RadioVn.Com – 1. Ông Mão trước khi đi nói như đinh đóng cột với vợ là bà Thái Cần, nếu lần này ông không bắn được con chồn lửa thì ông không về nhà nữa. Khi ông nói câu này, mặt trời mùa đông nhợt nhạt đang còn nằm trên đỉnh núi. Ông nhìn sững một lát, cảm thấy mặt trời chẳng khác gì khuôn mặt băng giá, nhợt nhạt vì thiếu máu của vợ.
Thái Cần ốm đã mấy năm, bệnh của bà cũng thật lạ, chủ yếu là thân nhiệt cứ thấp dần, cả quá trình đó giống hệt những tính tốt của bà như dịu dàng, hiền thục dần dần mất đi từ sau ngày cưới.
Cuối cùng, người bà nằm trên giường ngày một lạnh, lưỡi bà đã mất đi tính đàn hồi nên không thể nói như bình thường được nữa. Bà dùng mấy tiếng ho nặng nhọc để đáp lời chồng, ý muốn bảo, ông nói lần này là lần thứ tám rồi đấy.
Muốn chữa khỏi bệnh cho Thái Cần cần phải có một thứ cực nóng là mỡ đã được chế luyện của con chồn lửa. Đó là một loại chồn kỳ lạ, một loại chồn chỉ có trong núi sâu và cực kỳ hiếm.
Ông Mão đã khoác khẩu súng săn nòng dài, cò súng đã hoen gỉ, ra đi mấy lần rồi, mỗi lần ra đi ông đều quanh quẩn trong núi đến mươi ngày. Sau mươi ngày đó, ông vác về một đống gà gô hoặc thỏ xám, thậm chí mấy lần còn vác cả dê và hoẵng núi, chỉ riêng không có chồn lửa.
Ông Mão đặt trán của mình lên trán vợ, lập tức cái trán lạnh toát của bà làm ông run cả người. Xem ra lần này nhất định phải săn được chồn lửa, chà, không được vác về những vật săn khác nữa rồi. Ông ngẩng đầu lên, thở dài.
Sáng tinh mơ hôm sau, ông Mão đi.
2. Vừa vào đến núi, ông Mão đã phát hiện dấu chân gà gô chằng chịt trên tuyết. Ông phải dằn lòng không đuổi theo những dấu chân đó. Lần này, ngoài chồn lửa ra, ông sẽ không lãng phí thời gian vì những con vật nhỏ mọn nữa, ông chỉ săn chồn lửa mà thôi.
Chồn lửa sở dĩ được gọi thế là vì ngoài bộ lông đỏ đến loá mắt ra, còn có một đặc trưng kỳ lạ khác là người nó không lúc nào không toả ra luồng hơi nóng sôi sục, luồng hơi nóng sực rất lạ này khiến cho nó để lại dấu chân tròn xoe trên tuyết.
Ba ngày nay, ông Mão khoác khẩu sung kíp đi thẳng vào núi sâu, đói thì bắn một phát trúng con gà gô, mệt thì nhóm một đống lửa mà ngủ. Ông vượt qua mấy quả núi lớn, vượt qua mấy chục con sông, suối đóng băng.
Ông nghĩ, mình đã vào sâu trong núi, sâu đến mức gà gô cũng không vào được mà tại sao chẳng thấy bóng dáng chồn lửa, chẳng thấy dấu chân tròn xoe? Đi, đi, ông phải đi tiếp.
Đúng lúc ông Mão đi đến mức cả óc và đùi đều tê dại, nghĩ không ra phải chăng nên quay gót trở về thì ông phát hiện có dấu chân của chồn lửa in trên tuyết. Ha ha, chồn lửa!
Ông Mão lùi lại mấy bước, nhìn những dấu chân tròn xoe vô cùng đáng yêu mà run lên, cảm thấy đầu váng mắt hoa, suýt nữa thì ngã. Dấu chân men theo thung lũng, rải rác mà đều đặn cho tới chỗ ngoặt.
Người ông Mão nóng sực lên, dường như ông ngửi thấy mùi hôi của chồn lửa xen trong gió núi. Ông không dám nổ súng săn con mồi làm thức ăn nữa, sợ chồn lửa kinh hoảng bỏ chạy càng xa hơn. Ông hưng phấn đến quên cả đói, cảm thấy thể lực sung mãn chưa từng có.
Dấu chân trải dài về phía trước chẳng khác gì con đường rộng rãi , thông suốt. Ông Mão không dừng chân một phút nào, cuối cùng khi xung quanh dấu chân không còn những vụn băng và bắt đầu trở nên ướt át thì ông biết chồn lửa ở rất gần.
3. Phải thừa nhận đây không phải con chồn thông thường, nó cảnh giác rất ghê. Khi ông Mão núp sau một tảng đá giương súng hướng về nó, nó đã nhận thấy nguy hiểm, không ngừng lo lắng quay đầu lại ngó quanh. Thế là ông Mão nhìn thấy mặt con chồn mà suốt đời ông không quên được.
Mặt nó rất đẹp, lông mịn như nhung trên hai má tôn cái mũi xinh xắn và cặp môi đỏ mọng, đôi mắt rất tinh nhanh. Khi ông Mão giương súng nhằm vào nó, đôi mắt nó bỗng lộ vẻ lo lắng, hoảng sợ khiến ông chẳng hiểu sao nảy sinh sự đồng tình rất không hợp cảnh. Tim ông bắt đầu nảy lên, ngón tay bóp cò cũng run run. Mẹ nó, làm sao lại thế này? Ông hầm hầm chửi một câu, nuốt ực một ngụm nước bọt.
Bắn đi, không bắn thì hỏng bét. Súng nổ, uy lực của thuốc súng làm bắn ra những làn vụn sắt kêu sàn sạt. Ông đã nhồi vào súng đủ một lượng thuốc súng và vụn sắt, dù con mồi có to lớn và hung mãnh hơn cũng bị quật ngã.
Nhưng lần này thì thật bất ngờ. Trước khi súng nổ chỉ một giây, con chồn lửa đã nhảy bật lên như một ánh chớp, cái bụng béo tròn của nó không hề trở ngại đến tính linh hoạt. Trong không trung, nó đột nhiên quay người lại, cái đuôi đỏ như lửa quét một đường cong rất đẹp, đến khi rơi xuống đất thì nó đã ra khỏi phạm vi bắn tung của những làn sắt vụn.
Bốn móng vừa chạm đất, nó đã nhanh chóng tránh sang một bên. Chỉ mấy cú nhảy là nó đã từ chân núi chạy thẳng lên đỉnh núi nhanh như chớp.
Ông Mão trơ mắt nhìn nó chuồn khỏi miệng súng của mình, nhìn một đám màu đỏ chói mắt nhảy nhót ngày một xa, chẳng bao lâu đã mất dạng.
Ông Mão ảo não gục đầu. Đồ chết tiệt! Không cam chịu, ông bước tới xem xét dấu vết để lại của chồn lửa.
Máu! Đột nhiên ông nhìn thấy một số vết máu đỏ tươi vung vãi trên tuyết, vết máu men theo hướng trốn chạy của nó hình thành một vệt máu rất nhỏ. Trái tim trống rỗng của ông bỗng nhen lên hi vọng. Máu của chồn lửa! Ha ha, thế là mày vẫn bị thương, máu của mày không ngừng chảy ra, mày không thể trốn chạy thật xa được nữa rồi!
Ông Mão lại nhồi đủ một lượng thuốc súng và sắt vụn, tay ông run lên vì xúc động. Lần theo dấu máu, ông tiếp tục đuổi lên đỉnh núi. Trời bắt đầu tối, không may nữa là tuyết lại rơi, gió núi thổi ngày một mạnh, gió tuyết chẳng mấy chốc sẽ lấp hết dấu vết của con chồn lửa. Ông sốt ruột quá, chân lảo đảo cố chạy thật nhanh lên đỉnh núi đầy hi vọng.
Tuyết rơi ngày một nhiều, hầu như chỉ phút chốc đã phủ một lớp dày. Gió núi rít lên cuốn theo những làn sóng tuyết, trong chớp mắt trời đất bị tuyết bao phủ chặt. Tim ông Mão chìm hẳn xuống, ông biết lần này đã gặp phải bão tuyết.
Ông Mão không phải tay đi săn chuyên nghiệp, trước khi Thái Cần ngã bệnh, ông chưa đi săn lần nào. Để chữa khỏi bệnh cho vợ, ông buộc phải làm thợ săn, vác cây súng kíp hết lần này đến lần khác vào núi săn chồn lửa.
Ông có nghe thợ săn nói về bão tuyết. Họ bảo, nếu không tìm được chỗ trú thân trong núi thì cứ ngồi một chỗ, không nên đi nữa. Ý họ muốn nói là đừng mong có dịp trở về.
Bão tuyết chẳng mấy chốc đã phủ kín thung lũng, chôn tất cả các sinh vật dưới tầng tuyết rất dày. Nơi an toàn duy nhất là leo lên núi và cố qua đuợc những ngày đông dài dằng dặc ở trên đó.
4. Lúc này ông Mão mới hiểu vì sao con chồn lửa lại chạy trốn lên đỉnh núi. Con vật tinh quái thật!
Trong tiếng gầm rú của bão tuyết, ông Mão cũng vội vàng chạy trốn lên đỉnh núi. Trong lúc
hoảng loạn, ông đã va phải mấy con lợn rừng cũng hoảng loạn như ông. Ông và lũ lợn rừng đều chẳng còn tâm địa nào để ý đến nhau.
Trước khi bão tuyết lớn hơn ập đến, tìm được chỗ an toàn trú chân quan trọng hơn rất nhiều săn được con mồi chẳng có gì cấp thiết.
Ông Mão may mắn tìm được một cái hang kín gió trên đỉnh núi, càng may mắn hơn nữa là phát hiện một đám thông bò trong hang. Loại thông này chẳng khác gì loại khoai lang mà người trong bản trồng, chúng bám chặt lấy mặt đất và bò lan ra. Cành lá của nó nhỏ và mềm hơn, đồng thời cũng cháy đượm hơn loại thông thường thấy.
Ông Mão thở phào một hơi, cảm thấy tiếng bão tuyết và giá lạnh cùng áp sát đến cửa động. Nhóm một đám cành thông, nhìn lửa cháy tí tách, ông Mão bấy giờ mới ngây người ra. Rốt cuộc có qua được mùa đông này không?
Ông vạch thầm đến muời mấy phương án. Phương án nào xem ra cũng thực thi thuận lợi nhưng cuối cùng đều tắc tị vì cùng một vấn đề: lấy gì sưởi ấm? Thức ăn có thể săn mà có nhưng nếu không được sưởi ấm thì ông sớm muộn cũng chết cóng trong cái hang này mất thôi.
Hôm sau, trời vừa rạng, ông Mão đã đi tìm quanh núi. Thứ hiện nay ông cần tìm không còn là chồn lửa nữa mà là củi đủ dùng trong mùa đông. Bão tuyết đã tan nhưng tuyết chất đầy trên thung lũng chẳng khác gì những làn sóng nhấp nhô, trông rất hoành tráng. Núi và núi bị tuyết chia cắt hoàn toàn, phạm vi hoạt động của ông chỉ giới hạn trên đỉnh núi cụt với một bên là vách núi thẳng đứng. Cây cối hầu như chỉ tập trung ở phía mặt trời nhưng phía ấy ở quả núi này lại là vách núi cheo leo, nhẵn thín.
Không có củi mà tìm, trong khe núi chỉ mọc lơ thơ một số cỏ tạp, nhưng số cỏ ít đến thảm hại này cũng bị vùi trong tuyết. Trên tuyết có nhiều dấu chân của các con vật, chúng đều chạy lên đây trước khi bão đến. Chúng chẳng cần đến củi, còn ông thì đáng lẽ phải chạy lên ngọn núi có rừng cây rậm rạp, nhưng vì mải đuổi theo chồn lửa nên ông đã không kịp suy tính.
Ông bỏ ra hai ngày để kiếm cái ăn và đã làm thịt mấy con lợn rừng va vào chân ông khi chạy lên đây nhưng vì phải tiết kiệm củi nên ông đành ăn sống ăn sít, chẳng còn biết mùi vị ngon của thịt thú rừng nướng. Cái giá lạnh cả đêm lẫn ngày khiến ông rơi vào tuyệt vọng cho tới khi lại thấy con chồn lửa.
đọc truyện đêm khuya – Con chồn lửa
5. Nói đúng ra, con chồn lửa tìm đến ông. Nó tìm đến khi ông đang nhảy tại chỗ ngoài hang để cho ấm người. Chân chưa hoàn toàn chạm đất, ông đã quay người chộp lấy súng, đồng thời tiếc rẻ vì không nhồi đủ lượng thuốc và sắt vụn.
Nhưng lạ một cái là chồn lửa không sợ mà bỏ chạy, hơn nữa còn tiến lại, ngồi xuống, ngước mặt nhìn ông. Ông Mão không bắn vội, ông cảm thấy một luồng hơi nóng kỳ lạ từ người nó truyền đến, nhìn thấy tuyết dưới bốn móng của nó tan ra.
Lông chồn lửa không còn bóng mượt như lần mới gặp, khuôn mặt xinh xắn hóp lại, mõm nó phát ra tiếng kêu hàm hồ và chốc chốc nó lại cúi đầu sát xuống tuyết. Nhìn vào mắt nó, ông Mão đột nhiên thấy ánh mắt ấy toát lên nỗi đau và niềm tha thiết cầu xin cứu giúp.
Ông đột nhiên hiểu ra vì sao mấy ngày trước ông lại chần chừ không nỡ bắn nó ngay. Thì ra quả thật tồn tại giống chồn có linh tính như truyền thuyết xưa kia về hồ ly. Cái bụng nó tròn xoe còn vết thương trên mông nó đã lở loét chảy mủ khiến nửa người nó sưng lên. Vụn sắt cắm sâu vào thịt nó, nó lại sắp đến ngày sinh con nhưng bây giờ nó không còn khả năng kiếm mồi tự nuôi sống nữa rồi.
Ông Mão đứng sững nhìn con chồn hồi lâu, nó cũng ngước mắt nhìn ông đăm đăm. Hơi nóng sực toát ra từ người nó là sự dụ dỗ không dễ chối từ đối với người giữa ban ngày cũng phải nhảy cho ấm như ông Mão.
Ông ngồi xuống xem xét vết thương cho nó. Thế là từ một thợ săn nghiệp dư, ông Mão trở thành thầy lang nghiệp dư, ông phải moi hết vụn sắt mà chính tay ông bắn vào da thịt nó.
Con chồn rất nhẫn nại trong suốt quá trình được ông Mão chạy chữa. Nó khe khẽ rên, đầu lắc lư sát đất, còn đuôi thì run bắn nhè nhẹ…
Cuối cùng, những ngón tay vụng về của ông cũng lấy hết được vụn sắt dính với thịt và máu của nó. Ông lấy thuốc súng dịt vào vết thương để cầm máu. Một lúc sau, con chồn khập khiễng đi vào hang và nằm luôn xuống không hề khách sáo như muốn chiếm chỗ. Song ông không mấy bận tâm, mùa đông này ông cần hơi nóng của nó và khi mùa đông đã qua, ông cần thứ mỡ quý báu của nó.
6. Đêm hôm ấy ông Mão được ngủ một giấc ấm áp đầu tiên kể từ ngày vào hang. Con chồn ngoan ngoãn để ông ôm lấy dường như biết ông rất cần hơi nóng không ngừng toát ra trên người mình. Thậm chí nó còn vắt cái đuôi lông xù ra phía sau cho lưng ông khỏi lạnh.
Trong lúc mơ màng, ông Mão cảm thấy rất khoái như hồi nào lần đầu tiên ông được ôm thân thể nóng sực của vợ. Cảnh ngộ ngặt nghèo khiến ông và con chồn nảy sinh quan hệ rất vi diệu. Con vật tinh quái có lẽ biết ông lúc này cần nhất cái gì nên đã chọn đúng thời cơ vào ở trong hang.
Nó rất cần người chăm nom săn sóc để bình an qua được cuộc sinh nở rất khó khăn này. Thế là chỉ trong thời gian ngắn, người và vật xây dựng đuợc niềm tin tưởng lẫn nhau và niềm tin đó chẳng mấy chốc phát triển thành tình bạn.
Ông Mão lúc đi săn không cần phải vần đá chẹn cửa hang như mấy hôm đầu, những con mồi ông săn được mang về đặt trước mõm nó, nó cũng ăn rất tự nhiên.
Nhờ thế, vết thương dần dần khô miệng để thành sẹo, bộ lông đỏ chói đã bóng láng trở lại. Ông Mão nhặt nhạnh hết chút cành thông còn sót lại làm một cái ổ cho nó đẻ.
Một đêm, bốn con chồn con lông tơ được sinh ra, ông Mão mừng rỡ nâng chúng trên tay ngắm nghía chẳng muốn rời. Chồn mẹ cũng không ngăn cản ông thân mật với lũ con. Trong lúc đau đẻ quằn quại, vết thương của nó lại nứt ra phải nhờ ông rịt thuốc, hơn nữa, để nó có đủ sữa cho con bú, ông đã phải chăm đi săn hơn.
Vật săn về, nó ăn ngon lành còn ông thì càng thảm hại. Không còn củi, cố ăn sống nuốt tươi thịt thú rừng cũng chẳng được bao nhiêu, ông càng ngày càng gầy và tiều tụy, còn lũ chồn con thì đã bắt đầu đùa nghịch, nhảy nhót.
7. Nhìn mấy mẹ con nhà chồn lửa, ông Mão nghĩ đến vợ người ngày một lạnh nằm trên giường. Cưới nhau đã lâu mà vẫn không có con, ông đưa Thái Cần đến bệnh viện khám, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấychính ông mới là nguyên nhân không có con. Mặt Thái Cần tái dại đi, sau đó trở nên lạnh nhạt rồi cả người cũng lạnh ngắt, run rảy, chẳng khác gì bà được vớt từ dưới sông lên giữa mùa đông.
Ông ngờ rằng mầm căn bệnh kỳ lạ của bà bắt đầu từ đấy. Lúc đầu bà còn ghìm nén nỗi bất mãn, cố gắng dịu dàng săn sóc chồng nhưng rồi sự nhẫn nại của bà chỉ có hạn, nỗi bất mãn lúc đầu trở thành sự chế giễu cay nghiệt và cuối cùng thành niềm uất hận. Chỉ một việc cỏn con cũng làm bà nổi trận lôi đình, thậm chí mắng chửi, đánh đập ông nữa.
Bị vợ giày vò không ngừng nghỉ về mặt tinh thần, ông Mão trở nên ngây dại, người gầy như xác ve. Bây giờ lại thêm ăn uống thất thường, ông cuối cùng đã ngã bệnh.
Ông không dậy được, thức ăn lập tức trở nên khan hiếm. Sau hai ngày, con chồn mẹ phải đi kiếm ăn. Nó thường mang về một con thỏ rừng hoặc một con gà rừng đặt trước mặt ông, kêu khe khẽ rồi giụi đầu vào ngực ông.
Người và vật nương tựa vào nhau sống qua mùa đông đã dần dần nhận được ở nhau tình thương yêu ấm áp. Nhìn thấy niềm đau khổ trong mắt nó, ông cảm động cố giơ tay vuốt ve nó mà không được, nước mắt ông ứa ra. Mùi máu con thú săn được khiến ông lộn mửa, trong lúc thiêm thiếp giữa sống và chết, ông mơ thấy Thái Cần bưng bát thịt thú rừng ướp hành, gừng, dầu mè với một chút rượu hầm nhừ đem tới cho ông. Nước thịt hầm thơm tho theo cổ họng trôi xuống bụng, khí lực trong người cũng dần dần hồi phục.
Ông mở choàng mắt ra, lạ lùng nhìn vòm hang, mãi mới chắp được những mảnh vụn ký ức thành hiện thực trước mắt. Năm mẹ con nhà chồn thấy ông mở mắt thì vui sướng chạy quanh.
Ông không hiểu vì sao mình lại không chết, nhưng chỉ lúc sau ông hiểu ra ngay. Con chồn mẹ sau khi cho bốn đứa con bú xong, do dự một lát rồi thong thả tiến lại nằm trước mắt ông Mão để cho ông bú. Sữa của nó đã cứu sống ông.
8. Văng vẳng đâu đây có tiếng sấm xuân, mùa đông sắp qua rồi. Bọn chồn con đã quen với tiếng súng, chúng hồ hởi hơn cả ông Mão, chạy bay biến tha con mồi về cho ông.
Ông đã quen với cuộc sống bên mẹ con chúng và khi không nghĩ đến Thái Cần, ông nảy sinh ý nghĩ kỳ lạ là muốn sống cả đời với chúng ở trên núi. Nhưng thân thể giá lạnh và ánh mắt cũng lạnh giá như thế của bà cứ nằm ngang trong lòng ông, đè nặng tim ông khiến ông thở chẳng ra hơi.
Ông nhất định phải về, phải mang thứ mỡ kỳ lạ về cứu bà, khiến bà trở lại vui tươi dịu dàng như hồi đầu. Không chừng bệnh viện xét nghiệm sai, những chuyện như thế thường có lắm, ông đã từng nghe.
Cũng không chừng Thái Cần đột nhiên thông suốt, con cái không phải là điều quan trọng nhất. Nếu quả thật không đẻ được thì nhận nuôi một đứa, đến lúc đó thì tình yêu sẽ trở lại, hạnh phúc cũng trở lại, cuộc sống sẽ ấm áp như trong cái hang này, ngọt thơm như bát thịt thú rừng hầm trong mộng.
Bỗng ông Mão rùng mình. Ông sợ phải nghe thấy tiếng sấm xuân ở bên trời, sợ phải thấy tuyết tan, sợ phải nâng khẩu súng kíp nhằm vào chồn lửa. Tinh thần ông trở nên hoảng hốt, đã mấy lần ông bắn trượt lúc đi săn.
Con chồn mẹ nhận ra sự nguy hiểm tiềm ẩn. Khi bất chợt chạm phải ánh mắt ông Mão, nó để lộ sự hốt hoảng như giật mình kinh sợ. Dường như cả hai đều biết đối phương đang nghĩ gì.
Đến đêm, con chồn vẫn ngủ bên cạnh ông, ông khẽ đẩy nó ra thì lát sau nó vẫn xán lại, thở đều đều như quen thân mật như thế rồi.
Tuyết tan dần, trời rạng dần. Hang núi vang lên tiếng sấm ầm ầm, khắp nơi là âm thanh mùa xuân. Ông Mão biết không thể chần chừ được nữa. Cuối cùng ông vẫn phải nâng súng lên nhằm vào chồn lửa. Mặc dù động tác này đã được ông luyện tập hàng trăm lần trong ý nghĩ nhưng khi làm thật, tim ông vẫn run bắn lên như muốn nhảy ra khỏi ngực.
Cũng như lần đầu tiên, ông núp sau một tảng đá lớn và nâng súng lên. Con chồn mẹ đẹp như xưa, dáng thon thả, điềm nhiên dẫn đàn con tập rượt săn mồi. Ông Mão nheo mắt bắn một phát nhưng bắn trượt.
Mấy con chồn nhỏ nghe tiếng súng mừng rỡ nhảy lên nhưng lần này chúng mất mục tiêu, nhớn nhác nhìn quanh, không biết chạy theo hướng nào.
Ông Mão nhồi tất cả thuốc súng và vụn sắt còn lại vào nòng. Con chồn mẹ không có ý chạy trốn, nó ngoảnh đầu nhìn ông, ánh mắt bình tĩnh như đã liệu trước có ngày hôm nay. Nó bắt đầu xua đuổi lũ con không cho đến gần.
Đàn con đột nhiên bị mẹ vồ cắn thì sợ ngây người rồi bỏ chạy tứ tung. Ông Mão cố nén nỗi hoảng loạn, ông sợ nếu không nhanh thì không còn sức bắn phát thứ hai. Khi bóp cò, nước mắt kìm nén từ lâu đã trào ra, lênh láng trên mặt ông chẳng khác gì tuyết tan chảy tràn trên mặt đất.
Theo sau tiếng nổ cực lớn, cả thung lũng vang lên tiếng ùng ùng làm ù cả tai. Tuyết trong hang hốc sung sướng lăn ra để lộ những vạt cỏ xanh xanh trên triền núi.
Mùa xuân đến rất gần rồi.
Tác giả: Chu Cảnh Tiêu (Phạm Tú Châu dịch) – Người thực hiện: Vân Anh
Lời nhận xét:
Câu chuyện thật buồn, day dứt và đau đớn. Nếu không thế, thì nó thất bại hoàn toàn, mặc dù viết có nhiều cách, là gợi mở và có thể chỉ là niềm vui…
Ngỡ rằng, có không ít chất “Liêu trai” trong truyện ngắn này, và nếu là người đọc từng trải, thì cốt truyện không mới. Nhưng có bao chuyện ở cuộc đời không mới, quan trọng là người viết, người kể lại mà thôi.
Như tôi đã nói, vừa phảng phất “Liêu trai”, nhưng không có chút tình yêu trai gái, thể xác ma quái nào kiểu Bồ Tùng Linh; câu chuyện rất đương đại về cách con người phải chung sống, phải tồn tại như thế nào với thế giới tự nhiên này. Gạt bỏ những thói quen của người Phương Đông, quá tin đến mụ mỵ về dùng động vật quý hiếm để chữa bệnh, thì câu hỏi của câu chuyện đặt ra, đâu là tính người, đâu là sự cần thiết để ứng xử với thế giới tự nhiên này?
Có điều, chợt cay đắng và buồn lòng, rằng, con người có lớn lao, hay nhỏ bé, tầm thường trước thế giới tự nhiên, trong đó có loài thú, như con chồn lửa, chẳng hạn?
Dịch giả Phạm Tú Châu – một dịch giả có uy tín về văn học Trung Quốc – đã chọn và chuyển ngữ một truyện ngắn hay.
Y Trang