Truyện đêm khuya – Chiến trường đạn bom là nơi thử thách lòng người. Có bao người gan dạ, can đảm vào sinh ra tử như Tấn, như Thoa. Họ đã sống, chiến đấu như bao người chiến sĩ, thanh niên xung phong cùng thời. Tại chiến trường cũng xuất hiện những con người bị tha hóa về đạo đức lối sống, chạy theo bản năng tầm thường như nhân vật ông trạm trưởng trạm xá. Liên tiếp Thoa gặp phải những tai ương. Vừa thoát khỏi nanh vuốt và sự bủa vây của ông trạm trưởng thì Thoa lại gặp tai họa …
Ngày đầu tiên lên gặp chú Mẫn giám đốc tại phòng làm việc, tôi thật sự ngỡ ngàng, từ bộ salon đến ấm chén và cả những dụng cụ thông thường cũng làm tôi lạ lẫm. Tôi chưa kịp chào, chú đã chỉ ghế cho tôi ngồi. Trước mắt chú là bộ hồ sơ lý lịch xin vào làm việc của tôi. Phải là những người đi xin việc làm trong thời buổi khó khăn mới thấy hết nổi hồi hộp lo âu trước buổi thẩm vấn quan trọng này. Tôi cố hết sức lấy lại bình tĩnh và không ngờ khi nghe chú hỏi câu vào đề rất lạ:
– Mẹ cháu mất trong hoàn cảnh nào?
– Dạ! Vì già yếu thôi ạ
– Không phải già yếu đâu – Chú Mẫn khẳng định. Cuộc sống gian khổ và thiếu thốn khiến mẹ cháu mất sớm thôi cháu ạ! Mai mốt chú sẽ hướng dẫn cháu làm lại lý lịch. Cháu có bố chứ không phải là không có đâu. Thôi được, bây giờ chú nhận cháu vào làm việc với điều kiện phải tuân theo sự phân công đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì. Cơ quan có nhiều đơn vị ở vùng sâu, vùng xa được phân công là cháu phải chấp hành và làm tốt công việc được giao. Hai việc ấy làm không tốt chú sẽ đuổi việc. Cháu làm được chứ.
Đến lúc này, tôi đã mở cờ trong bụng. Chuyện đi xa hay công việc khó khăn đến mấy tôi cũng cố sức làm và quyết tâm làm cho bằng được. Đúng như dư luận đã nói, chú Mẫn là người quan tâm đến con cháu của những người đồng đội. Tôi nhờ có vóc dáng cao to, chú cho đi học lái xe ô tô, lấy cho được bằng loại F để chở những loại hàng siêu trọng siêu trường. Từ đây chú Mẫn vừa là thủ trưởng của tôi, vừa là ân nhân của đời tôi. Tôi tâm niệm cố gắng làm việc cho tốt để khỏi phụ lòng của chú. Và tôi vẫn nhớ câu chú nói: Cháu có bố. Như vậy là chú biết bố tôi là ai. Người mà tôi hỏi đến mẹ chỉ khóc, lần nào cũng vậy nên tôi coi như số phận rủi ro đã giáng xuống đời mình.
Chú Mẫn có hai cô con gái đều là học sinh giỏi, một cô đã đi du học nước ngoài, còn một cô sắp tốt nghiệp phổ thông nên nhà cửa khá vắng vẻ. Những dịp đi công tác xa về thế nào tôi cũng ghé thăm chú. Có lần ngồi chơi, tôi mạnh dạn mở đầu:
– Khi còn sống mẹ cháu thường nhắc đến chú luôn.
– Rất tiếc, sau bao nhiêu năm chiến tranh, chú và mẹ cháu ở xa ít có dịp gặp lại nhau.
– Mẹ cháu buồn lắm. Có lẽ vì nhớ bố cháu, chắc chú biết bố cháu là ai, bây giờ đang ở đâu, còn hay mất?
– Chú biết, cháu sẽ được biết và bố cháu sẽ được biết mình còn có một đứa con. Rồi chú Mẫn kể cho tôi nghe và xưng hô không phải bằng chú bằng bác mà bằng tôi như kể với bạn bè.
Tôi và Tấn có được một vài các đồng: đồng trường, đồng tuế, đồng liêu. Chúng tôi thân nhau không phải vì những cái đồng ấy mà còn vì khác tính nhau nữa. Tấn mạnh mẽ, dám làm những việc mà tôi không dám làm. Hồi còn là sinh viên, chúng tôi vào trường được bố trí ăn ở trong ký túc xá. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, suất cơm nhà ăn tập thể ba lạng gạo vẫn chưa no. Những đêm trực gác thì cái đói cùng dằn vặt hơn. Lần ấy đến phiên tôi và Tấn đi trực đêm nhiệm vụ chủ yếu tuần tra xung quanh trường và khu ký túc xá sinh viên để đề phòng kẻ gian đột nhập. Phòng trực của trường tôi nhìn ra cánh đồng lúa. Gió đưa thoang thoảng, tôi thì buồn ngủ còn Tấn mắt chong chong nhìn vào đêm tối mệt vùng; có hai hàng cây trước cổng trường tạo thành những hình thù kỳ dị. Không gian chìm trong im lặng, bỗng Tấn đập vào người tôi, hắn nói:
– Dậy! Dậy mau!
Tôi tưởng Tấn gọi tôi dậy đi tuần tra, tôi dụi mắt đứng lên
– Đi lấy con dao!
– Để làm gì? Tôi hỏi và nhắc: Nội quy có cho phép mang vũ khí đi đâu.
– Cứ vào lấy ra đây có việc gấp!
Ít phút sau, Tấn cầm dao đi trước, tôi theo sau. Trên đường đi Tấn nói:
– Lúc chiều đội vệ sinh phòng dịch vừa bắt chôn con bò của nhà ăn tập thể mua về bị chết, bọn mình ra đào lên cắt thịt nấu ăn.
– Lỡ dịch chết người thì sao? – Tôi phân vân hỏi lại.
– Ôi dào! Mấy bố đi mua bò ở miền núi, đường sá vừa xa vừa xấu, bò chen chúc trên xe, chăm sóc kém chết một con cũng còn là ít.
Tấn băng lên gò đất lô nhô lăng mộ và tiến thẳng đến nơi con bò vừa bị mấy tay được giao đi chôn bò làm quá ẩu, chúng tôi lấy dao đào lớp đất mỏng đã tìm tới đùi bò. Tấn xẻo một miếng mang về.
Tôi vừa đi một vòng tuần tra xong, thịt bò đã chín. Đối với tôi trên đời này có lẽ không gì ngon bằng bữa thịt bò hôm ấy.
Trời sinh ra thế, bao giờ cũng có quan hệ bù trừ những cái tôi không có thì Tấn có. Cái tôi có thì Tấn lại không. Hai đứa tôi giúp đỡ nhau vượt qua kỳ thi làm đề án tốt nghiệp suôn sẻ.
Ra trường Tấn và tôi cùng được phân công về trạm vận tải tiền phương. Vào vùng nắng, gió và cát bỏng trong Tấn lại càng cứng rắn hẳn lên. Với đức tính tháo vát cần cù có thể làm chỗ dựa cho người khác. Tấn được các cô kế toán, cơ yếu, y sĩ trẻ trung xinh đẹp rất có cảm tình. Ấy thế mà cả năm trời Tấn vẫn không chấm được cô nào. Mãi sau này tôi mới khám phá ra Tấn yêu Thoa, cô nữ cứu thương kiêm làm y tá không có bằng cấp. Tình yêu lại một lần nữa được khẳng định là khó hiểu. Tấn kể tôi nghe lần đầu tiên gặp Thoa ở bến Cường Hà. Ông đội trưởng đơn vị bốc xếp có cái đài đeo bên hông. Cứ đến giờ ông lại mở đài B.B.C cho anh em nghe để mở rộng thông tin. Mỗi lần ra bến, Thoa thường đi sau ông không phải để nghe đài mà để nhìn lén anh chàng có khôn mặt đầy nam tính của Tấn. Dù có ý tứ đến đâu cũng không qua được mắt Tấn và cũng do trái tim kêu gọi, Tấn đùa: “Cả đời em chẳng yêu ai, yêu xe Thống Nhất, yêu đài đeo hông” Ông đội trưởng tuy nghiêm nhưng cũng vui tính, ông phụ hoạ: “Anh đây già tóc già râu, đường kia nỗi nọ có đâu đã già”. Câu nói của ông đội trưởng làm không khí vui nhộn gần gũi hẳn lên. Từ đó trở đi không thấy Thoa đi sau ông nữa và có dịp để Tấn đến với cô nhiều hơn.
Các cô tuổi hai mươi đầy sức sống. Cô nào cô ấy quần xắn cao trên đầu gối, áo may ô trắng ngắn tay, luôn ở tư thế sẵn sàng khi có xe thuyền đến bến là lao vào bốc hàng nhập kho, khi có tiếng máy bay lại chạy vào hầm trú ẩn. Có lẽ Tấn yêu Thoa cả những lúc như thế.
Tình yêu là sức mạnh quả đúng không sai, Tấn và Thoa đã làm xuất sắc công việc của mình. Nhưng cái lẽ đời không đơn giản. Trong đơn vị cũng không ít lời ra tiếng vào khiến Thoa khó chịu. Những bức xúc thường ngày Thoa lại tìm đến với Tấn để tiếp thêm sức mạnh. Tấn đối với cô là nguồn động viên không bao giờ cạn.
Trạm xá của đơn vị sơ tán về tại chân đồi cách xa đường quốc lộ, xa sông nhưng gần vùng cung cấp thực phẩm. Trạm chỉ có ba y bác sĩ mà số thương bệnh binh điều trị thường có từ ba tới bốn chục người phần lớn họ là những anh chị em thanh niên xung phong và một số ít là cán bộ nhân dân quanh vùng. Ông trạm trưởng tuy chưa già nhưng không còn trẻ nữa. Các nhân viên trong đơn vị ít khi có mặt ở trạm, người thì đi nhận thuốc, người thì đi mua hàng. Thoa rất ngại khi có việc phải lên trên hầm trạm trưởng. Căn hầm nửa nổi nửa chìm vừa đủ kê một bộ bàn ghế, một giường khám bệnh và một giường cho cá nhân ông trạm trưởng được che bằng tấm màn trắng. Một căn hầm vắng vẻ lại ở xa các căn hầm khác. Vào những đêm tối trời con đường lên hầm trạm trưởng càng âm u rùng rợn. Thoa còn được nghe chuyện kể tại địa điểm này xưa là bãi chém nên vùng này lắm ma. Có chị bệnh nhân còn kể tường tận chuyện đã gặp ma rồi. Thoa không tin vì đã có lần quá nửa đêm về sáng Thoa đã thấy bóng người như tỉnh như mê đang lượn lờ trong khu vực; phải trấn tĩnh lắm Thoa mới nhận ra người bệnh binh bị thương vào đầu đêm không ngủ được thường đi lang thang như vậy.
Phần lớn những lần Thoa phải lên hầm trạm trưởng chỉ thấy ông hỏi chuyện đời tư như mốt đương thời của những thủ trưởng thường quan tâm đến đời sống nhân viên.
– Lâu nay Thoa không đi thăm Tấn à? Người yêu ở gần đây mà mấy tháng nay không thấy Tấn lên chơi. Giận nhau rồi hả?
– Dạ! Không chúng cháu sắp làm lễ cưới rồi ạ!
Ông trạm trưởng vờ như ngạc nhiên. Ông còn hỏi tiếp nhiều chuyện nữa mà chả có liên quan gì đến công việc. Có lẽ ông coi lúc này là dịp để giải toả sau những ngày làm việc căng thẳng để cho qua đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Thoa không nỡ bỏ đi chỉ vì cái quan hệ trên dưới muôn vàn tế nhị. Có đêm Thoa vào ca trực ông đi kiểm tra giúp việc này việc khác. Hầm bệnh nhân phân tán xa nhau, trên đường đi ông say mê chiêm ngưỡng đôi vai tròn và những đường cong mềm mại của cô gái chưa chồng. Ông liên tưởng đến những kỳ nghỉ phép nằm bên bà vợ đẫy đà có cặp mông to đầy quyến rũ. Những ý nghĩ miên man đưa ông về tận nơi Thoa nằm nghĩ. Tội nghiệp ông trạm trưởng xa vợ xa con không kìm hãm được sức cám dỗ của dục tình, ông đưa tay ôm eo và hôn lên má lên môi. Thoa, giọng ông thì thào:
– Trước sau gì em cũng lấy chồng!
Như đoán được hành động sàm sỡ của ông trạm trưởng nhưng Thoa chưa tìm cách thoát ra được. Trong im lặng cô nghĩ đến Tấn. Thấy Thoa không có phản ứng gì, ông trạm trưởng tiến xa hơn, bàn tay ông đã lần vào vùng cấm. Không thể chịu đựng hơn được nữa. Thoa đứng lên nói:
– Chú thôi đi! Hãy nghĩ đến thím ấy ở nhà!
Cơn say của con thú không kìm hãm được hắn vẫn sấn sổ tới. Thoa phải đạp mạnh và gằn giọng:
– Chú đi đi! – Không ngờ cú đạp mạnh ấy trúng vào bộ phận quý của đàn ông làm hắn đau và tỉnh lại.
– Xin lỗi cô Thoa nhé! Thông cảm cho anh!
Sau sự việc ấy xảy ra tấm lòng bao dung của Thoa đã mở rộng sẵn sàng bỏ qua và thông cảm. Cầu mong ông ấy tôn trọng cô hơn để giữ cho được mối quan hệ tốt mấy lâu nay cô hằng gìn giữ. Nhưng ông trạm trưởng hình như không quên được, phần vì ân hận, phần vì xấu hổ với lương tâm mình, ông đề đạt nguyện vọng muốn chuyển đi nơi khác nhưng chưa được chấp nhận thì một việc khác đã xảy ra.
Trạm xá tiếp nhận một ca đặc biệt là nữ thanh niên đang mang thai, yêu cầu nạo để giữ gìn uy tín cho đơn vị và tránh hậu quả khi cô ấy phải một mình nuôi con trong hoàn cảnh đạn bom ác liệt này. Ông trạm trưởng khám và e ngại vì thai đã nhiều tháng, nhưng xét ra không thể không làm. Khi bào thai được đưa ra ngoài đứa bé khóc thành tiếng tuy nhẹ nhưng cũng đủ để người ngoài phòng nghe thấy. Ông trạm trưởng vô cùng lo lắng nhưng không thể kéo dài sự sống cho cái bào thai thiếu nhiều thàng ấy, ông đành liều tiêm thuốc cho nó chết. Ông bơm thuốc vào ông tiêm và gọi Thoa đến nói nhỏ
– Cô tiêm cho đứa bé ngủ kẻo cháu khóc làm ảnh hưởng đến bệnh nhân khác?
Nói chưa dứt lời ông bước ra khỏi hầm bước đi như chạy trốn. Cái non nớt về nghiệp vụ và ngây thơ vô tình đã đưa Thoa vào con đường tội ác.
Sự việc ấy xảy ra ở trạm xá mà trạm trưởng cố tình làm gọn gàng bí mật lại hoá ra ầm ĩ, không ai có thể bưng bít được. Đến tai các nhà chức trách, cô Thoa và ông trạm trưởng bị án ra toà. Ra tiễn Thoa lên xe bịt bùng tôi rơi nước mắt. Không ngờ cô gái dũng cảm ngày nào lại đến cơ sự ấy. Tôi liên tưởng đến dáng Thoa đi thận trọng và bình tĩnh quan sát bốn cánh cửa quả bom nổ chậm còn găm trên vạt đường mòn một bên là vách núi một bên là vực sâu. Hình ảnh Thoa đi tìm kiếm cứu chữa người bị thương thấp thoáng trước căn nhà đỗ nát do bom địch vừa ném xuống. Hình ảnh Thoa nắn bóp, rửa xoa thi thể nạn nhân bị cháy đen, chân tay co quắp để đưa đi mai táng cho đỡ đau lòng người đang sống khiến tôi cảm phục người con gái vừa dũng cảm vừa nhân hậu đảm đang mà tiếc thay cho số phận…
Đêm đầu năm ta và địch tạm ngừng tiếng súng tiếng bom, Tấn một mình nằm gối đầu lên máy điện thoại trực ngoài bến, phía dưới sông một vài con thuyền còn lấp lánh ánh đèn toả ra một không khí thanh bình êm ả, Tấn bồi hồi nhớ quê, trong không gian tĩnh lặng anh nghe rõ tiếng bước chân lao xao trên cát đang tiến về phía mình. Tấn ngồi dậy lên tiếng hỏi:
– Ai đấy?
– Em đây! Tiếng người con gái Tấn rất dễ nhận ra.
– Trời ơi! Thoa đấy à? Sao em đi tù rồi cơ mà!
– Để em vào ngồi đã! Em sẽ kể anh nghe.
Nghe Thoa kể về sự việc xảy ra ở trạm xá giọng nghẹn ngào đầy xúc động, nước mắt của người con gái ấy tưởng chừng như bấy lâu bị ngăn lại nay có dịp trào ra. Đôi vai tròn rung rinh dưới ánh trăng nhạt nhoà khiến Tấn động lòng trắc ẩn.
– Em không còn gì nữa! Mất anh, mất hết. Họ cho em về chờ ngày đi trại. Em đến thăm anh lần cuối. Cầu mong cho anh tìm được người bạn đời khác sống hạnh phúc hơn em.
– Không! Dù hoàn cảnh nào anh cũng không thể mất em, một vài năm sau chúng ta vẫn còn rất trẻ. Đừng buồn nữa em! Nếu có dịp em cứ trình bày lại xem biết đâu có ngày họ minh oan cho em.
– Em chả hy vọng gì, có lẽ cái số em là như vậy! Tấn cố tìm những lời để an ủi Thoa cho vơi bớt nỗi buồn. Còn Thoa như thả cho số phận trôi tới đâu thì tới. Cô thu mình lại ngả hẳn vào lòng Tấn. Đôi tay nhạy cảm của người con trai chưa vợ lần đầu chạm tới da thịt người con gái tạo cảm giác xôn xao kỳ lạ. Thoa nói trong hơi thở nghẹn ngào:
– Em chiều anh đấy. Đừng cười em anh nhé, chúng mình chỉ còn đêm nay nữa thôi…
Ngoài trời đã gần sáng, một ngày mới bắt đầu. Sau đêm đầu năm yên tĩnh một sinh linh mới tinh khôi bé nhỏ đã hình thành.
Ngày Thoa lên xe, Tấn đang làm việc ở trạm trung chuyển bên dòng sông Son ngày thường dịu êm thơ mộng, nước trong xanh và lấp lánh ánh vàng khi buổi hoàng hôn chỉ còn lại những ráng đỏ trên đỉnh dãy Trường Sơn trùng điệp. Ở đây hàng ngày hàng hoá được vận chuyển từ Cường Hà đi Cù Lạc bằng đường bộ, đường sông để đi tiếp vào chiến trường phía trước.
Ông chủ tịch tỉnh và người đội trưởng ra tận hiện trường đôn đốc vận chuyển mấy trăm tấn hàng kịp giải toả trong đêm. Cuộc hội ý chớp nhoáng, tuy chưa phân công cụ thể nhưng lại yêu cầu: Đây là thuyền của dân ở vùng khác đến nên phải có cán bộ dẫn đường. Đi trên sông mà biết có thuỷ lôi địch vừa rải thì cái chết cũng là cầm chắc.
Tôi không sợ chết, nhất là trong chiến tranh cái chết thường đến bất thình lình. Nhưng cái chết được báo trước thì có ý ngần ngại. Nếu được phân công tôi cũng đi, nhưng xung phong thì thú thật tôi chưa dám. Ông chủ tịch và ông đội trưởng còn phân vân trước một việc quan trọng vì nó liên quan đến tính mạng con người. Ngày thường ông đội trưởng có tiếng là nghiêm nghị, hôm ấy trông ông càng sắt đá hơn. Ông xin ý kiến chủ tịch cho vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ đi cả ban đêm và cả ban ngày vì từ đây lên Cù Lạc cây hai bên đường đủ có thể che cho xe dừng lại ẩn nấp. Ông chủ tịch đồng ý nhưng hàng còn tiếp tục đến bến nên không thể bỏ đường thuỷ được. Tôi không ngờ cuộc hội ý căng thẳng, công khai ngoài bến lại được Tấn khai thông. Tấn tình nguyện dẫn thuyền đi trước thăm dò…
Nghe bàn và thấy Tấn đã xung phong, tôi ngồi đứng không yên. Vẫn biết rằng thuỷ lôi lơ lửng dưới nước ai biết nó ở nơi nào mà tránh. Nhưng Tấn đã làm tôi hết sợ.
Tôi và Tấn mỗi người đi theo một thuyền, thuyền Tấn chở nhẹ đi trước, thuyền tôi chở nặng đi sau. Vào ngày thường những đêm trăng như thế này chắc hẳn là thú vị. Dòng sông trong xanh nước róc rách mạn thuyền, thấp thoáng đôi bờ là dãy núi thẳng đứng trang nghiêm hùng vĩ. Gió thổi làm mát những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Tôi còn đang vẫn vơ những ý nghĩ thanh bình thì một ánh chớp sáng lóc xé rách ánh trăng, một tiếng nổ vang rền vách núi, sóng trào lên, thuyền tôi đang đi bỗng dừng lại, trao đi. Thuyền Tấn đang chìm dần, nhờ có ánh trăng tôi quan sát thấy mấy cái đầu nhấp nhô trên mặt nước: Cứu! Cứu với! Tôi cho thuyền áp sát những cái đầu nhấp nhô và cứu được tất cả. Riêng Tấn bị thương máu ra nhiều. Sau lần bị thương ấy Tấn được đưa đi điều trị và chúng tôi xa nhau từ đó.
Cho đến ngày hoà bình lập lại, tôi được chuyển về làm nghề mà mình đã học. Những vốn liếng học ở trường được vận dụng vào công việc ở bến xe ô tô khách vừa được phục hồi sau chiến trạnh, xe thì ít, khách đi xe thì nhiều, phần lớn khách là bộ đội, thanh niên xung phong ở chiến trường phía Nam ra Bắc điều trị an dưỡng nghỉ ngơi. Khách đi xe ngày đó cực khổ vô cùng vì thế nhiều chuyến xe đã trở thành “Chuyến xe bão táp”. Khách chờ xe đến quen cả trưởng bến, tôi đột nhiên trở thành người quan trọng. Cũng vì vậy Tấn và tôi lại có dịp gặp nhau. Thấy tôi Tấn như reo lên!
– Trời ơi! Mày đấy à! Mẫn!
– Tấn ôm choàng lấy tôi quay tròn lắc lắc. Tôi sung sướng cười reo lên. Tấn cho biết vì anh bị thương sức khoẻ yếu nên cho về nghỉ hẳn. Xa nhau bốn năm trời chứ ít đâu, gặp được Tấn tôi rất mừng và có thể giải quyết cho Tấn có vé xe đi ngay, thậm chí không cần vé. Tôi lấy lý do phải chờ xe để giữ Tấn lại. Đêm đó Tấn kể cho tôi nghe một chuyện buồn đối với anh. Anh biết nhà Thoa cũng ở tỉnh này, anh có thể tìm đến được. Nhưng thôi để cho cô ấy yên tâm đến với người khác. Vì sau khi bị thương anh không còn khả năng làm chồng nữa. Ngày ấy tôi chưa biết Thoa đã có con với anh nên tôi không báo thêm được tin gì về Thoa cho Tấn biết. Sau một đêm trò chuyện, sáng hôm sau lên xe anh còn dặn tôi cố tìm gặp Thoa nhắn với cô ấy cho Tấn gửi lời thăm và chúc cô hạnh phúc.
Nhớ lời dặn của Tấn trước lúc chia tay tôi tìm gặp được Thoa. Tiếc rằng ngày gặp được cô ấy thì đã quá muộn. Vì hoàn cảnh éo le, trắc trở, Thoa buồn phiền yếu mệt không thể sống để mong gặp lại Tấn nữa.
Kể đến đây chú Mẫn ngừng lời. Tôi nghe vừa bàng hoàng vừa xúc động khi được biết tôi là con của mẹ Thoa và bố Tấn được sinh ra bên dòng sông yên bình vào một đêm đầu năm của một thời bom đạn.
Tác giả: Đỗ Xuân Ngân – Giọng đọc: Minh Nguyệt