Bài nổi bật

Muối măn gừng cay

Truyện đêm khuya – Đoàn người và ngựa thồ dừng lại bên chân dốc phía Nam đèo Sài Hồ khi trời đã sâm sẩm chiều. Tiết trời tháng Chạp rét như cắt thịt. Nhìn lên con đèo dẫn về phương Bắc, hút hút trong mịt mù sương giăng, vợ chồng ông bà Cả Hương không khỏi ngại ngần. Lần nào cũng vậy, trong lịch trình mỗi chuyến đi, con đèo này luôn là một trở ngại khó khăn mà cả đoàn phải vượt qua, cho dù phía bên kia đèo, chợ Kỳ Lừa đã không còn xa nữa.
 
Vợ chồng ông bà cả Hương làm nghề buôn muối đã mấy chục năm nay, từ khi họ mới chỉ tậu được một chiếc xe ngựa thồ với một chút vốn liếng, chuyến đi nào với họ cũng đầy những khó khăn, nguy hiểm. Đến nay ông bà đã có đến cả chục chiếc xe thồ, lập nên phường buôn muối Cả Hương nổi tiếng, cung cấp hầu như toàn bộ lượng muối cho các nhà buôn ở Phố Muối, chợ Kỳ Lừa trấn Lạng Sơn.
Trong phường buôn muối từ Hải Phòng lên Lạng Sơn của gia đình ông bà Cả Hương, có cô Nguyễn Thị Giang, con giái út của quan Phó trấn Lạng Sơn theo phường muối đã mấy năm nay. Cô Nguyễn Thị Giang là người con gái xinh đẹp, thông minh, sắc sảo. Theo phường muối, cô vừa góp vốn vừa giúp bà Cả Hương một tay tính toán sổ sách cũng như đối ngoại với khách hàng, được bà cả Hương vô cùng yêu mến.
Thân phụ của cô Nguyễn Thị Giang là quan Phó trấn Lạng Sơn, vâng lệnh triều đình ông lên Lạng Sơn giúp việc cho quan Tổng Trấn đã mấy năm nay. Thương cha tuổi cao sức yếu mà vẫn một lòng lo tròn bổn phận với nước nhà, phải xa vợ xa con, xa gia đình đến tận miền biên viễn xa xôi, cô Giang đã không quản đường xa, thân gái dặm trường đến Trấn Lạng Sơn để được gần gặn, phụng dưỡng. Bà Cả Hương gặp cô Giang trong một buổi chợ phiên, thấy cô nhanh nhẹn, tháo vát lại có vẻ rất thông thạo việc giao tiếp với người trên kẻ dưới, bà đã ngỏ lời nhờ cô Giang giúp cho một tay, nhất là lo việc giao thương với với khách hàng thổ cư Xứ Lạng và cả với những lạo pản bên Vân Nam, Bằng Tường. Cô Giang nhận lời giúp bà Cả Hương. Tuổi trẻ tài cao, chỉ một thời gian ngắn phụ việc cho bà Cả Hương, cô đã đứng ra tự lo được việc giao dịch với khách hàng, đỡ cho bà Cả một tay trông thấy.
Truyện đêm khuya – Muối măn gừng cay
Thường khi, cô Giang không phải đi theo đoàn phu muối mà chỉ nhận hàng ở chợ Kỳ Lừa. Nhưng tháng trước, cô về quê thăm mẹ, nay cùng với đoàn phu muối trở lại Lạng Sơn. Bà Cả Hương từ khi có cô Giang lo việc giao dịch trên Lạng Sơn cũng ít khi phải lên tận Lạng Sơn giao hàng như trước kia. Nhưng hôm nay là chuyến hàng cuối cùng trong năm, bà Cả Hương theo lên Lạng Sơn, ngoài việc tất toán tiền nong, bà còn cất lấy một mẻ hàng tết về xuôi, sẽ toàn là các sản vật miền rừng như măng khô, nấm hương, nầm mèo và đặc biệt là pháo của Trung Hoa, một bánh pháo về xuôi đổi được được một đôi gà trống thiến.
Cô Giang xa quê, theo cha lên miền biên viễn đã nhiều năm, nhưng chuyến xa quê lần này với cô là một lần dứt áo ra đi. Bây giờ thì cô đã thấu thế nào là “trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”. Nhưng lòng cô đã quyết. Bên tình bên hiếu, cô đã chọn chữ Tình, quyết đi theo tiếng gọi của trái tim. Nhưng chính vì chẳng vẹn được đôi đằng nên chữ Hiếu càng như gánh nặng biển trời mà cô sẽ mang bên mình suốt đời trọn kiếp không biết bao giờ trả được. Ngổn ngang trăm mối, lòng cô như tơ vò lụa xé!
Trời tối mau, sương xuống càng nhiều. Ông bà Cả Hương quyết định dẫn đoàn người và ngựa thồ rẽ vào nghỉ chân trong bản nhỏ bên chân dốc.
Ông Cả Hương vẫy Duần, một phu trẻ tuổi, lanh lẹ, bảo:
– Cháu nhanh chân chạy vào xem ông bà Dùng có nhà không, nhà họ có kiêng kị gì không. Nếu không thì báo có ông bà Cả Hương đến nhà xin trú qua đêm, cháu báo luôn đoàn ta có mười hai người cháu nhé, đi đi cháu!
Nói rồi ông Cả Hương trao con ngựa của mình cho Duần. Duần vâng lời, nắm lấy yên cương, vút một cái cả người cả ngựa đã mất hút vào màn đêm tối đang buông mau.
Ông Cả Hương vẫy cả đoàn đi thong thả lại vì cũng chỉ còn độ vài trăm thước nữa là tới nhà ông bà Dùng, hơn nữa trời tối, đường nhỏ cũng chẳng nên đi nhanh làm gì.
Chẳng mấy chốc đã trông thấy ngôi nhà sàn của ông bà Dùng với ánh đèn hắt ra le lói. Vào tới gần, buộc ngựa dưới gầm sàn là đã ngửi thấy mùi khói, mùi lửa thật là ấm áp, đã nghe thấy người nhà đi lại dìch dịch trên sàn, nghe thấy tiếng gà bị cắt tiết kêu queng quéc. Chủ nhà bưng một chậu mước nóng ra mời khách rửa tay chân. Sau khi tranh thủ cho ngựa ăn, khách rửa tay chân sạch sẽ rồi lần lượt vào nhà theo lối cửa sau. Trong bếp tiếng dao thớt côm cốp, tiếng mỡ sôi xèo xèo. Rồi chỉ một loáng sau là người nhà dải chiếu, mời cơm, mâm trên cho đàn ông, mâm dưới cho đàn bà. Đang mệt lại đói được bát cơm nóng với bát canh gà nấu gừng, ai cũng khen ngon.
Cơm nước xong, các anh phu trải chiếu nằm ngay bên bếp lửa. Ông Cả Hương ngồi chuyện trò một lát với ông chủ nhà rồi được mời nằm nghỉ trên chiếc phản kê ở gian phía trước là chỗ trang trọng cho khách là đàn ông. Bà Cả Hương cùng cô Giang cũng được các cô con gái của bà Dùng nhường cho nằm ở gian buồng phía Đông, là chỗ trang trọng giành cho khách là đàn bà.
Nằm bên cạnh bà Cả Hương trong chiếc chăm bông ấm sực, thơm mùi chàm, cô Giang gắng nằm thật yên lặng và giả bộ thở đều đều để khỏi làm mất giấc ngủ của bà Cả. Nhưng những bề bộn trong lòng cô Giang, làm sao mà bà Cả Hương không biết. Bà đằng hắng rồi hỏi nhẹ nhàng
– Chẳng ngủ được hở con?
– Dạ… – cô Giang bối rối.
– Bá biết trong lòng con có điều khó nghĩ…
– Dạ… con…
– Thế chẳng hay chuyến rày về quê, con không dám thưa với mẹ con?
Trời! Sao bà Cả như đọc được những ý nghĩ trong lòng mình vậy. Cô Giang vừa mừng vừa lo, mừng vì có người để sẻ chia nỗi niềm nhưng lại lo không biết là bà Cả có thấu nỗi lòng mình không?
– Dạ… Con đã không dám thưa mẹ con vì con sợ mẹ con sẽ chẳng thông… Con định chuyến này lên xứ Lạng con sẽ thưa chuyện với thầy con. Không biết con làm vậy có đúng không?
– Con làm vậy là phải đấy- bà cả đưa bàn tay mình nắm lấy bàn tay cô Giang, giọng bà thủ thỉ-  Mẹ con làm sao mà thông được? Có con gái lớn, chả ai muốn đem gả chồng xa, thêm nữa lại là xa lên tận miền biên viễn. Đấy là chưa kể, cậu Nông Văn Vỉ lại là người dân tộc Tày. Cũng chỉ vì đường xa cách trở, tất thảy những người chưa từng một lần lên Xứ Lạng như mẹ con đều coi nơi đây là vùng rừng thiêng nước ác, coi người dân tộc là những kẻ thô lỗ tục tằn. Ngay như bá đây, ông Cả phải nói tới gãy lưỡi bá mới nghe lời theo ông lên biên ải, rồi cũng phải bao năm chiêm nghiệm, bá mới ngẫm ra, cái đất Xứ lạng quả là có núi cao rừng rậm, có mưa rừng, có sương tuyết thật đấy nhưng con người miền núi thật thà chất phác, có nghĩa có tình lắm!
Ngừng một lát, bà cả Hương tiếp:
– Con thương ai, quý ai, phường Muối biết cả. Chúng ta mừng cho con. Con cứ thưa chuyện với thầy con, ta chắc là thầy con sẽ đồng ý thôi, thế là con coi như cũng vẹn một chữ tòng, con ạ…
Cô Giang dụi đầu vào vai bà Cả, cô lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt hạnh phúc cùng với niềm hy vọng được nhen lên trong lòng…
Nguyễn Thị Giang nhớ lại một buổi sáng mùa đông cách nay đã hơn hai năm trời. Chiều muộn hôm trước, phường muối đã đổ hàng bên kia bờ sông Kỳ Cùng, mờ sáng hôm ấy, cô Giang mới gọi bè mảng chở hàng qua sông. Tuy cả hai đều bận rộn với công việc nhưng có lẽ là trời đất đã xui khiến nên cô và người con trai kéo bè mảng đã tình cờ đưa mắt cho nhau. Nông Văn Vỉ xao xuyến trước cái vẻ mỏng mày hay hạt của cô thiếu nữ miền xuôi còn Nguyễn Thị Giang thì đã xao lòng trước ánh mắt sáng rực, nóng bỏng của chàng trai miền rừng. Cả hai đều bối rối. Khi bè đã ra đến giữa sông, nhìn thấy một thạ gừng ở trên bè, chắc là gừng của Vỉ tiện mang đi chợ bán, nhưng là loại gừng núi, củ nhỏ con, trông rất lạ mắt, Giang đánh bạo hỏi “Anh gì ơi, gừng của anh có  cay không?”. Bị hỏi bất ngờ, mặt Vỉ đỏ lựng, nhưng không chịu thua, Vỉ đáp “Thế cũng xin hỏi, muối của cô có mặn không?”. Lần này thì mặt Giang đỏ lừ, cô không ngờ chàng trai dân tộc Tày trông lành như đất thế kia mà lại dám đối đáp thế ấy. Cả phường muối được dịp cười ran.
Từ buổi ấy, mỗi lần đi lại qua sông, Giang thường cố ý chờ bè của Vỉ. Vỉ cũng đoán lúc Giang lại qua mà chống sào chờ. Hai người dần nên gắn bó thân thiết. Giang biết, Vỉ là chàng trai cả của một gia đình có bốn người con trai, nhưng bố mẹ đã mất cả, là anh cả trong gia đình Vỉ vừa như cha, như mẹ, nuôi dạy, bảo ban các em làm công chăm chỉ, ăn ở thuận hoà. Anh làm việc không biết mệt mỏi, ban ngày anh đi rừng, làm nương, đêm về đánh cá trên sông Kỳ Cùng. Ngày chợ phiên, anh kéo bè mảng chở khách sang sông, Người già, trẻ nhỏ anh trở giúp, không lấy tiền. Mùa phát nương, bốn anh em nhà Vỉ phát được nhiều nương còn hiến cho làng để chia cho những gia đình neo người, không có nương mà trồng tỉa. Lòng tốt của anh được tiếng cả vùng. Từ ngày hai người bén duyên nhau, anh không ngại tiếng “thấy người sang, bắt quàng làm họ” thường lui tới phủ cha con Giang ở, biếu cha khi thì chai rượu thuốc, lúc con cá sông. Cha Giang tuy là quan Phó trấn nhưng ưa sống cảnh điền viên, không có nhiều người ăn kẻ ở trong phủ nên thường khi có việc như rọi lại mái nhà, rào lại khoảnh sân, cũng đều có một tay Vỉ giúp. Giang biết, nết ăn ở của anh, cha qúy như con đẻ, nhưng không biết rồi ông có ưng thuận để cho anh làm con rể mình hay không? Xưa nay, việc kết thông gia giữa người Kinh và người Thổ được xem như một điều đại kị, chưa từng có ai giám vượt qua điều đại kị ấy. Giang đã khóc thầm ướt gối bao đêm, đã bao lần khuyên Vỉ là hãy đào sâu chôn chặt mối tình này ở trong lòng, hẹn đến kiếp sau. Nhưng Vỉ nói rằng chàng đã thề quyết ý lấy Giang làm vợ. Chàng đưa Giang lên một ngọn đồi sau núi Phia Vệ, chỉ cho Giang thấy một nầm mồ ngập lút trong cỏ dại, chàng kể: Đây là mồ của một cô gái mà người dân quanh vùng vẫn gọi là mồ Mè A. Mè A  ngày trước là một cô gái Nùng xinh đẹp nhất vùng Kéo Tấu, nàng đem lòng yêu một chàng trai người miền xuôi lên Xứ Lạng làm nghề thợ mộc. Chàng thợ mộc tài giỏi, chăm chỉ đã trở thành chủ nhân của khu nghề mộc Xưởng Gỗ nổi tiếng thời đó. Nhưng rồi mối tình của hai người bị hai bên gia đình, họ tộc phản đối quyết liệt. Cô gái đã gieo mình xuống Bến Đá Kỳ Cùng tự vẫn, còn chàng trai sau khi phóng hoả đốt toàn bộ khu Xưởng Gỗ, đã bỏ đi biệt tích, không ai biết chàng trai ấy đi đâu. Hôm ấy, Vỉ đã nói với Giang rằng “Chúng ta quyết ý lấy nhau, dù có khó nhưkhảm hải, thì chúng ta cũng phải vượt qua, để từ nay cho mãi mãi về sau, không còn xảy ra những chuyện đau lòng như chuyện Mè A nữa!”. Mùa cưới đã gần kề, Giang biết, chuyện của cô và Vỉ sắp phải tìm cho ra câu trả lời. Được đôi lời động viên của bà cả Hương lòng Giang cũng thấy ấm lên, mặc cho những cơn gió mùa Đông Bắc vẫn đang gào rít liên hồi.
Gà gáy canh ba, cô Giang vội vàng trở dậy, đã thấy đèn đuốc thắp lên sáng rực ngoại sàn. Ngựa đã đóng vào xe, chúng gõ móng lộp cộp. Ông chủ nhà còn cẩn thận giắt thêm vài bó đuốc chưa thắp lên xe để mọi người thắp dần. Đoàn phu muối với những xe ngựa thồ lặc lè rời khỏi nhà ông Dùng, bắt đầu vào con đèo Sài Hồ, hướng về phương Bắc.
Truyện đêm khuya – Muối măn gừng cay
Đoàn người lặng lẽ đi trong yên lặng, nghe rõ tiếng ngọn lửa bắt gió cháy phần phật trên đầu bó đuốc, tiếng ngựa thở phì phò. Con đèo dốc quanh co, hiểm trở, hai bên là rừng đại ngàn với biết bao hiểm nguy rình rập: kẻ xấu, thú dữ, rắn độc… Hiếm ai mà một mình, một ngựa dám qua con đèo này. Cô Giang đã từng nghe chuyện ở con đèo này có người bị con rắn hổ mang bành to bằng cái đấu phì nọc độc chết cả người cả ngựa. Cô cho ngựa đi theo sát bà Cả Hương, mắt không ngừng quan sát mọi động tĩnh xung quanh. Thi thoảng, một con hoẵng ăn đêm giật mình, chạy thục mạng khiến những cành khô gãy roàn roạt theo bước chân của nó, một vài con sóc chuyền cành líu chíu hay mẹ con nhà khỉ bị đánh thức giấc chí chét càu nhàu. Mùi lá cây mục hoai hoải bốc lên theo vó ngựa.
Trời tang tảng sáng dần, cảnh vật hiện ra trong màn sương đùng đục. Thi thoảng bắt gặp những tàu chuối non táp khô lại vì gió rét, nổi bật trên nên trời xám bạc, giữa những cây nghiến, cây lim vẫn thắm một sắc xanh vạn niên.
Non buổi sáng, đoàn người đã lên tới đỉnh dốc và dừng lại nghỉ ngơi chốc lát. Mọi người tranh thủ ăn chút lương khô và đám phu thì toả đi tìm chặt cành cây làm thắng hậu khi xuống đèo. Chốc lát, họ đã lôi về những cành cây to cỡ bắp chân người, để nguyên cả cành là xum xuê, họ buộc những cành cây đó vào sau mỗi xe hàng. Đây là cách mà phu xe hàng vẫn thường làm mỗi khi phải cho xe xuôi những con dốc đứng. Cành cây được kéo lê theo sau xe sẽ an toàn hơn cho những chú ngựa không bị xe hàng chúi thúc vào mông, nguy hiểm hơn, có thể lật đổ cả xe hàng. Xuống tới chân con dốc, những cành cây như thế bị bỏ lại chất thành đống, người quanh vùng thường đến lượm về làm củi đun.
Chiều tối, đoàn người về đến bến Nam bờ sông Kỳ Cùng. Chuyến đi kể như là trót lọt, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Trên bến sông, Vỉ đã chống sào chờ. Cô Giang cắt đặt việc ăn nghỉ cho ông bà cả Hương xong xuôi thì đốc đoàn phu muối vác hàng xuống mảng chở sang bên kia sông để kịp cho buổi chợ phiên sáng hôm sau. Gặp lại Vỉ, nhìn ánh mắt đầy yêu thương, bờ vai rộng, dáng đi vững trãi của chàng trong lòng cô Giang lại rộn lên một niềm tin tưởng. Cô Giang quyết định ngay tối nay sẽ thưa chuyện cùng cha.
Ngoài bến sông dần thưa vắng người, gió lạnh thốc từng cơn, hơi nước từ mặt sông bốc lên ngùn ngụt. Giang chờ Vỉ vác xong những bao hàng cuối cùng thì lấy ở trong tay nải ra gói đường phèn trao tận tay anh. Đường phèn là món quà miền xuôi mà Vỉ rất thích vì  anh để đem chia cho những người già, trẻ nhỏ trong vùng làm thuốc chữa bệnh.
– Anh về đi, áo ướt mồ hôi, bắt gió lạnh là cảm đấy.
– Ừ. Em về Phủ, nhớ đập vài củ gừng ngâm chân cho đỡ lạnh. Anh tranh thủ đi bỏ mấy bó lá để mai bắt cá.
-Trời! Lạnh thế này anh còn tham gì. Mà lạnh thế này thì làm sao mà bắt được cá.
– Trời lạnh, chỉ cần thả mấy bó lá sim xuống chỗ nước nông là cá sẽ chui vào tránh rét. Chiều nay đi rừng tranh thủ chặt được mấy bó lá sim rồi, sáng mai anh nhấc một lát là xong thôi mà. Vẫn kịp phụ em buổi chợ. Còn cá thì để đem cho già Khưa bán lấy tiền mua muối. Già Khưa nhịn muối đã mấy tuần nay rồi.
– Vậy anh đem một ống muối về biếu già trước đã, đợi em một lát nhé…
Hai người chia tay nhau trong tất bật công việc và đầy ắp những nỗi niềm lo lắng, thương yêu dành cho người khác. Tình yêu của Vỉ và Giang gặp nhau chính là từ tình yêu đồng loại mà cô và anh đã dành cho những người khốn khổ hơn mình.
Phủ quan Phó trấn.
Đã khuya lắm rồi mà ánh đèn dầu vẫn còn tỏ rạng. Quan Phó trấn ngồi trên trường kỷ, bên cạnh ông, lư than toả hơi ấm hồng rực. Sau khi trình được thưa chuyện cùng cha, chính cô Giang lại bối rối, không biết mở lời ra sao, bao nhiêu điều định thưa trình cứ trôi đi đâu hết cả. Trái với vẻ bối rối của cô con gái yêu, quan Phó trấn chậm rãi châm tẩu hút thuốc, chậm rãi nhả khói thành những dải mờ mờ.. Ông nheo nheo mắt, khe khẽ cười phá tan bầu không khí im lặng
– Con thưa trình với ta trong phòng riêng rèm lụa mà sao quá nghiêm trang như ở chốn công đường vậy?
– Cha…-  cô Giang đỏ mặt
– Có điều gì con cứ nói đi- quan Phó trấn ôn tồn khích lệ
–  Cha. Con hỏi xin cha một điều, cha quyết thế nào, con theo thế ấy ạ.
– Ừ. Con nói ta nghe xem nào?
– Dạ thưa cha, được ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, nay con gái cha nay đã lớn… Con trộm nghĩ, có lẽ đã sắp đến ngày con phải rời xa cha mẹ… xuất giá tòng phu…
– Trai khôn lấy vợ gái lớn gả chồng, có nhân có duyên thì con xuất giá, điều ấy là thường!
– Nhưng… nhưng con có tội, con đã trót yêu thương một người…
– Ô!- quan Phó trấn cười lớn- Yêu thương một người đâu phải là có tội. Nhưng nhân duyên là do trời định, con ạ. Đã có người mang lễ vật đến Phủ ta hỏi xin con làm vợ, chẳng hay con lại đã trót  yêu thương ai?
– Trình lạy cha! Có chuyện đó sao? – cô Giang vội vàng quỳ xuống.
– Con cứ ngồi dậy nghe ta nói đã!.- quan Phó trấn châm mồi thuốc mới rồi chậm rãi nói.- Mới cách đây vài hôm, nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình của Nông Văn Vỉ đã cho bà mai mang lễ vật đến hỏi xin con làm dâu họ Nông. Nếu ta đồng ý thì ra Giêng sẽ tổ chức hôn lễ theo đúng phong tục của người Tày.
Trời ơi! cô Giang khe khẽ thột lên trong lòng. Sao Vỉ dám cả gan làm việc ấy, nhỡ cha không đồng ý thì sao? Trong lòng cô Giang biết bao là hồi hộp.
– Con có biết ta trả lời họ thế nào không?
– Dạ…
– Ta đồng ý rồi đấy. Ta đã nói rồi, nhân duyên là do trời định. Vậy bây giờ con nói ta nghe con đã trót yêu thương ai nào?
– Dạ, con tạ ơn cha- cô giang đỏ mặt- Dạ, lòng cha như biển rộng, trời cao, không biết bao giờ con mới đền đáp được. Chuyến rày về quê, con đã không giám thưa trình với mẹ…
– Ừ. Rồi hạ hồi cha sẽ nói sau. Cũng chỉ bởi vì tiền lệ chưa có chuyện người kinh kết thông gia với người Thổ. Nhưng cha đã nghĩ kỹ rồi, cùng là máu đỏ da vàng, cùng là con dân nước Việt. Mối nhân duyên này sẽ làm cho tình thân giữa các dân tộc ngày càng khăng khít, thế chẳng phải là tốt cho tình đoàn kết muôn dân hay sao? Hơn nữa, Nông Văn Vỉ là chàng trai xứng đáng với con. Nó biết con có điều khó nghĩ, nên nó đã cho người mang lễ vật sang hỏi cưới con đàng hoàng. Chí khí lắm! Chỉ có điều nó đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Con mồ côi như con dao con rựa, tự mài mà sắc, tự sắc mà sống. Nhưng ta tin là với chí khí của nó, với sự  giỏi giang tháo vát của con, các con sẽ gây dựng nên sản nghiệp, sẽ tạo dựng được cơ đồ. Cổ nhân nói mạnh vì gạo bạo vì tiền, người có sản nghiệp lớn cũng là người có sức mạnh. Khi đó các con hãy giúp đỡ người nghèo, kẻ yếu hơn mình, chưa biết chừng rồi việc các con làm còn được người đời lưu danh muôn thuở…
– Con xin cha nhận của con một lạy. Con ơn cha muôn phần!
Nguyễn Thị Giang rưng rưng cúi đầu lạy tạ cha mình.
–  Từ sau đám cưới của hai người, việc kết thông gia giữa người Kinh với người Thổ đã không còn được coi là điều cấm kị nữa – Nữ Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Hoa Hồi hôm nay trực tiếp là hướng dẫn viên đưa khách đi thăm quan thành phố vì biết đây là đoàn khách văn nghệ sỹ. Em càng say câu chuyện, má càng ửng đỏ hây hây-  Ông Bà Nông Văn Vỉ, Nguyễn Thị Giang cũng là người có công lớn trong việc mở mang thị trường, lập nên những phường buôn lớn trên đất Lạng Sơn. Ông bà còn giúp dân vỡ đất, xẻ ruộng bậc thang trồng lúa nước, trồng rau, gây dựng nên những làng nghề nông màu ở hai bên bờ sông Kỳ Cùng vùng ven Thành Lạng. Để ghi nhớ công ơn của hai ông bà, người dân đã lấy tên ông đặt cho một ngọn núi cao phía Nam thành Lạng là núi Văn Vỉ, chính là nơi chúng ta đang đứng đây. Từ núi Văn Vỉ, nhìn về phía bên tay trái, có một con đèo chạy về phương Bắc được gọi tên là Đèo Giang. Còn vùng đất phía ở phía trước ngọn núi và con đèo kia được gọi là Thổ Sơn theo tên con trai cả của hai ông bà là Nông Thổ Sơn.
Mắt đen, chân dài, eo thon, da trắng nữ giám đốc chính gốc người Tày Xứ Lạng, nói tiếng Anh, tiếng Trung như gió. Chiếc Nokia E71 màu đỏ đun trong sắc tay của em liên tục rung lên với những giao dịch hợp đồng du lịch mới. Không hiểu câu chuyện của em hay chính là khoé mắt em đã làm say lòng khách lãng du. Muốn đưa tay nắm lấy bàn tay em những ngón thon dài trắng muối thì bỗng bối rối bởi chiếc nhẫn cưới nhỏ xinh trên bàn tay ấy lấp lánh đầy kiêu hãnh. Đành đưa mắt nhìn theo hướng tay em chỉ. Thành Lạng chiều buông mây mờ ảo. Núi chập trùng xanh như thể không cùng!
Tác giả: Vi Thị Thu Đạm

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *