RadioVn.Com – Ông họa sĩ và người cựu lính thủy ngồi với nhau ở ngoài hiên của một tiệm cà phê Paris. Bấy giờ đang là tháng Tư, ông họa sĩ cứ trầm trồ thán phục: về mùa xuân, thành phố Paris sao mà tuyệt vời, còn phụ nữ Paris thì đẹp mê hồn trong những bộ trang phục mùa xuân của họ.
– Vào thời hoàng kim của tôi, cố nhiên là vào mùa xuân, Paris còn tuyệt diệu hơn thế này rất nhiều, – ông ta nói. – Mà không chỉ bởi hồi ấy tôi còn rất trẻ, ấy là do Paris cũng khác bây giờ. Anh cứ nghĩ mà xem: chưa hề có một chiếc xe hơi nào cả. Vả lại, hồi ấy Paris đâu có sống theo kiểu bây giờ!
– Còn tôi thì không hiểu sao lại cứ nhớ tới mùa xuân ở Odessa anh ạ. – người lính thủy lên tiếng. – Là dân Odessa chính gốc, hẳn anh biết hơn tôi về cái vẻ kiều diễm đặc biệt của thành phố ấy – đó là sự pha trộn giữa ánh sáng mặt trời đã bắt đầu nóng bức với mùi biển tươi mát hãy còn mang hương vị mùa đông, giữa cái chói chang của bầu trời và sự dịu êm của những đám mây xuân trên biển. Và trong những ngày xuân như thế, anh biết không, xiêm áo các bà các cô ở Deribasovskaya lộng lẫy biết chừng nào…
Người họa sĩ châm tẩu thuốc và cất tiếng gọi: “Garcon, un demi! – rồi sôi nổi quay về phía bạn:
– Xin lỗi, tôi ngắt lời anh một chút. Anh thử hình dung xem, lúc nãy, khi nói về Paris, tôi cũng nghĩ về Odessa đấy chứ. Anh hoàn toàn có lí, mùa xuân ở Odessa quả là một điều gì đấy rất lạ thường. Chỉ có điều là tôi thường cứ nhớ tới những mùa xuân ở Paris và Odessa một cách lẫn lộn thế nào ấy. Trong tôi, những mùa xuân ấy cứ xen kẽ với nhau. Anh biết đấy, hồi đó, khi xuân đến, tôi vẫn thường liên tục đi Paris như thế nào… Anh có nhớ Galia Ganskaya không? Anh đã gặp nàng ở một nơi nào đó và bảo tôi rằng chưa bao giờ được thấy một cô bé duyên dáng nhường ấy. Không nhớ à? Nhưng thôi, đằng nào mà chả thế. Nãy giờ, nhắc đến Paris thuở ấy, tôi vừa mới liên tưởng đến nàng và mùa xuân năm đó ở Odessa, khi lần đầu tiên nàng đến thăm tôi ở xưởng vẽ. Có lẽ, trong chúng ta, mỗi một người đều có một kỉ niệm đặc biệt quý giá về tình yêu, hoặc một chuyện tình tội lỗi nặng nề nào đó. Vậy thì, có lẽ chính Galia Ganskaya là hồi ức tuyệt đẹp nhất, mà cũng là tội lỗi nặng nề nhất của tôi, mặc dầu, có trời chứng giám, dù thế nào đi nữa thì cũng không phải là tôi cố ý. Bây giờ thì chuyện đó đã xa xưa lắm rồi, đến nỗi tôi có thể kể cho anh nghe một cách hoàn toàn cởi mở…
Tôi biết Galia từ khi nàng hãy còn niên thiếu. Nàng lớn lên thiếu mẹ, bên cạnh người cha bị mẹ nàng bỏ rơi từ lâu. Cha nàng là một người khá giả, nhưng xét về nghề nghiệp thì ông là một họa sĩ không mấy thành công, chỉ là một kẻ nghiệp dư, như người ta thường gọi, nhưng say mê đến nỗi ngoài hội họa ra, ông không quan tâm đến bất cứ một thứ nào khác, suốt đời chỉ làm mỗi một công việc duy nhất là đứng trước giá vẽ và chất đầy trong nhà những bức tranh mới có cũ có – ông có một điền trang ở Ostrada – ông mua tất cả những bức tranh ông thích và ở khắp những nơi có thể mua được. Đó là một người đàn ông rất điển trai, béo tốt và cao lớn, với bộ râu tuyệt đẹp màu đồng thau, nửa lai Ukraina, nửa lai Ba Lan, có dáng điệu một ông chủ lớn, kiêu hãnh và lịch thiệp tao nhã, tuy bên trong là một con người rất kín đáo, nhưng bề ngoài cố tỏ ra là một người cởi mở, nhất là với bọn trẻ chúng tôi. Có một dạo, trong khoảng hai năm liền, tất cả chúng tôi, những họa sĩ trẻ Odessa, đã thường kéo đàn kéo lũ đến nhà ông và lúc nào cũng được ông đón tiếp niềm nở. Và mặc dù có sự cách biệt lớn về tuổi tác, ông thường đối xử với chúng tôi bằng vai phải lứa như bè bạn, lúc nào cũng thao thao bất tuyệt về hội họa, mà thết đãi thì không chê vào đâu được. Hồi ấy, Galia mới mười ba mười bốn tuổi, và chúng tôi thán phục nàng, nhưng dĩ nhiên, chỉ là thán phục một cô bé con: với khuôn mặt nhỏ nhắn và những búp tóc vàng sẫm buông dọc theo hai má, nàng dễ thương, dữ dội, uyển chuyển và duyên dáng một cách hiếm thấy. Nhưng nàng làm duyên làm dáng dễ sợ, đến nỗi có lần, khi nàng vô cớ chạy vào xưởng vẽ, thì thầm vào tai ông bố một câu gì đó rồi lao vụt ra ngoài, cha nàng đã phải kêu lên với chúng tôi:
– Ôi, ôi, thật không biết là tôi đang nuôi giữ trong nhà một đứa con gái như thế nào nữa! Tôi lấy làm lo sợ cho nó quá!
Về sau, do tính thô bỉ của tuổi trẻ, không hẹn với nhau mà chúng tôi đều nhất loạt thôi không đến nhà ông nữa. Có một điều gì đấy khiến cho chúng tôi thấy chán Ostrada – có lẽ đó là những câu chuyện triền miên về nghệ thật và việc rốt cuộc ông lại khám phá thêm một bí quyết tuyệt diệu nữa về cách vẽ thế nào cho đúng. Cũng vào thời kì ấy, tôi đã sống hai mùa xuân ở Paris, tự cho mình là một Maupassant thứ hai trong lĩnh vực tình ái, và khi về Moskva thì ăn mặc đỏm dáng đến mức dung tục nhất: mũ trụ, áo bànhtô bằng vải hoa lấm chấm dài thượt đến đầu gối, găng tay màu kem, ủng ngắn cổ cài khuy bấm, một chiếc can lạ mắt, thêm vào đó là một bộ ria lượn sóng, cũng theo kiểu Maupassant, cùng với lối đối xử khốn nạn với phụ nữ bởi không có lấy một mảy may trách nhiệm. Và thế rồi có lần, vào một ngày tháng tư kì diệu, khi tôi đang từ phố Deribasovskaya rẽ qua Preobrazienskaya, khi tới góc phố, gần tiệm cà phê Lipman, thì bỗng gặp Galia đang đi tới. Anh có nhớ ngôi nhà năm tầng hình thước thợ, nơi có cái tiệm cà phê ấy không? Nó ở cái góc giữa phố Preobrazienskaya và quảng trường Soborskaya, vẫn nổi tiếng vì đến mùa xuân, trong những ngày nắng ấm, không hiểu sao thường có những đàn sáo đá tụ tập trên gờ mái nhà và véo von hót. Vui vẻ và đáng yêu biết chừng nào! Và thế rồi, anh thử hình dung xem, khắp phố phường đầy tràn những người ăn mặc lộng lẫy, vô tư và niềm nở, những con sáo đá ríu ra ríu rít liên hồi, hệt như một trận mưa ánh nắng nào đó. Và Galia. Nàng không còn là một đứa trẻ, không còn là một thiên thần bé bỏng, trong bộ trang phục mùa xuân màu xám nhạt mới tinh, nàng đã là một thiếu nữ mảnh mai xinh đẹp đến mức khiến cho người ta kinh ngạc. Khuôn mặt của nàng dưới chiếc mũ xám bị chiếc mạng màu tro che kín nửa chừng, đằng sau tấm mạng ấy, đôi mắt màu ngọc xanh nước biển của nàng ngời lên lấp lánh. Chà, dĩ nhiên là có đủ thứ reo mừng, hỏi han, trách móc: Sao tất cả các anh đều quên cha em, sao lâu lắm rồi anh không đến chơi nhà? Ái chà chà, tôi bảo, lâu đến nỗi cô đã thành người lớn. Lập tức, tôi mua của cô bé rách rưới một bó hoa tím để tặng nàng. Nàng lập tức mỉm cười cảm ơn và áp bó hoa vào má mình, hệt như những người đàn bà khác. – Cô có muốn ngồi nghỉ chân, cô có muốn uống sôcôla không? – Rất vui lòng. – Nàng nâng chiếc mạng lên để uống sôcôla, vui vẻ ngó nghiêng và liên mồm hỏi thăm về Paris, còn tôi thì mải mê ngắm nàng. – Cha em làm việc từ sáng tới chiều, còn anh thì thế nào, có vẽ nhiều không, hay chỉ mải mê với các cô nàng Paris thôi? – Không, tôi không còn say mê họ nữa, tôi cũng vẽ được mấy bức khá đạt. Cô có muốn rẽ vào thăm xưởng vẽ của tôi không? Ai chứ cô thì có thể vào được, vì cô là con gái của một ông họa sĩ, và chỗ tôi ở cũng chỉ cách đây một vài bước chân. – Nàng vô cùng mừng rỡ: – Tất nhiên là được chứ! Và hơn nữa, trừ xưởng vẽ của cha, chưa bao giờ em được vào studio của ai cả. – Nàng buông mạng, cầm ô, tôi dắt tay nàng cùng đi, nàng bị vấp vào chân tôi và bật cười. – Galia này – tôi nói, – tôi có thể gọi cô đơn giản là Galia được không? – Nàng đáp vội và nghiêm trang nói: – Anh thì có thể gọi như thế. – Galia, điều gì đã xảy ra với cô vậy? – Sao cơ? – Trước đây, bao giờ cô cũng xinh đẹp, nhưng bây giờ thì đơn giản là xinh đẹp đến kinh ngạc! – Nàng vấp phải chân tôi một lần nữa và nói với giọng nửa đùa nửa thật: – Thế này thì đã ăn thua gì! Anh vẫn nhớ cái cầu thang hẹp và tối dẫn lên cái chòi ở ngoài sân của tôi đấy chứ? – Tới chỗ đó nàng lặng hẳn đi, sột soạt chiếc váy lót bằng lụa và cứ ngoái đầu nhìn lại. Thậm chí, nàng bước vào phòng vẽ của tôi với một vẻ thành kính nào đó và cứ xuýt xoa: ở chỗ anh hay quá… bí ẩn quá… cái đivăng này to thế!… Anh vẽ được bao nhiêu là tranh, mà hết thảy đều về Paris… Rồi nàng đến trước từng bức tranh, khoan thai ngắm nghía chúng với một vẻ khâm phục kín đáo, thậm chí còn chú ý đến mức quá đáng. Ngắm chán chê xong, nàng thở dài: – Phải, anh vẽ được bao nhiêu là tác phẩm tuyệt vời! – Cô có muốn dùng một ly Port Wine với bánh bíchquy không? – Em cũng không biết nữa… – Tôi cầm chiếc ô của nàng ném lên đivăng, nâng bàn tay xỏ trong chiếc găng làm bằng da cừu non và nói: – Cho anh hôn nhé? – Nhưng em đang đi găng cơ mà… – Tôi tháo chiếc găng, đặt nụ hôn lên chỗ gần cổ tay nhỏ nhắn của nàng. Nàng buông mạng, thản nhiên nhìn bằng cặp mắt màu ngọc xanh nước biển và nói khẽ: – Thôi, đến lúc em phải về rồi. – Chưa đâu, tôi nói, trước hết phải ngồi với nhau một lúc đã chứ, tôi đã kịp ngắm cô một cách kĩ càng đâu. – Tôi ngồi xuống, bế nàng và đặt lên đầu gối của mình. Anh cũng biết cái sức nặng mê ly ấy của đàn bà, thậm chí cả những người nhẹ cân nhất? Nàng hỏi, giọng bí ẩn: – Anh có thích em không? – Tôi ngắm trọn cả người nàng, ngắm cả những bông hoa tím nàng cài trên túi chiếc gilê mới và thậm chí bật lên cười vì cảm động: – Thế còn cô – tôi nói –, cô có thích những bông hoa tím này không? – Em không hiểu ý anh. – Ở đây có cái gì mà không hiểu cơ chứ? Toàn bộ con người cô hệt như bông hoa tím này. – Nàng cúi đầu cười: – Ở trường trung học của bọn em, người ta gọi cách so sánh các cô gái với hoa là lối ví von của giới thư lại đấy. – Thì cứ cho là như vậy đi, nhưng bằng cách khác thì biết nói thế nào được? – Em cũng chẳng biết nữa… – Và nàng khẽ đung đưa đôi chân đỏm dáng của mình, làn môi thơ trẻ hé mở lấp lánh… Tôi vén chiếc mạng, nghiêng đầu hôn nàng, nàng hơi né người ra một chút. Tôi tiến thêm một bước, lần tay theo lớp tất lụa xanh nhạt, đến những cái móc, tận đoạn chun nịt tất, tháo nó ra và hôn lên phần da thịt hồng hồng ở phía trên đùi, rồi lại hôn vào cái miệng nhỏ hé mở, nàng cắn vào môi tôi rất khẽ…
Người thủy thủ lắc đầu cười:
– Vieux satyre.
– Đừng có nói vớ vẩn – ông họa sĩ đáp. – Nhớ lại chuyện này lòng tôi đau đớn lắm.
– Thôi được rồi, anh kể tiếp đi.
– Tiếp đó, một năm ròng tôi không gặp lại nàng. Một lần, cũng vào mùa xuân, rốt cuộc, tôi đến Ostrada và được ông Ganski đón tiếp với một nỗi vui mừng và cảm động làm tôi đỏ bừng cả mặt vì xấu hổ, vì chúng tôi đã bỏ rơi ông ấy một cách hèn hạ. Ông già đi rất nhiều, chòm râu đã óng bạc, nhưng những câu chuyện về hội họa thì vẫn sôi nổi như cũ. Ông kiêu hãnh khoe với tôi những sáng tác mới của mình – những con thiên nga khổng lồ màu vàng sải cánh trên những cồn cát màu nước biển – tội nghiệp, ông đã cố gắng để theo kịp thời đại. Tôi nói dối vong mạng: – Tuyệt lắm, tuyệt vô cùng, bác đã vượt lên trước được một khoảng cách rất lớn. – Ông cố kiềm chế nhưng mặt cứ sáng bừng lên, hệt như một đứa trẻ. – Chà, rất vui, tôi rất vui mừng, còn bây giờ thì ta đi ăn trưa nào! – Thế con gái bác đâu? – Nó đi ra phố rồi anh ạ. Anh không nhận được ra nó đâu. Không còn là một cô bé nữa, mà đã là một cô gái hẳn hoi rồi, nhưng cái chính là nó đã trở thành một người khác hẳn, hoàn toàn khác, giống như cây dương kia kìa! – Rủi quá, tôi nghĩ bụng, mình đến thăm ông lão cốt chỉ để gặp nàng, vậy mà nàng lại đi ra phố, cứ như là cố tình vậy! Ăn trưa xong, hôn vào chòm râu thơm tho và mềm mại của ông chủ, hứa là tuần sau lại đến thăm ông, tôi từ biệt ra về, đến giữa đường thì chợt gặp nàng. Nàng mừng rỡ dừng lại: – Anh đấy ư? Số phận nào run rủi? Anh vừa ở chỗ cha em về hay sao? Trời, em mừng quá đi mất! – Còn tôi thì lại còn mừng hơn. Tôi nói: – Cha cô bảo rằng bây giờ không thể nhận ra cô nữa, cô không còn là một cây phong non, mà đã là một cây phong thực thụ, và cụ nói chẳng sai tí nào! – Đúng thật: nàng dường như không còn là một tiểu thư, mà đã là một phụ nữ trẻ. Vừa mỉm cười nàng vừa xoay tròn chiếc ô để mở trên vai. Chiếc ô màu trắng, viền đăng ten, váy đầm và chiếc mũ rộng cũng viền đăng ten và cũng màu trắng, mái tóc nàng hung hung một gam màu lộng lẫy nhất lấp ló dưới vành mũ, trong đôi mắt thì không còn ánh ngây thơ ngày trước, riêng khuôn mặt thì có vẻ như hơi dài ra… – Vâng, thậm chí em còn cao hơn anh một chút nữa đấy. – Tôi chỉ còn biết lắc đầu đồng tình: – Đúng là như vậy thật… Ta cùng ra biển chơi đi, tôi nói. – Vâng, ta cùng đi nhé. – Hai chúng tôi cùng nhau đi tắt qua những khu vườn. Tôi thấy rằng nàng cũng cảm nhận được, mặc dù huyên thuyên không ngớt suốt dọc đường, nhưng tôi vẫn không tài nào rời mắt khỏi khuôn mặt của nàng. Nàng đi, đung đưa đôi vai cân đối, chiếc ô được gấp lại, tay trái nàng khẽ nâng chiếc váy viền đăng ten. Ra đến bờ vực: gió mát lồng lộng thổi. Những mảnh vườn vừa mọc lá xôn xao dưới ánh mặt trời, còn biển thì vẫn giống hệt như ở phương Bắc, buốt giá và xa tít tắp ở phía dưới. Chúng tôi đứng im lặng nhìn mặt biển và dường như cùng chờ đợi một điều gì đó. Nàng có lẽ cũng đang nghĩ như tôi – về chuyện năm ngoái nàng đã ngồi trên đầu gối tôi lâu như thế nào. Tôi ôm lấy eo nàng và kéo mạnh cả người nàng về phía mình, đến nỗi nàng uốn cong người lại. Tôi cố tìm đôi môi của nàng – nàng cố giẫy ra, lắc đầu, tránh né rồi bỗng đột ngột nhượng bộ, cho tôi hôn lên chúng. Và tất cả những cái đó diễn ra trong im lặng – cả tôi và nàng đều không thốt ra một lời nào. Rồi nàng vội giẫy ra, vừa sửa lại mũ áo, vừa nói một cách đơn giản và khẳng định:
– Ái chà chà, anh đểu thật. Đểu không chịu được.
Rồi nàng quay gót, nhanh nhẹn rảo bước trên lối đi nhỏ, không hề ngoái lại.
– Thế cái lần trong xưởng vẽ ấy, giữa anh và nàng có chuyện gì không?
– Quá giới hạn thì không. Hôn nhau thì nhiều kinh khủng, và cả những điều khác nữa, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy thương nàng: mặt nàng đỏ rực như lửa, tóc tai tơi tả rối tung, và tôi nhận thấy nàng hoàn toàn mất tự chủ theo lối trẻ con – vừa khiếp sợ, lại vừa khao khát cái điều kinh hoàng ấy. Tôi phải giả vờ phật ý: ừ thì thôi, cô không muốn thì thôi vậy… Tôi âu yếm hôn tay nàng, rồi dần dần nàng bình tĩnh lại…
– Vậy anh làm thế nào mà suốt một năm trời sau dó không đến tìm nàng một lần nào nữa?
– Chỉ có quỷ mới hiểu được là bằng cách nào. Tôi sợ là đến lần thứ hai thì không còn có thể thương xót nàng được nữa.
– Vậy thì anh cũng chỉ là một anh chàng Maupassant loại xoàng mà thôi.
– Cũng có thể. Nhưng khoan đã, để tôi kể hết cho anh nghe. Tôi lại không gặp nàng khoảng độ nửa năm nữa. Mùa hè đã hết, mọi người từ các nhà nghỉ ở ngoại ô lục tục trở về – bằng vào sự yên tĩnh của những ngày nóng bức đơn điệu, bằng sự sáng sủa của không khí, bằng vẻ đẹp của sắc xanh phẳng lặng trên biển và màu vàng khô héo của những đồng ngô, mùa thu huy hoàng đó quả là một điều gì đấy rất đỗi thánh thiện. Tôi cũng từ nhà nghỉ trở về, có lần đi ngang tiệm Lipman – và anh có tưởng tượng nổi không, tôi lại gặp nàng đang đi tới. Nàng bước lại gặp tôi như không hề có chuyện gì xảy ra và cất tiếng cười giòn giã, cái miệng cong lên thật đáng yêu: “Lại gặp nhau ở Lipman, chỗ này cứ như là một địa điểm định mệnh ấy nhỉ!” – Nguyên cớ gì mà cô vui vẻ như vậy? Gặp cô tôi mừng kinh khủng, nhưng điều gì đã xảy ra với cô thế? – Em cũng chẳng biết nữa. Ở biển về, em cứ thích chạy nhông khắp phố, đến nỗi không hề thấy chân mình đang chạy nữa. Em rám nắng và cao hẳn lên, có đúng không?
Hoài niệm về Galia Ganskaya
Tôi nhìn nàng – quả đúng như thế, và cái chính là nàng vui vẻ làm sao và thoải mái làm sao trong câu chuyện, trong giọng cười, trong cách xưng hô và ứng xử, như thể vừa mới đi lấy chồng vậy.
– Anh còn rượu Port Wine và bánh bích quy nữa không?
– Còn.
– Em lại muốn đến xem xưởng vẽ của anh. Có được không?
– Thế thì đi. Và nhanh lên, nhanh lên!
Lên đến cầu thang, tôi ôm lấy nàng, nàng lại giẫy ra, lại lúc lắc đầu, nhưng chỉ chống cự cho có lệ. Tôi dẫn nàng vào xưởng vẽ, hôn vào khuôn mặt ngửa ra phía sau của nàng. Nàng thì thào với vẻ bí hiểm:
– Anh hãy nghe em, thế này thì thật là điên quá… Em bị điên mất rồi…
Thế nhưng nàng lại tự mình giật chiếc mũ rơm ném lên ghế bành. Mái tóc màu hung của nàng búi cao lên đỉnh đầu và cài bằng chiếc lược đồi mồi, làn tóc mai loăn xoăn trên trán, đôi mắt lấp lánh vui tươi… Tôi hối hả cởi bỏ quần áo của nàng, và nàng cũng vội vàng trợ giúp tôi. Chỉ trong nháy mắt tôi đã lột được chiếc áo sơ mi lụa trắng của nàng, và anh biết không, tôi choáng váng và tối tăm mặt mũi trước vẻ trắng hồng rám nắng của thân thể nàng trên đôi vai lấp lánh, trước làn da trắng như sữa nơi vồng ngực có đôi núm thắm đỏ được nâng cao bởi chiếc coocxê, và trước cảnh nàng lần lượt rút từng chiếc chân cân đối đi tất màu kem dệt hoa văn và đi giày vàng óng ra khỏi chiếc quần lót xa tanh rộng, có đường xẻ ở phía sau mà phụ nữ vẫn mặc vào thời kì ấy. Khi tôi như con thú dữ xô nàng ngã xuống chiếc gối ở đivăng, đôi mắt nàng đen thẫm lại và dường như mở to hơn, đôi môi nóng hổi hé ra – cho đến tận bây giờ tôi vẫn thấy trước mắt mình tất cả những điều đó – nàng nồng nàn đến vô chừng… Nhưng thôi, chúng ta sẽ không nhắc đến chuyện đó nữa. Và thế rồi điều ấy đã xảy ra, vào khoảng hai tuần sau, còn trước đó thì hầu như ngày nào nàng cũng đến thăm tôi ở xưởng vẽ. Có lần, vào buổi sáng, nàng bỗng đột ngột chạy đến chỗ tôi, vừa đến ngưỡng cửa đã lên tiếng:
– Thấy họ bảo anh sắp đi Italia phải không?
– Phải. Thế thì sao cơ?
– Sao anh không bảo em gì cả?
– Chúa tha tội cho em. Anh đang định đến đằng nhà chơi, nhân tiện nói với em luôn thể.
– Nói trước mặt cha em ư? Sao lại không nói riêng với em? Không, anh sẽ không đi đâu hết!
Tôi liền nổi nóng một cách ngu xuẩn:
– Không, tôi sẽ đi.
– Không được, anh sẽ không đi đâu cả!
– Tôi nói với cô là tôi sẽ đi đấy.
– Đó là quyết định cuối cùng của anh phải không?
– Quyết định cuối cùng đấy. Nhưng em phải hiểu là anh chỉ đi độ một tháng, nhiều lắm thì tháng rưỡi là cùng. Và nói chung thì Galia này, hãy nghe anh nói đã…
– Tôi không phải là Galia của anh… Bây giờ thì tôi đã hiểu anh rồi – hiểu tất cả, tất cả! Và cho dù ngay bây giờ anh có thề là sẽ không đi đâu và vĩnh viễn sẽ không đi đâu cả thì tôi cũng mặc kệ. Vấn đề đã không còn ở chỗ đó nữa!
Nàng mở toang cánh cửa, thẳng tay đóng sập nó lại và sầm sầm nện gót chạy xuống cầu thang. Tôi định đuổi theo nhưng rồi kìm lại: cứ để cho nàng trấn tĩnh, tối nay tôi sẽ đến Ostrada và nói để nàng đừng phiền lòng vì tôi sẽ không đi Italia nữa, và chúng tôi lại làm lành với nhau như cũ. Nhưng đến năm giờ, họa sĩ Sihani bỗng rẽ vào nhà tôi với đôi mắt điên dại:
– Này, anh đã biết gì chưa: – Con gái ông Ganski vừa uống thuốc độc tự tử! Chết tươi! Bằng một chất gì đó, có quỷ mà biết được, hiếm và mạnh lắm, cô ấy lấy trộm của cha, ông già ngu ngốc ấy vẫn thường khoe với chúng mình cả tủ thuốc độc, làm như ông ấy là Leonard Da Vinci không bằng. Cái bọn đàn ông đàn bà Ba Lan ấy là một lũ điên! Chuyện gì bỗng dưng xảy ra với cô ta như thế – không tài nào biết được nữa!
– Tôi định dùng súng tự tử, – ông họa sĩ lặng lẽ nhồi thuốc vào tẩu và nói khẽ, – suýt nữa thì tôi phát điên…
Tác giả: Ivan Bunin (1870-1953)