Bài nổi bật

Bà Nội – Nguyễn Thị Việt Nga

Mười tám tuổi, tôi vào đại học. Trước khi lên trường, mẹ dặn dò đủ thứ, nhưng cũng không thấm vào đâu so với những lời dặn của bà. Phải đến một tuần, cứ hễ nhìn thấy mặt tôi là bà lại bắt đầu “bài ca vô tận”:
– Con Thủy này, lên trường đại học, lên đất Hà Nội, lạ nước lạ cái, đừng có mà chơi bời, la cà ở đâu nghe chưa? Mình đi học thì chỉ biết học thôi. Đến trường rồi về, thế thôi, chớ có chơi bời, bay nhảy cái gì…
 
– Vâng, cháu biết rồi bà ơi!
– Đừng có tin lời ai cháu nhá!
– Bà buồn cười thật! Sao lại không tin ai? Thầy giáo cũng không tin à?
– Để cho bà nói hết đã. Là bà nói người lạ ấy cơ. Thiên hạ, thiếu gì kẻ tráo trở, gạt lường. Mình con gái con đứa, hơ hớ ra đấy. Nhỡ ra…
– Ôi bà ơi, bà làm như cháu là trẻ con không bằng! Cháu lớn rồi, mười tám tuổi rồi bà ạ!
– Ừ thì mười tám. Những như mày ngày xưa thì bà đã tay bế tay bồng rồi đấy, đâu có tấp tểnh bay nhảy khắp nơi. Ôi chào, ngày xưa…
Thế là bà lại bắt đầu “điệp khúc ngày xưa”, cái điệp khúc cả nhà nghe đã thuộc lòng. Ngày xưa, bà lấy chồng từ thuở mười bốn, do cha mẹ gả bán. Nhà ông nội tôi neo người, cần có cô con dâu xốc vác, đảm đang. Bà hơn ông hai tuổi. Mười sáu tuổi, bà sinh con đầu lòng, nhưng không nuôi được. Mười bảy tuổi bà sinh bố tôi. Mười tám tuổi sinh cô Bông. Và cứ thế, mười năm liên tiếp, bà sinh mười người con. Nhưng cuối cùng, “hữu sinh vô dưỡng”, chỉ có bố tôi và cô Bông sống sót. Ngày ấy ăn đói mặc rách, dịch bệnh liên miên, mạng sống con người mỏng manh như tơ nhện treo trước bão. Người ta có thể chết vì bất cứ lý do gì. Do đói quá. Do một trận đau bụng, một cái mụn, một vết rách da bị nhiễm trùng… Năm bà chưa đầy ba mươi tuổi, ông nội tôi bỏ làng ra đi vì phẫn chí, khi cuộc sống cứ mãi lay lắt, khốn cùng. Một mình bà xoay sở với con thơ, với bố mẹ chồng già mù và mấy đứa em chồng lộc ngộc chưa có nơi có chốn vì gia cảnh quá bần hàn.
Ông đi, nuôi chí làm giàu. Nhưng với hai bàn tay trắng, lang thang mãi nơi đất khách quê người, chí làm giàu của ông vẫn không thành. Ông gá duyên thêm với một người đàn bà xứ lạ. Bà bốn mươi nhăm tuổi, ông trở về làng, mang thêm một người phụ nữ và ba đứa trẻ. Lúc ấy, các cụ nội tôi đã quy tiên. Bà nuốt nước mắt vào trong, một tay thu xếp ổn thỏa chuyện gia đình.
– Bà ơi! Bà có ghen không? Sao bà để ông có vợ hai? Có lần, tôi và cái Thảo, em gái tôi cười rúc rích hỏi vụng bà như vậy.
– “Đau đẻ, ngứa ghẻ, hờn ghen”, các cụ dạy rồi đấy như. Thế nhưng ông mày dẫn người ta về tận nhà rồi, có ghen tuông cũng làm sao được nữa!
Bà trẻ (tên bà vợ hai của ông nội là gì chúng tôi cũng không biết) yểu mệnh, chỉ sống được vài năm sau đó rồi qua đời. Một tay bà lại gây dựng cho ba con riêng của chồng chu toàn. Người nào cũng có ruộng, có vườn. Người nào cũng được dựng vợ gả chồng đề huề. Bây giờ, các cô, các chú vẫn gọi bà là mẹ, vẫn sớm hôm tíu tít thăm nom. Ông nội mất cách đây chục năm. Trước khi mất, ông nắm tay bà, khóc, bảo: Tôi ơn bà nhiều lắm! Ông dặn lại các con: phải lo phụng dưỡng mẹ chúng mày chu đáo. Đứa nào ăn ở bạc lòng với bà ấy, tao không tha!
Cái Thảo mồm miệng bẻo lẻo, cậy là con út trong nhà, được chiều chuộng nên hay trêu bà nhất. Nó bảo, dẫu cho ông không dặn dò gì, thì bà cũng là “lão Phật gia” rồi. Ai dám ho he gì. Bà chửi “cha bố mày”, nhưng miệng thì cười mãn nguyện.
Tuy thế, với chúng tôi, bà rất khắt khe. Nhà có ba anh em, anh Thắng là con trưởng, đã lấy vợ, ở riêng, còn lại hai “vịt giời” là tôi và Thảo. Bố tôi làm ruộng, mẹ dạy ở trường tiểu học của xã. Nhờ bố chăm chỉ, nhờ mẹ tháo vát, ngoài giờ lên lớp còn chài chãi cùng bố ngoài đồng, ngoài bãi, hết lập trang trại chăn nuôi lại đào ao, thả cá… nên kinh tế gia đình tôi không đến nỗi nào. Bố mẹ muốn hai cô con gái rượu chuyên chú vào chuyện học hành, không khiến chúng tôi động tay vào đến việc đồng áng, vườn ao, nhưng bà lại khác.
– Con gái con đứa, phải lấy cái nết làm đầu cháu ạ! Phải biết hay lam hay làm. Các cụ ta dạy rồi, tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho.
Rủ rỉ thế  thôi, chứ bà rèn hai cháu gái ra trò. Lên sáu tuổi, chúng tôi đã phải tập nấu cơm. Bố mẹ xót con, ngăn bà thì bà mắng. Bà bảo anh chị chỉ muốn con mình ngay xác, rồi mai sau khổ chúng nó cả đời. Anh chị có theo suốt đời mà nuôi báo cô con gái được không. Mười tuổi, bà bắt tôi ra đồng theo bà. Bà thân chinh dạy cháu gái những bài học về công việc nhà nông. Mười ba tuổi, tôi thành thạo tát nước, cắt cỏ, làm cỏ lúa. Mười lăm tuổi, tôi cấy nhanh, gặt nhanh có tiếng, thông thạo mùa vụ. Cái Thảo có lúc gắt bà:
– Mai sau chúng cháu đi học, đi thoát ly, không làm nông dân đâu. Bà cứ muốn chúng cháu đi cấy cả đời hả?
Bà lại nhẹ nhàng giảng giải:
– Muốn ông nọ bà kia gì cũng phải lớn lên từ hạt gạo quê mùa cháu ạ. Ăn hạt gạo mà không biết làm ra hạt gạo thì chẳng phải là người. Mai sau cháu làm gì không biết, nhưng bây giờ cháu là con nhà nông, phải biết cấy biết hái, phải biết tát nước, be bờ. Có thấm thía nỗi cực nhọc làm ra hạt gạo, mới biết quý trọng đồng tiền bát gạo, mới không thành kẻ hoang tàn, đàng điếm.

Cái Thảo gọi bà là “bà nội ngày xưa”, vì hơi tí bà lại mang “ngày xưa” ra dạy dỗ. Trêu bà thế thôi, chứ những gì bà dạy chẳng bỏ đi đâu được nửa lời. Thế nhưng, từ ngày tôi đi học đại học, hình như bà đâm lẩm cẩm. Có thể do bà đã già. Tuổi tác khiến con người ta không còn minh mẫn nữa. Một tháng sau khi tôi nhập trường, chưa thấy cháu gái về, bà cuống cuồng bắt bố mẹ tôi lên xem “con bé thế nào”. Khi tôi về, cái Thảo cười rũ rượi, kéo tôi ra đầu ngõ:
– Ôi giời, mấy hôm trước chị không về mà nghe bà than thở. Bà bảo, sao mãi con Thủy không thò mặt về nhà thế này. Tôi nghe người ta nói con gái đi học đại học trên thành phố là hay hư hỏng lắm. Đầy đứa đi học rồi vác cái bụng chửa về làng. Rồi là bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ, họ hàng. Rồi có đứa còn bị bán đi nữa cơ. Hay là con Thủy nhà này cũng có chửa rồi? Bố phải quát lên bà mới im đấy!
Tôi cũng phì cười. Thảo nào khi tôi vừa về, bà đã nhìn tôi chằm chằm như nhìn một người nào lạ lắm, rồi sờ nắn khắp người. Bà đến là hay tưởng tượng. Cứ thế, tháng nào tôi chậm về “trình diện” bố mẹ là y như rằng cái Thảo có thư lên, kể lể hàng mấy trang về những rên rẩm, âu lo, những cằn nhằn, cau có của bà nội. Chưa đi đến Hà Nội bao giờ, nhưng chẳng hiểu qua “kênh” truyền mồm nào mà bà luôn có ý nghĩ rằng cái đất thủ đô người đông nhung nhúc ấy lắm cạm bẫy chết người lắm. Không cẩn thận, sểnh ra một tí là cháu bà hư hỏng như chơi. Những lần về nhà, tôi thường xuyên phải kiên nhẫn ngồi nghe bà giáo huấn. Hình như bà khó tính hơn xưa, nói nhiều hơn xưa. Và điều thấy rõ là bà cũng không còn khỏe nữa. Bao nhiêu năm làm lụng quần quật, vắt sức nuôi đàn con mình, con chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng, gây dựng cho anh em chồng, lo trọn vẹn công kia việc nọ của gia tộc nhà chồng đã khiến sức khỏe của bà cạn kiệt. Bà bị bệnh khớp, bị đau đầu, bị suy gan, suy thận. Mỗi lần thấy tôi nhăn nhó sau bài “giáo huấn” của bà, mẹ lại khuyên:
– Con chịu khó chiều bà! Bà già yếu lắm rồi, nên cũng có lúc hơi lẩm cẩm. Nhưng bà thương chị em con lắm!
Bà bắt tôi kể tỉ mỉ chi tiết cuộc sống ở trên trường, ở ký túc xá. Nào cùng phòng với những ai, những ai, tính nết ra sao, quê hương bản quán nơi nào. Rồi đã có bạn trai chưa? Con gái lớn rồi, phải biết nhìn người mà quan hệ, phải biết chọn mặt gửi vàng. Đời còn dài, chớ có khôn ba năm, dại một giờ.  Ngày xưa, bằng tuổi mày bà đã mấy năm làm dâu. Nhưng giờ thì khác, phải lo mà học hành cho bằng chị bằng em… Tôi có cái áo mới bà cũng biết ngay, để mà giáo huấn đừng có đua đòi, chưng diện, đừng có hoa hòe hoa sói… Tôi kêu cuộc sống sinh viên khó khăn, vất vả, bà mắng, con gái phải biết chịu khó, chịu khổ. Mình từ nhà nông ra, chớ có ăn phải “bả thị thành” mà vỏng vót nọ kia. Bà kể ngày xưa chờ chồng nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, bà chẳng một bữa được ăn bát cơm đầy, sống nửa đời cũng chẳng biết mùi vị miếng thịt, miếng cá bùi ngọt ra sao…
Tôi chơi thân với cái Lệ cùng phòng. Quê nó tận Hà Giang. Lệ xinh gái, trắng trẻo, tính nết nhu mì, hiền thục. Nghe tôi kể về bà nội, nó thích lắm, cứ hẹn khi nào mày đưa tao về quê thăm bà. Lệ thiếu thốn tình cảm gia đình. Bố Lệ bỏ mẹ con nó từ khi nó còn đỏ hỏn. Mười ba tuổi, Lệ mất nốt mẹ. Từ đó, nó ở với dì ruột. Tôi chưa kịp đưa Lệ về thăm nhà thì có sự việc xảy ra với nó. Bố đẻ Lệ, sau gần hai chục năm không ngó ngàng gì đến con gái, sau gần hai chục năm gắn bó với người đàn bà khác bỗng dưng tìm đến nó, ngỏ ý nhận con. Hóa ra, ông đang khánh kiệt vì hai thằng con trai mới tí tuổi đầu đã nghiện hút của vợ sau. Giờ đây, một thằng vừa chết vì đua xe trái phép, một thằng vẫn đang trong trại cai nghiện hay giáo dưỡng gì đấy. Bà vợ sau của ông, chắc cũng do khốn quẫn, đã nhảy xuống sông tự vẫn. Lệ tâm sự với tôi chuyện này và xin tôi lời khuyên. Dì ruột nó thì bảo: không việc gì phải bố bố con con. Mày đừng nhận cái lão già đểu giả ấy. Khi còn tiền, còn quyền (ngày xưa, lúc bỏ mẹ con Lệ, ông ta đã làm đến chức Trưởng phòng kế hoạch một nhà máy cơ khí, ít lâu sau lên Phó giám đốc) thì tí tởn đi với gái, giờ thân tàn ma dại lại bố bố con con, chắc chỉ hòng mày phụng dưỡng lúc cuối đời. Tôi cũng khuyên Lệ như lời khuyên của dì nó. Với tôi, những tên đàn ông bạc tình xứng đáng mang đi xử bắn hết. Lệ gầy rộc đi vì suy nghĩ. Nó bảo, nghĩ đi thì căm hận bố, nhưng nghĩ lại, thấy dáng vẻ tiều tụy của ông lại thương thương. Ông ấy cứ một mực van xin: “Bố biết bố có tội với mẹ con con. Con tha tội cho bố để mai này bố chết còn nhắm mắt được”. Trong lúc Lệ đang rối bời, tôi rủ nó về quê chơi vài hôm cho khuây khỏa, nhân dịp được nghỉ học kỳ. Lệ đồng ý ngay.
Ngay tối đầu tiên ở nhà, Lệ đã tỉ tê kể chuyện với bà nội tôi về gia cảnh. Bà vừa nghe vừa chấm nước mắt. Tôi ý tứ ra chỗ khác cho nó được tự nhiên, đến khi quay lại đã tới đoạn Lệ kể về sự trở lại của người cha. Nó thuật cả những lời dì ruột nói, rồi đột ngột hỏi bà: “Cháu phải làm thế nào hở bà?”. Bà lặng đi mất một lúc khá lâu, rồi mới nhẹ nhàng:
– Ngày xưa, bà hăm tám tuổi, ông nội cái Thủy cũng bỏ làng ra đi, nhưng không phải đi theo gái, mà là đi để kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng rồi tiền thì chẳng kiếm nổi, lại đèo bòng. Bà ở nhà, vừa thắt lưng buộc bụng nuôi con, vừa ngong ngóng tin chồng. Thương ông ấy, nhớ ông ấy, lại lo ông ấy nhỡ có mệnh hệ gì nơi đất khách quê người. Một bên con thơ, một bên bố mẹ chồng già yếu, bà làm sao đi tìm ông ấy được. Thế rồi ông ấy về, mang theo cả vợ hai cùng ba đứa con về. Lúc bấy giờ, họ hàng, làng xóm cũng xui bà làm tanh bành mọi chuyện. Không chỉ họ nhà bà đâu, cả anh em ông ấy cũng xui.  Họ bảo, mình là vợ cái con cột, cưới xin có tổ tiên, cha mẹ, dân làng đàng hoàng. Còn người kia chỉ là mèo mả gà đồng, là người thiên hạ, phải liệu mà cuốn xéo. Nhưng bà nghĩ khác. Dầu cũng héo cả ruột gan vì chuyện chồng về mang theo vợ bé, nhưng các cụ dạy rồi; sông bao nhiêu nước cho vừa, trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng. Là trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Người ta, chắc cũng cảnh khốn cùng mới đánh liều theo chồng mình về tận quê hương bản quán làm lẽ thế này. Lại còn ba đứa trẻ nữa, chúng nó thì tội tình gì. Thôi thì như tre ấm bụi, thêm người thêm của, sống phải lấy chữ nhân làm đầu để đức để phúc cho con cháu…
– Nhưng ngày xưa bố cháu không nhận cháu là con – Lệ khóc.
– Là người, ai chẳng có lúc sai lầm hả cháu? Chẳng ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng. Các cụ dạy rồi: bảy mươi chưa què, chưa khoe rằng tốt cơ mà. Sống ở đời, cũng có lúc thế nọ, lúc thế kia. Ngày xưa ông ấy hắt hủi mẹ con cháu, thì ông ấy đã trả giá rồi. Bây giờ, ông ấy già yếu, lại cô đơn nữa. Các cụ vẫn nói rằng một giọt máu đào, hơn ao nước lã. Rằng làm con phải đền ơn sinh thành, phải giữ cho trọn đạo con. Làm con, dẫu bố mẹ nóng giận, có đánh đuổi cửa trước thì phải luồn cửa sau mà vào tạ lỗi cơ mà. Người ta chỉ cười những kẻ tệ bạc với bố mẹ, chứ chẳng ai cười người hiếu thuận, vị tha đâu cháu ơi.
– Dì cháu bảo nếu cháu tha thứ cho bố cháu, nếu cháu nhận bố bây giờ, thì vong hồn mẹ cháu sẽ giận.
– Ấy chết! Đừng có đổ tiếng ác cho người đã khuất cháu ạ! Không bao giờ lòng nhân lại gây nên thù hận hay giận dữ. Người đã khuất sẽ tha thứ hết cho những lỗi lầm ở nhân gian. Chỉ có thù hận mới gây nên thù hận. Các cụ ta dạy rồi, gieo gió thì gặt bão. Cháu gieo hiếu thuận thì sẽ gặt phúc đức. Ai gieo tà tâm, ác độc sẽ gặt quả báo, khổ sở…
– Bà ơi, sao bà hay nói “các cụ ta dạy” thế!
– Sống thì phải học cháu ạ. Người đi sau học người đi trước. Người đi trước để lại những bài học cho con cháu mình, là mong con cháu mình làm điều thiện, tránh xa điều ác.
Sau hôm ấy, Lệ gặp bố lần nữa. Nó đã tha thứ cho ông. Lệ kể, ông đã khóc rất nhiều. Lệ còn bảo, nghe lời khuyên của bà nội tôi, nó thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều. Đúng là nếu giữ mãi những thù hận trong lòng, không khi nào con người thanh thản được. Rồi nó bảo tôi:
– Mày sướng thật, vì có bà nội. Tao chưa bao giờ được biết bà nội. Giờ được gọi bố, thì bà nội cũng chẳng còn.
Không muốn động đến nỗi đau của Lệ nữa, nên tôi im lặng, nhưng tự nhiên thấy nhớ bà quá.
Tôi ra trường, đi làm trên thành phố, có người yêu. Lần dẫn anh về ra mắt, bà đã yếu lắm. Cái Thảo đang học đại học cũng về. Nó thì thào: bà lại “ca” với em “bài ca cũ” y như hồi chị đi học đại học ấy. Rồi bà bảo: phải như chị Thủy mày ấy, tập trung vào học, đừng có yêu đương linh tinh. Bao giờ ra trường rồi yêu, rồi cưới, cho nó đàng hoàng.
Bà mắt kém, nhưng vẫn ngồi ngắm cháu rể tương lai rất lâu, hỏi han kỹ lưỡng về gia cảnh. Khi người yêu tôi ca ngợi bố mẹ tôi khéo nuôi dạy con, ba anh chị em học đại học cả ba, không ai phải “nối nghiệp nông dân” của bố, thì bà có vẻ phật ý. Bà bảo, đi thoát ly hết thế này, chẳng biết là mừng hay lo đây. Chúng mày liều liệu đấy, thoát ly chân lấm tay bùn, thoát ly cái khổ cái nghèo thì được, chứ thoát ly quê hương, bản quán, thoát ly gốc gác tổ tiên, thoát ly ân tình ân nghĩa của quê hương là không được đâu. Người ta gọi như thế là mất gốc. Các cụ xưa dạy rồi, con chim có tổ, con người có tông. Ngó lên nuộc lạt mái nhà, bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu. Sống là phải nhớ đến nguồn cội, đến quê cha, đất tổ. Con chim, dẫu có bay bốn phương trời thì vẫn nhớ quay về tổ cũ cơ mà… Lần đầu tiên được nghe bà nội “giáo huấn”, người yêu tôi có vẻ sợ, cho dù đã được tôi làm “công tác tư tưởng” trước. Khi anh về, bà nội nói thẳng thừng là không ưng. Bà bảo, chẳng lấy nó làm chồng được đâu cháu ơi. Cái đứa ăn không trông nồi, ngồi không trông hướng, chẳng biết yêu trẻ, kính già, chỉ là đứa ích kỷ, suốt đời chỉ biết nghĩ đến bản thân thôi. Tôi khóc. Bà lấy dẫn chứng rành rẽ. Các cụ xưa dạy rằng, trẻ được bát canh, già được manh áo mới. Biết nhà có trẻ, có già, nó về mà không mua cho tao được một lá trầu, không mua cho con thằng Thắng được gói kẹo. Ngồi ăn cơm, chưa ai gắp thì nó đã gắp rồi. Làm con mà để cho bố mày rót trà, rót rượu còn ra cái thể thống gì. Bố mày với anh mày cởi trần mổ gà, chặt vịt dưới bếp mà nó ngồi vắt chân chữ ngũ trên nhà. Tao xem cái tướng nó là thấy không được.. Lại còn vành vẻ ra điều chê người nhà quê thế nọ thế kia. Bố mày nhà quê, ông mày, cụ mày nhà quê, mày cũng đẻ ở nhà quê, vậy mà nó bảo may, cả mấy anh em mày không ai làm ruộng… Tôi cãi tại anh chưa quen, nên có thể còn lúng túng, có thể còn có câu nọ câu kia chưa đẹp lòng bà. Bà vẫn khăng khăng không đồng ý. Bố mẹ tôi bảo nhỏ: bà già rồi, khó tính, con đừng cãi bà làm gì. Rồi dần dần tìm cách thuyết phục bà sau. Bố mẹ cũng thấy anh không đến nỗi như bà nội nói. Lý lịch rõ ràng, nghề nghiệp đàng hoàng, dáng dấp cao lớn, mặt mũi sáng sủa, lại rất mực yêu tôi, thử hỏi bố mẹ còn mơ ước chàng rể nào hơn thế? Cái Thảo thì ngập ngừng: kể ra bà cũng khắt khe thật. Nhưng… nhưng… em nói chị đừng giận, em cũng…không thích anh ấy lắm đâu! Tôi không để tâm lời Thảo. Nó chưa hết trẻ con, biết gì chuyện tình yêu mà phán xét thích hay không thích.
Tôi chưa kịp thuyết phục bà thì bà đã mất. Nhận được điện thoại của bố báo bà mệt nặng, tôi vội vã về ngay mà vẫn không kịp. Người yêu tôi đang đi công tác, không về được. Tôi giấu biệt anh chuyện bà không đồng ý, bởi tình cảm hai đứa đang tiến triển rất tốt đẹp. Mẹ bảo, bà cứ nhắc đến tôi. Bà dặn: chuyện chồng con của con Thủy phải xem xét cho cẩn thận. Các cụ dạy rồi, trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. Tận lúc sắp mất mà bà vẫn “các cụ dạy rồi”. Tận lúc sắp mất bà vẫn lo canh cánh cho cháu gái. Tôi gục bên quan tài, nước mắt như mưa. Gần bà lắm, chỉ cách một lần ván gỗ mà sao thấy xa một trời một vực.
Vừa qua trăm ngày bà, nhà người yêu tôi đã giục cưới. Bố tôi kiên quyết nói phải chờ cho qua giỗ đầu. Tôi hạnh phúc miên man. Anh và bố mẹ anh càng giục cưới, tôi càng thấy mình được yêu quý, nâng niu. Rồi thời hạn qua giỗ đầu bà cũng đến. Tôi xúng xính váy cưới, cùng anh làm lễ gia tiên. Phía trên bàn thờ, ảnh bà nhìn xuống hiền từ trong cả quầng khói hương man mác. Tự nhiên, nhớ đến lời phản đối của bà hôm nào, tôi thoáng chạnh lòng. Nhưng rồi lại nghĩ, bà đừng lo, rồi bà sẽ thấy cháu gái bà hạnh phúc biết nhường nào. Tôi tin, rất tin, rằng anh sẽ là người chồng tốt, là người cha tuyệt vời của các con tôi. Khi ấy, ở trên thiên đường, hẳn bà mỉm cười mãn nguyện.
Nhưng tôi hạnh phúc chưa đầy nửa năm. Khi mang thai đến tháng thứ tư, tôi phát hiện một sự thật điếng người: chồng tôi là một con bạc có hạng. Bố mẹ chồng tôi biết rõ điều này, nên rất sốt sắng cưới vợ cho anh, để có người quản lý anh, để hy vọng sau khi có vợ, có con anh sẽ thay đổi tâm tính mà bớt đi cờ bạc. Chỉ có tôi là chẳng biết gì. Chỉ khi anh điên cuồng chạy tiền trả nợ đánh bạc, khi anh bán cả nhẫn cưới lẫn chiếc dây chuyền của hồi môn mẹ cho tôi hôm đi lấy chồng, tôi mới biết sự thật. Và còn biết thêm rằng anh đang nợ tới hàng trăm triệu. Tuyệt vọng, tôi khóc ngất. Anh thề sống thề chết nốt lần này sẽ chừa cho đến già, chỉ cần tôi giúp anh trả sạch nợ nần. Gượng dậy sau cú sốc, tôi lại tin chồng. Tin rằng anh chỉ bị rủ rê. Tin rằng anh sẵn sàng phục thiện. Tôi về nhà, xin cha mẹ giúp. Mẹ bán hết mấy ao cá, một đàn vịt đẻ, hai con bò, vét nốt cả tiền dành dụm bao nhiêu năm trời, đưa hết cho tôi. Tôi cùng cái Thảo ra mộ bà. Thảo bảo: chị tính kỹ lại đi rồi hãy đem tiền lên đưa cho anh ấy… Tôi gục đầu xuống nấm cỏ xanh um, thổn thức: “Chị nhớ, ngày xưa bà bảo: sống phải biết tha thứ, sống phải có lòng nhân”. Thảo lại bảo: nhưng bà cũng dặn lòng nhân phải biết đặt đúng chỗ. Bà đã từng phản đối chuyện chị yêu anh ấy… Tôi xua tay: đừng nói nữa, đằng nào sự cũng đã rồi, nói nữa làm gì cho chị thêm đau!
Tôi sinh thằng cu Bin trong kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác. Lời hứa hôm nào của chồng chỉ như cơn gió thoảng qua. Anh không dứt được bạc bài. Tiền của tôi vay của bố mẹ, tiền của mà bố mẹ đổ mồ hôi tích cóp suốt một đời cũng đã bay theo những canh bạc thâu đêm. Anh không mang trả nợ một đồng nào. Uất ức, tôi tìm đến cơ quan anh tố cáo. Chuyện vỡ lỡ, anh bị đuổi việc. Bao nhiêu cay cú, anh tìm về trút cả lên đầu tôi. Tôi như sống trong địa ngục. Đã bao lần, tôi bế con tìm ra sông. Chỉ một cái buông mình, là mẹ con tôi thoát nợ. Nhưng nhìn thằng bé ngủ ngon trong vòng tay mẹ, nơi mà nó nghĩ là an toàn nhất thế gian, tôi lại thấy mình không thể tàn nhẫn thế. Lời bà hôm nào lại vọng về văng vẳng: trẻ con đâu có tội tình gì! Chuyện ngày xưa bà kể lại hiện lên rõ lắm: càng những lúc cùng quẫn nhất, bà càng nghĩ mình phải quyết tâm sống. Sống  mà làm chỗ dựa cho bố mẹ già, cho con còn thơ dại. Chết thì dễ, nhưng biết bao nhiêu người phải khổ vì mình, chết là mang tội với bao nhiêu người đang sống. Có sống, mới có cơ may mở mắt, ngẩng đầu… Tôi gạt nước mắt, ôm con về.
Ly hôn xong, tôi đưa con về nhà bố mẹ một thời gian cho khuây khỏa. Sau chuyện của tôi, cả nhà như vừa qua một cơn bão lớn. Ngày đầu tiên về đến nhà, tôi ôm con ra mộ bà. Nước mắt lại rơi trong khói hương thổn thức. Tôi lại gục đầu trên nấm cỏ xanh um. Bà ơi, bà nói với cháu đi, sau mỗi lần vấp ngã thì con người cần đứng dậy để bước tiếp thế nào? Đồng quê vi vút gió. Hương lúa đang thì ngậm sữa lan trong mênh mông…
 * Tác giả hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *