Nghe đọc truyện đêm khuya – Trước khi viết Mồng chín tháng tám, tôi có nghe người ta nói viết về công nhân khó lắm. Tôi hỏi khó về cái gì. Đại đa số nói là “ngại”. Ngại cái gì? Cuối cùng vẫn là không biết viết gì về công nhân. Vậy công nhân không có cái viết sao? Thật bất công! Công nhân thì nhiều như nước. Vấn đề về công nhân không sao kể xiết. Nước ta là một trong những nước khai thác tài nguyên từ lao động. Nói đến lao động là nói đến cái tận cùng của lực lượng sản xuất. Từ lao động có kĩ thuật cao đến lao động giản đơn mà chủ yếu là lao động chân tay. Nguồn tài nguyên ấy cần được khai thác và bảo vệ đặc biệt. Vấn đề còn lại thuộc về nhà văn. Đừng “ngại” một khi đặt trách nhiệm công dân lên trên hết. Mồng chín tháng tám được viết ra như thế. Rất thoải mái và không hề “ngại”.
Bàn chân tôi bắt đầu rời mặt đất. Chỉ còn một bước nữa thôi là nó đặt trong các miền giá trị. Tôi đi dọc từ nhà trọ đến xưởng thợ. Hai bên đường đầy ắp công nhân. Hàng nghìn con mắt nhân đôi, có đến n đôi mắt khác trong họ đang nhìn tôi, cố đọc xem tôi sẽ bước về phía nào. Dù không nghe được nhưng tôi biết họ đang xì xầm bàn tán. Trước mặt, bên trái là cổng vào nhà máy, bên phải là hàng rào bằng cọc tiêu. Bên trong hàng cọc hình chóp sơn màu đỏ, hàng nghìn công nhân đang đứng đình công. Hàng trăm biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu đủ các kiểu đòi Tan weng company Ltd cải thiện điều kiện sinh hoạt cho công nhân. Bàn chân tôi đã chính thức rời khỏi mặt đất ở cái bước cuối cùng này. Dù không muốn nó cũng bắt buộc phải rời, nó phải cất lên, có thể là vô thức, có thể là ý thức.
Tôi đã nhìn thấy dòng chữ Tan weng company Ltd cong cong, hình cầu. Một công ti nằm trong chuỗi cung ứng của R & D. Một công ti chuyên cung cấp các sản phẩm hàng may mặc, không chỉ cho người Singapore mà là khắp toàn cầu. Một ngàn bốn trăm năm mươi công nhân đang tụ tập trước cửa nhà máy. Có thể hiện giờ tất cả các công ti trong khu công nghiệp Vina – Singapore đang bế quan, không muốn công nhân của họ tiếp xúc với những con vi trùng Tan weng company, ngăn chặn bệnh dịch có thể lan truyền. Bàn chân tôi đã cất lên, nó đang vẽ trên không trung theo một biểu đồ lí tính. Nhanh hay chậm tuỳ thuộc trạng thái tâm – sinh học. Nó đang phải lựa chọn, hoặc phía bên phải, hoặc phía bên trái. Cái ranh giới mỏng tang như làn khói sương, trong suốt nhưng định mệnh. Nếu vẽ đồ thị của bước chân theo dạng parabol thì điểm bàn chân tôi đã gần tới đỉnh của nó, chỉ còn được phép điều chỉnh trong khoảng 1/4 giây theo chỉ thị của trung ương thần kinh, nhưng lí tính hay cảm xúc thực hiện giờ thì chưa rõ lắm. Nếu điểm bàn chân dịch chuyển xuống dưới đồ thị thì coi như không còn chỉ huy được nữa. Nghĩa là trong ý thức, phản xạ xã hội thắng hay phản xạ tự nhiên thắng thì phải đành phó mặc vậy, sau này nếu thấy sai lầm chỉ có thể kêu lên một tiếng “biết thế” mà thôi. Bên phải, bên trái. Bên trái, bên phải… Trái hay phải, phải hay trái? Lúc này bàn chân tôi đã gần tới điểm chết trên lắm rồi.
Tôi không biết mình nên làm gì. Tôi không phải đứa hay hoang mang, cũng không thuộc loại kết thúc nhanh, nhưng buộc tôi phải lựa chọn. Tôi nhìn thấy Lí Quang và một dãy vệ sĩ người Việt. Cái mặt của Lí Quang không đỏ lên như hăm bẹn mà hơi tai tái đi. Tôi nhìn thấy quản đốc Liêu đang đi lên phía nhà điều hành. Một gã Gộc xấu xí, lưng gù nhưng có hàng tá các nữ công nhân phải nạo thai vì hắn. Mắt tôi chụp rất nhanh những hình ảnh bên trái và bên phải, nhãn lực điều tiết hết cỡ mà vẫn có vẻ đang nhìn thẳng. Tôi không dám nhìn sang phía bên phải. Một con đường rộng cỡ 15 mét và một cái vỉa hè rộng chừng hơn thế xếp nghẹt công nhân như những con cá da trơn đang lúc nhúc quẫy mình kiếm thức ăn trong một cái hồ nuôi nhiều cá ít nước. Họ bị rào trong hàng cọc sơn đỏ và còn được giới hạn thêm bởi một hàng vệ sĩ trang phục rất nhã đeo phù hiệu Công ti vệ sĩ Thiên Long. Lẫn vào đấy có rất nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục, mặt lạnh và lầm lừ như những con dọn bể. Tôi chợt nhớ hôm nay là ngày mồng chín tháng tám. Trời thu trong xanh, mây trắng, nắng vàng. Trong tôi vụt hiện về một miền quê Bắc Bộ, kì này nắng cũng đang trải vàng óng ả, thu về chộn rộn, đương lúc mùa màng khắp nẻo xóm thôn. Ở một quốc đảo, hôm nay cũng đang mừng sinh nhật không biết nắng có dài như ở miền Đông Nam Bộ hay vàng ròng tinh khiết như ở miền quê xứ Bắc tôi không.
Trong người tôi hôm nay đã hoàn toàn khoẻ khoắn và rực rạo như đang có men say và tôi muốn hét to lên: Cuộc sống ơi, tao yêu mày! Cách đây ba ngày tôi thấy trong người gai gai, hơi thở rất nóng. Chiều tôi lên y tế nhà máy xin giấy ra trạm y tế phường để khám, mua thuốc rồi về nhà trọ nằm nghỉ. Ngày hôm sau thì Tan weng company Ltd xảy ra đình công. Ngày mồng sáu chỉ khoảng một trăm năm mươi công nhân ở xưởng may I. Ngày mồng bảy bắt đầu lan ra các xưởng may II, may IV. Đến mồng tám thì hầu hết các xưởng cắt, thêu vi tính, ép keo, lộn, là, gấp, hoàn thiện sản phẩm… kể cả bộ phận bốc vác đồng loạt nghỉ việc nhưng còn một nửa cơ số, chính xác là 1.450 người vẫn tiếp tục làm việc. Tôi hỏi thăm tình hình đình công qua những chị em cùng khu nhà cho thuê và được biết có tám người trong số bốn mươi nữ công nhân mới tuyển dụng âm lương do bị phạt vì lí do đi vệ sinh không phép! Mức phạt năm dollas Singapore/lần. Đi quá thời gian quy định phạt ba dollas/lần.
Đây là lần đình công thứ hai xảy ra trong cùng một tháng. Lần đầu tiên đình công xảy ra một cách chóng vánh. Khi tiếng chuông báo nghỉ vang lên các công nhân nhanh chóng ra khỏi xưởng may và tự động xếp hàng theo tổ sản xuất trước nhà ăn. Hai mươi phút cho một suất ăn trưa. Nếu người đầu hàng chỉ cần tỏ ra chậm trễ lúc nhận phần ăn thì kể như người cuối hàng không còn thời gian ăn nữa. Hai mươi phút sau mọi người trở về bên bàn máy, thời gian làm việc được tính từ lúc bấm vào chiếc đồng hồ điện tử để ngay trước mặt. Như vậy đã xảy ra tình trạng hỗn loạn trước bếp ăn tập thể, ai cũng muốn xếp hàng ăn trước và kết quả là chả ai được ăn gì. Ngay ngày hôm sau, tất cả các bếp ăn đồng loạt tuyệt thực khiến ban lãnh đạo nhà máy phải thương lượng với đại diện của công nhân và tăng thời gian ăn trưa thêm mười phút nữa. Cả hai lần đình công đều liên quan đến vấn đề tiêu hoá và bài tiết. Một phút rưỡi/ lần vệ sinh (chúng ta cần phân biệt từ vệ sinh bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều chi tiết trong cơ thể. Ví dụ người ta bảo vệ sinh răng miệng thì khác với vệ sinh bàng quang – cho phép tôi dùng từ đi đái hết sức thô thiển để diễn tả động tác vệ sinh con người cho khỏi nhầm lẫn với những khu vực vệ sinh sang trọng khác). Một phút rưỡi tương ứng với chín mươi giây là khoảng thời gian đi hết quãng đường 150 mét từ xưởng sản xuất đến khu vực W.C. Người công nhân muốn đi tháo bàng quang rất cần tăng tốc động tác trong một chuỗi các thao tác may, ấn vào cái nút toilet màu đỏ được kết nối với một cái máy quét kiểm tra đặt trong phòng vệ sinh và mắt người đi đái phải liên tục để ý đến cái nút khi nó chuyển sang màu xanh thì lập tức dừng máy và đi thật nhanh nếu không muốn nói là chạy.
Kinh nghiệm nhiều năm của tôi cho thấy, trước tiên bạn cần phải luyện bộ máy tiêu hóa của mình theo hướng công nghiệp, đạt tiêu chuẩn ISO 2002 và cần rèn luyện thêm một số kĩ năng đái khác, lúc ấy bạn mới ngồi vào chuyền may cho Tan weng company Ltd được. Một điều hết sức lưu ý là bạn chớ nên trì hoãn cái sự “thoải mái”, bạn đừng cố ngồi may vì một khi cái túi chứa chất tưới cho thực vật đã đầy, đang réo sôi lên trong ổ bụng. Cái túi mà các nhà giết mổ súc vật gọi là cái bọng đái, lúc được chế biến thành thực phẩm thì nó được đặt tên khác ấy, ví dụ như bạn ra quầy bán nội tạng và bảo: “Cho tôi ba lạng bong bóng”. Lúc ấy cái bong bóng của bạn đang muốn vỡ tung ra và không cho phép bạn chạy được, bạn chỉ di chuyển xạng nạng hết sức chậm chạp vì sợ nó dỉn ra quần. Kể cả lúc ngồi lên bồn cầu, cái mặt bạn cố gân lên để tạo sức ép, cái đập nước xả quá mạnh và quá lâu sẽ tiêu hết chín mươi giây quý báu mà bạn được hưởng thụ. Tin chắc bạn sẽ bị thịt ba dollas vì quá giờ và trong cái bảng điểm đạo đức nghề nghiệp trong tháng bạn sẽ bị giáng xuống loại B đồng nghĩa với việc bạn bị phéng mất thêm một khoản là mười bốn dollas nữa. Đấy là chưa kể các khoản phạt khác như đi lại trong xưởng, dừng máy vô cớ, nói chuyện riêng, cố tình ăn khi đã hết giờ…
Cho nên sự chăm chỉ của bạn cũng cần phải được tính toán một cách kĩ lưỡng và đừng cố khoe sự chăm chỉ ấy, còn nếu không bạn nên đóng bỉm trong giờ làm việc để tránh các rủi ro, nhưng vấn đề bản thân bạn lại gặp phải sự rắc rối ở phần bẹn, gây ức chế, làm chậm lại các thao tác và lâu dần sẽ tặng cho bạn một miếng hắc lào bên dưới, trước cửa Tử Cấm Thành. Cách giải quyết nào cũng có mặt trái của nó. Cách tốt nhất là bạn cần rèn luyện, phải tập đi tập lại và nhớ là đừng ăn thực phẩm chứa nhiều nước. Tôi nghe các bạn đồng nghiệp của mình đang tranh luận, quan điểm có khác nhau, chỉ giống mỗi một chỗ là phải đấu tranh đến cùng, đái thì cũng phải đái cho đàng hoàng.
Tôi biết đái cũng là một tổ chức, nhất là thời đại công nghiệp thì lí thuyết Đái cũng cần phải đưa vào các chương trình Prosperiti giảng dạy trong một số trường đại học công nghiệp, ở những nước có nền công nghiệp đang phát triển với một số giờ nhất định, để cho sinh viên thấu hiểu đến từng chi tiết. Thực ra lí thuyết Đái đã được nghiên cứu từ lâu. Tôi đã từng được dự một khoá học như vậy ở thành phố Hồ Chí Minh do CPO club, một tổ chức phi chính phủ, tài trợ, có chi nhánh tại Hà Nội. Đầu tiên tôi hơi ngượng ngùng khi bước vào lớp học. Cái giấy mời của một người bạn do bận mà không đến dự vì tiếc rẻ đã khuyến khích tôi đến học. Lúc ấy tôi đang là một osin không có nghề nghiệp, đạp chiếc xe đạp mini do các công ti đường phố lắp dựng, lúng liếng dựng nó bên cạnh những chiếc xe hơi sang trọng và ngập ngừng bước vào lớp, chân muốn dính xuống mặt sàn đạt độ bóng cấp 3. Và suốt một ngày học các chuyên gia dẻo mỏ number one nồng nàn truyền đạt say sưa lí thuyết Đái, hết đưa mọi người vào vùng không thoải mái lại đưa ra vùng thoải mái bằng các bài học về cách quản trị thời gian, quản trị nguồn lực, cách tự do cá nhân, tự do tài chính…
Tôi dự xong lớp học và bỏ nghề giúp việc để xin vào công ti may. Tôi bắt đầu lao vào giấc mơ giàu có mà lí thuyết Đái chỉ ra “bạn nghèo do bạn chưa muốn giàu”, osin là một việc làm giản đơn và không bao giờ được mơ ước. Đó là một thay đổi lớn lao, một sự lột xác của tư duy làm thuê nên tại sao tôi lại biết đái cũng là một tổ chức mà tám trong số bốn mươi công nhân vừa mới tuyển dụng đã mắc phải. Tôi nhìn quản đốc Liêu, anh Gù cũng nhìn tôi. Anh ta đang thôi miên bàn chân tôi. Tôi biết hướng bàn chân về bên trái thì tương lai và tiền đồ của tôi sẽ thêm rạng rỡ. Một tổ trưởng sản xuất, một phó quản đốc tương lai, với mức lương 1.000 dollas Singapore/ tháng. Còn khi tôi dịch chuyển sang phía bên kia, thì kể như đời cô tổ trưởng quản lí ba mươi lao động sẽ đi đứt ngay tức khắc. Tất nhiên anh Gù sẽ rất vui vì loại được tôi ra khỏi danh sách đề bạt chức vụ.
Mới đây ngài Li Chung Huê, một giám đốc điều hành người Hàn Quốc đã chú ý đến năng lực của tôi. Điều này tôi biết được do giám đốc bán hàng tiết lộ, anh ta bảo: “Trong một buổi họp đề bạt phó quản đốc, giám đốc Li nói trước toàn ban quản trị rằng: cho tôi cả cái chuyền 2 của may I thì tôi chỉ lấy một mình cô Lê (là tôi), đã làm cho anh Gù không vui vì ông ta muốn tiến cử cô tổ trưởng chuyền 3 tuy đã có hai nhỏ nhưng hai mắt còn ngơ ngác kiểu nai con, rất chi là đáng yêu. Giám đốc bán hàng còn nói tiếp, ông Li ví tôi như một tiền vệ trung tâm, cần cho cô ta một cương vị cao hơn thế nữa”. Tôi rất mừng vì công ti đã chú ý tới tôi. Tổ trưởng của một chuyền đã là một sự nỗ lực lớn lao và gần gũi với sự minh triết nguồn quản trị nhân lực. Tôi ghé mắt sang phía trái một lần nữa, nhìn vào bên trong nhà điều hành và bắt gặp cái dáng quen thuộc của giám đốc điều hành Li Chung Huê mờ mờ sau vách kính. Tôi thầm cảm phục và biết ơn ông, đó là một giám đốc tài năng.
Bàn chân tôi lúc này đã ở hẳn điểm chết trên, chân giò thẳng góc 180 độ. Có rất nhiều ánh mắt đang dõi nhìn tôi. Bên trong cổng nhà máy, toàn bộ ban lãnh đạo đều chắc mẩm tôi sẽ đặt về bên trái lúc nó hạ xuống, còn thằng cha Lí Quang thậm chí không thèm nhìn tôi sẽ đồ rằng không đời nào tôi chối bỏ một công việc quá tốt và một tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Tôi mờ mờ nhìn thấy cái bản mặt giờ đã hăm lên như cái màu vốn có của nó. Lí Quang là một tên cực kì nham hiểm, một chuyên gia chống đình công tầm quốc tế. Trước đây hắn từng sống ở quận 5, được một công ti của Đài Loan tuyển dụng, sau đó thì ông tổng giám đốc Tan weng company Ltd mua lại. Lí Quang rất am hiểu luật pháp và văn hoá Việt. Các văn bản đều được so ngữ rất cẩn thận và trước những lí lẽ của hắn thật khó mà bác bỏ. Ngay các quy định trong luật lao động, luật đình công đối chiếu qua lăng kính của ngành tư pháp quá ư rắc rối và kém hiệu quả trong việc thực thi. Hầu hết các vị trong liên đoàn lao động mà gặp hắn cũng chỉ cố tìm ra một giải pháp duy nhất là kêu gọi lương tâm nhưng lương tâm của Lí Quang thì đã hoà tan trong sự hiệu quả kinh doanh ngày càng tăng của công ti. Khó mà có thể tác động được từ phía Lí Quang, cái quả chuông lương tâm không bao giờ lắc lư và rung lên trước nỗi khổ của người khác.
Hàng đêm, Lí Quang cùng các nhân viên có mặt hầu hết các xó xỉnh, trong mỗi góc xưởng, thậm chí hắn còn mò xuống tận nhà trọ để thu thập tình hình. Các nhân viên giả dạng những người đi xin việc làm để dò la tư tưởng và đánh dấu sao những công nhân có sức ảnh hưởng và lan toả của phong trào công nhân. Một mình Lí Quang lên kế hoạch phân tán, xé lẻ các chùm công nhân cùng một quê hương giống như người ta xào bài trong các sòng bạc. Hắn luôn ghi chép, thống kê và không ngừng gia công vũ khí chống đình công. Tôi không nhận ra những gương mặt quen, thậm chí trong ba chuyền của may I tôi cũng không bắt gặp bất cứ một gương mặt nào. Duy nhất chỉ nhìn thấy một cô hao hao giống Liên – tổ trưởng công đoàn nhưng tôi đoán chắc giờ này Liên còn đang ngủ trong công đoàn khu, bảo dưỡng sức khoẻ để ngày mai tiếp tục lên Liên đoàn lao động tỉnh xin giấy phép đình công. Tôi không có ý định móc mẽ Liên của tôi vì cô ấy phải vận dụng biết bao năng khiếu để có được giấy phép đồng ý của giám đốc nhân sự vì dù có đi lên giời hay xuống biển thì Liên cũng phải đảm bảo mười một tiếng làm việc trong Tan weng company Ltd. Liên cũng như tôi thôi đừng có làm điều gì khiến cho các ông chủ của Tan weng company Ltd nổi giận, đừng nha! Bằng không thì lập tức cô bị điều động ngay xuống bộ phận nhặt chỉ, một nơi dành cho những công nhân phụ hoặc chịu án kỉ luật.
Hiện thời tương lai của tôi đang hoàn toàn phụ thuộc bước đặt chân bên trái hay bên phải. Tôi sẽ phải đưa ra quyết định hoặc tôi vẫn là tổ trưởng, phó quản đốc tương lai, đái trong 90 giây hoặc tôi xuống bộ phận nhặt chỉ, toét mắt ra mà mức lương nhận được sẽ thấp nhất trong toàn bộ công đoạn nhưng mà được đái thoải mái hơn trong vòng 150 giây hoặc hơn thế. Tôi sẽ chẳng dại gì lại chọn cách ấy. Tôi sẽ lựa chọn cách đái trong 90 giây để được ngồi may vị trí số một, một vị trí đắc địa của sản phẩm nhưng cái sâu xa bên trong là ưu tiên các nhân viên đã tận lực vì sự thịnh vượng của Tan weng company Ltd. Đó là chính sách dùng người, tốt nhất là trao củ cà rốt vào một tay của họ, tay kia ấn luôn cây gậy – lí thuyết Đái gọi nó là“biện năng” có tính chất thúc đẩy. Đó đã từng là kế hoạch không bao giờ được phép nói ra. Nó được găm trong đầu các nhà tư bản trong công nghệ xuất khẩu mâu thuẫn nội tại ra nước ngoài, điều làm cho các nhà hoạt động chính trị, xã hội mừng rơn. Một mũi tên bắn nhằm hai đích.
Tôi đã thành công trong công việc. Tôi được giao việc ngon nhất, một vị trí tốt nhất, được may một chi tiết đẹp nhất trong chiếc sơ mi, đó là cái cổ áo. Nó không những quyết định thành công của sản phẩm mà còn làm tăng vẻ trang nhã, lịch thiệp cho những ai mặc nó, thương hiệu của Tan weng company Ltd gắn liền với chiếc cổ áo sơ mi. Vậy làm sao tôi có thể từ chối nó được? Khoán công đoạn, cổ áo sơ mi luôn ở vị trí số một. Lương hàng tháng của tôi thường gấp 0,75 lần lương ở vị trí số hai chuyên chạy tà áo. Một cái tà phẳng phiu, đường may thẳng tắp, nhỏ hơn 1 milimét, nghĩa là càng tiến đến sự nhỏ nhất thì càng đẹp. Còn lương công đoạn vệ sinh sản phẩm thì ôi! Lương của tôi đã lớn hơn 15 lần. Tôi biết rằng ranh giới tổ trưởng sản xuất giống như ranh giới đứng giữa nắm cỏ và cái vọt. Tôi đã từng bước qua sự sợ hãi của chiếc vọt vì không những tôi là một thợ may khéo léo, có tài, có thâm niên lại được trang bị lí thuyết Đái, một lí thuyết về sự thay đổi thói quen.
Có nghĩa rằng một khi tôi đã ngồi vào chiếc ghế may thì tất cả trọng lượng cơ thể với 42 ki lô gam của tôi lập tức biến thành một chuyền may. Nếu như đầu óc tôi phân tán chỉ với 0,1 giây thì băng máy trước mặt tôi đã ùn lên thành một đống tướng toàn phôi cổ áo. Vậy nên trong một bài tập các kĩ năng thao tác tuyệt đối không có những động tác thừa, lí thuyết Đái nói “bạn cần phải chạy nhanh hơn bất kì cái gì nhanh nhất”. Tôi đã thích ứng với công việc. Công việc và tôi đã đạt các chỉ số chất lượng ISO. Tôi đã nằm trong chuỗi nguồn nhân lực. Các cuốn sách dạy kinh doanh, các khoá đào tạo nhân bản hàng hoá đang nỗ lực nhồi nhét cái mớ lí thuyết làm thế nào để giàu nhanh nhất, chiếm đoạt tài nguyên một cách nhanh nhất mà không hề sợ bị vi phạm. Mới đây nhà máy cho tôi đi học một khoá quản lí, được nghe tiến sĩ Ray – một chuyên gia y học – trình bày lí thuyết về công nghệ thở của phổi đã được thực nghiệm ở một xí nghiệp. Kết quả cho thấy nếu tăng nhịp thở cho các công nhân thì lượng ôxy vào máu sẽ tăng lên và các thao tác của họ cũng tỉ lệ thuận theo. Tôi còn được nghe chính ngài Thomas L. Friedman, tác giả nổi tiếng của cuốn sách Tài nguyên vô tận, trình bày sự hữu hạn của các loại khoáng sản, máy móc, chỉ có nguồn tài nguyên vô tận là con người mà chưa được khai thác là bao nhiêu khiến cho các học viên là giám đốc các doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh.
Tôi ngồi nghĩ thật là nguy hiểm nếu các công ti kết hợp hai lí thuyết này lại với nhau. Cả khoá học tôi chưa được thấy tác giả nào công bố công trình tăng lương và giảm giờ làm khiến cho tôi hoàn toàn thất vọng. Điều này thì tôi chỉ được bắt gặp nó trên các trang tiểu thuyết và thường cảm thương cho số phận lao động hết sức mỏng manh hoàn toàn bị động, hoàn toàn bị kiểm soát và bị chủ lấy hết thời gian, vậy thì tôi và 2.900 nữ công nhân trong Tan weng company Ltd luôn luôn phải nằm trong vùng đỏ, vùng không thoải mái, chỉ được đái trong 90 giây, có phải thế không thưa các ngài tiến sĩ kinh tế học, các ngài giám đốc các hãng, tổng giám đốc các tập đoàn tài chính, kinh tế? Các ngài hãy mách giùm chúng tôi làm thế nào để ra khỏi vùng đó đi. Chân tôi nặng trĩu quá rồi, nó đang rơi xuống, trọng tâm hơi nghiêng về phía bên trái. Tôi đã cảm thấy sức nặng của nó, toàn bộ cái chân giò thẳng đuỗn của tôi, một bộ phận của chất lượng ISO 2002 đang hạ cánh xuống phía bên trái, là Tan weng company Ltd, là cả tương lai của tôi, là cuộc sống của tôi. Một cái níu hay một cái gì đó bấu vào vai tôi lúc ấy.
Trong một phần triệu của một giây hình như tôi nhận ra Len, em tôi, một công nhân trong số tám công nhân bị âm lương hàng tháng. Em đang ngơ ngác tìm tôi. Tôi nhìn em nhỏ nhắn nghiêng nghiêng trong lớp sóng người. Không gian đang như bùng lên những âm thanh đầy tiếng Nhân. Tôi đã nhận ra Len hoàn toàn, em thường nằm cùng giường với tôi nhưng hôm tôi ốm thì em chuyển sang phòng bên cạnh cho tôi được thoải mái hơn. Tôi chợt nhớ đến Lơi, chị gái của em nhưng là bạn của tôi, một công nhân may mắc chứng bệnh nghề nghiệp. Lơi bị tức thở và ngã xuống bên chiếc máy chuyên vào măng séc. Cô được đưa đến bệnh viện và ở đó người ta tìm thấy nhiều dị vật hình tròn bao bọc bởi màng nhầy và mềm ở trong lá phổi. Cái phổi được ví như cây xanh thì cái cây Lơi đã hỏng hết chất diệp lục. Các bác sĩ sau khi phân tích các dị vật đã kết luận do cô hít thở rất nhiều bụi vải, những hạt bụi nhỏ li ti, có sợi kích thước lớn hơn 1 milimét. Thì ra khí quản của cô khi đem ôxy vào trong tĩnh mạch phổi đem theo cả rác công nghiệp. Lơi bị cắt một nhánh của lá phổi và vĩnh viễn tàn tật. Ngay lập tức sau đó một phong trào đấu tranh đòi cải thiện khí thở trong các xưởng may và từ khi ấy người ta mới lắp các quạt hút để bảo vệ công nhân của mình. Len được chị gái giới thiệu đến và tôi coi em như em ruột của mình.
Nhà Len nghèo, em còn ngây thơ và nhút nhát quá đi. Không biết bao nhiêu đêm em cứ nằm khóc ròng trong nách tôi mỗi lần em bị dỉn ra. Chị em tôi cùng khóc với nhau mỗi lần nghe tin Lơi yếu. Cha em hi sinh trên chiến trường Đông Nam Bộ, sau này được đưa về nghĩa trang quê nhà ở một tỉnh miền Trung đầy cát trắng, nắng dài. Cha em còn nằm đó trong cát bỏng. Nước mắt chẳng thể làm cho cát dịu đâu em. Thực tình tôi muốn dạy em cho giỏi giang, tôi muốn rèn em trở thành một ISO nhưng em đã không tài nào vượt qua được cái ngưỡng của 90 giây. Không biết bao nhiêu lần em đã dỉn ra quần và nhiều lần tôi đứng ra bênh vực cho em khỏi bị phạt vì mất vệ sinh. Còn em, em chỉ biết khóc hờn oán em thôi. Tôi mừng rỡ biết bao nhiêu khi em ôm riết lấy và dụi dụi vào một bên hố nách của tôi. Len bé nhỏ của chị. Chị đây! Chị đến với em đây. Chị em mình cần có Tan weng company Ltd biết bao nhưng em cần hơn, cuộc đời chị cần có em hơn. 1.000 dollas Sigapore một tháng cho chị nhưng em khổ biết chừng nào. Bao nhiêu lần làm đơn đề nghị Tan weng company Ltd tăng giờ vệ sinh là bấy nhiêu lần em dỉn ra quần.
Tám trong số bốn mươi em và sau này còn bao nhiêu em nữa phải âm lương do không hoãn được cái sự “thoải mái” ấy lại. Bây giờ bên tai tôi, tôi nghe rõ biết bao nhiêu âm thanh của tình chị em. Tôi thấy cả Liên nữa, cô ấy đang cố bơi về phía tôi. Kia nữa, cái tổ lao động ba mươi chị em đều có cả ở đây. Chúng tôi vòng tay nhau ôm lấy eo lưng. Chúng tôi xiết chặt nhưng trật tự. Từ ngày mai, cả tôi với Liên sẵn sàng đi xuống bộ phận nhặt chỉ, chúng tôi có thể bị toét mắt ra nhưng công đoạn cuối cùng chúng tôi vẫn làm cho những chiếc sơ mi Tan weng company Ltd sạch sẽ, sang trọng vì những bàn tay nữ công khéo léo không chê vào đâu được.
Bàn chân tôi đặt về bên phải. Nó tiếp đất một cách nhẹ nhàng.
Bước chân cuối cùng tôi đã đặt nó vào phía trong hàng rào hình chóp màu đỏ.
Tôi nhìn thấy anh Gù khai cái hố trên khuôn mặt mãi mà không thấy đậy lại.
Tôi nhìn thấy giám đốc điều hành Li Chung Huê. Anh đưa tay vẫy tôi sau vách kính trong suốt.
Một ngàn bốn trăm năm mốt là con số cuối cùng báo về cho ông chủ của Tan weng company Ltd, đình công đã bước sang ngày thứ tư vào mồng chín tháng tám.
Tôi nhìn thấy hàng rào màu đỏ bỗng nhiên được dỡ đi. Tôi nhìn thấy Lí Quang rẽ đám đông đi lại phía Liên và nói nhỏ: “Ông chủ đồng ý thương lượng”. Mãi sau này tôi mới được biết, có một chương trong điều lệ công ti và không được phép sửa đổi, ghi từ lần đầu của người sáng lập Tan weng company Ltd: “Nếu số lượng đình công vượt quá bán thì công ti phải thương lượng ngay lập tức, không kể lí do gì”.
Bây giờ thì Tan weng company Ltd đã phát triển lên nhiều và tôi đã được cất nhắc chức vụ.
Nhưng tôi vẫn sẽ mãi là một thợ may.
Tác giả: Lê Thanh Kỳ – Thực hiện: NSUT, Hà Phương