Bài nổi bật

Bìm bịp kêu khắc khoải – Tác giả: Hồ Kiên Giang

Nghe đọc truyện đêm khuya – Truyện viết về một gia đình chịu nhiều mất mát vì chiến tranh. Tác giả lựa chọn khai thác cuộc sống nơi hậu phương nhưng vẫn làm nổi bật sự khốc liệt của chiến tranh. Những người phụ nữ là hình ảnh đậm nét, xuyên suốt câu chuyện. Khi người đàn ông ra trận thì ba người phụ nữ, ba thế hệ trong một gia đình có truyền thống cách mạng phải nương tượng vào nhau. Trải qua nhiều đau buồn vì mất mát cuối cùng nhân vật chị Hai (con gái của người lính đã hi sinh) đã tìm được hạnh phúc của mình….

Chị chèo chiếc xuồng bán rau cải cập vô bến, cột dây rồi tất tả bước như chạy lên nhà. Má ngồi bó gối trên sạp tre bên hiên, miệng nhai trầu bỏm bẻm, nhíu mày hỏi: “Ma rượt sao hả? Gái già mà chẳng có ý tứ gì hết!”. Chị sà xuống cạnh, cười: “Gái già thì ma nào dám rượt chứ má. Tại lúc nãy con gặp… anh Huy”. Má phun toẹt bã trầu vào ống nhổ, kéo chiếc khăn rằn lau miệng, xổ một tràng: “Gặp ở đâu? Giờ nó làm gì? Vợ con gì chưa? Con có hỏi nó sao lâu lắm không ghé thăm má hôn?”. Chị thừ người: “Hồi sáng con ghé chợ lấy rau cải, vô tình gặp ảnh đi ghe một mình. Anh nói chưa vợ con gì, sống bằng nghề bán hàng bông, rày đây mai đó, cũng tiện cho việc hỏi thăm. Dạo này ảnh đen lắm. Ảnh nói, theo cuốn sổ ba ghi thì còn phải tìm hai gia đình nữa”. “Mủi lòng hả con? Hồi đó con không chịu, má cũng không ép. Em con lấy vợ ra tỉnh ở, con không lấy chồng mà ở vậy nuôi má. Kiếp này má làm khổ con rồi”. “Má đừng nói vậy. Tại con… Mà thôi, con vô nấu cơm, bắt con gà mần thịt đãi khách”. “Ủa, khách nào vậy? Vợ chồng thằng Tiến về hả?”. “Chút nữa má biết!”.
Bước vào nhà. Ngang qua tủ kiếng, chị dừng lại soi kĩ. Hình như đuôi mắt đã ẩn hiện vài nếp nhăn, trên má lốm đốm tàn nhang. Cũng phải thôi, chị đã ngoài bốn mươi rồi chứ còn trẻ trung gì nữa. Bạn bè cỡ tuổi chị có đứa lên chức bà, cháu ẵm cháu bồng. Chị vẫn một thân một mình dầm mưa dãi nắng với chiếc xuồng bán rau cải, sớm tối đi về dọc ngang sông rạch. Có lần thằng Tiến dẫn về một người đàn ông làm nghề sửa xe cộ gì đó ngoài thị xã để giới thiệu cho chị. Chị gạt ngang: “Thà chị ở giá còn hơn làm mẹ kế. Người ta thương thì không sao, nhưng hễ ghét thì nói bóng nói gió. Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng. Hàng xóm thấy chị vẫn vui vẻ, không buồn phiền chi hết, họ đoán già đoán non. Chị bỏ ngoài tai. Chị nghĩ chắc tại duyên mình chưa tới, chừng nào gặp hẵng hay. Vậy thôi.
“Bìm… bịp… ịp… p…”. Chị bỗng giật mình bởi tiếng con chim bìm bịp bên kia sông vọng sang. Sao nó lại kêu giờ này khi nước chưa nhửng lớn, lại bằng cái giọng nỉ non? Chị không nhớ lúc đó bao nhiêu tuổi, nhưng hễ mỗi lần nghe tiếng con bìm bịp kêu bên đám lá dừa nước um tùm trước cửa là chị khóc thét lên. Má đang nấu cơm chiều phải dừng tay dỗ dành: “Nó kêu vậy thôi chớ không hại con đâu!”. Rồi má thả chị lên chiếc võng được bện bằng dây chuối, cất giọng: Ầu ơ… Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi… Buôn bán không lời… Ầu ơ… Buôn bán không lời chèo chống mỏi tay… Tiếng hát buồn da diết, não ruột thả trôi trong gió hoàng hôn. Có lần chị hỏi: “Sao nó kêu hoài vậy má?”. “Tại nó buồn!”. “Sao nó buồn? Bộ không ai chơi với nó hả má?”. Má cười, những nếp tàn nhang trên gương mặt sạm nắng giãn ra: “Không phải đâu, nước ròng nó không tắm được nên kêu nước lớn để tắm”. Chị cười nắc nẻ: “Vậy, nước ròng hoài thì nó ở dơ rồi!”.
Nhà có hai chị em. Thằng Tiến nhỏ hơn chị một tuổi. Má kể: “Cực gần chết. Đứa giáp thôi nôi đứa lôi đầy tháng. Nhưng ba con nói đẻ sớm nhờ sớm!”. Nhờ đâu không thấy mà thấy vất vả ngay trước mắt. Một mình ba phải cày cuốc trên năm công ruộng nhiễm phèn chua. Cứ làm quần quật nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Chú Cường mười tám tuổi nhưng nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kị mù sương. Để kiếm thêm tiền cá mắm, hàng ngày má chèo xuồng vô trong rẫy mua rau cải, củ quả… bán cho những người trong kênh Đòn Dông, Ngã Cạy. Thường má đi lúc mặt trời chưa mọc, nước lớn mới vô được mấy con kênh, khi về đã xế chiều. Năm đó chị mới chập chững còn thằng Tiến vừa biết bò. Mỗi lần đi bán, má gởi hai chị em cho bà nội coi. Thằng Tiến khát sữa, nội chắt nước cơm pha với đường mía cho nó uống. Chị đói, chú Cường bới cơm nhão dầm nhuyễn, chan nước cá kho mặn chát đút chị ăn. Chị lên ba tuổi, má dẫn theo cho nằm trên sạp xuồng. Từ đó, chị bắt đầu quen với thức sương, ngủ nắng.
Một bữa, trời chạng vạng, má đang cho thằng Tiến bú thì ba đi ruộng về. Ba ngồi cạnh má, thì thào: “Mình chịu khó ở nhà nuôi con, tui đi đánh giặc nghen”. Má tròn mắt: “Trời đất! Giải phóng lâu rồi, giặc đâu mà đánh?”. Ba nói nhát gừng: “Trên biên giới. Bọn Pol Pot. Trai tráng trong xóm đăng kí đi gần hết…”. Má thoáng buồn: “Mình đi rồi, thân tui sao cáng đáng nổi chuyện nhà, chuyện đồng áng?”. Giọng ba dứt khoát: “Tui biết. Nhưng có dự tính rồi. Năm công đất giao cho thằng Cường coi sóc, tới đợt mướn người ta mần. Còn buôn bán thì mình cứ gởi tụi nhỏ cho bà nội”. “Nhưng… thằng Tiến mới vài tuổi đầu, lỡ nó khát sữa thì sao?”. Ba cười, đưa tay bẹo má thằng Tiến: “Thằng này dễ ợt, giống tui hồi nhỏ. Đó, mấy bữa mình đi bán, nó ở với bà nội đâu có quậy!”.
Má im lặng. Thật ra những bữa đi bán rau cải, má có nghe loáng thoáng, nhưng má nghĩ, đó là mấy người chưa vợ con gì, chứ đâu ngờ… Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ má phản đối hay thay đổi quyết định nào của ba, dù chỉ là việc nhỏ nhất. Ngay như ba không ăn được ớt, còn má thì rất thích vị cay cay mỗi khi và cơm, má cũng không bao giờ bỏ ớt vào thức ăn. Hoặc ba dặn má đừng mặc áo bà ba màu đỏ mà nên chọn màu tím, má cũng làm theo. Mấy năm trời sống chung, má dần quên hẳn đi những sở thích riêng. Bây giờ ba nói vậy… Chuyện này lớn chớ đâu phải nhỏ. Bom đạn vô tri…
Trước ngày tiễn ba lên đường, bà nội nói với má mà như nói với chính mình, giọng chậm rãi tựa con nước ròng nhửng lớn: “Má biết con không muốn chồng con đi… Nhà mình cũng đơn chiếc, đàn bà nhiều hơn đàn ông. Hồi xưa má cũng vậy. Ba cưới má rồi dọc ngang bưng biền không biết chỗ mà lần, có khi cả năm mới về nhà được vài ngày. Năm sáu mươi má sanh chồng con. Ba năm sau thì sanh thằng Cường. Một mình má nuôi nấng hai con, ẩn nhẫn chờ chồng. Ba con biền biệt đi hoài cho đến ngày giải phóng mới về… bằng một tờ giấy báo tử. Đồng đội nói, ba con ngã xuống vì một viên đạn bắn thẳng của địch lúc dẫn trung đội tiến vô thành phố đánh chiếm cơ quan đầu não vùng 4 chiến thuật. Chỉ một chút nữa thôi. Một chút thôi, có ai dè…”. Ngừng lại như để nén xúc động, nội nói tiếp: “Thằng Cường đủ mười tám tuổi rồi, không phải má không muốn để thằng Cường đi, mà đây là ý của chồng con. Con biết đó, từ nhỏ thằng Cường không được khỏe, cứ nay ốm mai đau…”.

Lúc đó chị chưa hiểu rằng, một phần do ý của ba, phần nữa bà nội sợ chú Cường không chịu nổi cuộc sống khắc nghiệt ở chiến trường. Chú đã yếu còn nhát gan, thấy máu cũng muốn xỉu, lỡ đào ngũ về thì còn gì danh giá gia đình liệt sĩ… Sau này lớn lên, có lần chị hỏi má: “Má có giận bà nội không má?”. Má lắc đầu nhìn xa xăm: “Má nhớ có lần chèo xuồng đi bán rau, chiều tối mà chưa thấy má về, nội kêu chú Cường mượn xuồng của bác Sáu Chánh đi kiếm. Trời tối, mưa gió rất dữ, hình như là bão ở đâu đó. Má bị mắc mưa lạnh run cầm cập, không chèo được nên tấp vô đám dừa nước. Chú Cường vừa bơi xuồng vừa kêu. Lúc gặp, chú mừng khóc như con nít. Hai chị em cặp xuồng vào nhau chèo. Về tới nhà, má thấy bà nội đang đốt nhang van vái ông nội phù hộ cho má bình an. Hình như bà nội khóc lâu lắm, mắt đỏ hoe. Bà nội hối thúc má đi thay quần áo, rồi lên giường nằm cho nội xoa dầu nóng. Chú Cường vừa lăng xăng đốt than hơ vừa bảo: Nếu chị mà có chuyện gì thì anh Hai về đánh em chết! Ai dè…”. Má bỏ lửng câu nói, đưa tay lau nước mắt.
Mọi chuyện sau này nghe má kể lại chứ chị chưa đủ khôn để nhận mặt nỗi đau mất đi vĩnh viễn người ba thân yêu của mình. Dạo ấy, tin tức bộ đội hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn rút quân về nước loan truyền theo từng đoàn người quảy ba lô về nhà. Trong số đó có người lành lặn, nhưng cũng nhiều người thương tích, đa số là bị cụt chân. Má tìm gặp các chú hỏi thăm về ba nhưng không ai biết. Có người nói ba chị bị một cô gái Khmer ếm bùa ngải gì đó nên bỏ đơn vị trốn đi, giờ chắc con cái cả đàn. Khi bộ đội Việt Nam rút quân về nước, ba không mặt mũi nào về theo vì đào ngũ. Má gặp chú Nghĩa ở kênh Đòn Dông hỏi thăm tin tức ba. Chú Nghĩa nhập ngũ sau mấy năm, cũng tham gia đánh trận bên đó nhưng không cùng đơn vị, chú kể có nghe loáng thoáng nhưng chưa biết thực hư thế nào. Có lần, Trung đoàn Cao xạ của chú dùng pháo 37 li bắn trực tiếp bằng đạn nổ chi viện cho các đơn vị Sư đoàn 4 chiến đấu ở khu vực hành lang đường 4 từ đèo Pichnin đến cảng Kampong Cham, chú có gặp ba đi truy quét Quân khu Tây Nam của Pol Pot, mở rộng vùng giải phóng. Ba nói được đề bạt lên chức trung đội phó vì có thành tích trong trận đánh vào sân bay Pochentong. Nhìn ba khỏe lắm. Chú chỉ biết vậy thôi. Má không tin lời đồn nhưng cũng rất hoang mang. Chuyện bùa ngải ai biết được…
Một buổi sáng, khi dòng sông trước cửa đổi dòng nhửng lớn, xuất hiện rất nhiều cán bộ đến nhà với vẻ mặt trang trọng, tay lỉnh kỉnh đồ đạc. Họ đến cho hay ba đã hi sinh trên đất bạn. Má khụy ngay cửa nhà. Gói cơm trưa chuẩn bị đem theo xuồng bán rau chưa kịp buộc chặt rớt xuống đất, văng vãi tứ tung. Lúc tỉnh, má chộp lấy chiếc ba lô của ba lục lọi kiếm vật gì đó nhưng chỉ có quân tư trang cá nhân. Má lê bước lên giường ôm thằng Tiến vào lòng. Nó đang ngủ, giật mình khóc ré lên. Chị ngước đôi mắt đen tròn hình dấu hỏi nhìn má. Má ôm hai chị em vào lòng. Tiếng nấc nghẹn đứt đoạn của má bị đè lấp bởi thứ âm thanh dây chuyền bi ai não nùng của bầy bìm bịp bên kia sông. Bà nội không khóc mà chỉ im lặng, ngồi bất động như bức tượng. Có lẽ nội không còn nước mắt. Cha thì bị bắt đày ra Côn Đảo và nằm lại vĩnh viễn ở đó, xương cốt lẫn vào đất cát. Rồi đến chồng, và bây giờ tới lượt con trai… Ba người đàn ông yêu quý nhất của nội hi sinh, chỉ chồng là còn có nắm xương mang về. Chú Cường thì luôn day dứt, trách mình không nên để anh đi, bởi nếu chú hi sinh thì sẽ không có nhiều người đau buồn như vậy.
Chị nhớ như in một buổi chiều. Nắng vàng vọt dát mỏng trên mặt sông. Những giề lục bình chầm chậm trôi. Chỗ đám lá rậm rạp bên kia sông, không biết từ đâu bìm bịp kéo về đông nhộn nhịp. Chúng rượt đuổi nhau, trừ vài con lẻ đậu trên nhánh bần thỉnh thoảng cất tiếng kêu bịp… bịp. Chị và má đi bán rau về, vừa ghé xuồng vô bến thì thấy chú Cường từ trên nhà chạy xuống, nghẹn ngào: “Chị Hai! Má… đi rồi. Má đòi gặp chị nhưng…”. Má buông chèo, hấp tấp bước lên bờ. Chiếc xuồng chao nghiêng bị đẩy qua bên kia sông làm bầy bìm bịp hoảng hốt chui tọt vô đám ô rô, ném vào hoàng hôn tím rịm tiếng kêu thảm thiết.
*
* *
Cơm nấu xong, thức ăn cũng đã chuẩn bị sẵn, chị đi ra đi vô vẻ sốt ruột. Má hỏi: “Con đợi khách nào mà thấy quan trọng quá vậy?”. Chị không trả lời, bước đến tủ kiếng chải tóc.
Chị nhớ, cũng độ khoảng chiều muộn như thế này, con nước ròng chảy yếu báo hiệu bắt đầu nhửng lớn. Chốc chốc, tiếng bìm bịp trước nhà thao thiết thả trên mặt sông. Lúc đó, chị với má chèo xuồng đi bán rau cải về đến nhà thấy có rất nhiều vỏ lãi đậu dưới bến. Chưa hiểu chuyện gì thì chú Út hớt hơ hớt hải chạy xuống: “Chị Hai! Có đồng đội anh Hai tới thăm, họ đợi chị từ trưa tới giờ kìa”. Má bước nhanh lên bờ khi ghe chưa cập sát. Chị vội vàng cột dây vào sàn nước chạy theo.
Trên bộ ván, ngoài bác Tám ở hội cựu chiến binh xã còn có một người đàn ông trắng trẻo, khuôn mặt chữ điền, mắt sáng, tóc rẽ ngôi giữa, mặc áo thun màu vàng nhạt hơi chật, hằn lên vồng ngực căng phồng và cánh tay rắn chắc nổi từng thớ thịt. Phía trước người đàn ông, chiếc cặp lớn để trên đùi che đến ngang bụng. Theo lời bác Tám giới thiệu, người đó tên Huy, quê miệt Năm Căn. Hồi ở chiến trường Campuchia cùng đơn vị với ba, đến để đưa đồ. Chị ngồi cạnh má trên chiếc giường đối diện nên nghe rõ nhịp tim đập thình thịch của má. Tay má lành lạnh, run run trong tay chị. Giọng má nghẹn lại: “Người ta… đem hết đồ… của ảnh về rồi… Còn gì nữa hả, anh Tám?”.
Người đàn ông tên Huy bỏ cặp xuống, mở lấy ra một cuốn tập học trò. Má không mở ra xem mà hỏi: “Hồi đó chú ở cùng đơn vị với chồng tôi hả?”. “Dạ. Tôi nhập ngũ sau bốn năm. Khi mãn khóa huấn luyện tân binh tôi mới được điều sang Campuchia, biên chế vào trung đội anh Hai. Anh Hai là một cán bộ chỉ huy gương mẫu, một người anh tốt. Vì tôi là dân miền biển nên việc đi rừng đi núi không quen, anh Hai hướng dẫn, chỉ dạy tôi từng chút một. Thường trong các trận đánh, anh cho tôi vào mũi của anh, bám theo anh. Những lúc rảnh rỗi, anh kể tôi nghe rất nhiều chuyện về gia đình, nhất là vợ con ảnh. Ảnh hứa khi nào hoàn thành nhiệm vụ, về nước ảnh kêu tôi lên nhà chơi để…”. Huy đột ngột dừng lại. Anh nén tiếng thở dồn: “Lúc đơn vị chúng tôi đóng quân ở khu vực Đèo Gà, Đèo Khỉ, giáp biên giới Campuchia và Thái Lan. Đây là vùng trọng điểm phục kích của địch. Khí hậu và thời tiết vô cùng khắc nghiệt, không ít đồng chí bị sốt rét ác tính, sốt đái huyết cầu tố đã vĩnh viễn nằm lại đây. May mắn là anh Hai không bị bệnh này. Trong một lần đánh giải phóng khu vực Bảy Nhà, anh Hai bị thương và hi sinh. Lúc đó, tôi bị sốt rét nằm ở quân y. Hay tin này… cả đơn vị đều khóc. Chúng tôi đã chôn anh Hai dưới chân Đèo Gà”. Những giọt nước mắt lăn nhè nhẹ trên má Huy. Chị ôm má. Tiếng nấc nghẹn của hai má con càng dồn nén càng dội ngược lên. Qua cơn xúc động, Huy nói: “Trong cuốn tập này anh Hai đã ghi lại tên tuổi, quê quán, ngày ngã xuống và vị trí chôn cất của anh em trong trung đội. Ảnh nói, nếu sau này về thì tìm đến gia đình thông báo cho thân nhân các anh biết. Lúc nào ảnh cũng mang cuốn tập bên mình nên gấp đôi lại bỏ túi cho tiện. Nhưng không hiểu sao trước ngày đánh trận Bảy Nhà, ảnh đến quân y đưa cho tôi kêu giữ giùm. Nào ngờ, trang tiếp theo lại là tên ảnh…”.
“Bộ đội rút quân về nước lâu vậy sao giờ chú mới tới?”. Giọng má có phần hờn trách. Huy cúi đầu. Chị không biết anh ta đang nghĩ gì. Chị đoán chắc anh ta hối hận. Rồi Huy kéo chiếc cặp xách trước mặt qua bên phải, chầm chậm như đoạn phim chị thường thấy trên vô tuyến, nói: “Vì tôi… bị thương!”. Chị thoáng rùng mình nép người vào má. Nãy chiếc cặp che nên chị không để ý thấy chiếc quần short màu cỏ úa Huy mặc không che kín phần đùi còn lại chưa đến gối, để lộ cùi thịt dúm dó dọc ngang lằn vết. “Trước ngày bộ đội ta rút quân về nước khoảng một tháng, trong lần cùng anh em hành quân dưới cái nắng nóng bức, khô khốc giữa rừng Báttamboong, tôi đạp phải mìn của Pol Pot. Đó là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi, bởi nếu không nóng vội vọt lên trước theo vết rà mìn của lính công binh thì… Nếu có anh Hai, chắc ảnh đã cản tôi lại. Sau đó, tôi được đồng đội băng bó sơ cứu, đưa về quân y viện phẫu thuật rồi chuyển về trại điều dưỡng thương binh miền Đông điều trị…”.
Cơm nước xong, chị giăng mùng cho Huy nghỉ chờ sáng hôm sau bác Tám đưa anh xuống huyện đón xe đò về quê. Mọi bữa chị đã ngủ rồi, nhưng giờ cứ trằn trọc mãi. Hình ảnh Huy dùng hai cái ghế cóc để di chuyển thấy tồi tội. Tay phải Huy cầm ghế đặt phía trước, sau đó nâng người sang, tay trái kéo ghế lên đặt phía trước, lại nâng người sang. Cứ theo kiểu zích zắc nhích từng chút một. Lúc ăn cơm, chú Út có hỏi Huy về quê sẽ làm gì. Anh nói định mua một chiếc ghe đi bán hàng bông, vừa kiếm sống vừa có điều kiện tìm đến gia đình của đồng đội đã hi sinh.
Tờ mờ sáng, chị còn đang ngái ngủ thì nghe tiếng thì thào ngoài nhà trước. Chị vén mùng bước ra thấy bác Tám đã qua từ lúc nào, đang ngồi nói chuyện với má và Huy. Thấy chị, câu chuyện bỗng dừng lại. Chị không quan tâm họ nói gì, lặng lẽ đi xuống bếp.
Mới hừng đông mà nước đã nhửng lớn. Tiếng con bìm bịp bên kia sông thả giọng khắc khoải từng chặp. Hôm nay má không đi bán rau cải như mọi khi mà kêu chị bắt con gà làm thịt, nấu vài món cúng ba. Lúc má đốt nhang trên bàn thờ, chị nghe má khấn: “Mình sống khôn thác thiêng phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, tui sẽ giữ đúng lời hứa, làm theo ước nguyện của mình với người ta”. Chị ngó sang thấy Huy mơ màng nhìn ra sông, mắt rơm rớm nước. Trong suốt bữa cơm má im lặng, gương mặt đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Chị biết má đang tính toán chuyện hệ trọng nên không dám hỏi, sợ làm gián đoạn. Tánh má xưa nay vẫn vậy, nghĩ xong thế nào má cũng nói cho chị nghe. Chỉ có bác Tám và Huy hỏi thăm vài câu về lúa thóc, bưng biền.
Bác Tám kéo chiếc vỏ lãi cập sát vào bến để Huy dễ dàng di chuyển xuống. Chị đứng nhìn nghe lòng dâng lên một tình thương cảm xót xa. Từ trên nhà, má bước nhanh xuống nắm tay chị, giọng run run: “Huy! Con ở lại đây đi. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Huy lắp bắp: “Con như vầy… còn…”. Chị ngơ ngác chưa hiểu gì thì bác Tám cười khà khà: “Tốt, tốt rồi. Thiếm xử sự vậy chắc chú Hai vui lắm!”…
Hình như nước đang nhửng lớn. Bên kia sông, tiếng bầy bìm bịp kêu rộ lên từng chặp. Giọng con trống khàn đặc, da diết. Giọng con mái lanh lảnh, kêu hãnh. “Hai à, con coi xuồng ai ghé vậy. Mắt má kèm nhèm không thấy”. Giọng má làm chị giật mình. Chị bước ra cửa ngó xuống bến sông. Tự dưng tim chị đập nhanh hơn, mặt nóng bừng. “Ai vậy con?”. Chị ngập ngừng: “Má… Anh Huy… ghé thăm má!”. “Thiệt, thiệt hả?”. Chị cầm bàn tay run run của má. Chị thấy gương mặt hằn vết thời gian và in dấu nhọc nhằn, cơ cực của má bỗng sáng lên. “Đi đi. Con xuống bến dẫn nó lên”. “Dạ. Có vợ chồng thằng Tiến về nữa má”.
Chị bước những bước dài xuống bến sông, nhưng tai vẫn nghe rõ lời má: “Vậy đó mà tụi bây giấu má!”
Tác giả: H.K.G – Giọng đọc: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *