Truyện ngắn viết về cuộc đời của anh lính Quyết Thắng với cái tên thân mật là Cò Cung. Dù là con liệt sĩ, là cháu độc định của họ Lại nhưng Cò Cung vẫn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Người thanh niên trẻ tuổi đầy sức sống lên đường ra trận trong nỗi bịn dịn của người thân yêu và cả dân làng. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại mấy năm rồi mà Cò Cung vẫn chưa trở về. Người mẹ già sau mấy năm mong chờ mòn mỏi đã mất vì đau khổ còn người thương là cô Vân cũng đi lấy chồng. Nhiều năm trôi qua bỗng một ngày Cò Cung bất ngờ trở về làng. Người lính trở về với vết thương chiến tranh trên cơ thể và cả tinh thần. Dân làng ai cũng nhận ra người đàn ông tâm thần đó là anh lính Quyết Thắng nhưng vì không có giấy tờ nên anh không được hưởng những chính sách giành cho thương bệnh binh. Người thương binh đã hi sinh , mất mát trong cuộc chiến giờ đây đối diên với sự nóng lạnh của tình người. Trong khi bà con làng xóm, ông Trúc yêu thương đùm bọc anh thì chồng của cô Vân là Tình cùng các em gái cô Vân lại ghẻ lạnh với anh. Sự xuất hiện của ông Thông, người đồng đội của Cò Cung mang đến hy vọng chứng minh thân phận cho người lính. Thế nhưng đến khi mất, Cò Cung vẫn không được đền đáp xứng đáng cho sự hi sinh của anh. Truyện ngắn có đề tài hậu chiến xúc động về số phận người thương bệnh binh khi trở về quê nhà của mình. Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng những đau thương, thiệt thòi vẫn đè nặng lên cuộc sống của không ít thương bệnh binh và gia đình của họ. Nhân vật Cò Cung trong truyện ngắn là một người như vậy. Chiến tranh loạn lạc khiến không ít người lính không đủ điều kiện chứng minh thân phận của mình, những người lính hoạt động bí mật, những bất cập trong cơ chế, quy trình xác nhận để hương chế độ đền ơn đáp nghĩa khiến không ít người lính chịu thiệt thòi. Với giọng văn giàu cảm xúc, những chi tiết xúc động như sự chiến đấu anh dũng của Cò Cung, tình cảm đùm bọc của dân làng, hình ảnh hai đứa trẻ đặt viên đá trên mộ Cò Cung mang đến nhiều thương cảm cho người đọc, người nghe…(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
“Cò Cung ơi! Ra chợ đấy à!”
“Cò Cung ơi! Hát cải lương đi!”
“Cò Cung ơi! Có muốn lấy vợ không, lấy cô Vân nhá!”
Ngày nào cũng vậy, cứ nhác thấy bóng người đàn ông ấy là trẻ con người lớn trong làng Văn Lương lại réo lên ầm ĩ. Còn cái người đàn ông có cái tên “Cò Cung” ấy, anh ta chỉ toét miệng ra cười, rồi lại bước thấp bước cao thất thểu đi về phía chợ làng, miệng hát nghêu ngao một câu vọng cổ không rõ lời.
Chợ làng Văn Lương liền ngay sát mép nước ven bờ đê sông Đáy. Chợ chỉ lèo tèo mấy cái lều tạm và một cái đình lợp ngói vảy đã cũ nát xiêu vẹo, nhưng vào các buổi chợ phiên đều rất đông người. Ngoài những người trong làng ra còn có những người từ nơi khác đổ về mua bán nông hải sản nữa. Bến thuyền sát chợ luôn tấp nập, rộn rã tiếng chào hỏi, mời gọi. Những chiếc thuyền nan, thuyền thúng nằm san sát quanh bến.
