RadioVn.Com – Chợ Chộc Hin nằm ngay trung tâm vùng giáp ranh hai tỉnh biên giới. Cái tên Chộc Hin cũng từ cái dáng hình khối núi đá. Người già nói, ấy là cái cối đá, ông Tài Ngào đang đục dở thì nghe tin cha lâm bệnh, đành tạm bỏ lại về thăm, rồi không trở về nữa… Cái cối đá khổng lồ bốn bề quây bằng đá như một bức tường thành, phía trong có một khoảnh đất, có con suối trong vắt từ mỏ nước ngầm phun ra, rồi lại chảy ngầm đi. Đây là thế giới riêng của các loài động vật chuyên ăn quả như loài khỉ, cầy quả, sóc bay… nơi đó người ta gọi là Thẳm Lình.
Là nói như vậy nhưng chưa ai trèo được vào phía trong do địa hình rất hiểm trở. Người già kể lại, vào thời loạn lạc ở phương Bắc, tướng Trung Á Dệt, Lục Á Sung đem tàn quân qua đây, đã lấy đây làm nơi luyện quân, tích lương thảo, tính kế lâu dài. Họ đã khai khẩn vùng đất này thành một vùng trù phú đủ lương thực nuôi quân, đồng thời chiêu thợ khai thác các mỏ vàng trong vùng. Trung Á Dệt đã xây một toà tháp bằng gỗ đồ sộ to, cao ngang mặt thành đá để đưa vào đó những của cải quí cướp bóc và khai thác được. Nhưng rồi lại bị thế lực khác đánh bại, trong cơn nguy kịch, phải bỏ của chạy lấy người, họ đã đốt cháy toà tháp bằng gỗ, triệt đường ra vào khu thành đá, bỏ lại đội quân coi kho trong đó chết dần vì đói khát. Sau đó người dân quanh vùng chứng kiến đàn quạ đông hàng trăm hàng ngàn con, đậu kín trên các mỏm đá hàng tháng trời. Từ đấy về sau, Chộc Hin thành điểm hẹn của những kẻ tham của, liều mạng đã tìm cách trèo vào đó để tìm kho báu. Lâu lâu lại thấy đàn quạ bu lại, ấy là lại có kẻ nào đó bỏ mạng phơi xác trên các hẻm đá.
Đắng Lình – Nông Văn Kim
Chợ Chộc Hin nằm ngay ngã ba con sông, mấy ngả đường mòn dẫn đến các vùng của nhiều tộc người, người Kinh, người Khách bám ngã ba sông, người Thổ, người Nùng ở các thung lũng, người Mán các cùm lưng chừng núi, xa hơn nữa khoảng một ngày đường, tít trên núi cao quanh năm mù sương là người Mèo. Là chợ châu lỵ nên đủ các hạng người từ kẻ ăn mày đến quan quân, chức dịch hàng tổng hàng xã… Chợ mua bán đủ các thứ thượng vàng hạ cám từ vải vóc quần áo, hàng ăn đến mớ cỏ cho hội lái trâu. Choang… choang… choang là hàng rèn ngay cuối chợ, eng éc là hàng lợn, người ta mua bán từ những con nhỏ bằng bắp chân đến “con khiêng hai”. Một ngày kia người ta thấy xuất hiện một ông già bán một thứ hàng trước kia chỉ có đưa ở bên Tàu về, thứ hàng đó đen đen, nâu nâu dạng bột ướt, đựng trong một cái hộp có nắp được tiện rất cẩn thận bằng gốc cây mai. Ông già người nhỏ thó nhưng gân guốc, có đôi bàn tay với những ngón dài, khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt sáng, nhìn thẳng, ông có cái tính nhẫn nại, nói chậm rãi nhỏ nhẹ khi tiếp chuyện với mọi người. Ông tên là Căng, (theo tiếng Thổ là tên loài vượn cùng họ với loài khỉ) cha mẹ đặt tên như vậy có lẽ bởi biệt tài leo trèo có từ hồi còn trẻ, ông chuyên trèo hái trám đen, bắt chim yểng non trên ngọn đa, tắc kè trên núi đá, lâu dần thành một nghề.
Ông ngồi trên một mô đất bằng, nửa đất nửa đá nhỉnh hơn cái mâm ăn cơm, thế cũng đủ vì ông chỉ có một mặt hàng duy nhất đựng trong cái hộp… Khách mua phần lớn là các bà, các chị, họ mua với số luợng không nhiều, vài ba hào một thang trị giá bằng ba bốn, ống gạo. Hàng được sắn bằng một chiếc thìa bằng gỗ, rồi gói vào trong tờ giấy toọng mò (giấy bản). Đó là đắng lình (huyết lình). Nó là vị thuốc quí nhưng cực kỳ hiếm, nó là máu hành kinh, là nhau thai của khỉ cái khi chúng đẻ. Loài khỉ khôn ngoan thường chọn nơi sạch sẽ, kín đáo để làm vệ sinh và đẻ con. Phải là nơi có đàn khỉ rất đông, hàng mấy trăm con, mới có lượng huyết lình có thể thu gom được. Sự hiện diện của ông cùng vị thuốc đắng lình ở chợ Chộc Hin là một sự kiện gây xôn xao dư luận, nhất là những kẻ lâu nay quan tâm đến Thẳm Lình.
Thiên hạ kháo nhau, có phải đắng lình thật không? Rồi họ đánh cuộc với nhau bằng cả chum rượu, thật hay giả? Cho đến một hôm, có ông lang người Khách đến xem, xoa xoa trong lòng bàn tay, đưa lên mũi ngửi rồi nếm. Ông ta đặt bát rượu cộc xuống bàn rồi phán: Đây đích thị là đắng lình, nó còn tốt hơn cả của mấy vị bán thuốc người Khách lấy từ bên Tàu về. Vậy là ông Căng đã vào được Thẳm Lình; sự kiện này đã như một bẳng nước lạnh dội tắt khát vọng về kho của vốn như một đám lửa vẫn âm ỷ cháy từ bao đời nay, họ lý sự: “Chẳng có kho của nào cả, nếu có ông Căng tội gì phải bán đắng lình”. Cũng từ đấy thiên hạ không được chứng kiến cảnh đàn quạ đậu kín trên thành đá Chộc Hin nữa. Mọi sự tập trung lại chĩa về phía lão Căng, lão lên Thẳm Lình bằng con đường nào, trong đó chắc có nhiều điều lạ lắm, nhưng việc này cũng khó như trèo lên Thẳm Lình vì ông Căng rất kín chuyện, ông không thuốc lào, không uống rượu, không tham ăn nên mọi cám dỗ nơi chợ búa không lay chuyển được ông… Bọn người hiếu kỳ đành lắc đầu bó tay.
Sự hiệu nghiệm của vị thuốc đắng lình đã trở thành giai thoại của mọi người. Với vết thương hở toác, chỉ cần rắc ít bột đắng lình là cầm máu, qua một đêm là vết thương khép miệng. Đặc biệt nhất là chữa bệnh cam. Cam không chừa ai, kể cả những đứa trẻ con nhà giàu, ăn uống không điều độ càng dễ bị. Bởi thế khách hàng của ông mới có đủ loại, từ con của kẻ cầu bất cầu bơ không có hòn đất ném quạ đến con của kẻ có của ăn của để, các chức sắc có máu mặt trong vùng, chánh tổng, lý trưởng đến trưởng thôn, thủ bạ, khán hộ bên người Thổ, thống lý bên người Mèo, bang tá bên người Khách, quản chiểu, động trưởng bên người Mán không ai không dưới một lần có con hoặc cháu dùng thuốc của ông. Bởi thế mới có câu chuyện ngày chợ phiên tháng hai năm Nhâm Ngọ.
Cậu cơ mặt rỗ bị cai cơ đánh ngã trứơc bàn dân thiên hạ. Số là cậu cơ mặt rỗ mới được chuyển đến, đúng vào ngày chợ, mùa hoa đào, cây đào cổ thụ ngay chỗ ông ngồi đang thì trổ hoa rất đẹp, cậu quát ông già tránh ra; đang lúc ông ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện, cậu cơ liền đạp vào ông già, cầm ỗng thuốc ném xuống đất. Cả chợ bu lại, hàng trăm cặp mắt nhìn cảnh tượng ấy vừa sợ hãi vừa bất bình. Bỗng một người từ đâu sấn đến, giáng cho cậu một cú đấm như trời giáng, khiến cậu ngã quay lơ. Hăng tiết, cậu ta chồm dậy mặt đầy sát khí, nhưng bỗng khựng lại quì mọp xuống vái lấy, vái để. Mọi người nhìn lại, hoá ra đó là thày cai. Phấn khích, thày đứng lên mô đá chém tay vào không khí “Mọi người nghe đây, ông Căng là ân nhân của mọi nhà ở đất Chộc Hin này. Từ nay, hễ kẻ nào động đến ông lão, hãy lấy đó làm gương”.
