Năm 676, Địch Công nhậm chức Thứ sử Bắc Châu tại vùng biên giới xa xôi. Sự yên bình của Bắc Châu bị phá vỡ khi hàng loạt vụ án bí ẩn xảy ra. Đầu tiên là vụ mất tích bí ẩn của một tiểu thư ngay giữa phiên chợ đông người. Nối tiếp sau đó là một vị phu nhân bị sát hại dã man trong căn phòng khoá kín. Cuối cùng là một vị võ sư danh tiếng bị đầu độc một cách hèn hạ. Liệu cuối cùng, Địch Công và các trợ thủ của mình có tìm được chân tướng sự việc cũng như phá giải những vụ án này không?
Vẫn với kiểu viết truyện án lồng án như những cuốn trước, tác giả Robert van Gulik đã xây dựng thành công cốt truyện tương đối hấp dẫn. Tuy nhiên, điểm đột phá ở cuốn này có lẽ là công việc pháp y. Điển hình là trong vụ án thương nhân sát hại lần đầu tiên công việc khám nghiệm pháp y được đánh dấu quan trọng trong quá trình phá án bởi quan Ngỗ Tác và ngoài 3 trợ thủ luôn phò tá Địch Công và góp mặt góp phần luôn quan trọng của nữ nhân trong truyện là mấu chốt phá án.
Có lẽ thành công nhất ở cuốn này không phải ở những pha hành động mà lại nằm ở tâm lí của từng nhân vật. Từ tâm lý lệch lạc, biến thái của hung thủ, lòng ghen tuông, thù hận của những người đàn bà, cho tới tình cảm yêu thương nồng thắm của các nhân vật cũng được tác giả khắc hoạ rõ ràng và chân thực. Điển hình như Địch Công, ông không chỉ là một ông quan án chuẩn chỉnh nữa, ông còn bộc lộ những tâm tư, tình cảm rất đỗi bình thường. Ông cáu gắt và cùng quẫn khi không phá được án, ông còn vô cùng đau khổ khi mất đi một người trợ thủ thân tín của mình.
Khâu biên tập ở cuốn này tương đối ổn. Tuy nhiên điểm trừ là trong khoảng mấy chục trang cuối có hiện tượng chữ của trang trước bị hằn lên trang sau thành ra nhiều đoạn đọc rất khó.
Đen Đá Không Đường