Giới thiệu truyện ngắn: Họp Lớp – tác giả: Đậu Hải Nam
Bên cạnh việc khơi dậy trong mỗi người đọc, người nghe niềm khắc khoải với tuổi trẻ, với cuộc đời, truyện ngắn “Họp lớp” của tác giả Đậu Hải Nam còn mang tới những thoáng cảm động trước cảnh huống tình yêu, tình cảm gia đình, bè bạn. Để chúng ta nhận ra rằng, dù bao biến động đi chăng nữa, dù những ước mơ không thành, có hay không thành đạt trong đời, chỉ cần được sống trong hạnh phúc giản đơn của yêu thương, con người sẽ vì thế mà giữ được phần nào đó tấm lòng thiện lương.
Xã tôi rất có truyền thống, tên là Thịnh Đại, nhưng dân trong huyện cứ gọi là Xã Quan. Hồi tôi học năm thứ hai đại học, chú tôi đến nhà nói: – Thằng Thiệp học hành thế nào, có đua được với đời thì đua, nếu không, về làm việc với chú, đi đâu quê hương xứ sở của mình chẳng là nhất. Cán bộ huyện mà biết xoay xở cũng sống được đấy.
Còn Mùi vợ tôi, dóng dả, xinh đẹp, là giáo viên, công việc ổn định, ngày trước rất đông kẻ đến cưa tán. Nàng về huyện sau tôi một năm. Thị trấn trung du bé tẻo, vừa bụi bặm, vừa heo hút, nhân dân nhẵn mặt quan chức, thông tin về Mùi được mọi người cập nhật còn nhanh hơn báo điện tử. Đối với tôi, chinh phục nàng không những là cuộc chiến tình yêu, mà còn là vấn đề danh dự.
Chúng tôi lấy nhau, huyện phân cho một mảnh đất. Vợ chồng dành dụm chắt bóp dựng lên ngôi nhà vừa vừa. Mùi đẻ đứa thứ nhất, đứa thứ hai, rồi cô ấy đặt vòng. Tôi làm xong thạc sĩ và tốt nghiệp thêm một lớp trung cấp chính trị. Mùi đức hạnh, chuyên cần, lo lắng chỉn chu chuyện chợ búa, cơm nước, con cái, giặt giũ… Tôi chẳng có gì phàn nàn về nàng. Ba mươi tuổi đã giữ chân trưởng phòng huyện, tôi thấy cũng chẳng muộn màng gì.
Đã mười năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi quyết định họp lớp. Lớp tôi có bốn mươi tám sinh viên, dân kỹ thuật, đa phần là đực rựa. Nước ta có sáu bốn tỉnh thành. Tôi giữ quan hệ với một số người, một số khác tôi biết tin, nhưng cụ thể ai ra sao, ở đâu, làm gì thì chịu. Mọi người được thông báo, đem theo vợ con để bạn bè gặp mặt. Địa điểm: khách sạn Hương Sen, thị xã biển X. Thời gian, bắt đầu từ thứ bảy đến chiều chủ nhật.
Thông báo tình hình với vợ xong, tôi hỏi:
– Em có muốn đi không?
– Tùy anh – Mùi đáp gọn lỏn.
– Nhưng em có muốn đi không? – tôi nói – Đằng nào cũng chỉ góp một suất tiền.
– Em nửa muốn đi, nửa không – Mùi đáp, sau một lúc yên lặng – Em sợ say sóng, còn các con nữa – Cô ấy cúi xuống, chăm chú nhặt tiếp mớ rau muống.
– Sống cần phải có nguyên tắc, có tổ chức, có tập thể – tôi nói một cách quả quyết.
Tối đến, Mùi lích kích sắp soạn quần áo cho tôi, cho con, rồi quần áo cho nàng, đến đủ thứ linh tinh khác như thuốc cảm, thuốc chống nôn, khăn mặt… vào túi du lịch. Nàng lôi trong tủ ra cái váy lụa màu mỡ gà, ướm thử trước gương, rồi ngập ngừng hỏi tôi: “Em mặc cái này có… được không!?”. Cái váy tôi mua cho Mùi, cô chỉ mặc trong phòng ngủ một hai lần rồi cất, vì nó hơi cộc đối với văn hóa địa phương. Nhớ đến giá tiền của nó, tôi nói: “Vẫn còn mốt đấy. Hôm trước, anh đi dự hội diễn văn nghệ toàn ngành dưới thành phố, thấy chị cán bộ sở vẫn mặc một cái giống thế”.
***
Mùi hối hả dặn cha tôi (cụ từ làng ra để trông nhà) mì tôm ăn sáng ở đâu, buổi trưa, buổi tối làm sao cho khỏi đói, cho chim, cho chó ăn ra sao, rồi mới chui vào ô tô. Xe chạy một quãng, nàng còn ngoái lại nhìn, như sợ khi trở về, ngôi nhà của chúng tôi sẽ biến mất.
Chúng tôi đến thị xã biển X vào lúc sang chiều. Thời tiết cuối hạ, chưa chớm thu. Nắng vàng trong. Tôi bảo lái xe bấm cửa kính xuống, hơi biển nồng hậu ùa vào. Lặng ngắm biển cồn cào trắng xóa, thấp thoáng sau những đụn cát, rừng phi lao lưa thưa, tôi cảm thấy một chút có tội, khi nghĩ rằng, cả ba mẹ con Mùi, chưa ai biết nước biển mặn ngọt ra sao.
Bạn cũ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện mới chuyện cũ, chuyện thăng trật, chuyện gia đình, chuyện tiếu lâm… đủ cả. Điểm tên những người có mặt, tuy không được đông đủ, nhưng tôi vẫn rất vui. Mùi không tự nhiên cho lắm.
Sau khi ổn định chỗ ở, nghỉ ngơi lại sức, gia đình tôi ra biển tắm. Mùi lừng khừng níu tay tôi, đưa mắt nhìn mấy người phụ nữ vừa bước ra từ phòng cho thuê áo tắm, hỏi nhỏ: “Cứ tồng ngồng thế à? Ngượng chết!”. “Ô hay!”- tôi động viên nàng – “Cả dân cả nước như thế, có phải mình em đâu”. “Thôi, em không dám đâu” – Mùi nói, và trở về phòng. Ba cha con tắm vui và lâu, môi lũ trẻ tím đi vì lạnh…
***
Đang nằm thiu thiu trên giường, tôi chợt mở mắt. Mùi tần ngần với cái váy lụa trên tay. “Mặc vào đi” – giọng tôi khê ngái. Khi Mùi từ phòng tắm đi ra, tôi tỉnh ngủ hẳn, nhìn nàng chằm chặp. Chiếc váy ngắn quá gối, dính sát vào cơ thể, làm những đường cong của nàng rõ lên. Dù đã có hai con nhưng Mùi vẫn thon thả, bụng dưới chưa trướng lên, eo ra eo, mông ra mông, cặp đùi trắng và thẳng tắp.
– Em mặc thế rất… rất… gợi cảm – Tôi nói – Ăn đứt bọn gái phố.
– Vâng! – Mùi nói. Nàng vẫn e dè và hơi buồn.
Chúng tôi tìm lũ trẻ rồi xuống hội trường dự tiệc tối.
Chỉ hơn năm mươi người ngồi quanh một dãy bàn được ghép lại từ những bàn nhỏ, để có không khí thân mật. Đây là quyết định của ban tổ chức. Lớp trưởng cũ ề ề đọc một bài diễn văn: “Mười năm, thời gian đủ tạo dựng nên những thành công, và khắc sâu thêm kỷ niệm…”. Sau đó, hắn ôn lại một số kỷ niệm đáng nhớ, xen lẫn kỷ niệm buồn cười, khắc ghi công lao dạy dỗ của thầy cô…
Cỗ bàn bắt đầu được ùn ùn bưng lên.
Lớp trưởng tiếp tục nêu tên một số người, đang nắm những chức vụ nào, thành công ra sao. Đoạn này, tôi có hào hứng một chút. Tiếp đó, hắn nêu bật ý nghĩa của buổi họp lớp, để củng cố lại tình cảm trong quá khứ, nối dựng các mối quan hệ, giúp đỡ nhau trong công việc tương lai… Rồi hắn nói: “Thay mặt cả lớp, tôi xin bày tỏ tình cảm với những người bạn không có mặt hôm nay”.
Vì tắm biển nhiều, tôi đói ngấu. Đứa con trai lớn của tôi gần bảy tuổi, có vẻ ỉu xìu mân mê mí khăn trải bàn. Đứa con gái nhỏ cứ bò từ lòng mẹ ra đưa tay vớ thức ăn. Mùi đã mấy lần lôi nó lại, thậm chí đánh dọa vào tay.
Lớp trưởng cũ hiện là viên chức quèn ở cơ quan nọ. Đột nhiên trở thành lãnh đạo, hắn càng nói càng hăng, không nhìn vào tờ giấy cầm trên tay nữa. Nhưng rồi, hắn nhìn đám đông đang ì xèo, nuối tiếc nói “Xin cảm ơn các bạn!”. Hắn đề nghị mọi người vỗ tay. Chúng tôi vỗ rất nhiệt tình. Hắn ra hiệu im lặng, rồi tiếp: “Tôi xin trân trọng giới thiệu Nguyễn Đức Trung, Giám đốc công ty Y, người tài trợ phần lớn kinh phí cho buổi họp lớp đáng nhớ này, phát biểu vài lời”.
Giám đốc Trung ra chiều cảm động đứng dậy, e hèm mấy phát để lấy tư thế. Thức ăn vẫn mang lên ùn ùn. Tôi nghĩ, hắn đã bỏ tiền ra, thì cũng nên để hắn nói một vài câu. Giám đốc Trung bắt đầu ôn nghèo kể khổ, nhắc lại kỷ niệm của hắn với một số người trong lớp…
Tôi sắp đột quỵ đến nơi, thì Đinh Bộ Lĩnh (tên là Đinh, nhưng chúng tôi ghép thêm Bộ Lĩnh, hoặc Đinh đen) ở đâu ùa đến. Hắn oang oang:
– Hê..! Hê..! Suýt nữa thì đếch đến được. Mẹ kiếp, lũ ghê quá, tắc mẹ nó cả đường, phải bơi qua suối.
Giám đốc Trung nhìn Đinh có vẻ khó chịu. Còn Đinh như không biết, vẫn liên mồm: “Ơ!… Đến ít thế à. Bố mày ở trong rừng, cách hàng trăm cây số mà còn cố đến, bọn kia chết hết rồi à?”. Vài người xì xào chào Đinh, trong khi lớp trưởng nghiêm giọng: “Đề nghị đồng chí Đinh ngồi vào chỗ, để lớp tiếp tục chương trình làm việc”.
Chưa kịp nhận chỗ nghỉ, nên Đinh cứ thế xách cả ba lô vào bàn tiệc. Vừa đặt mông xuống, hắn đã lơ láo nhìn quanh để bắt chuyện.
Tôi căm tức, kín đáo ném cái nhìn về phía Đinh đen. Hắn mặc cái quần bò tã sờn, áo phông, đi giày thể thao, chiếc mũ tai bèo bám ở sau lưng, cái kính trật lên trên đầu. Mắt hắn trắng dã, tóc tốt như rừng… Theo tôi biết, Đinh đã làm việc ở nhiều nơi, cho nhiều cơ quan khác nhau. Gần đây, hắn làm cho dự án bảo vệ tài nguyên môi trường, của một tổ chức phi chính phủ.
Hồi trước, thế hệ 7X chúng tôi ít mơ ước những điều xa xôi, có gì đó ù lỳ, kém năng động, tư tưởng ăn bám xã hội hãy còn nặng nề. Tôi thường nói với bạn bè, khi mình ra trường, về huyện nhà công tác lúc nào cũng được, như khoe một giá trị của bản thân. Còn Đinh cứ trống không: Xông pha với bạn với đời/Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, cái kiểu trai làng ta lấy gái làng ta, gà què ăn quẩn cối xay, đẹp thì đẹp nhưng buồn lắm. Tôi biết hắn nhắm vào tôi.
Trò gì Đinh tham gia, từ học tập, đánh lộn, đánh bạc, đánh đàn… đều làm tốt. Hắn ồn ào, khó chịu, và có thể văng tục ở mọi nơi. Có lần, tôi nói: “Ông tục tằn quá, mất tư cách con người đi”. Hắn trả lời: “Đấy là ông ngu, ông không hiểu cái vĩ đại trong con người tôi”. Sau đó Đinh giải thích rằng, hắn nghiên cứu mọi môn, từ khoa học cho đến văn học và hắn đang tìm đường đến với chữ Đạo. Sau bao năm, không hiểu Đinh đã tìm được cái hắn muốn chưa, nhưng hắn vẫn thế, da vẫn đen sì, thậm chí chẳng già đi chút nào. Lũ con trai chúng tôi chẳng ưa gì Đinh đen, nhưng phải công nhận rằng, ở Đinh có cái gì đó làm ta đặc biệt tin cậy. Bằng cách nào đó, tất cả các cô gái đều phải lòng Đinh đen. Tệ hơn cả là Mùi vợ tôi hình như… yêu hắn.
Giám đốc Trung tình cảm quá dạt dào, bắt đầu nói đến những trải nghiệm, suy ngẫm về nhân tình, thế thái…
– Ê! Trung xà lỏn ơi! – Đinh đen đột ngột cất tiếng – Măm thôi, đói bỏ mẹ ra còn lè nhè. Để cho trẻ con nó ăn với chứ.
– Trung là Giám đốc công ty, tài trợ cuộc vui hôm nay đấy – lớp trưởng nói. Da trán hắn cau nhúm cả vào một chỗ.
– Giám giám cái con… khỉ. Bạn bè trong lớp, đồng đẳng đại đồng hết. Đói rồi là phải đớp. Rề rà điếc tai bỏ mẹ – Đinh tỉnh bơ tiếp.
Ngày trước, Trung muốn giữ quần áo luôn mới nên mùa đông hắn cũng mặc quần đùi. Gọi hắn là xà lỏn vì thế. Trung muốn quên đi, nhưng Đinh đột ngột nhắc lại, Trung giận lắm, lắp ba lắp bắp…
– Đốc, đốc cái gì – Đinh nói – Hồi ấy, tao không ném bài cho môn Xác suất thống kê, thì đứt phừn phựt, hết đốc – Đinh huơ tay – Thôi, rót rượu thôi. Cái Halico này nhẹ quá, đổi thành Lúa Mới cho nặng tình, nặng nghĩa.
– Halico thôi, Lúa Mới nặng quá – tôi buột miệng.
Đinh nhìn về phía tôi, có lẽ hắn cũng thấy cả Mùi. “Tôi vốn thích Lúa Mới”- Đinh nói – “Nhưng mọi người đều muốn Halico, thì chúng ta sẽ uống Halico”.
Thoát được lớp trưởng và nhà tài trợ, lại thêm lửa Halico thắp lên trong lòng, chúng tôi chuyện trò như chợ vỡ. Mọi người đi vòng quanh bàn, chúc nhau đủ thứ. Dàn máy karaoke phát huy tác dụng. Mấy ông bạn ồm ồm hát nhạc đủ các thứ màu. Khi mọi người đã loạng quạng, Đinh đen có vẻ điềm đạm, cởi mở đến với tôi. Đinh bảo, trông tôi rất khá, có tướng lắm. Tôi nghe câu được câu chăng, đáp: “Ừ! Chúc cậu khỏe”. Chúng tôi trăm phần trăm xong, hắn bỏ đi.
Tôi nhìn sang Mùi. Không hiểu từ lúc nào, má cô ửng đỏ lên, đôi mắt đen trở nên láu lỉnh và bí ẩn. Cô bắt đầu cười rất tươi với những người xung quanh, và đối đáp theo kiểu à ơi, ơi à với họ…
Đinh cướp lấy micrô, tuyên bố rất to rằng, mọi người im mồm đi để hắn hát. Khi chúng tôi im lặng, Đinh cất giọng:
– Anh đến cùng hoa thì hoa kia đã nở/Anh đến cùng đò thì đò đã sang sông/Anh đến cùng em thì em đã lấy chồng/Em yêu anh như rứa đó, hỏi mặn nồng lấy chi…
Đinh tợp một muỗng canh, rồi giả giọng nữ hát tiếp:
– Hoa đến mùa thì hoa phải nở/ Đò đã đầy thì đò phải qua sông/ Đến duyên em thì em phải lấy chồng/Em yêu anh như rứa đó, còn mặn nồng thì tùy anh…
Bài dân ca Nghệ đều đều, không sướt mướt bi lụy, thậm chí cũng không buồn. Nó chình chịch thấm vào lòng người nghe một sự thật… Giọng của Đinh khê nồng rượu, khản đặc thuốc lá, nhưng rất có hồn.
– Hát hay không!? – Đinh nói trống không.
Thắng béo ị ngồi đối diện tôi, đang hả mồm, mắt nheo nheo, tay giơ lên giơ xuống theo nhịp, đột ngột tỉnh lại, gõ phạch đôi đũa xuống bàn thốt lên:
– Hay!.. Hay thật!..
– Thằng đểu – Tôi lầm bầm thành tiếng.
– Hê!.. Hê!.. Có hay không!? – Đinh hỏi lần nữa, to hơn.
– Hay!… – Mọi người đồng thanh.
– Hay thì trăm phần trăm đi! – Đinh cầm chén rượu giơ qua giơ lại, hô lên.
Chúng tôi đã uống quá nhiều, cầm chén đưa lên là chủ yếu. Một số người uống chút chút. Thấy vậy, Đinh khích: “Rượu là cao gạo mà chê à. Hay là quý ông sợ vợ?”. Dường như khoái với ý tưởng sợ vợ, hắn triển khai thêm: “Đàn ông to khỏe, cơ bắp thế kia, sợ gì không sợ, lại đi sợ vợ!”.
Rượu và đám đông làm dây thần kinh tự ái căng thẳng. Không khí bàn tiệc trầm xuống. Tôi nhìn sang Mùi, cô ấy mỉm cười, lảng đi, dỗ đứa con gái nhỏ nuốt thứ thức ăn nào đó. Vợ chồng Thắng béo lườm nhau đầy ý nghĩa. Thắng béo đã ục ịch từ hồi còn sinh viên, má phệ, bụng phệ, chân tay ngắn thụn thịn. Lấy được vợ, Thắng càng béo hơn. Vợ Thắng đại loại cũng tròn tròn như hắn. Hình như, bị vợ véo, Thắng vùng và vùng vằng đứng dậy. Khi đứng hơi vững, Thắng nhìn mọi người, vẻ phân bua:
– Ờ!… – Thắng nói – Sợ vợ đấy. Tôi sợ vợ tôi chứ tôi có sợ vợ người khác đâu. Vợ mình thì mình cứ việc sợ, các ông nhể!?…
– Ờ!.. – Cả bàn tiệc hùa theo.
Anh béo tiếp tục:
– Thằng không có vợ thì biết chó gì mà nói, các ông nhể!?…
– Ờ!.. – Cả bàn tiệc đồng thanh.
Cảm thấy không điều khiển được đám đông, Đinh hất tọt chén rượu vào họng, dằn cái ly xuống bàn: “Các ông mỗi người kiếm một cái váy mà mặc. Tôi xin đầu hàng!”.
Nào mực, nào tôm, nào thịt bò, thịt nướng, nào giò, nào chả… Chúng tôi im lặng cắm mặt ăn, thỉnh thoảng mới có tiếng ai đó nói, nhưng chẳng hiểu nội dung là gì. Chúng tôi ăn như để quên thực tại, ăn như không có ngày mai. Cầm cả đĩa có món mình thích mà trút vào bát. Tiếng thở, tiếng bát đĩa lách cách, tiếng húp soàn soạt, pha lẫn tiếng trẻ con í ới… Cứ thế, chúng tôi dọn sạch bong bàn tiệc.
Thắng béo ưỡn người, xoa xoa hai tay vào bụng, hể hả thở phì ra, nói:
– Ngon!.. Ngon thật!..
Đinh đen bô bô với lớp trưởng và Trung xà lỏn rằng: “Ban tổ chức không lấy phòng cho tao, tối tao ngủ với vợ chúng mày đấy”.
Trung xà lỏn đáp: “Cứ từ từ đã, đi đâu mà vội”. Còn lớp trưởng quyết liệt hơn: “Mày mà chọc vợ tao, tao đánh cho bỏ mẹ”.
Tôi đứng cạnh bàn trà, nhìn về phía Mùi. Cô và đám đàn bà đang túm tụm một góc. Có lẽ, họ đang nói chuyện gì đó bí mật và buồn cười, thỉnh thoảng cười rinh rích, thỉnh thoảng cười phá lên, rồi lại tụm đầu. Để phụ nữ ngồi riêng với nhau, chuyện họ nói cũng à ơi ghê lắm. Lũ trẻ đã quen với nhau từ bao giờ. Chúng chạy nhảy, hò hét khắp hội trường. Đã có chuyện con nhà này đánh con nhà kia khóc…
– Làm tí cho vui – Thắng béo đi đến, nháy mắt hỏi tôi – Sợ à!?
Lâu rồi không đánh bạc, tôi cảm thấy những ngày vui thế này cần phải tiêu một chút tiền.
– Sợ gì mà sợ – Tôi nói.
– Mùi ơi! – Tôi đi lại gần đám các bà, các cô, nói – Em cho con lên phòng ngủ trước đi nhé. Anh chơi với các bạn một lúc.
– Vâng – Mùi đáp, rồi cười vang, như thể không quen tôi. Cô duyên dáng lấy vật gì trong tay đứa con gái nhỏ, nhún nhảy đi vứt vào sọt rác ở góc phòng.
– Thế nhé! – Tôi nói, khi Mùi trở lại.
– Vâng! – Mùi đáp.
***
Chúng tôi đánh ba cây, để tất cả đám có thể tham gia. Cứ ai nhiều điểm hơn thì ăn cả. Đầu tiên, tôi thua cỡ năm trăm ngàn, nhưng sau đó liên tục thắng.
– Thua hết mẹ nó tiền rồi, không đánh nữa – Đinh nói, và ném toẹt cái ví xuống đệm – Đen như chó. Bạc đen thì tình đỏ. Thôi, các ông đánh đi, tôi ra ngoài hóng gió một chút.
Tôi vẫn liên tục thắng, cỡ hơn năm triệu rồi.
– Mày có bốc con Mùi trước khi đi không? – Thắng béo hỏi.
– Đánh cho vui. Đỏ thì ăn, đen thì thua. Nói làm gì nhiều – Tôi nói.
Đinh đen đi mãi không về. Tôi vẫn liên tục ăn. Có đứa phải về phòng lấy tiền. Có đứa ngồi ra ngoài vòng làm quân sư…
– Thằng Thiệp đỏ quá – Một người đế vào – Một đêm đánh bạc bằng ba năm làm.
– Trả tiền đi – Tôi bảo.
– Nợ một ván đã – Tay kia đáp – Mày kiếm được mấy tháng lương rồi còn gì.
– Đừng cù nhầy – Tôi cáu lên.
– Mày bốc con Mùi, rồi đi lột tiền anh em – Hắn trả đũa.
– Bốc bốc cái con… – Tôi văng ra.
Thế là cãi nhau um lên. Tôi đứng dậy định ra về.
– A! Thằng này định chạy làng à – Hắn hét lên.
Thắng béo vươn người níu đai quần tôi lại:
– Không được ăn bẩn.
Đảo mắt nhìn quanh, vẫn không thấy Đinh đen đâu, tôi móc tất cả tiền ra, ném phẹt xuống nệm, trừng mắt:
– Trả cho các ông. Có mấy đồng bạc mà lắm chuyện.
***
Tôi bỏ ra ngoài. Đêm đã sâu. Gió biển thổi mạnh. Tôi ngó quanh quất, chẳng thấy ma nào ngoài hành lang. Sân khách sạn cũng vắng tanh. Tôi đứng một lúc nữa để nhẹ bớt hơi người, hơi thuốc trong ngực rồi về phòng. Tất cả đột ngột yên tĩnh. Ánh đèn ngủ mờ ảo. Hai đứa trẻ đang ôm nhau ngủ. Mùi co người, nằm quay mặt vào tường ở chiếc giường khác. Tôi nhìn những đường cong trên cơ thể nàng, nhìn vào cái khe tạo thành bởi hai chân Mùi, chạy sâu vào trong chiếc váy màu mỡ gà. Một hơi nóng đột ngột thốc lên, tôi lao nhanh đến ôm lấy Mùi. Cô chợt tỉnh và ưỡn ra. Tôi cố gợi chuyện. Cô lại ưỡn:
– Con kìa – Mùi nói, giọng ngai ngái.
– Chúng nó ngủ rồi – Tôi thì thào trong hơi thở.
Thế nhưng, cô vẫn cứ ưỡn ra.
– Hôm nay em không thích – Mùi nói.
– Hôm qua thích sao hôm nay lại không!? – Tôi hỏi và dùng sức mạnh xoay mặt cô về phía mình. Mùi ngồi bật dậy, gắt xẵng:
– Hôm nay em không thích.
Tóc Mùi rũ tung trên mặt. Đôi mắt cô lạnh tanh, trông có vẻ rất man dại.
– Anh làm sao thế ? – Mùi nói.
Tôi cảm thấy hơi tẽn tò, cười cười đáp:
– Làm sao là làm sao…
– Thôi ngủ đi, anh – Mùi xuống giọng – Cô bò sang chiếc giường kia, nằm xuống ôm con…
***
Tôi vào phòng vệ sinh, ngồi trên nắp bệ xí hút thuốc. Tôi thoáng nghĩ đến nạn bạo hành trong gia đình, do nguyên nhân vợ chồng không hòa hợp về tình dục. Tôi nhớ lại những lần làm việc khuya rồi đi nghỉ, Mùi luôn nằm sẵn trong màn chờ. Tôi tha thẩn dạo bước trong căn phòng vệ sinh khá rộng. Rồi tôi đến rửa tay trong bồn, và nhìn thằng người trong gương. Tóc tai hắn bê bết. Gương mặt thất thần, mụ đi, chỗ tái, chỗ đỏ. Tôi phà hơi rượu vào mặt nó, rồi nhún vai. Gã đó cũng nhún vai chế nhạo lại. Tôi chợt nhớ đến cô gái tinh nghịch thường trêu ghẹo những vụng về của tôi, từ hồi tôi còn chưa chinh phục được Mùi. Những lúc hai vợ chồng cùng xem album ảnh lớp cũ, trong đám đông, mặt người không lớn hơn khuy áo, nhưng tôi có cảm giác Mùi luôn phát hiện thằng khốn đó, tức thằng Đinh đen. Có trời mà biết, nàng và hắn đã yêu nhau sâu đến mức nào. Một ý nghĩ như chiếc vòng gai chợt siết chặt, làm tôi nhói đau và nghẹt thở: Mùi lấy tôi vì không có sự lựa chọn nào tốt hơn.
Tôi mở cửa, bước ra ngoài. Đêm đã loãng thếch ra. Một bình minh nhợt nhạt rạng lên, phía xa mù của biển.
***
Theo kế hoạch, ăn sáng xong, lớp sẽ tổ chức ra đảo, cách khách sạn chừng sáu cây số. Mùi muốn không đi, nhưng ánh mắt tôi làm cô từ bỏ ý định. Biển động. Sóng lớn. Gió to. Con tàu nhỏ chênh chao. Đôi nào đôi nấy lo cho nhau. Đinh đen ngồi một mình đằng mũi, ngắm trời, ngắm biển. Mùi thiêm thiếp gục vào lòng tôi, chốc chốc lại chồm dậy thò đầu qua mạn tàu, nôn thốc nôn tháo. Tôi nhìn gương mặt tái nhợt của Mùi, rồi lấy mu bàn tay chùi thứ nước trắng phìu ra bên mép cô. Không biết chùi tay vào đâu, tôi chùi vào quần mình. Tàu cập đảo. Tôi cõng Mùi đến nghỉ nhờ ở một căng- tin nhỏ. Tôi cảm thấy sức nặng mềm mại của cô trên vai. Các bạn vẫn đi tiếp, lên viếng ngôi chùa cổ lưng núi. Đứa con gái nhỏ của tôi ngồi trên cổ Đinh đen, còn đứa con trai luấn quấn bên chân hắn. Họ đi xa dần. Núi rừng gai góc. Bãi đá hoang sơ. Sóng biển ầm ào vỗ…
Khi trở về lại khách sạn, Mùi vẫn thiêm thiếp. Tôi tắt tiếng tivi, chỉ xem hình. Hai đứa trẻ ra ngoài chơi. Đến trưa, Mùi tỉnh lại. Bữa ăn chia tay nhanh gọn. Lớp chúng tôi trao đổi địa chỉ, số điện thoại, hứa sẽ liên hệ với nhau nhiều hơn…
Đinh đen đứng lơ láo nói chuyện với mấy tay bảo vệ ở cổng. Vì xe ô tô của tôi lắp kính màu, Đinh không biết gia đình tôi đang quan sát hắn.
– Bác Đinh, bác Đinh… – Lũ trẻ reo lên.
– Gọi là chú Đinh – Tôi trầm giọng.
– Sao con chưa bao giờ thấy bác… à.. à.. chú Đinh đến nhà mình chơi hở cha? – Con gái tôi hỏi – Chú ấy bảo con rất giống bà ngoại. Sao chú ấy lại biết con giống bà ngoại cha nhỉ?
Tôi nhìn Mùi. Cô lảng đi.
– Lớp anh vui thật đấy – Mùi nói – Anh có vui không?
– Vui – Tôi đáp.
Xe chạy như nuốt đường. Mùi và hai đứa nhỏ lim dim mắt gà gật. Hàng cây, làng mạc, xe cộ, người ngợm lùi nhanh về phía sau…
***
Khi chúng tôi về đến nhà, cha và chú tôi đang đánh cờ tướng trước hiên. Đứa con gái nhỏ ngồi ngay vào lòng ông nội. Đứa lớn chồm hổm ngồi xem. Cha tôi cầm quân cờ đi cạch một cái, rồi hôn mạnh vào má cháu.
– Nhớ cháu gái của ông quá – Cha tôi nựng – Ông cháu mình cùng dạy chủ tịch huyện đánh cờ nhé.
Chú tôi bực bội, cầm mãi quân cờ trên tay mà không đi.
Mùi chui ra chui vào trong xe ô tô thuê xem có sót đồ đạc không. Tôi giúp nàng xách túi du lịch vào nhà rồi đi rửa mặt. Gian nhà dưới bề bộn quá sức. Tôi cởi quần áo vứt vào chậu. Chậu bên cạnh là đống bát đĩa ngâm nước, bốc mùi chua chua. Vỏ mì tôm, cọng hành héo vương vãi trên mặt bếp. Tôi trở lên nhà định pha trà, nhưng nước trong phích nguội ngắt.
– Để ăn con xe, ăn con xe, ăn con xe – Cha tôi nói. Tiếp đó là một tiếng cạch, giật nảy cả người – Các cháu bảo người đánh cờ với vịt thì ai thắng?
– Được… – Chú tôi hằm hè – Được… Được…
Từ ngày nghỉ hưu, cha tôi đam mê các thú chơi cổ, như trà, lan, chọi gà, câu cá… Khi cụ sống ở làng, khi cụ sống với tôi. Ngày trước, ít đánh, nhưng cha tôi rất cao cờ. Còn cái máu hài hước, càng già càng… khó chịu.
– Sắp về hưu, không có xe con, đi lại vất vả lắm – Giọng cha tôi trầm ngâm.
Mùi tất tả từ dưới bếp đi lên, hỏi tôi:
– Anh ơi, cua luộc thế nào?
Tôi thoáng ngạc nhiên, không hiểu nàng kiếm được mớ cua ở đâu.
– Em đổ chút nước, thêm chút muối, rồi đun lên thôi – Tôi đáp.
– Anh nằm nghỉ, mai còn đi làm, để em chuẩn bị một lúc, rồi dậy uống rượu – Mùi vừa nói vừa quày quả xuống bếp. Nàng chợt quay lại nhìn tôi. Bốn mắt gặp nhau. Mắt Mùi chững lại… – Sao anh cười lạ thế? Có chuyện gì hay à!?
– Không – Tôi nói, và mỉm cười lúc lâu.
Mùi lườm tôi, rồi cũng phì cười.
– Lắm chuyện – Nàng nói và đi nhanh xuống bếp.
Tôi nằm trên giường của cha ở gian nhà ngoài.
– Thôi, tôi về đây – Chú tôi nói, giọng rất bực.
– Không học đánh cờ, về hưu còn biết làm gì – Cha tôi trêu.
– Tôi về đây – Chú tôi nhắc lại.
– Còn cua thì thế nào ? – Cha tôi hỏi.
– Ông thua ông chúng cháu rồi – Hai đứa trẻ đồng thanh.
– Được, vậy đánh ván khác – Chú tôi nói, và có tiếng sắp quân cờ lạch xạch.
Những ý nghĩ như tấm màn mỏng màu xám từ từ phủ xuống mặt tôi. Nhà tôi đang có đến bốn đứa trẻ – đời người ta hai lần trẻ con… Cuộc họp lớp kỷ niệm mười năm tốt nghiệp… Cuộc sống mười năm qua của tôi… Mười năm nữa tôi sẽ ngoài bốn mươi… Thêm một lần như thế là xong đời…
Mùi của cha từ chiếc gối bay lên, ấm áp, nồng nồng… Tiếng dội nước từ dưới bếp mơ hồ vọng lên… Cha tôi nói câu nào đó với lũ trẻ… Chú tôi làu bàu. Tấm màn xám sẫm lại, ụp nhanh xuống, làm mắt tôi trĩu cứng.
Suốt từ đêm qua, tôi chưa hề ngủ.
Tác Giả : Đậu Hải Nam / BTV Võ Hà / giọng đọc: Sơn Tùng