Bài nổi bật

Vịnh Cánh Cung – Yasunari Kawabata

Nghe đọc truyện đêm khuya vov2 – Con người ta đôi khi đã phải bấu víu vào những giấc mơ, sự tưởng tượng về một tình yêu lý tưởng, về một hình mẫu tuyệt vời để cứu vớt cho một thực tại quá ư bất hạnh khổ đau, thất vọng. Mặt khác nữa sự hiện diện của người phụ nữ trong câu chuyện đã thức tỉnh nhân vật chính – nhà văn Kasumi và thức tỉnh với mỗi chúng ta. Rằng liệu lúc nào đó trên đường đời ta đã vô tình lãng quên một điều gì đó. Một cốt truyện trong trẻo, phảng phất nỗi buồn, gợi cảm xúc như khi ta đứng trước một bức tranh thủy mặc….
Tae vào phòng khách nói với bố rằng có một phụ nữ hỏi ông, bà ta bảo quen ông ba chục năm trước đây, ở thị trấn Umiura. Kasumi mời người đàn bà vào phòng khách.
Nhà văn Kasumi hầu như ngày nào cũng có những người khách ông không quen và cũng không hề chờ đợi. Chiều nay, một buổi chiều tháng chạp ấm áp khác thường, ông cũng có khách như mọi khi – ba người đến cùng một lúc. Mỗi người có một việc riêng với Kasumi, nhưng bây giờ, họ cùng ngồi trò chuyện với ông.
Bà khách mới đẩy cửa vào, cúi chào, nhưng chưa vào ngay, hình như bà ngại ngùng khi trông thấy mấy người khác. Kasumi vội nói:
– Mời bà vào đây.
– Tôi bối rối quá. – Bà ta cất tiếng, giọng hơi run – Đã bao nhiêu năm chúng ta chưa gặp nhau… Họ của tôi là Thay. Chắc ông nhớ tôi. Bây giờ, lấy theo họ chồng, tôi là Murano.
Kasumi chăm chú nhìn bà khách mới vào. Bà ta trông khá trẻ, mặc dù có lẽ đã ngoài năm mươi tuổi. Đôi má trắng trẻo của bà ta thoáng ửng hồng. Mắt bà ta to tròn như thiếu nữ, chắc hẳn vì vẫn giữ được không bị béo phì như nhiều phụ nữ ở lứa tuổi ấy.
– Ông Kasumi, trông ông vẫn như xưa… – Người đàn bà nói tiếp, cặp mắt long lanh vui sướng nhìn Kasumi. Ông thì nhìn bà ta vẫn bằng ánh mắt không biểu lộ gì, ông đang cố nhớ xem bà ta là ai. – Ông hoàn toàn chẳng thay đổi gì. Cả khuôn mặt trái xoan, cả đường nét cái cằm, cả khuôn vai – tất cả vẫn hệt như xưa…
Kasumi hơi khó chịu khi bị đem ra mô tả như thế. Cảm giác ngượng ngùng lại càng tăng thêm khi ông thấy mình không nhớ bà ta chút nào.
Người đàn bà ăn mặc rất khiêm nhường. Cả dải dây lưng dài bằng lụa, cả chiếc kimono, cả chiếc khaori màu đen trên ống tay có thêu hình gia huy – tất cả đều bình thường và sờn cũ. Trên các ngón tay của hai bàn tay bé nhỏ không đeo một chiếc nhẫn nào. Nhưng bà ta không gây ấn tượng một người phụ nữ mệt mỏi với những gian truân trong cuộc đời. Bà ta nhanh nhẹn và có gương mặt thanh tú rất sống động.
– Ông Kasumi, ông có nhớ cách đây ba mươi năm ông đã tới thị trấn Umiura không? Chính dịp ấy ông đã đến chơi nhà tôi, đã vào phòng tôi. Có thể ông đã quên cuộc gặp gỡ rồi… Buổi chiều, ngày lễ, ở đền.
– Thật ư?…Lạ nhỉ…
Nghe thấy bà khách nói xưa kia ông đã đến chơi nhà bà ta, lại còn cả vào phòng riêng của bà ta. Kasumi cố lục lọi trí nhớ để tìm dấu vết sự quen biết. Ba mươi năm trước đây chắc bà ta xinh đẹp lắm…Còn ông, hồi ấy ông còn chưa có vợ, ông mới hai mươi lăm tuổi…
– Lần ấy ông đi cùng Hirosi Kida và Kuro Akijama trong chuyến đi vùng Kusu của họ. Ông cùng với họ từ Nagasaki tới thị trấn Umiura chúng tôi dự buổi khai trương một tờ báo mới…
Nhà văn Hirosi Kida và nhà văn Kuro Akijama – bây giờ cả hai đều đã qua đời – nhiều hơn ông khoảng mười tuổi. Cách đây ba mươi năm, họ đang ở đỉnh cao vinh quang và họ bảo trợ ông, một nhà văn trẻ hai mươi lăm tuổi. Quả thật vào những năm ấy họ có đến Nagasaki. Ông biết điều này vừa qua những ghi chép đi đường, vừa qua các truyện ngắn của họ. Chuyến đi ấy bây giờ chắc nhiều người cũng biết.
Nhưng bà khách này đang nói gì thế nhỉ? Chả lẽ hai nhà văn nổi tiếng ấy cho ông cùng đi tới Nagasaki khi ông mới vào nghề viết, mà ông lại không nhớ gì, Kasumi băn khoăn tự hỏi. Ông căng óc ra cố nhớ lại, thì trong kí ức ông hiện ra rõ nét hình ảnh hai nhà văn đáng kính ấy, ông nhớ lại nhiều trường hợp họ nâng đỡ ông, giúp đỡ ông trong lúc khó khăn. Dần dần, ông đắm mình vào cảm giác man mác buồn thường kèm theo các kỉ niệm, và điều ấy có lẽ phản ánh lên gương mặt ông.
– Đấy, ông đã nhớ lại rồi đấy, – bà khách xúc động nói. – Lần ấy, ngay trước khi ông đến, tôi đã cắt ngắn tóc và làm kiểu đầu mới. Ông có nhớ lúc đó tôi còn nói rằng vì chưa quen nên tôi thấy cứ thế nào ấy và lạnh cả tai… Bấy giờ là cuối thu. Ở thị trấn chúng tôi bắt đầu có một tờ báo, tôi vào đó làm phóng viên nên mới cắt tóc ngắn. Khi ông nhìn cái cổ để lộ ra của tôi, tôi giật mình như bị kim châm, và tôi ngoảnh đi. Còn khi chúng ta vào phòng riêng của tôi, ông nhớ không, tôi lập tức mở cái hộp đựng cái dải băng buộc tóc khoe với ông. Có lẽ lúc tôi muốn chứng minh với ông rằng mới đấy tóc tôi còn dài lắm. Ông rất ngạc nhiên thấy tôi có bao nhiêu là băng. Tôi luôn thích các dải băng, từ hồi nhỏ…
Mấy người khách kia im lặng. Họ cho rằng bây giờ chủ nhà chú ý nhiều tới bà khách vừa mới đến là hoàn toàn đương nhiên. Ngoài ra, trong cách xử sự của bà ta có một cái gì đó buộc họ phải im lặng cho nên họ chỉ ngồi, để mặc hai người nói chuyện và làm ra vẻ như không nghe thấy hai người nói chuyện gì.
– Sau lễ khai trương tờ báo, chúng ta đi từ trên đồi xuống mé biển. Hoàng hôn đỏ rực như thể cả thế giới sắp bốc cháy. Ông Kasumi, đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời ông nói: “Cả ngói trên các mái nhà, cả mặt cô – tất cả xung quanh đều như bằng đồng đỏ…” Tôi đáp lại rằng Umiura nổi tiếng về cảnh hoàng hôn đẹp! Đúng là như vậy. Đến bây giờ tôi vẫn thường nhớ lại cảnh hoàng hôn ở đó…
Nhưng hôm chúng ta gặp nhau, hoàng hôn đẹp một cách đặc biệt.
Vịnh biển cắt dải bờ núi non thành một hình bán nguyệt, giống như cái cung, bởi vậy thị trấn đó được gọi là Umiura – Vịnh cánh cung và màu sắc hoàng hôn ở sâu trong vịnh như đậm thêm, rực rỡ hơn. Còn bầu trời vẩn mây hôm đó như thấp hơn mọi khi, và đường chân trời thì gần một cách kì lạ, tưởng như đàn chim đổi mùa chẳng còn nơi nào mà bay. Màu nước trong vịnh rực rỡ đến nỗi cứ như bầu trời không chỉ phản chiếu trong đó, mà là trút xuống đó toàn bộ dự trữ sắc màu đỏ rực của mình. Trên mặt vịnh có những con thuyền trang hoàng cờ hoa tươi thắm. Ngồi trong thuyền là những đứa trẻ ăn mặc đẹp đẽ, chúng đánh trống và thổi sáo. Ông nhìn những chiếc thuyền ấy và bỗng nói: “Có lẽ cả trời cả biển sẽ đều bốc cháy nếu ta châm một que diêm vào quần áo đỏ của những đứa trẻ kia”. Ông nhớ không?
– Lạ thật, tôi không nhớ gì cả…
– Trí nhớ tôi cũng kém đi nhiều sau khi tôi lấy chồng. Không hiểu sao tôi hay quên quá. Chắc là vì trong cuộc đời có quá ít những niềm vui sướng đáng để ta lưu giữ trong kí ức…Nhưng nếu bận rộn và hạnh phúc như ông, có lẽ người ta cũng không nhớ được những điều vụn vặt. Mà cũng chẳng cần nhớ làm gì… Còn đối với tôi, thời gian tốt đẹp nhất trong đời là những ngày tháng tôi ở Umiura.
– Bà ở đó lâu không? – Kasumi hỏi để duy trì câu chuyện.
– Không, không lâu. Nửa năm sau cuộc gặp gỡ của chúng ta, tôi lấy chồng và đến ở Numatzu. Bây giờ các con tôi đã lớn. Cháu trai tốt nghiệp đại học và đi làm, còn cháu gái đã đính hôn… Tôi sinh ra và sống một thời gian dài ở Sidzuska, nhưng sau đó tôi bất hòa với mẹ ghẻ, nên tôi được gửi tới một gia đình họ hàng ở Umiura. Ngay sau khi tới đó, để phản kháng, tôi vào làm ở tòa báo. Nhưng ít lâu sau bố mẹ tôi biết, liền gọi tôi về và gả chồng cho tôi ở Numatzu. Cho nên tôi ở Umiura vẻn vẹn có bảy tháng…
– Thế chồng bà làm gì?
– Ông làm giáo trưởng đền Sinto ở Numatzu.
Kasumi không quen ai thuộc giới ấy, cho nên với một hứng trí mới mẻ ông đưa mắt nhìn bà khách, nhìn vầng trán cao đẹp đẽ của bà ta chỉ có một món tóc che ở giữa. Bây giờ người ta đã quên cả tên kiểu tóc như thế kia – “fudzi” lại cuốn hút sự chú ý của Kasumi.
-…Trước kia chồng tôi khá giả lắm, và chúng tôi sống rất sung túc. Nhưng sau chiến tranh, đời sống ngày càng tồi tệ… Tôi được con cái tôn trọng, chứ chồng tôi thì cả hai đứa chúng nó đều hay cãi lại.
Vịnh Cánh Cung – Yasunari Kawabata
Chỉ bằng một câu ấy, người đàn bà đã để lộ ngay cho Kasumi thấy sự trục trặc trong gia đình bà sâu sắc nhường nào.
– Đền Sinto ở Numatzu lớn hơn nhiều so với ngôi đền ở Umiura, ông nhớ không, đó là nơi chúng ta gặp nhau trong buổi lễ hôm ấy…Đền ở Numatzu lớn, nên cai quản không dễ. Bây giờ chồng tôi lại còn bị buộc tội là đã tự ý bán một mảnh đất ở khu vườn của đền…Mà ông biết không, tôi đến Tokyo thế này là tôi giấu chồng tôi đấy!
-…?
– Trí nhớ con người thật đáng quý! Con người ta có thể nhớ được quá khứ bất chấp mọi thử thách của đời thường – năng lực ấy là món quà tặng lớn lao của ông trời. Ông Kasumi, ông có nhớ khi chúng ta từ trên đồi xuống biển, lúc đi qua ngôi đền bên trong đang có lễ cầu nguyện, ông nói: “Chúng ta không nên ghé vào, trong đó rất nhiều trẻ con”. Gần ngôi đền ở hõm đá chứa nước rửa mặt, có một khóm hải đường với vài bông hoa trắng…Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ – người nào trồng khóm cây ấy chắc phải có một tâm hồn dịu dàng và trong sạch lắm…
Kasumi không còn nghi ngờ gì nữa – trong các kỉ niệm của người đàn bà này, ông như là người tham gia và chứng kiến tất cả những sự kiện nho nhỏ ở Umiura. Và dưới tác động câu chuyện bà ta kể, ông có cảm giác quả thật ông đang nhớ lại được cả dải bờ vịnh uốn cong đỏ rực trong ánh hoàng hôn, cả khóm hoa hải đường. Nhưng đồng thời ông cũng cảm thấy không thể đi cùng với người đàn bà này trong chuyến đi của bà ta vào thế giới kỉ niệm mà bà ta cố kéo ông vào.
Thời gian gần đây trí nhớ của Kasumi kém đi nhiều. Nói chuyện với một người quen cũ, lắm khi ông chợt phát hiện ra rằng mình không sao nhớ ra tên người đó. Tình trạng này vừa đáng lo ngại vừa đáng sợ. Như bây giờ chẳng hạn, ông cố nhớ lại chuyến đi Umiura, và do căng óc ra như thế mà không ăn thua gì, đầu ông nhức như búa bổ.
– Căn phòng của tôi ở Umiura rất khiêm nhường…ông chỉ vào đó có mỗi một lần… Và đây, chúng ta đã gặp nhau sau ba mươi năm…
Kasumi cố gắng mấy cũng không nhớ lại được căn phòng của bà ta. Do cố quá, lông mày ông nhíu lại, mặt ông đăm đăm. Bà khách thấy vậy vội nói:
– Tôi xin lỗi vì đường đột đến đây. Tôi đã chờ rất lâu một dịp gặp ông. Tôi rất mừng. Tôi… tôi còn muốn nói rất nhiều điều với ông…ông cho phép tôi đến thăm ông lần nữa chứ?
– Rất vui lòng.
Chắc hẳn người đàn bà e ngại mấy người khách kia nên nói chưa hết những gì muốn nói. Khi Kasumi ra phòng ngoài để tiễn bà ta, ông sửng sốt trước sự thay đổi đột ngột của người phụ nữ này. Động tác của bà ta trở nên yếu ớt và kiệt sức, như thể các bắp thịt bỗng không chịu tuân theo ý bà ta nữa. Người phụ nữ chỉ cảm thấy yếu ớt như vậy trước người nào đã từng có lần ôm mình.
– Cô gái ban nãy đưa tôi vào nhà là con gái ông?
– Vâng.
– Rất tiếc là tôi không được gặp vợ ông.
Kasumi không đáp. Ông đi đằng trước. Đến cửa, ông ngoảnh về phía bà ta và hỏi:
– Bà bảo tôi có vào phòng riêng của bà?
– Vâng. – Bà khách nói, quay nửa người về phía ông. – Và tại đó, ông đã ngỏ lời với tôi…
– Gì kia?
– Nhưng tôi đã đính hôn với người chồng tôi hiện nay của tôi và tôi đã nói với ông điều đó, tôi từ chối ông… mặc dù…
Tim Kasumi như thắt lại. Dù trí nhớ ông kém đến đâu, nhưng quên mất và không thể nhớ lại cô gái mà xưa kia ông đã ngỏ lời thì không còn là một điều buồn cười nữa, mà là một điều đáng sợ. Ngay hồi còn trẻ, ông cũng đâu có dễ dàng tỏ tình đến thế.
– Ông Kasumi, lúc ấy ông đã hiểu tôi một cách đúng đắn, – bà khách nói, và mắt bà ta ứa lệ. Đôi tay run run, bà ta lấy từ trong xắc ra một tấm ảnh.
– Đây là các con tôi. Con gái tôi đã cao hơn tôi, nó rất giống tôi hồi trẻ.
Nhìn tấm ảnh, Kasumi thầm tự hỏi: lẽ nào xưa kia đúng là ông đã gặp cô gái này và ngỏ lời với cô?
– Hôm nào tôi sẽ tới đây cùng với con gái tôi. Có thể ông muốn nhìn xem hồi trẻ trông tôi như thế nào, – giọng bà khách nghẹn ngào. – Tôi đã kể về ông cho các con tôi nghe. Chúng đã biết hết chuyện, ông Kasumi ạ, và chúng nói về ông rất trìu mến…Còn điều này nữa – cả hai lần mang bầu, tôi đều rất yếu, thậm chí tôi thường bị ngất luôn. Nhưng ông biết không, đôi khi tôi có cảm giác như đứa con trong bụng tôi là con ông, thế là tôi dễ chịu hơn. Thật kì lạ, phải không ông? Nhiều lần, tôi chợt thấy mình muốn giết chồng… Cả chuyện ấy, các con tôi cũng biết.
– Sao lại thế? Không thể được. Như vậy không tốt…
Kasumi ngừng bặt, không tìm ra lời để nói, nhưng có một điều ông thấy rất rõ: người đàn bà này rất bất hạnh, bất hạnh lắm lắm. Và gia đình bà ta cũng vậy. Mà nguyên nhân là ông, Kasumi… Nhưng… biết đâu các mơ tưởng về ông đã làm dịu lòng bà ta, đã đem lại cho cuộc đời đau khổ của bà ta ít nhiều niềm vui. Và niềm vui, bà ta đem chia sẻ cả với hai đứa con…
Kasumi cảm thấy mình rất có lỗi với người phụ nữ này, làm sao trong kí ức ông lại không lưu giữ được, lại đã biến mất hết tất cả những kỉ niệm mà bà ta trân trọng đến thế.
– Ông có muốn giữ tấm ảnh này không? – Bà ta hỏi.
– Không, không cần đâu, – Kasumi lắc đầu, đáp.
Bà khách thong thả đi ra cổng. Rồi đi khuất hẳn.
Kasumi quay vào phòng khách, tay cầm cuốn bản đồ chi tiết nước Nhật và cuốn Từ điển địa danh. Cùng với mấy người khách, ông lật giở cả cuốn bản đồ, cả cuốn từ điển, nhưng trên đảo Kusu cũng như trên các đảo khác đều không đâu có thị trấn Umiura.
– Lạ nhỉ. – Kasumi nói, rồi nhắm mắt lại, ông hồi tưởng. -Như tôi nhớ thì trước chiến tranh tôi chưa có dịp tới Kusu…Phải rồi, đúng là chưa. Lần đầu tiên tôi đến đó là hồi chiến tranh, tôi đến Nagasaki để xem hậu quả của bom nguyên tử…Trong lần này, một người ở đó có kể cho tôi nghe về chuyến viếng thăm của hai nhà văn Kida và Akijama…
Mấy người khách mỉm cười bàn luận về những ảo tưởng của bà khách do trí tưởng tượng của bà ta tạo ra. Cả ba người đều cho rằng bà khách không hoàn toàn bình thường. Nhưng Kasumi im lặng. Ông không thể bảo đảm cái đầu của chính ông đã ổn cả. Ông chẳng đã tin câu chuyện của người phụ nữ ngay từ đầu, lại còn bỏ ra bao nhiêu thời gian và sức lực để cố nhớ lại bà ta đó sao. May mà lần này tất cả chỉ là tưởng tượng – đơn giản là không hề có thị trấn Umiura. Nhưng biết bao sự việc có thật trong đời ông đã bị ông quên hẳn lại vẫn sống trong kí ức những người ông không quen biết… Vẫn sống không phai mờ như ở người phụ nữ này. Và cả sau khi ông qua đời, bà ta cũng sẽ vẫn tin rằng xưa kia, ở thị trấn kia, ông đã ngỏ lời với bà ta.
MỸ HÀ dịch
(Lấy từ Truyện ngắn Nhật Bản,
nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ, 2000)
BTV Tuyết Mai – Giọng đọc: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *