cũng vậy. Cái bàn vuông thấp thấp giữa nhà là linh hồn của người Mông. Cớ gì mà phải thay thành bàn ghế cao lều nghều. Giá thử uống rượu say, rồi ngã chỏng ra đấy thì chết à. Say ượu ở bàn thấp ngã cũng không sao.
Bà nghĩ vậy, nói vậy nhưng thay đổi không được. Tôi tống cái bàn vào bếp lò, chỉ còn mấy cái ghế cạnh bếp cho bà ngồi, mẹ ngồi, em gái ngồi nấu cám, đồ mèn mén. Bây giờ đời sống mới, ngồi phải lịch sự chứ. Tôi sắp đưa về một đứa con gái, cũng cần phải có gì cho nó thấy nhà này khá hơn nhà khác. Thế mà bà lại bảo:
– Nhưng mà một đứa con gái thì cũng có ngồi đấy đâu mà cần.
– Để nó nhìn thấy chứ. Để khách vào còn có chỗ mà uống rượu chứ.
– Thế ngồi đâu chả uống rượu được.
– Bà nói nhiều thế để làm gì?
Bà im. Như bao nhiêu năm nay bà nhịn ông, nhịn chú Tỉa, đến giờ nhịn tôi.
Bà ngồi cạnh bếp lò ngước mắt lên nhìn. Dù thế nào tôi cũng đã ngồi đây từ khi sắp đón Dẻ về. Từ ngày có bộ bàn ghế, tự nhiên mâm cơm chia làm hai. Tôi và bố ngồi trên bàn cao ăn cơm. Bà, mẹ, em gái và Dẻ ngồi cầm bát cơm quanh bếp. Bảo Dẻ lên ngồi với hai bố con nhưng Dẻ không dám. Nếu Dẻ ngồi cùng bàn ghế thì chắc không làm vừa lòng ai, trừ tôi. Nhưng tôi thì chả nghĩ ngợi gì. Muốn ngồi đâu, ăn đâu thì tuỳ, miễn là Dẻ vẫn ở nhà tôi.
Nhưng bố không để thế. Bố làm một cái bàn vuông bốn chân khác, bé thôi. Làm để đàn bà con gái nhà này có chỗ ngồi ăn cơm. Ăn xong thì xếp dựa lên tường. Bà lại bảo từ xửa xưa chả có nhà nào dựng bàn ăn lên cả. Trông cứ như lộn hết cả nhà lên vậy. Tôi quát bà toàn nghĩ vớ vẩn, suốt ngày chỉ thấy xửa xưa thì làm gì được.
Chú Tỉa đến cũng ngồi đấy. Nhưng cũng thấy ngược ngược nên lại nói kháy “cao quá, kiễng mãi chân chả tới mà ngồi”. Tôi không thèm coi lời ấy là gì. Chú cũng không nói thêm. Chú biết việc mình phải làm tối nay quan trọng hơn đôi co chuyện bàn ghế.
– Thế nào hở Sính. Nghĩ sắp hết mùa ngô rồi đã quyết định chưa?
– Chả phải nghĩ, quyết định rồi mới để nó về chứ.
– Ấy là nghĩ đi, còn phải nghĩ lại nữa. Nghĩ cái lợi, cái hại, cái được, cái mất khi để con Dẻ về nhà cơ.
– Thì có mất gì đâu. Mới mất có hai gói thuốc lào với chai rượu thôi mà.
– Mày nói thế mà nghe được à? – Bố nói to và muốn đứng dậy đánh tôi, nhưng cũng chỉ được có vậy. – Đấy không phải là mất. Đó chỉ là lễ nói chuyện thôi, không có gì phải nghĩ. Mất là mất mặt cơ. Bây giờ ra cổng gặp ai cũng bị hỏi “Con dâu nhà này có đi nương không?” Tao biết nói thế nào?
– Cứ bảo nó về nhà nó rồi.
Bố chịu, không nói được nữa. Tôi cố tình lờ ý của bố, xoay sang chiều vật chất để bố tức, chú Tỉa tức mà không nói nữa.
Nhưng cái mặt nhà này, họ này không thể để tôi đạp lên thế được. Chú Tỉa kiên nhẫn:
– Sính à, đừng giả vờ thế. Cháu được học nhiều nhất họ. Nếu cháu không tự bỏ thì cả họ vẫn trông chờ vào cháu học cao hơn nữa để được nhờ đấy. Thế nên cháu phải nghĩ cho mọi người, phải để họ Vàng mở mày mở mặt chứ. Nếu cứ nói vật chất thì bên Sì Lở Lầu bắt đền bò, rượu và tiền nữa. Một mình cháu có đền được không?
– Sao mà phải đền? Cháu có làm mất cái gì của Dẻ đâu?
– Đừng nói thế. Mất cái không nhìn thấy ấy. Bây giờ ai còn dám đón nó về làm dâu nữa. Nó sẽ thế nào? Cháu không muốn nó ăn lá ngón chứ?
– Nó không thế đâu. Nó cũng được học, không cổ hủ như trước đâu.
– Không dám chắc thế được. Nó nghĩ gì cháu không biết được đâu. Nếu nó nghĩ dại thì nhà ấy mang sang bắt đền đấy.
– Chú đừng có ép cháu.
– Không ép. Cháu lớn rồi, có quyền quyết định rồi, không ai ép được, chỉ khuyên thôi. Khuyên điều tốt, điều hay mà.
– Nhưng có ai nghĩ cho cháu không? Cháu không thích nữa thì làm sao?
– Thế giờ thích ai?
– Không thích ai cả.
– Cháu cứ nghĩ lại đi, đừng để Dẻ phải khổ, đừng để cả họ Vàng này không ra khỏi cổng.
– Không được đâu, với lại cháu và Dẻ chưa đủ tuổi kết hôn mà. Cháu mới mười tám, nó mười lăm thôi, chưa ai cho đăng ký đâu.
– Chưa đăng ký cũng được. Cháu cứ sang đón nó về. Lại sống như trước, mấy năm nữa cưới và đăng ký cũng được. Người Mông ta xưa nay vẫn vậy. Sống với nhau đến khi nào đủ tiền thì mở cỗ mời bản làng thôi. Thế nhé! Đồng ý nhé! Dẻ là người tốt. Lấy được con dâu tốt bằng mua được nhiều mảnh nương bằng đấy.
Tôi chả nói nữa. Bà cứ ngóng mãi. Mẹ không dám dụi lửa cháy to, không cho cám sôi lớn để còn nghe chú Tỉa khuyên. Tôi cũng thương Dẻ, nếu lỡ Dẻ nghĩ dại thì không biết làm thế nào. Dẻ và tôi đã nói chuyện rồi. Dẻ buồn và tôi cũng buồn. Nhưng…
Đọc truyện đêm khuya – Bông dẻ đẫm sương
Từ khi sinh ra đến giờ tôi chưa có nỗi buồn. Bao nhiêu năm mẹ dạy tôi sống và làm việc của con gái. Chăn bò, cắt cỏ, nấu cám, đồ mèn mén, tước lanh, thêu thùa tôi đều thạo cả. Tất cả những việc đó, năm chị em gái, đứa lớn làm trước đứa bé làm sau. Chỉ có em trai út không phải làm gì. Tôi vốn nghĩ rằng sống như vậy là rất tốt rồi. Bao nhiêu việc nhà, việc nương làm tôi lớn mà quên mất mình đang lớn.
Khi mười tuổi con gái nhà này có một niềm vui. Năm chị em gái được đi học. Cả năm đứa đều được học một lớp. Lên lớp cũng giống nhau. Cô giáo bảo đó là học phổ cập. Chúng tôi không hiểu, nhưng cũng không sao. Chúng tôi vui vì có thêm một việc nữa ngoài những việc bao nhiêu năm nay vẫn làm. Và thích hơn là rất nhẹ nhàng, đôi khi còn được chơi. Những ngày đi học tôi đã biết chữ, dù ít thôi nhưng thế cũng đã là nhất rồi.
Một ngày, tôi được mẹ cho đi chợ. Đã nhiều lần theo chân mẹ xuống chợ gùi những thứ nhỏ nhẹ về. Nhưng lần này rất khác, hình như mẹ biết chuyện khác này song không nói gì. Một tiếng sáo cứ theo hai mẹ con. Mẹ đi trước, tôi đi sau như mọi lần, vậy mà hôm nay mẹ đi rất chậm. Tôi biết tiếng sáo ấy không phải dành cho mẹ. Đuôi mắt tôi nóng dần, nóng dần. Người ấy là con trai. Từ trước đến giờ trong tôi không có khái niệm gì về chuyện này. Trong nhà có bố và em trai nhỏ nên không ai bảo với tôi rằng con trai thì thế nào. Đang có điều gì đó khác lạ dâng lên. Tim dồn dần khí nóng lên mặt. Mắt đỏ và đuôi mắt giật giật. Không ai cho biết trong tôi đang thay đổi. Nhưng người ấy cũng không tỏ ra điều gì. Chỉ có tiếng sáo quấn lấy, làm tôi nóng ran. Tiếng sáo ngừng, người ấy đi qua. Như vô tình mà cố ý. Hơi thở, nhịp tim nghe rõ cả. Lần đầu tiên tôi cảm thấy nóng ở cổ, ở tai rồi hai má bừng cả lên. Hơi ấm phả ra từ người ấy đang thiêu đốt tôi. Vậy mà mẹ không để ý gì, cứ mải chọn dây lưng và khăn. Tôi giấu ánh mắt tự cho rằng xấu xa vào chiếc khăn mẹ đang chọn với hy vọng nhìn vào đó để cái đẹp của khăn cuốn đi mà quên hơi thở lạ. Người ấy đi về phía hàng giầy. Tiếng sáo ngừng nhưng ánh mắt vẫn đắm đuối nhìn. Song tôi tự nhủ có lẽ chỉ là chuyện bình thường, cũng như những bạn ở lớp thôi, ra khỏi chợ sẽ quên ngay.
Người ấy không vậy, không quên mà còn theo nữa. Chân tôi cuống lên, vấp liên tục mà mẹ chẳng để ý. Tôi biết mẹ hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vậy mà không nói cho đứa con gái này biết phải thế nào.
Tiếng sáo ấy lại cất lên ngoài gốc đào, nơi có hàng rào đá vòng xa nhất. Sao phải đứng xa thế chứ. Có chỗ gần nhà nhất là cổng sao không đứng mà thổi để cả nhà tôi cùng nghe. Nhưng hình như không phải thổi cho cả nhà nghe. Bố mải gọt nhẵn chiếc bắp cày. Mẹ mải tẽ ngô để mai xay sớm. Các em vẫn nghịch như mọi ngày. Chỉ có tôi bồi hồi ngóng tiếng sáo ấy thôi.
“Mẹ, có người thổi sáo đấy”. – Đó là câu nói ngây thơ nhất trong đời tôi từng nói. Nhưng lúc ấy nào biết gì đâu. Mẹ và bố là người biết nhiều nhất cũng không chỉ cho tôi. Mẹ nói: “Con lặng yên mà nghe.”
Tôi cũng lặng yên. Để nghe. Trong tiếng sáo tôi vẫn chưa hiểu người ấy nói gì. Tôi nghe và nghĩ, nhưng hình như tiếng sau cứ đẩy tiếng trước ra ngoài nên tôi nghĩ mình không hiểu gì.
Tiếng gió và tiếng sáo thi nhau chạy quanh bờ rào đá. Một lúc thì hết tất cả. Hay là trong tôi im tất cả, vì tôi tỉnh dậy khi em gái gọi. Đây là lần đầu tiên tôi dậy sau các em, dậy sau bố mẹ. Mẹ bảo: “Con gái phải dậy sớm hơn, mai này còn phải sớm hơn cả con gà trống đầu tiên đấy.” Mãi về sau tôi mới hiểu ý mẹ. Lúc hiểu được thì cũng không đọng lại nhiều cho lắm, vì lúc ấy tôi đang ở nhà Sính say sưa với niềm hạnh phúc. Đến khi thấm lời dậy ấy thì đã không còn cơ hội ở bên mẹ nữa rồi.
Tiếng sáo đến đêm thứ ba thì tôi biết dành cho mình. Đó là Sính. Người bên Sì Lò Phìn. Tim tôi thổn thức theo tiếng sáo và hơi thở của Sính. Đến giờ thì tôi có niềm vui đầu tiên. Đời một đứa con gái đến đời một người đàn bà và cho đến mãi khi tôi không có đường quay trở về thì đây là thời gian hạnh phúc nhất. Đôi khi, trong quãng đời không có ngày kết thúc của mình tôi vẫn nhớ về những ngày bên Sính với niềm hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng.
Tôi đã theo Sính về như chị Mảy trong họ. Và chính chị Mảy đã bảo tôi đi theo tiếng sáo ấy. Chị cũng đã theo anh Vảng cùng tiếng sáo để rồi yên ấm với một đàn con và bao nhiêu nương ngô xa gần. Khi nghe theo chị tôi cũng hình dung cuộc sống của mình sẽ như chị.
Tôi về nhà Sính không có điều gì đặc biệt. Giống như tiền lệ dân tộc tôi. Làm dâu trước rồi lúc nào chồng bảo mở tiệc cưới mời cả bản thì làm. Chú Sính đã nói chuyện với bố mẹ rồi. Cả nhà đã tiễn tôi sang nhà Sính vào một buổi sáng mây vần vũ mà không ai nghĩ đời tôi cũng sẽ bị vần vũ như mây.
Tôi làm dâu nhà Sính với những công việc bình thường như ở nhà. Có khi Sính và tôi trốn đi ngủ trước cũng không bị bà hay mẹ chồng nói gì. Chúng tôi hạnh phúc trong hơi thở nhau. Thật may mắn rằng không bao giờ tôi quên những ngày này. Có lẽ tôi là người không biết hưởng hạnh phúc, không biết tận dụng những phút giây hạnh phúc, vì chưa ai nói cho biết thế nào là hạnh phúc và bất hạnh. Tôi cứ ngỡ giống như bao người đàn bà khác. Sinh ra, lớn lên và bình yên bên bố mẹ cùng các em. Đến khi sang đây thì sống bên Sính và cả nhà chồng. Vậy là đủ. Mà không đủ cũng không được. Vì trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ đời mình sẽ thế nào. Chưa có ai thế nào để tôi nghĩ mình giả dụ cũng như họ. Trên bản Sì Lở Lầu này chuyện gì cũng bình yên dài lâu như vậy. Cho đến một ngày, tôi là người không bình yên đầu tiên của bản, rồi cả vùng xa tít, cao hút này. Đến ngày không bình yên thì tôi cũng không có cơ hội nhìn lại xem bố mẹ, các em và cả nhà Sính sẽ thế nào.
Một ngày xuống chợ, có lẽ đời tôi đã định rằng mọi thứ rẽ ngang đều ở chợ. Ngày tôi với Sính biết nhau cũng ở chợ. Ngày tôi với Sính chia tay cũng ở chợ. Ngày tôi theo Lử cũng bắt đầu ở chợ. Nơi ấy đem đến cho người ta hạnh phúc và cũng lấy đi hạnh phúc một cách nhẹ nhàng. Ngày ấy Sính bảo chúng tôi không làm vợ chồng nữa. Ơ, sao chứ? Không làm vợ chồng nữa thì làm gì? Tôi không hình dung được điều Sính đang nói. Tôi buồn. Tôi tiếc nuối. Tôi đau đớn. Bởi tôi là người đầu tiên không được chấp nhận khi đã làm dâu một nhà khác. Sính đã bỏ tôi như bỏ một con dao cùn không thể mài thêm nữa. Tại sao thì tôi không giải thích được. Sính đấy, người đã đem cho tôi rung động đầu tiên và bất hạnh đầu tiên của cuộc đời.
Tôi không thể làm gì. Sính mang tôi về nhà mẹ trả như trả con dao đã mượn mấy tháng nay. Cuộc trả dao ấy tôi không nhớ nổi Sính đã về thế nào. Chỉ biết rằng sau đó những đỉnh núi trên trời, dưới đất, quanh nhà đều đảo lộn. Mây đã vần vũ đời làm dâu của tôi rồi. Tôi nhốt mình trong những đám mây đen ấy bao nhiêu ngày không có ý niệm gì. Không ai nói với tôi phải thế nào. Một đứa con gái đã đi làm dâu không cần đưa đón lại bị trả về thì sẽ thế nào đây? Tôi không thể tự nghĩ được.
Ấy vậy mà có một người lại chỉ cho tôi phải thế nào. Người ấy là Lử.
Đến khi không tìm ra con đường quay lại bản nữa tôi mới hiểu Lử đã lôi tôi từ đám mây đen này ném sang đám mây đen khác. Đám mây của Lử còn đen và đặc hơn đám mây của Sính.
Tôi cứ ngỡ Lử đem đến niềm vui như Sính đã từng đem đến. Ở những đỉnh núi cao này tôi đang không thể ra khỏi cửa buồng khi bị ra khỏi nhà Sính thì Lử lại đưa tôi sang buồng khác. Lử bảo không ở buồng nhà Sính thì sang chung buồng với Lử. Tôi đã có sợi dây dẫn lối khác. Còn gì hơn nữa không? Vậy là tôi theo Lử. Không theo Lử thì sẽ phải sống thế nào khác?
Buồng nhà Lử xa lắm. Một nơi tôi chưa nghe thấy bao giờ, chưa biết ở đâu. Như vậy càng tốt. Đến nhà Lử sẽ không ai biết tôi từng là con dao cùn bị trả lại. Niềm vui không có gốc đã đưa tôi đi. Tôi bay theo Lử trên từng đỉnh núi. Lướt qua bao nhiêu đỉnh núi cao, đỉnh núi thấp, bao nhiêu nương ngô, bao nhiêu đường mòn không nhớ được.
Căn buồng nhà Lử rồi cũng đến. Nhà có mẹ già, anh trai và Lử thôi. Có lẽ bố mẹ chỉ sinh hai anh em và bố đã về với tổ tiên. Tôi nghĩ vậy và yên tâm là vậy nên không hỏi gì thêm cả. Mẹ Lử có lẽ rất già. Bà không ngồi được dậy, tôi đến chào mà chỉ nhận được cái chớp mắt thôi. Như vậy là bà đồng ý để tôi ở đây rồi. Anh trai Lử cũng già. Có lẽ bằng tuổi bố tôi. Anh không nói mà chỉ cho tôi căn buồng thấp bé hơn những căn buồng tôi từng thấy. Tôi cũng đã nảy sinh một thắc mắc nho nhỏ. Trông Lử không giống mẹ, không giống anh. Nhưng Lử còn trẻ sao mẹ và anh trai già quá? Câu này tôi không tự trả lời được, định hỏi Lử khi nào thuận tiện.
Tôi và Lử quá mệt sau chặng đường gập ghềnh về nhà. Chúng tôi được ăn cơm với canh tẩu chúa rồi được vào căn buồng nhỏ ngủ. Giấc ngủ đưa tôi đi quá nhanh. Vì đã yên tâm không ai biết tôi ở đây. Nỗi xấu hổ của tôi ở đây không ai biết. Và vì tôi nghĩ rằng một ngày nào đó, khi con cái rất lớn tôi và Lử sẽ về Sì Lở Lầu để chào từ biệt bố mẹ. Lúc ấy mới thực sự là con gái từ biệt bố mẹ đi làm dâu.
Đêm ấy là đêm thật yên bình. Nỗi xấu hổ đã qua rồi và tôi hạnh phúc như đã từng hạnh phúc bên Sính.
Niềm hạnh phúc ru ngủ và nỗi bất hạnh đánh thức. Anh trai lay tôi dậy và chỉ cho tôi những viêc phải làm. Lử đâu? Anh không nói. Anh không biết nói. Anh chỉ cho tôi biết những việc phải làm bằng cử chỉ và ánh mắt. Chắc Lử đi đâu đó. Chắc Lử sẽ quay lại – tôi tự nhủ và làm những việc cần làm.
Vẫn núi non, vẫn bờ rào đá cao, mèn mén và đậu tương để nấu tẩu chúa. Tôi làm như ở nhà mẹ, nhà Sính và bây giờ là nhà Lử.
Một ngày qua rồi. Lử đã không về. Khi tôi vào buồng, người vào thay Lử lại là anh trai. Không được. Căn buồng này Lử đã đưa tôi vào và đã ngủ đêm qua. Đêm nay anh không được vào chứ. Với lại anh chồng – em dâu không bao giờ được vào buồng của nhau, anh không hiểu điều này sao. Nhưng anh không nói vì không nói được. Anh lại làm. Làm việc của một người đàn ông. Việc này chỉ có Sính đã làm với tôi thôi. Tôi muốn chống cự, đã dùng hết sức mình để chống cự và nói cho anh biết điều này không thể được. Nhưng tôi đã không làm được. Anh khoẻ hơn. Anh không cần nghe. Anh không nói. Anh đem nỗi ê chề, đau đớn cho tôi.
Ngày mai hay ngày nữa Lử về tôi sẽ thế nào đây? Tôi sẽ phải nói với Lử thế nào? Nhưng tôi đã không bao giờ có cơ hội gặp Lử để nói nữa.
Tôi không hiểu mình sẽ thế nào. Chưa bao giờ thấy ai như mình nên không thể hiểu được thế này là thế nào và làm thế nào để ra khỏi cuộc sống này.
Anh trai không nói được. Mẹ già cũng không nói. Tôi không thể ra khỏi nhà này. Tôi không biết đường đi tìm Lử và cũng không thể về nhà.
Tôi rất nhớ Sì Lở Lầu, nhớ Sính và gia đình chồng, nhớ cả nhà tôi nữa. Tôi rất muốn biết khi tôi không còn ở đó nữa thì mọi người thế nào. Có ai đi tìm tôi không và Sính có nhớ, có ân hận về việc đã trả tôi để rồi tôi lại không được ở nhà mẹ nữa. Sính có tự hỏi tôi đang ở đâu?
Tôi không biết mình phải thế nào vì chưa bao giờ được ai bảo cho phải thế nào…
Tôi biết mình sai rồi. Bây giờ không biết tìm Dẻ ở đâu. Dẻ không bao giờ nghĩ dại và làm dại, tính Dẻ vậy, luôn tin ở mọi điều. Nhưng Dẻ đi đâu? Đi mãi sao chưa về? Tôi đã tìm, hết những đỉnh núi, những thung sâu và hết cả những cánh rừng nhưng không thấy một dấu chân nào, cũng không thấy gì của Dẻ vương lại.
Tôi không dám sang nhà Dẻ. Bố Dẻ không trách, không bắt đền khi Dẻ bị tôi đưa về.
Vậy mà giờ đây mất Dẻ, liệu nhà tôi có bị bắt đền không?
Chắc là không, vì Dẻ ở nhà rồi mà. Dẻ đi đâu cả nhà cũng không biết.
Em gái Dẻ đã thấy Lử quẩn quanh bên bờ rào mấy ngày. Rồi khi Dẻ không ở nhà thì cũng không thấy Lử nữa. Tôi biết Lử đã khen Dẻ đẹp. Nó theo chúng tôi xuống chợ, đã mời chúng tôi ăn thắng cố và nhìn Dẻ. Nhưng Dẻ là của tôi, nó không được nhìn, không được nghĩ đến Dẻ nữa. Không thể! Có lẽ không phải thế đâu, Lử đã bị công an bắt vì tội buôn bán phụ nữ. Lử và Dẻ nhất định không liên quan đến nhau, nhất định là thế.
*
Thời gian trôi, người và vật trôi theo quy luật. Chỉ có Dẻ dừng ở đây.
Trên những đỉnh núi này, có người nghĩ Dẻ ăn lá ngón tự tử nhưng không cho ai thấy xác. Người khác nghĩ Dẻ bỏ đi một nơi rất xa. Nhiều người nghĩ Dẻ bị dụ dỗ và bán đi, không tìm thấy đường về nữa.
Tác giả: Chu Thị Minh Huệ – Người thực hiện: Vân Anh
Từ khóabông dẻ Chu Thị Minh Huệ đẫm sương đọc truyện đêm khuya vov Vân Anh
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …