Bài nổi bật

Bạn cùng quê – Nguyễn Trọng Văn

Truyện phản ánh chân thực bức tranh làng quê với những đổi thay mà hậu quả của việc xây dựng những khu công nghiệp, nhà máy…gây ra nhiều tổn thất mà người dân phải hứng chịu. Chính quyền các cấp loay hoay với nhiều phương án xử lý trong khi những cán bộ như Hán đã kịp thay đổi vị trí khi có điều kiện. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm can người đọc, người nghe với những câu hỏi chưa có lời đáp…

Tuổi sáu mươi, mặt đầy, da hồng, ai tiếp xúc cũng đều nể trọng. Thêm nữa, Hán luôn chỉn chu nên cho dù trang phục không phải thứ vải hạng sang nhưng chẳng ai dám bảo quần áo của Hán là loại vải thường. Tóc Hán còn khá dầy, mới chỉ chớm bạc đôi bên thái dương, luôn láng bóng với kiểu rẽ ngôi từ bên phải hắt sang trái. Khi đi Hán thường ưỡn ngực, cách đi này cốt khắc phục khiếm khuyết của vai trái nhưng ai cũng đều nghĩ Hán đầy tự tin.
Tôi và Hán là bạn thuở thiếu thời. Nói thế vì cùng học từ vỡ lòng nhưng thực ra chúng tôi ít chơi với nhau. Quê tôi là một phố nhỏ nằm ven đường quốc lộ, bọn trẻ ở đây cũng phân “đẳng cấp”, đầu phố “tỉnh” cuối phố “quê”. Kỳ tình thì ở cái phố còn chưa ra phố huyện ấy, dẫy phố mà đằng sau mặt phố nếu không là cánh đồng ban đêm ếch nhái ì oạp thì cũng là giáp mấy vườn tre trưa hè mấy con chim cuốc lông đen sì sì kêu một tiếng nghe buồn thiu rồi dảo chân chạy rúc vào gốc đầy gai tre. Cư dân sống đầu phố đa phần là buôn bán nhỏ hoặc làm một nghề gì đó nên được Nhà nước cho ăn “gạo sổ”; còn người dân sống ở cuối phố chủ yếu là làm ruộng nên do hợp tác xã “chấm công điểm”. Cuộc sinh nhai nó đã tự thân phân định địa bàn dân cư và phân định luôn suy nghĩ của những cái đầu non nớt.
Tháng 2 năm 1975, đang học dở lớp 10, chúng tôi cùng đi bộ đội. Nhưng sau ngày miền Nam được giải phóng thì hai thằng “bặt tin” nhau. Tôi được điều sang đơn vị mới rồi đơn vị ra biên giới mạn Quảng Ninh. Ra đó mở đường và trồng rừng. Còn Hán, nghe nói đơn vị mà Hán được điều tới chuyển vào miền nam.
Đầu thu năm 1990 chúng tôi mới gặp lại. Cái thằng ngày trước gày nhẻm giờ “lột xác”. Chiếc Cub70 màu xanh dưa, mới tinh, vành xe sáng coóng. Xe đời mới tốt đến mức ngỡ chỉ cần một chiếc lá bàng rơi đúng cần đạp khởi động là xe nổ máy. Hán đến và đỗ ngay sau lưng mà tôi không nhận thấy. Tôi vẫn lụi cụi sửa bờ rào mảnh vườn rau sau nhà bị chó nhà ai chui qua làm hổng một lỗ to tướng. Phải đến khi Hán vừa gọi nhỏ vừa đập nhẹ vào vai tôi mấy cái tôi mới ngước mắt nhìn lên. “Ông… là…?”. “Hán đây”. Tôi đứng dậy để xác định “Hán nào kia?”. “Tùng “cót” quên à? Hán “răng” đây”. “Là… là Hán răng?”. “Ừ. Còn thằng nào nữa?”. Hán cười “Biết ông nhà báo đang ở nhà nên tôi tới chào”. Tôi xua tay ngượng nghịu “Mới chuyển ngành, nhà báo nhà nhiếc gì, đang tập sự, đâu dám để tân Trưởng phòng kinh tế huyện tới chào”. Hán cười xí xóa “Quý nhất là những thằng lính chiến. Ông chiến đấu bảo vệ  biên giới phía bắc. Tôi qua bên Miên. Cánh mình “cùng chung chiến hào” dễ nói chuyện”. Hán nói nghe ngọt lịm, hơi khiêm tốn, lại đánh đúng vào niềm tự hào của người lính. Một cách làm thân không gì tốt hơn.
Nhà Hán tuy làm ruộng nhưng chú Hảo, bố cậu ta, có mở hiệu trồng răng. Hiệu trồng răng đó hễ sáng ra là thấy tấm biển tôn, chừng bằng cửa sổ, dựng chình ình choán hết lối đi. Trên biển ngoài hàng chữ “Răng Hảo Hán” còn có hình vẽ một cái miệng đàn bà với đôi môi đỏ choét cùng hai hàm răng trắng tinh cười hết cỡ (điệu cười cố ý làm lộ chiếc răng nanh màu vàng). Ngày trước ở quê tôi cứ hễ ai có răng bị sâu là nhổ. Nhổ xong thì trồng răng giả màu vàng vào thế. Lâu dần thành “phong trào”, người răng lành dù không nhổ nhưng chí ít có một chiếc răng nanh được bọc vàng chóe. Gọi là “Hán răng” bởi xuất phát từ thói quen gọi tên nhau kèm với nghề nghiệp gia đình. Bọn trẻ gọi tôi là Tùng “cót” vì bố tôi biết chữa đồng hồ bị hỏng vặt, đồng hồ thời cũ phải vặn dây cót nó mới chạy.
Hán không buồn và cũng chẳng tự ái vì tôi không nhận ra. “Mười mấy năm mới gặp nhau không nhận ra nhau cũng bình thường”. Hán nói kiểu thông cảm sau khi chúng tôi cùng ngồi bên chiếc bàn uống nước vừa tì tay đã kêu kẹt kẹt.
Hán phục viên hồi hè 1984, một mảnh lựu đạn găm vào bả vai Hán trong lần đụng tàn quân Khơ Me đỏ ở rừng sâu giáp biên giới với Thái Lan. Vết thương nhẹ nhưng vai trái từ đó lềnh lệch. Việc đầu tiên làm sau khi về quê là Hán lập gia đình. Vợ Hán chẳng phải ai khác, là Thu Cúc, người thôn Văn Ngái cùng xã. Thu Cúc ngồi bàn trên, lì lì, ít chuyện. Năm ấy Thu Cúc đã hai mươi nhăm hai mươi sáu, người vốn không xởi lởi, lại là cô giáo trường làng, tuổi đó chỉ còn nước lấy người đi bộ đội về. Sau này vui miệng Hán nói “Nói riêng với ông. Bạn bè giúp nhau “giải quyết khâu ế” không ngờ lại là tiền lề cho đường “quan lộ” ông ạ”.
Cưới vợ xong, Hán từ chối tiêu chuẩn đi lao động xuất khẩu. Hán nói với Thu Cúc “Đi lao động xuất khẩu đúng là có tiền nhưng là cái giàu không bền vững. Hết tiền lại trở lại cái nghèo mãn tính”. Dĩ nhiên Hán cũng không màng chuyện “tiếp quản” nghề trồng răng của chú Hảo. Những năm đó nhà nào cũng túng, tệ “cấm chợ ngăn sông” làm đã khó lại thêm thiếu. Hán tính đi buôn. Dồn hết vốn có trong người (nghe đồn Hán mang ở Miên về đầy chặt ống bơ vàng) Hán móc nối với cánh xe tải đường dài, vào Vinh “đánh hàng” Thái. Dạo ấy hàng hóa cực kỳ khan hiếm nên hàng Thái Lan tuồn lậu từ biên giới Việt – Lào sang như áo phông cá sấu, dép tông gan gà, quần bò Levis, xà phòng Ca may… hễ chuyển được ra Bắc là hết veo. Nhưng Hán không “bán lẻ” mất công đi nhặt từng đồng, cũng không “đổ sỉ” các chợ để rồi tháng sau mới nhận tiền hàng tháng trước. Hán “sang tay” cho “mối” đóng hàng đường biển đi Đông Âu.
Đùng một cái, đúng khi “trúng đậm” thì Hán thôi. Nhiều người tiếc đứt ruột đang là thời “Cả nước vào cầu. Toàn dân đánh quả” mà lại bỏ. Thật bất ngờ, Hán đi làm cán bộ lương “ba cọc ba đồng”. Cậu ta nhận chức Trạm trưởng Trạm ngoại thương.
Nói oai là vậy chứ công việc của Hán ở Trạm ngoại thương đặt ở ngã ba Nối cách phố tôi trên cây số, là hàng ngày cùng cô Xuân Lan, cô nhân viên hơn Hán ba tuổi mà vẫn chưa chồng, nhận hàng thủ công xuất khẩu là những tấm thảm chùi chân, những tấm nệm rải giường được bện từ rơm hay bẹ ngô, những thứ vốn chỉ để đun bếp nay được hướng dẫn làm đồ thủ công xuất khẩu. Sẵn nguyên liệu, nông dân lại nhàn rỗi nên hàng theo xe cải tiến đổ về trạm ùn ùn, chất chật ních kho lớn kho bé. Những hôm nhận hàng muộn, Hán ngủ lại trạm.
Thực ra là Hán nghe lời bố vợ. Thày giáo Đỗ Văn Trịnh, bố vợ Hán, hơn năm năm trước đang là Hiệu trưởng Trường cấp 3 thì chuyển sang làm Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy. Trường huyện tuy “mầu mè” không nhiều nhưng năm nào mà không cũng có chuyện xin xỏ học hành. Giờ về làm Trưởng ban Tuyên giáo lấy đâu? Ai dè sau năm năm “kín tên lặng tiếng”, ông bố vợ Hán được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy. Ông khuyên anh con rể thôi làm “gian thương”. Ông nhủ Hán “Giúp nông dân thêm thu nhập. Giúp địa phương phát triển nghề phụ”.
* * *
Đường “quan lộ” mở ra “sán lạn”. Công cuộc đổi mới thổi một luồng sinh khí mới, cộng với ông bố vợ động viên, Hán đi học. Cậu đăng ký theo học Đại học Ngoại thương, theo hệ tại chức ngắn hạn đào tạo tại chỗ. Nghĩa là địa phương đăng cai mở lớp, mời thày về giảng dạy. Mỗi tháng một tuần lên lớp, sinh viên là cán bộ trong tỉnh trong huyện, thày giảng nhanh nên chóng hết giáo trình, trò nghe sôi nổi, khóa học ngắn lại. Các thày trước nay “quanh quẩn” trong trường giờ được dịp “bung ra” nên rất “tích cực” đi lại. Thày với trò tuổi sêm sêm nên học cũng thoải mái. Những bữa giao lưu thân mật càng thêm gắn bó giữa việc đào tạo với việc tiếp thu kiến thức. Sau một tuần lên lớp, xong bài thi hết môn mà tất cả đều đạt khá giỏi, các thày trở lại trường với những món quà “cây nhà lá vườn” cùng khoản thù lao ấm túi.
Giữa năm 1990, Hán  nhận bằng đại học tại chức vào đúng dịp huyện thành lập Phòng Kinh tế, một phòng mới toanh. Ông bố vợ, đồng chí Bí thư Huyện ủy, phân tích trong cuộc họp thường vụ “Một đảng viên kết nạp trong quân ngũ, là thương binh, có kinh nghiệm làm kinh tế và nhất lại là một trí thức trẻ, rất xứng đáng đảm nhận vai trò trưởng phòng của một đơn vị mà tôi tin là đơn vị đó sẽ giúp huyện ta xóa đói nghèo”.
Cuối năm lại nghe tin Hán “trúng” huyện ủy. Tôi mừng vì bạn mình tiến bộ. Mừng chưa hết mừng lại nghe tin Hán được bầu làm Chủ tịch huyện sau cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện bất thường. Nghe lạ nên tôi vội về quê ngóng chuyện. Hóa ra là Hán gặp “dịp may hiếm có”. Ông chủ tịch đương nhiệm bị huyền chức vì tội “cưỡng dâm” cô nhân viên đánh máy văn phòng huyện. Hán được giới thiệu lên thay lại cũng bằng lời phân tích của ông bố vợ “Công cuộc đổi mới rất cần cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhất là dám quyết tâm đưa huyện ta từ huyện thuần nông thành một huyện công nghiệp”. Đây là lần cuối cùng ông bố vợ của Hán có dịp được nói chính thức. Ông về hưu đầu năm 1991.
Ngóng chuyện, tôi nghe đồn, ông Chủ tịch huyện đương nhiệm bị “gài bẫy”. Chuyện thế này, văn phòng huyện tổ chức bữa cơm mừng xuân Tân Mùi, rượu ngà ngà, ông Chủ tịch chật chưỡng đi ra nhà vệ sinh công cộng. Khi ông yên vị đứng “sả” thì nghe sau lưng tiếng kêu rõ to. Tiếng kêu đó là của cô Thanh Nhàn, nhân viên tạp vụ, cô này không biết đã lẻn vào bên dành cho nam từ lúc nào. Cô kêu rõ to rồi nhao ra ngoài, nhao vội quá nên đụng vào người ông Chủ tịch mà ngã xoài. Chiếc quần lụa của cô, ống thì tụt xuống dưới bàn chân, ống thì vương lệt sệt. Mọi người trực sẵn bên ngoài, nghe tiếng kêu hoảng hốt là hùa nhau xô vào. Họ thấy rõ mười mươi, một người nam cửa quần mở hoác, một người nữ nằm hở bụng lộ đùi. Ông Chủ tịch đương nhiệm chỉ còn nước ký vào biên bản.
* * *
Tôi cũng có chút đóng góp với quê nhà bằng chính cái nghề của mình. Hán năng gặp tôi hơn và luôn làm tôi bị thuyết phục bởi những ý tưởng mới mẻ và đầy táo bạo. Nhất là nghe Hán đưa ra chân lý “Mạnh nhờ ruộng. Làm giàu từ ruộng”. Và thế là loạt bài viết về “Nhân tố mới trong công cuộc đổi mới” của tôi được đăng báo mấy kỳ liên tục. Hán nhanh chóng trở thành “Nhân vật điển hình”, tiếng tăm lan ra cả nước. Huyện tôi được đánh giá là huyện “Dẫn đầu chuyển đổi mô hình kinh tế”. Huyện tôi lại nằm dọc hai bên quốc lộ nên không có lý gì mà các doanh nghiệp không tìm về. Lại cộng với nỗ lực “trải thảm đỏ” của Chủ tịch Hán nên càng khích lệ các doanh nghiệp. Trong vòng vài ba năm số lượng doanh nghiệp có trên địa bàn đã là hàng trăm. Nó mở ra những gợi ý xa hơn.
Nhiều lần Hán đến chơi nhà tôi, Hán đến bao giờ cũng có vợ theo cùng. Thu Cúc đã hết lì lì, xởi lởi hẳn lên, chịu khó cùng chồng đi gặp gỡ đi tiếp xúc nhiều hơn. Đến chơi nhà nhưng chúng tôi bao giờ chia thành hai “phe”. Phe thứ nhất gồm tôi và Hán ngồi tại nhà. Phe thứ hai gồm vợ tôi cùng Thu Cúc, hai chị em ríu rít đi chơi phố. Xoay xoay chai Chivas 21, Hán cười “Tang này hay lắm, sang trọng, ăn đứt loại nút lá chuối”. Khi chiêu xong một ngụm nhỏ thì Hán thật thà hỏi tôi về những thuật ngữ mà Hán mới nghe. Tôi nói “Ông là thạc sĩ kinh tế mà đi hỏi tôi?”. Hán nháy mắt ý nhị “Nói riêng với ông. Ông còn lạ gì cái kiểu học đánh trống ghi tên, nộp tiền và lấy bằng. Mà tôi không đỗ hóa ra các thày kém à?”.
Suýt soát năm năm làm chủ tịch huyện, Hán đã tạo nên “cuộc chuyển mình” chưa từng có. Hán từng tự hào tuyên bố “Đó là một kỳ tích vĩ đại của thế kỷ hai mươi”. Tuy nhiên đôi lần về quê tôi vẫn thấy  đâu đó những ánh mắt hoài niệm, nghe đâu đó những lời tiếc nuối “Mấy trăm héc ta bờ xôi ruộng mật”. Những khi chót nghe được lời nói đó là Hán nghiêm mặt chỉnh đốn “Còn tư duy vậy thì làm sao đổi mới được”. Tôi ủng hộ quan điểm của Hán. “Cũng là đất, là ruộng nhưng làm gì sinh lợi nhiều hơn thì ta làm”
Đảng bộ huyện khóa mới Hán được đề cử làm Bí thư. Một trăm phần trăm phiếu bầu. Đương nhiên chức ấy được cơ cấu “tỉnh ủy”. Đi lên tỉnh cũng nghe, đi xuống xã cũng nghe nói về Hán “Đồng chí chủ tịch “huyện Anh hùng” có khác. Năng động chẳng ai theo kịp”. Chả là năm ngoái huyện tôi đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống thực dân Pháp”. Thành tích góp chung với phong trào “sấm đường 5” có từ cái ngày Hán và tôi còn chưa sinh ra mà làm cứ như do Hán lập nên vậy. Nhưng suy cho cùng đúng là như vậy. Có được danh hiệu này là nhờ  công lớn ở Hán. Hán nhiều lần đi gặp thày Lê Hùng, thày dạy văn chúng tôi hồi học cấp 3, thày hiện là phó Viện trưởng Viện huân huy chương, Hán nhờ thày giúp huyện làm “anh hùng”. Công lao như vậy chức Bí thư huyện phải đến từ lâu rồi mới đúng.
Ruộng lại ào ào được san lấp. Dân các xã, các làng lại nô nức rủ nhau đứng nhìn tấm bảng khổ cực lớn dựng đầu khu công nghiệp, đó là sơ đồ “Quy hoạch thị xã MH”. Người trong tỉnh, người ở Hà Nội kìn kìn đổ về mua đất. Nông dân hồ hởi bán ruộng bán vườn. Tiền rủng rỉnh mà chân tay không lấm bùn. Hôm tới chơi nhà tôi Hán hãnh diện “Nói riêng với ông. Có nông dân nào sướng như nông dân huyện mình. Rau với gạo đều mua chợ. Uống nước máy. Cơm nấu bếp điện. Xe máy vi vu. Nhà ba bốn tầng đèn điện sáng chưng. Tối tối vợ chồng con cái ngồi xem ti vi. Đời sống ngày xưa có mà nằm mơ cũng không thấy”. Tôi ngập ngừng “Ông chẳng nói “Tiền có nhiều thật đấy nhưng đó là cái giàu không bền vững” đó ư? Tôi e nông dân mình sau này…”. Hán xua tay “Nhà máy nhan nhản. Việc đầy ra đấy. Ông không thấy đâu đâu cũng có thông báo tuyển công nhân đó sao?”. Tôi cố nói vớt “Nhưng vấn đề là tay nghề?”. Hán khua khua “Chưa nghề thì học. Không học thì làm dịch vụ”. Tôi lại thêm “Giỏi lắm thì là phá vườn xây nhà cho thuê trọ. Tôi có nghe người ta xì xào về ông”.
Hán bỏ ngoài tai những lời “nghi ngại”. Hán cho rằng đó là góp ý kiểu “bàn ra”, kiểu “ghen ăn ghét bỏ” không chấp. Hán bảo “Nói riêng với ông. Mình làm lãnh đạo lo tất tần tật cho dân. Hưởng tí chút cũng là để làm việc tốt hơn. Hỏi thật ông nhà báo nhé. Ông có thấy trên tỉnh, thấy trên trung ương phàn nàn về tôi không?”. Tôi gãi gãi đầu “Toàn được nghe đánh giá cao về ông”. Đúng vậy, mấy năm gần đây liên tục huyện tôi nhận bằng khen, nhận cờ thi đua, nhận huân chương. Cho tập thể có. Cho cá nhân có. Tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị xét tặng Danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới” cho Hán.
* * *
“Nói riêng với ông. Không có ông cụ nhà tôi thường xuyên chỉ bảo thì tôi đâu có được như ngày hôm nay – Hán chợt trầm tư, ngẩng đầu nhìn ra ngoài như định tìm thứ gì. Tôi nghe phân vân, không hiểu sao cuộc rượu hôm nay Hán có vẻ tâm trạng? – Ông cụ nhà tôi có cái sâu sắc của một nhà giáo, có cái thâm thúy của một người làm công tác tư tưởng. Ông cụ khuyên mình đừng nên ở một chỗ lâu quá một nhiệm kỳ”. Tôi thở nhẹ vợi, hóa ra Hán tâm trạng là vì muốn giãi bầy, Hán nặng ơn ông bố vợ. Sự nặng ơn đó được Hán thể hiện vô cùng tôn kính. Hán một câu là “ông cụ nhà tôi” hai câu là “ông cụ nhà tôi”.
Bố vợ Hán khuyên đúng. Sắp hết nhiệm kỳ Bí thư huyện thì Hán từ chối đề cử tái ứng cử khóa tiếp, theo lời “ông cụ nhà tôi” Hán chuyển lên tỉnh và chỉ nhận một chức việc “chẳng nhằm nhò” gì, chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Đảm nhận vị trí đó nên Hán dĩ nhiên có chân Thường vụ Tỉnh ủy. Hồi đó tôi cũng “phản đối” Hán. Tôi bảo “Ông đang là người đứng đầu một địa phương, kinh nghiệm đầy mình về điều hành làm kinh tế, đang ấp ủ nhiều ý tưởng, giờ sang ngồi bên Hội đồng, chỉ làm anh cấp phó, võn mỗi môn giơ tay “biểu quyết”, quyết thì quyết số tiền rõ khủng nhưng chi thì một đồng cũng khó. Tôi thấy nó phi phí”.
Gần ba năm làm phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh lại làm Hán càng thêm nổi tiếng. Người ta nói thầm vào tai nhau là ông này bà kia “ăn này chia khác” nhưng với Hán chỉ nghe thấy lời nói khen. Người ta khen Hán “Không ham hố chức quyền. Không bè cánh. Không vụ lợi. Cán bộ liêm khiết, trong sạch”. Lời khen thầm ấy cứ len lỏi khắp các huyện trong tỉnh. Lời khen thầm đó sau này tôi được biết là do ông bố vợ Hán đứng đằng sau.
Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Y, Hán được giới thiệu để bầu làm phó Bí thư Tỉnh ủy để đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thay thế đồng chí Bí thư Tỉnh ủy việc quá nhiều, việc chất chồng cao như núi nên kiêm nhiệm không hiệu quả.
Hán làm phó Bí thư Tỉnh ủy mà sống vô cùng đạm bạc. Hán ở luôn nhà công vụ ngay trong cơ quan Tỉnh ủy. Hán hàng ngày sau giờ làm việc thì một thân một mình ăn cơm nhà bếp. Vợ vẫn dạy trường làng, con vẫn đi học ở quê. Tiếng tốt thơm nưng nức.
Rồi Hán được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Được vào Trung ương. Nhưng cũng như các vị trí trước, Hán làm Bí thư Tỉnh ủy xong một nhiệm kỳ thì mạnh dạn đề đạt với Trung ương cho Hán lên Trung ương. Hán tâm sự “Tôi tin là tỉnh sẽ có được người kế nhiệm xứng đáng. Mình cũng phải tham gia công tác đào tạo cán bộ trẻ”. Lại có thêm những lời khen ngợi Hán. Những lời khen ngợi đã nhanh chóng làm khuất lấp những lời “đồn đại”, nào là “Chuỗi cửa hàng xăng dầu khắp tỉnh có cổ phần của Bí thư. Lô đất kia là của Bí thư nhưng đứng tên người khác. Vân vân và vân vân”.
* * *
“Nói riêng với ông. Không có thày Lê Hùng, không có ông là bạn thân tình của tôi thì chắc tôi làm gì cũng khó. Ông là bạn là cùng quê đã đi một nhẽ. Nhưng thày Lê Hùng thì tôi vô cùng biết ơn thày. Thày tốt với huyện mình, tốt với tỉnh mình và thày tốt với tôi nhiều lắm. Thày tuy về hưu đã chục năm nhưng hễ có việc đến gặp thày là thày nhiệt tình giúp bằng được. Những người như thế thực sự góp phần thúc đẩy người khác phấn đấu”.
“Ông định tổng kết à? Tôi đùa. Nếu tổng kết thì sớm quá đấy đồng chí phó Trưởng ban D.. Trung ương thân mến ạ”. Tôi nâng ly rượu của mình rồi dí vào ly của Hán đụng đánh cạnh một cái “Thôi uống đã. Uống vì môi trường trong sạch”. Thay vì chạm ly, Hán thoáng nhăn mặt.
Hán đã chuyển vợ con lên Hà Nội ở trong căn biệt thự gần hai triệu đô ở khu VinHomes Long Biên, nơi chốn tách biệt với ồn ào phố thị, lại tránh được những con mắt nhìn ngó. Làm phó Trưởng ban của một Ban Đảng, dạng ngồi chiếu nghỉ chờ hưu, nên Hán bây giờ khá rảnh. Chúng tôi dễ gặp nhau hơn và dễ ngồi uống cùng nhau, khi thì ở nhà tôi, khi thì ở nhà Hán. Lại chia hai “phe”. Phe ngồi nhà uống rượu và đàm đạo gồm tôi và Hán. Phe tới trung tâm thành phố gồm Thu Cúc với vợ tôi. Chị em họ hợp nhau nên hễ gặp nhau là rủ nhau đi siêu thị, rủ nhau đi spa, rủ nhau đi chùa hoặc đi lễ ở đền nào đó. Hay nhất là họ đi lâu lâu, họ đi lâu lâu thì chúng tôi ngồi uống không có ai ngăn ai cản. Câu “môi trường trong sạch” mà tôi nói nó có ý là như vậy.
“Môi trường trong sạch – Hán đại giọng – Cánh báo chí các ông cứ thích làm to chuyện. Để cho dư luận cũng rối tung theo”. Không hiểu do rượu đã ngấm hay do Hán bị “chạm nọc” mà “nhảy thách lên” như một bà nhà quê bị mất trộm trứng gà? Tôi hạ giọng hỏi lại. “Ông trách bọn tôi à?”. Hán chiêu một ngụm to, nuốt sâu vào cuống họng, khà một tiếng dài rồi trở lại thái độ bình thường, nói thong thả “Nói riêng với ông. Mình tay Cự đâu làm nổi. Tay ấy có phép thần cũng không “gọi” được thằng Fomosa vào Hà Tĩnh”. “Vậy là sao?”. Tôi khó hiểu hỏi chen ngang. Hán cười “Còn là sao nữa. Nói riêng với ông. Trên có cấp trên, có ban bộ ngành. Cấp trên không  gợi ý, không gật đầu thì tay Cự mà ăn gan cóc. Ban bộ ngành không bút phê thì tay Cự hỏi có dám chọc dái ngựa?”. “Thế vậy là?”
“Mới một phần ba”. Không trả lời câu hỏi của tôi, Hán nói rồi với tay lấy chai Ballantines trên bàn. Cậu ta đứng lên, bước vòng sang bên tôi ngồi, tự tay rót đầy ly rượu. “Ly chia sẻ với ông. Rượu này quê mình không làm được. Rượu này tôi cũng không làm được. Ông đừng hỏi ai làm ra nó mà hãy tự hiểu nó do ai đưa tới. Nói riêng với ông. Rượu của bọn tư bản công nhận là ngon nhất”. Hình như Hán bắt đầu chếnh choáng? Những câu nói bắt đầu chệch choạc. “Nói riêng với ông – Hán lại thủng thẳng – Kêu gọi đầu tư là chủ trương, là đường lối. Từ chủ trương đường lối mới thành nghị quyết. Tay Cự hay ai làm lãnh đạo Hà Tĩnh cũng vậy, chỉ là thực hiện Chủ trương, chấp hành Đường lối, triển khai Nghị quyết. Thêm nữa còn có tập thể. Tập thể lãnh đạo, cán bộ điều hành. Chúng ta kêu gọi “mở cửa”, thực hiện “toàn cầu hóa” nhưng đã làm gì có tiền lệ mà tham khảo. Làm gì có gì mà tổng kết rút kinh nghiệm”.
“Nhưng đau đớn là môi trường bị hủy hoại – Tôi dường như không muốn dừng câu chuyện đang mở ra chiều hướng cần tranh luận cho ra nhẽ – Vụ nhỏ thì như huyện mình đấy. Về thăm nhà mà không dám ngủ qua đêm ở quê vì mùi khó chịu từ các nhà máy tỏa ra nồng nặc. Ở nhà mình mà nước không dám uống vì nước đun lên có vị tanh tanh. Làng Đan ở huyện mình đấy, làng “vinh dự” được “xếp” là một trong những “làng ung thư” – Tôi nhìn thẳng vào mặt Hán – Ông còn nhớ hồi bé không? Hồi bé bọn trẻ con chúng mình đã mấy thằng dám bơi qua sông Buộm. Giờ con sông ấy nhỏ như một cái lạch, đọng rặt một thứ nước đen ngòm, đặc sệt bùn với rác. Mà lớn thì như vụ “Formosa” đấy, đúng là thảm họa môi trường. Do “công nghiệp hóa” đấy. Do ước muốn “Dân nông thôn đổi sang dân đô thị” đấy. Do kêu gọi đầu tư bằng được bất chấp chưa có đánh giá về tác động môi trường trước khi thực hiện đầu tư đấy”.
Tôi sổ tràng dài xong thì buông người ngồi xuống ghế thở hổn hển, mặt, mũi, cổ, vành tai đỏ nhừ. Hán cũng đã ngồi từ lúc tôi nói. Hồi lâu như chờ cho huyết áp của tôi êm êm trở lại, Hán mới chậm rãi nhấn nhá từng câu “Nói riêng với ông. Đánh giá tác động môi trường á? Có đấy chứ. Ông còn lạ gì ở ta. Mười chữ ký thẩm định chứ nếu muốn thì một trăm chữ ký thẩm định cũng có. Một “cục gạch” chưa ký thì hai ba “cục gạch”. Thần tiên đâu mà hít thở không khí sống qua ngày.Thời kỳ kinh tế thị trường nó phải là như vậy. Mục tiêu là có “dự án”, có “đầu tư”. Phàm là thằng lãnh đạo mà trong nhiệm kỳ của mình không kéo được dăm bảy cái “dự án”, không lôi được vài ba cái “đầu tư” về thì vứt. Địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế. Dân được hưởng thành quả. Mình thì cũng có. Lợi ba bốn đường – Hán lại đứng lên, bước lại gần và đặt tay lên vai tôi –  Nói riêng với ông. Rồi đâu sẽ lại vào đó. Ông cứ về quê phá ngôi nhà cũ của bố mẹ để lại đi. Yên tâm xây nhà mới to đẹp để cuối tuần vợ chồng con cháu kéo nhau về nghỉ. Huyện mình sang năm “lên” thị xã. Nếu ông có tiền thì tranh thủ mua thêm vài lô đất. Ông có công nhiều với huyện, tôi sẽ nhắc anh em để ý. Nói riêng với ông. Người sinh thêm người nhưng đất chẳng sinh thêm được đất. Không ở hết thì bán đi thu về ổn lắm đấy”.
Tôi thực sự choáng trước những câu nói thật lòng của Hán. Ngồi ngước nhìn trần nhà vu vơ, tôi những tưởng vu vơ. Hán đã say, tay run run cầm chai rượu cố nghiêng cổ chai gắng rót những giọt cuối cùng.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *