Bài nổi bật

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 ( Update Full 33/33 )

RadioVn.Com – Sự kiện lịch sử càng lui vào quá khứ, việc nhìn lại nó ngày càng hấp dẫn. Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh là một tác phẩm mà mọi sự kiện, diễn biến, nhân vật, tình tiết, thậm chí đến chi tiết… đều được lấy từ sự thật của những tài liệu nguyên bản như các thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Nickxon, G.Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Thiệu, phúc trình của các tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn… mà nhà báo Trần Mai Hạnh có được khi sự sụp đổ của bộ máy chính quyền Sài Gòn cũ tan rã một cách quá bất ngờ và chóng vánh, tất cả tài liệu mật chưa kịp mang đi hoặc tiêu huỷ……
Từng là phóng viên chiến tranh của TTXVN ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975 tác giả được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn. Ông đã có trong tay những trang ghi chép tỉ mỉ tại trận trong quá trình tham gia chiến dịch. Nhưng may mắn hơn cả là ông có được những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn do các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác. Vậy là ngay vào thời khắc trưa 30-4 năm ấy, ông đã suy nghĩ, trăn trở: Tất cả những việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ. Và thời gian càng lùi xa thì quá khứ càng lùi xa. Chính vì vậy, ông ấp ủ ý định phải viết sách, viết để phản ánh một cách trung thực nhất sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết lịch sử này chính là một góc nhìn cuộc chiến từ phía bên kia một cách chân thực và khách quan nhất…
Nhà báo Trần Mai Hạnh dự định viết cuốn sách này ngay từ đêm 30/4/1975: “Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong tôi từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống một lần, nên tôi đã cố gắng ghi ghép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự kiện đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”.
Cách đây 40 năm, nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu, với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu.
Bám sát các binh đoàn chủ lực giải phóng hầu hết các thành phố từ Huế tới Sài Gòn, ông may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Trần Mai Hạnh cố gắng ghi chép thật nhiều những gì chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia mà mình có cơ duyên được các cơ quan thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc khai thác, với mong muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra.
Vậy mà phải gần 40 năm sau, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh mới được ra mắt độc giả. Theo ông, đó là độ lùi cần thiết của một người cầm bút, là sự chiêm nghiệm, chọn lọc, là cái nhìn điềm tĩnh, khách quan của người từng trải nhiều thăng trầm.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, tai họa giáng xuống ông và Trần Mai Hạnh không thể thực hiện được chương cuối cùng, không kịp nộp bản thảo cho nhà xuất bản theo hợp đồng. Tuy nhiên, những tư liệu bước đầu thu thập đã được Trần Mai Hạnh công bố trong hai cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành: “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế” (1987).
10 năm sau (2012), được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, Trần Mai Hạnh mới dỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng mới của tình hình, bằng một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra.
Cuốn sách gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của Trần Mai Hạnh cuối cùng đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật thẩm định và xuất bản vào cuối tháng 4/2014.
Trần Mai Hạnh gọi cuốn tiểu thuyết tư liệu của ông là “Biên bản chiến tranh”. Với phong cách biên bản, cuốn tiểu thuyết không ham những chi tiết rườm rà, không có những đoạn “trữ tình ngoài đề” mang màu sắc chủ quan; ngay với nhân vật, ông cũng để những hành động của họ tự nói, không thêm thắt, suy diễn.
Điểm đặc biệt đáng chú ý của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là mọi sự kiện, diễn biến, nhân vật, tình tiết, chi tiết đều được lấy từ sự thật của những tài liệu nguyên bản như các thư từ, điện văn của các Tổng thống Mỹ gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Thiệu cùng phúc trình của các tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn mà nhà báo Trần Mai Hạnh có được khi bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã một cách quá bất ngờ, chóng vánh. Những bình luận trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đều được lấy từ báo, tạp chí của Mỹ, báo Sài Gòn và các nước phương Tây.
Ngắn gọn-tốc độ-hành động trong đầy ắp các sự kiện, sự việc, cảnh ngộ là tiêu chí Trần Mai Hạnh chọn lựa để thể hiện tác phẩm.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
Theo ông, tốc độ sụp đổ “như đê vỡ” của Việt Nam Cộng hòa, những dồn nén tột cùng trong ngày cuối chiến tranh không có chỗ cho sự diễn tả dài dòng, dàn trải. Nhiều người cho rằng tiểu thuyết tư liệu lịch sử là thể loại ít sáng tạo, thế nhưng lịch sử gắn liền với một dân tộc thì sự thật được đánh giá cao nhất, và “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh là một tiểu thuyết lịch sử xuất sắc.
Hồn cốt đầy thuyết phục là những tài liệu mật vô cùng quý giá được tác giả tổng hợp, chắt lọc trong khi ông đang sống, đang đắm mình trong không khí, cảm xúc của thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ ở thời điểm đó.
Sau ba lần in nối bản, sắp tới cuốn sách sẽ được tái bản có bổ sung với phần phụ lục mới, công bố toàn văn 21 tài liệu với khoảng 150 trang in. Đây đều là những tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia được đánh máy nguyên văn từ gần 40 năm trước theo đúng các tài liệu gốc thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại trụ sở của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn vào trưa và chiều ngày 30/4/1975.
Đã 40 năm. Bao sự kiện đã diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời. Riêng với Trần Mai Hạnh, không phải chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc huy hoàng được chứng kiến, mà còn có cả những “tai họa”, những bi thảm tột cùng phải gánh chịu. Trong những thời điểm khắc nghiệt của số phận, chính thời khắc huy hoàng trưa 30/4/1975 được chứng kiến và bài tường thuật đầu tiên về những phút giây lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp ông bình tâm lại, đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng mà mình đã theo đuổi.
Trần Mai Hạnh nói rằng Giải thưởng Văn học 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam như một món quà của số phận, mang tới cho ông niềm hạnh phúc, tin tưởng để ông tiếp tục niềm say mê văn chương, với nghĩa vụ xã hội và trách nhiệm công dân của người cầm bút.
Tác giả: Trần Mai Hạnh – Người thực hiện: NSƯT Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Hai Dòng Đời

Hai Dòng Đời là một câu chuyện ngắn buồn rất hay và cảm động về …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *