RadioVn.Com – Hoa nở vườn đêm
Đông nhớ như in rằng lúc ấy anh đã đặt chén nước xuống và cảm thấy mình bình tĩnh vô cùng. Vì sao anh lại có thể bình tĩnh đến gần như thản nhiên như thế nhỉ?
Sau, anh nghĩ có lẽ là nhờ ở mảnh vườn nhỏ trước nhà. Mảnh vườn có một cây bồ kếp hoa vàng, hai gốc cam sành, một cây ổi, một cây mít tơ, vài cây cau và chen chúc ở dưới tầng thấp là dược thảo và hoa các loài, với hàng rào dâm bụt vây quanh ba phía. Mảnh vườn chỉ có vậy, nhưng toàn bộ hiện thực hình như lại không nằm trong cái hiện hữu đo đếm được, nó còn tồn tại ở dạng tiềm ẩn, như một tiếng nói thầm chưa được phát ra. Mảnh vườn được chăm tỉa kỹ càng, nhưng vẫn có cảm giác nó tồn tại chỉ là để nhằm trình bày một trạng thái cân bằng, điềm đạm và mơ màng ước vọng thôi. Mảnh vườn toả bóng vào tâm hồn Đông, vật phân thân của anh.
– Hoa à! Anh muốn nói với em một câu nữa. Em hãy nghĩ lại một lần nữa đi.
Tiếng Đông nhẹ như hơi gió từ mảnh vườn thổi qua khuôn cửa, lạc lối vào nhà. Và anh biết, cũng như hơi gió vô tình kia thôi, đó là một lời nói vô nghĩa. Hoa, người vợ sắp chia tay anh, một vóc hình đầy đặn, một khuôn mặt trăng rằm, không đáp lời anh, lặng lẽ xếp nốt mảnh áo mưa vào chiếc va li đã mở nắp trong cái dáng hơi cúi xuống, lộ vầng trán phẳng và cái dọc mũi cao xinh xắn của chị lấm tấm mồ hôi. Có lẽ lúc đó chị cũng có phần xúc động. Anh hiểu chị. Chị là nữ diễn viên chèo. Chị đa cảm như bản chất nghệ sĩ.
Truyện ngắn – Hoa nở vườn đêm
Chị đang xúc động, anh nhận ra thế, vì nhìn thấy mắt chị đẹp như mắt vẽ lúc này nhớt nhát ánh nước. Anh nhận ra thế, khi chị ngẩng lên, đưa mắt nhìn căn buồng nhỏ, cái nhìn lần cuối trước khi ra đi. Nghĩa là khi dứt áo ra đi chị cũng áy náy, cũng bứt rứt, dù là tí chút. Nghĩ vậy, anh thở ra nhè nhẹ, anh thấy được an ủi. Có thế chứ! Vì lẽ nào chị không hiểu rằng những ngày gian khó nhất của chị và anh đã qua. Ôi, lấy nhau mười năm thì năm năm trời là vật lộn với miếng ăn, việc nuôi nấng hai đứa con thơ. Anh dạy học. Lương ông giáo trơ hoẻn không đủ đút miệng. Chị theo đoàn đi diễn, dù là đóng đến vai chính như Xuý Vân, cũng không đủ ăn, nếu không biết chắt bóp tằn tiện, bòn mót bán từ quả cam quả ổi, mớ bồ kếp trong mảnh vườn nhỏ này.
Nhưng mà chẳng lẽ trong tâm ức chị chỉ rặt những kỷ niệm u buồn? Không, những ngày gian khó nhất đã qua đi như tất yếu của phép biện chứng khổ tận cam lai. Hai đứa con sởn sơ. Anh đỡ gầy gùa, dẫu anh đã sống với một tình yêu có đặc điểm là từ bỏ bản thân mình. Còn chị, lúc này chị đã có thể chuyên tâm vào vai diễn của mình. Xuý Vân, một vai diễn nặng, riêng màn nàng giả dại mệt bẳng cả một đêm diễn các vai khác. Chị vào vai nhuần nhuỵ đến mức mỗi đêm diễn xong, mãn nguyện sung sướng như biến đổi cả tâm tính. Anh à, diễn xong, em vào hậu trường thì có một ông trung niên bước vào: Thưa chị, chị cho phép tôi hỏi: Mái tóc dài mượt như huyền thoại của chị là thật hay là giả? Anh có biết em trả lời ông ta thế nào không? Em bỏ cặp, thả cả mớ tóc xoã xuống tận khoeo chân em. Cả một thác nước đen huyền. Trời! Người nọ kêu to sung sướng. Anh có biết bí quyết gì mà tóc em dày và mượt thế không? Chị lay vai anh và nhí nhảnh như thiếu nữ bảo rằng: đó là vì chị năng gội đầu bằng quả bồ kết hái từ cây, bồ kết ở trong vườn nhà. Náo nức hiện ra ở trong giọng nói. Chị bỗng biến thành kẻ đa ngôn và nhiều khi sâu sắc nữa. Vai diễn đâu có phải chỉ là những câu hát và những động tác hình thể. Chị khoe với anh rằng, chủ đề của vở chèo Xuý Vân trước đây chị vẫn đóng là phê phán thói bạc tình của đàn ông. Còn bây giờ, sở dĩ chị đóng vai này trội bật hắn lên, là vì ông đạo diễn đã xoay đổi chủ đề vở diễn sang trách cứ người đàn bà nhẹ dạ, và chị là người đầu tiên thể hiện thành công chủ đề này.
Cầm chùm bồ kết, từ mảnh vườn, anh bước vào nhà và đặt nó lên chiếc va ly đã đóng nắp của chị. Cám ơn anh. Chị nói khe khẽ, không ngẩng lên. Rồi nhấc chùm bồ kết bỏ vào túi xách tay và đứng dậy, nhìn đồng hồ tay. Còn một giờ nữa. Mười giờ có chuyến bay Hà Nội – Paris.
***
Chuyện buồn thế mà không lọt ra khỏi cửa, nếu không phải là người có gan lớn, thì ắt hẳn còn có lý do ngoại cảnh. Đồng là thế. Ngoài giờ dạy, anh chăm chút mảnh vườn. Hái hoa kim ngân, tỉa lá cây bạch đồng nam, vun gốc cam, bẻ cành khô cây bồ kết, công việc quay vòng tuần hoàn. Cây lá không chỉ là cây lá. Cây lá còn là hương thơm sắc màu, là nhịp điệu thời gian và hy vọng. Thêm nữa, về lâu dài, con người không thể sống mãi trong khinh miệt và hận thù. Huống hồ, cạnh anh còn bạn bè.
Ông giáo Tuân bạn anh, có căn nhà hai tầng, một bận đi dạy học về, giữa ban ngày bắt gặp cảnh vợ mình đang say đắm trong cuộc tình với người học trò cũ. Lặng lẽ ông đi lên gác trên và từ đó lấy căn gác làm nơi trú ngụ, sau khi được người vợ trả lời rằng: chị không còn yêu ông, chị đã yêu người học trò nọ.
– Tình yêu bao giờ cũng đi xa hơn lẽ phải thông thường.
Đến chơi với Đồng, ngồi uống nước trà ở hàng hiên, nhìn ra mảnh vườn yên tĩnh đã thưa lá khi vào thu, ông giáo Tuân nói. Hai người đàn ông quay lại nhìn nhau. Liệu có ai trên thế gian này có nỗi đau đời ê chệ hơn họ không?
Đồng lẩm bẩm nhắc lại câu nói của ông giáo Tuân, rồi khe khẽ thở dài. Thật sự, anh vẫn nhớ Hoa nỗi nhớ nôn nao. Nhưng trong cảm nhận sự trống vắng bóng hình người phụ nữ vẫn thấy nó hao hao giống như những ngày chị đi diễn ở những nơi xa.
– Thời gian là ngọn gió lớn, dai dẳng, nó sẽ sẵn sàng thổi tắt nghỉm những cuộc tình ngắn ngủi.
Bất thần, nghe câu nói gần như buột miệng của Đồng, ông giáo Tuân liền bỏ cặp kính viễn, ho hó cặp môi nhỏ, khe khẽ kêu.
– Sao? Anh định nói gì, Đồng?
– Đó là một câu thơ của một nhà thơ tôi yêu.
– Tôi biết. Nhưng sự thể câu chuyện là thế nào.
Chẳng lẽ, chỉ là một lần chị ấy lưu diễn ở Paris?
Ông giáo Tuân nói vội vã. Vội vã vì biết rằng Đồng sẽ không bao giờ trả lời. Đừng động vào cây mùa lá rụng. Lại một tứ thơ của một nhà thơ Đồng yêu như chợt đến với ông.
Trên mảnh vườn, trời thu lúc ngả chiều ngổn ngang mây xám.
***
Thương Đồng gặp điều bất hạnh, bà nội từ Hưng Yên lên đón hai đứa con anh về quê. Bà cụ bàn, hay là bán mảnh vườn, căn nhà này đi, xin chuyển về dạy ở trường huyện, phần nữa cũng là để Đồng kế thừa mảnh vườn, căn nhà của mẹ ở làng quê. Bà cụ có còn ai là con trai nữa đâu, ngoài anh. Thấy anh im lặng, bà cụ chép miệng. Người tiếc còn chẳng được, tiếc gì đất đai, nhà cửa. Đồng vẫn không nói. Lòng dạ dẫu ngổn ngang thì vẫn đang rì rầm chảy một dòng hoài niệm trong trẻo thương nhớ. Con người sống theo cảm xúc bằng bản năng, biết đâu là dại, biết đâu là khôn, là may, là rủi mà lường.
Hết giờ dạy học, soạn bài, chấm bài, Đồng lại một mình một bóng tha thẩn trong mảnh vườn. Bồ kết ra hoa, bồ kết kết quả. Quả bồ kết xanh xanh ngả sang vàng tro, rồi đen bóng như sừng. Ông giáo Tuân đến xin mấy quả về đốt trong buồng thằng cháu nội ba tuổi đang lên sởi.
– Bồ kết làm không khí thanh sạch. Đồng nói: Hồi chiến tranh, tôi làm cần vụ kiêm trợ lý văn hoá cho một ông tướng, cứ ba ngày một lần tôi phải đốt bồ kết xông căn nhà hầm cho ông.
Câu chuyện chỉ dừng ở đó. Còn đoạn Đồng gặp Hoa trong đoàn văn công đến biểu diễn ở binh trạm, anh không nói. Những ngày ấy nhẹ và thơm như một làn hương vương vấn mãi, và mơ hồ như không có thực.
Ông giáo Tuân nói:
– Đứa cháu nội là một liều tiên dược với tôi. Càng sống càng thấm thía, cái nghĩa sâu kín của cuộc đời đi mãi vẫn không hết.
Đồng im lặng. Đồng biết, cũng như Đồng, ông vẫn không nguôi thương nhớ người vợ bạc bẽo nọ. Gần đây, chị cùng gã chồng trẻ chuyển cư vào Sài Gòn. Gã đàn ông thật sự là một kẻ cả thèm chóng chán. Mà tình yêu thì không phải là một cuộc phiêu lưu, không phải một sự việc tự đặt ra để thoả mãn tính tò mò. Nghe nói, giờ chị sống trong sự hắt hủi của gã. Thằng cha trẻ hơn chị cả chục tuổi. Bốn mươi nhăm tuổi, chị đã ở bên kia dốc của đời người rồi.
– Khi cô ấy chuyển cư vào Nam, rao bán cái căn nhà dưới, tôi đã có ý khuyên, nên giữ lại để phòng thân – Ông giáo Tuân kể. Nhưng cô ấy không nghe. Chắc là sợ tôi chiếm lại. Chậc, ra toà rồi, nhà cửa, tài sản chia đôi hết, tôi chiếm lại sao được. Anh có biết cái bi hài khi phân chia tài sản không? Hai tầng nhà, mỗi bên một. Hai cái nồi, mỗi bên một. Cứ thế, đến cái quạt tai voi. Cô ta bảo: Anh lấy cái cánh, tôi lấy cái bầu. Thật là cưa đúc đục suốt, thật là cạn tàu ráo máng!
– Trời!
– Tất nhiên, ai lại thế. Tôi bảo: Thôi, cô lấy hết đi.
Tôi cho cô ấy tất. Hừ, người còn không tiếc nổi, huống hồ…
Thốt kêu thầm trong lòng, Đồng ngẩn ngơ trong xót xa, và đăm đăm nhìn ông giáo, bỗng thấy kính trọng ông vô cùng. Dẫu sao thì Đồng vẫn còn may mắn hơn ông. Đồng chưa mất hết. Đồng còn mảnh vườn, mảnh vườn cho anh sự cân bằng, yên tĩnh và những ước ao, mơ mộng.
Hoa nở vườn đêm
Mùa đông năm ấy rét se sắt. Cây cối trong vườn rụng lá nhiều hơn mọi năm. Riêng hàng rào dâm bụt vây quanh hoa nở rộ, đỏ gay gắt, xa xỉ và phung phí vô cùng, đến độ mỗi sáng trở dậy, ra vườn thấy chúng, Đồng lại ngẩn ngơ: Hoa định kết thành dải băng lớn đón chào nỗi vui nào vậy? Sau này, một đêm cuối mùa đông, đang hậm hụi lao lưỡi thuổng để bưng đi một gốc cau ra khỏi bóng râm của cây mít, Đồng bỗng dừng tay. Hình như có tiếng ai đó vừa mở cửa vườn bước vào. Thót tim, Đồng đứng lặng. Lạnh rợi mà trán Đồng nháng một lớp mồ hôi mỏng. Cạnh nơi anh đứng, hoa nhài nở trắng rười rượi, loa loá cả một vùng đất. Sát khóm nhài, trên cái chồi lớn xanh ngắt, một đoá ngọc trâm đang xoè cánh, trắng và lớn như hoa đại. Vương vương trong không khí anh hít thở là hương thơm của các loài hoa nở đêm. Hoa không chỉ là hoa, hoa còn là giấc mơ của con người.
– Ai đó?
Thảng thốt, Đồng quay lại phía sau, ngơ ngác như giữa chiêm bao. Cuộc sống, nếu không còn mong ước thì chẳng có gì để mất cả nữa, thì thật sự là chẳng nên sống làm gì nữa!
Mùa đông năm ấy qua, mùa xuân năm sau tới, như đêm qua ngày tới, không hấp tấp, vội vàng, vì chẳng có toan tính, cũng chẳng vì xót thương ai. Thời gian như ngọn gió lớn thổi bền bỉ qua tất cả những ngọn lửa tình. Càng nghĩ, càng thấy cái nghĩa sâu kín của đời sống ân tình chẳng bao giờ đi thấu tới tận cùng được. Đêm ấy, Đồng mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Anh đang đánh cây cau non trong vườn thì thì Hoa vợ anh đẩy cánh cửa vườn bước vào. Ôi, Hoa đã về! Vợ anh, người anh yêu quý không gì sánh nổi đã trở về. Vẫn gương mặt hồn hậu xinh đẹp ấy. Vẫn mái tóc dài mượt mà như huyền thoại được nuôi dưỡng bằng nước bồ kết hái trong vườn nhà. Nhưng chị khóc nghẹn ngào và day dứt. Chị nói: Anh mắng em đi. Anh đánh em đi. Em đã phản bội anh. Sao em ngu dại, hư hỏng thế!
Ông giáo Tuân đến chơi. Đồng kể lại giấc mơ nọ cho ông nghe.
Nghe xong, ông nói: Tôi tin sẽ là như thế! rồi ông ngả người lên lưng chiếc ghế mây, đưa mắt lặng lẽ ngắm nhìn mảnh vườn trước mặt. Ông ước có được một mảnh vườn nho nhỏ như của Đồng.
Một vầng nắng nhỏ..
Bạn đã bao giờ xao xuyến trước vẻ đẹp lạ lùng của mùa thu chưa? Tôi đã không ít lần như vậy. Nhưng tôi cam đoan với bạn rằng, lúc này, trên mảnh sân nhỏ ngay phía sau cơ quan tôi, tôi đang bắt gặp mùa thu ở khoảnh khắc đẹp nhất, một vẻ đẹp được chưng cất, trong suốt, không có hồi kết và bị bỏ lửng, như bản chất của cái đẹp vĩnh hằng.
Đó là quãng chín giờ sáng. Nắng không còn non bấy, nhưng cũng chưa già dặn đến ánh ỏi. Nắng mới kết tinh, vừa đủ cho tiết thu bừng nở bằng hoa. Cúc đã nở bừng cả loạt rười rượi mà không nhàm tẻ tầm thường. Trái lại, bóng bẩy quý phái và lạ thay, cúc như một linh thể đưa dẫn hồn ta vào cơn đam mê tìm kiếm cái kỳ lạ, điều thiêng liêng.
Cúc vàng đại đóa thịnh khai cả một vùng như một ẩn dụ tài tình cho cái đẹp viên mãn và tràn trề. Trong khi đó, trên cái giây phơi căng qua góc sân nhỏ, một tấm áo len xanh lá mạ mở vạt rộng dài, giống như một cánh bướm lớn đang yên ngủ trong vầng nắng nhỏ mùa thu vừa nhuộm vàng mảnh sân. Ôi, vầng nắng nhỏ mùa thu! Vừa nhuộm vàng mảnh sân, nắng đã hắt vào hàng hiên một làn bụi hồng lung linh như kim nhũ. Nhận ra thời khắc lúc này đã trở nên hoàn thiện, tôi đồng thời nhìn thấy trong vầng nắng sớm nơi hàng hiên bóng hình Nương đang ngồi hong mái tóc dài sau lần tắm gội sớm mai.
Truyện ngắn – Một vầng nắng nhỏ..
Nương là nhân viên tạp vụ ở cơ quan tôi. Nghĩa vụ lao động của nàng bắt nàng đến cơ quan từ lúc tinh mơ. Quét quáy, dọn dẹp, lau rửa, sắp đặt… Nàng phải luôn tay luôn chân, để đúng giờ tầm, mọi người đến, mở cửa phòng, bàn ghế đã tinh tươm, ấm chén đã sạch bong, không khí đã thanh quang. Lúc đó cũng là lúc nàng đã tắm gội xong, đã trút sạch bụi bậm trần ai và quyền nghỉ ngơi đã đến với nàng trong chốc lát. Mặc chiếc áo sơ mi vải thô cổ rộng, cửa tay loáng thoáng đôi nét hoa văn dân tộc, nàng phô diễn một cách tự nhiên nhất làn da mát mẻ, trắng hồng và vóc hình căng nở đầy đặn của mình. Tóc nàng đen nhánh, dày dặn, giàu sức sinh tỏa, xõa từ đầu đến ngang lưng. Lưng nàng mẩy mang và nhìn nó, ta liên tưởng tới bên đối diện là một khuôn ngực rộng, hứa hẹn khả năng nuôi con, là sự ôm ấp và cho sữa. Không trang điểm, không xén tỉa, nàng mộc mạc lại thoáng chút hoang sơ thôn dã, lơi lả tự nhiên.
Bây giờ thì nhờ Nương mà bức tranh mùa thu nơi mảnh sân nhỏ cơ quan tôi đã trở nên toàn bích. Tôi nhận ra cũng nhờ có nàng mà trong cái im lìm bất động sâu thẳm của một hiện tại không trôi đi, trong suốt không cùng, đang chập chờn đâu đó một giấc mộng hư huyền, hội tụ tất cả niềm sung sướng của con người về một hạnh phúc có thật ở cõi đời này.
oOo
Ngồi trong căn buồng nhỏ, thu vào tâm tưởng cảnh sắc nọ, giờ tôi đã hiểu ra điều sách vở bấy lâu vẫn thường nói: cái đẹp là một ý niệm tiên thiên, thường gây nên cho người ta những mộng tưởng huy hoàng, và luôn bất ngờ với nhiều tầng ngữ nghĩa. Tôi nhận ra toàn bộ niềm đắm say của những kẻ như tôi, lúc này đều đang định hướng vào một điểm duy nhất là khung cảnh nọ. Và trong yên lặng đến vô thanh, yên lặng như một quyền lực tuyệt đối, từ ông giám đốc trẻ tuổi đến người bảo vệ già, các nhà nghiên cứu tuổi nhòng nhòng trong cơ quan tôi, đều như đang ở trạng thái bị thôi miên, vì một lực hướng tâm với hành lang ửng hồng, nổi bật bóng hình Nương trước bối cảnh mùa thu đang độ tuyệt đẹp này.
oOo
– Rõ no cơm ấm cật chưa kìa. Có đúng là chó ghẻ có mỡ đằng đuôi không! Thế nào, ngẩn ngơ bảy vía mất bốn rồi, hả?
Nghe thấy một giọng đàn bà thô lỗ và chua gắt, như kẻ tan mộng, tôi nhận ra sau lưng tôi, bà Luân, trưởng phòng hành chính, năm mươi hai tuổi, không con cái, người như quả ớt khô, mặt choắt cheo, vừa áp tới. Nhìn thẳng vào mặt tôi, khuôn miệng móm hõm hoác nở một cái cười đắc chí với cảm giác bắt được quả tang tội phạm, bà chẹp miệng:
– Thế nào, thấy đỏ ngỡ là chín, mê tít thò lò rồi, hả? Đàn ông các người cũng chỉ là lũ đực rựa như nhau cả thôi!
Đàn bà không có bạn. Nếu mệnh đề này không có ý nghĩa phổ quát thì ít nhất cũng chính xác với người đàn bà tính tình khắt khe cay nghiệt này. Bà Luân chẳng có thiện cảm, dù là thiện cảm tí ti thôi, với bất cứ một người đàn bà con gái nào. Với những kẻ xấu xí kém cỏi thì bà khinh bỉ, coi thường. Với đồng nghiệp ngang tài ngang sắc thì bà tranh cạnh, móc máy. Với người có ưu thế trội bật hơn về nhan sắc, tiền tài, quyền thế thì bà lồng lộn ghen tức. Cứ như họ là kẻ thù của bà vậy, những ai trẻ trung đẹp đẽ hơn bà. Cứ như là họ đẹp họ trẻ là do họ ăn bớt, ăn tranh phần của bà. Cứ như vì họ mà bà trở nên xấu xí, già nua đi.
Với Nương, bà Luân bộc lộ ác cảm ngay khi nàng đến nhận việc. Thực ra nàng là người thứ mười ba được giới thiệu đến để cơ quan tôi tuyển làm nhân viên tạp vụ. Nhân viên tạp vụ! Chỉ nhân viên tạp vụ thôi mà khó thế! Khó vì phải được sự đồng ý của lãnh đạo trực tiếp, tức bà Luân trưởng phòng hành chính, chứ không phải chỉ là ông giám đốc. Khó thế nên sau khi người nhân viên tạp vụ cũ về hưu, đã hiện diện trước mặt bà trưởng phòng hành chính đến cả chục nhân mạng, đàn ông đàn bà, trẻ già đủ loại mà vẫn chẳng ai lọt vào được mắt xanh của bà.
Trông mặt mà bắt hình dong, khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay. Chớ qua nhà thằng lé, chớ ghé nhà thằng lùn. Cao chê ngỏng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn. Con mắt bà săm soi. Chẳng một khuyết tật ngoại hình của bất cứ ai có thể qua được mắt bà. Mà người ta thì có ai hoàn bị trăm phần. Bà chê tất, sổ toẹt tất. Cho đến Nương. Nương là một trường hợp đặc biệt. Một ông tướng hai sao, vóc to lớn, oai vệ, đích thân đưa Nương đến gặp giám đốc cơ quan tôi: “Này, cậu nhận nó vào làm việc ở cơ quan cậu hộ tớ. Nó là vợ mới cưới của thằng lái xe cho tớ. Quê ở tít tịt trên vùng cao Sapa Lào Cai. Thằng chồng nó có máu ghen, không yên tâm để vợ ở nhà, nay xin thôi, mai xin đổi, rắc rối quá”. Giám đốc cơ quan này xưa là lính cưng của ông tướng nọ, lại có tính cả nể, nên vượt nguyên tắc đã đề ra, vâng dạ chấp nhận.
Ngồi ở buồng bên, dõi theo câu chuyện, biết là không thể chối từ, nhưng mới nhác thấy Nương mặc áo dài lam, chít khăn mỏ quạ, bà đã ầm ầm:
– Thế là chết tôi rồi! Rước cái của nợ miền rừng ngô nghê này về rồi mà hầu nó à! Chân tay to sều sều thế kia thì biết làm cái gì. Lại thằng chồng có máu ghen nữa chứ! Khiếp quá! Mà tôi nói trước, thử vài hôm, không được là tôi để nguyên đai nguyên kiện trả lại ông giám đốc đấy!
oOo
Nhưng Nương không bị bà Luân trả lại cho giám đốc sau ít ngày thử việc. Nương chịu khó, khéo léo, ngoan ngoãn. Nương đi sớm về muộn. Mọi việc bà Luân giao, Nương đều hoàn thành chỉn chu, gọn ghẽ. Với mọi người trong cơ quan, Nương đều tỏ ra lễ độ, dịu dàng. Đã chẳng nề hà việc chung khó nhọc, Nương lại sẵn sàng giúp đỡ khi người này người nọ nhờ cậy. Nương được mọi người chẳng trừ ai, mến yêu, tin cậy.
Bốn tháng qua đi, từ công việc đến quan hệ, Nương chẳng có điểm nào để bà Luân chê trách. Sáu tháng qua đi, dù ra sức bới lông tìm vết, bà Luân cũng chẳng tìm được khiếm khuyết nào của Nương để chê bai.
Ganh ghét mà không tìm được cớ để trút cơn ganh ghét thì chỉ còn cách là ngấm nguýt, hậm hực và rình tìm cơ hội thôi. Thì lúc này, cơ hội là đây. Bà vừa chộp được tôi đang la đà trong giấc mộng thu vàng, trước cái đẹp nguyên khởi tiên thiên. Bà bắt quả tang Nương sau mấy giờ lao động mệt nhọc, đang trong trạng thái thảnh thơi giữa vầng nắng nhỏ mùa thu nơi hàng hiên nọ.
– Rõ ra dáng ra dàng chưa kìa. Con này rồi còn lên mặt đài đệ nữa cho mà xem – Ngồi xuống cạnh tôi, bà Luân phóng hai con mắt ra phía Nương, và rít lên như một hồi còi – Còn nhớ hồi mới đến không? Chỉ là loại gạo để bồ đài, muối để bàn chân, nghèo rớt mồng tơi chứ là cái gì. Giờ thì có da có thịt có vú có ví, có tiền có của may mặc sắm sửa rồi, tha hồ mà động hớn nhá!
Thấy tôi vẫn yên lặng, bà đứng phắt dậy, cầm cái phất trần đi ra cửa sổ đập lạch phạch một hồi. Rồi quay vào, bà bước đến cạnh tôi, nghiến kèn kẹt:
– Ngồi rãi thẻ ra mà hong tóc! Mà đẹp cái nỗi gì cơ chứ! Chẳng qua cái mặt, cái đầu cũng chỉ là một cục cứt voi, ai dùi bẩy lỗ ngó coi lạ lùng, chứ là cái quái gì. Mà này ông ơi, kinh nghiệm rồi nhé, lỗ miệng mà khoan thai thì lỗ trôn tán tài đấy. Hừ, thế này thì tôi phải sang bảo lão giám đốc ngay mới được.
oOo
Quay ngoắt lại, bà Luân thoăn thoắt bước đi, vẫn với bản độc thoại của mình. Nhưng, vừa nghe thấy tiếng bà chao chát ở bên phòng ông giám đốc, đã lại thấy bà mở cửa quay về. Chắc là ông giám đốc bận nên chối từ đối thoại, bà trở về mà vẫn chưa vợi được chút căm tức nào, trái lại, mặt sậm đỏ như lên cơn cao huyết áp. Đập tay đánh chạt xuống mặt bàn, bà hất hàm vào tôi, gằn:
– Này, có đúng là dù cho trăm khéo ngàn khôn, đến cửa nhà l. bảy vía còn ba không? Cả lão giám đốc nhà ông cũng thế. Bênh che nó chằm chặp. Nói trước cho mà biết, con này trường túc bất tri lao, thằng chồng hay ghen thế nào nó cũng đến phá tan hoang cơ quan này cho xem! Là tôi nói trước cho các người liệu đấy!
Quay về sau, đầy vẻ giận dữ, bà sầm sập bước đi. Nhưng đi được mấy bước, bà lại đã lộn trở lại, xỉa tay, trút tiếp cơn tức tối vào tôi:
– Là tôi nói trước để cảnh báo các người đấy! Cứ chiều chuộng nó lắm vào. Tôi là tôi không chịu được đâu. Thật là ngứa cả mắt, lộn cả ruột!
Một vầng nắng nhỏ..
oOo
Không hay biết tất cả những lời chì chiết cay nghiệt của bà Luân trưởng phòng, Nương vẫn đi làm đều đặn, vẫn thản nhiên một nếp sống nếp làm. Vẫn định hình bức chân dung mình nàng với mùa thu thảnh thơi, khi công việc buổi sớm đã hoàn thành. Ôi, bức tranh có nàng với vầng nắng nhỏ mùa thu! Nó là cái nguyên cớ gây nên sự giận dữ trong lòng bà trưởng phòng. Nhưng nó diễn tả chính xác nhất vẻ đẹp tự nhiên và tâm tình nàng.
Nàng đẹp và yên lòng với cuộc sống. Quê nàng ở vùng cao Sapa tỉnh Lào Cai. Nàng đã học hết cấp hai phổ thông và như rất nhiều thiếu nữ Tày ở quê nàng, đủ mười tám tuổi thì nàng lấy chồng. Chồng nàng là người cùng quê, đi bộ đội và được tuyển làm lái xe cho ông tướng hai sao cũng người Tày. Nàng được ông tướng đưa về Hà Nội và giới thiệu về cơ quan này làm việc để vợ chồng nàng được gần gũi.
Ở quê, công việc của nàng là trồng cây thuốc xuyên khung, đỗ trọng, bạch truật và cây ăn quả trên đất nương đồng. Ở đây, công việc có khác nhưng cũng là thứ lao động chân tay. Ngày ngày, sau giờ tan tầm buổi chiều, nàng đi về một căn hộ trong khu tập thể quân đội ở phố Lý Nam Đế, mà người ta hay gọi là Phố Nhà Binh. Căn buồng rộng mười bốn mét vuông đủ cho hai vợ chồng son.
Chồng nàng là một chàng trai khỏe mạnh và yêu vợ. Nàng không nghĩ mình xinh đẹp hơn người, trừ những lúc gần gũi chồng. Chồng nàng mê mẩn, không muốn xa nàng, dù chỉ là một giờ một khắc. Chẳng đêm nào hắn không đắm đuối với nàng. Hắn rên lên như bị thiêu đốt mỗi khi ngắm nghía một chi tiết trên cơ thể nàng.
Mỗi sáng trở dậy, hắn kiệt lực rũ rượi như cái dọc môn héo, phải tựa vào vách tường mới xỏ được chân vào ống quần. Thấy vậy, nàng ngoảnh mặt đi vì thương chồng và buồn cười. Cũng là sự thường tình thôi. Vùng cao quê nàng, khí hậu mát mẻ, quanh năm đêm ngủ phải đắp chăn bông. Ở đó, các cụ bảo âm thịnh dương suy, đàn bà đẹp mỡ màng, má đỏ au, ngực phồng như buổi sớm mai. Ở đó, quê nàng, mùa hoa, mùa đàn ông mệt như chiếc áo rũ, vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ.
Nương yên lòng với công việc và cuộc sống lương thiện ngày ngày. Nàng không hay biết vẻ đẹp làm say lòng người của nàng. Cũng không hay biết cả cái bỉ tiện đê hèn của thói đố kỵ ghét ghen nơi người đời. Con người, về một khía cạnh nào đó, là một kẻ không sống yên ổn với đồng loại của mình. Mỗi kẻ là một đơn nguyên biệt lập. Ganh ghét đố kỵ với người khác là thuộc tính của nó, một thói xấu thâm canh, một cơn điên khùng, bất chấp cả lẽ phải.
Thành ra, chiều hôm đó, nghe tiếng bà Luân lu loa ở phòng bên, tôi và ông giám đốc liền vùng ngay sang và sau mấy phút lơ ngơ, chúng tôi đều vỡ lẽ. Bà Luân vò đầu bứt tai, cao rao:
– Rõ ràng tôi để một triệu đồng ở bàn này. Mà ngoảnh đi ngoảnh lại mất biến một trăm ngàn là thế nào? Ai vào đây? Ai vào đây dọn dẹp, quét quáy phòng tôi!
oOo
Nương thôi làm việc ở cơ quan tôi khi chưa hết hạn hợp đồng sáu tháng. Tôi đi công tác hơn một tháng ở phía nam về, một sáng mùa đông, ngồi trong phòng làm việc nhìn ra cái hành lang âm u tối mờ, bỗng thấy cái nhìn như trượt vào một cõi hư vô nào đó.
Mùa thu đã đi hẳn rồi, vầng nắng nhỏ tiết thu quen thuộc đã tắt ngấm từ lúc nào. Nương đã trở về vùng cao Sapa quê hương nàng. Ở đó mùa này trời xanh trong vắt, nắng tươi tràn trề. Ở đó, nàng trồng đào lê mận, chăm sóc các loài dược thảo như bạch truật, xuyên khung, đỗ trọng. Chồng nàng xin thôi việc lái xe cho ông tướng, chuyển về huyện đội, đảm nhiệm việc chăn nuôi mấy con ngựa biên phòng. Hắn không thể xa nàng được.
Vì sao Nương lại thôi làm việc ở cơ quan tôi?
Mọi sự đều tỏ tỏ mờ mờ, và chẳng ai hiểu thật rõ ngọn ngành các sự kiện đã xảy ra. Cuộc sống chuyển động ào ào, không tư tưởng, không nghĩ suy, không kết luận. Nó cũng buông lửng tai ác như việc bà Luân kêu mất một trăm ngàn đồng.
Rồi thì tất cả sẽ rơi vào quên lãng thôi! Tuy nhiên, cuối cùng thì cũng đã phong thanh lan truyền trong gió dăm ba lời đồn thổi và câu chuyện tưởng là hư cấu bỗng như có được điểm tựa.
Rằng một ngày nọ, anh chàng lái xe cho ông tướng hai sao nọ, kẻ mang dòng máu Ôthellô đậm đặc, bỗng nhận được một lá thư không có tên không địa chỉ người gửi. Lá thư chỉ độc có hai câu: Vợ đẹp thì mày phải lo. Đêm nằm lắm kẻ rình mò ước mơ. Lửng lơ tai ác thế! Gã lái xe chồng Nương xồng xộc đến cơ quan, lôi Nương về, tẩn cho một trận và hôm sau áp tải Nương lên tàu về thẳng quê hương, phá vỡ giao ước đã thỏa thuận.
Nương chẳng bao giờ trở lại cơ quan tôi nữa. Nàng đã biến vào nơi vô tăm tích. Nhưng từ đó, mỗi độ thu về, ngồi trong căn buồng nhỏ của mình, nhìn ra cái hành lang lung linh bụi hồng, trong bâng khuâng của sắc vàng hoa cúc, tôi lại như nhìn thấy bức toàn cảnh buổi sớm mùa thu đẹp toàn mỹ có bóng hình người phụ nữ Tày nọ.
Vùng thẩm mỹ đầy nhân tính ấy đã tan thấm hoàn toàn và vẫn còn ngưng đọng mãi trong không gian.
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng – Người thực hiện: Đình Khánh & Minh Nguyệt