Như đã chờ sẵn, nên chẳng để cho Cò Cung phải đứng gãi đầu gãi tai như mọi khi, bà hàng bánh rán vội giúi vào tay anh ta một cái bánh rán dính đầy mỡ, nóng giẫy. Bà này kéo cái vỉ buồm được đan bằng cói bộ, rồi trải ra đất, hất tay chỉ vào đó, miệng lầm rầm: “Ngồi xuống đây mà ăn đi đã, hôm nay rồi thì chợ đông lắm đấy!” Chưa kịp ăn xong cái bánh thì ở phía đối diện, chị hàng rau cải đã gọi với sang:
– Chú Cò ơi! Quàng lên rồi xách giúp tôi mấy xô nước với nhá!
Chỗ mấy người bán tôm bán cá cũng có giọng ai đó vồn vã với sang:
– Xong rồi khiêng hộ mấy cái thùng này vào trong lán cho chúng tôi với nữa!
Cứ như vậy, cái chợ làng Văn Lương tưởng như không thể thiếu được Cò Cung và ngược lại, cũng nhờ cái chợ quê đơn sơ này mà anh ta có được một cuộc sống tạm bợ qua ngày…
*
* *
Thật ra thì Cò Cung cũng có tên có tuổi đàng hoàng, mà tên đẹp hẳn hoi nữa. Nhưng ở cái làng này người ta đã quen với cái tên đó rồi nên già trẻ lớn bé đều gọi như thế cả.
Ngày đó, mùa xuân năm 1954, ông Lại Văn Cung tham gia đoàn dân công hỏa tuyến tiếp viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy ở nhà, vợ ông đang mang thai, đứa con đầu lòng mà cả gia đình họ tộc đều đang mong ngóng, bởi ngoài ba mươi tuổi ông mới lấy vợ và bố mẹ ông chỉ có mình ông là đứa con độc nhất. Vậy nhưng rồi, trong một trận ném bom ác liệt của giặc Pháp ông đã hi sinh cùng với ba người đồng đội khác trên một con đèo khúc khuỷu cách Điện Biên Phủ không xa. Trước khi chết ông chỉ kịp nói với những người đồng đội còn sống rằng, nếu ai còn trở về thì nói giúp với vợ ông là dù sinh con gái hay con trai thì cũng đặt tên nó là Quyết Thắng. Giải phóng Điện Biên được hai tháng thì bà Cung trở dạ sinh ra một thằng bé kháu khỉnh, bụ bẫm. Thôi thì khỏi phải nói, không chỉ gia đình nhà Cung mà ngay cả bà con xóm giềng cũng vui lây với họ. Chỉ có điều cha thằng bé đi vắng (lúc này ở nhà vẫn chưa biết tin ông Cung đã hi sinh) mà gia đình thì lại có ý chờ ông về để đặt tên cho con trai, vậy nên thằng bé vẫn chưa có tên mà mới chỉ được gọi là “thằng Cò con”, “thằng Cò con nhà Cung” cứ thế lâu dần thành quen miệng, rồi người ta gọi tắt luôn cho tiện, bởi vậy mà mới có cái tên Cò Cung. Cò Cung hay ăn mau lớn, chẳng mấy chốc mà đến tuổi đi học. Đến lúc ấy thì trong tờ giấy khai đã có tên là Lại Quyết Thắng, thế nhưng mọi người thì vẫn cứ quen miệng gọi là Cò, quen đến nỗi thậm chí cả khi cô giáo gọi lên bảng cũng vẫn cứ: “Cò Cung, Cò Cung!…”
Là con liệt sĩ, lại là cháu độc đinh của họ Lại nhưng không vì thế mà Cò Cung có thói chây lười, ỷ lại. Những năm đi học phổ thông cậu luôn luôn là một học sinh xuất sắc toàn diện. Thời chiến tranh với bao khó khăn gian khổ thiếu thốn đủ đường lo được đủ cơm ăn áo mặc thường ngày cũng không phải là chuyện dễ dàng. Bà Cung khi ấy lo được cho cậu con trai đến trường đi học cũng là một sự cố gắng rất lớn. Sớm ý thức được về hoàn cảnh của gia đình mình, nên cậu chàng Cò Cung quyết tâm chăm chỉ học tập để khỏi phụ công ơn của mẹ. Một buổi đến trường, một buổi ra đồng làm công điểm hợp tác xã, tối về lại xuống hầm chong đèn học bài cho đến khuya. Lên cấp ba, phải ra học ở trường huyện cách nhà ba chục cây số, vậy mà thứ bảy nào cậu cũng cuốc bộ về nhà, để ngày chủ nhật có thể giúp mẹ được ít nhiều.
Rồi năm đó, khi đang học dở lớp 10 thì Cò Cung làm đơn tình nguyện lên đường ra mặt trận. Nằm trong diện được ưu tiên cho nên lá đơn của cậu không được chấp nhận. Cò Cung buồn lắm về nhà nằm lì mấy ngày liền, cơm nước chẳng buồn ăn. Bà Cung thương con thắt ruột thắt gan nhưng nghĩ tới lúc phải xa con thì cũng lại xót lòng, cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn mà chẳng biết làm sao cho phải. Cuối cùng, cực chẳng đã, bà đành phải cất công lên huyện đội để xin cho con được nhập ngũ. Năm lần bảy lượt, rồi cuối cùng người ta cũng đồng ý, một phần vì nể bà Cung, phần nữa cũng là vì huyện đang thiếu người. Cầm trên tay tờ giấy gọi đi bộ đội, Cò Cung mừng lắm, chạy đi khoe khắp làng, thế là cậu đã thỏa được cái chí trai thời loạn.
Năm ấy, làng Văn Lương chỉ có một mình Cò Cung đi bộ đội, nên hầu như cả làng đều ra tiễn chân. Bà Cung với cô Vân thì khóc sướt mướt.
Cô Vân là con ông bà Trúc, hàng xóm nhà bà Cung. Ông bà Trúc có tới ba cô con gái nhưng cô Vân là xinh xắn nhất, nết na nhất nhà, mà có thể nhất cả cái làng Văn Lương này nữa. Cô Vân vừa bằng tuổi cậu Cò nhà bà Cung, hai đứa chơi thân với nhau từ bé, nhà cạnh nhau lại học cùng lớp nên suốt ngày cứ quấn quýt củ khoai củ nghệ với nhau. Học hết cấp hai thì cô Vân phải nghỉ học vì phận nữ nhi ăn học có chừng, cậu Cò thì lên học cấp ba trường huyện, nhà bà Cung đơn người nên ông bà Trúc thường cho cô Vân qua lại đỡ đần. Bà Cung cảm cái tấm lòng ông bà Trúc lắm, bà cũng quý cô Vân, thương cô như con gái. Có cái gì ăn bà cũng để phần, có chuyện gì vui buồn bà cũng nhỏ to tỉ tê với cô. Ngày cậu Cò có giấy gọi nhập ngũ, bà Cung định mang cơi trầu sang bên ông bà Trúc để xin cô Vân về làm dâu và cũng để có người bầu bạn mỗi lúc sương chiều nắng sớm, ấy vậy mà khi nghe bà nói cái ý định đó thì cậu Cò lại gạt phắt đi. Chẳng phải là cậu không thương yêu gì cô Vân hay là không có hiếu với mẹ, điều này thì bà biết lắm, bởi ngay từ tấm bé, cậu Cò luôn là một người con ngoan ngoãn, hiếu thảo và thương quý bà hết lòng, còn với cô Vân thì khỏi phải nói rồi! Nhưng cậu Cò lại muốn cất bước ra đi mà không để một chút gì vướng bận trong lòng, hơn nữa cô cậu cũng còn trẻ lắm, tương lai phía trước còn rộng dài; mà vả lại giữa cậu và cô Vân tuy tình cảm vương vít đằm thắm thật nhưng thực ra cũng chưa có lời hẹn ước nào, vậy nên cậu không muốn để cho cô Vân phải ràng buộc, đợi chờ. Bà Cung hiểu lòng con nên cũng không cố nài ép thêm nữa.
Cò Cung đi bộ đội năm trước thì năm sau cô Vân sang ở hẳn với bà Cung, cho dù chưa có sự cưới hỏi giữa hai gia đình. Bà Cung khi ấy cũng đau yếu luôn, lại chỉ có một thân một mình nên có cô Vân, nhà cửa cũng bớt đìu hiu, quạnh quẽ. Đến lúc đó thì không nói ra nhưng ai cũng biết cô Vân đã là dâu con nhà bà Cung rồi, cái còn lại chỉ là đợi ngày chiến thắng cậu Cò trở về mà thôi.
Ba năm sau ngày Cò Cung đi bộ đội thì đất nước hòa bình thống nhất. Hòa giữa niềm vui chung của cả nước, cái làng Văn Lương bé nhỏ cũng rộn rã, tưng bừng trong cái bầu không khí ấy. Trong làng lác đác cũng đã có người từ chiến trường trở về; lành lặn có mà què quặt chân tay cũng có, nhưng người nào người nấy mặt mũi cứ tươi roi rói, sáng ngời hạnh phúc.
Hơn ai hết, bà Cung là người sốt ruột nhất, bởi từ ngày vào chiến trường cậu Cò nhà bà chỉ viết về có vài bận thư rồi còn thì là biệt tăm tích; vậy mà giải phóng đã mấy tháng trời, con cái nhà người ta cứ ầm ầm cả xóm ngõ, còn cậu Cò của bà thì vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu! Ừ mà bà có mong cho riêng bà đâu cơ chứ, nhiều lúc nhìn thấy con bé Vân tủi hủi một mình, bà lại thấy não hết cả ruột gan. Bà cũng chỉ mong cậu Cò về để xin với ông bà Trúc, cưới quách đi cho cô cậu yên phận, mà bà cũng được an lòng lúc tuổi già.
Không đợi được nữa, bà Cung quyết định phải lên huyện đội để hỏi xem họ có biết tin tức gì về con bà không. Thực sự thì trong lòng bà đã bắt đầu thấy bồn chồn, lo lắng; bà sợ là cậu Cò của bà sẽ không trở về, bà sợ là rồi người ta sẽ lại đưa cho bà cái giấy báo tử giống như với ông Cung dạo trước.
Mấy anh cán bộ huyện đội đón tiếp bà thân mật, niềm nở như với người thân, bởi họ đã quen mặt bà từ cái đận lên xin cho cậu Cò đi bộ đội. Họ khuyên bà rằng hãy kiên nhẫn chờ đợi, rằng đất nước tuy đã hòa bình thống nhất nhưng công việc hãy còn bộn bề, rằng cũng có thể con trai bà đang trên đường trở về cũng nên. Và cuối cùng họ cũng chỉ hứa với bà là khi nào có tin tức gì về đồng chí Lại Quyết Thắng thì họ sẽ báo cho bà ngay lập tức. Sau đó cứ mấy tháng một lần, bà Cung lại lò dò về huyện nhưng bà không hỏi thăm hay đề nghị gì nữa, mà chỉ đòi được xem danh sách những người mới được báo tử về địa phương, không thấy có tên Lại Quyết Thắng bà mới lại yên lặng quay về và tiếp tục chờ đợi.
Ít lâu sau thì bà Cung lâm bệnh nặng rồi qua đời, mang theo nỗi day dứt về đứa con trai biệt tăm tích của mình. Trước khi chết, bà chỉ kịp trăng trối lại rằng: ba năm sau ngày bà chết mà cậu Cò vẫn không trở về thì ngôi nhà của bà sẽ được hiến cho nhà thờ xứ đạo làng Văn Lương.
Đám tang bà Cung xong thì cô Vân cũng đi lấy chồng, chẳng phải là cô không muốn chờ đợi cậu Cò thêm nữa, cho dù đó là sự chờ đợi vô vọng mà bởi vì hai cô em gái. Cô Vân là chị cả, mà cứ ngồi chình ình ở đó thì làm gì có ma nào chịu rước hai cô em đi. Người nhà quê vốn là vậy, thôi thì cũng đành!
Chồng cô Vân là anh chàng Tình, cũng là người làng Văn Lương, anh này làm cán bộ văn hóa xã, suốt ngày vác cái loa phóng thanh to tướng đi tới khắp các xóm ngõ để thông báo những tin tức chính trị, sản xuất của địa phương. Cô Vân có thương yêu anh ta không thì chẳng biết, nhưng anh ta thì say mê cô ngay từ cái ngày cậu Cò Cung còn ở nhà. Ngày ấy, tối tối chàng Tình vẫn thường mò đến để tán tỉnh cô Vân, nhưng rồi bà Cung biết chuyện, bà làm ầm ĩ cả lên và thế là ông bà Trúc cấm cửa. Chàng Tình ức lắm, mà chẳng biết làm thế nào được vì bà Cung là gia đình liệt sĩ, nên anh ta đành ngả mũ chào thua. Ấy vậy mà cái sự đời lại bỗng dưng thay đổi. Và thế là đám ma bà Cung hôm trước thì hôm sau anh chàng Tình đã mang trầu cau đến dạm hỏi cô Vân. Lần này thì ông bà Trúc đón tiếp Tình như một vị anh hùng. Ừ, mà cũng phải thôi, vì cho dù lớn bé gì thì anh ta cũng đường đường là một cán bộ ủy ban hẳn hoi, lại sạch sẽ trắng trẻo chẳng đui què sứt mẻ gì. Vì lẽ ấy mà đám cưới của cô Vân được tổ chức một cách rất linh đình và chóng vánh.
Một năm sau thì cô Vân sinh đứa con đầu lòng rồi tiếp đến là đứa thứ hai, thứ ba. Cuộc sống cứ như thế trôi đi êm ả như là sự vốn có của nó. Cái làng Văn Lương bé nhỏ với bao tình cảm yêu thương tưởng cũng đã quên đi những chuyện vui buồn của quá khứ. Cho đến một ngày…
Đó là vào một buổi chiều cuối năm trời se se lạnh. Người làng Văn Lương đang náo nức chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, người người rộn rã, đi lại tấp nập, không ai để ý tới một người đàn ông đầu tóc rối bù, mặc bộ quần áo bộ đội nhàu nát đứng tha thẩn trên con đường đầu làng. Người ấy chính là Cò Cung! Mãi cho tới sau này, người ta cũng vẫn không hiểu nổi rằng vì sao và bằng cách nào, mà một người đã mất hoàn toàn trí nhớ như Cò Cung lại có thể trở về được làng Văn Lương.
Người đầu tiên nhận ra Cò Cung là ông Trúc, khi đó ông đang đi ra chợ thị trấn để mua cho nhà thờ một cái giá cắm nến mới, vừa đến đầu làng thì bắt gặp Cò Cung đang đứng ngẩn ngơ, nghiêng ngó; thấy ngờ ngợ, ông bèn tiến sát đến nhìn cho rõ mặt. Rồi bất chợt ông nắm lấy hai vai Cò Cung lắc lắc, ông kêu lên thảng thốt: “Thằng Cò! Thằng Cò nhà bà Cung đây mà!” Người làng khi đó nghe tiếng ông Trúc mới đổ xô đến, vòng trong vòng ngoài hỏi thăm tíu tít thế nhưng anh Cò mặt cứ tỉnh bơ, thỉnh thoảng lại toét miệng ra cười rất ngây ngô. Còn ông Trúc khi đó thì cứ thế ôm ghì lấy Cò Cung mà khóc thút thít tự nhiên như một đứa trẻ.
Từ hôm về làng, ông Trúc để cho Cò Cung tá túc trong nhà mình, bởi trên mảnh đất của bà Cung khi xưa, giờ đã mọc lên một cái nhà thờ cao lớn với cái tháp chuông ngất ngưởng. Ông bà Trúc thương Cò Cung lắm, cũng không hẳn chỉ vì anh ta là một kẻ tâm thần lúc mê lúc tỉnh, mà còn bởi trong lòng ông bà còn ẩn chứa tấm lòng bao dung của những người làm cha làm mẹ. Ông bà lo cho Cò Cung từ bữa ăn giấc ngủ, cho tới những lúc trái nắng trở trời với cơn tâm thần bộc phát. Có một điều làm cho ông Trúc luôn day dứt, đó là Cò Cung trở về mà không có một thứ giấy tờ tùy thân nào đủ để chứng minh thân phận của anh ta và cũng là để có cơ sở làm chế độ trợ cấp, hòng sau này còn có chỗ mà nương tựa. Và thế là lại giống như bà Cung dạo trước, ông Trúc lọ mọ lên huyện rồi lên tỉnh; cũng đề đạt, cũng đòi hỏi, cũng phòng nọ ban kia, nhưng chỗ nào người ta cũng chỉ lắc đầu xin chịu. Cuối cùng ông Trúc đành liều cho thông tin lên Đài tiếng nói Việt Nam để tìm đơn vị của Cò Cung nhưng rồi cũng chẳng có hồi âm gì.
Việc làm của ông bà Trúc, với người khác thì đó là một sự cao cả độ lượng, nhưng với các con của ông bà thì ngược lại; họ không chấp nhận để cho ông bà nuôi một người điên điên dở dở ở trong nhà, hơn thế lại còn phải lo lắng, vất vả vì anh ta. Gay gắt nhất là anh con rể cả, tức là anh Tình chồng cô Vân, khi ấy đã là phó chủ tịch xã. Anh này tuyên bố nếu như ông bà Trúc còn tiếp tục chứa chấp một thằng điên và có thể là một thằng đào ngũ nữa ở trong nhà thì anh ta sẽ không còn nhìn mặt. Cô Vân thì không tỏ thái độ gì và cũng không biết tình cảm thật như thế nào nhưng một điều chắc chắn là cô không thể qua mặt được một người quá khôn ngoan và độc đoán như Tình. Mấy cô em, cậu em thì được thể hùa theo ông anh rể gây áp lực với bố mẹ đòi đuổi Cò Cung ra khỏi nhà. Trước sức ép của con cái, ông Trúc không có cách nào khác, đành đến gặp ông trùm trưởng xứ đạo làng Văn Lương xin cho Cò Cung được vào ở trong nhà thờ. Ông trùm đồng ý ngay vì ông rất hiểu tấm lòng và hoàn cảnh của ông Trúc, hơn nữa đất xây dựng nhà thờ là do bà Cung tiến cúng ngôi nhà mà có, đâu nỡ lòng nào giáo dân làng Văn Lương này lại để cho Cò Cung phải bơ vơ không nhà, không cửa. Thế là từ hôm ấy Cò Cung chuyển đến ở hẳn trong nhà thờ và sống trong tình yêu thương, đùm bọc của cả làng. Ngày ngày công việc của Cò Cung là lo kiếm cho ao cá của nhà thờ một gánh cỏ, còn bao nhiêu thời gian thì ra chợ. Cuộc sống của Cò Cung như vậy, và số phận của con người ấy, hẳn đã được Chúa an bài.
*
* *
Vào một ngày mùa hè, trời nắng và nóng nực hơn mọi ngày. Phiên chợ làng Văn Lương cũng vì thế mà được họp từ rất sớm và có vẻ đông hơn ngày thường. Những gánh rau, mẹt tôm cá cứ hối hả nối đuôi nhau vào chợ. Vì chợ đông nên Cò Cung cũng tất bật hơn thường ngày, cứ chạy lăng xăng hết hàng nọ đến hàng kia mà vẫn không kịp. Và khi Cò Cung chạy ra cổng chợ xách nước cho mấy chị hàng rau thì một tai nạn đã xảy ra. Bỗng đâu có một chiếc ô tô con lao tới “két!… rầm!…” Chẳng kịp nữa rồi! Cái thân hình gầy còm bé nhỏ của Cò Cung đổ vật xuống, xô nước văng ra bắn tung tóe. Những người ở trên đường, những người ở trong chợ cùng đổ xô đến. Mấy người ở trên xe cũng vội vã xuống xe hỗ trợ, họ là những cán bộ quân đội đang trên đường về địa phương công tác; ngồi cùng trên xe lúc ấy còn có cả ông Tình là phó chủ tịch xã.
Cò Cung được đưa đến trạm y tế xã, anh ta bị gãy hai cái xương sườn và xây xát khắp người. Người y sĩ băng bó vết thương hình như thấy chiếc áo đã cũ nát của Cò Cung vướng bận cho công việc của mình, liền lấy kéo cắt phăng đi rồi lột ra. Khi thân hình của Cò Cung lộ ra với những vết thương bầm tím và những vết sẹo dài ngắn loằng ngoằng chẳng biết có từ bao giờ thì một trong số những người cán bộ quân đội trên chiếc xe xô phải Cò Cung, đứng đó tái mặt đi:
– Anh Thắng! Có phải anh Thắng không? – Người đó thốt lên sửng sốt. Và khi những người xung quanh xác nhận rằng Cò Cung cũng có tên là Thắng thật, thì anh ta lao đến ôm lấy Cò Cung mà nức nở:
– Anh Thắng ơi… Đại đội trưởng ơi! Sao đến nông nỗi này!
*
* *
Tối hôm ấy, tại nhà thờ xứ đạo làng Văn Lương, người cán bộ quân đội là thượng tá Thông (như lời giới thiệu của ông Tình) đã kể cho mọi người nghe về những năm tháng mà ông đã sống và chiến đấu bên cạnh Cò Cung, tức người đại đội trưởng Lại Quyết Thắng. Ông Thông kể: “Hồi ấy, năm 1978, tôi được biên chế vào một đại đội đặc công ở chiến trường Campuchia và đơn vị ấy do anh Thắng làm đại đội trưởng. Anh là một người mưu trí dũng cảm, đã chỉ huy anh em đánh nhiều trận khiến cho quân địch phải bạt vía kinh hồn. Anh cũng bị thương nhiều lần, trong đó có một vết thương ở sườn bên phải do một lần đánh giáp lá cà, anh đã bị trúng một mũi lê của quân Pôn Pốt. Anh Thắng là người sống rất tình cảm, luôn yêu thương đùm bọc giúp đỡ anh em đồng đội. Đặc biệt anh rất mê hát cải lương, có thời gian rảnh rỗi là anh lại lôi mấy cậu quê miền Nam ra bờ sông bắt họ dạy cho anh dăm ba câu vọng cổ. Lần cuối cùng anh Thắng bị thương rất nặng bởi một mảnh đạn cối găm vào gáy, tuy thế nhưng anh cố sức lết lên chỉ huy anh em đánh địch, khi kết thúc trận đánh chúng tôi mới đưa anh tới cấp cứu ở một trạm quân y dã chiến. Thế rồi chiến trường thúc bách, chúng tôi lại ra đi vào những cuộc chiến đấu mới, anh em thất lạc nhau từ đó. Sau này, khi đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế bên nước bạn, một số anh em chúng tôi đã đi tìm tin tức về anh nhưng không có kết quả gì, bởi chỉ biết quê anh ở vùng miền ven biển Nam Định chứ không có địa chỉ cụ thể.” Ông Thông kể tới đáy thì ngừng lại và mọi uẩn khúc về cuộc đời của Cò Cung xem như cũng đã được phơi bày. Mọi người ngồi lặng yên không nói, chỉ lác đác có những tiếng thở dài và tiếng khóc sụt sịt của một ai đó. Tiếng khóc thương cảm cho số phận của một người con làng Văn Lương dũng cảm, kiên trung nhưng đã phải chịu nhiều đắng cay, thiệt thòi, khóc vì mừng cho Cò Cung đã có ngày hôm nay, cái ngày mà một người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ tới được; cái ngày mà một con người dở điên dở khùng thoắt cái được xem như một vị anh hùng của làng Văn Lương.
*
* *
Đã lâu lắm, tôi – người kể câu chuyện này mới có dịp trở lại làng Văn Lương, một ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh bên bờ con sông Đáy quanh năm nước chảy dật dờ, thuyền bè xuôi ngược. Làng Văn Lương giờ đã khác xưa rất nhiều; những ngôi nhà mái bê tông hai ba tầng mọc lên san sát, cái chợ quê bé tẹo dạo trước giờ đã thành một khu thị tứ sầm uất. Cái duy nhất để cho tôi dễ dàng nhận ra, đó chính là ngôi nhà thờ xứ đạo với cái tháp chuông cao lớn vẫn đứng sừng sững như một minh chứng của thời gian. Thế nhưng Cò Cung thì đã không còn nữa! Nghe người làng kể lại rằng vào một đêm mùa đông mưa rét, gió bấc cắt lòng, Cò Cung lại bị lên cơn tâm thần rồi cứ thế chạy, mọi người nghe tiếng la hét cũng vội đổ đi tìm nhưng không thấy, tới sáng hôm sau thì mới thấy xác Cò Cung nằm co ro ở ngoài bãi sông. Đám ma Cò Cung to lắm, cả làng đều đi đưa, lại có cả kèn tây, trống đúm, chỉ có điều đám ma mà chẳng có lấy một người đội khăn tang, và cũng chẳng có ai khóc than hồn.
Dẫn tôi ra thăm mộ Cò Cung là ông trùm xứ đạo làng Văn Lương, ông chỉ cho tôi một đống đất đá tới chừng vài chục mét khối nằm ngay trên bờ đê, trên đó là một cây thập giá bằng gỗ xoan cắm nghiêng nghiêng như sắp đổ.
– Mộ Cò Cung đấy! – Ông trùm chậm rãi nói với tôi. – Mới đầu cũng nhỏ thôi, nhưng rồi lâu dần người làng qua lại, ai cũng thương lòng mà đắp thêm cho hòn đất, viên đá nên giờ mới to rộng thế này.
Vậy là Cò Cung ngay cả khi chết đi cũng vẫn được sự thương yêu đùm bọc của mọi người trong làng. Thôi thì đó cũng là một nghĩa cử dành cho một con người đã không quản ngại hi sinh cuộc sống riêng tư của mình cho tổ quốc.
– Sao lại không đưa phần mộ vào nghĩa trang liệt sĩ của xã để cho tiện việc chăm sóc? – Tôi nêu thắc mắc với ông trùm xứ đạo.
Ông không trả lời ngay câu hỏi của tôi mà chỉ buông một tiếng thở dài, mãi hồi lâu rồi ông mới lên tiếng:
– Trước khi chết, chú ấy vẫn chưa được công nhận là thương binh. Nghe đâu cái ông Thông ấy cũng đã đi tới nhiều nơi, gõ nhiều cửa nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả gì. Khổ cái là Cò Cung không có một loại giấy tờ gì nên người ta cũng không thể xác nhận được…
*
* *
Sớm hôm nay từ giã làng Văn Lương, tôi lại ghé qua viếng mộ Cò Cung một lần nữa. Anh nằm ở đó, hướng ra dòng sông Đáy mênh mang nước chảy, từng cơn gió lồng lộng thổi vào mát rượi, ngoài mặt sông là những con thuyền cứ nối đuôi nhau qua lại hối hả. Từ xa trông lại, tôi thấy thấp thoáng có hai đứa trẻ đang hè nhau khiêng một hòn đá đắp lên mộ anh. Bất giác, tôi thấy lòng mình thật ấm áp, nhẹ nhàng…
T.H.