Chợ đang đông, một đồn mười, rồi mười đồn thành trăm, chẳng mấy ngày câu chuyện loang ra đến bốn năm chợ ngoại vùng, có chợ xa đến hai ngày đường. Từ đấy, cái ô nửa đất nửa đá mới nhỉnh hơn cái mâm lão ngồi ở Chộc Hin không kẻ nào dám động đến, kể cả thời náo loạn nhất. Thời Chộc Hin chứng kiến mọi sắc cờ, mọc lên và thay đổi như nấm gặp mưa, nào là cờ tam tài, cờ mặt trời mọc, Tàu Tưởng, Lâm Thao, phỉ Châu Súi Dìn. Cách mạng thành công, Pháp nhảy dù chiếm Việt Bắc, thổ phỉ hoành hành; Pháp chạy, phỉ tan… Dân làng vào đổi công, rồi hợp tác bản, hợp tác toàn thôn, rồi toàn xã, các ngành nghề từ anh cắt tóc, quán nấu ăn, mấy anh mổ lợn… đều phải vào HTX. Riêng ngành của ông chỉ có một mình nên chẳng hợp tác được với ai. Góc ngồi của ông Căng vẫn vậy. Khách không hề giảm đi mà còn tăng lên. Đã có tiếng sì sầm, hàng của ông đã xuống tận Hà Nội, vùng xuôi gần biển … Vì ở đó có những đứa trẻ con của các vị nhà giàu, lắm tiền nhưng bị suy dinh dưỡng.
Ông Căng được hơn sáu mươi tuổi thì ông bàn giao cho con là Báng lúc đó đã vào tuổi hơn bốn mươi, ông Báng ngồi vào chỗ thân thuộc của pa, hai người hao hao giống nhau nên nhiều người vẫn lẫn lộn khi gọi tên cha, khi gọi tên con, ông chỉ cười hiền. Từ đấy mọi sự soi mói lại hướng cả về người kế thừa, những người hiếu kì tìm mọi cách moi cái bí mật về Thẳm Lình. Nhưng, như người cha, ông Báng lại làm họ thất vọng.
*
Tôi với ông Báng là chỗ họ hàng xa, nếu tính theo thứ tự tôi gọi ông bằng cậu, con út của ông có những năm học với tôi nên ông hay gọi tôi là anh giáo. Ông rất quí tôi, một buổi chiều thằng con trai út của ông đang học trường Cao đẳng Sư phạm tìm đến tôi:
– Thưa thày, Pa em nhắn thày lên gặp! Tôi chột dạ:
– Thế có việc gì, Pa có khoẻ không?
– Pa em vẫn khoẻ, Pa bảo nhớ thầy quá mà…!
Tôi đã có một đêm thức trắng với ông, câu chuyện về Thẳm Lình đã được hé mở sau bao năm nằm kín trong bóng tối.
… Pa tôi phát hiện ra con đường lên Thẳm Lình như có một sự sắp đặt nào đó của số phận. Hồi đó lời đồn về kho vàng vẫn như đang ngọn lửa lúc cháy âm ỷ, lúc lại bùng lên. Một hôm đi trèo trám đen ở khu thành đá bỗng nghe tiếng rên như tiếng khóc của trẻ con. Để ý lắng nghe, tiếng rên phát ra từ trên ngọn cây, bèn trèo lên xem sự lạ này. Lên đến nơi, hoá ra là con khỉ con bị buộc bằng những vòng quấn của dây rừng vào cành cây. Đoán ra ngay đó là con khỉ mẹ bị thương nặng đã buộc con trên đó trước khi buông tay rơi xuống. Bế con khỉ trèo xuống, vạch lá tìm quanh gốc cây, thấy con khỉ mẹ đã bị chết cứng từ khi nào. Ông hiểu, một kẻ bất lương nào đó đã bắn con khỉ mẹ khi đó đang cõng con.
Một năm trời khỉ con lớn lên trong tay ông, ba tháng theo ông trèo trám, sáu tháng theo ông đi bắt yểng non, bắt tắc kè trong hõm đá… Thế rồi một ngày kia, tự nhiên nó biến mất. Ông bần thần vào ra như mất một người bạn. Đúng ba hôm sau, khi ông đi rừng vừa về đến nhà thì chợt nghe tiếng “xoà, xoà, xoà”. Định thần nhìn kỹ, đó là cả một đàn khỉ hàng chục con đang rời khỏi nhà ông trèo cây lên núi, ông vào nhà, con khỉ vẫn ngồi đó nhìn ông, cất tiếng “khẹch, khẹch khẹch” ông bế nó lên, cảm thấy nó béo ra, mũm mĩm hơn mọi khi, nhìn kỹ, dưới lớp lông tơ nơi ngực nó, cặp vú nhú lên, núm vũ đỏ mọng, ông chợt hiểu, “mày lớn rồi, đã đến ngày tìm bạn đời, thôi mày cứ đi đi, tao không ích kỷ giữ mày lại đâu, dù rất buồn”. Ông mở hòm gỗ lấy ra một ống lạc khô, cho vào túi nải treo vào cổ nó. “Thôi mày đi theo bạn đi, nhớ về thăm tao nhé”. Nó lại nhìn ông “khẹch, khẹch” rồi trèo lên xà nhà qua đầu hồi nhảy lên cành cây dâu da, không xa nổi lên tiếng “úi úi” của bọn khỉ.
Bẵng đi hơn mười hôm nó lại trở về, lần này nó tỏ ra lưu luyến khác thường. Nó cầm tay ông như trẻ con, kéo tay về phía núi. Ông nghĩ hay là nó muốn chỉ cho ông cái gì, ông liền đi theo nó. Con khỉ nhanh nhẹn đến gốc cây Bàm Bàm từ từ leo lên, vừa đi vừa ngoái nhìn ông như chờ đợi. Ông nhìn cây Bàm Bàm, nó như một cái thang vút lên cao, chui vào một hõm đá nhô ra như mái nhà, ông nghĩ, tài mấy cũng không thể vượt qua chỗ đó được. Bỗng thân cây lay động như đánh đu, con khỉ biến mất, ông đang chăm chú ngó nhìn lên thì nó lại xuất hiện, nó kêu lên “ui..ui” rồi đu dây nhảy vào vách đá thẳng đứng như biến vào đó. Ông chợt hiểu “có một cửa hang thông vào”. Không mấy khó khăn, ông trèo lên đó. Quả thật một hốc sâu hiện ra vừa một người lom khom bước vào… Ông đu dây, lấy đà nhảy vào…Từ ngày đó, ông trở thành chủ nhân duy nhất của Thẳm Lình.
Tôi ba tuổi đã biết trèo qua cạm cửa với bốn thanh chắn, tám tuổi đã trèo qua khe hổng trên cánh cửa ra ngoài. Cái tên Báng (Báng theo tiếng Tày là tên gọi loài sóc bay – Báng Mèo) không phải là tên cha sinh mẹ đẻ mà do thiên hạ gọi mãi thành quen. Đúng mười tám tuổi, nghĩa là sau bốn năm trèo trám; Pa đưa cho tôi những dụng cụ để leo trèo, đó là năm mươi sải dây bằng thau nặc (là một loại dây rừng) được chia làm ba đoạn. Thau nặc dóc lấy vỏ, đem ngâm nước bảy ngày, đập dập rửa bỏ phần thịt chỉ giữ phần sơ, phơi khô, bện thành sợi to bằng ngón tay cái, nó mềm hơn dây Po, dai và cứng hơn dây vải để khi quăng xa không bị rối; một cuôn dây nhỏ bằng chiếc đũa ăn. Năm cái đinh bằng lõi gỗ nghiến đẽo tựa như chiếc răng bừa để cắm vào các hốc đá, nếu gặp sự cố không trèo được đành phải dòng dây tụt xuống, nút cố định phía trên được buộc bằng nút sống rồi buộc dây nhỏ vào đầu dây to, xuống hết đoạn dây, chỉ cần giật dây nhỏ là nút bung ra, thu lại đoạn dây. Cuối cùng là một tấm vải đỏ hộ mệnh; trước khi đưa chân trèo lên bậc đá đầu tiên, khoác tấm vải chéo qua vai, chắp tay khấn thần linh thổ địa, xin phép được vào Thẳm Lình linh thiêng, để lấy thuốc trị bệnh cứu người. Lúc ấy ta bỗng trở nên một người khác, quên hết độ cao, quên hết hiểm nguy, mỗi bước chân dường như có ai đưa lối. Phải tuân thủ các nguyên tắc; thứ nhất, ba ngày trước khi trèo, không gần phụ nữ, tắm nước bồ kết, lá xả, quần áo ngâm bằng nước tro, giặt sạch bằng nước lã. không rượu, không thuốc lào để giữ mùi và tấm lòng sạch như cỏ cây, muông thú. Nguyên tắc thứ hai là chỉ đi một người, chỉ một người để khi đã vào được đó sẽ cắt đứt hoàn toàn sự liên hệ với đồng loại bên ngoài, đi một mình khi gặp trở ngại sẽ phát huy cao nhất khả năng chịu đựng của con người trước sự sống còn.
Hôm đầu tiên vào đến Thẳm Lình, ông thực sự ngỡ ngàng như vào động tiên, trong câu chuyện cổ tích… Hôm ấy đã vào khoảng non trưa, ánh mặt trời xiên chéo xuống đáy hang thành một luồng sáng, nó xuyên qua thảm hơi nước đang bốc lên, tạo nên vô vàn những chiếc cầu vồng bảy sắc. Ông ngồi xuống phiến đá, nhắm mắt với tư thế thiền… rồi từ từ mở mắt để quen dần với không gian nửa tối nửa sáng ấy. Chưa đầy ấm nước sôi, bắt đầu nghe tiếng “úi..úi..khộc…khộc” của bầy khỉ. Định thần nhìn kỹ thấy có những cái đầu lấp ló sau các hốc đá. Đầu tiên là mấy chú khỉ con, sau đó khỉ nhỡ, rồi bầy khỉ cái… Những cặp mắt nhìn rất chăm chú, rồi chúng nhìn nhau “khộc, khẹch..khộc khẹch” hình như chúng bảo nhau đấy là kẻ lạ mặt. Với động tác rất chậm rãi, ông luồn tay vào túi nải, bốc ra một nắm quả lạc, từ từ xoé bàn tay ra để chúng nhìn thấy, rồi ném xuống khoảng đất bằng trong hang ngay trước mặt mấy con khỉ con. Chúng chăm chú nhìn, sự im lặng bao trùm như chờ đợi cái gì. Bỗng có tiếng “úi… úi…úi” cất lên như một hiệu lệnh, bầy khỉ nhào ra chỗ nắm lạc vừa ném xuống, rào rào như một trận gió.
Thẳm Lình rộng và sâu, rất nhiều ngách khác nhau, Pa đặt tên hang nước, hang dơi, hang trời. Con đường thông lên ngọn núi Pa gọi là hang trời ở đoạn giữa hang trời là nơi có Đắng Lình. Chỉ có hơn hai trăm sải tay mà leo hàng nửa buổi, phải men theo bờ đá nhẵn thín bởi bước chân khỉ mà đi. Rồi con đường nhẵn đó đột ngột thu nhỏ lại, chui vào một hốc đá tối om, vào khoảng hơn hai chục bước chân nữa; Một mùi nồng nặc, tanh tưởi sộc vào mũi. Định thần lại, nhìn kỹ trong cảnh tranh tối tranh sáng trên một sàn bằng đá thoai thoải rộng chừng cái nền nhà ba gian; có những hốc nhỏ, nhẵn nhụi to bằng cái bát tống lổn nhổn máu và những mảnh thịt bùng nhùng, dùng thìa gỗ nạo vét, cho vào ống, có những nơi chỉ có máu đọng thì dùng cục bông thấm lấy, về đến nhà mới nhũng nước vắt ra.. Tất cả ủ trong ống để tự hoại rồi phơi nắng nhẹ sẽ được một thứ bột đặc sền sệt đó là đắng lình. Cứ ba tháng vào Thẳm Lình một lần, tháng ba, sáu, tháng chín và mười hai hàng năm. Có lúc khách hàng cần gấp phải vào sớm hơn nhưng sẽ không được nhiều.
Một lần đang ngồi ngắm đàn khỉ nô đùa, bỗng thấy ba bốn con dìu một con khỉ to hình như là bị thương lên hang trời, thấy lạ, ông bám theo, đến đoạn cuối hang, ông bàng hoàng trước một cảnh tượng lạ lùng, con khỉ vừa mang lên đã chết được đặt nằm ngay ngắn trên một nền phẳng bằng đá, cạnh đó có hàng chục bộ xương khỉ, có bộ còn bốc mùi thịt rữa, có bộ đã hoá thạch trắng lốp…Thì ra đây là nghĩa địa của đàn khỉ… Ông lặng đi hàng giờ trước cảnh tượng đó. Từ đấy về sau, ông không bao giờ đặt chân lên ngách hang đó nữa, lòng tự nhủ lòng không bao giờ được quấy rầy vong hồn của những con vật đã được đồng loại của chúng an táng chu đáo tại nơi thâm sơn cùng cốc thâm nghiêm này.
Lâu dần Thẳm Lình trở nên chốn thân quen của ông, ông bắt đầu cảm thấy nhớ hang và đàn khỉ. Có lần ông đã lang thang trong đó hàng ngày trời. Sự bình yên ở Chộc Hin giành cho ông được hơn hai mươi năm. Một ngày chợ năm trước, thằng Cắm Vày bỗng từ đâu lù lù xuất hiện, ôm theo một túi du lịch căng phồng, ngồi cách mô đất của ông năm chỗ ngồi. Nó bán thuốc Trung y. thượng vàng hạ cám có cả, ngăn trên là thuốc chữa bệnh, nó nói, có thuốc Tây bên Ca na đa gửi về, thuốc Trung y cổ truyền của cụ Hoa Đà từ thời Tam quốc… Ngăn dưới là thuốc diệt chuột, thuốc gây xảy thai cho phụ nữ. Thời gian đầu, hàng nó đông, người ta bu lại chủ yếu nghe cái mồm của nó là chính, chứ mua bán là phụ.
Rồi, thằng Vày sán đến chỗ ông, săng sái tán dương vị thuốc Đắng Lình, nó nói ngay trong Tử Cấm Thành bên Tàu các hoàng tử, công chúa đều dùng thuốc này mà thuốc của họ đâu có được nguyên chất như của ông Báng. Buổi đầu ông thấy khó chịu nhưng lâu lâu quen dần, vả lại nó cũng chẳng nói xấu gì ông. Có lần, nó dẫn đến năm sáu vị khách mua một lúc gần hết số hàng trong hộp của ông. Một hôm chợ, trời mưa rả rích, ông đang ngồi thu mình dưới chiếc nón rộng vành, thằng Vày lại đến, nó cắm lên trên đầu ông một chiếc ô to tướng, có thể che được cho cả bốn năm người ngồi. Nó sởi lởi:
– Thôi trời mưa, hàng cháu chẳng bán được, cháu ngồi đây giúp ông bán hàng cho vui. Hộp này đầy, ông bán được bao nhiêu tiền?
– Phải được một gánh gạo.
– Hầy, phiên sau ông cứ đem đây, ngồi chơi, để cháu bán giúp, đằng nào cháu cũng ngồi bán mà. Bảo đảm bán được cho ông không mất một xu.
Xong chợ, nó cười hề hề đưa xấp tiền cho ông, cầm đếm lại thấy dư ra khá nhiều, ông đưa trả lại nó phần dư,
– Đây công anh bán giúp.
– Ô hay, ông này, bán được bao nhiêu là phần của ông, cháu là ai mà dám lấy tiền của ông; vả lại, ngồi vào chỗ của ông, phần cháu cũng bán được thêm nhiều lên mà. Ông nghĩ bụng “mấy thằng nói, thằng Vày là thằng tráo trở, với ai chứ, với ta nó thật thà”. Từ đấy ông đưa hàng cho thằng Vày bán, chẳng cân đo đong đếm gì, thằng Vày trả ông rất sòng phẳng, thế là ông có thời gian lên núi khi thì đôi yểng, mấy cặp tắc kè, mấy củ bình vôi tía…
Một hôm, tự nhiên nỗi nhớ chợ cồn cào nổi lên trong lòng, ông lần ra chợ. Mấy ộng bạn quen quây lấy ông:
– Mừng cho ông phát sòi nhé! Ông ngơ ngác:
– Là chuyện gì vậy?
– Hầy, ông giấu làm gì, bọn tôi không cướp của ông đâu mà sợ. Thấy ông ngơ ngác. Một ông cười:
– Thằng Vày phô ra hết rồi, ông vừa tìm được một ổ đắng lình lớn, bán cả năm không hết. Ông nghĩ bụng: “Đúng là cái thằng phét lác”. Hôm ấy thằng Vày cho con mang tiền đến trả ông.
Một buổi chiều, một người mẹ trẻ cõng đứa con lên tìm ông, đặt đứa con trai chừng năm tuổi xuống phản, nó rên lên, tay ôm đầu gối. Chị khẩn khoản:
– Cháu đưa con lên phiền ông xem giúp.
– Cháu bị làm sao hà? Vừa hỏi ông vừa cầm tay thằng bé, bàn tay nhỏ nhắn nhưng bắp tay tròn lẳn rắn chắc, chứng tỏ đây là đứa bé hiếu động chạy nhảy suốt ngày.
– Cháu nghịch dao, bị chặt vào đầu gối, rắc thuốc đắng lình từ sáng hôm qua, sao nó không đỡ như mọi lần. Ông nhìn kĩ, vết thương khá sâu, hở toác, thớ thịt thối xanh lè rỉ ra nước vàng bốc mùi hôi thối.
– Cháu lấy thuốc của ai?
– Cháu lấy ở chỗ anh Cắm Vày, anh ấy nói là thuốc ông gửi bán.
– Cháu có mang về đây ít nào không?
– Cháu còn một nửa chưa dùng. Chị ta lần tay vào túi lấy ra một gói nhỏ bằng giấy bản, một bên góc bị nước thấm ướt. Lần giở gói giấy ra, ông bàng hoàng. Trong tay ông là gói bột đen xịt lổn nhổn đất vụn, bột lá cây trộn máu còn tươi. Ông đưa xuống bát nước lã khoắng lên, đổ xuống mặt tờ giấy, nước thấm đi để lại đất vun, ít thịt băm như nhân tiết canh, đích thị là phổi lợn… Mặt ông đanh lại: Hừm lên một tiếng trong cổ họng. Người mẹ trẻ chăm chú theo dõi từng cử chỉ của ông, thốt lên:
– Sao à ông! Ông buột miệng:
– Thằng Cắm Vày, mày thất đức đến thế là cùng. Ông bế thằng bé đặt lên ghế cao, nhìn vào mặt nó, nói như người có lỗi:
– Cháu chịu đau tí nhé, ông sẽ chữa khỏi cho cháu, may mà mẹ cháu đưa đến kip.
*
Ông không hiểu mình đã kìm nén ra sao mà không cho thằng Cắm Vày một cái bạt tai. Nó thẽ thọt:
– Ông à, cũng do miếng cơm manh áo cả. Ông nhìn xem, thiên hạ có ai thật thà như ông cháu mình không? Thấy ông lặng im, nó rủ rỉ:
– Từ xưa, ông cha ta nói “Nộc quai nộc kin, nu quai nu kin” (chim khôn chim ăn; chuột khôn chuột ăn) ông xem những nhà mấy tầng kia, xe to xe nhỏ kia, nếu làm ăn thật thà làm gì có được. Ông nghiến răng:
– Nhưng đây là thuốc, làm giả là giết người mày không sợ trời phạt à?
– Người chết là do số, đến bệnh viện to thế kia, có đầy đủ bác sĩ thế kia, bệnh nhân vẫn chết thì đã sao nào; người ta nói “phúc chủ lộc thày”, ông cháu ta bán thuốc nhờ vào cái “phúc chủ” mà sống. Ông bàng hoàng trước lý lẽ của thằng người trước mặt ông. Nó khác ông quá, giữa nó với ông như nước với lửa. Thằng Cắm Vày tưởng ông đã xiêu lòng, nó rút trong túi ra một xấp tiền, đặt lên bàn trước mặt ông.
– Thôi bây giờ cháu với ông đánh bài ngửa, ông không cần phải lặn lội vào Thẳm Lình, chỉ cần nói là đắng lình của ông bán cho. Hàng chợ cháu vẫn trả cho ông đều đều số tiền như mọi lần vẫn trả. Nó nhăn nhó: Cháu đang có mối ăn hàng lớn tận Hà Nội, ông cố giúp cháu với!
Ông rùng mình trước sự táo tợn của thằng Vày, cầm xấp tiền đập xuống bàn trước mặt thằng súc sinh, quay ngoắt ra cửa, bước thẳng. Còn nghe tiếng nó nói với theo: “Này, này ông nghe cháu nói hết đã” .
Đúng phiên chợ sau đó, có người kháo nhau: “Cắm Vày đã thuê người vào được Thẳm Lình, đã lấy được huyết lình”. Ông giật mình nghĩ: “Vậy là vẫn sẽ còn những người bị lừa, sẽ có bao nhiêu người chết, bao nhiêu đứa trẻ bị mù vì thằng Cắm Vày đây”. Suốt mấy đêm liền, ông không ngủ được. Thôi mình cũng có lỗi trong chuyện này, đã vô ý giao hàng cho nó bán, để nó lợi dụng. Ông quả quyết: “Vậy thì ta là người buộc dây, ta sẽ phải cởi dây vậy”. Ông lấy ra cuộn dây, tấm vải đỏ phủi sạch bụi, cuộn gọn lại, cho vào túi nải.
Non trưa, ông đã xuống đến hang đúng lúc ông mặt trời rọi chéo xuống đáy hang, ông ngồi bần thần hồi lâu, trút mớ lạc trong túi nải ra, bốc chia làm nhiều phần, bỏ xuống các hõm đá tựa như những cái bát. “Từ nay ta sẽ không bao giờ lên đây…thôi chào chúng mày” nước mắt ông trào ra. Leo theo cây Bàm Bàm xuống đến đất. Ông rút dao, nghẹn ngào:
– Ông đã mọc ở đây hàng mấy trăm năm, tôi đã hai đời nhờ ông mà lên được Thẳm Lình lấy thuốc cứu người. Bây giờ thời thế đã đổi thay…Đã có bọn người mượn tiếng ông, tiếng tôi để lừa thiên hạ… Tôi hoá kiếp cho ông, để giữ được sự trong sạch của ông với người đời ông nhé!
Phập! Thớ thịt đỏ lòm của cây Bàm Bàm cổ thụ bật ra, thân cây run bần bật, nhựa ứa ra đỏ như máu. Nhát dao cuối cùng “choang” vào đá, bật trở lại, bập vào đồi gối, máu tứa ra, ông ôm chân ngồi xuống. Máu của ông, máu cây Bàm Bàm nhỏ xuống thấm ướt đám đất mọc đầy rêu xanh.
*
Bàn tay gân guốc với lấy một cuộn giấy to khổ, trải ra mặt bàn. Ông khẩn khoản:
– Anh giáo viết cho tôi, ba tờ, nội dung “Thẳm Lình từ nay không còn đắng lình, mọi thứ đang được bày bán đều là đồ giả, bà con đừng mua, kẻo bị đánh lừa”
Bế Văn Vàng tức “Báng – Đắng Lình”
Điểm chỉ…..
Tôi bàng hoàng nhận ra khuôn mặt ông bỗng dại đi, những thớ thịt nổi lằn lên như có những con trạch chạy ngầm trong đó, khiến nó méo mó, phụng phịu như chực bật lên tiếng khóc. Lần đầu tiên tôi biết được họ tên đích thực của ông, cũng là lần cuối ông giao tiếp với đồng loại bằng cái tên cha sinh, mẹ đẻ đặt ra cho mình.
Tay tôi run run, suýt làm đổ cả khay mực xuống tờ giấy trải phẳng phiu được chèn lên đó bằng bốn hòn sỏi. Cắn chặt môi, như một cái máy, tay tôi vẽ lên tờ giấy những ký tự “…từ nay không còn Đắng Lình…”
Ngày mai, Chộc Hin lại đến ngày chợ phiên.
Tác giả: N.V.K – Thực hiện: Vân Anh
Nguồn Văn nghệ số 33/2014
Từ khóađắng lình Nông Văn Kim truyện đêm khuya Vân Anh
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …